Ba cuộc khủng hoảng

ttxvnkinht-1585712107-2.jpg

Chủ nghĩa tư bản đang đối mặt với ít nhất ba cuộc khủng hoảng lớn: khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19; khủng hoảng kinh tế với những hệ quả chưa thể biết trước và cuộc khủng hoảng về khí hậu.

Mariana Mazzucato, giáo sư kinh tế học về sáng tạo và giá trị công, Giám đốc Viện Sáng tạo vì Mục đích công (IIPP), Đại học California, đồng thời là tác giả cuốn The Value of Everything: Making and Taking in the Global Economy (tạm dịch: Giá trị của tất cả mọi thứ: Tạo dựng và lấy đi trong nền kinh tế toàn cầu) đã chỉ ra ba cuộc khủng hoảng này và những gì các nước cần làm để giảm thiểu tác động của chúng.

VietnamPlus xin giới thiệu nội dung bài viết, theo thỏa thuận nhượng quyền từ Project Syndicate.

Chủ nghĩa tư bản đang đối mặt với ít nhất ba cuộc khủng hoảng lớn. Cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch đang nhanh chóng kích hoạt cuộc khủng hoảng kinh tế. Hệ quả chưa thể lường trước của cuộc khủng hoảng kinh tế đương nhiên đe dọa sự ổn định của nền tài chính. Và tất cả những điều đó diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng về khí hậu, khiến chuyện “vẫn làm ăn như thường” giờ không còn khả thi nữa.

Mới hai tháng trước thôi, tin tức trên truyền thông vẫn còn tràn ngập hình ảnh đáng sợ về những lính cứu hỏa đang bị quá tải, chứ không phải các nhân viên y tế quá tải.

 Tất cả phải được giải quyết đồng thời với việc giải quyết vấn nạn y tế khẩn cấp hiện nay. Bằng không, chúng ta đơn giản sẽ chỉ là giải quyết vấn đề ở đây rồi lại gây ra vấn đề ở kia

Cuộc khủng hoảng ba đầu này đã làm bộc lộ một số vấn đề với cách thức vận hành của chủ nghĩa tư bản, mà tất cả phải được giải quyết đồng thời với việc giải quyết vấn nạn y tế khẩn cấp hiện nay. Bằng không, chúng ta đơn giản sẽ chỉ là giải quyết vấn đề ở đây rồi lại gây ra vấn đề ở kia. Đó là những gì từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Những người hoạch định chính sách làm thế giới tràn ngập sự thanh khoản mà không điều hướng nguồn tiền đó vào những cơ hội đầu tư thực sự tốt. Kết quả là tiền bạc rốt cuộc vẫn quay lại với lĩnh vực tài chính vốn đã không (và hiện vẫn không) phù hợp cho mục đích tăng trưởng bền vững.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 28/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 28/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang bộc lộ thêm những khiếm khuyết trong các cấu trúc kinh tế của chúng ta. Đó không chỉ là công ăn việc làm ngày càng bấp bênh do sự xuất hiện của nền kinh tế Gig (hay còn gọi là nền kinh tế việc làm tự do, trong đó người đi làm không gắn kết lâu dài với một tổ chức nào mà chỉ làm thuê ngắn hạn, thời vụ) và nhiều thập kỷ mà quyền thương lượng của người lao động ngày một suy yếu.

Nghề viễn thông và máy tính đơn giản không phải là lựa chọn cho phần lớn người lao động. Và dù các chính quyền đã cung cấp một số hỗ trợ với người lao động có hợp đồng thông thường, người lao động tự do vẫn ở trong tình thế chông chênh.

Nhiều nước đã theo đuổi chính sách “thắt lưng buộc bụng,” như thể nợ công mới là vấn đề. Kết quả dẫn tới sự xói mòn của chính những định chế công mà chúng ta cần đến để có thể vượt qua các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 này.

Tệ hơn nữa, các chính quyền đang mở rộng những khoản vay cho các doanh nghiệp khi mà nợ tư nhân đang ở mức cao lịch sử. Tại Hoa Kỳ, tổng nợ của các hộ gia đình ngay trước cuộc khủng hoảng hiện giờ là 14,15 nghìn tỷ USD, tức nhiều hơn 1,5 nghìn tỷ USD so với vào năm 2008 (số danh nghĩa). Và chúng ta không được quên rằng chính nợ tư nhân quá cao là nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Thật không may, trong thập kỷ qua, nhiều nước đã theo đuổi chính sách “thắt lưng buộc bụng,” như thể nợ công mới là vấn đề. Kết quả dẫn tới sự xói mòn của chính những định chế công mà chúng ta cần đến để có thể vượt qua các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 này.

Cảnh vắng vẻ trên cầu Brooklyn tại New York, Mỹ ngày 27/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh vắng vẻ trên cầu Brooklyn tại New York, Mỹ ngày 27/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Từ năm 2015, Vương quốc Anh đã cắt 1.000 tỷ bảng (1.200 tỷ USD) ngân sách cho y tế công, làm tăng thêm gánh nặng với các bác sỹ đang học nghề (nhiều người đã phải bỏ việc ở Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia), và giảm đầu tư dài hạn cần thiết để đảm bảo rằng người bệnh được điều trị ở những cơ sở an toàn, hiện đại, và có đủ nhân viên.

Và ở Hoa Kỳ – vốn chưa bao giờ có một hệ thống y tế công được tài trợ thật sự – chính quyền Trump đã liên tục tìm cách cắt giảm nguồn ngân quỹ và năng lực của các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, chưa kể nhiều định chế rất quan trọng khác.

Ngoài những vết thương tự gây ra đó, trong lĩnh vực kinh doanh, sự “tài chính hóa” quá độ đã chuyển giá trị thực ra khỏi nền kinh tế bằng cách tưởng thưởng cho cổ đông bằng các gói quyền mua lại cổ phiếu, thay vì củng cố cho tăng trưởng trong dài hạn với việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tiền lương, và đào tạo lao động. Kết quả là các hộ gia đình đã cạn kiệt nguồn tiền tiết kiệm, khiến họ khó mua nổi những hàng hóa cơ bản như nhà ở và giáo dục.

Tin xấu là cuộc khủng hoảng COVID-19 đang khiến tất cả những vấn đề đó thêm trầm trọng. Tin tốt là chúng ta có thể sử dụng tình trạng khẩn cấp hiện giờ để bắt tay vào xây dựng một nền kinh tế mới dung nạp và bền vững hơn. Vấn đề ở đây là không trì hoãn hay ngăn cản sự hỗ trợ của chính quyền nữa, mà là cấu trúc nó sao cho hợp lý. Chúng ta phải tránh những sai lầm của thời hậu 2008, khi những gói cứu trợ cho phép các tập đoàn thu được lợi nhuận thậm chí còn cao hơn sau khủng hoảng, nhưng lại không thể thiết lập nền tảng cho sự hồi phục năng động và mang tính dung nạp.

Các thị trường tài chính trên toàn thế giới ‘đỏ sàn’ trong bối cảnh làn sóng đóng cửa đất nước do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các thị trường tài chính trên toàn thế giới ‘đỏ sàn’ trong bối cảnh làn sóng đóng cửa đất nước do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Lần này, các gói giải cứu tuyệt đối phải có điều kiện đi kèm. Giờ nhà nước đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt, nhà nước cần phải trở thành một người hùng, chứ không phải một kẻ khờ dại bị dắt mũi. Điều đó có nghĩa là phải đưa ra những giải pháp ngay lập tức, nhưng phải thiết kế chúng sao cho phục vụ tốt nhất lợi ích chung trong dài hạn.

Lấy ví dụ, sự hỗ trợ của chính quyền cho doanh nghiệp phải đi kèm điều kiện. Những công ty nhận gói hỗ trợ phải được yêu cầu giữ lại người lao động, và đảm bảo rằng khi cuộc khủng hoảng qua đi, họ sẽ đầu tư vào đào tạo lao động và cải thiện điều kiện làm việc. Còn tốt hơn nữa, như ở Đan Mạch, chính quyền cần hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục trả lương ngay cả khi người lao động không làm việc – qua đó đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình giữ lại thu nhập, ngăn virus lây lan, và khiến doanh nghiệp dễ dàng nối lại sản xuất hơn khi cuộc khủng hoảng đã qua.

Giờ nhà nước đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt, nhà nước cần phải trở thành một người hùng, chứ không phải một kẻ khờ dại bị dắt mũi.

Hơn nữa, những gói hỗ trợ phải được thiết kế để định hướng các công ty lớn hơn trong nền kinh tế tưởng thưởng cho việc tạo ra giá trị, thay vì chỉ thu vén giá trị, ngăn các gói thưởng kiểu quyền mua lại cổ phần và khuyến khích đầu tư vào tăng trưởng bền vững và giảm khí thải. Năm ngoái đã tuyên bố là sẽ đón nhận mô hình giá trị cổ đông, đây là cơ hội để nhóm Business Roundtable biến lời nói thành hành động. Nếu giới doanh nghiệp Mỹ giờ vẫn chần chừ, chúng ta có thể khẳng định đó chỉ là những lời nói suông.

Cảnh vắng vẻ tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ do dịch COVID-19, ngày 26/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh vắng vẻ tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ do dịch COVID-19, ngày 26/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Còn với các hộ gia đình, chính phủ phải nhìn xa hơn những khoản vay, nhìn vào khả năng giảm nợ, nhất là với mức nợ tư nhân cao như hiện tại. Tối thiểu thì việc trả nợ phải được đóng băng cho tới khi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời được giải quyết, và chuyển tiền mặt cho những hộ gia đình hiện đang cần nhất.

Và Hoa Kỳ cần phải có sự bảo đảm từ chính phủ vẫn chi trả 80-100% quỹ lương cho các công ty đang gặp khó khăn, như Anh quốc và nhiều nước Liên minh châu Âu và châu Á đã làm.

Giờ cũng là lúc tư duy lại về quan hệ đối tác công-tư. Quá thường xuyên, những mối quan hệ này không phải là cộng sinh mà là ký sinh. Nỗ lực phát triển vắcxin cho COVID-19 lại có thể trở thành mối quan hệ một chiều kiểu như vậy nữa, trong đó các tập đoàn tư nhân thu về lợi nhuận khổng lồ nhờ bán lại cho công chúng một sản phẩm ra đời từ nghiên cứu do tiền thuế của người dân chi trả.

Dù nước Mỹ đầu tư một lượng lớn tiền thuế của người dân vào việc phát triển vắcxin, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ, Alex Azar, gần đây đã công nhận rằng không phải tất cả người Mỹ có thể chi trả cho những liệu pháp hay vắcxin COVID-19 vừa được phát triển.

Thật vậy, dù nước Mỹ đầu tư một lượng lớn tiền thuế của người dân vào việc phát triển vắcxin, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ, Alex Azar, gần đây đã công nhận rằng không phải tất cả người Mỹ có thể chi trả cho những liệu pháp hay vắcxin COVID-19 vừa được phát triển.

Chúng ta đang rất cần những quốc gia khởi nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn vào đổi mới công nghệ – từ trí tuệ nhân tạo tới y tế công sang sản phẩm tái chế. Nhưng như cuộc khủng hoảng này cũng nhắc nhở rằng chúng ta cần những nhà nước biết cách thương lượng, sao cho lợi ích của những khoản đầu tư công trở lại với công chúng.

Một con virus giết người đã làm lộ ra nhiều điểm yếu trong những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phương Tây. Giờ các chính quyền đang ở trong một cuộc chiến, chúng ta có cơ hội để sửa chữa hệ thống này. Nếu chúng ta không sửa chữa, chúng ta sẽ không có cơ hội trụ lại nổi trước cuộc khủng hoảng thứ ba – một hành tinh ngày càng khó sống với con người – và tất cả những cuộc khủng hoảng nhỏ hơn sẽ còn đến trong những năm và thập kỷ sắp tới.

Các thành viên Lực lượng phòng vệ quốc gia của quân đội Mỹ được điều động tới trung tâm Jacob K. Javits ở New York để dựng các bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, ngày 27/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các thành viên Lực lượng phòng vệ quốc gia của quân đội Mỹ được điều động tới trung tâm Jacob K. Javits ở New York để dựng các bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, ngày 27/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)