Tiếp cận đầu tư và chuỗi cung ứng hậu COVID-19

1405doanhngh-1591628411-83.jpg

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ và dự báo sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới. Sau đại dịch, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ có làn sóng dịch chuyển đầu tư và thiết lập các chuỗi cung ứng mới vào khu vực Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam.

Những chuyển động mới trong đầu tư và thiết lập các chuỗi cung ứng toàn cầu là cơ hội chia đều cho nhiều khu vực khác nhau.

Cơ hội để Việt Nam đón nhận đầu tư cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng là rất lớn.

Do đó, để trở thành điểm đến đầu tư và một phần trong mạng lưới cung ứng, Việt Nam phải nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần và đủ mới có thể tiếp nhận hiệu quả.

Chùm bài  “Tiếp cận đầu tư và chuỗi cung ứng hậu COVID-19”đã đưa ra dự báo, nhận định về làn sóng dịch chuyển đầu tư cũng như những giải pháp để Việt Nam có thể đón đầu làn sóng này một cách chất lượng, hiệu quả.

Làn sóng dịch chuyển đầu tư

Cùng với việc tìm kiếm giải pháp kiểm soát dịch COVID-19, các nền kinh tế lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã chuẩn bị cho việc thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh nhằm phục hồi nền kinh tế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giảm nguy cơ lặp lại những thiệt hại tương tự trong tương lai.

Đẩy nhanh quá trình dịch chuyển đầu tư

Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước dịch COVID-19, Trung Quốc chính là trung tâm thu hút đầu tư và là công xưởng sản xuất nguyên phụ liệu của thế giới. Hầu hết các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đều đầu tư, đặt nhà máy sản xuất tại đây.

Việt Nam có cơ hội trở thành địa điểm đầu tư mới nhờ sự ổn định về chính trị-xã hội, khả năng khống chế dịch COVID-19 hiệu quả và những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua.

Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan rộng khiến nước này phải đóng cửa hàng loạt nhà máy đã tạo nên hiệu ứng gợn sóng làm thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau, gây thiệt hại nặng nề đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). (Nguồn: TTXVN)
Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Trần Quốc Phương, mặc dù chưa thể thống kê nguồn vốn sẽ dịch chuyển nhưng chắc chắn dịch COVID-19 đang tác động trực tiếp đến quyết định của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong việc lựa chọn địa điểm và phương thức hợp tác, đầu tư trong thời gian tới.

Trong sự thay đổi đó, Việt Nam có cơ hội trở thành địa điểm đầu tư mới nhờ sự ổn định về chính trị-xã hội, khả năng khống chế dịch COVID-19 hiệu quả và những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua.

Cùng nhận định, tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trước khi xảy ra dịch COVID-19, nhiều quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản đã có xu hướng dịch chuyển đầu tư xuống phía Nam để đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung ứng lớn.

Những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, Hàn Quốc vào Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác đều có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư Mỹ và châu Âu cũng từng bước dịch chuyển sang các khu vực khác do chi phí nhân công của Trung Quốc liên tục tăng, cộng với áp lực về thuế mà Mỹ đánh vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang.

Mặc dù vậy, phải đến khi dịch COVID-19 khởi phát tại Trung Quốc mới tạo ra “cú đấm” mạnh khiến nhiều doanh nghiệp và cả chính phủ nhiều quốc gia nhận ra sự phụ thuộc quá sâu vào Trung Quốc chính là nguy cơ rủi ro cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của họ.

Từ đó, kế hoạch kéo các doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc và dịch chuyển đầu tư xuống phía Nam diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn.

Cụ thể nhất, đầu tháng 5/2020 Nhật Bản đã công bố chương trình hỗ trợ trị giá 2,2 tỷ USD khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Trung Quốc dịch chuyển chuỗi sản xuất về nước hoặc sang các nước Đông Nam Á.

Cùng đó, chính phủ nhiều nước cũng khuyến khích doanh nghiệp của họ di chuyển một phần hoặc toàn bộ các nhà máy ra khỏi Trung Quốc để đến các địa điểm khác có lợi thế nổi trội và an toàn hơn.

Cùng với việc dịch chuyển đầu tư, các chuyên gia cho rằng, sau dịch COVID-19 nhiều chuỗi cung ứng mới sẽ được thiết lập để thay thế cho các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy trong đại dịch. Đây là cơ hội tốt để đón đầu làn sóng đầu tư và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cho nước đang phát triển; trong đó có Việt Nam.

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Làn sóng đầu tư và thiết lập chuỗi cung ứng hậu COVID-19 mới đã bắt đầu chuyển động nhưng Việt Nam liệu có trở thành điểm đến và mắt xích mới hay không và ngành nghề nào sẽ được hưởng lợi là vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong thời gian gần đây.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại phân tích, kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng liên tục ở mức cao 6-7%/năm trong nhiều năm đã gây sự chú ý không nhỏ đối với và các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi trong thời điểm có sự dịch chuyển đầu tư và thiết lập các chuỗi cung ứng mới sau COVID-19 sẽ là một lợi thế.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đa dạng thành phần kinh tế cũng đã giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước lớn mạnh hơn, một số đã vươn lên tầm cỡ khu vực và thế giới.

Càphê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch hàng tỷ USD. (Nguồn: TTXVN)
Càphê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch hàng tỷ USD. (Nguồn: TTXVN)

Điểm sáng của Việt Nam là hội nhập rất nhanh thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các khu vực thị trường lớn của thế giới.

Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi trong thời điểm có sự dịch chuyển đầu tư và thiết lập các chuỗi cung ứng mới sau COVID-19 sẽ là một lợi thế.

Đây cũng là bước tiến của Việt Nam ra thị trường toàn cầu, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, nhờ đó giảm rủi ro trong hoạt động thương mại.

Đối với chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chịu thiệt hại nặng nề sau dịch COVID-19 do phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc và sự gián đoạn trong hoạt động thương mại trên quy mô lớn. Do đó, đây sẽ là những ngành hàng tiên phong trong làn sóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và tìm kiếm đối tác để đa dạng hóa nguồn cung, thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Việt Nam đang là nước có lợi thế lớn trong sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng dệt may, da giày, lương thực, thực phẩm…, ông Lương Văn Tự chia sẻ.

Chia sẻ về cơ hội trong xu hướng dịch chuyển mới, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thế và lực của doanh nghiệp Việt Nam hiện đã được cải thiện nhiều so với trước khi hội nhập.

Việt Nam không chỉ là nơi gia công hàng tiêu dùng nhờ chi phí lao động, đất đai giá rẻ mà đã từng bước khẳng định được chỗ đứng của mình trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng nhờ trình độ tay nghề và chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đã tạo những nền tảng cơ bản để Việt Nam từng bước xây dựng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và thu hút được nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư.

Thời gian tới, dòng chảy trong ngành công nghiệp chế tạo như ôtô, xe máy, điện tử hoặc chế biến sâu sẽ là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Khi các doanh nghiệp chế biến, chế tạo lớn đầu tư vào Việt Nam thì nhu cầu cung ứng linh kiện, thiết bị sẽ tăng theo.

Các nhà đầu tư luôn muốn tìm kiếm nguồn cung nội địa để giảm chi phí và thời gian vận chuyển. Đó chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp.

Một lĩnh vực khác cũng được nhiều chuyên gia nhấn mạnh sẽ có cơ hội đón nhận đầu tư là chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm. Ông Trần Việt Tiến, Trưởng ban Truyền thông Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết so với các nước khác, ngành chế biến đồ gỗ Việt Nam vẫn duy trì sản xuất tốt do có nhiều lợi thế so sánh về nguồn nguyên liệu, trình độ tay nghề.

Sau đại dịch, xu hướng chọn mua hàng ngoài Trung Quốc sẽ gia tăng do các chuỗi cung ứng sẽ được cơ cấu lại. Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam đang có lợi thế nhất định. Do đó, sau dịch bệnh, Việt Nam sẽ là một trong những ứng viên cung ứng đồ gỗ chế biến sáng giá ở thị trường toàn cầu.

Sau dịch COVID-19, các nước đều quan tâm đến vấn đề đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chế biến, đóng gói tiện dụng và có thể bảo quản, dự trữ.

Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với chủng loại nông sản đa dạng từ lúa gạo, tiêu, điều, đến trái cây, rau củ; chất lượng nông sản cũng được cải thiện nhanh chóng, có thể đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm./.

Bốc xếp gạo xuất khẩu sang tại cảng Sài Gòn. (Nguồn: TTXVN)
Bốc xếp gạo xuất khẩu sang tại cảng Sài Gòn. (Nguồn: TTXVN)

Vượt thách thức để đón đầu cơ hội

Những chuyển động mới trong đầu tư và thiết lập các chuỗi cung ứng toàn cầu là cơ hội chia đều cho nhiều khu vực khác nhau. Do đó, để trở thành điểm đến đầu tư và một phần trong mạng lưới cung ứng, Việt Nam phải nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần và đủ mới có thể tiếp nhận hiệu quả.

Rào cản không nhỏ

Cơ hội không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà có sự cạnh tranh rất lớn từ các quốc gia có điều kiện tương tự khác trong khu vực Đông Nam Á cũng như Mỹ Latin. Trong khi đó, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam còn nhiều thách thức phải đối mặt.

 Quan điểm của Chính phủ là chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, theo đó Việt Nam sẽ ưu tiên những dự án lớn, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao và thân thiện, an toàn với môi trường, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng.

Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nêu vấn đề, lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng được dự báo sẽ mở đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư do việc di chuyển nhà máy dễ dàng hơn các ngành chế biến, chế tạo.

Công nhân làm việc tại nhà máy sợi Huế thuộc Công ty Cổ phần Dệt may Huế (Thừa Thiên-Huế). (Nguồn: TTXVN)
Công nhân làm việc tại nhà máy sợi Huế thuộc Công ty Cổ phần Dệt may Huế (Thừa Thiên-Huế). (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam cũng đang có lợi thế, kinh nghiệm trong các ngành da giày, dệt may nhưng điểm yếu là hạn chế về nguồn cung nguyên liệu. Hiện khoảng 60-70% nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Đó chính là lý do mà hai ngành này gặp khó khăn đầu tiên khi dịch COVID-19 bùng phát bởi nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn.

Tương tự, với ngành công nghiệp chế tạo, tỷ lệ cung ứng linh kiện nội địa được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Đối với nguyên liệu chế biến lương thực thực phẩm, sản lượng nông sản của Việt Nam không ngừng tăng lên nhưng về cơ bản vẫn chưa hình thành được vùng nguyên liệu tập trung đủ sức cung ứng cho nhà máy chế biến quy mô lớn.

Mặc dù cải cách về thể chế, thủ tục hành chính đã đạt được bước tiến dài trong nhưng vẫn chưa đủ làm hài lòng đối cộng đồng doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.

Nhận định về môi trường đầu tư kinh doanh, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, yếu tố quan trọng đầu tiên trong thu hút đầu tư là thủ tục hành chính phải nhanh, rõ ràng, minh bạch.

Hiện vẫn có những giấy phép xây dựng bị “ngâm” đến 2 năm khiến nhà đầu đầu tư tốn rất nhiều chi phí phát sinh. Những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế như hiện nay chưa đủ khi Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác trong khu vực.

Trong bối cảnh hiện nay, giá thuê đất rẻ không quan trọng bằng cung cấp “đất sạch” có đầy đủ pháp lý, hạ tầng để doanh nghiệp đặt nhà máy ngay. Giá thuê đất tại Singapore không thể cạnh tranh với giá đất tại Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực nhưng quốc gia này có thể cấp giấy phép xây dựng trong vòng 1 ngày nên vẫn thu hút đầu tư rất tốt – ông Lương Văn Tự dẫn chứng.

Khi làn sóng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng diễn ra thì hạ tầng các khu công nghiệp và logistics đóng vai trò rất quan trọng. Ông Trần Chí Dũng – Trưởng ban cố vấn chuyên môn Trường Hàng không và Logistics Việt Nam nêu hiện trạng, hầu hết các khu công nghiệp Việt Nam đang phát triển theo cách truyền thống là xin giấy phép, san lấp mặt bằng và chào bán như kiểu phân lô bán đất nền nên tỷ lệ lấp đầy không cao.

Trong khi rất nhiều nhà đầu tư không thể tìm được mặt bằng đủ lớn, đảm bảo tiện ích đi kèm để có thể xây dựng nhà máy ngay. Nói cách khác, khả năng kết nối giữa nhà đầu tư với nhà cung ứng hạ tầng tại Việt Nam đang rất yếu.

Nếu hạ tầng công nghiệp là nền móng thì hạ tầng logistics chính là huyết mạch của ngành sản xuất, duy trì vòng tuần hoàn đưa nguyên liệu đến nhà máy và đưa sản phẩm từ nơi sản xuất ra thị trường.

Tuy nhiên, quy hoạch về logistics của Việt Nam chưa được triển khai một cách đồng bộ và thiếu kết nối về mặt thông tin, dẫn đến tình trạng ách tắc ở nhiều khu vực khiến chi phí logistics cao hơn nhiều nước khác. Việt Nam cần giải tỏa nhanh vẫn đề này nếu muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án quy mô lớn – ông Trần Chí Dũng nhận xét.

Chọn lọc, thu hút đầu tư chất lượng cao

Ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh, cơ hội càng lớn thì các điều kiện đi kèm cũng khắt khe hơn. Việt Nam có lợi thế nhân lực dồi dào nhưng chất lượng chư đạt được như kỳ vọng. Trong khi đó, việc hấp thụ được công nghệ mới chuyển giao từ nước ngoài hay tham gia vào các ngành kinh tế có hàm lượng khoa học cao đều phải thông qua con người.

Do đó, Chính phủ, ngành Giáo dục và cả doanh nghiệp đều phải có kế hoạch, chiến lược đầu tư phát triển nguồn nhân lực, không chỉ nâng cao tay nghề công nhân mà phải nâng cấp năng lực cho cả đội ngũ quản lý và người đứng đầu doanh nghiệp.

Sản xuất linh kiện điện tử. (Nguồn: TTXVN)
Sản xuất linh kiện điện tử. (Nguồn: TTXVN)

Để thu hút đầu tư, đặc biệt là vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, Việt Nam phải thực hiện tốt việc cung ứng các hạ tầng đất đai, vận tải và dịch vụ hỗ trợ cho nhà đầu tư. Theo đó, những người xây dựng quy hoạch, người đầu tư hạ tầng, người thiết kế dự án và người tìm kiến hạ tầng sản xuất kinh doanh phải cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ thông tin về nhu cầu của nhau mới có thể triển khai các dự án nhanh chóng và tránh lãng phí nguồn lực, thời gian.  

Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đều khẳng định, thu hút đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Tuy nhiên việc tiếp nhận đầu tư cần được chọn lọc để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất và hạn chế các hệ lụy lâu dài.

Ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, quan điểm của Chính phủ là chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, theo đó Việt Nam sẽ ưu tiên những dự án lớn, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao và thân thiện, an toàn với môi trường, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng.

Thu hút đầu tư nước ngoài phải gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước, liên kết xây dựng thành chuỗi sản xuất-tiêu thụ. Nếu chỉ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài mà không phát triển doanh nghiệp trong nước thì dễ dẫn đến nguy cơ nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp FDI, khi điều kiện đầu tư thay đổi họ rút đi chúng ta mất nguồn lực để phát triển.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện các quốc gia không còn cạnh tranh về hàng hóa giá rẻ mà đang trên đường đua khoa học công nghệ thì Việt Nam không thể chọn những nhà đầu tư đến với mục đích thâm dụng lao động, đất đai và tài nguyên…

Ông Trần Việt Tiến – Trưởng ban Truyền thông Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nên chọn những doanh nghiệp mang đến công nghệ mới và sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để đồng hành xây dựng chuỗi liên kết. Điều đó quan trọng hơn số vốn đầu tư.

Với những ngành nghề Việt Nam đang có lợi thế về sản xuất như ngành gỗ, cần ưu tiên nhà đầu tư có thế mạnh về thương mại và sáng tạo, thiết kế sản phẩm để tạo nên chuỗi giá trị hoàn thiện.

Tương tự, với ngành dệt may, nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nâng cao khả năng cung ứng nguyên phụ liệu và phát triển các giá trị gia tăng cho sản phẩm. Trong khi đó, điều kiện đi kèm cho các nhà đầu tư chế biến, chế tạo là phải tham gia phát triển chuỗi cung ứng tại chỗ, ưu tiên sử dụng linh kiện, phụ kiện sản xuất tại Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, để thu hút đầu tư nước ngoài hỗ trợ hiệu quả cho phát triển doanh nghiệp trong nước, hợp tác liên kết thành chuỗi cung ứng thì bản thân các doanh nghiệp nội cũng phải cố gắng đổi mới phương thức hoạt động, công nghệ sản xuất để cho ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài.

Ngược lại trong quá trình phê duyệt đầu tư, Nhà nước cần tác động với doanh nghiệp nước ngoài trong liên kết, sử dụng sản phẩm nội địa cũng như hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ. Như vậy, mới phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong việc tạo nền tảng phát triển kinh tế bền vững./.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)