Vải tươi đi Nhật, kỳ công vùng đất đồi

phuthuyvai-1591672720-11.jpg

Lời tòa soạn

Năm 2020, lần đầu tiên trái vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) sẽ có mặt ở thị trường khó tính bậc nhất là Nhật Bản, đánh dấu một bước tiến lớn trong hành trình “vươn ra biển lớn” của nông sản Việt, mở lối ra mới cho người nông dân trên con đường “làm giàu,” chứ không chỉ là “thoát nghèo” như định kiến bấy lâu nay. Vải xuất Nhật có giá cao hơn hẳn so với vải bán tại thị trường nội địa và một số thị trường truyền thống.

Tại siêu thị ở Nhật, trái vải được đặt bán theo hộp, với giá 200.000 đồng/hộp 12 quả (tức khoảng gần 17.000 đồng/quả)!

Nhưng để trái vải có thể vượt hàng vạn km như thế, người nông dân, nhà khoa học, thương lái cũng như chính quyền địa phương đã phải vượt qua rất nhiều thách thức, trên con đường xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.

Vải thiều Lục Ngạn được đóng hộp sang trọng xuất đi Nhật Bản
Vải thiều Lục Ngạn được đóng hộp sang trọng xuất đi Nhật Bản

Trong nước, có nhiều vùng hiện đang trồng vải thiều. Hai vùng chất lượng và sản phẩm cao nhất phải kể đến là Hải Dương và Bắc Giang. Về chất lượng, vải ở mỗi vùng có một đặc trưng riêng, tùy thuộc vào sở thích của mỗi người sẽ có những đánh giá khác nhau. Nhưng vải trồng ở Lục Ngạn (Bắc Giang) luôn được đánh giá cao để xuất khẩu.

Những năm trước đây, quả vải tươi tại Lục Ngạn chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bởi lẽ đây là một thị trường có sức tiêu thụ lớn, lại có vị trí địa lý thuận lợi, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển. Còn với thị trường Nhật Bản, vải thiều được xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là các sản phẩm được chế biến sâu, như vải sấy, vải ngâm hoặc các loại nước ép, nước đóng chai.

Năm 2020 là năm đầu tiên quả vải tươi được bật đèn xanh vào thị trường Nhật Bản. Đầu tháng 6/2020, chuyên gia Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật Bản.

Đón đầu sự kiện đặc biệt này của những người nông dân một nắng hai sương, phóng viên VietnamPlus đã vào tận những khu vườn trên núi cao, hay những địa bàn có địa hình hiểm trở, để ghi lại công sức mà họ đã bỏ ra, coi đó như một mô hình chuyên canh tiêu biểu của nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới.

ở Bắc Giang

Chúng ta đã quá quen với cảnh những túm vải được bán rong trên đường phố Hà Nội trong những ngày Hè đỏ lửa năm nào, giá rẻ như cho, có lúc xuống còn 5000 đồng/1kg.

Vậy nhưng nếu là trái vải thiều được trồng theo phương pháp hữu cơ ở thủ phủ vải Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang, được tuyển lựa kỹ càng, chúng sẽ được đóng hộp, mà là loại hộp giấy đặt làm từ tận Nhật Bản chuyển về. Trong hộp, trái vải được đặt nổi trên nền vải lụa vàng rồi xuất bán tại vườn với giá 200.000 đồng/hộp 12 quả (tức khoảng gần 17.000 đồng/quả)!

Đương nhiên, để trồng được loại vải đó cũng đòi hỏi những quy trình chăm sóc đặc biệt, mà nói không ngoa, còn hơn cả vải tiến vua trong huyền thoại.

Tìm sự khác biệt trong sản phẩm: Quả ra từ… thân!

Ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là một trong những hộ tiên phong trồng vải thiều hữu cơ tại địa phương. Đến nay, ông Hành được người dân trong vùng mệnh danh là “phù thủy” đất vải thiều.

Từ năm 2012, ông nhận thấy, nếu để cây vải phát triển theo chiều cao, tán vải chụm vào nhau khó cho năng suất và chất lượng quả vải như mong muốn. Bởi khi trổ hoa, các tán cây che vào chùm vải; chùm vải không đủ nắng làm ảnh hưởng đến chất lượng của quả vải, đặc biệt đến độ ngọt của quả vải. Nghĩ là làm, ông Hành mạnh dạn bấm bớt các cành cây nhỏ để những phần đầu tán vươn ra trước nắng.

Việc cho vải ra quả từ thân khiến những chùm vải ở một độ cao hợp lý hơn, người thu hái không phải trèo lên cao, giúp các chủ hộ bớt đi một nửa nhân công trong những ngày cao điểm.

Sau đó, chính ông cũng không ngờ, rất nhiều nhánh lộc mọc ra từ thân cây, hoa trổ ra chi chít. Tới mùa thì quả ra từ thân, thay vì từ cành, với năng suất cao hơn rất nhiều. Những quả vải cũng to hơn, đẹp hơn, chất lượng ngon hơn so với những năm về trước.

So với phương pháp cũ, cách trồng này giúp tăng 20% sản lượng. Hơn thế, việc cho vải ra quả từ thân khiến những chùm vải ở một độ cao hợp lý hơn, người thu hái không phải trèo lên cao, giúp các chủ hộ bớt đi một nửa nhân công trong những ngày cao điểm.

Vải canh tác theo phương thức mới cho năng xuất cao hơn, mẫu mã đẹp hơn và chất lượng tốt hơn. 
Vải canh tác theo phương thức mới cho năng xuất cao hơn, mẫu mã đẹp hơn và chất lượng tốt hơn. 

“Nhân công giảm, mà sản lượng lại tăng. Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 30 tấn, giá bán chưa bao giờ dưới 25.000 đồng/kg. Từ ngày cho vải ra từ thân, thương lái nhiều nơi đến tận vườn săn tìm, thu mua, đời sống của chúng tôi cải thiện hơn rất nhiều,” ông Hành chia sẻ.

Với 3ha vải, mỗi năm gia đình ông thu về gần một tỷ đồng, cũng như đưa được thương hiệu quả vải tới thị trường khó tính đặc biệt là châu Âu và Nhật Bản.

“Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 30 tấn, giá bán chưa bao giờ dưới 25.000 đồng/kg.”

Với tư duy “thuyền lớn thì mới ra khơi xa,” ông Hành nhanh chóng nhân rộng ra cả vườn và hướng dẫn các hộ dân trồng vải xung quanh làm theo phương pháp này. Ông hy vọng, cả xã sẽ trở thành một vùng trồng vải có thương hiệu.

Vườn vải 4.0, có camera giám sát, nhật ký điện tử

2019 là năm giá vải thiều Lục Ngạn đạt mức cao nhất trong lịch sử và cũng là lần đầu tiên huyện Lục Ngạn có 20 ha trồng vải thiều hữu cơ. Gia đình ông Trần Văn Hành tiếp tục là một trong những hộ tiên phong trong phong trào trồng vải hữu cơ của huyện.

Ông Hành cho biết: “Chúng tôi cùng khoảng 20 hộ dân tham gia trồng theo tiêu chí: An toàn cho người trồng, không gây độc hại cho môi trường, không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả vải, giúp cây sinh trưởng tốt hơn, chất lượng quả vải ngon hơn, ngọt và thơm hơn.”

Camera giám sát quá trình chăm sóc cây vải tại vuờn vải nhà ông Hành
Camera giám sát quá trình chăm sóc cây vải tại vuờn vải nhà ông Hành

Để có thể sản xuất vải đạt tiêu chuẩn này, ngoài việc chăm sóc kỹ càng, tưới tiêu hợp lý theo quy trình và gắt gao, vườn vải nhà ông còn được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử. Vì thế cần sự đầu tư và chi phí nhiều hơn cho phân bón, nước tưới, kỹ thuật chăm sóc do vậy, giá vải thiều hữu cơ cao hơn các loại vải bình thường khác rất nhiều.

“Mô hình này mang lại cho vải thiều Lục Ngạn một hướng đi bền vững, nhằm quảng bá thương hiệu, trên cơ sở đó tiêu thụ tốt, không những ở trong nước mà còn hướng tới đa dạng thị trường xuất khẩu tại nhiều nước khác nhau trên thế giới,” ông Hành tự tin chia sẻ.

Từng bước nâng chuẩn vải thiều

Theo thông tin từ Uỷ ban Nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, năm 2019 là năm đầu tiên huyện tiến hành trồng thí điểm có liên kết với doanh nghiệp. Các vườn được chọn trồng vải thiều hữu cơ đều là vườn vải có chất lượng, chủ vườn là người có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc. Sản lượng vải thiểu hữu cơ mới đạt khoảng 200 tấn.

Toàn cảnh vườn vải của gia đình ông Hành
Toàn cảnh vườn vải của gia đình ông Hành

Đặc biệt, những quả vải thiều hữu cơ được tuyển chọn kỹ lưỡng, đóng vào hộp giấy (loại hộp giấy này được đặt làm từ Nhật Bản chuyển về), trong hộp quả vải được đặt nổi trên nền vải lụa vàng rồi xuất bán tại vườn với giá 200.000 đồng/hộp 12 quả (khoảng gần 17.000 đồng/quả).

Bên ngoài hộp đựng vải thiều có dán tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại tra cứu theo phần mềm sẽ ra toàn bộ thông tin về sản phẩm.

Theo ông Cao Văn Hoàn, Phó Bí thư huyện ủy Lục Ngạn, vải hữu cơ có giá cao gấp từ 3 đến 7 lần so với vải truyền thống.

Theo ông Cao Văn Hoàn, Phó Bí thư huyện ủy Lục Ngạn, vải hữu cơ có giá cao gấp từ 3 đến 7 lần so với vải truyền thống. Sau khi kết thúc vụ vải 2019, huyện đánh giá cao những mô hình thí điểm như của gia đình ông Trần Văn Hành nói riêng và 20 ha vải hữu cơ nói chung.

Tuy nhiên, việc canh tác vải theo phương pháp này đòi hỏi trình độ cao, chưa thể nhân rộng ngay lập tức. Vì thế, trong năm 2020, huyện Lục Ngạn đã duy trì 20 ha vải hữu cơ, đồng thời tập trung phát triển và tăng diện tích vải đạt tiêu chuẩn VietGab và GlobalGab, từng bước nâng cao chất lượng.

Huyện Lục Ngạn đã duy trì 20 ha vải hữu cơ, đồng thời tập trung phát triển và tăng diện tích vải đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, từng bước nâng cao chất lượng
Huyện Lục Ngạn đã duy trì 20 ha vải hữu cơ, đồng thời tập trung phát triển và tăng diện tích vải đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, từng bước nâng cao chất lượng

Nhiều người ví von rằng: “Lục Ngạn là mảnh đất của những điều kỳ diệu”. Bởi lẽ ở nơi này, bất kể giống cây trồng gì từ cam, bưởi, cho tới táo, na… và đặc biệt là cây vải, khi được mang trồng tại nơi đây thì đều sinh trưởng tốt, mang lại trái ngọt cho người nông dân.

Nhưng để được xuất khẩu sang Nhật Bản, các vườn vải thiều phải đảm bảo có thể truy xuất nguồn gốc, lập và lưu hồ sơ, nhật ký sản xuất và được Cục Bảo vệ Thực vật kiểm tra, cấp mã số. Về an toàn thực phẩm, trên các vườn trồng vải xuất khẩu sang Nhật Bản, tuyệt đối không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng để đảm bảo đáp ứng quy định của Nhật Bản về mức dư lượng tối đa cho phép đối với quả vải. Dư lượng này hầu hết ở mức 0,01, tức là gần như không có.

Các vườn phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng để đảm bảo đáp ứng quy định của Nhật Bản về mức dư lượng tối đa cho phép đối với quả vải. Dư lượng này hầu hết ở mức 0,01, tức là gần như không có!

Còn để phòng ngừa sâu bệnh hại hiệu quả mà vẫn đảo bảo chất lượng quả vải, người nông dân phải thường xuyên thăm vườn, kiểm tra từng lứa sâu. Chỉ khi nào có dấu hiệu sâu bệnh vượt ngưỡng gây hại thì mới tiến hành phun các loại thuốc trong danh mục và đảm bảo thời gian cách ly.

Sau khi đạt những yêu cầu nói trên, những quả vải được chọn lựa và thực hiện khử trùng trước khi xuất khẩu, quả vải tươi phải đáp ứng hai điều kiện, đó là 1kg có từ 25-30 quả và độ ngọt trên 18 độ.

Tiêu chuẩn ấy ngặt nghèo nếu như nhìn vào cách trồng của mươi năm về trước. Nhưng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cũng như tư duy thay đổi của người nông dân, đó là điều cần thiết để tiến tới một nền nông nghiệp an toàn và bền vững.

“Quan trọng là cái bắt tay của bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền) cũng như sự đồng hành của các ngành các cấp,” ông Cao Văn Hoàn nhấn mạnh.

Theo một số thương lái gắn bó lâu năm với trái vải, vải thiều Lục Ngạn bắt đầu tiếp cận thị trường Trung Quốc từ những năm 1997. Khi đó, chủ yếu vải sang thị trường này là trái vải khô, phục vụ người Trung Quốc uống trà.

Phải đến những năm 2000, khi công nghệ giữ lạnh và hệ thống giao thông vận tải phát triển, thì những xe vải tươi đầu tiên mới tiếp cận được với thị trường hơn 1 tỉ dân này.

Giờ đây, với tiêu chuẩn ClobalGAP, người dân đã có thể xuất quả vải tươi đi Nhật Bản, Australia hay châu Âu.

Người cõng vải lên núi

Nơi không có sóng điện thoại

Vượt qua những con dốc dựng đứng và 2 khúc cua tay áo của vùng núi đồi Đông Bắc, chúng tôi tìm đến gia đình bà Trần Thị Hương, một trong những hộ dân trồng vải thiều đạt chất lượng cao để xuất sang Nhật Bản. Vườn vải này có điều đặc biệt là nằm trên đỉnh núi, nơi sóng điện thoại luôn ở tình trạng bập bõm, thậm chí là không có sóng.

Vì không có sóng điện thoại, muốn tìm được chủ nhà, chúng tôi chỉ có cách là…gọi thật to.

Chỉ vài phút sau, hai vợ chồng chủ vườn xuất hiện. Chào đón chúng tôi bằng một nụ cười “tươi như được mùa,” bà Trần Thị Hương hớn hở khoe: “Năm nay được mùa, mã đẹp lại được xuất đi Nhật, nên có nhiều người đến thăm các chú ạ, chứ mọi năm thì chẳng có ai leo lên đến tận đây đâu.”

Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh, nhưng người dân địa phương vẫn hay nửa đùa nửa thật, không hiểu có phải vì không có sóng điện thoại hay không mà vải trên núi lại ngon hơn vải trồng ở độ cao thấp hơn!

Nhưng đưa quả vải lên đỉnh núi để trồng đã là một kỳ công, chăm sóc vải theo quy định ngặt nghèo để trái cây có thể xuất được sang Nhật cũng đòi hỏi công phu, thử thách sự kiên nhẫn của người nông dân.

Hành trình cõng vải từ miền xuôi lên núi

Mặc dù đã có rất nhiều lần tới thăm vùng vải thiều Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, nhưng chưa bao giờ chúng tôi được tới một vườn vải ở độ cao như thế này. Theo ông Thân Văn Thi, cán bộ khuyến nông xã Nam Dương, vườn vải này cao khoảng hơn 300m so với trung tâm thị trấn Chũ.

Vườn vải sai trĩu quả của gia đình bà Trần Thị Hương 
Vườn vải sai trĩu quả của gia đình bà Trần Thị Hương 

Vườn vải rộng 3ha, trải dài từ chân lên đến đỉnh quả đồi xóm Núi tại xã Nam Dương. Tuy đường xá đi lại trắc trở, nhưng cả ngàn gốc vải được trồng thành hàng đều tăm tắp.

Những tán vải được cắt, tỉa khoa học để vải chùm nào chùm nấy sai trĩu trịt vươn mình đón nắng. Chắc chắn, phải đổ ra rất nhiều thời gian và công sức, chủ nhân mới có được một vườn vải đẹp và được mùa đến thế.

Bà Hương cùng chồng là ông Lý Văn Bảo đã gắn bó với vùng đồi núi này từ 20 năm trước. Chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm thời xưa, nụ cười “được mùa” của bà bỗng chuyển sang một sắc thái đầy tự hào.

Bà kể: “Những năm 2000, vợ chồng tôi sinh đứa con thứ 3, vất vả trăm bề. Ở miền xuôi trồng lúa không nuôi nổi 5 miệng ăn, nên chúng tôi mới quyết lên đây để kiếm thêm kế sinh nhai. Ngày ấy, trên này là đồi hoang, núi trọc, chỉ có vài cây sim dại, nhưng vì cuộc sống, vì mưu sinh nên chúng tôi quyết tâm cõng vải lên đây trồng.”

Bà Trần Thị Hương chăm sóc những tán vải chờ ngày thu hoạch
Bà Trần Thị Hương chăm sóc những tán vải chờ ngày thu hoạch

Ông Bảo – chồng bà Hương bùi ngùi: “Mua được cây vải giống ở miền xuôi, nhưng vùng này ngày xưa chỗ thì là đường đất, chỗ còn chẳng có đường, vừa khó đi, lại vừa lầy lội, nên chúng tôi phải dùng xe trâu, xe bò kéo cây giống từ đường cái vào tận chân đồi.”

“Rồi từ chân đồi, 2 vợ chồng tôi lại tiếp tục dùng đòn gánh, gánh hai cây một lên để trồng dần. Cứ vụ trước gối vụ sau, sau hơn 4 năm thì chúng tôi trồng kín 3ha này. Đến giờ tổng cộng cả vườn nhà tôi có khoảng hơn 1000 gốc vải.”

Hơn 20 năm qua, mặc dù đã trải qua đủ các cảm xúc với cây vải, từ đắng, cay cho tới những lần thu trái ngọt, gia đình bà Hương, ông Bảo vẫn gắn bó keo sơn với loại cây trồng này. Với cây vải, họ tin tưởng tuyệt đối. Theo bà Hương, mảnh đất Lục Ngạn trù phú, phù hợp với nhiều loại cây trồng, đã có vùng họ chặt vải, để trồng cam, bưởi, có chỗ lại trồng na, táo… nhưng với bà, không có loại cây nào có thể phù hợp với mảnh đất này hơn cây vải.

“Ngần ấy năm trồng vải thiều, có năm được giá, năm mất giá nhưng chưa bao giờ nhà tôi phải đi đổ, giá cả có biến động thì chỉ là lãi ít hay lãi nhiều mà thôi,” bà Hương chia sẻ.

Vườn vải nhà tôi cũng có người đến trả tiền tỷ để mua lại nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bán đi. 20 năm gắn bó, giữ vườn cho các con tôi sau này là một nhẽ, nhưng đến bây giờ cây vải chẳng khác gì một người thân trong gia đình chúng tôi, tôi coi cây vải như con cái trong nhà vậy.”

“Chúng tôi không gặp khó khăn trong việc tiêu thụ vải, năm nào thương lái cũng tìm đến tận vườn để thu mua. Tôi đi đâu cũng tự hào về cây vải của tôi và quê hương Lục Ngạn này. Vườn vải nhà tôi cũng có người đến trả tiền tỷ để mua lại nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bán đi. 20 năm gắn bó, giữ vườn cho các con tôi sau này là một nhẽ, nhưng đến bây giờ cây vải chẳng khác gì một người thân trong gia đình chúng tôi, tôi coi cây vải như con cái trong nhà vậy. Tiền tấn cũng không bao giờ bán.”

Có lẽ, vì niềm tin ấy đến nay, mỗi năm vườn vải của chị cho sản lượng khoảng 60 tấn, mang lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, đem lại đời sống ấm no cho gia đình bà.

Nâng cao chất lượng, chinh phục thị trường khó tính

Khác với mọi năm, năm nay là năm đầu tiên gia đình bà Hương tham gia chăm sóc cây vải theo quy trình GlobalGAP. Gia đình bà được địa phương vận động thành lập nhóm với các hộ xung quanh để cùng học hỏi và bảo ban lẫn nhau những quy trình và phương pháp canh tác mới.

“So với canh tác theo phương pháp cũ, trồng vải theo quy trình GlobalGAP phức tạp hơn rất nhiều. Việc sản xuất phải được ghi chép nhật ký đầy đủ, vườn luôn được dọn rác, cành lá tỉa cẩn thận, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để đúng nơi quy định, chỉ được phép sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật do phía Nhật Bản khuyến cáo sử dụng. Quan trọng không kém là phải tuân thủ đúng thời gian chăm sóc cây vải từng công đoạn, chỉ sai lệch một ngày có khi là bỏ hết công lao” – ông Bảo cho biết.

Anh Lý Văn Bảo, chồng chị Hương cùng vợ chăm sóc vải
Anh Lý Văn Bảo, chồng chị Hương cùng vợ chăm sóc vải

Dù đã có nhiều năm trồng vải nhưng khi áp dụng phương pháp canh tác mới có lúc bà Hương cũng cảm thấy sốt ruột.

Ấy là khi sử dụng thuốc theo khuyến cáo của chuyên gia Nhật Bản và cán bộ bảo vệ thực vật nhưng hiệu quả chưa thấy ngay tức thì, bọ xít không chết, sâu đục cuống có dấu hiệu xuất hiện.

“Lúc ấy nhiều nhà quanh đây bảo nhau định mua loại thuốc bảo vệ thực vật vẫn dùng như mọi năm để phun trừ, nhưng đã cam kết với chính quyền xã, với Cục Bảo vệ thực vật là tuân thủ nghiêm túc quy trình nên chúng tôi lại thuyết phục nhau kiên nhẫn đợi. Giờ thì vườn vải đã sắp được hái trái ngọt rồi” – chị Hương chia sẻ.

Ông Thân Văn Thi cán bộ khuyến nông xã Nam Dương cho biết, trong số 470ha vải thiều của xã, hiện đã có 15ha vải của các hộ như gia đình chị Hương được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật. Ông cũng tự tin chia sẻ, chất lượng quả vải của các hộ này đẹp nhất từ trước tới nay, chắc chắn đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.

Trồng vải theo quy trình GlobalGAP phức tạp hơn rất nhiều so với phương thức cũ. Việc sản xuất phải được ghi chép nhật ký đầy đủ, vườn luôn được dọn rác, cành lá tỉa cẩn thận, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để đúng nơi quy định, chỉ được phép sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật do phía Nhật Bản khuyến cáo sử dụng.

“Tiếc là hôm nay các chú lên vải chưa chín, nếu không có thể bóc ăn ngay tại vườn. Không chỉ ngon, ngọt, mã đẹp mà còn vô cùng sạch và an toàn,” ông Thi chia sẻ khi cùng hai vợ chồng chị Hương tiễn chúng tôi xuống chân đồi khi bóng nắng đã dần tắt.

Trong sự tiếc rẻ ấy cũng chất chứa cả niềm tự hào. Trời đã về chiều, và trời cũng chiều lòng người chịu thương chịu khó.

Giải bài toán “Phi nông bất phú” 

Nếu không đi thì không bao giờ đến

Câu chuyện được mùa mất giá luôn là nỗi lo canh cánh của người nông dân song với trái vải thiều Lục Ngạn lại là câu chuyện khác, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình chất lượng cao (VietGAP và GlobalGAP) đã chứng minh hiệu quả của một hướng đi đúng đắn, giúp người nông dân giàu lên từ nông sản, trái cây và cũng là bài học để giải câu chuyện “phi nông bất phú”.

Trái ngọt từ quả vải

Theo các chuyên gia nông nghiệp, ở Việt Nam nhờ thiên nhiên ưu đãi nên có nhiều vùng hiện đang trồng vải thiều. Tuy vậy, hai vùng chất lượng và sản phẩm cao nhất phải kể đến là Hải Dương và Bắc Giang.

Còn về chất lượng, vải ở mỗi vùng có một đặc trưng riêng, tùy thuộc vào sở thích của mỗi người sẽ có những đánh giá khác nhau, nhưng về giá trị và chất lượng xuất khẩu thì vải tại Lục Ngạn (Bắc Giang) được đánh giá là đầu bảng.

Với địa thế là vùng đồi, vải Lục Ngạn có độ khô, róc vỏ, không chỉ đẹp mã, quả to và đều mà khi vận chuyển, hoặc cấp đông cũng thuận lợi và ít rủi ro hơn.

Với địa thế là vùng đồi, núi thấp, vải tại Lục Ngạn được phơi nắng nhiều hơn giúp vỏ của mỗi trái vải có một độ dày đặc trưng. Đất đồi cằn, không bị sũng nước làm cho bên trong mỗi trái vải có độ khô, róc vỏ. Vì thế, Vải Lục Ngạn không chỉ đẹp mã, quả to và đều mà khi vận chuyển, hoặc cấp đông cũng thuận lợi và ít rủi ro hơn.

Năm 2019, lần đầu tiên trên thị trường xuất hiện loại vải thiều cao cấp, được đóng trong hộp giấy sang trọng, bắt mắt với giá lên đến 200.000 đồng/hộp (12 quả). Đáng chú ý, dù giá của loại vải này không hề rẻ, nhưng vừa tung ra thị trường sản phẩm đã được đón nhận, trở thành một món quà tặng hấp dẫn, độc đáo.

Trái vải tại Lục Ngạn có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, phù hợp xuất khẩu đi thị trường nước ngoài
Trái vải tại Lục Ngạn có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, phù hợp xuất khẩu đi thị trường nước ngoài

Chia sẻ về sự thành công này, theo ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, năm 2019 toàn tỉnh thu được 150.000 tấn vải (ít hơn năm 2018) nhưng doanh thu lại cao hơn khoảng 400 tỷ đồng, đạt trên 6.300 tỷ đồng.

Điều đáng ghi nhận là, các doanh nghiệp và người dân ngày càng nhanh nhạy trong sản xuất, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường nên quá trình xuất khẩu vô cùng thuận lợi.

“Bên cạnh thị trường truyền thống là Trung Quốc, vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của Bắc Giang còn được xuất khẩu sang Nhật Bản với giá cực kỳ cao,” ông Thái thông tin.

Hiện nay, mô hình trồng vải hữu cơ được thực hiện tại hai xã Quý Sơn và Giáp Sơn với những vườn vải được chọn lựa kỹ lưỡng, chủ vườn là người có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc. Đặc biệt, vườn vải còn được lắp đặt camera giám sát toàn bộ quy trình chăm sóc cũng như thu hái.

Trong năm đầu tiên trồng thí điểm, sản lượng vải thiều hữu cơ đạt khoảng 200 tấn, nhờ chất lượng vượt trội nên giá bán tại vườn đã lên tới 80.000 đồng/kg. Đối với loại được chọn lựa kỹ lưỡng, đóng vào hộp giấy đẹp có giá lên đến 200.000 đồng/12 quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi thăm diện tích vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi thăm diện tích vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 

“Những xu hướng này cho thấy, nhiều người dân, doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã chủ động đổi mới sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất để đón nhận cơ hội vàng từ các hiệp định thương mại tự do mang lại,” ông Thái nói.

Lãnh đạo cùng vào cuộc “xúc tiến” bán vải

Để sản xuất được trái vải có thể xuất vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản hay tiêu chuẩn GlobalGAP là một công việc hết sức khó khăn, song theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Bắc Giang: “Nếu không đi thì không bao giờ đến” đặc biệt rất nhiều tiêu chí và điều kiện mà người dân phải thực hiện nên phải kiên trì, nhân lên các mô hình thành công tạo cơ sở để mở rộng thêm các vùng trồng với diện tích lớn hơn.

“Việc tập trung nâng cao chất lượng vải thiều là yêu cầu rất quan trọng của địa phương, bởi yêu cầu của người tiêu dùng tại thị trường nội địa và các nước nhập khẩu ngày càng tăng, từ mã vùng sản xuất và điều kiện sơ chế đóng gói… do đó việc tổ chức sản xuất theo quy trình và giúp cho người dân thực hiện đúng quy trình là hết sức cần thiết,” Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang chia sẻ.

Bắc Giang có 15.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 80ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhằm đảm bảo xuất đi châu Âu, đặc biệt năm nay Bắc Giang đã xây dựng được 103 ha với sản lượng khoảng 600 tấn đủ tiêu chuẩn xuất đi Nhật Bản.

Với định hướng như vậy, năm nay Bắc Giang có 15.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 80ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhằm đảm bảo xuất đi châu Âu, đặc biệt năm nay Bắc Giang đã xây dựng được 103 ha với sản lượng khoảng 600 tấn đủ tiêu chuẩn xuất đi Nhật Bản.

“Qua việc số lượng áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP và sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản chúng ta thấy rằng vải năm nay chất lượng được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu của thị trường,” ông Thành thông tin thêm.

Các xe container đợi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN)
Các xe container đợi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh: Quốc Khánh – TTXVN)

Cùng với việc trồng cây vải theo quy trình chuẩn như VietGAP và GlobalGAP nêu trên thì công tác xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ giúp trái vải của Lục Ngạn có thể vươn xa tới nhiều thị trường khó tính phải đi trước một bước.

Ông La Văn Nam, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Lục Ngạn, cho biết việc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại với nhiều hình thức đã giúp vải thiều Lục Ngạn không còn gặp cảnh “được mùa mất giá”.

Chỉ tính năm 2018 là năm sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang lập kỷ lục cao chưa từng có, tới 215.800 tấn thì ngay khi vụ vải chưa bắt đầu, đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về tình trạng cung vượt cầu, nhưng ngay lập tức, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang vào cuộc, cung cấp kịp thời tình hình thu hoạch, tiêu thụ vải thiều của tỉnh từ đó phản ánh rõ tình hình thực tế tiêu thụ của địa phương.

Cùng với đó, tỉnh cũng tạo điều kiện cho các thương nhân Trung Quốc đáp ứng đủ các điều kiện về xuất nhập cảnh có thể sang tận nơi mua vải, đồng thời tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn còn tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại các địa phương của Trung Quốc, tổ chức giới thiệu sản phẩm vải thiều tới nhiều địa phương trong cả nước, nhờ vậy vải được tiêu thụ thông suốt, dễ dàng dù sản lượng tăng đột biến.

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn 
Ông La Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn 

“Để tiêu thụ tốt tỉnh đã vận động nông dân đáp ứng ngay các yêu cầu của nước nhập khẩu để việc thông quan thuận lợi, đồng thời tổ chức tiêu thụ ở thị trường trong nước, kết nối với các tập đoàn bán lẻ đưa vải thiều vào hệ thống siêu thị. Nhờ đó, dù sản lượng có tăng song cũng không gặp bị động,” ông Nam nói.

Năm 2020, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang ước đạt 160.000 tấn (tăng khoảng 10.000 tấn so với năm 2019), trong đó vải chín sớm khoảng 45.000 tấn còn vải thiều chính vụ ước đạt 115.000 tấn.

Để chuẩn bị cho mùa vụ này, việc tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều vào đầu tháng 6/2020 đã được chuẩn bị hết sức kỹ lượng với sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang đã tiến hành giới thiệu nông sản bằng hình thức trực tuyến kết nối với hai tỉnh của Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam.

Do dịch COVID-19 nên Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang đã tiến hành giới thiệu nông sản bằng hình thức trực tuyến, kết nối với hai tỉnh của Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang phối hợp không chỉ với thị trường Trung Quốc mà còn nhiều thị trường khác mà mới đây nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức giao dịch trực tuyến với Nhật Bản để tìm cách xuất khẩu sang thị trường này.

Quan trọng hơn, nhiều doanh nghiệp, địa phương cũng đang có sự sáng tạo trong nâng cao giá trị chế biến quả vải để làm ra các sản phẩm như vải khô, vải đóng hộp… nhờ vậy thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu vải tươi thì đây cũng là hướng giải pháp hợp lý và quan trọng có thể khắc phục vấn đề mùa vụ của mặt hàng nông sản.

Thị trường nội địa 

“Bệ đỡ” quan trọng giúp đẩy mạnh tiêu thụ trái vải

Song song với hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu trái vải thì tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp lớn cũng vào cuộc cùng với tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ tại các kênh phân phối lớn.

Chính sự “bắt tay” chặt chẽ giữa Nhà nước-Doanh nghiệp và Nhà nông đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp trải vải có thể tiêu thụ ổn định ngay tại thị trường nội địa.

Ông Lại Thanh Sơn – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã có một số trao đổi với VietnamPlus về những nét nổi bật trong việc tiêu thụ trái vải của địa phương mùa vụ năm 2020.

– Xin ông cho biết công tác xúc tiến tiêu thụ quả vải trên địa bàn tỉnh năm nay đã được chuẩn bị như thế nào?

Ông Lại Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: Vải thiều Bắc Giang là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, có giá trị kinh tế cao. Hàng năm, giá trị sản xuất của vải thiều ước đạt khoảng 4.000 – 4.500 tỷ đồng, chiếm 25-28% giá trị ngành trồng trọt. Với những cách làm sáng tạo và nhiều giải pháp đồng bộ từ giai đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến, xúc tiến tiêu thụ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vải thiều năm 2020, tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ, chủ động sớm xây dựng kế hoạch và các phương án, kịch bản và các giải pháp tiêu thụ cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân đến tìm hiểu, thu mua, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn.

Tỉnh đã và đang chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, thương nhân đến khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài.

Chuẩn bị đủ nguồn vốn, tạo thuận lợi về thủ tục vay vốn, gửi tiền, chuyển tiền cho lưu thông, mua bán, xuất khẩu vải thiều; nguồn điện sản xuất; thùng xốp; đá cây; dịch vụ nhà hàng, khách sạn, đảm bảo vệ sinh, môi trường…; các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả hợp lý.

Chuẩn bị các kho, bãi tập kết phương tiện vận tải; các điểm cân vải thiều tập trung, dịch vụ môi trường… đảm bảo rộng rãi, sạch sẽ thoáng mát, thuận tiện giao thông và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Hơn nữa, Bắc Giang cũng chuẩn bị các phương án tốt nhất bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trên các tuyến đường, không để xảy ra ùn tắc giao thông; làm tốt công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống gian lận thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp vào địa phương tiếp cận nghiên cứu thị trường, giám sát, thu mua, chế biến, tiêu thụ vải thiều; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gom hàng,tăng giá đối với các hoạt động phụ trợ như thùng xốp, đá cây, vận tải…

Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020, khai trương sàn giao dịch trực tuyến vải thiều (Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN)
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020, khai trương sàn giao dịch trực tuyến vải thiều (Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN)

– Vậy tại thị trường nội địa, kế hoạch của Bắc Giang trong việc kết nối với các siêu thị, doanh nghiệp như thế nào? Đặc biệt là Kế hoạch tổ chức hội nghị xúc tiến và tiêu thụ vải thiều vào đầu tháng 6 của tỉnh Bắc Giang năm nay có những điểm nhấn gì so với những năm trước?

Ông Lại Thanh Sơn: Đối với thị trường nội địa, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Công Thương làm việc với Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt là tập đoàn Central Group, Mega Market, Aeon, Saigon.Cop… để bàn công tác tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

Đến nay, vải thiều đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các trung tâm, siêu thị lớn Co.opmart, Happro, BigC… các chợ đầu mối hoa quả ở thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai… và mở rộng, phát triển các thị trường các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tiếp tục thực hiện phân khúc thị trường các chợ đầu mối hoa quả, các chuỗi bán lẻ ở các tỉnh, thành phố, đáp ứng nhu cầu rộng rãi của mọi khách hàng trong nước.

Tỉnh cũng phối hợp với các công ty du lịch, lữ hành để đưa vải thiều tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch trên cả nước, đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn, các trung tâm du lịch trọng điểm trên cả nước trong mùa du lịch mà trọng tâm là tổ chức giới thiệu, trưng bày và chào bán phẩm vải thiều chất lượng cao trong các sự kiện lớn về du lịch trong nước và quốc tế.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ quả tươi, xuất khẩu sang các nước, tỉnh khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp, hợp tác xã nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng sản xuất dây chuyền hiện đại đẩy mạnh chế biến vải thiều tại chỗ như đóng hộp, ép nước, sấy khô…

Hàng năm, Bắc Giang thu hút khoảng 400 thương nhân Trung Quốc đến thu mua 50% sản lượng vải thiều tươi của tỉnh. Để giải quyết khó khăn mùa dịch trong năm nay, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã sớm có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Cục Quản lý xuất nhập cảnh tạo điều kiện cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào địa bàn thu mua vải thiều, đồng thời triển khai các phương án, công tác cách ly, phòng dịch nghiêm ngặt, an toàn theo đúng quy định. Hiện đã có trên 300 thương nhân Trung Quốc và các nước đăng ký xin phép nhập cảnh vào địa bàn thu mua vải thiều Bắc Giang.

Hàng năm, Bắc Giang thu hút khoảng 400 thương nhân Trung Quốc đến thu mua 50% sản lượng vải thiều tươi của tỉnh. Hiện đã có trên 300 thương nhân Trung Quốc và các nước đăng ký xin phép nhập cảnh vào địa bàn thu mua vải thiều Bắc Giang.

Đặc biệt năm nay, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều, kết nối giao thương giữa các tỉnh thành, các Hiệp hội ngành hàng, siêu thị, chợ đầu mối, thương nhân trong nước, đồng thời kết nối với chính quyền và các doanh nghiệp thương nhân phía Trung Quốc bàn biện pháp tốt nhất cho tiêu thụ vải thiều của tỉnh trong điều kiện bị tác động bởi dịch COVID-19.

– Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đây cũng là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp. Vậy ông có thể chia sẽ những khó khăn đối với ngành nông nghiệp trong nước khi mô hình công nghệ cao chưa được nhân rộng cũng như khó khăn đối với người nông dân khi làm theo các mô hình như: VietGAP, GlobalGAP?

Ông Lại Thanh Sơn: Hiện nay, tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo quyết liệt để nhân rộng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nên diện mạo mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả, trong đó: trồng trọt 332 mô hình, chăn nuôi 200 mô hình, thủy sản 210 mô hình, lâm nghiệp 24 mô hình, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, Hợp tác xã theo chuỗi giá trị, sản phẩm đảm bảo chất lượng An toàn thực phẩm và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong, ngoài nước. (Ảnh: Thống Nhất - TTXVN)
Xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong, ngoài nước. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn khó triển khai, nhân rộng do các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cơ bản còn nhỏ lẻ, phân tán. Một số mô hình sản xuất vẫn còn mang tính thử nghiệm, hàm lượng công nghệ cao chưa nhiều, chưa mang tính hệ thống, thiếu đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, sơ chế và bảo quản sản phẩm.

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học để sản xuất ra các sản phẩm nông sản sạch đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa nhiều. Nguồn lực đầu tư bao gồm cả tài chính và nhân lực về công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp của nhà nước, hợp tác xã, người dân còn hạn chế chủ các mô hình khó tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trên địa bàn, nên chưa tạo ra sự đột phá cho phát triển và sản xuất của một số mô hình còn mang tính thử nghiệm, lựa chọn đối tượng cây trồng hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với mức đầu tư.

Sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP thì chi phí đầu tư  cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hiện nay giá thành còn cao, trong khi hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ cho các sản phầm công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn nên khó nhân rộng mô hình.

Hơn nữa, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP thì chi phí đầu tư cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hiện nay giá thành còn cao, trong khi hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ cho các sản phầm công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn nên khó nhân rộng mô hình.

– Từ kinh nghiệm đối với trái vải, theo ông để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, cần tập trung vào những lĩnh vực gì?

Ông Lại Thanh Sơn: Để thuận lợi cho việc tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là việc mở rộng thị trường xuất khẩu, từ năm 2014, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo xây dựng vùng vải xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU… với diện tích 218 ha.

Việc xuất khẩu quả vải thiều tươi vào các thị trường mới, cần phải có sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương đặc biệt đối với vụ vải năm 2020, khi có thông tin chính thức vải thiều tươi của việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và sự phối hợp của các đơn vị trực thuộc các Bộ trong đàm phán thương mại, hướng dẫn các quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói sản phẩm.

Về phía tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành của tỉnh, các huyện liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở để tuyên truyền, vận động, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tham gia.

Đến nay đã xây dựng vùng sản xuất vải thiều đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103 ha, sản lượng ước đạt 600 tấn, hiện nay, chuẩn bị xong các điều kiện, sản sàng cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động mời gọi các doanh nghiệp xuất khẩu đến khảo sát, đàm phán ký kết để hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường mới.

– Xin cảm ơn ông.