“Tổng hành dinh” diệt trừ COVID-19

aaa-1592224350-47.jpg

Đi trực đã trở thành một phản xạ, những ngày cao điểm của dịch bệnh COVID-19. Trong những giấc ngủ không đủ sâu ấy, nhiều người bị ám ảnh bởi tiếng bíp bíp từ máy thở, máy lọc máu, máy vận mạch… được lắp xung quanh bệnh nhân nặng.

Bác sỹ Đồng Phú Khiêm – Phó trưởng khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) kể về những ngày đồng hành với cuộc chiến chống giặc COVID-19 tại “tổng hành dinh” diệt dịch.

“Cướp” lại sự sống cho người bệnh từ lưỡi hái tử thần

Theo lời bác sỹ Khiêm, vào những ngày đầu tháng Ba, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, xe cấp cứu chuyên dụng liên tục chở bệnh nhân nhập viện.

“Phát súng” đầu tiên của giai đoạn 2 – giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19 là vào 18 giờ ngày 5/3, khi chiếc xe cấp cứu chở bệnh nhân 17 nhập viện. Nhân viên, bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cẩn thận mặc bộ đồ bảo hộ để chuẩn bị cho công tác điều trị.

Một ngày sau, khi có kết quả dương tính từ bệnh nhân, tối 6/3, cả Hà Nội như chấn động, nhiều người dân lo lắng vì sau hơn 20 ngày cả nước không có ca bệnh mắc mới COVID-19 thì đã xuất hiện thêm ca bệnh.

Sáng 7/3, vào 10 giờ, thêm một bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm và chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 bằng xe riêng. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Đến ngày 12/3, tổng số ca dương tính điều trị tại bệnh viện đã lên tới 10 trường hợp, trong đó có 6 ca là người nước ngoài.

Ngày 12/3, tổng số ca dương tính điều trị tại bệnh viện đã lên tới 10 trường hợp, trong đó có 6 ca là người nước ngoài. Chỉ trong vài ngày, toàn bộ nhân viên bệnh viện được huy động tổng lực.

Chỉ trong vài ngày, toàn bộ nhân viên bệnh viện được huy động tổng lực. Những bệnh nhân dương tính đưa vào điều trị một khu riêng, các trường hợp F1 thuộc diện nghi ngờ theo dõi được đưa vào cách ly trong một khu riêng. Công suất của bệnh viện với 500 giường bệnh thì vào thời kỳ cao điểm của dịch có tới gần 400 bệnh nhân và các đối tượng thuộc diện phải cách ly được điều trị.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng Khoa cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay bước sang giai đoạn 2 và 3 của dịch, tỷ lệ bệnh nhân nặng với nhiều ca bệnh phức tạp gia tăng. Với phương châm không để bệnh nhân tiến triển nặng, hạn chế tử vong, các y bác sỹ đã căng mình ngày đêm, quay cuồng để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.(Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.(Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo thống kê, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận và điều trị 143 bệnh nhân dương tính với SARS-COV-2 (hơn 50% số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam), với 15 bệnh nhân diễn biến nặng, trong đó 5 bệnh nhân có diễn biến nguy hiểm đến sinh mạng phải thở máy và điều trị hồi sức tích cực với lực lượng y bác sỹ trực tiếp làm việc trong buồng bệnh, theo dõi liên tục người bệnh 24/24h. Các bác sỹ đã cấp cứu kịp thời và thành công người bệnh có tổn thương tim gây biến chứng ngừng tuần hoàn trong đêm.

Với những nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện, đến nay, Bệnh viện đã chữa khỏi 109 bệnh nhân. Hiện chỉ còn 2 bệnh nhân cần thở máy hỗ trợ nhưng bệnh đã thuyên giảm nhiều, người bệnh tỉnh táo và giao tiếp tốt. Các bệnh nhân khác đều ổn định và có tiến triển tốt.

Bệnh viện cũng tiếp nhận cách ly và theo dõi y tế cho hơn 2.100 trường hợp nghi ngờ, trong đó có 30 người từ vùng dịch Vũ Hán, Trung Quốc. Đến nay còn hơn 100 trường hợp đang tiếp tục được cách ly và theo dõi y tế. Số còn lại đã được ra viện hoặc chuyển tuyến dưới theo dõi.

Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh COVI-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh COVI-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đảm bảo không mất lực lượng chiến đấu

Nhớ lại những ngày cao điểm, Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp bảo rằng khi ấy có tới 30 bệnh nhân ở các nơi chuyển về, các y bác sỹ quay cuồng tiếp nhận, xét nghiệm và điều trị. Cả Khoa cấp cứu có 7 bác sỹ, 15 điều dưỡng thì vào thời gian cao điểm phải phục vụ 15 bệnh nhân mắc COVID-19.

“Chúng tôi nhiều khi có cảm giác không phân biệt được thời gian hôm nay là thứ mấy, ngày mấy bởi cường độ làm việc lớn, không có khái niệm ngày nghỉ và ngày đi làm,” bác sỹ Cấp trải lòng.

Chúng tôi nhiều khi có cảm giác không phân biệt được thời gian hôm nay là thứ mấy, ngày mấy bởi cường độ làm việc lớn, không có khái niệm ngày nghỉ và ngày đi làm!

Kể về chuỗi ngày điều trị cho các bệnh nhân, bác sỹ Cấp phân tích, khác với giai đoạn 1 hầu hết 100% bệnh nhân là người Việt, giai đoạn 2 chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân từ rất nhiều nước khác nhau như: Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển… Dịch bùng phát nhanh, đa dạng bệnh nhân ở nhiều nước khác nhau cũng gây cho chúng tôi những khó khăn không nhỏ.

Bên cạnh đó, việc COVID-19 lây nhiễm qua đường hô hấp, thêm vào đó không phải điều dưỡng nào cũng nói được tiếng nước ngoài nên các bác sỹ đã tạo ra những bảng hỏi tình hình sức khỏe, yêu cầu của bệnh nhân để họ đánh dấu vào.

Nếu trước kia, việc giao tiếp để hỏi tình trạng của bệnh nhân có thể mất 8-10 phút, thì nay, với việc tạo ra những bảng hảo, bớt được thời gian giao tiếp giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, hiệu quả vẫn cao.

Điều trị cho bệnh nhân trong tình trạng nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Điều trị cho bệnh nhân trong tình trạng nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cho hay, bệnh viện là nơi tuyến đầu điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, khó khăn nhiều hơn khi đại dịch diễn biến phức tạp nhưng chưa ai dừng lại trong cuộc chiến với bệnh tật này.

“Nguy cơ lây nhiễm với nhân viên y tế là một mối đe doạ lớn nhất đối với tất cả các bệnh viện khi tham gia chống dịch, bởi mất lực lượng chiến đấu thì cả đơn vị đó sẽ không còn khả năng để đảm bảo công việc. Ngay từ trước khi có vụ dịch, chúng tôi đã phải đảm bảo tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập thường xuyên để cho anh chị em sử dụng trang thiết bị phòng hộ tốt nhất và có phương án cải tiến về phòng hộ,  hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm,” bác sỹ Cấp cho hay.

Cảm ơn Việt Nam!

Nhờ sự nỗ lực của các chiến sỹ áo trắng trên toàn quốc, đến nay, kết quả Việt Nam đạt được đã ngoài mong đợi. Trong khi cả thế giới đã có số ca mắc lên tới hơn 3,4 triệu trường hợp và hơn 239.000 ca tử vong, Việt Nam là địa bàn sát vách với nơi xuất phát dịch bệnh, nhưng với tinh thần khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, tới nay chỉ ghi nhận 270 ca, điều trị thành công cho 223 trường hợp và chưa có ca tử vong.

Vợ chồng ông Dixong John Garth điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Vợ chồng ông Dixong John Garth điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong số bệnh nhân khỏi bệnh, có nhiều người quốc tịch nước ngoài. Và, nhiều người trong số đó đã bày tỏ sự cảm phục nền y tế Việt Nam đã giúp họ thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Bà Shan Coralie Baker (67 tuổi) và chồng là ông Dixong John Garth (74 tuổi, quốc tịch Anh) là một trong những người trong số đó. 22 giờ đêm 13/4 là khoảnh khắc đáng nhớ bởi họ được ra viện, trở về nước Anh an toàn sau 35 ngày được các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị khỏi COVID-19.

Trước đó, đầu tháng 3/2020, bà Shan Coralie Baker cùng chồng sang Việt Nam để thăm con trai tại Đà Nẵng. Bà và chồng cùng được xác định mắc COVID-19 và được chuyển vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Chúng tôi thật may mắn và hạnh phúc khi được gặp y, bác sỹ Việt Nam. Quả là điều kỳ diệu, tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn! Cảm ơn rất nhiều!

“Lúc đầu tôi rất sốc. Tôi dần bị nặng, ho nhiều, khó thở, viêm phổi. Nhìn vào gương tôi không nhận ra mình nữa và đã nghĩ mình sẽ chết. Các bác sỹ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu tôi. Tôi nghĩ nếu ở Anh, chưa chắc tôi đã sống được,” bà Shan trải lòng.

Sau quá trình được điều trị tích cực, sức khỏe bà hồi phục và đã có kết quả âm tính 3 lần liên tiếp nhưng người chồng bà lại diễn biến nặng hơn, suy hô hấp, phải thở máy.

Bà Shan Coralie Baker và chồng trong đêm được công bố khỏi bệnh và xuất viện để trở về nước Anh.(Ảnh: PV/Vietnam+)
Bà Shan Coralie Baker và chồng trong đêm được công bố khỏi bệnh và xuất viện để trở về nước Anh.(Ảnh: PV/Vietnam+)

“Khi biết chồng tôi chuyển vào khoa Hồi sức tích cực, tôi rất sợ. Là điều dưỡng đã nghỉ hưu nhưng với gần 40 năm làm ở Anh, tôi biết như thế là rất nguy kịch, nguy cơ đe dọa tính mạng cao. Vì thế nỗi sợ càng tăng,” bà kể.

10 ngày cũng là quãng thời gian đội ngũ bác sỹ giành giật sự sống cho ông Dixong John Garth, một bệnh nhân bị ung thư máu đã 10 năm.

Trước thời khắc ra viện để trở về nước, bà Shan chia sẻ: “Tôi rất biết ơn và ngưỡng mộ nỗ lực của các y, bác sỹ ở đây. Thật tuyệt vời, cận kề sinh tử mà chồng tôi vẫn còn sống. Chúng tôi thật may mắn và hạnh phúc khi được gặp y, bác sỹ Việt Nam. Quả là điều kỳ diệu, tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn! Cảm ơn rất nhiều!”./.

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: Nơi trận dịch nào cũng phải gánh vác

Thứ trưởng thường trực Nguyễn Thanh Long nhận xét, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là một tấm gương rất nỗ lực. Đây cũng là nơi mà trận dịch nào cũng phải gánh vác.

Để cải thiện cho các cán bộ y tế của bệnh viện có chỗ ăn ở, nghỉ ngơi, Bộ Y tế đề xuất thuê cả khách sạn, nhưng bệnh viện vẫn thống nhất để anh em ở lại để chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn. Nhờ đó, đến hiện tại, bệnh viện đã điều trị các ca bệnh thành công, nhất là những ca bệnh người nước ngoài, có những ca diễn biến nặng nhưng đã được cứu chữa.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)