Quy hoạch phát triển đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

0309dothi4-1599142019-11.jpg

Đất nước ngày càng phát triển và đổi mới, đời sống người dân ngày càng được cải thiện nâng cao. Với quy mô là đô thị lớn nhất cả nước hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang đổi thay từng ngày với những công trình, khu đô thị mới được quy hoạch bài bản, hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân thành phố, trở thành động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay thành phố đang thực hiện việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2045 tầm nhìn năm 2060.

Theo đó, thành phố đang tổ chức rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch để xem xét, điều chỉnh cục bộ phân khu, quy hoạch chi tiết; lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo hướng tái cấu trúc đô thị tại các khu vực xung quanh nhà ga, tuyến đường sắt đô thị, dọc các tuyến kênh.

Với những khát vọng đổi mới, sáng tạo không mệt mỏi, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân có quyền tin tưởng trong tương lai không xa, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, trở thành trung tâm tài chính, khoa học công nghệ, giáo dục không chỉ của Việt Nam mà còn ngang tầm khu vực và thế giới.

Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2020), TTXVN có loạt bài nhìn lại thành tựu trong quy hoạch phát triển đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước.

Đổi thay diện mạo thành phố

Với nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, được sự đồng tình ủng hộ của người dân, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện cuộc sống người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Hồi sinh những dòng kênh “chết”

Tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè dài hơn 10km, chảy qua địa bàn các Quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Đây là tuyến kênh ô nhiễm bậc nhất Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng,ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho hơn 1,2 triệu dân; góp phần thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp.   

Với quyết tâm “giải cứu” kênh Nhiêu Lộc, từ năm 2002, dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè (giai đoạn 1) được thiết kế với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng.

Sau gần 10 năm triển khai, vào ngày 18/8/2012, công trình xây dựng, cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc kênh được khánh thành, đánh dấu sự hồi sinh của dòng kênh hơn 20 năm “chết” chìm trong rác.

Giờ đây, nước kênh đã xanh trở lại, khoảng 1,2 triệu người sống xung quanh lưu vực kênh; trong đó, hầu hết là người nghèo có hệ thống thu gom nước thải tập trung, trực tiếp được hưởng lợi thông qua cải tạo điều kiện vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt.

Dự án cải tạo kênh Tân Hóa-Lò Gốm. (Nguồn: Mạnh Linh/TTXVN)
Dự án cải tạo kênh Tân Hóa-Lò Gốm. (Nguồn: Mạnh Linh/TTXVN)

Vào mỗi buổi sáng hay mỗi đêm xuống, người dân xung quanh tản bộ dọc bờ kênh hóng mát, tập thể dục. Đường sá 2 bên tuyến kênh được tổ chức lại sạch sẽ, trở thành nơi buôn bán, kinh doanh nhộn nhịp.

Theo lãnh đạo Ủy  ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho hơn 1,2 triệu dân; góp phần thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp và tổ chức tốt việc tái định cư người dân trong khu vực.

Tương tự, tuyến kênh Tân Hóa-Lò Gốm có khoảng 1 triệu dân chịu ảnh hưởng trực tiếp do tuyến kênh bị lấn chiếm, xây nhà trái phép, xả rác bừa bãi.

Từ cầu Lò Gốm (Quận 6) lên hướng thượng nguồn về phía quận Tân Phú, Tân Bình, dòng kênh càng nhỏ lại, nước đen bốc mùi hôi thối, đến địa bàn quận Tân Phú, dòng kênh chỉ còn là con rạch nhỏ.

Phát huy những bài học kinh nghiệm từ dự án kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai dự án “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm” nhằm mở rộng kênh, xây tường kè, cống hộp, nạo vét bùn, đắp bờ kênh và cải tạo đường rộng từ 6-20m, xây mới 10 cầu qua kênh, chỉnh trang 4 khu cảnh quan dọc tuyến.

Đến nay, toàn bộ nước thải sinh hoạt của dân cư, các cơ sở sản xuất vốn gây ô nhiễm cho dòng kênh nay được chảy ngầm trong lòng cống, vấn đề ngập nước khi có triều cường hay mưa lớn trong lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm đã cơ bản được giải quyết.

Sau khi hoàn thành, dự án đã cải thiện ô nhiễm và giải quyết ngập cho lưu vực kênh Tân Hóa-Lò Gốm có diện tích gần 19km2 ở các Quận 6, Quận 11, Quận Tân Bình và Quận Tân Phú.

Nhiều khu vực từ Bàu Cát đến Đầm Sen, đường Âu Cơ, Hòa Bình đã không còn chìm ngập trong nước bẩn, bốc mùi hôi thối như trước.

Hiện nay, đô thị xung quanh tuyến kênh đã được chỉnh trang theo hướng văn minh, hàng nghìn căn nhà trước kia nằm trong hẻm, hướng ra đường Nguyễn Văn Luông nay trở thành mặt tiền đường Tân Hóa, Lò Gốm rộng 12m.

Dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm, đoạn từ cầu Ông Buông đến hạ lưu kênh, nhiều nhà mới khang trang được xây cất, một số dự án thương mại, chung cư cao tầng cũng đang được khẩn trương xây dựng…

Ông Nguyễn Đình Đức, ngụ tại Quận 6 cho biết, kể từ khi cải tạo tuyến kênh, mở rộng đường dọc kênh, cuộc sống người dân đã thay đổi, nhiều người thuận tiện hơn trong sinh hoạt, buôn bán, kinh doanh và thoát khỏi cảnh ô nhiễm nặng nề đã từng phải chịu đựng từ nhiều năm qua.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đạt được đa mục tiêu về nâng cao điều kiện sống của hơn 1 triệu người dân với nhiều thế hệ sinh sống dọc hai bên bờ kênh vốn ô nhiễm trầm trọng và thường xuyên ngập lụt. Giá trị đất đai nhà cửa cũng nhờ đó tăng cao, tình trạng bệnh tật được đẩy lùi, phúc lợi công cộng, an sinh xã hội được đầu tư đầy đủ, diện mạo của khu vực thay đổi một cách rõ rệt và nhanh chóng.

Tiếp tục chỉnh trang

Cải tạo, hồi sinh các “dòng kênh chết” không chỉ là việc khơi thông dòng chảy, kè bờ, nâng cấp các tuyến đường xung quanh mà còn là việc di dời, tổ chức lại cuộc sống của hàng nghìn hộ gia đình sống trên và ven kênh rạch.

Tiếp theo giai đoạn 1, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai giai đoạn 2 dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè có tổng mức đầu tư 524 triệu USD với mục tiêu xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè và Quận 2 trước khi thải ra môi trường; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai cũng như cải tạo, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân. Hiện nay, một số dự án thành phần đang được đẩy nhanh tiến độ; trong đó, có dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Quận 2.

Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè là địa giới tự nhiên tách biệt khu trung tâm thành phố với các quận ngoại thành ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè là địa giới tự nhiên tách biệt khu trung tâm thành phố với các quận ngoại thành ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Cùng với đó, thành phố đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để tiếp tục chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ, xây dựng chung cư mới, tạo những ô phố được quy hoạch bài bản, hiện đại, văn minh.

Đây là những nội dung quan trọng nằm trong chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị thuộc một trong 7 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đưa ra và sẽ tiếp tục đeo bám, quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, đến hết năm 2020 thành phố phấn đấu di dời, tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 hộ gia đình đang sống trên và ven kênh rạch; cải tạo, xây dựng mới, thay thế 50% chung cư hư hỏng, xuống cấp được xây dựng trước năm 1975.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố, đến nay việc di dời nhà trên và ven kênh rạch đã cơ bản xác định được các khu vực, phạm vi di dời và đã tiến hành chuẩn bị đầu tư, tạo tiền đề để tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác ra đường cũng như đẩy mạnh xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước, góp phần chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh.

Đối với chương trình cải tạo chung cư mới, thay thế chung cư cũ, việc uỷ quyền, phân công đã tạo điều kiện để Ủy ban Nhân dân các quận chủ động thực hiện thủ tục đầu tư, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc tại chung cư cũ, đảm bảo hiệu quả kinh tế, thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án, đề xuất các chính sách bồi thường, tái định cư phù hợp.

Trong tổng số 65 dự án được lập nhằm di dời 22.861 căn nhà trên và ven kênh rạch, hiện đã có 3 dự án đã hoàn thành bồi thường, di dời được 1.086 căn, giải ngân được 3.849 tỷ đồng; 21 dự án xác định được ranh quy hoạch, hành lang bảo vệ kênh rạch, điều tra khảo sát số hộ di dời; 13 dự án đang lập thủ tục trình duyệt chủ trương đầu tư công; 8 dự án đã có chủ trương đầu tư, đang lập thủ tục phê duyệt dự án bồi thường… Dự kiến đến hết năm 2020 thành phố sẽ bồi thường, di dời được 2.487 căn.

Đối với chương trình cải tạo chung cư cũ, hiện trên địa bàn thành phố có 474 căn chung cư xây dựng trước năm 1975; trong đó, có 15 chung cư cấp D, cấp hư hỏng nặng cần di dời khẩn cấp.

Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã cải tạo, sửa chữa hoặc di dời, tháo dỡ để đầu tư xây dựng mới 222 chung cư; trong đó hoàn tất di dời 15 chung cư cấp D.

Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và có những chuyển biến tích cực, hoàn thành cơ bản các nội dung đề ra.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được nâng cấp, cải thiện đáng kể; các hạng mục hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, công viên cây xanh) được quan tâm đầu tư, qua đó cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.

Thành phố cũng đã di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, thực hiện dự án Đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ), tạo mặt bằng cho các dự án lớn, hiện đại dọc tuyến Võ Văn Kiệt hoặc các tuyến kênh lớn như Tàu Hủ-Bến Nghé, Kênh Đôi-Tẻ.

Cùng với đó, các chương trình cải tạo môi trường, di dời cơ sở ô nhiễm đã dẫn tới việc hình thành các khu công nghiệp và dân cư mới ngoại thành, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp và đô thị mới./.

Du khách trải nghiệm du lịch trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Du khách trải nghiệm du lịch trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Phát triển các khu đô thị hiện đại

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công một số hình mẫu khu đô thị hiện đại, văn minh, vừa đáp ứng nhu cầu sinh sống, làm việc của người dân vừa tạo dựng môi trường đầu tư và điểm đến hấp dẫn cho cộng đồng quốc tế.

Dấu ấn Phú Mỹ Hưng

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Quận 7 từng là khu đầm lầy hoang vu. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, nơi đây đã trở thành khu đô thị kiểu mẫu với sự hiện đại, văn minh bậc nhất của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung.

Dự án được hình thành từ việc Tập đoàn CT&D Đài Loan hợp tác với Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) làm Khu chế xuất Tân Thuận, đã đề xuất giao Công ty Liên danh Phú Mỹ Hưng đầu tư xây dựng con đường dài 17,8km, lộ giới 120m để đổi lại thuê 600ha đất xây dựng Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Quận 7 từng là khu đầm lầy hoang vu. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, nơi đây đã trở thành khu đô thị kiểu mẫu với sự hiện đại, văn minh bậc nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn bộ khu đô thị Phú Mỹ Hưng được quy hoạch trên diện tích 2.600ha tọa lạc về phía Nam nằm dọc theo Đại lộ Nguyễn Văn Linh.

Hiện tại, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Phú Mỹ Hưng đang khai thác và phát triển 5 cụm đô thị với tổng diện tích hơn 600ha. Ngoài ra, các nhà quy hoạch chuyên nghiệp đã quy hoạch thành 21 phân khu chức năng dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh.

Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Phú Mỹ Hưng đang trở thành nơi tập trung sinh sống của những người có thu nhập cao, tri thức, là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học, văn hóa, giáo dục… với đầy đủ hạ tầng cần thiết, chức năng hoàn chỉnh.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành công của Phú Mỹ Hưng đến từ quy hoạch tốt theo phong cách đô thị hiện đại, đa dạng, hỗn hợp các yếu tố đô thị và loại hình công trình xây dựng, ưu tiên không gian công cộng, có bản sắc, có tính sinh thái, khả năng thích ứng, sáng tạo, an ninh, an toàn và ngay từ đầu hướng tới tầng lớp giàu có trong nước và quốc tế.

Bài học từ Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là cần có ý tưởng tốt, quyết tâm đầu tư, quy hoạch định hướng thực thi, huy động nguồn lực, đặc biệt đối với dự án hợp tác công tư.

Hướng đến các khu đô thị hiện đại

Phú Mỹ Hưng là niềm tự hào của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị. Tuy nhiên, thành phố không chỉ dừng lại ở Phú Mỹ Hưng mà còn hướng đến việc hình thành các khu đô thị hiện đại khác, có tiêu chuẩn sống cao hơn; trong đó có Khu đô thị Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

Khu đô thị Hiệp Phước có quy hoạch 1.354ha nằm trong tổng thể Khu đô thị cảng Hiệp Phước (3.900ha). Do nằm ở vùng đất thấp, giáp sông Soài Rạp, sông Đồng Điền nên Khu đô thị Hiệp Phước được quy hoạch với mật độ xây dựng thấp, tôn tạo cảnh quan mặt nước và cây xanh. Đây là khu đô thị mới đa chức năng, có tính đặc thù của đô thị ven cảng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị thành phố ra biển.

Bốc dỡ hàng khia trương cảng Tân Cảng-Hiệp Phước. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Bốc dỡ hàng khia trương cảng Tân Cảng-Hiệp Phước. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Theo quy hoạch, Khu đô thị Hiệp Phước được xây dựng thành 3 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 đầu tư vào các khu công nghiệp (đã đầu tư hơn 10 năm qua), giai đoạn 2 đầu tư hệ thống cảng và dịch vụ cảng (đang được đầu tư), giai đoạn 3 phát triển một khu đô thị với quy mô gần 200.000 dân.

Hiện nay, thành phố đã bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 65,4/1.354 ha, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Hiệp Phước giai đoạn 1. Khu đô thị Hiệp Phước đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt 5 hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

Tương lai gần, Khu đô thị Hiệp Phước được kỳ vọng sẽ “lột xác” từ vùng đất thấp trũng thành đặc khu kinh tế, đô thị biển có chất lượng sống cao hơn cả Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Cùng với Khu đô thị Hiệp Phước, thành phố đang nỗ lực triển khai xây dựng một số khu đô thị kiểu mẫu khác như Khu đô thị Nam thành phố, Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi).

Đơn cử, Khu đô thị Tây Bắc (quy hoạch 6.000ha) đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được 3.347ha của giai đoạn 1.

Thành phố đang thưc hiện thủ tục đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông theo hợp đồng BT đối với khu tái định cư, nhà ở xã hội (917,8ha), hạ tầng kỹ thuật các khu trường đại học, cao đẳng (quy mô 131ha). Hiện, dự án cũng đã được phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh phân khu tỷ lệ 1/5000 nhằm tính toán lại quy mô và hiệu quả kêu gọi đầu tư.

Trong khi đó, Khu đô thị Nam thành phố đã đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông chính, đầu tư xây dựng phát triển thêm 1,86/4,2 triệu m2 sàn xây dựng đồng thời đang được tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch.

Tương tự dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ cũng đang được điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển huyện Cần Giờ thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí; trong đó bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Đánh giá chung việc quy hoạch và triển khai quy hoạch các khu đô thị mới trên địa bàn, theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong hơn 10 năm trở lại đây không gian thành phố đã mở rộng vào các khu vực đã kết nối công nghiệp và trũng thấp, mở rộng ra bên ngoài và dài trải trên nhiều hướng.

Theo quy hoạch, hướng mở rộng chính của thành phố là Đông, Tây Nam và 2 hướng phụ là Tây Bắc, Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế các khu vực mở rộng chính lại hướng tới các khu đất có chi phí thấp, gắn với các khu vực có nhu cầu lao động công nghiệp cao phía Tây Nam và phía Nam (huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè).

Một số khu vực phát triển khác kết nối phía Bắc và phía Đông Bắc với tỉnh Bình Dương vẫn là các khu công nghiệp (Quận 12, Quận 9) hoặc khu vực phía Đông (Quận 2) gắn với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành chủ yếu làm nhà ở.

Cùng với đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm và các khu đô thị nằm ở phía Đông Thành phố, trong tương lai sắp tới là thành phố Thủ Đức đang trong quá trình hình thành với quy mô hơn 21.000km2 sẽ trở thành những đô thị hiện đại, động lực phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, các dự án khu đô thị như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, An Phú, Hiệp Phước, Tây Bắc, Khu đô thị sinh thái lấn biển Cần Giờ… đã tạo ra các mảng đô thị mới có quy hoạch đạt tiêu chuẩn mới, có tính chất hiện đại, phù hợp với nhu cầu hội nhập kinh tế cũng tạo sự hấp dẫn đầu tư./.

Hồ Bán nguyệt trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Hồ Bán nguyệt trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Khát vọng đô thị thông minh

Lãnh đạo Trung ương và các thế hệ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định, đánh giá cao truyền thống năng động, sáng tạo của thành phố, xem đây là một trong những nhân tố quyết định sự thành công trong quá trình xây dựng và phát triển của một đô thị giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Giai đoạn 2021-2030 Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới việc khôi phục vị thế “Hòn ngọc viễn Đông” với mục tiêu trở thành siêu đô thị văn hoá, trung tâm công nghiệp dịch vụ tiên tiến của khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

Vì thế, khát vọng vươn xa với những sáng kiến, sự tìm tòi, sáng tạo thông qua những mô hình, cách làm mới luôn thường trực, cháy bỏng trong mỗi cá nhân lãnh đạo và người dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Thành phố trong thành phố

Vừa qua, một tin vui và nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cho Thành phố Hồ Chí Minh là Chính phủ đã đồng ý thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức.

Theo đánh giá của Chính phủ, việc thành lập thành phố Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.

Để đạt hiệu quả cao nhất đối với mô hình này, Phó Thủ tướng Chính phủ Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu Thành phố cần lưu ý về quy hoạch chung, tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng thành phố Thủ Đức nhằm tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng… để có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của thành phố.

 Một góc Thành phố Thủ Đức được hợp nhất từ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. (Nguồn: TTXVN)
 Một góc Thành phố Thủ Đức được hợp nhất từ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. (Nguồn: TTXVN)

Nhằm thu hút đầu tư vào thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới, trong việc so sánh không chỉ với các thành phố trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á.

Để làm được điều này, Thành phố Hồ Chí Minh cần làm việc với các Bộ, ngành để có thể tích hợp các đề án, chương trình liên quan vào định hướng phát triển của thành phố mới.

Thành phố cũng cần lưu ý việc quy hoạch thành phố Thủ Đức gắn trong quy hoạch chung của thành phố cũng như quy hoạch vùng, để tạo động lực tăng trưởng hỗ trợ, tránh trùng lặp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng không cần thiết, dễ làm phân tán nguồn lực.

“Bên cạnh các yếu tố kinh tế, tài chính, do đặc thù của thành phố Thủ Đức tương lai có thể là nơi tập trung đông dân cư, với thành phần đến từ nhiều tỉnh thành, quốc gia khác nhau, Thành phố Hồ Chí Minh cần thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, đáng sống. Việc bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và yếu tố liên quan tới dịch tễ không để phát sinh lây lan dịch bệnh cần phải được tính toán trước, nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay,” Phó Thủ tướng Chính phủ Thường trực Trương Hoà Bình nêu rõ.

Nhấn mạnh định hướng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố,” Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố đã xây dựng đề án và kiến nghị Trung ương về việc sáp nhập Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức thành một thành phố mới, với tên tạm gọi là thành phố Thủ Đức. Thành phố này rộng hơn 21.000ha và sẽ có khoảng 1 triệu dân.

“Nếu thành phố này được thành lập thì đây sẽ thực sự là thành phố công nghiệp, nghiên cứu khoa học, dịch vụ. Khu vực này chiếm khoảng 10% diện tích, 10% dân số thành phố nhưng có thể đóng góp 1/3 kinh tế cho thành phố, tức bằng khoảng 7% GDP của cả nước. Như vậy, quy mô kinh tế của thành phố Thủ Đức này sẽ lớn hơn Đồng Nai, Bình Dương và chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội,” Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong định hướng quy hoạch thành phố Thủ Đức, Quận 2 với hạt nhân Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ giữ vai trò Trung tâm tài chính, y tế kỹ thuật cao, thể dục thể thao đa năng (Khu Liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc).

Còn đối với Quận 9, Khu công nghệ cao giữ vai trò Trung tâm công nghệ giáo dục, nơi phát triển các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất mẫu thử, sản phẩm sáng tạo công nghệ cao.

Khu Tam Đa của Quận 9 sẽ trở thành khu phức hợp hiện đại với nhiều phân khu như căn hộ, chung cư, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, thể thao… để tiếp thêm động lực phát triển ngành bất động sản của thành phố.

Lấy lại vị thế “Hòn ngọc Viễn Đông”

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra muc tiêu tổng quan xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại nghĩa tình; trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính thương mại, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Về mặt phát triển thành phố, giai đoạn 2021-2030 Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới việc khôi phục vị thế “Hòn ngọc viễn Đông” với mục tiêu trở thành siêu đô thị văn hoá, trung tâm công nghiệp dịch vụ tiên tiến của khu vực Đông Nam Á và Đông Á, có chức năng hiện đại, thiết kế đô thị phát huy truyền thống lịch sử văn hoá trên cơ sở vận dụng điều kiện tự nhiên đặc thù của thành phố.

Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Còn đối với giai đoạn 2030-2045 thành phố được định hướng phát triển theo hướng điều chỉnh cơ chế phân bổ đầu tư có trọng điểm trong hệ thống đô thị quốc gia; đổi mới hệ thống quy hoạch và kiểm soát sự phát triển tích hợp trên nền tảng số; chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, bền vững.

Mở rộng đô thị, tăng cường sức chống chịu ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như phát triển vùng ven trên ranh giới phát triển thực tế thay vì ranh giới hành chính; đồng thời, giải phóng nguồn lực đất đai, trao quyền và thúc đẩy hợp tác.

Để phát huy và trò đầu tàu kinh tế của cả nước, vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh; xem đây là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia và được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố, kiến nghị này hướng đến việc nâng tầm quốc gia lên vị trí mới trong bản đồ các trung tâm tài chính phát triển của thế giới. Việc hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố đã được Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ủng hộ tại nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức trong những năm qua.

Ý tưởng xây dựng một trung tâm tài chính của Việt Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có quy mô tập trung lớn, bước đầu có thể đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính cho các nước lân cận (như Lào, Campuchia, Myanmar…).

Về dài hạn, Thành phố Hồ Chí Minh định hướng gia nhập mạng lưới trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, cung cấp dịch vụ tài chính không chỉ cho các nước trong khu vực ASEAN mà còn rộng hơn thế. Trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh có thể thu hút được nhiều nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh; thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu của khu vực và toàn cầu.

Hiện nay, mật độ tập trung các định chế định tài chính trên địa bàn Thành phố cao nhất so với cả nước. Chỉ tính riêng hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã có 2.138 đơn vị; trong đó, 50 ngân hàng có 100% vốn nước ngoài, 31 ngân hàng thương mại cổ phần và 4 ngân hàng quốc doanh.

Riêng năm 2019, tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố chiếm 24,09% tổng vốn huy động của cả nước. Tổng dư nợ cho vay cũng chiếm tới 28,05% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.

Trên thị trường, tổng vốn giá trị vốn hoá tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố chiếm tới 95% tổng vốn hoá toàn thị trường và 54,33% GDP cả nước.

Thành phố hiện là đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 22,3% GDP, chiếm 26,6% ngân sách quốc gia và thu hút 33,8% số dự án FDI của cả nước. Đây cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán của Việt Nam.

“Thành công trong việc phát triển trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tác động tích cực đối với nguồn vốn – huyết mạch của nền kinh tế. Cùng đó, sẽ thu hút sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, kéo theo các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ,” ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Đối với công tác quy hoạch và phát triển quy hoạch đô thị bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng chuyển đổi không gian đô thị theo hướng khôi phục cảnh quan sông, vốn dĩ là đặc trưng mang tính “sông nước Nam Bộ.”

Thành phố khắc phục hiện tượng phát triển “da beo,” hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo khu vực và đầu tư dứt điểm, khai thác tối đa giá trị tại các khu chức năng đô thị.

Kiểm soát mở rộng các vùng trũng trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm tăng nhanh tình trạng ngập lụt và sụt lún đồng thời phát triển các trung tâm mới trong chùm đô thị gắn với nền tảng TOD (giao thông công cộng) để giảm tải cho vùng trung tâm, phát triển đô thị, đảm bảo giao thông bền vững.

Bên cạnh đó, hiện nay thành phố đang thực hiện việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2045 tầm nhìn năm 2060. Theo đó, thành phố đang tổ chức rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch để xem xét, điều chỉnh cục bộ phân khu, quy hoạch chi tiết; lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo hướng tái cấu trúc đô thị tại các khu vực xung quanh nhà ga, tuyến đường sắt đô thị, dọc các tuyến kênh.

Với những khát vọng đổi mới, sáng tạo không mệt mỏi, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân có quyền tin tưởng trong tương lai không xa, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, trở thành trung tâm tài chính, khoa học công nghệ, giáo dục không chỉ của Việt Nam mà còn ngang tầm khu vực và thế giới./.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)