Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus SARS-CoV-2 (COVID-19) được kiểm soát tốt. Tính từ thời điểm xuất hiện ca bệnh gần nhất ngày 13/2 đến nay không xuất hiện ca bệnh mới.
Thực tế những ngày qua cho thấy công tác phòng dịch bệnh được triển khai kịp thời, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và triệt để; công tác khoanh vùng, khống chế sự lây lan dịch bệnh bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt của ngành y tế, ý thức bảo vệ bản thân và công đồng của người dân là những cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ có thể vượt qua dịch bệnh với thiệt hại về sức khỏe ở mức thấp nhất.
“Thận trọng nhưng không quá lo sợ”
Phân tích về việc ứng phó với dịch bệnh COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, ngay từ đầu quan điểm của Đảng, Chính Phủ và của Bộ Y tế là không che giấu bất kỳ thông tin nào.
“Ngay từ khi xuất hiện ca nhiễm, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện, hai Chỉ thị. Tiếp theo, Ban Bí thư cũng có văn bản yêu cầu người đứng đầu cấp uỷ của tất cả các cấp phải trực tiếp chỉ đạo vấn đề này. Huy động toàn đảng, toàn dân và toàn quân cho vấn đề này và coi đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên, cấp bách, trước mắt, quan trọng,” ông Long nhấn mạnh.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, công an, bộ đội biên phòng mà còn là nhiệm vụ của hệ thống chính trị và nhân dân; vấn đề không của một đất nước mà có tính chất toàn cầu.
Trong Công văn số 79 của Ban Bí thư nêu rất rõ và yêu cầu các địa phương vào cuộc mạnh mẽ. Quan điểm của Đảng, Chính phủ là phải quyết liệt trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ rất cụ thể hướng dẫn hoạt động cho từng ngành, từng bộ, từng địa phương phải làm gì. Từ đó có những biện pháp triển khai đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt từ trên xuống dưới.
Đánh giá về tình dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đến nay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, công an, bộ đội biên phòng mà còn là nhiệm vụ của hệ thống chính trị và nhân dân; vấn đề không của một đất nước mà có tính chất toàn cầu.

Phó Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam làm tốt công tác thông tin tuyên truyền cho toàn xã hội về dịch bệnh để mọi người dân biết cách bảo vệ sức khỏe, chung tay phòng, chống dịch trên tinh thần “thận trọng nhưng không quá lo sợ.”
Ông Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết WHO đánh giá rất cao việc Việt Nam đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus SARS-CoV-2 mới trong phòng thí nghiệm. Việc nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus này là tín hiệu khả quan cho việc nghiên cứu vắc-xin cũng như tìm ra các biện pháp chữa trị cho bệnh nhân mắc bệnh.
Nỗ lực của cả hệ thống
Nhận định tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch nhấn mạnh các địa phương không được chủ quan, tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm ngặt công tác xuất nhập cảnh ở khắp các biên giới (đường hàng không, đường bộ, đường thủy).
Đặc biệt, các lực lượng chức năng tiến hành cách ly theo đúng quy định, đảm bảo trong các cơ sở điều trị không có tình trạng lây chéo; hệ thống xét nghiệm, phát hiện bệnh tiếp tục hoạt động nhuần nhuyễn và nhanh hơn, phục vụ công tác điều trị…
Chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ, khi nghe báo cáo và chỉ đạo biện pháp phòng, chống dịch bệnh do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (COVID-19), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã vào cuộc và đang phòng-chống dịch rất tốt, bao gồm cả việc đưa công dân Việt Nam về nước, được người dân và quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã tập trung điều trị để không có bệnh nhân nào gặp nguy hiểm. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đã được điều trị khỏi và xuất viện, không có ca tử vong, kể cả người có bệnh nền và trẻ em mới 3 tháng tuổi. Việt Nam cũng là nước thứ tư trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus SARS-CoV-2 mới trong phòng thí nghiệm.
Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng, chống dịch rất hiệu quả mà Việt Nam còn an toàn một cách tự nhiên.
Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng, chống dịch rất hiệu quả mà Việt Nam còn an toàn một cách tự nhiên.
“Việt Nam có môi trường du lịch, môi trường kinh doanh và môi trường sống an toàn, hấp dẫn và nhiều tiềm năng cho những trải nghiệm cũng như cho sự nghiệp kinh doanh. Có những ngành, doanh nghiệp không chỉ vượt qua những khó khăn về dịch bệnh mà cũng đã chuyển ‘nguy’ thành ‘cơ’ trong năm nay,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch cũng đánh giá cao việc không xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh hay trên nóng, dưới nóng, ở giữa lạnh” trong triển khai phòng chống dịch.Vì vậy, người dân yên tâm tin tưởng đặt niềm tin và ủng hộ những chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.

WHO: Đánh giá cao năng lực của Việt Nam
Trong cập nhật mới đây về “Dịch COVID-19: Những gì chúng ta đã biết đến nay,” WHO tại Việt Nam đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc xử lý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2. Theo WHO, năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi đã tăng lên đáng kể.
“Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Và, năng lực này đã được thử thách, kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam và bây giờ là COVID-19,” WHO nhấn mạnh.
“Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Và, năng lực này đã được thử thách, kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam và bây giờ là COVID-19,” WHO nhấn mạnh.
Tổ chức này nhận định Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch, tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.
Dù vậy, WHO cũng khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh. Cần phát hiện sớm, cách ly và xử trí các trường hợp mắc bệnh bằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp, tăng cường giám sát, chia sẻ thông tin minh bạch và kịp thời với WHO như yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (2005).
Tại cuộc trao đổi mới đây với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch bệnh, các quan chức của Mỹ đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam nói chung và đặc biệt trong công tác kiểm soát dịch COVID-19 nói riêng. Mỹ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong phòng chống dịch.

Bộ Y tế Mỹ nhận định lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời, có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với COVID-19, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng.
Ngoài ra, Việt Nam hiện có hệ thống cơ sở y tế về cơ bản tốt và đã triển khai xuyên suốt, rộng khắp công tác tiêm chủng, phòng bệnh từ lâu nay. Do đó, phía Mỹ tin rằng Việt Nam sẽ chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả.
Phía Mỹ cũng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ hiệu quả của Việt Nam khi thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hợp tác phòng dịch bệnh.
Bộ Y tế Mỹ nhận định lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời, có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với COVID-19, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) dự kiến cử đoàn công tác sang Việt Nam trong tháng 3/2020 để trao đổi hợp tác tiến tới thành lập Văn phòng CDC khu vực tại Việt Nam.
Ngoài ra, các cơ quan của Mỹ, trong đó có Trung tâm Nguồn thuốc thử quốc tế (IRR), sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam các kết quả nghiên cứu về COVID-19, trao đổi chuyên gia, cung cấp các bộ thử và trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho Việt Nam để nâng cao năng lực phòng chống dịch.

Việt Nam từng lập nên kỳ tích
Cách đây 17 năm (năm 2003) một dịch bệnh lạ xuất hiện tại Việt Nam có tên SARS hay còn gọi là hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính diễn biến phức tạp, gây suy hô hấp và dẫn tới tử vong.
Dịch SARS cũng xuất hiện tại Việt Nam bắt đầu từ một bệnh nhân người Mỹ gốc Hoa. Sau đó, tại Việt Nam đã có 65 người nhiễm, 5 y bác sỹ của Việt Nam đã tử vong trong cuộc chiến chống dịch này.
17 năm trước, Việt Nam đã điều trị cho 58 người mắc SARS khỏi bệnh.Khi đó WHO đã chúc mừng Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện khống chế thành công dịch SARS.
Ngày 15/3/2003 WHO phát đi cảnh báo khẩn cấp về SARS. Loại virus này được mô tả là hiểm hoạ đối với tất cả mọi người trên thế giới. Chỉ trong 1 thời gian ngắn, dịch SARS đã bao trùm 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 8.000 người mắc bệnh, trong đó có gần 900 người tử vong trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, việc chạy đua với thời gian để bao vây, khống chế dịch không lan rộng ra cộng đồng là nhiệm vụ đầy thử thách đối với cán bộ y tế. Sau 62 ngày, những nỗ lực lớn nhất, những hy sinh đầy trách nhiệm của chiến sỹ áo trắng lặng thầm đã được đền đáp khi không để virus SARS lây lan trong cộng đồng. Việt Nam đã điều trị cho 58 người mắc SARS khỏi bệnh.
Khi đó WHO đã chúc mừng Việt Nam, bởi Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện khống chế thành công dịch SARS. Những kỳ tích đó tiếp tục được Việt Nam phát huy các bài học thành công trong khống chế dịch COVID-19./.
Bài: Việt Nam chống COVID-19: Cuộc ‘tấn công thần tốc’ của virus SARS-CoV-2
