Ngành vận tải điêu đứng
vì COVID-19
Việt Hùng
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (COVID-19) bùng phát trên thế giới đã tác động rất nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Các doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải đang phải chịu những thiệt hại nặng nề.
Vậy, kịch bản nào để các doanh nghiệp vận tải “hồi sinh” sau dịch?
Hàng loạt máy bay, ôtô “đắp chiếu” tại sân, hành khách vắng vẻ tại sân bay, bến xe. Chưa bao giờ, ngành vận tải giao thông đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng đến thế.
Theo dự báo của các chuyên gia, vận tải sẽ khó có cơ hội phục hồi nhanh chứ chưa nói đến việc khó khăn do COVID-19 sẽ lan sang cả năm 2021.
Máy bay, ôtô “đắp chiếu”
Kể từ khi bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) rồi nhanh chóng lan ra toàn cầu với số lượng người nhiễm, người chết tăng nhanh, COVID-19 đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, nhiều quốc gia.
Các biện pháp hạn chế đi lại nhằm hạn chế dịch COVID-19 đang đẩy hàng loạt hãng hàng không ở châu Á vào khủng hoảng, thậm chí tới bờ vực phá sản. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các hãng hàng không dự kiến sẽ tổn thất khoảng 63 tỷ USD doanh thu trong năm 2020, giảm khoảng 11% so với năm ngoái. Trong đó, riêng các hãng Trung Quốc – nơi bùng phát dịch bệnh sẽ “bay hơi” 22,2 tỷ USD.
Dịch bệnh đã “kéo” hàng không chậm lại 3-4 năm và làm cho tích lũy của 4-5 năm trước của đơn vị này coi như về 0.
Thay vì dự kiến thiệt hại 10.000 tỷ đồng như cách đây nửa tháng, theo ước tính mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại, giảm doanh thu khoảng 25.000 tỷ đồng. Và, con số này chắc chắn sẽ tịnh tiến gia tăng bởi những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số thị trường trọng điểm của hãng hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu…
Nhấn mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 là “chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không,” theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, hàng không đang rơi vào tình trạng không có khách nên phải dừng bay. Vietnam Airlines có 100 chiếc máy bay thì có tới 40 máy bay… nằm chờ khách. Đáng nói, máy bay phải dừng hoạt động nhưng cũng không thể cho thuê vì dịch bệnh bùng phát mạnh.

“Dịch bệnh ảnh hưởng tới hàng không và du lịch là đầu tiên và trực tiếp ngay lập tức. Với tình hình hiện nay khi học sinh nghỉ học khiến thời gian kết thúc năm học lùi lại, hàng không cũng không còn cao điểm hè trong thị trường nội địa,” ông Thành đưa ra góc nhìn.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, ngoài mất toàn bộ lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc trong giai đoạn tạm ngừng khai thác đường bay Việt Nam-Trung Quốc/Hàn Quốc, hãng cũng sẽ bị giảm lượng khách trên các đường bay quốc tế khác đi/đến châu Âu, Australia, Nhật Bản, Đông Nam Á… cũng như trên mạng bay nội địa do tâm lý lo ngại dịch bệnh (ngày càng có nhiều đoàn khách đã thực hiện hủy chuyến).
“Việc cắt giảm khai thác làm giảm doanh thu, giảm lợi nhuận đối với hoạt động vận tải của hãng và 17 doanh nghiệp thành viên đồng thời gây ra những biến động lớn khác như về khai thác tàu bay, phi công, tiếp viên, tài chính, dòng tiền và các hoạt động với các bên cung ứng,” vị Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay.
Lãnh đạo của Vietnam Airlines tính toán, dịch bệnh đã “kéo” hàng không chậm lại 3-4 năm và làm cho tích lũy của 4-5 năm trước của đơn vị này coi như về 0.
Cùng chung số phận, vận tải hành khách và hàng hóa của đường bộ, đường sắt cũng đang trên đà lao dốc và cắt giảm tần suất chuyến/lượt do không có “Thượng đế.”

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết khi COVID-19 xảy ra đương nhiên ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, trong đó sâu rộng nhất là vận tải và thương mại dịch vụ.
“Đường sắt đã xây dựng kế hoạch lỗ hơn 160 tỷ trong năm 2020 nhưng con số này khả năng tiếp tục tăng khi tình hình kinh doanh ngày một xấu đi. Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của đường sắt chắc chắn sụt giảm, bị ảnh hưởng tối thiểu khoảng 20% nên cần sớm từng bước kiểm soát dịch tốt để hoạt động vận tải trở lại bình thường, tuy nhiên cũng phải mất thêm một thời gian nữa mới có thể khôi phục lại,” vị Chủ tịch VNR cho hay.
Giảm giá vé, “Thượng đế” vẫn… lắc
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lượng xe khách xuất bến và sản lượng hành khách vận chuyển giảm mạnh so cùng kỳ. Một số tỉnh bị ảnh hưởng lớn như Hà Nội, Đà Nẵng…
“Nhiều đơn vị muốn dừng hoạt động vì quá vắng khách, thu không đủ bù chi. Tuy nhiên, do sợ nếu thực hiện dưới 70% số chuyến sẽ bị thu hồi phù hiệu và đình chỉ khai thác tuyến nên vẫn phải duy trì. Các bến xe cũng vô cùng khó khăn vì lượng xe xuất bến giảm trong khi vẫn phải trả lãi vay, bảo hiểm, tiền lương…,” ông Huyện thông tin.
Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp vận tải đã liên tục kích cầu. Chưa bao giờ, giá vé máy bay của các hãng hàng không lại có nhiều chương trình giảm sâu, thậm chí là mở bán 0 đồng trên nhiều chặng bay nội địa và quốc tế.

Tuy nhiên, do thuế phí và tâm lý ngại bay khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp vẫn là rào cản khiến vé máy bay dù đã “đại hạ giá” vẫn không dễ được hành khách nội địa “giải cứu” giống như nhiều mặt hàng nông sản.
Đọc qua các phương tiện truyền thông, chị Trần Ngọc Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) thấy các hãng hàng không có chương trình bán vé bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh khứ hồi chỉ khoảng 400.000 đồng, tuy nhiên, chị vẫn ngần ngại đặt bởi nếu cộng cả thuế phí thì vé bay lên tới cả triệu đồng mỗi vé.
“Dù giá vé gốc đã giảm rất sâu nhưng thuế, phí sân bay vẫn quá cao chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều người chùn tay chi tiền đặt vé. Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng nhất là dịch bệnh vẫn đang có chiều hướng phức tạp khiến người dân lo ngại đi du lịch,” chị Vân đánh giá.
Trước những khó khăn chồng chất nói trên, theo các chuyên gia ngành vận tải, nếu dịch bệnh không sớm được khống chế, nhiều khả năng việc có doanh nghiệp “rời sân chơi” bởi thu không đủ chi là hoàn toàn có thể xảy ra…
Tuy nhiên, do thuế phí và tâm lý ngại bay khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp vẫn là rào cản khiến vé máy bay dù đã “đại hạ giá” vẫn không dễ được hành khách nội địa “giải cứu” giống như nhiều mặt hàng nông sản.
Duy nhất dịch vụ giao đồ ăn “lên ngôi”
Do tâm lý ngại ra ngoài của người dân trong mùa dịch COVID-19, dịch vụ taxi chở khách trong tình trạng ảm đạm trong kho dịch vụ giao đồ ăn uống tại nhà của các ứng dụng gọi xe Grabfood, Now, GoViet lại được dịp… lên ngôi.
Các tài xế công nghệ cho biết, mỗi ngày thay vì nhận cuốc chở khách thì số lượng khách đặt đồ ăn qua mạng để giao tận nhà hoặc nơi làm việc đáng kể hơn.
“Trừ đi chi phí, bình quân một ngày cũng kiếm được khoảng 300.000-400.000 đồng tiền giao đồ ăn. Vào giờ cao điểm sáng và tối, lượng hành khách tăng tới 2-3 lần,” anh Nguyễn Văn Hải (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội), tài xế chạy ứng dụng Grab cho biết.
Thậm chí, theo anh Hải, nhiều lúc đến các quán trà sữa, xôi, bánh mỳ, cơm rang… lượng tài xế xe công nghệ giao đồ ăn nhanh mua và phải xếp hàng mỗi lần nhận đơn của khách còn đông hơn cả khách ngồi trong quán./.
Biến “nguy” thành “cơ”:
Cơ hội để tái cơ cấu thị trường vận tải
Việt Hùng
Để giảm thiểu thiệt hại do COVID-19, ngoài việc “thắt lưng buộc bụng,” các đơn vị cũng đã vạch ra nhiều giải pháp cụ thể.
Chủ động kịch bản ứng phó
Cho rằng dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng như các hãng hàng không, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV cho biết phải điều chỉnh kế hoạch của đơn vị này. Theo đó, ACV phải phối hợp với các hãng hàng không để tìm thị trường mới, “biến nguy thành cơ” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đưa ra bài học hồi dịch SARS nếu phụ thuộc quá vào thị trường Trung Quốc thì thị phần các hãng hàng không sẽ lao đao, vị Chủ tịch ACV tiết lộ, thời gian đó, ngành hàng không đã có đợt tái cơ cấu thị trường để không bị ảnh hưởng từ bất kỳ một thị trường nào đó. Bởi, nếu quá phụ thuộc sẽ dẫn tới sụp đổ thị trường hàng không Việt.
“Các hãng hàng không cần có định hướng để chuyển sang tăng cường các thị trường khác như các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất sẽ tiếp nhận nhiều hơn các hãng bay thay vì Trung Quốc nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19,” ông Thanh nói.

Bổ sung thêm, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đưa ra quan điểm, tái cơ cấu sang thị trường nào thì cũng cần có thời gian chuẩn bị nhất là trong bối cảnh tổng thị trường hàng không thế giới, khu vực và trong nước đều bị ảnh hưởng.
Khẳng định mục tiêu của Vietnam Airlines bây giờ không còn nói chuyện tới lợi nhuận mà là dòng tiền để tồn tại được trong bối cảnh hiện nay, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị, lãnh đạo Tổng Công ty sẽ giảm lương 40%, cấp dưới hơn là 30%, dưới nữa là 20%, nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.
Tái cơ cấu sang thị trường nào thì cũng cần có thời gian chuẩn bị nhất là trong bối cảnh tổng thị trường hàng không thế giới, khu vực và trong nước đều bị ảnh hưởng.
Vẫn theo lãnh đạo Vietnam Airlines, đơn vị này sẽ tìm ra những biện pháp tiết giảm chi phí và tối đa hóa hiệu quả bằng cách điều chỉnh giảm tải hoạt động để đối phó với những tổn thất do dịch bệnh.
Với vận tải ôtô, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết doanh nghiệp sẽ tính tới phương án giảm tần suất hoạt động và cắt giảm nhân sự để bù lỗ.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, các đơn vị vận tải đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả (đặc biệt đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách đi xe); tìm đối tác, thị trường mới, qua đó tạo động lực phát triển hoạt động vận tải; xử lý tốt các tin đồn thất thiệt gây hưởng đến tâm lý người dân; kết hợp phát triển vận tải theo chuỗi các giải pháp kích cầu đầu tư của các ngành khác; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư trong lĩnh vực vận tải…

Thừa nhận ngành đường sắt không thể cạnh tranh được với hàng không về giá vé, thời gian đi lại ở các chặng đường dài, ông Vũ Anh Minh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, đường sắt sẽ tập trung chọn phân khúc có lợi thế ở các tuyến cự ly trung bình và ngắn.
VNR sẽ từng bước tăng tỷ lệ vận tải hàng hóa để bù đắp vào vận tải hành khách đồng thời dành quỹ đường vận tải hành khách sang quỹ đường vận tải hàng hóa, hoặc mở thêm các tuyến container mới chạy tuyến Bắc-Nam.
“Đã đến lúc chuyển dịch lại cơ cấu vận tải từ khách sang hàng để thúc đẩy sản lượng, doanh thu, nâng hiệu quả vận tải đường sắt,” ông Minh nói.
Đề xuất chính sách cứu vận tải
Để hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam.
Cụ thể, áp dụng chính sách giảm 50% giá cất, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa trong thời gian từ 1/3-31/5; cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.

Cục Hàng không cũng kiến nghị áp dụng chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng sẽ giúp các hãng hàng không giảm bớt một phần gánh nặng chi phí, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, cần thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Trong khi đó, Tổng cục Đường bộ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ để hỗ trợ chính sách cho các đơn vị vận tải, bến xe như giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ tại các ngân hàng; cho phép lùi thời gian đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; các đơn vị vận tải cũng đề nghị cho phép được chủ động cắt giảm bớt số chuyến, không áp dụng việc xử lý vi phạm về sản lượng… để giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp.
Các đơn vị vận tải kiến nghị Chính phủ có các chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ tại các ngân hàng; cho phép lùi thời gian đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ khó khăn trước dịch COVID-19
Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) cho biết, đến thời điểm này các doanh nghiệp vận tải vẫn chờ đợi hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.
Theo ông Hoa, trước việc lưu lượng hành khách và hàng hóa giảm sâu, ảnh hưởng đến doanh thu và hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, mới đây VATA đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị được hỗ trợ.
Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu một số gói tín dụng hỗ trợ; ngành thuế, tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như giảm 50% mức thuế VAT, giảm 50% và gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuế đất…
VATA cũng đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giãn nợ bảo hiểm xã hội và không tính lãi phạt chậm nộp cho đến khi hết dịch; Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xem xét áp dụng giảm phí bảo trì đường bộ, giảm phí BOT đồng thời tăng thời hạn kiểm định ôtô chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng.
Với Bộ Công Thương, VATA đề nghị nghiên cứu các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu, giảm mức phí điện, nước…
Thừa nhận cùng với hàng không, các lĩnh vực khác như đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thuỷ nội địa cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, những vấn đề về giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ, khoanh nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội; giảm giá dịch vụ hàng không, miễn thuế nhập khẩu nhiên liệu… ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải phải xem xét kỹ lưỡng để báo cáo Chính phủ, Quốc hội quyết định./.
