Sự khác biệt chiến thuật

anhbiacovid-1584335106-39.jpg

Ở Italy, hàng triệu người đang bị phong tỏa, và 1.809 người đã thiệt mạng vì virus corona. Ở Hàn Quốc, nơi bị dịch bệnh tấn công gần như cùng thời điểm, chỉ có một vài nghìn người bị cách ly, và 75 người chết vì virus.

Trong bối cảnh virus đang lan rộng ra toàn cầu, câu chuyện về sự bùng phát ở hai quốc gia này minh họa cho một vấn đề sắp tới với những quốc gia đang vật lộn với sự bùng nổ những ca mắc bệnh.

Việc xét nghiệm cho mọi bệnh nhân tiềm năng là không thực tế, nhưng trừ khi các cơ quan chức năng có thể tìm ra cách xác định mức độ lây nhiễm đã lan rộng như thế nào, câu trả lời tốt nhất của họ là phong tỏa.

Cảnh vắng vẻ trên Quảng trường Thánh Saint Peter ở Vatican, ngày 11/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh vắng vẻ trên Quảng trường Thánh Saint Peter ở Vatican, ngày 11/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Italy khởi đầu bằng việc xét nghiệm rộng rãi, rồi thu hẹp trọng tâm lại để bây giờ không cần xử lý hàng trăm nghìn xét nghiệm nữa. Nhưng ở đây có một sự đánh đổi: Nhà chức trách không thể thấy được những gì sắp xảy đến và đang tìm cách kiềm chế việc di chuyển của toàn bộ 60 triệu người dân nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Ngay cả Giáo hoàng Francis, người đang bị cảm lạnh và đã thực hiện lễ ban phước lành vào Chủ Nhật qua internet từ bên trong Vatican cũng nói rằng ông cảm thấy “như bị cầm tù trong thư viện.”

Cách đó hàng ngàn dặm, ở Hàn Quốc, các nhà chức trách lại có phản ứng khác biệt với đợt bùng phát có cùng quy mô. Họ đang xét nghiệm cho hàng nghìn người và giám sát những người có tiềm năng mang virus như những thám tử, sử dụng điện thoại di động và công nghệ vệ tinh.

Một hành khách đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Incheon ở Incheon, Hàn Quốc, ngày 13/3. (Nguồn: THX/TTXVN)
Một hành khách đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Incheon ở Incheon, Hàn Quốc, ngày 13/3. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cả hai quốc gia đều phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên vào hồi cuối tháng 1 vừa qua. Kể từ đó, Hàn Quốc đã báo cáo 75 ca tử vong trong  8.236 trường hợp được xác nhận. Ở chiều ngược lại, Italy đã có 1.809 người thiệt mạng và xác định được 24.747 ca mắc bệnh.

Các nhà dịch tễ học cho biết không thể so sánh các con số một cách trực tiếp. Nhưng một số nói rằng những kết quả khác biệt đáng kể này nêu lên một thực tế quan trọng: Xét nghiệm một cách tích cực và bền vững là công cụ mạnh mẽ để chống lại virus.

Xét nghiệm một cách tích cực và bền vững là công cụ mạnh mẽ để chống lại virus.

Jeremy Konyndyk, một cán bộ chính sách cao cấp tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, cho biết việc xét nghiệm rộng rãi có thể cung cấp cho các quốc gia một bức tranh rõ ràng hơn về mức độ bùng phát dịch bệnh. Theo ông, khi hoạt động xét nghiệm ở một quốc gia bị hạn chế, chính quyền phải có những hành động táo bạo hơn để hạn chế sự di chuyển của người dân.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chủ trì cuộc họp nội các tại Seoul ngày 3/3/2020. (Nguồn: Yonhap/ TTXVN)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chủ trì cuộc họp nội các tại Seoul ngày 3/3/2020. (Nguồn: Yonhap/ TTXVN)

“Tôi cảm thấy không thoải mái với những hạn chế di chuyển kiểu phong tỏa,” ông nói. “Trung Quốc đã làm điều đó, nhưng Trung Quốc có khả năng làm điều đó. Người dân Trung Quốc sẽ tuân thủ theo yêu cầu đó.”

Các nền dân chủ ở Italy và Hàn Quốc là những trường hợp nghiên cứu hữu ích cho các quốc gia như Hoa Kỳ, nơi đang gặp phải những vấn đề trong việc thiết lập các hệ thống xét nghiệm và chậm trễ nhiều tuần trên đường cong lây nhiễm. Cho đến nay, ở Nhật Bản và Hoa Kỳ, quy mô đầy đủ của vấn đề vẫn chưa hiện rõ. Đức chưa đưa ra những hạn chế xét nghiệm đáng kể, nhưng hôm thứ Tư vừa qua, Thủ tướng Angela Merkel đã cảnh báo người dân rằng do có 60-70% dân số có khả năng đã nhiễm virus, lựa chọn duy nhất là ngăn chặn.

Tại Hàn Quốc, nơi có dân số ít hơn một chút so với Italy (khoảng 50 triệu người), đã có hơn 29.000 người thực hiện tự cách ly. Chính phủ tại đây đã áp đặt lệnh phong tỏa tại một số nơi và có ít nhất một khu chung cư chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Nhưng đến nay, không có khu vực nào bị phong tỏa toàn bộ.

Nhân viên chuẩn bị phun thuốc khử trùng trên máy bay của Korean Air nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, ngày 4/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhân viên chuẩn bị phun thuốc khử trùng trên máy bay của Korean Air nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, ngày 4/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Seoul cho biết họ đang dựa theo những bài học từ đợt bùng phát hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) năm 2015 và nỗ lực để cung cấp thông tin nhiều nhất có thể tới cho công chúng. Chính quyền đã bắt tay vào một chương trình xét nghiệm quy mô lớn, bao gồm cả những người bị bệnh rất nhẹ hoặc thậm chí không hề có triệu chứng, nhưng có khả năng lây nhiễm cho người khác.

Tại Hàn Quốc, nơi có dân số ít hơn một chút so với Italy (khoảng 50 triệu người), đã có hơn 29.000 người thực hiện tự cách ly. 

Hoạt động này bao gồm thực thi một điều luật cho phép chính phủ có quyền truy cập dữ liệu một cách rộng rãi: Băng ghi hình của camera giám sát, dữ liệu theo dõi GPS từ điện thoại di động và ôtô, các giao dịch bằng thẻ tín dụng, thông tin xuất nhập cảnh, và các thông tin cá nhân khác của những người được xác nhận mắc bệnh truyền nhiễm. Nhà chức trách có thể công khai một số thông tin, để bất kỳ ai có thể đã tiếp xúc với người bệnh biết và đưa mình hoặc bạn bè hay người thân đi xét nghiệm.

Ngoài việc giúp tìm ra những người cần xét nghiệm, hệ thống dữ liệu của Hàn Quốc còn giúp các bệnh viện quản lý các luồng ca bệnh. Những người có xét nghiệm dương tính được yêu cầu tự cách ly và được giám sát từ xa thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh, hoặc được kiểm tra thường xuyên qua các cuộc gọi điện thoại, tới khi bệnh viện có giường trống cho họ nhập viện. Khi có giường, xe cấp cứu sẽ đến đón và đưa bệnh nhân tới một bệnh viện có phòng cách ly kín khí. Tất cả những điều này, bao gồm cả việc nhập viện, đều được miễn phí.

Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của      dịch COVID-19 tại Rome, Italy ngày 10/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Rome, Italy ngày 10/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phản ứng của Hàn Quốc không hoàn hảo. Trong khi hơn 210.000 người đã có kết quả âm tính, vẫn còn khoảng hơn 18.000 người khác đang chờ kết quả xét nghiệm – một khoảng cách thông tin đồng nghĩa với việc có thể vẫn còn nhiều ca bệnh ngoài kia. Tỷ lệ các ca dương tính mới được xác nhận đã giảm xuống sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 2, nhưng bài kiểm tra lớn nhất với hệ thống này có lẽ vẫn còn ở phía trước, vì các nhà chức trách vẫn đang phải nỗ lực theo dõi và kiểm soát các ổ dịch mới. Hàn Quốc không có đủ lượng khẩu trang bảo vệ – họ đã bắt đầu hạn chế phân phối chúng – và họ cũng đang cố gắng thuê thêm nhiều nhân viên đã được đào tạo để thực hiện các xét nghiệm và lập bản đồ vị trí các ca bệnh.

Và cách tiếp cận này đòi hỏi phải đánh đổi một số quyền riêng tư. Hệ thống của Hàn Quốc là một biện pháp bắt buộc mang tính xâm phạm, phụ thuộc vào việc mọi người chấp nhận từ bỏ những gì mà nhiều người ở châu Âu và Hoa Kỳ coi là quyền riêng tư cơ bản. Không giống như Trung Quốc và quốc đảo Singapore, những nơi đã áp dụng phương pháp tương tự, Hàn Quốc là một nền dân chủ lớn, và người dân ở đây rất nhanh chóng phản đối các chính sách mà họ không tán thành.

Nhân viên chuẩn bị phun thuốc khử trùng trên máy bay của Korean Air nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, ngày 4/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhân viên chuẩn bị phun thuốc khử trùng trên máy bay của Korean Air nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, ngày 4/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

“Tiết lộ các thông tin về bệnh nhân luôn đi kèm với những vấn đề về xâm phạm sự riêng tư,” Choi Jaewook, một giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Hàn Quốc và là quan chức cấp cao của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cho biết. Những thông tin được công khai “được giới hạn nghiêm ngặt” ở hành trình di chuyển của bệnh nhân và “không được tiết lộ về tuổi tác, giới tính hay nơi làm việc của họ.”

“Tiết lộ các thông tin về bệnh nhân luôn đi kèm với những vấn đề về xâm phạm sự riêng tư,” Choi Jaewook, một giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Hàn Quốc và là quan chức cấp cao của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cho biết.

Kim Gang-lip, Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, các phản ứng truyền thống như phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng và cô lập người mắc bệnh chỉ có hiệu quả khiêm tốn, và có thể dẫn đến nhiều vấn đề tại các xã hội cởi mở. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, ra lệnh phong tỏa cũng có nghĩa là mọi người sẽ ít tham gia việc truy tìm những người từng có tiếp xúc với bệnh nhân. Theo ông, “Cách tiếp cận như vậy là không cởi mở, ép buộc và không linh hoạt.”

ITALY “ĐÃ ĐẾN GIỚI HẠN”

Italy và Hàn Quốc cách nhau hơn 5.000 dặm, nhưng giữa hai quốc gia có một số điểm tương đồng khi nói đến virus corona. Các đợt bùng phát chính ở cả hai nước ban đầu đều chỉ giới hạn ở các thành phố và thị trấn nhỏ, thay vì ở một đô thị lớn – nghĩa là dịch bệnh đã nhanh chóng đe dọa hệ thống chăm sóc sức khỏe tại địa phương. Và các bác sỹ ở cả hai nước ban đầu đều quyết định bỏ qua các hướng dẫn xét nghiệm.

Dịch bệnh ở Italy đã bùng phát hồi tháng trước. Theo Massimo Lombardo, lãnh đạo cơ quan dịch vụ bệnh viện địa phương ở Lodi, một người đàn ông ở địa phương với các triệu chứng cúm đã khai báo với nhân viên y tế rằng ông ta chưa từng đến Trung Quốc, và tự mình xuất viện sau đó.

Các tù nhân biểu tình phản đối lệnh cấm tiếp xúc với người thân tại Milan, Italy ngày 9/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Các tù nhân biểu tình phản đối lệnh cấm tiếp xúc với người thân tại Milan, Italy ngày 9/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bệnh nhân 38 tuổi tên là Mattia này chỉ được chẩn đoán sau khi phải quay lại bệnh viện. Các hướng dẫn xét nghiệm tại thời điểm đó nói rằng không cần thiết phải làm xét nghiệm cho những người không có liên hệ gì với Trung Quốc hay những khu vực bị ảnh hưởng khác. Nhưng một bác sỹ gây mê đã bỏ qua các hướng dẫn này và quyết định làm xét nghiệm COVID-19. Bây giờ, một số chuyên gia ở Italy tin rằng Mattia có thể đã bị lây bệnh khi ở Đức, thay vì Trung Quốc.

Quyết định có xét nghiệm hay không bị ảnh hưởng một phần bởi những gì có thể làm với những người có kết quả dương tính, tại thời điểm hệ thống chăm sóc y tế đang chịu nhiều áp lực. Ở Italy lúc đầu, chính quyền các địa phương đã thực hiện xét nghiệm rộng rãi và gộp tất cả các ca có kết quả dương tính vào tổng số được công bố, ngay cả khi họ không có triệu chứng.

Quyết định có xét nghiệm hay không bị ảnh hưởng một phần bởi những gì có thể làm với những người có kết quả dương tính, tại thời điểm hệ thống chăm sóc y tế đang chịu nhiều áp lực.

Vài ngày sau khi bệnh nhân Mattia được phát hiên mắc COVID-19, Italy đã thay đổi chiến thuật, chỉ xét nghiệm và thông báo các trường hợp có triệu chứng. Chính quyền cho biết đây là cách sử dụng các nguồn lực đạt hiệu quả cao nhất: Nguy cơ lây nhiễm từ những bệnh nhân không có triệu chứng có vẻ thấp hơn, và việc giới hạn xét nghiệm giúp đưa ra những kết quả đáng tin cậy hơn trong thời gian ngắn hơn. Tuy nhiên cách tiếp cận này cũng ẩn chứa rủi ro: Những người không có triệu chứng vẫn có thể bị nhiễm và làm lây lan virus.

Mặt khác, xét nghiệm càng nhiều thì số lượng người bệnh được phát hiện cũng càng nhiều, vì thế việc xét nghiệm với số lượng lớn có thể khiến các hệ thống bệnh viện bị quá tải, theo Massimo Antonelli, giám đốc khoa chăm sóc tích cực thuộc Bệnh viện Đại học Gemelli. Việc xét nghiệm bao gồm các quy trình y tế và theo dõi phức tạp. “Vấn đề ở đây là tích cực tìm kiếm các ca bệnh,” ông nói. “Điều đó có nghĩa đơn giản là con số rất lớn.”

Theo các nghiên cứu quốc tế, Italy có một hệ thống y tế nhìn chung là hiệu quả. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hoạt động chăm sóc y tế toàn dân tại Italy chiếm 8,9% GDP, ít hơn so với mức trung bình của Liên minh châu Âu, nhưng có thể so sánh với Hàn Quốc (7.3%).

Cảnh sát vũ trang Italy làm nhiệm vụ tại một chốt kiểm soát nằm giữa tỉnh Modena và Bologna, trong bối cảnh quốc gia này áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, ngày 9/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh sát vũ trang Italy làm nhiệm vụ tại một chốt kiểm soát nằm giữa tỉnh Modena và Bologna, trong bối cảnh quốc gia này áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, ngày 9/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hiện tại, hệ thống đó đang bị mất cân bằng. Các nhân viên được đưa tới các khoa cấp cứu và tai nạn, các kỳ nghỉ bị hủy bỏ, và các bác sỹ cho biết họ đang phải trì hoãn những ca phẫu thuật không cấp thiết để có thêm giường bệnh cho chăm sóc tích cực.

Pier Luigi Viale, trưởng đơn vị bệnh truyền nhiễm ở bệnh viện Sant’ Orsola-Malpighi tại Bologna, đang phải làm việc suốt ngày đêm và kiêm nhiệm tới ba công việc. Bệnh viện của ông đang xử lý nhiều trường hợp nhiễm virus corona. Các bác sỹ của ông thì đang di chuyển như con thoi tới các bệnh viện và phòng khám khác trong khu vực để cung cấp kiến thức chuyên môn và hỗ trợ điều trị. Ngoài ra, họ còn phải chữa trị cho những bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm khác đang phải vật lộn để sống sót.

Ông cho biết thị trấn nhỏ của mình đã phải đóng cửa bệnh viện và chỉ còn một bác sỹ chăm lo cho hơn 100 bệnh nhân nhiễm virus corona. Ba trong bốn bác sỹ của thị trấn đều đã nhiễm bệnh hoặc phải tự cách ly.

“Nếu chuyện này kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng nữa, chúng tôi sẽ cần thêm tiếp viện,” ông nói với Reuters.

Tuần trước, thị trưởng của Castiglione d’Adda, một thị trấn có dân số 5.000 người ở “vùng đỏ” của Lombardy, khu vực đầu tiên bị phong tỏa, đã đưa ra lời kêu gọi giúp đỡ khẩn cấp trên trực tuyến. Ông cho biết thị trấn nhỏ của mình đã phải đóng cửa bệnh viện và chỉ còn một bác sỹ chăm lo cho hơn 100 bệnh nhân nhiễm virus corona. Ba trong bốn bác sỹ của thị trấn đều đã nhiễm bệnh hoặc phải tự cách ly.

“Các bác sỹ và y tá đã đến giới hạn rồi,” một y tá làm việc tại bệnh viện nơi Mattia điều trị cho biết. “Nếu bạn phải quản lý những người đang phải thở máy, bạn phải theo dõi họ liên tục và không thể để mắt tới những ca bệnh mới vào được.”

Các nghiên cứu cho thấy mỗi ca dương tính với virus corona có thể lây cho 2 người khác, vì thế chính quyền các địa phương ở Lombardy đã cảnh báo rằng các bệnh viện tại đây sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nếu virus tiếp tục lây lan – không phải chỉ liên quan đến những bệnh nhân COVID-19 mà còn cả những bệnh nhân khác đang bị trì hoãn hoặc gián đoạn việc điều trị. Khi cuộc khủng hoảng lan tới khu vực miền Nam ít thịnh vượng hơn, các vấn đề này sẽ càng trở nên nghiêm trọng.

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy, ngày 10/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy, ngày 10/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các cơ sở chăm sóc tích cực phải đối mặt với áp lực lớn nhất. Những cơ sở này cần có nhân viên chuyên môn và các thiết bị đắt tiền, nhưng lại không được thiết kế cho những đại dịch. Tổng cộng, Italy có khoảng 5.000 giường bệnh chăm sóc tích cực. Trong những tháng mùa đông, một phần các giường bệnh này đã được dành cho những bệnh nhân có vấn đề về hô hấp. Lombardy và Veneto chỉ có hơn 1.800 giường bệnh chăm sóc tích cực ở các hệ thống y tế công và tư, và chỉ một phần trong số này có thể được dùng cho các bệnh nhân COVID-19.

Chính phủ đã yêu cầu chính quyền các khu vực tăng số lượng địa điểm chăm sóc tích cực lên 50% và tăng gấp đôi số giường bệnh để điều trị cho các bệnh hô hấp và lây nhiễm, đồng thời tái tổ chức lại đội ngũ nhân viên để bảo đảm có đủ người. Khoảng 5.000 máy trợ thở đã được mua cho các trạm chăm sóc tích cực, và những chiếc máy đầu tiên sẽ đến nơi vào thứ Sáu, bộ trưởng Kinh tế Laura Castelli cho biết.

Hệ thống sẽ nổ tung nếu chúng tôi tiếp tục xét nghiệm cho tất cả mọi người và phải làm tất cả những việc này.”

Khu vực này cũng đã đề nghị các cơ sở đào tạo y tá cho phép sinh viên tốt nghiệp sớm để bổ sung thêm số lượng y tá vào hệ thống. Các nhóm chuyên gia chăm sóc tích cực và bác sỹ gây mê được thành lập, bao gồm cả nhân viên từ bên ngoài các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Gánh nặng tăng thêm khi các bệnh viện ở Italy phụ thuộc vào nhân sự y tế để theo dõi các tiếp xúc giữa bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính từng có với những người khác. Một bác sỹ giấu tên ở Bologna cho biết ông đã dành 12 tiếng mỗi ngày để truy tìm những người đã có tiếp xúc với duy nhất một bệnh nhân dương tính, nhằm bảo đảm tìm ra những người tiếp theo cần được xét nghiệm.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại khu cách ly của bệnh viện Brescia ở Lombardy, Italy ngày 13/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại khu cách ly của bệnh viện Brescia ở Lombardy, Italy ngày 13/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

“Bạn có thể làm như vậy nếu số lượng ca mắc bệnh chỉ tầm 2-3 ca,” vị bác sỹ nói. “Nhưng nếu số lượng tăng lên, áp lực sẽ rất lớn. Hệ thống sẽ nổ tung nếu chúng tôi tiếp tục xét nghiệm cho tất cả mọi người và phải làm tất cả những việc này.”

“QUYỀN LỰC TỐI ĐA”

Cũng giống ở Italy, ca đầu tiên mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã được phát hiện khi một nhân viên y tế nghe theo trực giác của mình thay vì các hướng dẫn chính thức để ra quyết định xét nghiệm.

Ca bệnh đầu tiên tại Hàn Quốc là một phụ nữ 35 tuổi người Trung Quốc, có kết quả xét nghiệm dương tính hôm 20/1. Nhưng đợt bùng phát lớn nhất được phát hiện sau khi bệnh nhân thứ 31, một phụ nữ 61 tuổi ở thành phố Daegu miền nam Hàn Quốc được chẩn đoán mắc bệnh hôm 18/2.

Giống như bệnh nhân tên Mattia ở Italy, người phụ nữ này không có liên hệ gì với Vũ Hán, địa phương đầu tiên phát hiện ca bệnh ở Trung Quốc. Và cũng như ở Italy, quyết định có đề nghị xét nghiệm hay không được dựa theo các hướng dẫn tại thời điểm đó, tức là chỉ xét nghiệm cho những người đã tới Trung Quốc hoặc từng tiếp xúc với một ca bệnh được xác nhận, theo ông Choi Jaewook thuộc Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc.

Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân để xét nghiệm COVID-19 tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc ngày 16/3/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân để xét nghiệm COVID-19 tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc ngày 16/3/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Kim Gang-lip cho biết “Bệnh nhân số 31” là một tín đồ của một giáo phái bí mật có liên quan tới 61% các ca bệnh được phát hiện sau đó. Bệnh dịch nhanh chóng lây lan ra khỏi phạm vi các tín đồ sau khi đám tang một người thân của giáo chủ giáo phái này được tổ chức tại một bệnh viện gần đó, và có một vài ổ dịch nhỏ hơn khác xuất hiện trên cả nước.

Ngay khi ổ dịch ở giáo phái được phát hiện, Hàn Quốc đã mở khoảng 50 cơ sở xét nghiệm nhanh trên toàn quốc.

Ở các bãi đỗ xe trống, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ nghiêng mình vào những chiếc xe hơi để kiểm tra những người trên xe có bị sốt hay khó thở hay không, và nếu cần thiết, họ sẽ thu thập mẫu xét nghiệm. Quá trình này thường mất khoảng 10 phút, và mọi người thường nhận được kết quả qua tin nhắn, đồng thời được nhắc nhở phải rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.

Binh sĩ Hàn Quốc mặc trang phục bảo hộ phun khử trùng một tuyến phố ở thành phố Daegu ngày 5/3/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Binh sĩ Hàn Quốc mặc trang phục bảo hộ phun khử trùng một tuyến phố ở thành phố Daegu ngày 5/3/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Tổng cộng có 117 cơ sở tại Hàn Quốc có các thiết bị để xét nghiệm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC). Các con số dao động hàng ngày, nhưng một ngày có thể thực hiện trung bình 12.000 xét nghiệm, và tối đa là 20.000. Chính phủ trả tiền xét nghiệm cho những người có triệu chứng, nếu họ được bác sỹ giới thiệu.

Ngoài ra, những người muốn được xét nghiệm cần trả phí là 170.000 won (140 USD), theo một cán bộ của công ty Seegene Inc, nơi cung cấp 80% các bộ xét nghiệm trong nước và có thể xét nghiệm 96 mẫu một lúc.

Ngoài Kim Jeong-hwan, còn có 130 cán bộ phụ trách cách ly khác phụ trách theo dõi các bệnh nhân tiềm năng từng phút một. Vị bác sĩ y tế công cộng 28 tuổi dành cả ngày để kiểm tra từ xa những người có kết quả dương tính với COVID-19.

Kim, người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, là một thành viên của một đội quân nhỏ gồm các sĩ quan cách ly phụ trách theo dõi sự di chuyển của bất kỳ đối tượng mang mầm bệnh tiềm năng nào thông qua điện thoại, ứng dụng di động hay tín hiệu gửi từ điện thoại di động hoặc các hộp đen của ô tô. Mục tiêu của họ là tìm ra tất cả những người từng có tiếp xúc để họ cũng có thể được xét nghiệm.

“Tôi chưa từng gặp ai nói dối trắng trợn cả,” Kim cho hay. “Nhưng nhiều người thường là không nhớ chính xác họ đã làm gì.”

Hiểu rõ quyết tâm của mình, các sỹ quan cách ly chia sẻ với Reuters rằng họ đã xác định được 5 trường hợp sau khi một công nhân ở một thị trấn nhỏ nhiễm virus và đi làm tại một quán karaoke tự động, tức là một quán bar có một chiếc máy cho mọi người bỏ tiền vào để hát vài bài hát. Lúc đầu, người phụ nữ đã có triệu chứng này không khai báo nơi làm việc, các quan chức địa phương chia sẻ với Reuters. Nhưng họ đã đoán ra được nơi cô làm việc sau khi đặt câu hỏi với những người quen và thu thập dữ liệu GPS trên điện thoại di động của cô.

Nhân viên y tế lẫy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm dịch COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc ngày 10/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế lẫy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm dịch COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc ngày 10/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

“Bây giờ, các sỹ quan cách ly nắm quyền lực và thẩm quyền tối đa,” Kim Jun-geun, một cán bộ tại quận Changnyeong có nhiệm vụ thu thập thông tin cho biết.

Chính phủ Hàn Quốc cũng sử dụng các dữ liệu vị trí để tùy chỉnh các tin nhắn hàng loạt gửi tới điện thoại di động, thông báo cho mọi người dân thời điểm và địa điểm xuất hiện một ca bệnh được xác nhận.

Lee Hee-young, một chuyên gia y tế dự phòng hiện đang điều hành một nhóm phản ứng với virus corona ở tỉnh Gyeonggi cho biết Hàn Quốc đã có được kinh nghiệm từ sau dịch MERS để tăng cường cơ sở hạ tầng nhằm ứng phó với các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, bà cho biết chỉ 30% những thay đổi mà đất nước này cần đã xảy ra. Ví dụ, duy trì một lực lượng lao động được đào tạo và cơ sở hạ tầng hiện đại tại các bệnh viện nhỏ không phải là chuyện dễ.

“Tới khi chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề, những đợt bùng phát như thế này vẫn sẽ tiếp tục nổ ra ở bất cứ đâu,” Lee nói.