Quản lý rừng bền vững

ttxvn0905ru-1589071265-74.jpg

Ý nghĩa môi trường xã hội của quản lý rừng bền vững trong thế giới hiện đại đã trở thành yêu cầu bắt buộc của phát triển bền vững. Vì vậy, Việt Nam đã và đang thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp và các chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

Đây là những hành động cụ thể hóa Nghị quyết 24 ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, tổng diện tích đất có rừng toàn quốc hiện nay trên 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên gần 10,3 triệu ha, rừng trồng trên 4,3 triệu ha.

Đây là số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trong Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019. Riêng diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc trên 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ 41,89%.

Để làm rõ những thành tựu đó, TTXVN giới thiệu chùm 2 bài về “Quản lý rừng bền vững” gồm “Giao đất, giao rừng-giải pháp đảm bảo đất lâm nghiệp có chủ” và “Quản lý rừng bền vững: Bảo tồn và phát triển vốn rừng.”

Giao đất, giao rừng

Giải pháp đảm bảo đất lâm nghiệp có chủ

Giao đất, giao rừng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò định hướng cho ngành lâm nghiệp từng bước ổn định, khẳng định vị thế trong tiến trình phát triển và hội nhập theo hướng phân quyền quản lý.

Kết quả thực hiện chính sách cho đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng tài nguyên rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ, đa dạng sinh học và nguồn sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng.

Tạo động lực bảo vệ và phát triển vốn rừng

Theo phân tích của các nhà khoa học Trần Thị Tuyết, Lê Thu Quỳnh, Nguyễn Thị Loan, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giao đất, giao rừng được xem là công cụ thu hút các thành phần trong xã hội tham gia vào quản lý rừng, góp phần hạn chế các hoạt động tiêu cực, tăng cường chất lượng tài nguyên rừng và giảm tải cho lực lượng quản lý nhà nước, từng bước cải thiện sinh kế cho người dân.

Việc thực hiện chính sách giao đất, giao rừng đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng tài nguyên rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ, đa dạng sinh học và nguồn sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng.

Từ những năm 1980, Việt Nam đã thực hiện giao đất, giao rừng theo chủ trương “làm cho mỗi khu đất, mỗi cánh rừng, mỗi quả đồi đều có người làm chủ,” với kỳ vọng ngăn chặn nạn phá rừng, nâng độ che phủ, chất lượng rừng và xóa đói giảm nghèo, kết hợp với sự thay đổi chính sách sở hữu đất đai, chính sách hưởng lợi từ rừng để tạo nên động lực yên tâm quản lý và sản xuất.

Kiểm lâm, các công ty lâm nghiệp địa phương kết hợp với các cuộc họp làng để tuyên truyền việc trồng rừng trên đất lâm nghiệp. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Kiểm lâm, các công ty lâm nghiệp địa phương kết hợp với các cuộc họp làng để tuyên truyền việc trồng rừng trên đất lâm nghiệp. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Mục tiêu hướng tới là đảm bảo an ninh môi trường, cải thiện chất lượng tài nguyên rừng, phát triển lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thị trường đất đai và việc làm, qua đó cải thiện nguồn vốn sinh kế và thu nhập cho người dân, nhất là dân cư sống dựa vào rừng.

Sau năm 1986, bước vào thời kỳ đổi mới, ngành lâm nghiệp đã có bước chuyển từ lâm nghiệp Nhà nước sang lâm nghiệp xã hội, người dân trở thành lực lượng thiết yếu bảo vệ, phát triển vốn rừng cả về chất và lượng.

Trong bối cảnh đó, nhiều văn bản pháp quy được ban hành nhằm đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, chú trọng hơn đến các thành phần tư nhân, các hộ gia đình phù hợp với Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Trên cơ sở đó, Nhà nước đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân bảo vệ, chăm sóc, nuôi trồng, khai thác và tận dụng sản phẩm rừng, tạo điều kiện cho dân cư ở vùng có rừng, đất rừng sinh sống và làm giàu bằng kinh doang tổng hợp các thế mạnh của rừng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tháng 12/2019. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tháng 12/2019. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bằng việc thay đổi quan điểm, nhận thức trong phân quyền quản lý lâm nghiệp đã mở rộng đối tượng được giao đất, giao rừng, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia vào bảo vệ, phát triển rừng.

Điều này phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường đa thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng trong cải thiện đội che phủ và chất lượng rừng, góp phần giữ vững vị trí quan trọng của ngành lâm nghiệp trong quá trình phát triển đất nước.

Chỉ tính đến năm 2017, diện tích rừng của các chủ thể nhà nước là Ban quản lý rừng và Ủy ban Nhân dân xã quản lý, sử dụng chiếm tới 2/3 tổng diện tích rừng tự nhiên và 48% diện tích rừng trồng.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện Kông Chro. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện Kông Chro. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Còn đối với chủ thể ngoài nhà nước, diện tích do cộng đồng quản lý tăng mạnh, riêng thành phần kinh tế hộ gia đình chiếm 20% tổng diện tích rừng cả nước.

Gia tăng diện tích và chất lượng

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy diễn biến diện tích rừng có chuyển biến tích cực kể từ khi thực hiện giao đất, giao rừng. Cụ thể là trước năm 1986, diện tích và độ che phủ rừng có xu hướng giảm và giảm mạnh nhất là giai đoạn 1976-1985 gần 2 triệu ha rừng tự nhiên. Đến năm 1990 độ che phủ rừng trên toàn quốc chỉ đạt 28%.

Việt Nam đã và đang thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp và các chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Tổng diện tích đất có rừng trên 14,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ 41,89%.

Nhưng kể từ khi thực thi đồng bộ các chính sách bảo vệ, phát triển rừng, độ che phủ của rừng ở Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Đến năm 2017 tổng diện tích rừng lên tới trên 14,4 triệu ha, độ che phủ đạt 41,45%; hiện tại trên 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên gần 10,3 triệu ha, rừng trồng trên 4,3 triệu ha.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp với Ban Quản lý rừng và Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, triển khai công tác đi tuần tra bảo vệ rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện quản lý. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với Ban Quản lý rừng và Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, triển khai công tác đi tuần tra bảo vệ rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện quản lý. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Việt Nam trở thành một trong những quốc gia trong khu vực có diện tích rừng ngày càng tăng, trong đó tăng mạnh nhất là diện tích rừng trồng.

Cùng với việc gia tăng diện tích rừng, chất lượng rừng cũng được duy trì, bảo tồn tốt hơn. Kiểm kê tổng trữ lượng gỗ năm 2016 tăng so với thời kỳ kiểm kê trước 370 triệu m3. Trong đó Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Đông Bắc Bộ có trữ lượng chiếm gần 87%.

Những khu rừng đặc dụng và phòng hộ được quy hoạch và quản lý hiệu quả đã giúp duy trì đa dạng sinh học, đảm bảo chức năng phòng hộ, nhất là ở thượng nguồn các lưu vực sông, suối.

Tuy vậy, trong giai đoạn tới, để phát huy được hiệu quả to lớn hơn nữa của công cụ giao đất, giao rừng, đòi hỏi ngành lâm nghiệp phải có những giải pháp mang tính tổng thể, đột phá và bền vững.

Đó là hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân. Theo đó, thiết lập lâm phận quốc gia ổn định lâu dài và cắm mốc ranh giới trên thực địa đảm bảo ổn định lâm phận.

Mặt khác, ngành lâm nghiệp cần hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế, trong đó chủ trọng mô hình nông-lâm kết hợp đa sản phẩm; gắn sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái tăng thu nhập cho chủ rừng; ưu tiên thực thi bảo hiểm lâm nghiệp và chứng chỉ rừng, giao đất, giao rừng gia tăng diện tích rừng sản xuất. Coi các hộ gia đình là một mắc xích quan trọng hình thành nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ./.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tý (phải), thôn Châu Sơn, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trồng 3ha rừng theo tiêu chuẩn FSC với thu nhập đạt 80 triệu/năm. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)
Gia đình ông Nguyễn Văn Tý (phải), thôn Châu Sơn, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trồng 3ha rừng theo tiêu chuẩn FSC với thu nhập đạt 80 triệu/năm. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Bảo tồn và phát triển vốn rừng

Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là gói giải pháp kinh tế-kỹ thuật-tổ chức để phát triển kinh tế lâm nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tính đến thời điểm đầu năm 2019, Việt Nam đã có 235.000ha rừng được cấp chứng chỉ từ Hội đồng quản trị rừng thế giới đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững.

Từ năm 1998, Việt Nam đã tham gia vào quá trình quản lý rừng bền vững. Cho đến nay, Viện Nghiên cứu quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (SFMI) hoạt động theo quy chế thành viên Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC), được coi là “Sáng kiến quốc gia” của Việt Nam.

Những lợi ích thiết thực

Theo Giáo sư tiến sỹ khoa học Nguyễn Ngọc Lung, mục tiêu chính của phát triển bền vững đối vơi lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam là môi trường-kinh tế-xã hội cho hiện nay và tương lai ở mức độ cao nhất, trên cơ sở bảo tồn và phát triển vốn rừng.

Người dân xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) chuẩn bị cấy giống cho vụ trồng rừng năm 2020. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)
Người dân xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) chuẩn bị cấy giống cho vụ trồng rừng năm 2020. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)

Có 5 lợi ích phổ biến của quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Đó là đáp ứng nhu cầu khách hàng; tạo cơ hội tiếp cận tốt thị trường; mang lại lợi thế so sánh cạnh tranh; là biện pháp thực thi cam kết có trách nhiệm đối với tài nguyên rừng; biện pháp thực hiện chính sách phát triển bền vững.

Điều đó cho thấy quản lý bền vững có ý nghĩa quan trọng phát triển kinh tế, vừa là để ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua thực thi cam kết có trách nhiệm đối với chính sách tài nguyên và phát triển bền vững.

Hội đồng quản trị rừng thế giới đã có quy trình chứng chỉ rừng đạt quản lý bền vững theo nhóm các hộ gia đình của từng xã, từng huyện có cơ hội tham gia phong trào quản lý rừng bền vững. Hình thức này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, vì thực tế đa số rừng trồng sản xuất được giao quyền sử dụng cho các hộ gia đình ở quy mô phân tán từ 0,2 đến 30ha, hộ nhiều nhất 100ha.

Nhờ đó chỉ tính đến năm 2017, diện tích rừng trồng có khả năng cung cấp gỗ nguyên liệu hàng năm ở Việt Nam là 4,1 triệu ha, chiếm gần 98% tổng diện tích rừng trồng.

Lực lượng liên ngành tổ chức tuần tra bảo vệ rừng thông nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk GLong, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Lực lượng liên ngành tổ chức tuần tra bảo vệ rừng thông nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk GLong, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Phần lớn diện tích này được giao cho các hộ gia đình quản lý và sử dụng, trong đó rừng trồng tập trung khoảng 1,5 triệu ha được giao cho khoảng 1,5 triệu hộ gia đình là đối tượng rất cần thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Tính đến thời điểm đầu năm 2019, Việt Nam đã có 235.000ha rừng được cấp chứng chỉ từ Hội đồng quản trị rừng thế giới đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững.

Các mô hình liên kết hộ gia đình trồng rừng đã và đang diễn ra tại một số địa phương có diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng trọng điểm như Yên Bái, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Thực tiễn ở Quảng Trị

Quảng Trị là một trong những tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, thường xuyên bị ảnh hưởng của bão, lụt, sạt lở đất, hạn hán…Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu nên tầng suất thiên tai xảy ra ngày càng cao hơn và gây hậu quả rất lớn.

Người dân tộc thiểu số tại huyện Kông Chro ký cam kết phòng cháy chữa cháy và đăng ký trồng rừng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Người dân tộc thiểu số tại huyện Kông Chro ký cam kết phòng cháy chữa cháy và đăng ký trồng rừng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Với sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế KFW2, WF và IKEA và quyết tâm của các hộ gia đình, Hợp tác xã trồng rừng, quan trọng nhất là có sự tham gia dẫn dắt tiếp cận thị trường của Doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm gỗ IKEA, thông qua doanh nghiệp thương mại và chế biến gỗ trong nước, Quảng Trị đã phát triển liên kết hộ gia đình trồng rừng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn 2007-2010: Các cơ quan chức năng của tỉnh vận động các hộ gia đình tham gia, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện cho các thành viên và quản lý tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí chứng chỉ Hội đồng quản trị rừng; triển khai xây dựng mô hình thí điểm cấp chứng chỉ cho nhóm hộ gia đình trồng rừng; hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật theo quy trình trồng rừng có chứng chỉ. Kết quả bước đầu là nhóm hộ đầu tiên tại huyện Gio Linh và Vĩnh Linh được cấp chứng chỉ Hội đồng quản trị rừng thế giới với quy mô 316 ha của 118 hộ gia đình.

Giai đoạn 2011-2015: Từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức của các nhóm hộ trồng rừng có chứng chỉ. Qua đó thành lập Hội các nhóm hộ có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và chịu sự quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quy chế hoạt động, quy chế tài chính của Hội được UBND tỉnh phê duyệt và ban hành.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp với Ban Quản lý rừng và Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, triển khai công tác đi tuần tra bảo vệ rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện quản lý. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với Ban Quản lý rừng và Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, triển khai công tác đi tuần tra bảo vệ rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện quản lý. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đồng thời vận động doanh nghiệp thương mại và chế biến gỗ tham gia và hỗ trợ 100% chi phí đánh giá đầu kỳ, chi phí đánh giá hàng năm giai đoạn 2016-2020 cho diện tích rừng đủ tiêu chuẩn cấp chứng chỉ.

Quy mô diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ tính đến năm 2015 đạt trên 1.392ha của 526 hộ.

Gia đoạn 2016-2020: Tỉnh mở rộng sự tham gia của các đối tượng chủ rừng khác như Hợp tác xã lâm nghiệp; mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ lên 3.000ha.

Hội các nhóm hộ sẽ tự vận hành hoạt động và chi trả cho phí dịch vụ đánh giá đầu kỳ và hàng năm để duy trì chứng chỉ bằng quỹ của Hội, được hình thành do khoản đóng góp của hội viên từ mức chênh lệch bán gỗ có chứng chỉ của Hội đồng quản trị rừng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh quảng Trị, tính đến năm 2017, tổng diện tích rừng trồng sản xuất đạt chứng chỉ của Hội đồng quản trị rừng trên địa bàn trên 22.000ha, trong đó Hội các nhóm hộ có chứng chỉ gần 1.900ha.

Kết quả sản xuất của ngành nông-lâm nghiệp đóng góp 22,7% tổng giá trị cơ cấu kinh tế của tỉnh. Rừng trồng keo và bạch đàn là loại cây trồng phổ biến, cung cấp trung bình mỗi năm 400.000n3 gỗ nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ./.

Công nhân Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, xã Vĩnh Hoàn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định khai thác rừng trồng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Công nhân Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, xã Vĩnh Hoàn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định khai thác rừng trồng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)