‘Hậu phương’ vững chắc

ttxvndotha-1598151853-29.jpg

Những cựu binh bước vào cuộc chiến mới

Những ngày cao điểm chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, bên cạnh các “chiến sỹ tuyến đầu” – các y, bác sỹ, lực lượng công an, quân đội… vẫn còn rất nhiều tấm gương phòng, chống dịch sôi nổi tại “hậu phương.” Đó là những con người Đà Nẵng bình dị nhưng khi dịch bệnh đến, họ đã dũng cảm xung phong, nỗ lực hỗ trợ công tác chống dịch, trở thành “hậu phương” vững chắc, góp phần bảo vệ bản thân, gia đình và cả thành phố trước đợt bùng phát của dịch COVID-19.

“Alo, alo, mời tất cả 4 người trong nhà khẩn trương ra đo thân nhiệt. Chị gọi mấy đứa nhỏ dậy đi, nhớ đeo khẩu trang vào nghe.” Người dân trong các ngõ, hẻm của Tổ dân phố 22 (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) đã quen với giọng nói khàn khàn quen thuộc mỗi sáng của người đàn ông lớn tuổi, mặc đồ lính, đội mũ cối, với chiếc loa phóng thanh cầm tay nhỏ. Ông đi trước gọi cửa từng nhà, các nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ đi sau, đo thân nhiệt và ghi lại tình trạng sức khỏe của từng người dân trong Tổ.

Người lính già “vác tù và hàng tổng”

Người đàn ông đó là Nguyễn Tiến Ca, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh số 6, tổ trưởng Tổ dân phố 22. Từ ngày 16/8, khi có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, hai ngõ 882 và 896 đường Trường Chinh bị phong tỏa. Ông Nguyễn Tiến Ca đã trực tiếp tham gia và điều hành công tác chống dịch cộng đồng tại tổ dân phố này.

Hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ, ông Ca và các cựu chiến binh tại Đà Nẵng, những người đã cống hiến tuổi trẻ, mồ hôi, xương máu của mình cho đất nước, lại đối mặt với cuộc chiến mới. Cuộc chiến không có bom đạn, khói lửa, mà phải chiến đấu với kẻ thù vô hình nhưng rất nguy hiểm: virus SARS-CoV-2.

Ông Nguyễn Tiến Ca năm nay đã 64 tuổi, từng tham gia du kích mật tại địa phương từ trước năm 1975. Đến tháng 4/1975, ông mới chính thức gia nhập quân đội và công tác tại phòng Quân nhu, Cục Hậu cần, Quân khu V.

Đầu năm 1980, ông Ca nhận nhiệm vụ tham gia chiến trường Campuchia trong hơn 3 năm. Những kỷ niệm thồ gạo giữa rừng, những chuyến xe vượt qua bom đạn, những chấn thương do quân Khmer Đỏ phục kích hiện vẫn in đậm trong tâm trí người cựu chiến binh già.

Ông Nguyễn Tiến Ca luôn tự hào về ý chí 'bộ đội Cụ Hồ' vẫn còn vang vọng cả trong thời chiến lẫn thời bình. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Ông Nguyễn Tiến Ca luôn tự hào về ý chí ‘bộ đội Cụ Hồ’ vẫn còn vang vọng cả trong thời chiến lẫn thời bình. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Sau hơn 40 năm, trong trận chiến chống dịch bệnh lần này, trên tay ông không còn là súng đạn, quân trang, mà là máy đo thân nhiệt, bình khử khuẩn và chiếc loa di động. Ông nhớ lại ngày 16/8, khi được phường thông báo tổ dân phố mình có ca mắc COVID-19, việc đầu tiên ông làm là lập tức thông báo, trấn an cho người dân trong các ngõ bị phong tỏa.

“Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, công tác đảm bảo lương thực, thuốc men, tư tưởng cho người dân là quan trọng nhất. Ngay từ khi chưa có ca nhiễm, cán bộ tổ dân phố đã thường xuyên vận động bà con không quá hoang mang, lo lắng và chuẩn bị sẵn tinh thần với các tình huống xấu. Khi bắt đầu phong tỏa, toàn bộ nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm của 22 hộ và 89 nhân khẩu trong khu này đều được chúng tôi tổ chức mua hộ, tiếp tế đầy đủ. Khi bà con cần hỏi thông tin, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cách ly, các thành viên tổ dân phố và các nhân viên trực chốt luôn nhiệt tình tư vấn. Nhờ đó, tuy bị phong tỏa nhưng bà con trong các ngõ vẫn yên tâm, bình tĩnh phối hợp với chính quyền phòng, chống dịch COVID-19,” ông Ca cho biết.

Để phần nào chia sẻ khó khăn với bà con trong cao điểm chống dịch, ông Nguyễn Tiến Ca đã đứng ra kêu gọi sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, người thân tặng 70 suất quà gồm lương thực, thực phẩm cho các hộ khó khăn trong tổ. Ông đang tiếp tục kêu gọi thêm 60 suất quà nữa, dành riêng cho những người lao động xa quê đang bị kẹt lại tại các khu nhà trọ. Từng là lính hậu cần, ông thấu hiểu sự quan trọng của việc chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cho bà con trong thời gian này.

Đi đầu trong công tác dân vận

Đối với các hộ dân bên ngoài khu phong tỏa nhưng vẫn có nguy cơ dịch bệnh, ông Nguyễn Tiến Ca trực tiếp tham gia công tác kiểm tra y tế cộng đồng, nhắc nhở, động viên người dân hằng ngày.

Đều đặn mỗi sáng, ông đều đi loa khắp xóm, khi nghe giọng nói khàn đặc quen thuộc vang lên, các gia đình đều gọi nhau đeo khẩu trang, ra mở cửa xếp hàng chờ kiểm tra y tế. Vừa chờ nhân viên y tế đo thân nhiệt cho từng người, ông Ca vừa tranh thủ hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc, gia đình của các hộ dân. Ông nhớ rõ tên từng chủ hộ, số thành viên trong gia đình, nhớ tên cả người lao động đang tạm trú trong các dãy phòng trọ của Tổ dân phố số 22.

Mấy đứa trẻ trước rất sợ người mặc đồ bảo hộ nhưng từ khi được “ông bộ đội” động viên đã can đảm đứng đo thân nhiệt.

Tranh thủ thời gian kiểm tra y tế, người già hỏi ông Ca về ngày lĩnh lương hưu, người trẻ khai báo về tình trạng mất việc, mấy đứa trẻ trước rất sợ người mặc đồ bảo hộ nhưng từ khi được “ông bộ đội” động viên đã can đảm đứng đo thân nhiệt. Không khí vui vẻ, thân thiện, an toàn và vững chãi theo bước chân người cựu chiến binh và các nhân viên y tế đến từng nhà mỗi sáng.

Nhờ áp dụng tốt công tác dân vận, việc triển khai phòng, chống dịch tại Tổ dân phố số 22 đang diễn ra rất bài bản, hiệu quả. Tình nguyện viên Phạm Thị Phương Thanh (sinh viên Khoa Y dược Đại học Đà Nẵng), người cùng tổ kiểm tra sức khỏe cộng đồng với ông Nguyễn Tiến Ca cho biết: “Mình có kiến thức về y học, được tập huấn kỹ càng về công tác phòng, chống dịch, nhưng khi thu thập thông tin y tế tại cộng đồng vẫn rất cần sự phối hợp của các bác Tổ dân phố, Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ địa phương. Khi có các bác đi cùng, người dân sẽ rất tin tưởng, thoải mái, chấp hành nghiêm túc. Công việc có thể triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn.”

Nhờ được thường xuyên nhắc nhở, các hộ dân đã tự giác tuân thủ đo thân nhiệt và khai báo tình hình sức khỏe mỗi sáng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Nhờ được thường xuyên nhắc nhở, các hộ dân đã tự giác tuân thủ đo thân nhiệt và khai báo tình hình sức khỏe mỗi sáng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Trong công tác phòng, chống dịch lần này, ông Nguyễn Tiến Ca luôn có những đồng đội bên cạnh, những cựu chiến binh luôn tự hào về ý chí “Bộ đội cụ Hồ” cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Theo ông Lê Trọng Lành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), hiện nay, 15 Chi hội Cựu chiến binh trong phường đều tích cực tham gia tuyên truyền tại các khu dân cư. Trực tiếp tham gia canh gác tại 4 chốt phong tỏa có 7 đồng chí cựu chiến binh phối hợp cùng công an, dân phòng, đoàn viên thanh niên…

“Đây là thời điểm khó khăn, những công việc này rất có ý nghĩa, các cựu chiến binh luôn giữ tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tuy tuổi cao, chúng tôi luôn sẵn sàng đi đầu trong chăm lo sức khỏe đời sống, tinh thần của bà con, sẵn sàng làm chỗ dựa cho thế hệ sau,” ông Lành chia sẻ.

Trời dần khuya, những cựu chiến binh với mái tóc bạc, vai áo phai màu mưa nắng vẫn xông xáo làm nhiệm vụ tại chốt chống dịch, đồng thời không quên đảm bảo an toàn cho bản thân. Những ánh mắt mạnh mẽ, kiên định, từng đánh đuổi bao kẻ thù trong quá khứ, giờ tập trung vào mục tiêu duy nhất: dập tắt dịch bệnh, giành lại bình yên cho thành phố Đà Nẵng thân yêu./.

Những tấm áo blouse gửi tặng ‘tiền tuyến’

Tiếng “tạch tạch” phát ra đều đặn, rộn rã từ 4 chiếc máy khâu trên căn gác nhỏ, những khuôn mặt tập trung thấp thoáng sau chiếc khẩu trang, những công đoạn sản xuất nhịp nhàng được lặp đi lặp lại, những bộ đồ blouse màu xanh nhạt dần thành hình. Đó là không khí làm việc khẩn trương tại Chi hội Phụ nữ số 15, phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), nơi đang may những bộ đồ dành tặng cho các bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch.

Yêu thương trong từng đường kim, mũi chỉ

Trong thời gian yên lặng tuân thủ giãn cách, căn nhà nhỏ cuối ngõ thuộc Tổ dân phố 53 (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) bỗng rộn ràng tiếng máy khâu. Đó là nhà bà Nguyễn Thị Thu Nga, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 15, cũng là nơi các chị em trong Chi hội thường xuyên tập trung để làm tình nguyện vì cộng đồng.

Sau khi trình bày ý tưởng và được sự đồng ý của Hội Phụ nữ phường Hòa Thọ Đông, bà Thu Nga cùng 4 hội viên khác đã triển khai chương trình may áo blouse tặng các bác sỹ tuyến đầu chống dịch.

Mỗi bộ quần áo được các chị nâng niu, cẩn thận, gửi gắm tình thương, sự trân quý trong từng đường kim, mũi chỉ. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Mỗi bộ quần áo được các chị nâng niu, cẩn thận, gửi gắm tình thương, sự trân quý trong từng đường kim, mũi chỉ. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Bà Thu Nga chia sẻ: “Sau khi nhìn thấy những tấm ảnh bác sỹ ướt đẫm quần áo, bàn tay nhăn nheo vì mồ hôi do mặc đồ bảo hộ liên tục, tôi thấy rất thương. Nhà tôi có làm về thời trang, có sẵn nhiều máy khâu và dụng cụ cần thiết, tôi nảy ra ý tưởng may thật nhiều bộ blouse tặng các y, bác sỹ trong viện. Tôi mong rằng khi có nhiều bộ đồ để thay thường xuyên hơn, các bác sỹ sẽ không bị ướt mồ hôi, đảm bảo sức khỏe tốt hơn. Thật mừng khi ý tưởng đó được Hội Phụ nữ phường và các hội viên nhiệt tình ủng hộ.”

Với quyết tâm cao, sau khi vận động qua điện thoại, 4 chị khác của Chi hội Phụ nữ số 15 đã tập trung tại nhà bà Thu Nga để bắt đầu làm việc. Mục tiêu là trong 7 ngày hoàn thành 50 bộ quần áo blouse để tặng các bác sỹ.

Phòng khách nhà bà Nga được trưng dụng để cắt vải, là ủi quần áo, còn gác xép phía trên là nơi để may và vắt sổ. Các máy khâu được bố trí khoảng cách hợp lý, người ngồi may quay lưng với nhau để đảm bảo giãn cách. Con gái bà Nga, vốn học và kinh doanh trong lĩnh vực thiết kế thời trang, hỗ trợ mẹ rất nhiều trong việc lên phom dáng, tạo kiểu áo. Mục tiêu là đúng với mẫu của bệnh viện và phải thoải mái, dễ mặc, thay nhanh. Quan trọng nhất là chất vải, để tặng các bác sỹ cần chọn chất vải thoáng mát, mềm mại nên bà Thu Nga đã chọn loại vải tốt nhất.

Phòng khách nhà chị Nga được trưng dụng để cắt vải, là ủi quần áo. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)  
Phòng khách nhà chị Nga được trưng dụng để cắt vải, là ủi quần áo. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)  

Chỉ sau 3 ngày, các bộ quần áo blouse đã dần hình thành. Đây là những mẫu áo chui cổ tim, cộc tay, quần dài có chun, màu xanh da trời nhạt. Theo bà Thu Nga, đây là mẫu thông dụng tại các bệnh viện hiện nay, có ưu điểm là khi mặc rất thoải mái, khi thay rất nhanh và tiện, phù hợp mặc bên trong bộ đồ bảo hộ. Các chị  rất cẩn thận khi làm ra các mẫu nam, nữ riêng và có 3 cỡ phù hợp với nhiều cỡ người khác nhau. Mỗi bộ quần áo được các chị nâng niu, cẩn thận, gửi gắm tình thương, sự trân quý trong từng đường kim, mũi chỉ.

Phụ nữ luôn sẵn sàng

Để có được những bộ quần áo bền đẹp tặng các bác sỹ, các cô, các chị trong Hội Phụ nữ đã chăm chỉ làm việc từ 7 giờ đến 18, 19 giờ hằng ngày. Nhiều người trong đó đã tạm gác lại hoàn cảnh khó khăn của bản thân để phục vụ công tác chống dịch.

Chị Nguyễn Thị Thùy Vân (42 tuổi, Hội viên Chi hội Phụ nữ số 15) làm nghề may thủ công tại nhà, điều kiện kinh tế vốn đã khó khăn, lại phải nuôi hai con nhỏ. Năm nay, dịch COVID-19 tác động lớn đến công việc của chị, các mối hàng đều chững lại, thu nhập ngày càng bấp bênh. Nhưng chị vẫn rất hăng hái, là người đầu tiên tham gia chương trình may quần áo cho bác sỹ của bà Thu Nga.

‘Hiện giờ mình cũng khó khăn nhưng các bác sỹ đang ngày đêm vất vả trong bệnh viện còn khó khăn hơn gấp bội, tôi sẵn sàng làm mọi việc có thể để chia sẻ gánh nặng với lực lượng tuyến đầu chống dịch’

Chị Thùy Vân chia sẻ: “Tôi theo nghề may quần áo đã được 3 năm, khi nghe Hội Phụ nữ kêu gọi may quần áo cho các bác sỹ, tôi thấy đây là một việc làm rất ý nghĩa nên đã đăng ký tham gia ngay. Hiện giờ mình cũng khó khăn nhưng các bác sỹ đang ngày đêm vất vả trong bệnh viện còn khó khăn hơn gấp bội, tôi sẵn sàng làm mọi việc có thể để chia sẻ gánh nặng với lực lượng tuyến đầu chống dịch.”

Nói về hoạt động của chị em trong mùa dịch, bà Nguyễn Thị Tố Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hòa Thọ Đông, cho biết đã thành lập nhiều Tổ phụ nữ tình nguyện vì cộng đồng tại các cơ sở. Từ cuối tháng Bảy đến nay, Hội Phụ nữ phường đã vận động, quyên góp được hơn 56 triệu đồng để tặng quà hỗ trợ lực lượng chống COVID-19, cho các gia đình chính sách, các phụ nữ yếu thế, phụ nữ ngoại tỉnh bị kẹt lại Đà Nẵng…

Các máy khâu được bố trí khoảng cách hợp lý, người ngồi may quay lưng với nhau để đảm bảo giãn cách. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Các máy khâu được bố trí khoảng cách hợp lý, người ngồi may quay lưng với nhau để đảm bảo giãn cách. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

“Riêng về việc may quần áo tặng bác sỹ, đây là một ý tưởng mới, đang được triển khai thử nghiệm tại các Chi hội số 14, 15, nơi có các Chi hội trưởng là thợ may và nhà có sẵn thiết bị máy móc. Dự kiến đầu tuần sau, khi hoàn thành 50 bộ đồ, chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Phụ nữ quận Cẩm Lệ trao tặng đến các bệnh viện có nhu cầu. Các chị em gửi gắm rất nhiều tâm huyết, chúng tôi đang kêu gọi thêm nguồn kinh phí mua nguyên vật liệu, để tiếp tục mở rộng, triển khai chương trình này,” Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hòa Thọ Đông cho biết.

Với bà Nguyễn Thị Thu Nga, trong đợt dịch đầu tiên tại Đà Nẵng vào tháng 4 năm nay, bà đã tự may và phát miễn phí 5.000 chiếc khẩu trang vải cho người dân có nhu cầu. Đợt dịch thứ hai này, bà lại tiếp tục kêu gọi và may tặng quần áo blouse cho các bác sỹ tuyến đầu chống dịch. Vừa làm công việc nội trợ, vừa trông 2 cháu ngoại, vừa bán tạp hóa nhỏ tại gia, vừa làm từ thiện nhưng người phụ nữ 56 tuổi này vẫn rất nhiệt tình, tâm huyết.

Bà Nguyễn Thị Thu Nga khẳng định: “Tôi không ngại khó, ngại khổ, nếu được hỗ trợ nguyên vật liệu, tôi cùng các chị em trong tổ có thể may được tối đa 2.000 bộ quần áo blouse mỗi tháng để dành tặng các y, bác sỹ. Tôi mong góp phần tiếp thêm năng lượng, sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hiện giờ chính quyền đã bắt đầu kiểm soát được bệnh dịch, tôi tin những tháng ngày khó khăn sẽ sớm qua đi, trả lại thành phố Đà Nẵng yên bình như đã từng”./.

Chị Nguyễn Thị Thu Nga, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 15 (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) gấp các bồ đồ thành phẩm. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Chị Nguyễn Thị Thu Nga, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 15 (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) gấp các bồ đồ thành phẩm. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Những ‘chiến sỹ dập dịch’ trẻ tuổi

Ở lứa tuổi 16, chúng ta có thể làm gì để đóng góp cho xã hội? Đoàn viên Phạm Đặng Gia Huy đã tự trả lời câu hỏi đó bằng cách đăng ký tình nguyện phục vụ trong khu cách ly tập trung vào những ngày cao điểm chống dịch COVID-19. Có lẽ, đây sẽ là mốc thời gian đáng nhớ nhất trong thời thanh xuân của chàng trai Đà Nẵng hiền lành này.

Quyết định từ trái tim

Trở về sau 15 ngày phục vụ trong khu cách ly, tạm xa quần áo bảo hộ, kính chống giọt bắn, bình xịt khử khuẩn, Phạm Đặng Gia Huy lại tiếp tục tự cách ly nghiêm ngặt thêm 14 ngày tại nhà. Vẫn thân hình cao gày, vẫn mái tóc xòa xuống trán, vẫn áo thun và quần jean đơn giản, nhưng trong mắt người thân, Gia Huy đã trưởng thành, điềm tĩnh và mạnh mẽ hơn rất nhiều sau đợt tình nguyện vừa qua.

Nhớ lại “quyết định liều lĩnh” của mình vào đầu tháng 8/2020, Gia Huy chia sẻ: “Khi nghe Đoàn Thanh niên phường vận động thanh niên tham gia tình nguyện chống dịch, mình vừa thấy hứng thú, vừa có chút lo lắng về dịch bệnh. Nhưng mình chợt nghĩ, nếu ai cũng sợ như vậy, ai sẽ đứng lên tham gia tình nguyện để hỗ trợ các bác sỹ chống dịch đây? Nghe theo mách bảo từ trái tim, mình quyết định xung phong, góp sức cùng các anh, chị thanh niên hỗ trợ Đà Nẵng thân yêu.”

Nghĩ là làm, Phạm Đặng Gia Huy rủ thêm cô bạn thân từ nhỏ là Hồ Ngọc Oanh (cùng trú tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Cả hai cùng thuyết phục bố mẹ để đăng ký gia nhập “đội quân” thanh niên tình nguyện phòng, chống dịch của thành phố. Tuy không khỏi lo lắng vì các con còn ít tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, nhưng bố mẹ của cả Huy và Oanh đều động viên, cổ vũ ý chí và việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ.

Thanh niên tình nguyện Phạm Đặng Gia Huy đi phân phát cơm hộp cho các phòng cách ly. (Ảnh: TTXVN)
Thanh niên tình nguyện Phạm Đặng Gia Huy đi phân phát cơm hộp cho các phòng cách ly. (Ảnh: TTXVN)

Khi tới nhận nhiệm vụ ở khu cách ly tại Trường Cao đẳng Lương thực-Thực phẩm Đà Nẵng, Gia Huy và Ngọc Oanh nhanh chóng làm quen với 8 anh chị sinh viên khác trong Tổ tình nguyện tại đây. Tuy là em út trong tổ nhưng hai bạn luôn rất quyết tâm, nỗ lực để không thua kém các anh chị.

Tình nguyện viên Nguyễn Hoàng Thi, Tổ trưởng Tổ tình nguyện tại đây nhận xét: “Khi lao động và sinh hoạt chung, các thành viên trong tổ không có sự ngăn cách về tuổi tác. Cách cư xử của hai em đều rất chín chắn so với lứa tuổi 16 của mình. Đặc biệt là Gia Huy, một đoàn viên biết suy nghĩ, có chính kiến riêng của mình, thường hành động nhiều hơn lời nói, nhận thức cao trong việc bảo vệ bản thân và người khác. Huy xông xáo, tình cảm, mang lại cho người khác cảm giác dễ chịu, đáng mến, xứng đáng là một đoàn viên mẫu mực.”

Những ngày không quên

Ngày thường vẫn là một cậu thiếu niên đam mê máy vi tính, mạng xã hội, đàn hát, ở nhà quen được bố mẹ chăm sóc. Nhưng trong 15 ngày làm tình nguyện vừa qua, Phạm Đặng Gia Huy đã học cách tự chăm sóc bản thân và quan trọng hơn là biết chăm sóc cho người khác. “Người khác” ở đây là những người thuộc diện F1, từng tiếp xúc với các ca mắc COVID-19 và có nguy cơ cao.

Tự giác dậy từ 6 giờ, vệ sinh cá nhân xong, Huy cùng các anh chị trong đội tình nguyện khẩn trương ăn sáng và bàn bạc nhanh công việc trong ngày. Khi xe chở thức ăn tới, các tình nguyện viên nhanh chóng mặc đồ bảo hộ và nhận các hộp cơm, đi chia cho từng người trong khu cách ly. Sau khi chia cơm, các tình nguyện viên chờ cho mọi người ăn xong rồi lại đi thu gom, dọn đổ rác rồi mới thay đồ, khử khuẩn cơ thể. Đều đặn như vậy vào 3 bữa cơm hằng ngày.

Đôi bạn thân 16 tuổi Phạm Đặng Gia Huy và Hồ Ngọc Oanh hỗ trợ nhau bảo hộ an toàn trước khi làm nhiệm vụ trong khu cách ly. (Ảnh: TTXVN)
Đôi bạn thân 16 tuổi Phạm Đặng Gia Huy và Hồ Ngọc Oanh hỗ trợ nhau bảo hộ an toàn trước khi làm nhiệm vụ trong khu cách ly. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, mỗi ngày 2 lần, các tình nguyện viên còn tham gia hỗ trợ các bác sỹ đo nhiệt độ cơ thể, hỏi thăm tình hình sức khỏe toàn bộ người trong khu cách ly. Đến 19 giờ, sau khi đã hoàn thành hết công việc, các tình nguyện viên ăn tối và có thời gian dành cho những công việc cá nhân. Đây là lúc Gia Huy thường đàn hát, đọc sách giải trí hoặc gọi điện về hỏi thăm bố mẹ. Trước khi đi ngủ, công việc của các bạn là gọi loa nhắc nhở toàn bộ khu cách ly đi ngủ và tuân thủ các quy định chung về phòng, chống dịch.

Nhưng đối với Gia Huy, những công việc chính này không quá khó, nặng nề nhất lại là việc tiếp tế cho khu cách ly. Những lần phải khuân vác hơn 40 bình nước uống loại 20 lít lên từng phòng của khu nhà 4 tầng là không đơn giản với lứa tuổi 16 của Gia Huy.

Nhưng “làm nhiều lần cũng quen,” tình nguyện viên trẻ này cho biết: “Trung bình cứ 2-3 ngày, cả đội lại thay bình nước cho khu cách ly, khi làm thấy khá mệt mỏi nhưng hoàn thành công việc lại thấy rất khỏe mạnh. Việc mặc đồ bảo hộ rất khó chịu, bức bí, khó thở trong những ngày đầu, nhưng sau mình quen dần và nhiều khi tập trung trong công việc đến nỗi không nhớ mình đang mặc bảo hộ.”   

hững khi không phải làm việc, thì chơi đàn là cách giải trí của các thanh niên tình nguyện trong khu cách ly Trường Cao đẳng Lương thực-Thực phẩm Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)
hững khi không phải làm việc, thì chơi đàn là cách giải trí của các thanh niên tình nguyện trong khu cách ly Trường Cao đẳng Lương thực-Thực phẩm Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ như mới hôm qua, được tập huấn kỹ năng an toàn trước khi vào khu cách ly, nay đã phải chia tay trong nhiều lưu luyến. Phạm Đặng Gia Huy nhớ mãi những tình cảm, sự hỏi han ân cần của từng cô chú, anh chị trong các phòng cách ly. Ngày chia tay, nhiều người gửi lời cảm ơn, động viên, tặng những món quà tinh thần cho các thanh niên tình nguyện nhiệt tình và trách nhiệm.

Trước khi xung phong tình nguyện trong khu cách ly, Gia Huy và Ngọc Oanh vẫn là những đoàn viên nhiệt tình tham gia các chương trình làm mũ chắn giọt bắn, dọn dẹp các địa điểm công cộng, tuyên truyền người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch cùng với Đoàn phường Phước Mỹ.

Bí thư Đoàn phường Phước Mỹ Trần Hoàng Hải cho biết hai bạn là những đoàn viên thanh niên nhỏ tuổi nhất phường nhưng luôn hăng hái, năng nổ trong mọi hoạt động tại địa phương. Đặc biệt, trong những hoạt động khó khăn, các thanh niên khác có tâm lý e dè thì hai bạn lại thường nhiệt tình gánh vác. Đây là những tấm gương sáng, có trách nhiệm xã hội, điển hình cho tinh thần “3 sẵn sàng” của thanh niên Đà Nẵng.

Với phương châm “chống dịch như chống giặc,” “mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ,” toàn dân Đà Nẵng quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh

Trong văn bản số 5316/UBND-VHXH ngày 11/8 của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã đề nghị người dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ủng hộ, hợp tác cùng chính quyền và đoàn thể thành phố chấp hành tốt nhất quy định phòng, chống dịch.

Với phương châm “chống dịch như chống giặc,” “mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ,” toàn dân Đà Nẵng quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, sớm khôi phục cuộc sống bình thường, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.

Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc trước đây, ông cha ta đã có câu “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh,” theo tinh thần đó, người dân Đà Nẵng, không phân biệt già trẻ, gái trai, nghề nghiệp, địa vị, đều hăng hái xung phong “đánh giặc” COVID-19. Những ngày gần đây, số ca nhiễm mới đang ít dần, các ổ dịch đang dần được kiểm soát. Đây không chỉ là chiến công của các y, bác sỹ “tuyến đầu,” của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền mà còn từ “hậu phương” vững chắc là toàn dân Đà Nẵng./.

Sự lạc quan, yêu đời giúp các thanh niên tình nguyện không thấy mệt mỏi khi làm việc tại khu cách ly. (Ảnh: TTXVN)
Sự lạc quan, yêu đời giúp các thanh niên tình nguyện không thấy mệt mỏi khi làm việc tại khu cách ly. (Ảnh: TTXVN)