nong_san_viet

nongsanvie-1595405197-19.jpg

Là một nước nông nghiệp nhiệt đới với đa dạng các loại nông sản, xuất khẩu nông sản nói chung, hoa quả nói riêng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có được chỗ đứng tại một số thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…, đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Nói đến các thị trường tiêu thụ, Nhật Bản đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn của hoa quả Việt Nam. Sau thanh long, xoài và chuối, vải thiều là loại hoa quả tươi thứ tư của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản. Ngày 22/6 vừa qua, lô vải thiều tươi đầu tiên nhập khẩu từ Việt Nam đã chính thức lên kệ tại các siêu thị trên khắp Nhật Bản.

Mặc dù có giá bán khá cao, gần 120.000 đồng cho một hộp 9 quả, nhưng đặc sản Việt Nam vẫn được thị trường Nhật Bản đón nhận tích cực. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh bày tỏ lạc quan việc thâm nhập thành công vào một thị trường có tiêu chuẩn cao như Nhật Bản sẽ giúp mở ra “những cánh cửa xuất khẩu” mới cho vải thiều của Việt Nam.

Nhiều người cũng hy vọng sau vải thiều, nhiều hoa quả nhiệt đới khác của Việt Nam sẽ tiếp tục “Đông tiến” thành công vào thị trường khó tính này.

Đóng hộp bảo quản quả vải thiều tươi đưa vào hệ thống diệt khuẩn để bảo quản xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Đóng hộp bảo quản quả vải thiều tươi đưa vào hệ thống diệt khuẩn để bảo quản xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tại Singapore, thị trường ở Đông Nam Á, với sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan Thương vụ Việt Nam, nhiều nông sản Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc. Về sản phẩm cây cảnh và hoa tươi, Việt Nam là một trong 5 đối tác hàng đầu cung cấp cho thị trường Singapore. Về hoa quả, bên cạnh một số mặt hàng truyền thống đã vào thị trường từ nhiều năm như thanh long trắng, dừa xiêm, ba năm trở lại đây, nhiều sản phẩm mới của Việt Nam như hồng xiêm, bưởi Năm roi, chanh leo, thanh long đỏ và gần đây là vải thiều cũng đã chinh phục thị trường này. Dự kiến cuối năm nay, một số mặt hàng khác như trái bơ, đu đủ, nhãn, vú sữa… sẽ sớm vào thị trường Singapore.

Về rau củ, ngoài ớt chuông, ớt chỉ thiên, sau nhiều lần tới thực địa tại Việt Nam, tận mắt thăm các trang trại và dự Hội chợ Hortex, các nhà nhập khẩu Singapore đã dần yên tâm về chất lượng và khả năng cung ứng của Việt Nam và bày tỏ sự quan tâm đối với một số mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như cà chua, rau cải, măng tây, củ năng, ngô ngọt…

Về thực phẩm chế biến, người dân Singapore ngày càng quen thuộc với các sản phẩm bánh tráng, bánh phồng tôm, càphê, các loại hạt điều, nước mắm, trứng muối…

Vải thiều Lục Ngạn được đóng hộp sang trọng xuất đi Nhật Bản. 
Vải thiều Lục Ngạn được đóng hộp sang trọng xuất đi Nhật Bản. 

Bên cạnh đó, tín hiệu đáng mừng là thị trường Singapore bắt đầu chấp nhận các mặt hàng nông sản chế biến có giá trị cao của Việt Nam như sữa hữu cơ, thức uống dinh dưỡng và trà thực phẩm chức năng, bánh kẹo, dầu dừa hữu cơ…

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, một số sản phẩm chế biến khác của Việt Nam mà Singapore chưa từng nhập khẩu như rau quả đóng hộp, thực phẩm đóng hộp, bột mỳ và các sản phẩm bột xay xát, đã xuất hiện… Các sản phẩm xuất thô của Việt Nam như gạo, thủy sản đông lạnh tiếp tục giữ thị phần ổn định tại thị trường.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh điều đáng mừng là các sản phẩm Việt Nam tại Singapore không những gia tăng về số lượng, kim ngạch mà cơ cấu mặt hàng cũng có nhiều thay đổi, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, chú trọng vào nhóm các sản phẩm hữu cơ và chế biến sâu.

Hoa quả Việt Nam cũng đã xuất hiện tại châu Đại dương với điểm đến Australia. Theo số liệu từ Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, trong tháng Năm vừa qua, kim ngạch nhập khẩu nói chung của Australia giảm 11% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, nhập khẩu rau quả từ Việt Nam đạt hơn 22,6 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm năm ngoái, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra cho các doanh nghiệp và hoạt động vận chuyển giữa hai nước.

Australia là quốc gia hàng đầu thế giới về nông nghiệp, với hơn 123.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi gia súc, quản lý và khai thác gần 384,6 triệu hécta đất. Đây cũng là một thị trường có tiêu chuẩn sống cao, nông sản phong phú “cái gì cũng có,” từ táo, nho, đến xoài, sầu riêng, thanh long, nhãn, vải, đu đủ, chuối, dứa…

Trong những năm gần đây, xuất khẩu nông nghiệp của Australia luôn đạt trên 40 tỷ USD và sản phẩm nông nghiệp của nước này ngày càng được ưa chuộng, do không chỉ ngon mà quan trọng là chính sách kiểm soát chất lượng và môi trường tốt của chính phủ làm cho nông sản của Australia có giá trị cao trong mắt người tiêu dùng.

Chính vì thế, theo ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, sự hiện diện của các mặt hàng nông sản Việt Nam tại Australia, trong đó có 4 loại quả tươi gồm vải (từ tháng 5/2015), xoài (từ tháng 9/2016), thanh long (từ tháng 7/2017) và nhãn (từ tháng 9/2019) là một điều rất đáng tự hào và là một thành công lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc chỉ đạo kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường.

Quảng bá vải U hồng Việt Nam tại Australia. (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)
Quảng bá vải U hồng Việt Nam tại Australia. (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)

Ông Nguyễn Phú Hòa nhận định mặc dù kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Australia chưa thể so sánh với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… và mới chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng quy mô thị trường Australia, song danh tiếng và thương hiệu của nông sản Việt Nam đã được khẳng định nhờ những nỗ lực không ngừng của chính phủ, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam để có thể “sống chung được với người khổng lồ” này.

Trong khi đó, các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng là đối tác đầy tiềm năng. Đây là thị trường rộng lớn, với quy mô dân số trên 500 triệu người. Tham tán Nông nghiệp tại EU và Bỉ, ông Trần Văn Công cho biết về tổng thể, hàng nông-lâm-thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng nhỏ so với nhu cầu nhập khẩu của EU, nên dư địa cho xuất khẩu sang EU còn rất lớn.

Bên cạnh đó, hàng nông-lâm-thủy sản của Việt Nam và EU có tính bổ trợ cho nhau và không cạnh tranh trực tiếp. Nông sản Việt Nam là bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng giúp cho ngành chế biến thực phẩm EU phát triển phục vụ cho nội khối và xuất khẩu. Việc EU cam kết dành cho Việt Nam trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản sẽ mở rộng cánh cửa để nông sản Việt Nam bứt phá xuất khẩu vào thị trường này.

Dù cách Việt Nam nửa vòng Trái Đất, Mỹ hiện là một trong những đối tác nhập khẩu nhiều loại nông sản Việt, trong đó phải kể tới càphê, hạt điều, hạt tiêu, chè, gạo, nông sản chế biến và quả tươi. Đến nay, phía Mỹ đã chính thức cấp phép nhập khẩu 6 loại hoa quả tươi của Việt Nam gồm vú sữa, xoài, vải, nhãn, thanh long và chôm chôm.

Nông sản Việt, trong đó có hoa quả, đang từng bước chinh phục thị trường thế giới, mở ra cơ hội to lớn cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu.

Ngày 22/6/2020, 30 tấn xoài đầu tiên của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Ngày 22/6/2020, 30 tấn xoài đầu tiên của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Tận dụng tối đa cơ hội

Nông sản Việt Nam đã được nhận diện tại nhiều nước và khu vực trên thế giới. Vấn đề đặt ra là đảm bảo được chỗ đứng và khẳng định vị thế giữa muôn vàn sự lựa chọn tại các thị trường khó tính. Một trong những chìa khóa là “biết người biết ta,” đặc biệt là nắm được những thế mạnh, những ưu điểm để phát huy triệt để.

Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore Trần Thu Quỳnh, hiện giá trị kim ngạch các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh (như gạo, thủy sản, rau củ quả…) chỉ chiếm chưa đến 5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore, song doanh nghiệp Việt Nam vẫn có cơ hội rất lớn để thâm nhập thị trường có đòi hỏi cao này và thông qua đó để đi ra thế giới.

Việc Singapore thận trọng trong chính sách thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu chính đang là thời cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, Singapore đang khống chế tỷ lệ xuất khẩu vào một thị trường đơn lẻ không quá 15% tổng giá trị xuất khẩu của nước này. Dự kiến, tỷ lệ này sẽ được xem xét giảm đối với cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu, để tránh các đứt gãy cung cầu trong tương lai ở các thị trường truyền thống của Singapore như Malaysia, Trung Quốc, Mỹ…

Mặc dù Singapore có thể là một thị trường nhỏ, nhưng đây là địa bàn trung chuyển với mạng lưới doanh nhân người Hoa năng động, nếu doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công vào địa bàn sẽ có cơ hội để mở rộng thị trường ra thế giới; đặc biệt là cơ hội thâm nhập vào các thị trường ngách cực kỳ tiềm năng như: thị trường cung cấp thức ăn hàng không, thị trường cung cấp thức ăn cho các chuỗi nghỉ dưỡng, khách sạn và tàu biển và đặc biệt là thị trường Halal.

Công đoạn sơ chế thanh long trước khi đóng hàng. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Công đoạn sơ chế thanh long trước khi đóng hàng. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Trong khi đó, tại thị trường Australia, nông sản Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng với nông sản bản địa, và đây cũng chính là những lợi thế.

Theo ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Australia có những điều kiện thuận lợi nhất định. Thứ nhất, về khí hậu, Việt Nam và Australia nằm ở hai nửa bán cầu khác nhau nên vụ mùa thu hoạch thường trái ngược, góp phần tạo ra sự tương hỗ, bổ sung trong việc tiêu thụ nông sản của hai nước.

Thứ hai, có hơn 300.000 kiều bào Việt Nam sinh sống trên khắp Australia, chưa kể vài chục nghìn du học sinh và cán bộ đang học tập và công tác ở đây, nhiều người đem theo cả gia đình, tạo ra một thị trường đáng kể. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả do người Việt Nam làm chủ tại Australia rất đông. Các thương gia Việt kiều tại các thành phố lớn như Sydney và Melbourne luôn sẵn sàng ưu tiên lựa chọn nguồn hàng của Việt Nam.

Thứ ba, tháng 3/2018, Việt Nam và Australia đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược, qua đó tạo ra nhiều cơ hội đầu tư-thương mại mới giữa hai nước. Hai quốc gia còn là đối tác thương mại thông qua hai hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và sắp tới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nhờ các hiệp định này, phần lớn hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Australia được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% và nhiều điều kiện thuận lợi khác.

Quả nhãn là loại trái cây thứ 4 của Việt Nam được Australia cấp phép nhập khẩu, sau quả vải, xoài và thanh long. (Ảnh: TTXVN)
Quả nhãn là loại trái cây thứ 4 của Việt Nam được Australia cấp phép nhập khẩu, sau quả vải, xoài và thanh long. (Ảnh: TTXVN)

Với Liên minh châu Âu (EU), việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt tại thị trường tiềm năng này. Tham tán Nông nghiệp tại EU và Bỉ Trần Văn Công đánh giá khi hiệp định này có hiệu lực từ 1/8 tới, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng lợi về thuế. Đáng chú ý là nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được hưởng thuế suất về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như cà phê, mật ong tự nhiên, sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi…

EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu hầu hết các mặt hàng, gần 100% kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy-sản của Việt Nam. Gần như toàn bộ các sản phẩm thủy sản, rau quả tươi, rau củ quả chế biến, càphê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong, gạo tấm, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng song mây cói thảm…  về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Thêm vào đó, EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.

Với thị trường Mỹ, Tham tán Thương mại Việt Nam Bùi Huy Sơn đánh giá hai nước có nhiều triển vọng hợp tác trong thương mại nông sản trên cơ sở khai thác lợi thế cạnh tranh mang tính bổ trợ lẫn nhau của mỗi bên. Các nông sản như bông, đỗ tương của Mỹ hỗ trợ tích cực cho ngành dệt, may và chăn nuôi của Việt Nam. Các loại quả ôn đới đặc trưng như chery, nho, táo Mỹ sẽ mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam nhiều lựa chọn phong phú. Ngược lại, Việt Nam có thể cung cấp các sản vật như càphê, hạt tiêu, chè, gạo, hạt điều, hoa quả tươi nhiệt đới cho thị trường Mỹ.

Có thể thấy nông sản Việt, đặc biệt là hoa quả vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa tại thị trường các nước. Vấn đề là các doanh nghiệp cần biết tận dụng lợi thế để biến thành cơ hội phát triển.

Người dân huyện Mai Sơn, Sơn La phân loại, lựa chọn xoài đóng gói phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Người dân huyện Mai Sơn, Sơn La phân loại, lựa chọn xoài đóng gói phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Nhận diện thách thức

Bên cạnh lợi thế, những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt khi “vươn ra biển lớn” cũng không hề nhỏ.

Thứ nhất, các thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam đều có yêu cầu cao, khó tính về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy tắc về quy trình sản xuất cũng như xuất xứ.

Theo Tham tán Nông nghiệp tại EU và Bỉ Trần Văn Công, EU là một thị trường có yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao nhất thế giới. Các yêu cầu về kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), dán nhãn, môi trường…của EU rất khắt khe và các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam không dễ đáp ứng. Đối với nhóm sản phẩm rau củ quả, sản phẩm xuất khẩu sang EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an thực phẩm cao, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận đang áp dụng rộng rãi tại EU như Global Gap … EU có xu hướng yêu cầu đạt nhiều loại tiêu chuẩn như hữu cơ, fair-trade, 4C, Rainforest Allinace, BRC…

Ngoài ra, EU liên tục mở rộng danh mục cấm sử dụng nhiều loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí có những loại thuốc bảo vệ thực vật chỉ sử dụng cho cây trồng nhiệt đới và không sử dụng đối với cây trồng ôn đới tại EU, nhưng vẫn bị cấm sử dụng. Các quy định này tạo ra nhiều rào cản kỹ thuật mới, cản trở tiếp cận thị trường do thay đổi các loại thuốc bảo vệ thực vật, làm tăng chi phí sản xuất, xuất khẩu…

Ví dụ như gần đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với hàng thực phẩm nhập vào EU từ nước thứ ba, trong đó EU yêu cầu Việt Nam kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với 100% thanh long xuất khẩu sang EU (thay vì chỉ 10% như trước đây) và quy định mỗi lô thanh long xuất khẩu phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Vì vậy, để đáp ứng các quy tắc xuất xứ của Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi cách làm việc, không thể tiếp tục thu mua nguyên liệu nông sản mà không quan tâm đến khả năng truy được nguồn gốc.

Các doanh nghiệp phải hiểu và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ, kiểm soát ngay tại đồng ruộng, tăng cường liên kết chuỗi, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là chú trọng quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường…

Xoài da xanh của Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)
Xoài da xanh của Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)

Tương tự, các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Mỹ rất nghiêm ngặt, trong khi thủ tục đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu không hề đơn giản, nếu không muốn nói là rất phức tạp. Australia cũng là một trong những thị trường “khó tính” nhất thế giới đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu với nhiều quy định về bảo đảm an toàn sinh học, kiểm dịch ngặt nghèo và các tiêu chuẩn khắt khe.

Khó khăn thứ hai là phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ xuất khẩu khác có cùng cơ cấu hàng hóa trên cả yếu tố giá cả và thương hiệu. Singapore là một ví dụ điển hình. Dù là một đảo quốc nhỏ với dân số chưa đến 6 triệu người, Singapore lại là nước có đối tác nhập khẩu đa dạng bậc nhất thế giới với 220 đối tác, riêng trong lĩnh vực thực phẩm, rau củ quả, Singapore có quan hệ nhập khẩu với 170 nước. Sự đa dạng đối tác này là để đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo nguồn cung trước mọi nguy cơ đứt gãy.

Các đối tác xuất khẩu hoa quả, nông sản chính của Singapore hiện nay là Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ và Australia. Có thể nói, năng lực cạnh tranh để đối phó với mạng lưới đối tác cung cấp đa dạng như vậy chính là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại Mỹ, thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn, nông sản Việt Nam cũng phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ từ Đông Nam Á, Nam Á hay Nam Mỹ vốn đã thâm nhập thị trường này từ nhiều năm trước. Sức ép cạnh tranh buộc sản phẩm phải có chất lượng tốt hơn, cảm quan đẹp hơn, hương vị đặc trưng, bao gói phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng nhanh, tiện lợi.

Thách thức thứ ba là sự thiếu linh hoạt của chính các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore Trần Thu Quỳnh, tháng 3 vừa qua, khi tâm lý tiêu dùng của Singapore bị khủng hoảng, người dân nước này mua sắm vơ vét làm cạn kiệt hàng tại các siêu thị, Chính phủ Singapore đã phải áp đặt hạn mức mua hàng và phải tham gia vào việc đấu thầu mua sắm để đảm bảo cung cấp các sản phẩm thực phẩm thiết yếu cho người dân như gạo, mì gói, rau, củ, trái cây, càphê… Mặc dù Thương vụ rất nỗ lực kết nối, giới thiệu các đơn hàng, tuy nhiên, số lượng đơn hàng trúng thầu chưa được cao vì phía Singapore phản ánh hoặc là mức giá các doanh nghiệp Việt Nam chào quá cao, hoặc là khả năng cung cấp không đủ.

Quả nhãn là loại trái cây thứ 4 của Việt Nam được Australia cấp phép nhập khẩu, sau quả vải, xoài và thanh long. (Ảnh: TTXVN)
Quả nhãn là loại trái cây thứ 4 của Việt Nam được Australia cấp phép nhập khẩu, sau quả vải, xoài và thanh long. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, sự thiếu linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam cũng thể hiện ở việc thiếu tầm nhìn chiến lược. Khi thế giới đứt gãy nguồn cung, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Thái Lan, Trung Quốc đã chuẩn bị ngay chiến lược phát triển thị trường bằng việc giảm giá mạnh mẽ các sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn và đẩy mạnh các hình thức marketing (tặng sản phẩm khi mua gạo Thái, đăng nguyên trang báo Straits Times để quảng cáo gạo Thái…). Trong khi đó, sự thiếu linh hoạt, khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung, đảm bảo chất lượng và khả năng cạnh tranh về giá thấp đang là nguy cơ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể thâm nhập thị trường Singapore một cách bền vững.

Ngoài ra, còn một số yếu tố khách quan khác tác động hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Ví dụ, việc xuất khẩu hàng hóa vào Australia nói chung, nông sản nói riêng thời gian gần đây gặp nhiều thách thức do tỷ giá đồng nội tệ duy trì ở mức thấp làm cho hàng hóa nhập khẩu đắt hơn. Nền kinh tế tăng trưởng chậm cũng ảnh hưởng đến nhập khẩu và tiêu dùng của người dân.

Cũng phải kể đến khoảng cách địa lý quá xa đòi hỏi đầu tư nhiều cho khâu bảo quản, trong khi chi phí vận chuyển tăng, đặc biệt với nhóm hàng có thời vụ ngắn và cần tiêu thụ tươi như các loại quả.

Theo Tham tán công sứ, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Bùi Huy Sơn, đây là nguyên nhân khiến cho đến nay mới chỉ có 6 loại quả tươi được phép chính thức nhập khẩu vào Mỹ, trong khi Việt Nam có nhiều loại quả có thể đáp ứng nhu cầu thị trường này như bưởi, chanh leo hay quả bơ. Ngoài ra,  nhu cầu tiêu dùng của thị trường suy giảm do dịch bệnh COVID-19 sẽ tác động nặng nề tới các nước mới xâm nhập thị trường, chưa củng cố được thương hiệu cũng như xây dựng được mạng lưới phân phối.

Vấn đề mẫu mã sản phẩm cũng là một yếu tố cần tính tới. Theo ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, người có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động nhập khẩu, quảng bá, phân phối và tiêu thụ các loại hoa quả tươi từ Việt Nam ở thành phố Melbourne, người tiêu dùng bản địa có rất nhiều lựa chọn, họ không chỉ quan tâm đến chất lượng bên trong mà còn coi trọng cả hình thức bên ngoài của sản phẩm.

Để hoa quả Việt Nam đến được với nhiều người tiêu dùng Australia hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm hơn nữa đến việc cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm và áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo quản tiên tiến để làm sao giữ cho hoa qua vẫn có vẻ ngoài đẹp, tươi ngon trong thời gian bày bán tại siêu thị.

Những thách thức đặt ra cho thấy nếu muốn thâm nhập một cách bền vững vào các thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần nhận diện rõ những yêu cầu đặc trưng của từng địa bàn, từ đó có chính sách phù hợp để chinh phục các thị trường tiềm năng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường và các đại biểu thăm vùng vải xuất khẩu tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường và các đại biểu thăm vùng vải xuất khẩu tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Cầu nối hiệu quả cho doanh nghiệp

Ý thức được những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước khi thâm nhập thị trường nước ngoài, các cơ quan thương vụ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường và khẳng định chỗ đứng nơi “đất khách.” Các hình thức hỗ trợ cũng hết sức đa dạng, phong phú, qua đó thể hiện vai trò cầu nối của thương vụ Việt Nam tại các nước với doanh nghiệp trong nước.

Một trong những hoạt động luôn được các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chú trọng là đẩy mạnh phối hợp với cơ quan chức năng trong nước tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp hiểu rõ các quy định liên quan của mỗi nước.

Theo Tham tán Nông nghiệp tại EU và Bỉ Trần Văn Công, cơ quan thương vụ coi nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên là cập nhật các quy định mới, những tiêu chuẩn mới về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp và các quy định liên quan khác của EU có ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong nước, qua đó giúp họ chủ động về sản xuất, xuất khẩu và tránh các rủi ro khi xuất khẩu sang EU.

Thương vụ cũng tăng cường tìm kiếm các đối tác nhập khẩu tại EU, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin về thị trường và nhà nhập khẩu. Cùng với đó, thương vụ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và phổ biến tới doanh nghiệp những nghiên cứu thị trường chuyên đề về các sản phẩm thế mạnh xuất khẩu sang EU, cập nhật thông tin và những thay đổi diễn biến thương mại, giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tín hiệu của thị trường.

Các đại biểu cắt băng xuất khẩu lô vải đầu tiên đi Australia, Singapore, Mỹ năm 2020. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Các đại biểu cắt băng xuất khẩu lô vải đầu tiên đi Australia, Singapore, Mỹ năm 2020. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Thứ hai là tăng cường hỗ trợ tổ chức các sự kiện, giúp các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp truyền thông, quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý Việt Nam, gắn kết, triển khai các sự kiện văn hóa ẩm thực, quảng bá nông sản, sự kiện ngày/tuần lễ nông sản Việt, tham gia các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành lớn về nông sản thực phẩm, tạo kênh trao đổi thông tin thường xuyên, thân thiết và quan hệ vận động với các hiệp hội.

Thương vụ Việt Nam tại các nước châu Âu như Bỉ hay Pháp luôn chú trọng tới những hội chợ uy tín tại thị trường châu Âu để giúp các doanh nghiệp kết nối giao thương, đạt kết quả ngay tại sự kiện, như các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành nông thủy sản, rau quả, thực phẩm chế biến…

Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương trong công tác thông tin và xúc tiến thương mại-đầu tư, cũng như góp phần giải quyết tranh chấp thương mại tại địa bàn. Bên cạnh đó, Thương vụ còn chủ động kết nối với các cơ quan trong nước để tổ chức các hoạt động quảng bá hàng Việt Nam theo kênh chợ đầu mối, tổ chức đưa hàng vào hệ thống phân phối của nước sở tại, kết nối các nhà nhập khẩu, bán buôn Pháp với các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức một số hình thức xúc tiến thương mại tại địa bàn như: Tuần lễ hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị Fairprice; Tuần lễ Ẩm thực Việt Nam tại Khách sạn Mandarin, Tuần lễ Cà phê Việt Nam với Hiệp hội Cà phê Singapore… Kế hoạch này dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm nay nếu tình hình COVID-19 tại Singapore được kiểm soát.

Trong bối cảnh nền kinh tế Singapore và thế giới nói chung suy thoái do COVID-19, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng triển khai hình thức hội chợ online song ngữ Anh-Việt, giúp quảng bá các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam với đầy đủ hình ảnh sản phẩm, trang trại, cơ sở chế biến để các doanh nghiệp Singapore chủ động tìm được nhà cung cấp theo nhóm ngành hàng trong mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam và ngược lại.

Song song với công tác quảng bá, Thương vụ cũng triển khai kênh hỗ trợ các doanh nghiệp gửi hàng mẫu sang Singapore để trưng bày; hỗ trợ vận chuyển hàng mẫu của Việt Nam tới các doanh nghiệp Singapore để dùng thử, đánh giá sản phẩm.

Sơ chế thanh long để xuất khẩu. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Sơ chế thanh long để xuất khẩu. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, Thương vụ tại Singapore cũng đẩy mạnh hình thức B2B trực tuyến qua ứng dụng Zoom và hội nghị kết nối doanh nghiệp của các địa phương qua Webinar (Microsoft Team). Qua thí điểm triển khai giao thương trực tuyến, cuối tháng 5 vừa qua, những lô hàng vải thiều đầu tiên của tỉnh Bắc Giang đã được xuất sang Singapore, đánh dấu sự mở cửa cho một mặt hàng trái cây mới của Việt Nam thâm nhập thị trường này. Trong tháng 7, Thương vụ sẽ tiếp tục hỗ trợ 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận tổ chức các hoạt động kết nối trực tuyến tương tự.

Triển khai đồng bộ hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá về nông sản Việt Nam nói chung và từng nhóm sản phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng cũng được Thương vụ Việt Nam tại Mỹ triển khai mạnh mẽ nhiều năm nay.

Theo Tham tán công sứ, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Bùi Huy Sơn, cơ quan đã phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành liên quan của Việt Nam trong trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng của Chính phủ Mỹ về các chính sách tạo thuận lợi cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam; phối hợp, hỗ trợ các đơn vị, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm nhằm tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương. Thương vụ cũng hỗ trợ cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp trong nước xác minh đối tác, tìm kiếm thị trường.

Thương vụ Việt Nam tại Australia vừa cho ra mắt ứng dụng Viet-Aus Trade, thể hiện bằng hai ngôn ngữ Anh-Việt, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, kết nối địa phương, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm, doanh nghiệp, dự án đầu tư, góp phần kết nối chuỗi cung ứng Việt Nam-Australia. Các loại nông, lâm, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Australia được quảng bá miễn phí trên ứng dụng này.

Quảng bá vải U hồng Việt Nam tại Australia. (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)
Quảng bá vải U hồng Việt Nam tại Australia. (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)

Về chiến lược lâu dài, để đảm bảo xuất khẩu bền vững nông thủy sản sang Australia, từ năm 2019, Thương vụ Việt Nam tại Australia xác định hai trụ cột trong quảng bá sản phẩm.

Thứ nhất là sử dụng thống nhất slogan “Viet Nam, nourished by nature!” (Việt Nam, quốc gia được thiên nhiên nuôi dưỡng!) để truyền tải thông điệp về một vùng đất phì nhiêu cho ra những sản vật tươi tốt.

Thứ hai là, với sự hiện diện tại các quốc gia hàng đầu trên thế giới, như Australia, Mỹ, Nhật Bản…, nông sản Việt Nam đã được bảo chứng về chất lượng.

Dự kiến trong tháng 8/2020, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức khai trương tại thành phố Melbourne, bang Victoria. Trung tâm là sáng kiến hợp tác giữa Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động phi lợi nhuận với mục đích làm cầu nối giữa các nhà nhập khẩu và phân phối ở Australia với các nhà sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ là một địa chỉ tin cậy để phổ biến các quy định, quảng bá sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, giúp thúc đẩy xuất khẩu bền vững nhiều loại hàng hóa có thế mạnh của các địa phương Việt Nam sang Australia, như nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất…

Trong hành trình “vươn ra biển lớn” của nông sản Việt Nam, cơ quan thương vụ tại các nước đã trở thành “bạn đồng hành” của các doanh nghiệp, qua đó góp phần đáng kể khẳng định vị thế của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thế giới./.

Dây chuyền chế biến, sơ chế hoa quả xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Dây chuyền chế biến, sơ chế hoa quả xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)