Dấu hiệu đáng lo ngại

59969620309-1584414333-11.jpg

Sự hoảng loạn trước tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) đang làm “rung chuyển” thị trường chứng khoán toàn cầu, khiến các chỉ số chính lao dốc.

Nhưng đằng sau diễn biến này, có những bằng chứng đáng lo ngại hơn cho thấy căng thẳng đang tăng lên các mức nguy hiểm trong các “huyết mạch” quan trọng của hệ thống tài chính toàn cầu.

Những dấu hiệu nguy hiểm

Các nhà đầu tư và cơ quan quản lý đã được báo động khi xuất hiện những vấn đề thanh khoản trên thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ trị giá 17.000 tỷ USD. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ thường di chuyển ngược lại với giá của chúng: nếu giá giảm, lợi suất sẽ tăng.

Sự biến động của lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ được đo bằng điểm cơ bản, với mỗi 100 điểm cơ bản tương đương 1%. Thông thường, lợi suất này chỉ tăng giảm một vài điểm cơ bản trong mỗi phiên giao dịch.

Việc nhà đầu tư gặp khó khăn khi mua và bán trái phiếu Kho bạc Mỹ là một điều rất bất thường, khi đây là một loại tài sản được coi là an toàn nhất.

Nhưng giờ đây, mức dao động lớn và nhanh bất thường trong lợi suất đang khiến các nhà đầu tư khó thực hiện các lệnh đặt mua. Giới thương nhân cho biết vào phiên 11-12/3, các bên môi giới đã mở rộng đáng kể mức chênh lệch giữa giá mà họ sẵn sàng mua và bán trái phiếu Kho bạc Mỹ – một dấu hiệu của việc thanh khoản suy giảm. Việc nhà đầu tư gặp khó khăn khi mua và bán trái phiếu Kho bạc Mỹ là một điều rất bất thường, khi đây là một loại tài sản được coi là an toàn nhất và là một trong những công cụ tài chính dễ giao dịch nhất thế giới.

Hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 16/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 16/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bên cạnh đó, việc cấp vốn bằng đồng USD, loại tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, đang ngày càng khó khăn hơn bên ngoài thị trường Mỹ. Chi phí cấp vốn cho việc chi trả lương cùng những nhu cầu ngắn hạn cần thiết khác cũng đang tăng lên đối với các công ty bị đánh giá là yếu ở Mỹ.

Các ngân hàng đang tính phí lẫn nhau cao hơn cho các khoản vay qua đêm, trong khi các công ty đang rút tiền từ các hạn mức tín dụng của mình để đề phòng trường hợp họ cạn kiệt tín dụng sau đó.

Nếu các ngân hàng, doanh nghiệp và người tiêu dùng hoảng sợ, họ có thể tạo ra một chuỗi cắt giảm chi tiêu – điều có thể trở thành một cuộc khủng hoảng

Một số chủ ngân hàng, cơ quan quản lý và nhà đầu tư đã cảnh báo rằng khi kết hợp cùng nhau, những dấu hiệu trên sẽ vẽ lên một bức tranh đáng lo ngại cho thị trường và nền kinh tế toàn cầu.

Nếu các ngân hàng, doanh nghiệp và người tiêu dùng hoảng sợ, họ có thể tạo ra một chuỗi cắt giảm chi tiêu – điều có thể trở thành một cuộc khủng hoảng về cấp vốn và cuối cùng dẫn tới một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

So với năm 2008: Giống nhưng cũng rất khác

Trước những dự báo không mấy lạc quan về tác động của dịch COVID-19, các chủ ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân đang nhanh chóng dự trữ tiền mặt cùng những tài sản khác được coi là kênh “trú ẩn an toàn.”

Chính sự chuyển hướng từ tài sản rủi ro cao sang các kênh an toàn hơn đã tác động mạnh tới thị trường trái phiếu, tiền tệ và các khoản vay ở một mức độ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.

Một mối quan tâm chính hiện nay, tương tự như hồi năm 2008, là vấn đề thanh khoản: sự sẵn có của tiền mặt và các công cụ tài chính dễ giao dịch khác. Một yếu tố khác cũng được chú ý là sự tham gia của người mua và người bán đủ tự tin để thực hiện những giao dịch trên thị trường.

Tuy nhiên, dù sự hoảng loạn của các thị trường hiện tại gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thì sự giống nhau giữa hai giai đoạn này kết thúc tại đây. Thay vào đó, giới phân tích cho biết rủi ro lớn nhất của giai đoạn hiện tại đến từ tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế thực: các cửa hàng bị đóng cửa, các chính phủ ra lệnh cấm đi lại và một bộ phận của lực lượng lao động nhiễm bệnh hoặc bị cách ly.

Việc các hoạt động kinh tế bị đóng băng đồng nghĩa doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp và thậm chí đà tăng trưởng kinh tế nói chung đều bị ảnh hưởng. Trước mắt, những tác động này chưa biết khi nào chấm dứt.

Các ngân hàng trung ương “ra tay”

Các ngân hàng trung ương vẫn nhớ rõ những cú sốc họ phải trải qua trong suốt thập niên vừa rồi. Điều này dẫn tới một điểm khác biệt quan trọng giữa hiện tại với tình hình hồi năm 2008: với lượng vốn và thanh khoản dồi dào hơn, các ngân hàng đang trong thể trạng tốt hơn so với cách đây hơn một thập niên.

Một điều đáng chú ý nữa là những tín hiệu cảnh báo cho đến nay chưa ở mức nghiêm trọng như trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, hay cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) hồi năm 2011-2012. Và các nhà hoạch định chính sách, nhận thức được những điểm yếu trong hệ thống tài chính, đã tăng cường biện pháp đối phó trong thời gian gần đây.

Các ngân hàng trung ương vẫn nhớ rõ những cú sốc họ phải trải qua trong suốt thập niên vừa rồi.

Các ngân hàng trung ương đã đồng loạt cắt giảm lãi suất và bơm hàng nghìn tỷ USD thanh khoản vào hệ thống ngân hàng.

Ngày 15/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất khẩn cấp xuống biên độ 0-0,25%, khởi động lại chương trình mua trái phiếu, kết hợp với các ngân hàng trung ương khác để đảm bảo thanh khoản trong hoạt động cho vay bằng đồng USD nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế.

Trụ sở Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trụ sở Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. (Nguồn: THX/TTXVN)

Động thái của Fed đã khiến Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ, ngân hàng trung ương) cũng có quyết định hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục là 0,25%. RBNZ cam kết bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính và cho biết sẽ công bố những biện pháp chính sách khác vào ngày 19/3 tới.

Tiếp bước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã can thiệp bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa sau cuộc họp khẩn cấp vào ngày 16/3. BoJ sẽ tăng cường mua vào chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và các tài sản rủi ro khác để chống lại tác động kinh tế từ dịch COVID-19.

Song với tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, giới quan sát cho rằng mọi thứ chưa toàn rõ ràng bất chấp những biện pháp nhanh chóng nêu trên.

Một quan chức của một ngân hàng trung ương lớn cho biết, tình hình đang khá tệ và “các vết nứt” trong hệ thống tài chính sẽ sớm xuất hiện. Nhưng ông cũng cho hay liệu những “vết nứt” đó có phát triển thành một vấn đề mang tính hệ thống hay không vẫn là điều khó nói./.