Dấu ấn tiên phong

phumyhung-1599708603-15.jpg

Trong suốt chặng đường cùng đất nước đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như  xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn phát huy tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước,” không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện, nhất là duy trì và phát huy vai trò tiên phong, đầu tàu kinh tế đối với đất nước, từng bước vươn tầm khu vực.

Trong bối cảnh có nhiều thách thức hiện nay, từ khách quan đến nội tại, Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương tìm kiếm các giải pháp phù hợp, đáp ứng với nhu cầu thực tế của thành phố cũng như cả nước và xu hướng chung của quốc tế để xây dựng thành phố ngày càng hiện đại, văn minh, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước, duy trì vị trí đầu tàu kinh tế.

TTXVN có loạt bài viết ghi nhận những thành tựu quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế cũng như những định hướng để phát triển thành phố nhanh, bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

Không ngừng khẳng định vai trò đầu tàu

Để hoàn thành vai trò vị trí đầu tàu trong các mặt phát triển, nhất là lĩnh vực kinh tế, trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, các thế hệ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh một mặt tận dụng hiệu quả những lợi thế sẵn có như đất đại, hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt khác luôn chủ động sáng tạo, đổi mới, “khai phá” nhiều cách làm mới để thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ. Có thể nói, vị trí đó không phải tự nhiên có được, mà do có sự nỗ lực rất lớn của nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố qua nhiều thời kỳ.

Từ những con số biết nói…

Vai trò và vị trí của Thành phố Hồ Chí Minh luôn được nhắc đến và khẳng định trong nhiều văn kiện cũng như đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố qua các thời kỳ. Thực tế này cũng được thể hiện rõ qua quy mô kinh tế của thành phố ngày càng tăng cũng như đóng góp vào quy mô kinh tế cả nước ngày càng lớn.

Về vai trò đầu tàu kinh tế, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, tỷ trọng đóng góp của Thành phố Hồ Chí Minh vào nền kinh tế cả nước trong 25 năm qua không ngừng tăng lên. Cụ thể, giai đoạn 1996-2000, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước; giai đoạn 2001-2010 chiếm 20% nhưng đến giai đoạn 2011-2019 là hơn 22%.

Tỷ trọng đóng góp của Thành phố Hồ Chí Minh vào nền kinh tế cả nước trong 25 năm qua không ngừng tăng lên

Tương tự, giá trị gia tăng tạo ra trên 1km2 của thành phố so với cả nước cũng ngày một tăng. Nếu giai đoạn 1996-2000, trên 1km2 của Thành phố Hồ Chí Minh tạo ra giá trị gia tăng cao gấp 27 lần bình quân cả nước, thì giai đoạn 2001-2010 gấp 31 lần và giai đoạn 2011-2019 gấp 35 lần.

Điều này có nghĩa là sau khoảng 3 năm, giá trị gia tăng tạo ra trên 1km2 của Thành phố Hồ Chí Minh bằng giá trị cả nước tạo ra trên 1km2 trong 100 năm. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cơ sở để đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước ngày càng tăng, đó là năng suất lao động. Thành phố Hồ Chí Minh luôn duy trì năng suất lao động bình quân cao hơn cả nước khoảng 2,7 lần và năm 2019 là 2,9 lần.

Dưới góc độ con số tuyệt đối, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng bình quân khoảng 8,3%/năm (giai đoạn 2016-2019); quy mô GRDP tăng hơn 1,6 lần, từ 919 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 1,49 triệu tỷ đồng vào năm 2020. Các ngành dịch vụ của thành phố phát triển đạt kết quả cao cả về quy mô và năng suất, chất lượng; giá trị gia tăng dịch vụ chiếm hơn 33% giá trị gia tăng của toàn ngành dịch vụ, đứng đầu của cả nước.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh giữ vị trí đầu tàu không chỉ là tăng trưởng mà đóng góp vào ngân sách cả nước. Cụ thể, thu ngân sách của thành phố giai đoạn 2001-2010 bình quân đóng góp ở mức 26% ngân sách cả nước, đến giai đoạn 2011-2019 là khoảng 27,6%.

“Tỷ trọng đóng góp ngân sách tiếp tục tăng, đây là yếu tố chỉ rõ Thành phố Hồ Chí Minh là vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, tiếp tục được giữ vững và tiếp tục được khẳng định,” ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh thu hút vốn xã hội đạt 36% tổng sản phẩm nội địa, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X đề ra là 30%. Tỷ lệ thu hút vốn đầu tư nước ngoài của thành phố so với cả nước cũng không ngừng tăng. Năm 2015, tỷ lệ này là 13,4%, đến năm 2016 chiếm 13,7%, năm 2017 chiếm 14,2% và trong 2 năm gần đây đều chiếm 14,7% cả nước. Dự kiến đến cuối năm 2020, trên địa bàn thành phố có hơn 10.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư, kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 49 tỷ USD.

Những cách làm đột phá

Từ sau ngày giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một đầu tàu kinh tế, có nguồn thu ngân sách lớn của cả nước. Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ đây là nơi có nhiều đề xuất, đóng góp xây dựng đường lối đổi mới từ thực tiễn sinh động và từ đòi hỏi của cuộc sống. Thành phố đã tìm cách bung ra sản xuất theo yêu cầu, theo năng lực và tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế cũng được Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định thông qua các mô hình phát triển hiệu quả như khu công nghiệp-khu chế xuất, khu công nghệ cao; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; ngân hàng thương mại cổ phần; thành lập trung tâm chứng khoán thành phố, xây dựng thị trường vốn…

Khởi đầu với Khu chế xuất Tân Thuận năm 1991 – khu chế xuất đầu tiên của cả nước, sau đó là các khu công nghiệp, khu chế xuất khác được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này từng bước hiện thực hóa chính sách phát triển kinh tế mới, tạo dựng khung pháp lý về mô hình này để thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp trong cả nước. Thông qua đó, thành phố đã thực hiện các mục tiêu về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm; tiếp nhận kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, hiện đại; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa vùng ngoại thành…

Nút giao thông hiện đại được hình thành tại khu vực Cát Lái-Xa lộ Hà Nội, góp phần phát triển khu đô thị mới tại quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Nút giao thông hiện đại được hình thành tại khu vực Cát Lái-Xa lộ Hà Nội, góp phần phát triển khu đô thị mới tại quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Để thực hiện tham gia vào nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều biện pháp, giải pháp bình ổn thị trường, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, đề ra nhiều chương trình, điển hình như Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng…

Một trong những thành tựu nổi bật khác của Thành phố Hồ Chí Minh là phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Trên cơ sở quy hoạch đô thị và vùng đô thị, thành phố tập trung nhiều nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, hình thành các trục giao thông như Đại lộ Võ Văn Kiệt, Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và các tuyến Vành đai 2, 3… đang từng bước được hoàn thiện. Song song đó, các khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Tây Bắc, Hiệp Phước, khu đô thị mới Thủ Thiêm… đã và đang được xây dựng, hình thành nên vóc dáng của một đô thị hiện đại.

Cùng đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi có nhiều thị trường phát triển mạnh mẽ, có quy mô hàng đầu cả nước như thị trường hàng hóa với quy mô lớn, duy trì mức tăng trưởng cao; thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường vốn liên tục tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, cá nhân; các thị trường như bất động sản, khoa học và công nghệ, lao động cũng phát triển mạnh mẽ, có khả năng cạnh tranh cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Một trong những thành tựu nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh là phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại

Với khát vọng đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm kinh tế của khu vực châu Á, từ năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung các nguồn lực để triển khai xây dựng đô thị thông minh, trong đó Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 được triển khai với các yếu tố cấu thành như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; kho dữ liệu dùng chung; nền tảng dữ liệu mở, Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm an toàn thông tin… Thành phố là địa phương đầu tiên thực hiện đô thị thông minh và mới đây cũng là địa phương đầu tiên công bố Chương trình chuyển đổi số.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đây là giải pháp mang tính cấp thiết và căn cơ giúp thành phố giải quyết những mặt trái của cơ chế thị trường, đô thị hóa…

Bên cạnh đó, mô hình đô thị thông minh còn có ý nghĩa to lớn hơn ở cấp quốc gia, góp phần khẳng định vai trò và vị trí đầu tàu của thành phố trong nền kinh tế quốc gia, góp phần tạo bản lề cho thành phố phát triển theo hướng kinh tế trí thức./.

Những mô hình

tiên phong

Bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ dựa vào những lợi thế sẵn có để phát triển mà còn chủ động nghiên cứu, tìm tòi, triển khai các mô hình phát triển mới theo xu hướng chung của thế giới, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao. Những mô hình đầu tiên của cả nước này được triển khai 20 năm qua, đến nay đã bước đầu cho trái ngọt; trong đó, điển hình là Khu công nghệ cao thành phố, Công viên phần mềm Quang Trung. Đây cũng là những “hạt nhân” trong xây dựng đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh của thành phố hiện nay và trong tương lai.

Khu công nghệ cao tỷ đô

Được thành lập đầu những năm 2000, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) đã thật sự tạo được dấu ấn riêng trong sự phát triển của các khu công nghiệp-khu chế xuất của thành phố, với những dự án “triệu đô.” Đây được xem là chính sách phát triển đột phá của Đảng và Nhà nước.

Nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Lê Hoài Quốc cho biết sự phát triển của SHTP có thể chia làm hai giai đoạn chính là từ năm 2002 đến 2011 và từ năm 2011 đến nay. Nếu như điểm nhấn của giai đoạn đầu là Nidec và Intel thì giai đoạn hai, dấu ấn là Samsung với việc Thành phố Hồ Chí Minh trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Samsung CE Complex có tổng vốn 1,4 tỷ USD.

Một góc Khu công nghệ cao, quận 9, TP.HCM. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Một góc Khu công nghệ cao, quận 9, TP.HCM. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Trong giai đoạn đầu, dự án Intel Product Vietnam (IPV) với tổng giá trị đầu tư của giai đoạn 1 hơn 1 tỷ USD vào năm 2006 là một dấu mốc quan trọng cho lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam. Hiện nay IPV đang có kế hoạch mở rộng với số vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn 2 khoảng 1 tỷ USD.

Ông Lê Hoài Quốc nhớ lại: “Thời điểm đó, IPV là dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao đầu tiên có giá trị đầu tư lớn nhất và có tác động lan tỏa rất lớn cho việc thu hút đầu tư các dự án sau đó tại SHTP nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Nối tiếp IPV, nhiều dự án công nghệ lớn cũng đầu tư vào khu… Dự án của Intel đã để lại dấu ấn đậm nét không chỉ về doanh thu, về năng suất lao động trên đầu người luôn dẫn đầu trong các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, mà đặc biệt là góp phần đào tạo nhân lực cho Việt Nam.”

Cũng từ dấu ấn này, IPV đã góp phần cùng Ban Quản lý Khu đề xuất với Trung ương nhiều cơ chế và chính sách trong quản lý các doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư mở rộng cho các doanh nghiệp công nghệ cao. Sau 14 năm kể từ ngày Tập đoàn Intel chính thức đầu tư dự án IPV, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành với hạ tầng kỹ thuật được hoàn thiện, hơn 95% đất đã được giao cho nhà đầu tư và giá trị sản xuất cũng như xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Tính đến tháng 8/2020, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có 158 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với 108 dự án trong nước (tổng vốn 44.497 tỷ đồng) và 50 dự án nước ngoài (5.679 triệu USD). Trong 8 tháng năm 2020, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 12,687 tỷ USD, tăng 15,85% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 77,64 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 73,425 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 66,842 tỷ USD.

Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Năng suất lao động bình quân của SHTP giai đoạn 2015-2019 ước đạt 295.000 USD/lao động, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2010 – 2015. Theo bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, năng suất lao động theo giá trị gia tăng của lao động trong khu luôn cao hơn gấp 20 lần so với năng suất lao động bình quân cả nước.

Những năm gần đây, doanh nghiệp tại SHTP đã tăng dần các hoạt động R&D (nghiên cứu triển khai) và tăng chi phí đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện đa số nhân sự bộ phận R&D đều là người Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang hình thành các trung tâm nghiên cứu tại SHTP với mục tiêu đầu tư phát triển hoạt động R&D của tập đoàn tại Việt Nam.

Không chỉ thu hút đầu tư và nghiên cứu khoa học, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường. Chỉ trong năm 2020, SHTP đã thương mại hóa thành công 2 sản phẩm gồm dung dịch rửa tay diệt khuẩn dựa trên nền tảng công nghệ Nano bạc, nước súc miệng và gel rửa tay khô DR-OH đáp ứng nhu cầu thị trường tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi cho biết, từ khi thành lập đến nay, Khu Công nghệ cao chủ yếu tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Từ năm 2020, Khu sẽ chú trọng thêm nhiệm vụ phát triển các sản phẩm công nghệ cao cùng các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, thực hiện mô hình đi từ nghiên cứu trong phòng thí nhiệm (Labs), xác lập sở hữu trí tuệ, sản xuất công nghiệp và thương mại hóa; trong đó hướng tới xuất khẩu.

Khu công viên “1 vốn… 30 lời”

Nếu SHTP là điểm nhấn về phát triển công nghệ cao, thì Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) được thành lập năm 2001 là điểm sáng về “đón đầu” làn sóng phát triển công nghệ thông tin. Vốn là một khu Hội chợ Quang Trung nằm ở vùng ven thành phố, QTSC được quy hoạch phát triển thành khu công viên phần mềm tập trung đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, với tổng diện tích 43ha.

Sau 20 năm, QTSC đã có sự phát triển vượt bậc và thể hiện sự thành công lớn trong chính sách đầu tư. Nếu như năm 2001, QTSC có 21 doanh nghiệp và 250 nhân viên, thì nay đã có 165 doanh nghiệp và 21.831 người; hình thành hệ sinh thái công nghệ và môi trường sáng tạo. Trong số 165 doanh nghiệp phần mềm, có 4 doanh nghiệp hàng đầu thế giới là KDDI (Nhật Bản), Hitachi Vantara, Concentrix (Hoa Kỳ) và Hexagone (Anh); 6 doanh nghiệp có chứng chỉ CMMI (quản lý chất lượng sản xuất phần mềm tiên tiến thế giới).

Quản lý vận hành hệ thống quản lý thông minh tại Công viên Phần phầm Quang  Trung. (Ảnh: Hoàng Tuấn-Tiến Lực/TTXVN)
Quản lý vận hành hệ thống quản lý thông minh tại Công viên Phần phầm Quang Trung. (Ảnh: Hoàng Tuấn-Tiến Lực/TTXVN)

Mô hình hợp tác công tư PPP đã phát huy hiệu quả tại Công viên Phần mềm Quang Trung, đó là việc nhà nước chỉ đầu tư khoảng 230 tỷ đồng vào hạ tầng nhưng đã thu hút được các thành phần kinh tế khác với vốn thực hiện 5.600/6.606 tỷ đồng đăng ký.

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, hiện công viên đã đạt tỷ lệ lấp đầy 87,61% diện tích, dự kiến giai đoạn 2021-2022 sẽ không còn quỹ đất. Tổng ngân sách đầu tư đến tháng 6/2020 là 230 tỷ đồng và đã thu hút 6.606 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư. Tính ra, 1 đồng vốn ngân sách đầu tư đã thu hút tới gần 30 đồng vốn doanh nghiệp.

Sự phát triển của QTSC cũng góp phần thực hiện chiến lược công nghệ thông tin và chính phủ điện tử. QTSC cung cấp dịch vụ NOC với 805 điểm kết nối cho sở ngành, 1 kết nối vào mạng số liệu chuyên dùng cho Văn phòng Chính phủ để sử dụng phần mềm liên thông văn bản 4 cấp; các dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây; dịch vụ an ninh thông tin và hộp thư điện tử cho các cán bộ và các đơn vị thành phố.

Hiện nhiều hoạt động cũng được triển khai hiệu quả tại QTSC, như ươm tạo nhiều doanh nghiệp phần mềm với khoảng 40 doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; đưa vào vận hành Khu thực nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp (đang nâng cấp mô hình “làng thông minh” trong năm 2020). Năm 2018, QTSC đưa vào vận hành Khu nghiên cứu công nghệ mới (R&D Labs) ưu tiên dành cho doanh nghiệp Việt Nam.

Công viên phần mềm Quang Trung. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)
Công viên phần mềm Quang Trung. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)

Từ mô hình khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước, hiện QTSC đang được phát triển thành chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung, với các thành viên là Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia; Trung tâm HueCIT; công viên phần mềm Mekong; Bến Tre Innotech… nhằm phát huy thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương, đối tác… Đây là điều chưa có tiền lệ, hướng tới QTSC phát triển thành công viên phần mềm trọng điểm quốc gia, hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết, mục tiêu phát triển của QTSC là xây dựng thành công mô hình công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam trong số 8 công viên phần mềm của cả nước, tạo thành điểm thu hút đầu tư quan trọng cho ngành phần mềm thành phố và cả nước. Điều này giúp QTSC luôn phát triển ổn định, bền vững, năm sau luôn cao hơn năm trước.

Nắm bắt xu thế hội nhập quốc tế, hiện QTSC đã, đang triển khai và ứng dụng những giải pháp công nghệ, với hơn 20 hệ thống cho hoạt động quản trị Công viên phần mềm Quang Trung. Những hoạt động này góp phần nâng tầm QTSC lên một nước ngoặt mới, trở thành một khu đô thị phần mềm ngày một thông minh hơn, tiến đến trở thành mộ mô hình mẫu về đô thị thông minh đầu tiên của cả nước.

Thương hiệu QTSC được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đóng góp vào xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành công nghiệp thông tin và phần mềm Việt Nam

Thương hiệu QTSC được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đóng góp vào xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành công nghiệp thông tin và phần mềm Việt Nam. Theo QTSC, thời gian qua, có 1.107/1.499 đoàn khách nước ngoài đến khu tìm hiểu ngành công nghệ thông tin, phần mềm Việt Nam.

Theo đánh giá của hãng KPMG năm 2017, trong các khu công nghệ tại châu Á, QTSC thuộc Top 3 về thế mạnh về chính sách ưu đãi đầu tư cao và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng; Top 4 khu công nghệ có thế mạnh về mức độ tập trung, đồng nhất ngành nghề của doanh nghiệp hoạt động trong khu.

Nhờ hai chủ trương chính xác và kịp thời là đầu tư khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung của Việt Nam, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành đầu tàu, trung tâm khoa học công nghệ của cả nước. Đây cũng là nền tảng để Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến, “địa chỉ đỏ” cho làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo./.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

‘Địa chỉ đỏ’

về không gian sáng tạo đổi mới

Với mục tiêu hướng đến phát triển thành phố thành đô thị thông minh cũng như tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án khởi nghiệp sáng tạo quy mô nhất cả nước. Các chủ trương, chính sách đã giúp Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định vị thế và là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Cộng đồng khởi nghiệp

Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm thúc đẩy việc xây dựng nền tảng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và là địa phương có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là địa phương luôn tiên phong với việc ban hành nhiều chính sách đột phá và các hoạt động đa dạng trong hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Một trong những “đột phá” trong triển khai chính sách được thành phố xây dựng là hình thành không gian hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Saigon Innovation Hub – Sihub) với diện tích 2.000m2. Không gian này đủ điều kiện hỗ trợ thành lập và hoạt động cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ, đánh dấu sự tham gia của Nhà nước trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Điều hành Sihub, đây là sáng kiến triển khai mô hình Nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tiên của Việt Nam dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực, kết nối cộng đồng, nhờ đó hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ. Các sự kiện được tổ chức tại Sihub rất đa dạng, có sự liên kết, hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế và các sự kiện này được diễn ra thường xuyên và liên tục.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Sự hỗ trợ một phần của thành phố thông qua Sihub đã giúp thu hút đông đảo các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tham gia, đặc biệt, phần lớn các sự kiện tại Sihub đều do cộng đồng thực hiện. Thông qua đó, thành phố kịp thời nắm bắt được những nhu cầu của cộng đồng, kịp thời xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển.

Hiện Sihub đã kết nối trên 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Mô hình đặt tại Sihub với 3 trụ cột là Studio Lab (hỗ trợ các dịch vụ quay clip giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, chụp ảnh mẫu sản phẩm, quay các video bài giảng online…); Maker Space (khu vực chế tạo mẫu thử nghiệm); Open Lab (xưởng sản xuất thực nghiệm).

Từ các hoạt động đó, thành phố đã thiết lập nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu 134 phòng thí nghiệm, 626 chuyên gia, 275 tổ chức khoa học công nghệ…, qua đó đã giúp các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và doanh nghiệp nói riêng có những chuyển biến rõ rệt về nhận thức, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện qua việc số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm tỷ lệ 36,4%.

Dẫn đầu về khởi nghiệp

Năm 2016, nắm bắt xu thế hoạt động khởi nghiệp, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 4181/QĐ-UBND về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 5342/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, từ chủ trương trên, Sở đã triển khai Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành phố (Speedup), đến nay đã tuyển chọn hỗ trợ cho 40 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ của nhà nước là 25,3 tỷ đồng, kinh phí đối ứng từ các quỹ đầu tư là 10,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã hỗ trợ kinh phí tổ chức trên 60 sự kiện thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp với tổng kinh phí thực hiện khoảng 62 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước chiếm 30%.

Nhiều dự án khởi nghiệp được hỗ trợ thông qua các chương trình đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư thiên thần với định giá tăng từ 1,5 đến 1,8 lần so với định giá trước khi nhận được hỗ trợ. Nổi bật là Dự án Teamup được một quỹ đầu tư mua lại với định giá là 15 tỷ đồng; dự án SchoolBus đã gọi vốn thành công cho giai đoạn tiếp theo là 1,8 tỷ đồng; dự án 689 Cloud đã gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư thiên thần cho giai đoạn tiếp theo với số vốn 100.000 USD…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các startup Việt giai đoạn 2015-2018 tăng từ 140 triệu USD lên gần 900 triệu USD. Nhờ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng hàng đầu, quy mô thì từ vị trí thứ 6 (năm 2015) đã vươn lên vị trí thứ 3 (năm 2019) trong khu vực.

Sự “bùng nổ” về phong trào khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh giúp số lượng startup của Việt Nam tăng từ 400 startup năm 2012 lên gần 1.800 startup vào năm 2015, đạt 3.000 startup năm 2017 và năm 2019 ước đạt 3.800 startup; trong đó, gần 50% là số lượng startup tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Không chỉ mô hình Sihub, thành phố đã đầu tư và khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, góp phần xây dựng nên một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Trong số này, nổi bật là Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao, mỗi năm tiếp cận với hơn 90 dự án khởi nghiệp và đưa vào ươm tạo mới khoảng 10 dự án; đã hỗ trợ cho hơn 29/63 dự án thương mại hóa sản phẩm thành công. Tổng doanh thu của các dự án đang ươm tạo năm 2017 đạt trên 5 tỷ đồng và năm 2018 đạt trên 9 tỷ đồng.

Từ vị thế dẫn đầu trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố thúc đẩy hình thành các hệ sinh thái tại các tỉnh, thành trong khu vực cũng như liên kết vùng. Thành phố đã hỗ trợ huấn luyện, tư vấn cho các tỉnh như: Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Phú Yên, Bình Định, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An… hình thành các không gian, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ hình thành mạng lưới kết nối với gần 30 tỉnh thành trên cả nước trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái.

Hiện trên 97% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên nguồn lực còn yếu, việc đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo rất hạn chế.

Bên cạnh đó, các trường đại học đầu tư phần lớn nguồn lực cho hoạt động đào tạo, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm cũng hạn chế; hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa gắn với thị trường. Thực tế này đòi hỏi thành phố phải đẩy mạnh hơn hoạt động đổi mới sáng tạo, hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thành phố đang hoàn thiện Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng của thành phố phát triển ngang tầm khu vực 

Ông Nguyễn Khắc Thanh cho biết hiện Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đang hoàn thiện Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng của thành phố phát triển ngang tầm khu vực. Đây là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố, góp phần nâng cao tỉ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP hàng năm từ 40% trở lên.

Thành phố sẽ đề ra các giải pháp trọng tâm như phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm và thị trường; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công…

Đây là hệ thống các nhiệm vụ hỗ trợ sự gắn kết bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp, trường-viện, nhà nước, tổ chức hỗ trợ, tổ chức tài chính, doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo. Những nỗ lực và chủ trương, chính sách này nhằm tạo động lực cho thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững./.

Phát huy hiệu quả 

các nguồn lực xã hội

Trong điều kiện nguồn lực của nhà nước còn nhiều khó khăn, hạn chế, Thành phố Hồ Chí Minh nổi lên là một trong những điểm sáng của cả nước trong phát huy các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, thành phố tiếp tục thể hiện tư duy đổi mới, hình thành khu đô thị sáng tạo nhằm đột phá để tiếp tục phát triển.

Điểm sáng huy động vốn đầu tư xã hội

Trong 5 năm 2016-2020, tổng vốn đầu tư xã hội bình quân chiếm khoảng 35% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tỷ trọng khu vực nhà nước giảm từ 19,9% năm 2015 xuống chỉ còn 11,5% năm 2020, tăng tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài nhà nước năm 2020 là 88,5%. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư, các chính sách khuyến khích phát triển của nhà nước ngày càng hoàn thiện, huy động tốt hơn các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế thành phố.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý 22 Hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã ký kết và đang triển khai, với tổng mức đầu tư 64.244 tỷ đồng; 166 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư dự kiến là 324.770 tỷ đồng. Thành phố đang kêu gọi đầu tư gần 293 dự án trên tất cả các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư dự kiến 910.426 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn, hình thức hợp tác PPP được các cơ quan, ngành tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố triển khai đúng hướng, hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích trong công việc quản lý, khai thác công trình, công ty dịch vụ như thu hút được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân.

Thông qua hình thức BT, trong giai đoạn 2015-2017, thành phố đã huy động được 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Thông qua hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), trong giai đoạn 2015-2017, thành phố đã huy động được 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần giải quyết yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết nhu cầu vốn trong điều kiện ngân sách thành phố còn hạn chế; góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân như giảm kẹt xe, xây dựng các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục…

Một số dự án BT hoàn thành và đưa vào sử dụng như dự án cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài (đây là công ty đầu tư theo hình thức BT đầu tiên của nhà đầu tư nước ngoài (Công ty GS-Hàn Quốc thực hiện), qua đó, có thể thực hiện thành công bước đầu trong việc kêu gọi nguồn vốn tư nhân trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn khi tham gia đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Một góc Quận 2 với tuyến đường xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Một góc Quận 2 với tuyến đường xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Để thu hút vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực cấp thiết; chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cổng thông tin điện tử PPP của thành phố, là công cụ hữu hiệu trợ giúp các nhà đầu tư tiềm năng tiếp cận được các thông tin dễ dàng, thuận tiện, đầy đủ. Ngoài những dự án trên, các cơ sở hạ tầng giao thông đầu mối quan trọng khác như mở rộng Xa Lộ Hà Nội, Nhà máy xử lý nước thải kênh Tham Lương-Bến Cát… cũng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Việc đưa quỹ đất vào thanh toán cho các dự án theo hình thức BT đã góp phần giảm áp lực sử dụng vốn ngân sách nhà nước thành phố trong đầu tư hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, góp phần phát triển thành phố. Thời gian tới, khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành, thành phố có thể sẽ gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án không có nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công hoặc khó khả thi về mặt tài chính do luật không còn quy định về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang chuẩn bị một quy trình của thành phố để triển khai các dự án PPP, đồng thời kiến nghị Trung ương có quy trình để liên kết các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án PPP. Quy trình này là quy trình cụ thể cho từng loại dự án PPP, chủ động đề xuất dự án để kêu gọi đầu tư, không được bị động, mặt khác đấu thầu công khai chọn các nhà đầu tư.

Phát triển đô thị sáng tạo

Trong nỗ lực đổi mới sáng tạo, từ năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông để hình thành trung tâm động lực tăng trưởng mới cho thành phố trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khu đô thị sáng tạo cao phía Đông thành phố (gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức) có diện tích là 21.000ha (chiếm 11% diện tích thành phố), gần 1 triệu dân (11% dân số thành phố). Đây là khu vực có Khu công nghệ cao (tổng đầu tư trên 7 tỷ USD, xuất khẩu 8 tỷ USD/năm) và 4 khu công nghiệp, khu chế xuất cùng với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và 5 đại học khác (100.000 sinh viên và gần 2.000 tiến sỹ); Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) có Trung tâm tài chính, cảng Cát Lái – cảng container lớn nhất cả nước. Với những nền tảng đó, Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ là nơi có mật độ công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao lớn nhất thành phố, mật độ sinh viên và nghiên cứu khoa học đại học lớn nhất cả nước, trong tương lai có thể đóng góp 30% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh.

Một trong những “hạt nhân” của Khu đô thị sáng tạo phía Đông là Khu Công nghệ cao thành phố, nơi tập trung nhiều tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới và một nền tảng phát triển mạnh mẽ.

Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cho biết Khu Công nghệ cao thành phố đặt mục tiêu trong tương lai trở thành trung tâm không gian khoa học sáng tạo, là hạt nhân Khu đô thị sáng tạo phía Đông, chuyên cung cấp và nuôi dưỡng nhân lực, vốn, công nghệ cao từ trong và ngoài nước.

Một góc khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Một góc khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Hiện Khu Công nghệ cao đang tập trung thu hút công nghệ cao, sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút các công nghệ mới, hình thành các trung tâm R&D trong doanh nghiệp, hoạt động R&D tăng về lượng và chất. Sự liên kết với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học khác, Khu Công nghệ cao tạo được giá trị cốt lõi trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thành phố và các tỉnh lân cận, thông qua các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế cung ứng cho doanh nghiệp.

Với vai trò là trung tâm khoa học-công nghệ hạt nhân của khu đô thị sáng tạo, theo bà Lê Bích Loan, Khu Công nghệ cao sẽ tập trung xây dựng môi trường thuận lợi cho phát triển khoa học – công nghệ; thu hút nguồn nhân lực phát triển khoa học-công nghệ; xây dựng mối liên kết giữa chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, viện, trường trong việc phát triển công nghệ cao cho thành phố; trung tâm nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt hướng đến xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.

Những cách làm hay, sáng tạo đã giúp Thành phố Hồ Chí Minh tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ thời gian qua

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành hành động nhằm xây dựng khu vực phía Đông thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao. Đây đồng thời sẽ là khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố trong các hoạt động kinh tế tri thức, như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, khu vực này có cường độ ứng dụng công nghệ cao, cường độ đào tạo và nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước, có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế. Đây là các yếu tố tác động tạo nên vùng tăng trưởng mới.

Những cách làm hay, sáng tạo đã giúp Thành phố Hồ Chí Minh tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Khi những nguồn lực đầu tư hạn chế, kinh tế tri thức bùng nổ, thành phố đã chủ động nắm bắt thời cơ, quy hoạch phát triển khu Đông thành một đô thị sáng tạo, nhờ chuỗi nguồn lực khoa học công nghệ-trí thức-doanh nghiệp nhằm tạo bước “đột phá mới” trong phát triển./.

Vượt qua trở lực

Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, song từ thực tiễn phát triển của thành phố trong những năm qua cho thấy, đã xuất hiện nhiều trở lực khiến tốc độ tăng kinh tế chậm lại, thậm chí nhiều lĩnh vực giảm sút so với trước đây. Trước thực trạng đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang không ngừng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới để đưa kinh tế thành phố phát triển bền vững và tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Không ít trở lực

Tốc độ tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh so với cả nước hiện đang giảm. Giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố bằng khoảng 1,6 lần cả nước, nhưng 2011-2019 chỉ bằng 1,2 lần. Tốc độ tăng trưởng kinh tế có chiều hướng chậm lại, với cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận định là trong 20 năm qua tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố đầu tư phát triển ngày càng giảm.

Cụ thể, tỷ lệ ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh được giữ lại là 33% (năm 2000) đã giảm còn 18% (giai đoạn 2017-2020). Trong cùng thời gian đó, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%, Hải Phòng để lại từ 100% còn 78%.

“Việc làm giảm nguồn lực từ ngân sách là một lý do khách quan hạn chế sự vượt trội của Thành phố Hồ Chí Minh,” Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Ngoài nguyên nhân trên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần rà soát lại những yếu tố chưa đột phá, chưa được phát huy hết trong thời gian qua, như ứng dụng khoa học công nghệ.

Về liên kết vùng để thúc đẩy phát triển, gần đây Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến, như hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh miền Tây, 5 tỉnh Đông Nam Bộ; ký kết với tỉnh Tây Ninh đầu tư tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài… Tuy nhiên, nhìn lại 5 năm qua chưa có đột phá.

Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế hiện nay trong phát triển kinh tế thành phố. Đó là, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn; liên kết doanh nghiệp, khoa học, đào tạo và nhà nước hiệu quả chưa cao, nên đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao còn chậm; chưa chú trọng đúng mức việc phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ và hạ tầng giao thông nên chưa tạo được sự dẫn dắt phát triển các ngành kinh tế và tạo đột phá về thu hút đầu tư. Sự tụt hậu về hạ tầng là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế.

Đi vào cụ thể, hiện công nghiệp, dịch vụ đóng góp hơn 99% trong cơ cấu kinh tế, nhưng quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ hiện chỉ chiếm gần 5% quỹ đất toàn thành phố, tức khoảng 10.000ha. Điều này, theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân là bất hợp lý.

Cuối năm 2017, Đảng bộ thành phố ra Nghị quyết năm 2018 phải có một khu công nghiệp mới để thu hút đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Nếu Thành phố dành quỹ đất tốt hơn cho công nghiệp, dịch vụ thì có thể đón thêm các nhà đầu tư lớn.

Đại lộ Phạm Văn Đồng, tuyến đường kết nối đến sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm thành phố. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Đại lộ Phạm Văn Đồng, tuyến đường kết nối đến sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm thành phố. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Cùng với đó, hạ tầng thành phố những năm qua dù được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như tốc độ phát triển chung. Theo kết quả giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tiến độ và hiệu quả đầu tư các công trình giao thông trọng điểm mới đây, trong tổng số 172 dự án giai đoạn 2016-2020, thành phố mới hoàn thành 37 dự án (tỷ lệ 21,51%); chưa thực hiện 70 dự án (chiếm 40,7%); đang dừng thi công 65 dự án.

Riêng giai đoạn 2018-2020, hoàn thành 14/85 dự án theo kế hoạch. Điều này xuất phát từ nguồn lực hạn chế, như giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách thành phố đã bố trí cho 120 dự án với số vốn là 12.4822 tỷ đồng (đạt 27%); nguồn vốn ngoài ngân sách được kỳ vọng rất lớn nhưng thực tế phần vốn đầu tư cho các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) với 13/40 dự án triển khai, ước đạt được khoảng 16.996 tỷ đồng (chỉ đạt 13% so với nhu cầu).

Từ thực tế này, tại buổi làm việc, góp ý vào dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý về mô hình phát triển của thành phố thời gian tới, nếu thành phố đi theo mô hình cũ, cả thể chế, mô hình phát triển thì khó có thể phát triển. Không đổi mới cách làm, không tăng năng suất lao động cần thiết, thì một số thành phố khác như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương có thể vượt mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân của Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ động đổi mới, sáng tạo, tiên phong

Trước những trở lực đã được nhận diện, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, kiên trì nghiên cứu, đề xuất với Trung ương để xem xét, quyết định, cùng với đó, thành phố cũng đẩy mạnh, phát huy nội lực để đưa kinh tế thành phố phát triển.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ban ngành Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa 4 chuyên đề để tạo động lực phát triển cho thành phố gồm: hình thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông, kiến nghị thành lập thành phố Thủ Đức – hạt nhân phát triển kinh tế của thành phố; thực hiện chính quyền đô thị; đề xuất chủ trương phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Thành phố Thủ Đức được hợp nhất từ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. (Nguồn: TTXVN)
Thành phố Thủ Đức được hợp nhất từ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. (Nguồn: TTXVN)

Với vai trò là trung tâm, đầu tàu kinh tế của cả nước, có vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, thành phố cân nhắc mục tiêu phấn đấu sớm trở thành thành phố công nghiệp thông minh, hiện đại, hội nhập, trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính có tầm khu vực và toàn cầu. Thành phố đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, cần nâng tỷ lệ ngân sách cho nghiên cứu và phát triển lên 5-7% tổng chi ngân sách hoặc 2% GRDP của thành phố trong 5 năm tới.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là trung tâm của vùng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng nên dành ít nhất 5% nguồn lực, ngân sách, vốn tín dụng, đất đai để cùng các địa phương cùng vùng kinh tế trọng điểm giải bài toán phát triển vùng. Thành phố Hồ Chí Minh cần nhấn mạnh đến rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố gắn với vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập trong quy hoạch hiện nay.

Trong các buổi làm việc với lãnh đạo thành phố gần đây, Thủ tướng cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh phải thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm, bởi theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ thêm về kinh tế ban đêm thì đóng góp từ 5-8% GDP của thành phố. Ngoài ra, thành phố xác định hướng đi chính là công nghiệp công nghệ cao; đón bắt, tận dụng tốt cơ hội chuyển dịch sản xuất của các tập đoàn, chuỗi giá trị toàn cầu đến khu vực Đông Nam Á; tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ sắp tới, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và thực hiện 4 chương trình phát triển thành phố; trong đó có 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm với 47 chương trình, đề án cụ thể. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, kinh tế số để xứng tầm thành phố thông minh, đi đầu về ứng dụng công nghệ 4.0.

Với những chủ trương, định hướng rõ ràng, Thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Trong đó, Đảng bộ và nhân dân thành phố sẽ nỗ lực để phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Đây là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định việc tăng cường liên kết vùng, đảm bảo Thành phố Hồ Chí Minh vừa đóng vai trò trung tâm, vừa phát triển bền vững, hài hòa

Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định việc tăng cường liên kết vùng, đảm bảo Thành phố Hồ Chí Minh vừa đóng vai trò trung tâm, vừa phát triển bền vững, hài hòa, tạo động lực cho chính bản thân thành phố cũng như khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ.

Song song với đó, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu là mục tiêu của sự phát triển, đồng thời phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số với hệ thống thông tin di động 5G…

Với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo vốn có của mình, Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước tháo gỡ, vượt qua các trở lực để tiến lên một cách vững chắc, khẳng định vị thế đầu tàu của khu vực cũng như cả nước trong phát triển kinh tế,  nâng cao đời sống nhân dân./.

Một góc cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Một góc cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)