Cuộc chiến chống COVID-19 ở Trung Quốc

ttxvn1203v-1583999168-85.jpg

Tiến sỹ Bruce Aylward thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia sẻ góc nhìn của một chuyên gia về chiến dịch ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) tại Trung Quốc.

Là người lãnh đạo nhóm công tác của Tổ chức Y tế Thế giới tại Trung Quốc, tiến sỹ Bruce Aylward đứng ở một vị trí có thể quan sát được những gì đang xảy ra.

Trong chuyến công tác hai tuần hồi đầu tháng Hai vừa qua, tiến sỹ Aylward đã chứng kiến Trung Quốc nhanh chóng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 nhấn chìm Vũ Hán và đe dọa các địa phương khác.

Các ca nhiễm mới tại Trung Quốc đã giảm xuống còn khoảng 15-20 ca mỗi ngày, so với mức 3.000 ca hồi đầu tháng Hai. Các con số có thể gia tăng trở lại khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu hồi sinh. Nhưng hiện nay, nhiều ca nhiễm mới đang xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới.

Theo tiến sỹ Aylward, cuộc “phản công” của Trung Quốc có thể được nhân rộng, nhưng nó đòi hỏi tốc độ, tiền bạc, trí tưởng tượng và sự can đảm của hệ thống chính trị.

Tiến sỹ Aylward, người có 30 năm kinh nghiệm chống bệnh bại liệt, Ebola và các trường hợp khẩn cấp về y tế toàn cầu khác, đã chia sẻ chi tiết quan điểm của ông về cách điều hành một chiến dịch chống virus trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times.

Chúng ta có biết mức độ gây tử vong của virus là bao nhiêu không, thưa ông? Chúng tôi nghe nói có một số ước tính rằng tỷ lệ tử vong là gần bằng dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, tức là 2,5%, và một số ý kiến khác lại nói rằng dịch bệnh chỉ nguy hiểm hơn cúm mùa một chút, tức tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 0,1%. Và có bao nhiêu ca nhiễm bị bỏ qua ảnh hưởng đến tỷ lệ này?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Đang có một sự hoảng loạn lớn ở phương Tây về những ca bệnh không có triệu chứng. Nhiều người không có triệu chứng khi xét nghiệm, nhưng lại phát triển triệu chứng trong vòng 1-2 ngày sau đó.

Không có bằng chứng nào cho thấy chúng ta chỉ đang nhìn thấy phần nổi của một tảng băng chìm lớn, mà những gì chúng ta đang thấy là một kim tự tháp: hầu hết mọi bộ phận đều ở trên mặt đất

Ở Quảng Đông, cơ quan chức năng đã phải xét nghiệm lại 320.000 mẫu được lấy để giám sát dịch cúm và các sàng lọc khác. Chưa đến 0,5% có kết quả dương tính, tương đương với 1.500 ca mắc COVID-19 được biết đến tại tỉnh này.

Không có bằng chứng nào cho thấy chúng ta chỉ đang nhìn thấy phần nổi của một tảng băng chìm lớn, với 9/10 là những thây ma làm lây lan virus. Những gì chúng ta đang thấy là một kim tự tháp: hầu hết mọi bộ phận đều ở trên mặt đất.

Một khi có thể xét nghiệm kháng thể ở một nhóm người, có lẽ tôi sẽ nói rằng: “Biết gì không? Những dữ liệu này không cho chúng ta biết được câu chuyện.” Nhưng dữ liệu chúng tôi hiện có không ủng hộ điều đó.

Tiến sỹ Bruce Aylward. (Nguồn: AP)
Tiến sỹ Bruce Aylward. (Nguồn: AP)

Thật tốt nếu có ít ca lây nhiễm không có triệu chứng. Nhưng thật không tốt khi điều đó ngụ ý rằng tỷ lệ tử vong chúng ta đang chứng kiến, từ 0,7% ở một số vùng tại Trung Quốc tới 5,8% ở Vũ Hán – là chính xác, phải không?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Tôi đã nghe nói rằng “tỷ lệ tử vong không nghiêm trọng vì thực tế có nhiều ca bệnh nhẹ.” Tỷ lệ tử vong trong trường hợp thực tế có thể là như bên ngoài tỉnh Hồ Bắc, khoảng 1-2%.

Trẻ em thì sao? Chúng ta biết là hiếm có ca nhiễm là trẻ em phải nhập viện. Nhưng chúng có bị nhiễm bệnh không? Chúng có lây bệnh cho gia đình không?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Chúng tôi chưa rõ. Cuộc khảo sát ở Quảng Đông cũng cho thấy gần như không có ca mắc bệnh là người dưới 20 tuổi. Trẻ em có thể mắc cúm, nhưng không phải bệnh này. Chúng tôi phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để xem trẻ có bị nhiễm virus nhưng không bị ảnh hưởng hay không, và chúng có thể lây virus cho các thành viên trong gia đình hay không. Nhưng tôi đã hỏi hàng chục bác sỹ rằng: ‘Anh/chị có gặp trường hợp lây nhiễm hàng loạt mà ở đó trẻ em là nguồn lây bệnh không?’ Câu trả lời là không.

Tại sao lại như vậy? Có giả thuyết cho rằng trẻ nhỏ nhiễm 4 loại virus corona thể nhẹ thường xuyên đến mức cơ thể chúng đã hình thành kháng thể.

Tiến sỹ Bruce Aylward: Đó vẫn chỉ là một giả thuyết. Tôi chưa tìm được đủ ý kiến đồng tình để đưa vào báo cáo của WHO.

Nếu vậy, có phải việc đóng cửa các trường học là vô nghĩa không?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Không. Đó vẫn là một dấu hỏi. Nếu một căn bệnh là nguy hiểm, và bạn thấy các ổ dịch, bạn phải đóng cửa trường học. Chúng tôi biết điều đó sẽ gây rắc rối, vì khi để trẻ ở nhà, bố hoặc mẹ cũng sẽ phải nghỉ làm để chăm sóc chúng. Nhưng chúng ta không nên liều lĩnh với các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Bệnh nhân chờ được chuyển từ một bệnh viện ở Vũ Hán đến Bệnh viện Lôi Thần Sơn, một trung tâm y tế mới được xây dựng phục vụ cho chiến dịch chống COVID-19 cũng ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)
Bệnh nhân chờ được chuyển từ một bệnh viện ở Vũ Hán đến Bệnh viện Lôi Thần Sơn, một trung tâm y tế mới được xây dựng phục vụ cho chiến dịch chống COVID-19 cũng ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Có thật là các ca nhiễm ở Trung Quốc đang giảm xuống không?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Tôi biết là có sự nghi ngờ, nhưng tại mọi phòng xét nghiệm mà chúng tôi đã đến, mọi người đều cho thấy “Tình hình không còn căng thẳng như ba tuần trước nữa.” Đỉnh điểm là khi có 46.000 người cần xét nghiệm mỗi ngày; nhưng khi chúng tôi rời đi, con số đã giảm xuống còn 13.000. Các bệnh viện đã có giường trống.

Tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự thao túng các con số. Một đợt bùng phát leo thang nhanh chóng đã chững lại, và giảm xuống nhanh hơn dự kiến. Theo ước tính nhanh, có hàng trăm nghìn người Trung Quốc không nhiễm COVID-19 nhờ phản ứng mạnh mẽ này.

Virus có lây nhiễm cho hầu hết mọi người, như dự kiến ở bệnh cúm mới hay không?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Không, 75-80% các ổ dịch là trong các gia đình. Một số ổ dịch là ở trong bệnh viện, nhà hàng hay nhà tù, nhưng đa số là lây giữa người trong gia đình. Và chỉ 5-15% tiếp xúc gần có thể khiến bạn mắc bệnh. Vì thế, cơ quan chức năng sẽ cách ly bạn khỏi người nhà càng nhanh càng tốt, và tìm hiểu xem bạn đã tiếp xúc với những ai trong vòng 48 giờ trước đó.

“Tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự thao túng các con số. Một đợt bùng phát leo thang nhanh chóng đã chững lại, và giảm xuống nhanh hơn dự kiến” 

Ông nói rằng các thành phố khác nhau có phản ứng khác nhau. Khác như thế nào?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Còn phụ thuộc vào việc họ không có ca nhiễm, có vài ca lẻ tẻ, có các ổ dịch hay có tình hình lây nhiễm trên diện rộng.

Đầu tiên, bạn phải bảo đảm rằng mọi người đều biết các biện pháp phòng ngừa cơ bản: rửa tay, đeo khẩu trang, không bắt tay, cũng như các triệu chứng bệnh là gì. Sau đó, để tìm các ca bệnh lẻ tẻ, việc kiểm tra thân nhiệt được thực hiện khắp nơi, thậm chí là chặn ôtô trên cao tốc để kiểm tra tất cả mọi người.

Ngay khi tìm ra ổ dịch, bạn phải đóng cửa các trường học, rạp chiếu phim, nhà hàng. Chỉ có Vũ Hán và các thành phố lân cận là bị cách ly hoàn toàn.

Trung Quốc đã tổ chức lại phản ứng y tế của mình như thế nào?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Đầu tiên, họ chuyển 50% hoạt động chăm sóc sức khỏe thành trực tuyến, để mọi người không đổ xô đến bệnh viện. Bạn sẽ hiểu nếu đã từng thử liên hệ với bác sỹ vào tối thứ Sáu. Thay vào đó, bạn có thể liên hệ với một người qua hình thức trực tuyến. Nếu bạn cần đơn thuốc như insulin hay thuốc trợ tim, họ có thể kê đơn và cung cấp.

Trường hợp nghi ngờ bản thân bị nhiễm virus thì sao?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Bạn sẽ được gửi tới một phòng khám sốt. Họ sẽ đo nhiệt độ, kiểm tra các triệu chứng, bệnh sử, hỏi bạn đã từng đi những đâu, có tiếp xúc với người mắc bệnh hay không. Họ sẽ đưa bạn đi chụp CT nhanh…

Chờ đã – “chụp CT nhanh” là gì?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Mỗi máy chụp khoảng 200 người mỗi ngày. Mỗi lần chỉ 5-10 phút. Thậm chí chỉ chụp một phần thôi. Một bệnh viện điển hình ở phương Tây chỉ chụp 1-2 ca bệnh mỗi giờ. Và khác với chụp X-quang, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì, nhưng ảnh chụp CT có thể chỉ ra những “tổn thương kính mờ” (những bất thường ở phổi nhận thấy ở các bệnh nhân mắc coronavirus) mà bác sỹ đang tìm kiếm.

Rồi sau đó?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Nếu bạn được xác định là trường hợp nghi ngờ, họ sẽ lấy mẫu vi sinh bề mặt. Nhưng rất nhiều trường hợp cho kết quả “không phải là COVID-19.” Mọi người có thể bị cảm lạnh, cúm hay sổ mũi. Đó không phải là COVID-19. Nếu nhìn vào các triệu chứng, 90% bị sốt, 70% ho khan, 30% thấy khó chịu và khó thở. Sổ mũi chỉ chiếm 4% thôi.

Một bác sỹ tại bệnh viện Vũ Hán. (Nguồn: Getty Images)
Một bác sỹ tại bệnh viện Vũ Hán. (Nguồn: Getty Images)

Việc lấy mẫu là để xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi polymerase) phải không? Họ làm xét nghiệm nhanh như thế nào? Cho đến gần đây, chúng tôi (nước Mỹ) vẫn gửi tất cả các mẫu xét nghiệm tới Atlanta.

Tiến sỹ Bruce Aylward: Họ có thể làm xong trong 4 tiếng.

Vậy là người được xét nghiệm không được về nhà?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Không, họ phải đợi. Bạn không muốn có người đi lang thang và lây lan virus đâu.

Nếu họ có kết quả dương tính thì sao?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Họ sẽ bị cách ly. Ở Vũ Hán, ban đầu, thời gian từ khi đổ bệnh tới nhập viện là 15 ngày. Nhưng bây giờ từ khi có triệu chứng đến lúc phải cách ly chỉ còn 2 ngày thôi. Điều đó có nghĩa là có ít người bị lây nhiễm hơn – vì bạn đã bóp nghẹt khả năng lây lan của virus.

Sự khác biệt giữa cách ly và nhập viện là gì?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Khi có các triệu chứng nhẹ, bạn sẽ tới một trung tâm cách ly. Những trung tâm như vậy được trưng dụng từ các phòng tập thể dục hay sân vận động với sức chứa lên đến 1.000 giường bệnh. Nhưng nếu triệu chứng của bạn là nghiêm trọng hoặc nguy kịch, bạn sẽ phải vào thẳng bệnh viện. Bất cứ ai có các bệnh lý khác hoặc trên 65 tuổi cũng phải đến thẳng bệnh viện.

“Bất cứ ai có các bệnh lý khác hoặc trên 65 tuổi cũng phải đến thẳng bệnh viện”

Vậy các triệu chứng nhẹ, nghiêm trọng hoặc nguy kịch là gì? Chúng tôi nghĩ “nhẹ” là như bị cảm xoàng thôi.

Tiến sỹ Bruce Aylward: Không. “Nhẹ” nghĩa là kết quả xét nghiệm dương tính, sốt, ho – có thể là cả viêm phổi, nhưng không cần dụng cụ thở ôxy. “Nghiêm trọng” là nhịp thở tăng và bão hòa ôxy giảm, vì thế bệnh nhân cần dụng cụ thở ôxy hoặc máy thở. “Nguy kịch” nghĩa là suy hô hấp hoặc suy đa tạng.

Vậy nghĩa là 80% các ca bệnh ở thể nhẹ không phải như chúng tôi nghĩ nhỉ?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Tôi là người Canada. Virus này giống như Wayne Gretzky vậy – mọi người không nghĩ là nó đủ mạnh hoặc đủ nhanh để gây ra tác động như thế. (Wayne Gretzky: cầu thủ khúc côn cầu trên băng chuyên nghiệp người Canada).

Các bệnh viện cũng được chia ra phải không?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Đúng vậy. Các bệnh viện tốt nhất được dành riêng cho các ca mắc COVID-19 nghiêm trọng và nguy kịch. Tất cả các ca phẫu thuật không cấp thiết đều được hoãn lại. Bệnh nhân được chuyển đi nơi khác. Các bệnh viện khác thì được chỉ định cho hoạt động chăm sóc thường xuyên: phụ nữ vẫn phải sinh nở, mọi người vẫn bị chấn thương và đau tim.

Họ đã xây hai bệnh viện mới và xây lại nhiều bệnh viện khác. Nếu khu điều trị có chiều dài lớn, họ sẽ xây một bức tường ở phía cuối với một cửa sổ để tạo thành một khu cách ly với các vùng “bẩn” và “sạch.” Bạn đi vào, mặc đồ bảo hộ, điều trị cho bệnh nhân, rồi đi ra bằng đường khác và cởi đồ bảo hộ ra. Nó giống như một đơn vị điều trị Ebola vậy, nhưng không cần khử trùng nhiều như thế vì không có nhiều tiếp xúc với dịch tiết từ cơ thể.

Một sân vận động được chuyển thành bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. (Nguồn: Reuters)
Một sân vận động được chuyển thành bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. (Nguồn: Reuters)

Việc chăm sóc cho các ca bệnh nghiêm trọng và nguy kịch tốt đến mức nào?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Trung Quốc thật sự rất giỏi trong việc cứu sống bệnh nhân. Các bệnh viện của họ trông còn tốt hơn một số bệnh viện tôi thấy ở Thụy Sĩ. Chúng tôi hỏi, “Các anh có bao nhiêu quạt thông gió?” Họ trả lời “50.” Ôi trời! Chúng tôi lại hỏi, “Thế các anh có bao nhiêu máy ECMO?” Họ trả lời “5.” Một thành viên đến từ viện Robert Koch tỏ rõ sự ngạc nhiên: “Những 5 cái? Ở Đức, có khi chỉ được trang bị 3 cái là cùng. Mà ở Berlin mới được như vậy.” (ECMO là máy ôxy hóa màng ngoài cơ thể, dùng để cung cấp ôxy cho máu khi suy phổi).

Vậy ai chi trả cho tất cả những thứ đó?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Chính phủ đã tuyên bố rõ ràng: xét nghiệm là miễn phí. Và nếu dương tính với SARS-CoV-2, thì khi bạn hết hạn bảo hiểm, nhà nước sẽ lo liệu mọi thứ.

Ở Mỹ thì khác. Người ta nghĩ: “Nếu tôi đi gặp bác sỹ, tôi sẽ phải tốn 100 USD. Nếu tôi phải vào phòng hồi sức tích cực, tôi sẽ phải tốn bao nhiêu tiền?” Điều đó sẽ giết chết bạn. Điều đó sẽ gây nhiều thiệt hại nặng nề. Đây là lúc mà bảo hiểm y tế toàn dân và an sinh phải phối hợp với nhau. Nước Mỹ phải cân nhắc điều này.

Mọi người đều có ý thức mạnh mẽ rằng “Chúng ta phải giúp Vũ Hán” chứ không phải “Vũ Hán khiến chúng ta lâm vào cảnh này” 

Các phản ứng phi y tế thì sao?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Phản ứng ở cấp độ toàn quốc. Mọi người đều có ý thức mạnh mẽ rằng “Chúng ta phải giúp Vũ Hán” chứ không phải “Vũ Hán khiến chúng ta lâm vào cảnh này.” Các tỉnh khác đã cử 40.000 nhân viên y tế, nhiều người trong số đó tình nguyện tới trợ giúp.

Ở Vũ Hán, đoàn tàu đặc biệt của chúng tôi đến ga vào buổi tối, và đó là điều buồn nhất – các đoàn tàu liên tỉnh lớn gầm gào lướt qua với những khung cửa buông rèm.

Chúng tôi xuống tàu, và một nhóm người khác cũng vậy. Tôi nói: “Chờ chút, tôi tưởng chúng tôi là những người duy nhất được xuống tàu.” Họ mặc những chiếc áo khoác nhỏ và mang một lá cờ – đó là một nhóm y tế từ Quảng Đông đến để giúp đỡ.

Người dân Vũ Hán ăn uống ra sao khi phải ở trong nhà suốt?

Tiến sỹ Bruce Aylward: 15 triệu người phải đặt đồ ăn trực tuyến. Và đồ ăn đều được chuyển đến. Đúng là có một số sự nhầm lẫn. Nhưng một người phụ nữ đã nói với tôi: “Đôi khi gói hàng bị thiếu mất một vài món, nhưng tôi vẫn chưa sụt mất cân nào.”

Giao hàng đến khu vực bị cách ly ở Vũ Hán. (Nguồn: Getty Images)
Giao hàng đến khu vực bị cách ly ở Vũ Hán. (Nguồn: Getty Images)

Rất nhiều nhân viên chính phủ đã được chỉ định làm những công việc khác phải không?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Chuyện đó diễn ra ở mọi nơi trong xã hội. Một nhân viên đường cao tốc có thể kiêm luôn công tác đo nhiệt độ, giao đồ ăn hoặc theo dõi những người có tiếp xúc. Tôi từng gặp một người phụ nữ dạy mọi người cách mặc đồ bảo hộ trong bệnh viện. Tôi hỏi, “Chị là chuyên gia kiểm soát lây nhiễm à?” Không, cô ấy là nhân viên lễ tân. Nhưng cô ấy đã học được cách mặc bộ đồ đó.

Công nghệ đóng vai trò như thế nào?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Họ đang quản lý một lượng lớn dữ liệu, bởi vì họ đang cố gắng theo dõi mọi liên hệ tiếp xúc của 70.000 ca bệnh. Khi đóng cửa trường học, thực tế chỉ có các tòa nhà bị đóng cửa thôi. Việc học được chuyển thành trực tuyến.

Các nhân viên theo dõi tiếp xúc có các biểu mẫu ngay trên màn hình. Nếu có gì sai, nó sẽ nháy màu vàng. Đó là cách để tránh sai sót.

Chúng tôi đã tới Tứ Xuyên, một vùng nông thôn rộng lớn. Ở đó họ đã triển khai công nghệ 5G rồi. Chúng tôi cũng đã tới thủ đô, tới một trung tâm cấp cứu có những màn hình lớn. Họ đang gặp rắc rối trong việc tìm hiểu một ổ dịch. Trên một màn hình, họ liên lạc tới trụ sở của quận. Nhưng vẫn không giải quyết được.

Vậy là họ gọi nhóm thực địa. Trưởng nhóm đang ở cách đó 500 cây số, và anh ta nhận được một cuộc gọi video từ chủ tịch tỉnh.

Các phương tiện truyền thông xã hội thì sao?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Họ có Weibo, Tencent và WeChat để cung cấp các thông tin chính xác đến cho người dùng. Bạn có thể dùng Facebook, Twitter và Instagram để làm điều đó.

Dạy yoga trực tuyến tại Bắc Kinh. (Nguồn: EPA)
Dạy yoga trực tuyến tại Bắc Kinh. (Nguồn: EPA)

Chẳng phải tất cả những điều đó là bất khả thi ở Mỹ sao?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Hãy nhìn xem, các nhà báo luôn nói: “Chà, chúng ta không thể làm như vậy ở đất nước của mình.” Phải có một sự thay đổi tư duy sang suy nghĩ phản ứng nhanh. Bạn sẽ chỉ giơ tay than trời thôi sao? Có một sự rủi ro đạo đức thật sự ở đó, một tiếng gọi phán xét về những gì bạn nghĩ về những cộng đồng dễ bị tổn thương.

Hãy hỏi bản thân: Bạn có thể làm những điều dễ dàng được không? Bạn có thể cách ly 100 bệnh nhân được không? Bạn có thể theo dõi 1.000 người có tiếp xúc được không? Nếu không thể, dịch bệnh sẽ bùng phát trong cả một cộng đồng.

Liệu có phải những điều đó là khả thi là vì họ sợ Chính phủ?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Các nhà báo cũng nói rằng “Họ chỉ hành động vì sợ chính phủ, “như thể đó là một chế độ thét ra lửa và ăn thịt trẻ con vậy. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người không thuộc hệ thống chính trị – ở khách sạn, trên tàu hỏa, trên đường vào ban đêm.

Họ được huy động như trong thời chiến, và nỗi sợ virus là động lực của họ. Họ thực sự cảm thấy mình đang ở tuyến đầu để bảo vệ phần còn lại của Trung Quốc. Và cả thế giới.

“Họ được huy động như trong thời chiến, và nỗi sợ virus là động lực của họ. Họ thực sự cảm thấy mình đang ở tuyến đầu để bảo vệ phần còn lại của Trung Quốc. Và cả thế giới.”

Trung Quốc đang khởi động lại nền kinh tế của mình. Họ có thể làm điều đó bằng cách nào mà không gây ra một đợt sóng lây nhiễm mới?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Đó là một sự tái khởi động có chia giai đoạn. Với mỗi tỉnh thành, nó lại có ý nghĩa khác nhau.

Một số vẫn sẽ tiếp tục đóng cửa trường học. Một số chỉ cho phép các nhà máy sản xuất các sản phẩm thiết yếu cho chuỗi cung ứng được mở cửa hoạt động.

Với những người lao động nhập cư đã trở về nhà – Thành Đô có tới 5 triệu người như vậy. Đầu tiên, bạn phải đến gặp bác sỹ để lấy một chứng nhận rằng bạn “không có nguy cơ.” Quá trình này mất 3 ngày.

Sau đó, bạn đi tàu hỏa đến nơi bạn làm việc. Nếu đó là Bắc Kinh, bạn sẽ phải tự cách ly trong 2 tuần. Bạn sẽ được theo dõi thân nhiệt, đôi khi bằng điện thoại, đôi khi bằng kiểm tra thực tế.

Điều gì đang diễn ra với các cuộc thử nghiệm điều trị lâm sàng?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Chúng là những thử nghiệm mù đôi, vì thế tôi không biết kết quả. Chúng ta sẽ biết rõ hơn trong vài tuần nữa.

Thách thức lớn nhất là tìm người tham gia. Số lượng bệnh nhân mắc bệnh nặng đang giảm, và họ đang tranh nhau chiêu mộ những người này. Và mỗi khu điều trị lại được điều hành bởi một nhóm đến từ một tỉnh khác, vì thế bạn phải thương lượng với từng nhóm, bảo đảm là họ làm đúng theo các giao thức.

Và có tới 200 thử nghiệm được đăng ký – quá nhiều. Tôi đã nói với họ: “Các anh phải ưu tiên những gì có đặc tính kháng virus một cách hứa hẹn.”

Và họ đang thử nghiệm các loại thuốc truyền thống?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Đúng vậy, nhưng đó chỉ là một vài công thức tiêu chuẩn. Việc này không dễ như ngồi sắc thuốc ở chân giường. Họ nghĩ rằng họ đã có một số loại thuốc có đặc tính hạ sốt hoặc chống viêm. Không phải thuốc chống virus, nhưng chúng giúp mọi người thấy tốt hơn vì họ đã dùng qua chúng.

Ông đã làm gì để tự bảo vệ mình?

Tiến sỹ Bruce Aylward: Dự trữ một đống nước rửa tay khử trùng. Chúng tôi đeo khẩu trang, vì đó là chính sách của chính phủ. Chúng tôi không gặp bệnh nhân hay những người từng tiếp xúc với bệnh nhân hay tới các khu vực không sạch sẽ trong bệnh viện.

Và chúng tôi cũng hạn chế tiếp xúc xã hội. Mỗi người trong nhóm ngồi ở một hàng ghế khác nhau khi đi xe buýt. Chúng tôi dùng bữa trong phòng riêng ở khách sạn, hoặc mỗi người ngồi một bàn. Trong phòng họp, chúng tôi cũng ngồi mỗi người một bàn và dùng micro hoặc nói thật to để giao tiếp với nhau.

Vì thế nên giọng tôi mới khàn như thế này đây. Nhưng tôi đã làm xét nghiệm, và tôi biết mình không mắc COVID-19./.

Tiến sỹ Bruce Aylward đã giơ khuỷu tay thay cho cái bắt tay trong cuộc họp của WHO ở Geneva. (Nguồn: EPA)
Tiến sỹ Bruce Aylward đã giơ khuỷu tay thay cho cái bắt tay trong cuộc họp của WHO ở Geneva. (Nguồn: EPA)