Xây dựng Đảng về đạo đức

standoutfr-1586320857-27.jpg

Trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, khi nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.” Người cũng coi chủ nghĩa cá nhân là thứ “giặc ở trong lòng.” Do đó, muốn xây dựng đạo đức cách mạng thì đồng thời phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân ẩn náu trong mỗi con người

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng. Theo Người, chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng là nội dung liên quan trực tiếp tới vận mệnh của Đảng, quyết định sự thành, bại của sự nghiệp cách mạng.

Người cho rằng “chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng.”

Người yêu cầu phải phòng, chống, tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân trong mỗi cán bộ, đảng viên và coi đó là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng Đảng.

“Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng.” (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch “nội xâm;” “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm.” Do vậy, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ quan trọng, cơ bản, lâu dài và thường xuyên của toàn thể cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của suy thoái, tiêu cực, nhưng rất khó từ bỏ bởi nó ẩn náu trong mỗi con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu các đơn vị quân đội nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1957). (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu các đơn vị quân đội nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1957). (Nguồn: TTXVN)

Muôn hình, vạn trạng của chủ nghĩa cá nhân

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: “Ngày thường thì kỷ luật kém. Khi có vấn đề nghiêm trọng thì hoang mang. Lúc tính toán công việc thì đặt lợi ích cá nhân mình, nhóm mình lên trên lợi ích chung. Bệnh ấy dễ đưa đến chỗ trái kỷ luật, lợi ích của dân tộc.”

Những lời cảnh báo của Người vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống ngày nay. Có những đảng viên muốn được tiến cử lên những vị trí cao hơn nhưng lại không muốn rèn luyện, phấn đấu để đồng chí, đồng nghiệp ghi nhận, mà lại tìm đến những phương thức như dùng bằng cấp giả hay “chạy thành tích,” “chạy khen thưởng.” Với hồ sơ “đẹp và ảo” này, họ tìm cách để được quy hoạch và bằng những chiêu trò khác nữa để được luân chuyển, được bổ nhiệm.

“Bệnh ấy dễ đưa đến chỗ trái kỷ luật, lợi ích của dân tộc.” (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Lại có trường hợp nguyên bí thư một tỉnh, trước khi hết nhiệm kỳ, lại làm mọi cách để đưa con trai lên vị trí đứng đầu một sở quan trọng trong tỉnh bất chấp các quy định của Đảng về công tác nhân sự.

Chủ nghĩa cá nhân còn được thấy thông qua việc “đánh bóng tên tuổi” trên các phương tiện truyền thông. Có những vị lãnh đạo ngày ngày xuất hiện trên các mặt báo với những thông điệp nghe rất “vì dân, vì nước” như sẵn sàng trảm tướng ngay trên công trình nếu chậm tiến độ và nhiều phát ngôn “gây ấn tượng” khác, nhưng chỉ vài tháng sau đó, khi bị cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố mới phơi bày ra ánh sáng nhiều hành vi vi phạm, bất chấp luật pháp và quy định của Đảng.

Tháng 3/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị /Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) cùng 6 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tháng 3/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị /Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) cùng 6 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ nghĩa cá nhân còn là gốc rễ của “nhóm lợi ích.” Nhóm lợi ích thường thấy là sự cấu kết của lãnh đạo có vai trò chủ chốt nhưng tha hóa ở cơ quan công quyền các cấp với chủ của các loại hình doanh nghiệp nhằm chia chác lợi ích với nhau trên cơ sở bòn rút tài sản công.

Không chỉ là những công sản thông thường mà nhiều khu đất tại một số vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng đã bị những “nhóm lợi ích” này thao túng và hình thành quyền sở hữu mới, thậm chí là quyền sở hữu của cả nhà đầu tư ngoại quốc.

Chủ nghĩa cá nhân nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc,” Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ coi chủ nghĩa cá nhân là địch bên trong mà còn nêu rõ địch bên trong là bạn của kẻ địch bên ngoài. Địch bên trong đáng sợ hơn địch bên ngoài vì nó phá hoại từ trong phá ra. Người cũng yêu cầu đảng viên và các tổ chức đảng phải đề phòng và loại trừ chủ nghĩa cá nhân.

Trong nhiều nghị quyết, Đảng ta đã chỉ rõ những nguy cơ mà “nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.”

Những biểu hiệu của người sa vào chủ nghĩa cá nhân đã được điểm tên trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)

Những biểu hiệu của người sa vào chủ nghĩa cá nhân đã được điểm tên trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) như sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền…; mắc bệnh “thành tích,” háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy chức”, “chạy quyền”; quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân…”

Trong cuộc đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, nhiều cán bộ, kể cả cấp cao, thoái hóa, biến chất đã bị xử lý nghiêm minh.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) và Trương Minh Tuấn (sinh năm 1960, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bị cáo Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) và Trương Minh Tuấn (sinh năm 1960, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhiều trường hợp nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ trưởng, … đã bị cách hết các chức vụ, vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi, ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm người trong gia đình, người thân, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm; thiếu gương mẫu trong việc nhận ôtô, sử dụng nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội…

Cùng với những hình thức kỷ luật nghiêm trong Đảng để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, mỗi đảng viên cần tự kiểm điểm những việc mình làm để nếu phát hiện thấy sai phải báo cáo tổ chức Đảng và đề ra biện pháp sửa chữa kịp thời.

Đảng viên cũng cần thể hiện bản lĩnh, sự chân thành và nhân văn để phê bình đồng chí của mình, để sửa chữa cho nhau. Đảng viên, dù trên cương vị nào, khi nhận được góp ý của đồng chí mình cần nghiêm túc nhìn nhận để kịp thời sửa đổi.

Làm được tất cả những điều này như lời căn dặn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, mỗi tổ chức đảng sẽ mạnh mẽ hơn, mỗi đảng viên luôn giữ vững đạo đức người cách mạng, và Đảng ta sẽ trường tồn./.