Chiều mồng 1 Tết, tại quê nhà Thái Bình, Chính trị viên Mai Văn Thể nhận được điện thoại của Đồn trưởng Đồn biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh). Sau lời chúc Tết là thông báo: lên đơn vị gấp.
“Dồn dập điện báo từ Bộ Chỉ huy gửi về, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đang căng thẳng, biên giới cần triển khai gấp các kế hoạch để có tấm lá chắn bảo vệ tốt nhất,” đó là những lời anh Thể gần như thuộc làu sau cuộc điện thoại từ đồn trưởng.
Bỏ dở kỳ nghỉ dở dang, mồng 2 Tết, thiếu tá Mai Văn Thể chào tạm biệt gia đình, lập tức trở về tuyến đầu để chống dịch…
Dặn lòng không được ốm, không được gục ngã
Những ngày đầu năm mới, biên giới phía Bắc là những cơn mưa trắng trời, mưa dầm dề và sương giăng kín lối khiến người cách người vài mét đã không nhìn thấy rõ nhau. Con đường biên giới có những đoạn đường đất sình lầy bùn đất có thể quật ngã bất cứ ai.
Chính trị viên Mai Văn Thể cho hay: “Khi chúng tôi làm tốt việc chốt chặn đường mòn, lối mở ở biên giới sẽ ngăn dịch COVID-19 từ nước ngoài xâm nhập vào trong nước. Đây là nhiệm vụ chiến đấu với giặc COVID-19 mà lực lượng chúng tôi cần hoàn thành trong thời bình.”
Bỏ dở kỳ nghỉ dở dang, mồng 2 Tết, thiếu tá Mai Văn Thể chào tạm biệt gia đình, lập tức trở về tuyến đầu để chống dịch…
Hơn 12km đường biên giới giáp Trung Quốc ngoằn nghèo, khúc khuỷu là thử thách không nhỏ với các chiến sỹ bộ đội Đồn biên phòng Pò Hèn. Ở đó, những người lính phải thay phiên nhau túc trực cả ngày lẫn đêm dù dầm mưa trong cái giá lạnh buốt da, thấu thịt nơi miền biên ải.

Chỉ về phía bờ sông Ka Long, nơi những chiếc lán siêu vẹo sau một trận mưa rừng, Chính trị viên Mai Văn Thể phân tích: “Giai đoạn đầu chúng tôi ngăn chặn thành công nhiều trường hợp. Đó là thời gian từ ngày 12 âm lịch đến 17 âm lịch của tháng Giêng, lượng người Việt Nam bên phía Trung Quốc là lao động tự do rất nhiều. Khi dịch bên Trung Quốc bùng phát dữ dội, rất nhiều lao động muốn về. Có không ít đối tượng theo những đường mòn lối mở muốn tìm cách về nước ‘chui.’”
Ba tháng qua họ đã xa nhà, xa người thân, kìm nén những nỗi đau hay niềm vui chung để tiếp tục làm vẹn tròn sứ mệnh bảo vệ nơi phên dậu của Tổ quốc
Nắm bắt được tình hình này, lực lượng biên phòng giăng ra căng bên bờ sông biên giới, cắm nhiều chốt tạm liên tiếp để không đối tượng nào có thể xâm nhập trái phép. Không lội sông, lần đường mòn sang được, người dân đi địa bàn khác rồi về theo con đường chính ngạch là cửa khẩu.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng bên Trung Quốc từ sau Tết Âm lịch cũng ráo riết đi kiểm tra các nhà dân xem có người Việt lao động tự do bất hợp pháp sẽ đưa vào một khu và tiến hành trao trả.
[Video]: Những người lính biên cương chia sẻ ngăn xâm nhập trái phép vùng biên cương:
Trung tá Nguyễn Thành Lê – Đồn trưởng Pò Hèn nói về công tác phòng chống dịch.
Thiếu tá Thể kể, có thời điểm nhiệt độ chỉ 10 độ C, mưa rừng suốt hơn chục ngày, anh em đi tuần chỉ với chiếc áo mưa mặc bên ngoài, hay đứng gác các chốt chặn đều phải tự dặn lòng nhau không được ốm, không được gục ngã… Cho đến nay, vùng biên giới nơi địa bàn Đồn Pò Hèn tôi quản lý đã phần nào bình yên, mọi sinh hoạt của bà con vẫn theo nhịp độ bình thường.
Theo lời trung tá Nguyễn Thành Lê – Đồn trưởng Pò Hèn thì ba tháng đã trôi qua, rất nhiều đồng chí nhà có việc như giỗ, vợ con ốm… nhưng không thể về. Xác định nhiệm vụ trọng tâm nên họ đã gọi điện động viên vợ con, gia đình cố gắng vượt qua để tập trung chống dịch, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Có thời điểm nhiệt độ chỉ 10 độ C, mưa rừng suốt hơn chục ngày, anh em đi tuần chỉ với chiếc áo mưa mặc bên ngoài, hay đứng gác các chốt chặn đều phải tự dặn lòng nhau không được ốm, không được gục ngã…
Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng với các lực lượng, chính quyền địa phương và nhân dân ở khu vực biên giới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Không chỉ riêng anh Thể, anh Lê và các chiến sỹ Pò Hèn mà trên khắp dải đất hình chữ S, có hàng ngàn người lính biên phòng đã và đang kìm nén những niềm vui, nỗi buồn để hoàn thành nhiệm vụ tuần tra, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép và giải quyết tình hình nảy sinh trên biên giới.

Hoãn đám cưới, vắng việc tang vì chống dịch
Trong hơn ba tháng qua, vì nhiệm vụ canh giữ nơi biên giới, nhiều chiến sỹ đã phải gác lại việc riêng để tận tâm phục vụ công việc.
Điển hình như Trung uý Lê Đình Thành (Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Bộ đội Biên phòng Nghệ An) đã phải hoãn đám cưới để thực hiện nhiệm vụ trực chốt tại biên giới.
Trung uý Thành cho hay dù rất buồn nhưng anh đã xác định rõ nhiệm vụ. Cùng lúc, anh Thành cũng tìm mọi cách động viên vợ chưa cưới ở nhà thông cảm cho công việc của mình và mong một ngày gần nhất “giặc COVID-19” được “dẹp yên” để hai vợ chồng sớm cử hành hôn lễ.
Mong một ngày gần nhất “giặc COVID-19” được “dẹp yên” để hai vợ chồng sớm cử hành hôn lễ.
Còn với Trung uý Nguyễn Đình Thông ở Đồn biên phòng Thạnh Trị (Long An), vì nhiệm vụ chống dịch, đã phải nén nỗi đau khi không về nhìn mặt người cha lần cuối cùng. Ngay bên chốt trực, một bàn thờ nhỏ đã được các chiến sỹ biên phòng lập nên để Thông bái vọng, tiễn biệt người cha thân yêu từ xa…
Theo thông tin từ Bộ tư lệnh Biên phòng, trên dọc tuyến biên giới đất liền, trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, các đơn vị đã tổ chức hàng ngàn tổ, đội với hơn 5.000 cán bộ, chiến sỹ ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở.

Những người chiến sỹ mang quân hàm xanh đã quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, không để dịch bệnh lây truyền qua biên giới. Họ đã chức tốt công tác phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch xâm nhập vào nội địa và đơn vị.
Ngoài việc canh giữ biên ải, hơn ba tháng qua, các chiến sỹ biên phòng đã tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch đạt hiệu quả tích cực.
Hàng trăm cán bộ, học viên, chiến sỹ các Nhà trường và các đơn vị tuyến biển đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh điều động của Bộ Tư lệnh tăng cường phối thuộc cho các đơn vị trọng điểm trên tuyến biên giới tham gia phòng, chống dịch bệnh…
Nhiều người trong số họ đã gác lại tình cảm riêng, hoãn làm đám cưới, không về tổ chức Lễ cưới con, đưa con bị ốm nặng đi bệnh viện chữa trị… để ở lại cùng đồng đội tham gia phòng, chống dịch.
Ở Đồn biên phòng Thạnh Trị, ngay bên chốt trực, một bàn thờ nhỏ đã được các chiến sỹ biên phòng lập nên để Thông bái vọng, tiễn biệt người cha thân yêu từ xa…
Theo thống kê từ Bộ tư lệnh Biên phòng, tính đến ngày 3/4 đã có 64 chiến sỹ biên phòng gác lại việc riêng của mình để chung tay chống dịch. Trong đó, có 3 người thân mất không kịp về chịu tang, 30 đồng chí hoãn tổ chức lễ kết hôn, 21 đồng chí vợ sinh con không về được…
Ròng dã suốt ba tháng trời ở vùng đất biên ải, những người chiến sỹ biên phòng ở các khu vực biên giới đã và đang kiên cường bám trụ, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới. Họ đã triển khai lực lượng thường xuyên chốt chặn các đường mòn, lối mở, những điểm có nguy cơ người dân xuất nhập cảnh trái phép.
Ở mọi nơi trên đất nước, thông điệp “ở nhà là yêu nước, ở nhà là chung tay cùng cả nước chống dịch”… thì hãy nhớ tới những người chiến sỹ áo xanh, ba tháng qua họ đã xa nhà, xa người thân, kìm nén những nỗi đau hay niềm vui chung của mình để tiếp tục làm vẹn tròn sứ mệnh bảo vệ nơi phên dậu của Tổ quốc, giữ vững sự bình yên và cho sức khoẻ của mọi nhà./.
