Ngành hàng càphê Việt Nam không chỉ có giá trị ở về xuất khẩu, mà ngày càng trở thành một trong những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hấp dẫn đối với thị trường trong nước.
Bên cạnh các thương hiệu ngoại thì nhiều chuỗi cửa hàng, quán càphê mang thương hiệu thuần Việt cũng mọc lên như nấm, nhất là có sự tham gia ngày càng nhiều của các “ông lớn” với sự đầu tư bài bản đã góp phần làm thăng hoa giá trị cho ngành hàng càphê, cũng như bước tiến mới tại thị trường nội địa.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, phân phối, bán lẻ, mà còn đầu tư mở hệ thống chuỗi cửa hàng, quán càphê để mang đến cho người dân những sản phẩm chất lượng.
Sự đầu tư này cũng đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức tiêu dùng hàng hóa có thương hiệu, nhất là những sản phẩm mang thương hiệu thuần Việt./.
Nâng tầm sản phẩm Việt
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn cả về khâu sản xuất lẫn tìm đầu ra cho sản phẩm; trong đó, ngành hàng càphê cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, với sự phát triển ngày càng ồ ạt của những cửa hàng, quán càphê, thậm chí là hệ thống chuỗi cửa hàng xây dựng thành công thương hiệu với đa dạng mô hình kinh doanh hiện đại đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng này tăng sức tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Xây dựng thương hiệu riêng
Ghi nhận thực tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy ở hầu hết ngõ ngách, con hẻm nào, người dân cũng có thể dễ dàng tìm đến một cửa hàng, quán nước để gọi cho mình một ly càphê Việt.
Ngành hàng càphê không chỉ có giá trị về xuất khẩu, mà ngày càng trở thành một trong những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hấp dẫn đối với thị trường trong nước.
Trong khi đó, tại những tuyến đường trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Võ Văn Tần, Nguyễn Gia Trí, Nơ Trang Long… thì chuỗi cửa hàng, quán cà phê được kinh doanh phổ biến như Phuc Long Coffee & Tea, The coffee house, MyLife, Passio, Guta… ngày càng nở rộ.
Để xây dựng thương hiệu riêng và tìm chỗ đứng trên thị trường, mỗi chuỗi cửa hàng, quán càphê đều liên tục đổi mới sáng tạo, đa dạng thực đơn độc đáo riêng với những món ăn, thức uống đặc sản.
Mặc dù vậy, khi khảo sát thực đơn của nhiều chuỗi cửa hàng đều dễ dàng thấy những thức uống được chế biến, pha chế từ càphê luôn hiển thị ở ngay vị trí đầu tiên và dễ nhận thấy nhất.

Cùng với đó, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của người dân, thực đơn của chuỗi cửa hàng, quán càphê đều luôn có thức uống như càphê đen nóng/lạnh, càphê sữa nóng/lạnh thuần Việt.
Tiếp theo, không thể thiếu là những thức uống được chế biến, pha chế đặc sắc hơn từ nguyên liệu càphê, gồm bạc xỉu, càphê trứng, càphê nước cốt dừa, càphê sữa dừa, sữa lắc càphê, trà sữa càphê, càphê trái cây…
Anh Hoàng Toàn, chủ quán càphê trên đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh cho biết, gia đình có truyền thống kinh doanh càphê lâu đời với nhiều thành viên trong gia đình đang sở hữu những cửa hàng ở tỉnh, thành trên cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên…
Để kinh doanh ngành hàng càphê thành công và giữ chân khách hàng thì đơn vị kinh doanh phải xác định phân khúc khách hàng nhắm đến mới xây dựng thực đơn và giá cả phù hợp.
Theo anh Hoàng Toàn, hiện nay hầu hết những thức uống càphê thuần Việt đều sử dụng chủ yếu nguồn nguyên liệu nội địa, nên muốn kinh doanh thành công thì quan trọng nhất vẫn là công thức pha chế riêng của từng đơn vị kinh doanh.
Chuỗi cửa hàng, quán càphê nào có công thức đặc sắc, nhất là phù hợp với “gu” của một số bộ phận khách hàng nhất định thì sẽ kinh doanh hiệu quả hơn.
Còn anh Huỳnh Phong, chủ quán C.on trên đường Ngô Thời Nhiệm, Quận 3 cho hay, quán vừa đổi mới sáng tạo thực đơn và đưa vào phục vụ khách hàng thức uống càphê sữa dừa, càphê bơ…
Cùng với đó, trong thực đơn mới của C.ON cũng tăng cường thêm những món ăn hấp dẫn như bugger gà chiên xù, phở đùi gà tỏi, bánh mì omelet thịt xong khói… hướng đến phục vụ đa dạng đối tượng từ giới trẻ, dân văn phòng cho đến những gia đình họp mặt ăn uống.
“Thức uống càphê sữa dừa, được sử dụng nguyên liệu nội địa và thuần Việt, gồm nước cốt dừa xay với đá ít sữa, xong cho ít càphê lên, hoặc xay chung hỗn hợp nguyên liệu này cùng lúc. Tương tự, càphê bơ cũng được pha chế với hỗn hợp nguyên liệu bơ, sữa, càphê. Tuy vậy, những thức uống này đến với khách hàng ngon hay dở thì đòi hỏi một công thức hoàn hảo, sự tinh tế của người pha chế và tỷ lệ nguyên liệu làm sao tạo nên được sự hài hòa cho ra hương vị riêng,” anh Huỳnh Phong chia sẻ thêm.
Hiện đại mô hình kinh doanh
Trong thời gian gần đây, nhiều chuỗi cửa hàng, quán càphê trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng không ngừng nỗ lực đa dạng phương thức kinh doanh ngành hàng càphê.
Theo đó, khách hàng có thể gọi một ly càphê và ngồi tại chỗ để thưởng thức; mua càphê mang đi tại bất kỳ chuỗi cửa hàng, quán càphê nào; đặt hàng online, ứng dụng gọi xe công nghệ…

Đặc biệt, những thương hiệu cửa hàng càphê đã xây dựng được hệ thống chuỗi có phần chiếm ưu thế hơn, khi sản phẩm không chênh lệch so với mức giá chung của thị trường, nhưng cách thức phục vụ tiện lợi nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Song song đó, người dân ngày càng nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và đảm bảo sức khỏe trong tiêu dùng, dẫn đến hạn chế mua sắm, ăn uống ở những địa điểm kinh doanh không uy tín và chưa có thương hiệu.
Chị Thanh Dung, cư ngụ tại quận Gò Vấp cho biết, thói quen của người dân Thành phố Hồ Chí Minh là thích ngồi uống càphê ở những cửa hàng, quán càphê ở những góc phố… Do đó, việc nhiều đơn vị kinh doanh mở hệ thống chuỗi cửa hàng, nâng cấp quán cóc thành thương hiệu càphê thuần Việt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành hàng này hơn.
Dẫn chứng cụ thể, chị Thanh Dung nhấn mạnh, ngày càng nhiều người dân ưu tiên thưởng thức càphê trong hệ thống chuỗi cửa hàng, quán càphê có thương hiệu hơn là những hàng quán ven đường, tự phát. Vì khi tiêu dùng càphê ở hệ thống chuỗi cửa hàng, quán càphê, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và giá cả phù hợp.
Đồng quan điểm, anh Anh Đức, nhân viên văn phòng Quận 1 cho rằng, bên cạnh mô hình kinh doanh hiện đại, đầu tư trang thiết bị ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng kênh bán hàng, những thương hiệu càphê kinh doanh theo hệ thống chuỗi cửa hàng, quán càphê còn thường xuyên thực hiện hoạt động khuyến mãi, giảm giá.
Có thể kể đến một số chương trình như mua 1 tặng 1, giới thiệu combo càphê dành cho khách nhóm, combo càphê và món ăn… tạo điều kiện thuận lợi cho khách sử dụng bất kể thời điểm nào trong ngày.
Khảo sát trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, dù được kinh doanh với phương thức nào thì những sản phẩm càphê đen nóng/lạnh, càphê sữa nóng/lạnh thuần Việt đều có giá bán phổ biến dao động từ 12.000-35.000 đồng/sản phẩm, tùy thương hiệu.
Cụ thể, hệ thống cửa hàng Guta bán càphê đá/sữa đá có giá 20.000 đồng/ly nhỏ và 29.000 đồng/ly lớn; Passio Coffee bán càphê đá/sữa đá 25.000 đồng/ly nhỏ và 35.000 đồng/ly lớn; Highlands Coffee bán càphê đá/sữa đá 29.000 đồng/ly nhỏ và 35.000 đồng/ly lớn.
Ngoài ra, cả chuỗi cửa hàng, quán càphê thương hiệu ngoại cũng như nội địa đều chạy combo càphê với thức ăn để phục vụ nhu cầu ăn uống trong ngày của khách hàng.
Điển hình, tại hệ thống chuỗi cửa hàng Macdonal’s từ thứ 2 đến thứ 6 thực hiện combo sáng với càphê đá/sữa đá và burger có giá 29.000 đồng/combo; Highlands Coffee có combo Tỉnh táo sáng trưa với càphê đá/sữa đá và bánh mì 45.000 đồng/combo; Guta có combo bánh mì kẹp và càphê đá/sữa đá 49.000 đồng/combo…
Còn riêng khi khách hàng sử dụng phương thức đặt hàng online, ứng dụng gọi xe công nghệ… thì cũng được hưởng đa dạng tiện ích như giảm giá khi thanh toán không tiền mặt, miễn phí giao hàng với đơn hàng đạt giá trị cụ thể, tặng mã giảm giá…
Các chuỗi cửa hàng, quán càphê cũng chủ động liên kết với nhiều kênh bán hàng online, thương mại điện tử… đã mang lại những giá trị mới cho ngành hàng càphê Việt.
Trước bối cảnh dịch COVID-19, người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay, họ ưu tiên sử dụng kênh mua sắm online thay cho thói quen vào dịp cuối tuần cùng gia đình đến trung tâm thương mại và ở nhà gọi đồ uống, thức ăn nhanh.
Với xu hướng tiêu dùng này, việc cạnh tranh giá cả và tung ra những chương trình ưu đãi của đơn vị kinh doanh ngành hàng càphê nói riêng, ngành hàng thực phẩm nói chung sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng hơn khi thu nhập của nhiều gia đình và nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức./.

Nhập cuộc của những “ông lớn”
Với tâm huyết góp phần đưa thị trường càphê về đúng “bản chất” cà phê thật 100%, từng bước đánh bật những sản phẩm kém chất lượng, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang đầu tư phát triển ngành hàng này.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, phân phối, bán lẻ, mà còn đầu tư mở hệ thống chuỗi cửa hàng, quán càphê để mang đến cho người dân những sản phẩm chất lượng. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức tiêu dùng hàng hóa có thương hiệu, nhất là những sản phẩm mang thương hiệu thuần Việt.
Hấp dẫn tân binh mới
Theo thống kê sơ lược dựa vào nguồn website, fanpage Facebook và do đại diện doanh nghiệp cung cấp, tính đến thời điểm tháng 12/2019, số lượng quán càphê của các chuỗi đã có những thay đổi đáng kể.
Đáng chú ý, vào khoảng cuối năm 2019, Tập đoàn Trung Nguyên đã mắt Trung Nguyên E-Coffee hệ thống cửa hàng chuyên Càphê năng lượng – Càphê đổi mới. Trung Nguyên E-Coffee cũng mở rộng hợp tác tác chiến lược cùng 1.000 chuỗi cửa hàng tiện lợi, cũng như mở điểm tại chuỗi trạm dừng chân trên những cung đường du lịch nổi tiếng khắp Việt Nam.
Với tâm huyết góp phần đưa thị trường càphê về đúng “bản chất” cà phê thật 100%, từng bước đánh bật những sản phẩm kém chất lượng, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang đầu tư phát triển ngành hàng này.
Trong đó, thương hiệu Highlands Coffee từ 240 quán lên 299 quán, The Coffee House từ 140 lên 160 quán, Trung Nguyên Legend từ 92 lên gần 100, Starbucks từ 45 quán lên 64 quán, Phuc Long Coffee & Tea từ 44 lên 60, Cộng càphê từ 63 còn 61 (không kể 7 cửa hàng ở nước ngoài), Coffee Bean & Tea Leaf từ 15 còn 10.
Cụ thể, Trung Nguyên E-Coffee là chuỗi cửa hàng bách hóa càphê chuyên cung ứng khách hàng những ly càphê tuyệt phẩm, được định hướng là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Đồng thời, đây là một giải pháp kinh doanh cho những người muốn tham gia vào ngành càphê, với việc không giới hạn thực đơn, có thể bán cả trà sữa, bánh mỳ, cơm, phở…

Tiếp đến đầu năm 2020 tới nay, thị trường chuỗi cửa hàng, quán càphê không kém phần sôi động khi chào đón những tân binh mới khi trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp đã công bố sẽ tham gia vào ngành hàng càphê, nhất là tập trung mở hệ thống chuỗi cửa hàng.
Có thể kể đến những “ông lớn” đã xây dựng được thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng và bắt tay vào “khởi nghiệp” ở ngành hàng càphê như Nutifood, Vinamilk, PAN, Massan…
Càphê sữa đá Việt Nam lọt vào 10 thức uống càphê ngon nhất trên thế giới, không chỉ là một thức uống mà còn là niềm tự hào về văn hóa càphê của người Việt. Đây cũng là động lực thúc đẩy Công ty cổ phần Nutifood thành công đóng gói “văn hóa càphê Việt” và cho ra đời sản phẩm “càphê sữa đá tươi” với sự tiện lợi nhưng vẫn đậm đà hương vị càphê Việt Nam.
Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, Nutifood đã hợp tác cùng một số đối tác khác để phát triển chuỗi cửa hàng, quán càphê Ông Bầu. Ghi nhận thực đơn tại chuỗi cửa hàng, quán càphê Ông Bầu có phong phú thức uống chiều lòng khách hàng, gồm trà sữa, trà vải, latte; các loại sữa chua, nước thanh lọc cơ thể…
Bên cạnh đó, những món đặc trưng làm nên tên tuổi, nét riêng của thương hiệu Ông Bầu như càphê, càphê trứng hay Pandan Macchiato vừa thơm mùi lá dứa, vừa có vị béo ngọt của sữa và pha trộn vị đăng đắng đặc trưng của càphê.Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch NutiFood, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp chỉ một chữ “THẬT,” nên chuỗi cửa hàng, quán càphê Ông Bầu mang càphê thật đến cho mọi người và trả lại giá trị đúng cho càphê. Cũng với tinh thần này, chuỗi cửa hàng, quán càphê Ông Bầu đã có cơ hội gặp gỡ với nhiều đối tác cùng chung chí hướng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk vừa công bố sẽ phát triển ngành nghề kinh doanh có liên quan đến ăn uống, quán càphê với thương hiệu Hi-Café. Bên cạnh đó, Vinamilk đang chuẩn bị và triển khai dự án mở chuỗi cửa hàng bán lẻ càphê, đồ uống và những thức ăn kèm với thương hiệu Hi-Café.
Hiện tại, Vinamilk có khoảng 430 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt, doanh nghiệp này triển khai pha chế càphê với sữa là chính và càphê là phụ. Đây được xem là chiến lược tận dụng lợi thế của Vinamilk để đi vào thị trường chuỗi càphê, đồng thời khẳng định mô hình kinh doanh hiệu quả với việc không lãng phí tiền thuê mặt bằng.
Đại diện Ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, doanh nghiệp đã mở cửa hàng đầu tiêu từ năm 2019 tại trụ sở công ty. Trong năm nay và những năm tiếp theo, Vinamilk dự kiến sẽ mở rộng thương hiệu Hi-Café thành chuỗi cửa hàng, quáncà phê tại nhiều địa phương trên cả nước.
Định hình giá trị thương hiệu
Khảo sát tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam, hệ thống chuỗi cửa hàng, quán càphê đã trở thành địa điểm quen thuộc và một nếp văn hóa của người dân trong đời sống. Người dân đến chuỗi cửa hàng, quán càphê để giải trí, gặp gỡ bạn bè; đồng thời cũng có người đến để tìm cho mình một không gian để làm việc, trao đổi công việc…
Trong các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, Việt Nam cũng là một trong những nước có thị trường cà phê hấp dẫn nhất. Chính vì vậy, ngành hàng càphê luôn được đánh giá là ngành kinh doanh có tiềm năng và nhiều dư địa phát triển dựa trên nền tảng thị hiếu tiêu dùng, văn hóa, cũng như nhu cầu của người dân rất cao.

Trên thực tế kinh doanh chuỗi cửa hàng, quán càphê thường được nhắc đến nhiều trong lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực khởi nghiệp của thế hệ trẻ thông qua những mô hình kinh doanh hiện đại.
Nhưng trong thời gian gần đây, sân chơi này lại có sự tham gia của những “ông lớn” có thương hiệu mạnh trên thị trường, đã góp phần tạo nên làn gió mới cho thị trường càphê Việt và mang lại cơ hội được xây dựng thương hiệu với hướng đi bền vững.
Điển hình, hiện là doanh nghiệp nằm trong top các đơn vị đứng đầu cả nước về xuất khẩu càphê, Công ty cổ phần Phúc Sinh đã xây dựng chuỗi cửa hàng, quá càphê và sở hữu thương hiệu K Coffee. Mặc dù vậy, thương hiệu này không chạy đua mở chuỗi cửa hàng, quán càphê mà kinh doanh với phương châm có lời mới mở.
Còn theo chia sẻ của đại diện thương hiệu chuỗi cửa hàng, quán càphê The Coffee House, để xây dựng năng lực cốt lõi, trong năm 2019 hệ thống này chủ động mở cửa hàng chậm.
Đồng thời, kế hoạch của The Coffee House sẽ tăng cường mở thêm cửa hàng trong năm 2020, với phương thức tự mở và vận hành, chưa có kế hoạch thực hiện nhượng quyền thương hiệu.
Khi tham gia vào thị trường chuỗi cửa hàng, quán càphê, nhiều đơn vị kinh doanh hay kể cả những “ông lớn” đang muốn chen chân vào ngành này đều có tham vọng trở thành những thương hiệu đại diện cho càphê Việt Nam, chứ không đơn thuần là kinh doanh bán lẻ.
Trước bối cảnh này, hầu hết chuỗi cửa hàng, quán càphê thuần Việt đang không ngừng ngại phủ sóng rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước, cũng như xuất ngoại thương hiệu và mở cửa hàng tại thị trường nước ngoài.
Trong số đó, có thể kể đến thương hiệu Phuc Long Coffee & Tea đã thành công khi có 6 cửa hàng tại Hà Nội, sau khi xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng, quán càphê tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hay thương hiệu Cộng càphê đã vượt ra khỏi biên giới để mở cửa hàng tại Hàn Quốc và Malaysia.
Trước Cộng càphê, thì Trung Nguyên Legend cũng đã vươn ra thị trường nước ngoài thành công với khoảng 10 cửa hàng chủ yếu ở châu Á. Trung Nguyên Legend đã mặt ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore…
Theo ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch công ty cổ phần Đồng Tâm, đối với bất cứ doanh nghiệp nào thách thức lớn nhất vẫn là làm sao tìm ra mô hình kinh doanh khởi nghiệp hiệu quả tạo việc làm cho người lao động.
Tiếp theo, doanh nghiệp mới thúc đẩy từng bước xây dựng được thói quen uống cà phê thật và mô hình đó tự tạo được nguồn đóng góp ngược lại cho an sinh xã hội.
Để phát triển bền vững, bên cạnh thức uống chủ lực là càphê thuần Việt với nguồn nguyên liệu chất lượng của Việt Nam, đơn vị kinh doanh cần có thực đơn đa dạng, thơm ngon và bổ dưỡng phù hợp cho nhiều đối tượng khách hàng. Những thức uống dinh dưỡng mới theo mùa, bắt kịp xu hướng phải được thường xuyên bổ sung, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Còn một số chuyên gia khác cho biết, cũng như nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, thị trường chuỗi cửa hàng, quán càphê tại Việt Nam đã cho thấy có sự ra đi của một số thương hiệu lớn được đầu tư mạnh và chiến lược rất bài bản, nhưng cũng có nhiều thương hiệu mới xây dựng thành công và dần trở nên được yêu thích.
Điều này có thể thấy, tuy thị trường chuỗi cửa hàng, quán càphê ở Việt Nam rất tiềm năng nhưng không hề dễ dàng, nên đơn vị kinh doanh muốn tham gia vào ngành hàng càphê cần có chiến lược với những bước đi thật thận trọng./.

Nhượng quyền thương hiệu
Các chuỗi cửa hàng, quán càphê đã xây dựng thành công thương hiệu, nhưng vấn đề đặt ra cho bước tiếp theo là bài toán thúc đẩy hệ thống chuỗi cửa hàng cả về số lượng lẫn chất lượng. Do đó, nhiều đơn vị kinh doanh ngành hàng càphê đã mở rộng thêm mô hình nhượng quyền thương hiệu và điều này thúc đẩy tốc độ phát triển của chuỗi cửa hàng, quán càphê tại thị trường Việt Nam.
Cơ hội khởi nghiệp kinh doanh
Theo một số chuyên gia, trước thực trạng chuỗi cửa hàng, quán càphê mọc lên như nấm ở nhiều địa phương thì việc tham gia vào ngành hàng này vẫn còn cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, nhất là đối với “người mới.”
Các chuỗi cửa hàng, quán càphê đã xây dựng thành công thương hiệu, nhưng vấn đề đặt ra cho bước tiếp theo là bài toán thúc đẩy hệ thống chuỗi cửa hàng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Để kinh doanh thành công, những người mới tham gia vào ngành hàng càphê có thể lựa chọn mô hình nhượng quyền thương hiệu đã được nhiều người biết đến, xây dựng được hệ thống chuỗi cửa hàng, quán càphê với một mạng lưới rộng lớn và đảm bảo khả năng đạt lợi nhuận cao.
Khi khởi nghiệp kinh doanh chuỗi cửa hàng, quán càphê thông qua phương thức nhượng quyền thương hiệu, người kinh doanh không cần phải phát triển kế hoạch kinh doanh hay xây dựng thương hiệu ngay từ đầu.
Việc nhượng quyền thương hiệu chuỗi cửa hàng, quán càphê là một trong những mô hình kinh doanh nhanh nhất để người khởi nghiệp có thể trở thành chủ thành công. Đặc biệt, các chuỗi cửa hàng, quán càphê này đã và đang có thương hiệu nên còn sở hữu sẵn một lượng khách hàng lớn, trung thành và tạo được dấu ấn riêng trên thị trường.
Thống kê trên thị trường, tùy vào thương hiệu mà những chuỗi cửa hàng, quán càphê có mức chi phí nhượng quyền khác nhau.

Trong đó, có thể đến những thương hiệu ngoại như The Coffee Bean and Tea Leaf, Highlands Coffee; còn một số thương hiệu thuần Việt, gồm Viva Star Coffee, Milano Coffee, Cộng càphê, Passio Coffee…
Đại diện một cửa hàng Passio Coffee cho rằng, Passio Coffee là thương hiệu càphê Việt đi tiên phong trong việc bắt kịp xu hướng cà phê “take-away” (tạm dịch: mang đi). Từ năm 2006, Passio Coffee khởi nghiệp hệ thống chuỗi cửa hàng với một quán càphê đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh và đến nay Passio Coffee đã phát triển rộng khắp nhiều tỉnh, thành cả nước.
Tương tự, Milano Coffee ra đời vào năm 2011 và đến nay đã có hàng nghìn cửa hàng trên toàn quốc với doanh thu khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Tại Milano Coffee, thực đơn có giá cả bình dân từ 15.000-25.000 đồng, không gian quán đơn giản, tương đồng với kiểu càphê cóc truyền thống của người Việt Nam nên việc sở hữu thương hiệu này chỉ cần đầu tư khoảng 100 triệu đồng chi phí ban đầu.
Chị Mỹ Chi, cư ngụ tại quận Bình Tân cho biết, từ một nhân viên công sở chuyển sang khởi nghiệp với mô hình kinh doanh nhượng quyền chuỗi cửa hàng, quán càphê đã được thương hiệu nhượng quyền hỗ trợ rất nhiều.
Điển hình, với một khoảng chi phí đầu tư ban đầu, nếu tự phát triển mô hình kinh doanh riêng thì người khởi nghiệp phải tự làm từ “A-Z.” Tuy nhiên, nếu nhượng quyền thương hiệu thì mô hình kinh doanh đã có sẵn và thương hiệu đã có lượng khách hàng nhất định.
Đồng quan điểm, chị Ái Vân, cư ngụ tại huyện Bình Chánh cũng cho hay, khi nhượng quyền thương hiệu với hình thức Franchise fee (một lần) thì đã bao gồm phí mua nhượng quyền, bản vẽ thiết kế, hỗ trợ về hình ảnh, tuyển dụng và đào tạo nhân viên (không bao gồm lương nhân viên trong giai đoạn đào tạo), hỗ trợ truyền thông dịp khai trương, thủ tục hành chính phát sinh về phía công ty.
Vì vậy, người khởi nghiệp kinh doanh hay đơn vị kinh doanh lần đầu tham gia vào ngành hàng càphê có cơ hội bắt tay hoạt động kinh doanh và thâm nhập vào thị trường hiệu quả, cũng như thu về lợi nhuận nhanh hơn.
“Ngoài ra, kinh doanh quán càphê như một con dao hai lưỡi, có thể đem lại lợi nhuận lớn nhưng cũng có thể không thành công như mong đợi. Do đó, một trong những vấn đề quan trọng mà đơn vị tham gia nhượng quyền thương hiệu cần quan tâm hàng đầu là các vấn đề pháp lý, vì mọi hoạt động kinh doanh đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Hơn nữa, khi thương vụ nhượng quyền thương hiệu đảm bảo tuân thủ pháp luật thì sẽ yên tâm để dồn tâm huyết vào việc kinh doanh hơn,” chị Ái Vân cho chia sẻ thêm.
Cộng hưởng năng lực cạnh tranh
Ghi nhận ý kiến của một số đơn vị kinh doanh chuỗi cửa hàng, quán càphê cho thấy, họ có xu hướng lựa chọn những thương hiệu thuần Việt hơn là ngoại nhập. Lý giải nguyên nhân dẫn đến điều này, đơn vị kinh doanh cho rằng, thương hiệu thuần Việt phổ biến mô hình kinh doanh phù hợp với văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt.
Bên cạnh đó, giá trị nhượng quyền thương hiệu chuỗi cửa hàng, quán càphê thuần Việt rất cạnh tranh, mà nhiều đối tượng có thể đáp ứng được năng lực tài chính và quản lý mô hình kinh doanh.

Đơn cử, thương hiệu Trung Nguyên E-Coffee ngay từ ngày đầu ra đời đã công bố triển khai nhượng quyền thương hiệu có giá trị 0 đồng. Với chính sách này, Trung Nguyên E-Coffee mong muốn tăng tốc hiện thực hóa mục tiêu 3.000 cửa hàng trên 63 tỉnh thành vào năm 2020, trở thành hệ thống cửa hàng bán lẻ thế giới càphê số 1.
Đồng thời, Trung Nguyên E-Coffee giúp càphê của hãng tiếp cận nhiều hơn với đối tượng khách hàng có mức thu nhập trung bình-thấp, vốn là đối tượng của các quán càphê truyền thống nhỏ lẻ.
Mặt khác, mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu chuỗi cửa hàng, quán càphê thuần Việt lại không đòi hỏi diện tích mặt bằng lớn như những thương hiệu ngoại.
Cùng với đó, các vấn đề liên quan về lao động, vận hành… thì chuỗi cửa hàng, quán càphê thuần Việt cũng tương đối linh hoạt hơn một số thương hiệu ngoại có quy định khắt khe với đối tác nhượng quyền thương hiệu.
Chính những yếu tố kể trên đã giúp chuỗi cửa hàng, quán càphê thuần Việt đang có phần thắng thế trên thị trường khi phân khúc khách hàng tầm trung và cao cấp ngày càng chật hẹp, thì nhóm bình dân, người có thu nhập thấp là khách hàng tiềm năng.
Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh kéo dài đang gây tâm lý bất an cho người dân, nên nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu để phòng rủi ro về tài chính.
Ở góc độ doanh nghiệp xây dựng nhượng quyền thương hiệu, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch công ty cổ phần Đồng Tâm cho hay, sau khi thử nghiệm trên rất nhiều mô hình, chuỗi cửa hàng, quán càphê Ông Bầu mới tìm ra được mô hình kinh doanh hiệu quả của quầy bar di động khi chi phí đầu tư thấp từ 70 triệu, đặt đúng vị trí sẽ dễ dàng có doanh số trung bình 1 ngày ít nhất từ 800.000-1,2 triệu đồng.
Nếu người lao động lấy công làm lời sẽ có thu nhập tốt, người tiêu dùng thì được uống càphê thật thông qua mô hình kinh doanh nhượng quyền chuỗi cửa hàng, quán càphê Ông Bầu.
Theo ông Võ Quốc Thắng, chuỗi cửa hàng, quán càphê Ông Bầu có chính sách tài chính hỗ trợ khởi nghiệp và được đầu tư truyền thông bài bản để hướng mục tiêu sắp tới là 10.000 điểm bán.
Vì vậy, đối tác nhượng quyền thương hiệu không cần lo lắng về nguồn nguyên liệu, công thức pha chế, thực đơn cho quán, lại có thể chia nhỏ ngân sách đầu tư theo giai đoạn khi hợp tác kinh doanh, cùng phát triển chuỗi cửa hàng, quán càphê Ông Bầu.
Hơn thế nữa, càphê tại chuỗi cửa hàng, quán càphê Ông Bầu được chế biến, pha chế từ nguồn nguyên liệu đến từ nông trường CADA – vùng trồng càphê nổi tiếng tại Đắk Lắk đã được người Pháp chọn lựa để trồng những cây càphê robusta đầu tiên tại Việt Nam từ những năm 1922.
Toàn bộ nguồn nguyên liệu chất lượng do Công ty cổ phần NutiFood – một trong những đơn vị hợp tác phát triển thương hiệu Ông Bầu phụ trách.
Còn liên quan đến lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu, chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến từng chia sẻ, kinh doanh nhượng quyền là một trong những phương thức nhanh nhất giúp các thương hiệu mở rộng độ phủ mà không cần đầu tư quá nhiều thời gian, tài chính, vận hành. Tuy nhiên, để làm được điều này đơn vị tạo lập thương hiệu phải thực sự thành công, vì đây là mô hình win-win (hai bên cùng có lợi).
Song song đó, đối với mô hình kinh doanh nghiệp quyền thương hiệu, các đối tác cần tìm hiểu kỹ các loại chi phí và quyền lợi mà thương hiệu đưa ra bên cạnh thông tin về phí nhượng quyền. Đặc biệt, trước khi quyết định đầu tư, hãy tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường, vai trò của hãng nhượng quyền cũng như nâng cao năng lực quản lý và vận hành./.
