Những ngày đáng nhớ

anhchuan-1588765684-60.jpg

Một tuần đầu sau khi nhiễm bệnh với tôi là khoảng thời gian khủng khiếp nhất. Ban đầu là triệu chứng sốt, người hâm hấp nóng, rồi những cơn ho dồn dập kéo đến. Cơ thể mệt mỏi, rã rời. Vùng thắt lưng đau nhói, người rất mệt.

Qua 7 ngày khủng khiếp khiến người đau như dần đó, sức khỏe tôi lại bình thường. Tôi quyết định tập thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe, thể lực của mình ngay khi vẫn còn trong phòng bệnh. Một ngày tôi tập thế dục 3 giờ đồng hồ, hết chạy quanh phòng rồi lại chống đẩy…

Bệnh nhân 137 Đặng Văn Bé – 36 tuổi, địa chỉ ở Yên Thành, Nghệ An – người đã dương tính lại với SARS-CoV-2 sau 15 ngày được công bố khỏi bệnh đã chia sẻ như vậy khi anh nhiều lần liên tiếp có kết quả âm tính và tiếp tục được công bố khỏi bệnh vào sáng 5/5 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).

Một tuần đầu sau khi nhiễm bệnh với tôi là khoảng thời gian khủng khiếp nhất. Ban đầu là triệu chứng sốt, người hâm hấp nóng, rồi những cơn ho dồn dập kéo đến. Cơ thể mệt mỏi, rã rời. Vùng thắt lưng đau nhói!

Những ngày không thể quên

Khoảng thời gian 50 ngày vừa qua với anh Đặng Văn Bé – một bệnh nhân mắc COVID-19 là những ngày không bao giờ có thể quên. Bởi sau khi được công bố khỏi bệnh, anh về nhà được 24 giờ lại phải tức tốc lên xe 6 giờ đồng hồ để quay trở lại bệnh viện vì có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại.

Anh Bé kể lại, anh là lao động ở Đức đã 2 năm nay.

“Đến thời điểm ngày 14/3, tình hình dịch bệnh ở Đức thời điểm tôi về cũng khá lo ngại khi có hơn 1.249 người nhiễm bệnh COVID-19, đã có 3 bệnh nhân tử vong. Ở bên đó tôi không cảm thấy an toàn, nên tôi quyết định về Việt Nam. Tôi nhập cảnh ở Đức về Việt Nam ngày 15/3 và được cách ly tập trung tại Sơn Tây (Hà Nội) và được lấy mẫu làm xét nghiệm,” anh kể lại.

Cách ly được 6 ngày tại khu cách ly tập trung thì tại phòng ở của anh có 1 trường hợp bệnh nhân từ nước Anh về dương tính. Ba ngày sau, anh cũng có biểu hiện giống bệnh nhân kia. Đến ngày cách ly thứ 9, khi kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, anh đã ngay lập tức được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ ngày 25/3.

Khi biết tin mình mắc bệnh, anh trộm nghĩ: “Dẫu sao mình đã bị mắc bệnh rồi, cứ lạc quan lên thôi.”  Tự nhủ như thế nhưng anh vẫn không thể tưởng tượng nổi mình đã phải trải qua 7 ngày “ác mộng” nhất trong đời tưởng chừng như không thể gắng gượng…

Anh được cách ly 1 mình trong phòng rộng khoảng 15 mét vuông. Vào thời kỳ cao điểm, có lúc phòng 2-3 người.

Anh Bé kể, một ngày với bệnh nhân COVID-19 như anh không hề nhàm chán. Anh xem phim, đọc báo, lướt web, nói chuyện với bạn bè. Thường thường buổi sáng anh dậy lúc 5 giờ 30.

Anh Bé kể, một ngày với bệnh nhân COVID-19 như anh không hề nhàm chán, anh tự tạo cho mình những hoạt động để tinh thần thoải mái. Anh xem phim, đọc báo, lướt web, nói chuyện với bạn bè. Thường thường buổi sáng anh dậy lúc 5 giờ 30 phút.

“6 giờ sáng tôi chạy thể dục và chống đẩy ở trong phòng 1 tiếng rưỡi. Chiều 16 giờ 30 phút tôi lại tiếp tục vận động 1 tiếng rưỡi. Như vậy, mỗi ngày có 3 giờ tập thể dục – trừ 7 ngày đầu mắc bệnh phải nằm bẹp dí và ít hoạt động,” anh Bé chia sẻ về những ngày điều trị và cách ly tại bệnh viện.

[Video]: Bệnh nhân chia sẻ về gần 2 tháng điều trị tại bệnh viện:

Bệnh nhân 137 kể về những ngày điều trị.

Ở nhà vỏn vẹn 24 giờ đồng hồ

Anh Đặng Văn Bé điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ ngày 25/3 và được tuyên bố khỏi bệnh hôm 7/4. 14 ngày ở lại bệnh viện sau khi được công bố khỏi bệnh, anh Bé được xuất viện vào chiều 22/4 sau 6 lần xét nghiệm âm tính.

Buổi chiều 22/4 anh sửa soạn đồ đạc, xuất viện về nhà. Trong lòng anh Bé không khỏi khấp khởi mừng thầm “Thế là mình đã thoát khỏi con COVID rồi”.

“Việc đầu tiên là tôi gọi điện cho người thân, mọi người ở nhà chuẩn bị đồ ăn sẵn sàng cho tôi trong vòng 15 ngày. Mọi người trong nhà tôi gồm vợ và 3 con đều di tản hết qua nhà anh trai tôi ở cách đó 200 mét. Nếu ai muốn nhìn nhau thì đứng từ ngoài cổng cách xa.

“6 giờ tôi chạy thể dục và chống đẩy ở trong phòng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Chiều 16 giờ 30 tôi lại tiếp tục vận động 1 tiếng rưỡi nữa. Như vậy, mỗi ngày có 3 giờ tập thể dục,” anh Bé chia sẻ

Rời bệnh viện là 3h30 chiều. 9 giờ tối tôi về đến nhà. Đứng trước cổng, nhìn ngôi nhà với 4 sào đất rộng, tôi hít hà không khí ở quê, cảm giác thân thuộc, không khí trong lành nơi mình gắn bó bao nhiêu năm ùa vào lồng ngực,” anh Bé bồi hồi.

Anh dự định sẽ cho phép mình xả hơi, nghỉ ngơi 2 ngày rồi xắn tay chân vào việc cuốc đất, trồng cây rèn luyện sức khỏe.

Biểu đồ tương tác về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam:

Click vào biểu đồ để tương tác. (Đồ hoạ: Thùy Giang/Vietnam+)

Thế nhưng, cuộc đời vẫn còn nhiều bất ngờ. Đến chiều 23/4, khi đang tự cách ly một mình ở nhà tại Nghệ An, vào 16 giờ 30 chiều, anh  Bé bỗng nhận được cuộc điện thoại của các bác sỹ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông báo kết quả xét nghiệm của anh dương tính trở lại (lần xét nghiệm thứ 7 ngay trước khi ra viện).

Chia sẻ về cảm giác khi nhận được thông tin dương tính trở lại, anh Bé cho hay: “Khi đó tôi rất bất ngờ bởi vì sức khỏe của tôi từ khi công bố khỏi bệnh ngày 7/4 đến nay hoàn toàn bình thường, không có triệu chứng gì. Chính vì vậy, dù có lại phải quay vào viện, tôi vẫn lạc quan.”

Vào 16 giờ 30 chiều, anh  Bé bỗng nhận được cuộc điện thoại của các bác sỹ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông báo kết quả xét nghiệm của anh dương tính trở lại.

Ngay đêm đó, vào 23 giờ 30 phút, xe chuyên dụng của bệnh viện đón anh Bé để quay trở lại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2. Suốt 6 giờ ngồi trên xe, đến 5 giờ sáng, ngay khi đến bệnh viện anh đã được các bác sỹ lấy máu, xét nghiệm lại. Điều đáng mừng là lần xét nghiệm này của anh Bé đã cho kết quả âm tính và các ngày tiếp theo, các mẫu xét nghiệm cũng đều âm tính. Đến nay, anh đã 4-5 lần có kết quả xét nghiệm âm tính liên tiếp.

Và sáng ngày 5/5, điều mà anh Bé mong chờ cũng đã tới. Anh được các bác sỹ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân 137 mắc COVID-19 (thứ hai từ phải qua) được công bố khỏi bệnh ngày 5/5/2020. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Bệnh nhân 137 mắc COVID-19 (thứ hai từ phải qua) được công bố khỏi bệnh ngày 5/5/2020. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Không giấu được sự xúc động, Anh Bé chia sẻ: “Tôi rất vui mừng và cảm ơn đội ngũ y bác sỹ đã tận tình chu đáo, động viên chăm sóc, tạo điều kiện tốt cho tôi trong suốt thời gian 1,5 tháng vừa qua. Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết nói lời cảm ơn chân thành nhất tới các y bác sỹ của bệnh viện.”

Điều đáng nói là anh Bé sẽ tiếp tục được theo dõi ở bệnh viện thêm 14 ngày nữa và về nhà sẽ tự cách ly thêm 14 ngày. Như vậy, tổng thời gian dự kiến điều trị bệnh và tự cách ly của anh Bé là 78 ngày (2,5 tháng).

Anh bảo, giờ anh chỉ thèm cảm giác được ôm con vào lòng. Nhưng chắc phải gần 1 tháng nữa, anh Bé mới có thể làm được điều tưởng chừng như  rất đơn giản đó.

Không e ngại các trường hợp tái dương tính

Như vậy, tính đến nay, tại Việt Nam đã có 232 ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh. Cả nước còn 39 bệnh nhân COVID-19 đang tiếp tục điều trị, trong đó có 2 bệnh nhân nặng là bệnh nhân số 19 và 91.

Liên quan các ca tái dương tính, giáo sư Nguyễn Văn Kính-nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, chuyên gia cao cấp của bệnh viện cho biết trên thực tế, các trường hợp tái dương tính ở Việt Nam đều không có bất cứ dấu hiệu lâm sàng nào. Những bệnh nhân sau khi nhập viện trở lại đều khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường; trong quá trình theo dõi tại bệnh viện cũng không phải điều trị bằng một loại thuốc nào. Tất cả các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sau khi bệnh nhân vào viện một thời gian cũng đều cho kết quả âm tính.

Theo giáo sư Kính, tất cả bệnh nhân tái dương tính nhập viện đều được nuôi cấy virus nhưng virus đều không mọc, việc bệnh nhân có kết quả tái dương tính có thể do xét nghiệm phát hiện đoạn gene của virus, chứ không phải virus còn hoạt động và không có khả năng lây bệnh. Về bản chất, phương pháp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đang được sử dụng hiện nay là RT-PCR.

“Với RT-PCR, chúng ta chỉ lấy đoạn mồi để phát hiện đoạn gene đặc trưng của virus SARS-CoV-2, nên về bản chất là phát hiện mã di truyền của virus chứ không phải là phát hiện toàn bộ con virus. Muốn phát hiện toàn bộ chúng ta phải thực hiện giải trình tự gene,” giáo sư Kính cho hay.

Tất cả các trường hợp tái dương tính ghi nhận ở Việt Nam sau khi đem mẫu bệnh phẩm đi nuôi cấy thì virus đều không phát triển.

Cũng theo giáo sư Kính, để khẳng định các trường hợp tái dương tính, virus SARS-CoV-2 còn khả năng hoạt động hay không thì cần phải đem phân lập, nuôi cấy. Tất cả các trường hợp tái dương tính ghi nhận ở Việt Nam sau khi đem mẫu bệnh phẩm đi nuôi cấy thì virus đều không phát triển. Các bằng chứng này cho thấy kết quả xét nghiệm RT-PCR trước đó thực chất chỉ phát hiện những mảnh ARN của virus và có thể coi đó là xác của virus.

Giáo sư Kính phân tích: “SARS-CoV-2 là một loại virus mới nên thế giới cần nhiều thời gian để nghiên cứu về sinh bệnh học và những khoa học cơ bản về đáp ứng miễn dịch của con virus này. Đối với những trường hợp tái dương tính, cũng cần nghiên cứu thêm về kháng thể của người bệnh. Tuy nhiên, về mặt y tế công cộng, chúng ta không cần e ngại gì với các trường hợp tái dương tính”./.

Xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)