Thành phố Hồ Chí Minh

ttxvn2802da-1582879002-23.jpg

Bài 1: Cho thuê tràn lan

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, khối lượng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước rất lớn, từ nhiều nguồn khác nhau. Công tác quản lý, sử dụng được giao cho nhiều đầu mối, trong khi các quy định pháp luật về quản lý sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn khiến phát sinh nhiều sai phạm.

Cách trung tâm quận 1 vài cây cầu bắc qua kênh, với nhiều lợi thế về giao thương, buôn bán, sinh hoạt, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh đang là địa bàn phát triển mạnh mẽ và thu hút nhiều hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Tại đây, có nhiều cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và là nguồn lực giúp phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc quản lý, sử dụng đúng pháp luật và phát huy hiệu quả.

Thuê đất công giá rẻ

Tháng 9/2001, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5766/QĐ-UB về việc chấm dứt việc thuê đất của Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội (công ty Nhà nước và sau đó cổ phần hóa chuyển thành Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội thuộc Bến Thành Group) và cho Công ty thuê tiếp 12 khu đất tại quận 4 trong thời từ tháng 3/2001 đến tháng 1/2046.

Nhiều cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và là nguồn lực giúp phát triển kinh tế-xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc quản lý, sử dụng đúng pháp luật và phát huy hiệu quả.

Cụ thể, Công ty thuê các khu đất làm xưởng gia công sản xuất giày da gồm: khu đất 360A Bến Vân Đồn (diện tích 3.860m2), 360C Bến Vân Đồn (7.679m2), 360 Bến Vân Đồn (2.940m2), 360B Bến Vân Đồn (5.781m2), 360D Bến Vân Đồn (5.946m2), 56 Bến Vân Đồn (882m2).

Trụ sở SAGRI, nơi xảy ra những sai phạm trong việc cho thuê đất công sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Trụ sở SAGRI, nơi xảy ra những sai phạm trong việc cho thuê đất công sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Các khu đất còn lại gồm 72-74 Nguyễn Tất Thành (202m2), 92-94 Nguyễn Tất Thành (187m2), 194-196 Nguyễn Tất Thành (70m2), 350 – 352 Nguyễn Tất Thành (113m2), 258B Tôn Thất Thuyết (60m2) và 430A Nguyễn Tất Thành (1.147m2) để làm cửa hàng kinh doanh.

Đáng chú ý là khu đất 194-196 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, ngày 25/1/2002, Sở Địa chính Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) ký hợp đồng số 999/HĐ-GTĐ cho Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội thuê 113m2 (gồm 42,7m2 lộ giới và 69,4m không phải lộ giới) trong thời gian từ 2001-2046 với đơn giá 22.400 đồng/m2.

Như vậy, mỗi năm Công ty chỉ nộp cho thành phố 2,53 triệu đồng để được thuê 113m2 ở khu vực có vị trí đắc địa bậc nhất quận 4.

Điều 1 hợp đồng này xác định “giá trị quyền sử dụng khu đất này thuộc phần vốn nhà nước tại Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội, việc thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất phải theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Địa chính.”

Còn theo điều 3 hợp đồng số 999/HĐ-GTĐ: “Bên B (tức Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội) không được chuyển giao thửa đất thuê cho tổ chức, cá nhân khác nếu chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.”

Thế nhưng, năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CT37888 khu đất 69,4m2 tại 194-196 Nguyễn Tất Thành cho Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội. Trong khi nguồn gốc sử dụng là nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm và không xác nhận có nhà ở xây dựng trên đất.

Trên thực địa, khu đất này đang được cho Tập đoàn Trung Nguyên thuê lại để làm quán cà phê King Coffee ngay góc mặt tiền 194-196 Nguyễn Tất Thành với đường Tôn Đản, quận 4.

Chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định

Một trường hợp khác là khu đất địa chỉ 360-360 D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4. Khu đất này được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội thuê lại thể hiện ở Quyết định số 5766/QĐ-UB ngày 10/9/2001 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Khu đất 42 Chu Mạnh Trinh, quận 1 được định giá quá thấp so với giá thị trường. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Khu đất 42 Chu Mạnh Trinh, quận 1 được định giá quá thấp so với giá thị trường. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Tuy nhiên, hiện nay một phần khu đất tại đây đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dự án nhà ở cũng như xảy ra tình trạng cho thuê lại không đúng quy định.

Cụ thể, tháng 4/2005, Ủy ban Nhân dân thành phố đồng ý cho Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng chung cư cao tầng tại 360A Bến Vân Đồn, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ mua lại 50% quỹ nhà tái định cư (130 căn) để phục vụ tái định cư cho các dự án trên địa bàn.

Ngày 16/11/2007, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 233/QĐ-SXD-PTN về việc phê duyệt dự án chung cư Khánh Hội 2 tại địa chỉ 360A Bến Vân Đồn.

Theo đó, khu đất này có tổng diện tích đất hơn 3.400m2, quy mô xây dựng 260 căn hộ. Đáng chú ý, quyết định này thể hiện tổng mức đầu tư dự án là hơn 200 tỷ đồng, bao gồm 36 tỷ đồng tiền sử dụng đất chủ đầu tư nộp cho ngân sách nhà nước.

Như vậy, hơn 3.400m2 đất tại 236A Bến Vân Đồn, quận đã giao cho chính doanh nghiệp thuê đất và được định giá 36 tỷ đồng, tức là mỗi m2 tại khu vực đắc địa này có giá khoảng 10,6 triệu đồng/m2.

Tại khu đất 360A Bến Vân Đồn, tháng 12/2017, Thanh tra Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 1903/QĐ-KPHQ về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty cổ phần đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội).

Nguyên nhân là Công ty cổ phần đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, phân chia chuyển đổi mục đích sử dụng phần sử dụng chung trái quy định tại tầng trệt block C, block D, tầng lửng block C, xây dựng phát sinh văn phòng, chuyển đổi nhà xe thành văn phòng cho thuê, chuyển đổi phòng quản lý, phòng y tế thành văn phòng cho thuê.

Dự án chung cư Khánh Hội 2 có nguồn gốc đất công, từng xảy ra vi phạm trật tự xây dựng. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Dự án chung cư Khánh Hội 2 có nguồn gốc đất công, từng xảy ra vi phạm trật tự xây dựng. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Trong khuôn viên chung cư Khánh Hội 2 còn phát sinh nhà xe với diện tích 82,25m2 ở tầng trệt và 108m2 nhà kho ở sân thượng.

Đến tháng 1/2018, Thanh tra Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty cổ phần đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội về hành vi xây dựng không phép đối với phần xây dựng là khuôn viên trệt phát sinh hệ thống xử lý nước thải có diện tích 54,9m2.

Do chưa nghiêm túc chấp hành nên tháng 10/2018 Thanh tra Sở Xây dựng có Quyết định số 1800/QĐ-CCXP cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty cổ phần đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội về các hành vi nói trên.

Tiếp đến trong tháng 7/2019, Ủy ban Nhân dân quận 4 ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng vì Công ty cổ phần đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội xây dựng phát sinh nhà kho với diện tích 108m2 khu vực sân thượng chung cư Khánh Hội 2.

Báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty cổ phần đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội thể hiện, Công ty này đã đầu tư vào nhiều đơn vị khác; trong đó có Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Lâu Đài Ven Sông.

Theo đại diện Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Lâu Đài Ven Sông, Công ty đã thuê lại tài sản của Công ty cổ phần đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội và bỏ tiền đầu tư khai thác kinh doanh nhà hàng tiệc cưới Riverside Place.

Đây là công trình có hạng mục xây dựng không phép được các cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt, buộc tháo dỡ. Theo Ủy ban Nhân dân quận 4, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Lâu Đài Ven Sông đã xây dựng không phép phần công trình là khung sắt, vách kính, tôn với diện tích hơn 261m2 tại địa chỉ 360-360D Bến Vân Đồn.

Kể từ lúc phát hiện vi phạm cho đến nay, nhiều lần Ủy ban Nhân dân phường 1 ra thông báo yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Lâu Đài Ven Sông tháo dỡ phần công trình vi phạm, nhưng phía Công ty chưa thực hiện.

Thậm chí, Ủy ban Nhân dân quận 4 ban hành kế hoạch cưỡng chế, song vụ việc phải trì hoãn vì Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Lâu Đài Ven Sông khởi kiện quyết định hành chính của Ủy ban Nhân dân quận 4 ra Tòa án nhân dân quận 4.

Liên quan đến việc quản lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận 4, theo Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn quận vẫn còn 35 thửa đất công chưa được đo đạc, sử dụng sai mục đích, một vài thửa đất công bị lấn chiếm.

Đơn cử như Ủy ban Nhân dân quận 4 cho phép Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ Công ích quận 4 cho thuê, khai thác tại dự án Công viên Hồ Khánh Hội không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Qua thanh tra cho thấy, có 8 thửa đất do Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Kênh Tẻ sử dụng, nhưng cho thuê lại, sử dụng sai mục đích. Ủy ban Nhân dân các phường trên địa bàn quận 4 chưa có biện pháp triệt để trong việc quản lý, ngăn chặn, xử lý các hành vi lấn chiếm đất và thu hồi các thửa đất bị chiếm dụng./.

Công trình xây dựng không phép tại khu đất công 360 - 360D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Công trình xây dựng không phép tại khu đất công 360 – 360D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Bài 2: Dự án dở dang

Dở dang không kém Khu đô thị mới Thủ Thiêm với nhiều lượt khiếu nại, khiếu kiện dai dẳng chưa có “hồi kết” là dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1.

Đây cũng là một trong nhiều vụ việc được đưa vào danh sách ưu tiên tập trung giải quyết dứt điểm của các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt nhiều năm qua.

Chuyển vai đổi chủ

Năm 1994, Ủy ban Nhân dân thành phố xác lập quyền sở hữu nhà của nhà nước đối với 164 căn hộ tại địa chỉ 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 từ nhà công sản chế độ cũ.

Đến ngày 30/9/1995, Thủ Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 624/QĐ-TTg phê duyệt dự án đầu tư khu nhà ở 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu.


Dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1.
là một trong nhiều vụ việc được đưa vào danh sách ưu tiên tập trung giải quyết dứt điểm của các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt nhiều năm qua.

Mục tiêu là đầu tư xây dựng nhà ở và làm việc để nâng cấp nhà ở tại chỗ giải tỏa nhà lụp xụp trên và ven kênh Nhiêu Lộc, kinh doanh nhà ở cao cấp và văn phòng làm việc, từng bước chỉnh trang đô thị tại khu vực.

Dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu có nguồn gốc đất công được chuyển đổi cho doanh nghiệp tư nhân, hiện đang bỏ hoang. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu có nguồn gốc đất công được chuyển đổi cho doanh nghiệp tư nhân, hiện đang bỏ hoang. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Chủ đầu tư dự án là Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1. Đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, sau đó chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển nhà Bến Thành và sáp nhập vào Tổng công ty Bến Thành – Bến Thành Group.

Về quy mô, dự án sẽ đầu tư xây dựng 365 căn chung cư, 38 căn nhà phố liền kề, 112 căn nhà ở cao cấp. Dự kiến tổng mức đầu tư là 256 tỷ đồng, chủ đầu tư huy động vốn và sử dụng các nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Đến ngày 30/7/1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 490/QĐ-TTg thu hồi 16.802m2 của khu I và 1.495m2 của khu II tại địa chỉ 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu; trong đó, giao diện tích khu I cho Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà Quận 1 đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ cho việc di chuyển dân trên kênh Nhiêu Lộc, khu nhà ở cho người tái định cư, khu nhà ở và khu căn hộ cao cấp kinh doanh. Diện tích khu II giao cho Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà Quận 1 thuê để đầu tư xây dựng khu văn phòng cho thuê.

Do thực hiện dự án kéo dài, trên cơ sở đề xuất của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển nhà Bến Thành và ý kiến của Bộ Xây dựng, tháng 1/2004, Chính phủ có Văn bản số 280/CP-CN cho phép điều chỉnh dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu, nhưng yêu cầu vẫn tiếp tục đảm bảo mục tiêu và hiệu quả đầu tư dự án.

Trên cơ sở đó, tháng 4/2004, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký Quyết định số 1576/QĐ-UB điều chỉnh dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu.

Theo đó, tổng số căn hộ là 816 căn (tăng so với Quyết định 624/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), chiều cao tối đa 22 tầng, tổng mức đầu tư ước tính 881 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án Khu sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Củ Chi quy mô 650ha. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Phối cảnh dự án Khu sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Củ Chi quy mô 650ha. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Tháng 7/2013, Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên MTV Phát triển nhà Bến Thành liên doanh với Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thủy thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Bến Thành Sao Thủy (gọi tắt là Công ty Bến Thành Sao Thủy) để thực hiện dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu.

Đến tháng 10/2014, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành quyết định chấp thuận chủ đầu tư dự án là Công ty Bến Thành Sao Thủy.

Báo cáo tài chính năm 2019 của Tổng công ty Bến Thành (Bến Thành Group) cho thấy, Bến Thành Group sở hữu 28% vốn đầu tư tại Công ty Bến Thành Sao Thủy.

Như vậy, quyền chi phối hoạt động tại Công ty Bến Thành Sao Thủy vẫn thuộc về tư nhân, đồng nghĩa với việc dự án 1 Bis -1 Kép Nguyễn Đình Chiểu đã được “chuyển vai” từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.

Theo quy định, việc giao nhà đất thuộc sở hữu nhà nước (đất công, tài sản công) cho doanh nghiệp tư nhân phải thông qua đấu giá. Tuy nhiên, tại dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu, quy định này không được thực hiện.

Trong Công văn số 01/Cv-BTST ngày 3/2/2020, Công ty Bến Thành Sao Thủy cho biết, Công ty đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng phần thân và đã thi công hoàn thành vách 4 tầng hầm. Công ty đã đầu tư hơn 2.064 tỷ đồng tại dự án, nhưng hiện bị ngưng trệ do khiếu nại của người dân về chính sách đền bù.

Hậu quả nặng nề

Quyết định 624/QĐ-TTg ngày 30/9/1995 của Thủ Thủ tướng Chính phủ xác định rõ chủ đầu tư dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu là doanh nghiệp nhà nước là Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1.

Dự án chung cư Khánh Hội 2 có nguồn gốc đất công, từng xảy ra vi phạm trật tự xây dựng. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Dự án chung cư Khánh Hội 2 có nguồn gốc đất công, từng xảy ra vi phạm trật tự xây dựng. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Thế nhưng năm 2013, Ủy ban Nhân dân thành phố có Công văn số 3587/UBND-ĐTMT chấp thuận chủ trương cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển nhà Bến Thành liên doanh với Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thủy và thành lập Công ty Bến Thành Sao Thủy (Công ty tư nhân) để thực hiện dự án.

Việc chuyển đổi chủ đầu tư, thay đổi pháp nhân dự án không được báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, trước khi chuyển đổi chủ đầu tư cần phải có ý kiến của các sở, ngành liên quan đánh giá năng lực tài chính, kinh nghiệm của doanh nghiệp.

Đối với Công ty Bến Thành Sao Thủy, theo thông báo của Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh, trong năm 2018. Công ty này nợ thuế 350 tỷ đồng. Sau khi bị “bêu tên,” Công ty Bến Thành Sao Thủy đã nộp được 70% tổng số nợ.

Trong khi đó, Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 30/7/1996 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ, thu hồi 1.495m2 của khu II khu đất 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu cho Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà Quận 1 thuê.

Tuy nhiên, tháng 6/2011, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Quyết định 3070/QĐ-UBND chuyển hình thức sử dụng khu II sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đến hết tháng 7/2046, thay đổi nội dung của Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đến tháng 5/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, lúc này đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký Quyết định số 2403/QĐ-UBND về thu hồi đất của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển nhà Bến Thành quản lý sử dụng để giao cho Công ty Bến Thành Sao Thủy làm dự án nhà ở cao tầng, khách sạn thương mại dịch vụ tại 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu.

Theo đó, tổng diện tích đất là 17.794m2, mục đích đất của dự án là xây dựng khu nhà ở cao tầng và khách sạn thương mại dịch vụ, hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Như vậy, quyết định này đã thay đổi cơ cấu sử dụng đất của dự án so với cơ cấu sử dụng đất trước đây tại Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu của dự án cũng thay đổi và không còn làm căn hộ tái định cư theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà chuyển thành kinh doanh thương mại nhà ở.

Những điều chỉnh, thay đổi nói trên, một lần nữa không được báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Lý giải vấn đề thay đổi này, trong văn bản số 898/STNMT-QLĐ ngày 12/2/2020, Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, do sơ sót nên thay vì trình Ủy ban Nhân dân thành phố điều chỉnh Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định thu hồi đất của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển và Dịch vụ nhà Bến Thành giao cho Công ty Bến Thành Sao Thủy.

Trong khi dự án đã “thay vai đổi chủ”, thay đổi cơ cấu sử dụng đất, mục đích dự án từ nhiều năm thì đến tháng 7/2019, Ủy ban Nhân dân thành phố mới giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố có văn bản báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho Công ty Bến Thành Sao Thủy tiếp tục thực hiện dự án.

Tiếp đến, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì với các sở, ngành liên quan để tham mưu trình Ủy ban Nhân dân thành phố điều chỉnh Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, Thanh tra thành phố cho rằng, việc điều chỉnh làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất đã được thể hiện trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì phải báo cáo Thủ tướng trước khi điều chỉnh. Văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ là văn bản hướng dẫn chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Do người dân khiếu nại, tố cáo nên từ năm 2000, Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) đã thanh tra và chỉ rõ, công tác quản lý nhà đất, xây dựng, nhân khẩu của thành phố và chính quyền phường Đa Kao, quận 1 lỏng lẻo.

Mặt bằng Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh được cho thuê sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Mặt bằng Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh được cho thuê sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Từ đó, dẫn tới việc cấp đất trái thẩm quyền, tự lấn chiếm xây dựng, mua bán, sang nhượng trái pháp luật của một số hộ dân, nhưng không được ngăn chặn kịp thời, không tiếp tục ký lại hợp đồng thuê nhà để thu tiền… Điều này để lại hậu quả và gây khó khăn cho việc di chuyển người dân ra khỏi khu vực.

Dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu khiến 227 hộ phải di dời và hiện vẫn còn 122 hộ đang khiếu nại. Trong quá trình triển khai, nhiều lần Ủy ban Nhân dân thành phố điều chỉnh đơn giá hỗ trợ, bồi thường, từ 200.000 đồng/m2 đến 48 triệu đồng/m2.

Theo phản ánh của một số người dân, nhiều người đã bàn giao nhà, di dời, nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù. Do dự án chuyển mục đích kinh doanh thương mại nên theo quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư phải tự thương lượng với người dân, nhưng thực tế không được tiến hành.

Trong khi người dân đang khiếu nại về chính sách bồi thường thì từ năm 2013, Ủy ban Nhân dân quận 1 xác nhận Công ty Bến Thành Sao Thủy đã hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đây là cơ sở để đến năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty Bến Thành Sao Thủy.

Thực địa dự án vẫn là khu đất bỏ hoang, bên ngoài được vây tôn cao kín. Phía trong cỏ mọc um tùm, một số máy móc thi công dang dở nằm phơi sương. Xung quanh khu vực dự án trở thành bãi đậu xe ô tô và tập kết rác, ảnh hưởng tới môi trường và mỹ quan đô thị.

Trải qua hơn 25 năm từ lúc có quy hoạch, khu đất vàng 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu với quy mô gần 1,8 ha tiếp mặt tiền đường Nguyễn Đình Chiều và Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 vẫn chưa thể hoàn tất công tác bồi thường, nguồn lực đất đai bị lãng phí, trong khi người dân tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện./.

Dự án 360 Xa lộ Hà Nội, quận 9 liên quan đến sai phạm chuyển nhượng đất công. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Dự án 360 Xa lộ Hà Nội, quận 9 liên quan đến sai phạm chuyển nhượng đất công. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Bài cuối: Siết chặt quản lý

Đất đai là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế-xã hội và cũng là lĩnh vực dễ nảy sinh tha hóa, tham nhũng. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo thành phố đã bị bắt, điều tra và xét xử trong các vụ vụ án kinh tế liên quan đến quản lý và sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Trước tình hình đó, cuối năm 2019, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ lập thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất 19 khu đất công (quy mô gần 34ha) và dự kiến đưa ra đấu giá 10 khu đất công (hơn 11ha).

Ban Thường vụ Thành ủy thành phố nhận định, thời gian qua việc quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước còn buông lỏng, thiếu sót, sai phạm như sử dụng không đúng mục đích, bị chiếm dụng, cho thuê, bán không đúng đối tượng, không đúng quy định.

Mặt bằng Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh bị cho thuê sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Mặt bằng Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh bị cho thuê sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Việc xác định giá thuê, giá trị bán để tham gia liên doanh, liên kết, cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển nhượng dự án không sát với giá thị trường, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước và có nơi tạo ra nhóm lợi ích để trục lợi.

Do khối lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố rất lớn, từ nhiều nguồn khác nhau, công tác quản lý, sử dụng được giao cho nhiều đầu mối, trong khi các quy định pháp luật về quản lý sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn khiến phát sinh nhiều sai phạm.

Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các cơ quan thành phố tiến hành kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà thuộc sở hữu nhà nước, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng.

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Nội chính và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy phối hợp với Thanh tra thành phố và các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp có biểu hiện tham nhũng trong quản lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đã ký ban hành kế hoạch thực hiện nhằm tổ chức kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.

Công trình xây dựng không phép tại khu đất công 360 - 360D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Công trình xây dựng không phép tại khu đất công 360 – 360D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Theo đó, trong năm 2020, thành phố sẽ hoàn tất việc kiểm kê, rà soát quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, xác định số lượng, loại hình, diện tích, vị trí, hồ sơ pháp lý, chủ thể quản lý, mục đích và hiện trạng sử dụng của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu là đảm bảo các cơ sở nhà, đất được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; kịp thời sắp xếp, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không có hiệu quả; thu hồi, xác lập sở hữu nhà nước các mặt bằng bỏ trống, nhà, đất có nguồn gốc sở hữu nhà nước đang bị chiếm dụng, chưa xác lập sở hữu để xác lập sở hữu, đưa vào diện quản lý.

Với chức năng, nhiệm vụ quản lý của từng sở, ngành, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát sau cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là các dự án đầu tư có sử dụng đất; rà soát các trường hợp thuê đất công giá thấp, không hợp lý, qua đó xây dựng giá cho thuê mới phù hợp quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm ra việc thu hồi, đấu giá các khu đất; rà soát, chuẩn bị quỹ đất thanh toán cho các dự án theo quy định tại Nghị định số 69/2014/QĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hợp đồng xây dựng-chuyển giao (dự án BT).

Đối với Sở Tài chính, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức đấu giá trường hợp cụ thể, phê duyệt dự toán và bố trí kinh phí thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất đối với 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ tại phường Bình Khánh, quận 2.

Mặt bằng Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh được cho thuê sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Mặt bằng Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh được cho thuê sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Sở Tài chính thành phố chịu trách nhiệm kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể cơ sở pháp lý đối với nhà, đất thu hồi do sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ là thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nào theo Luật Đất đai 2013 để cơ quan nhà nước lập phương án hỗ trợ tái định cư cho hộ dân di dời.

Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Xây dựng đánh giá tổng thể thực trạng, hiệu quả mô hình quản lý nhà nước trong công tác quản lý nhà, đất thuộc thẩm quyền, từ đó đề xuất mô hình quản lý thống nhất và sử dụng hiệu quả quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.

Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành giá biểu cho thuê nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích làm việc, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo sát với giá thị trường và theo quy định hiện hành.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, Sở sẽ lập thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất 19 khu đất (quy mô gần 34ha) và dự kiến đưa ra đấu giá 10 khu đất (hơn 11ha).

Sở cũng sẽ trình Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đấu giá 37 nền đất công hoán đổi tại quận 9.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan lập thủ tục thu hồi và thông báo thu hồi 8,6 ha tại phường Phú Hữu, quận 9 và giải quyết hồ sơ bồi thường có vướng mắc, khiếu nại tại dự án có quy mô 97 ha, phường Long Bình, quận 9.

Đối với công tác thu hồi đất, thành phố sẽ tiếp nhận 16 khu đất, lập thủ tục đo đạc 12 khu đất, tiếp tục thực hiện thủ tục thu hồi các khu đất thanh toán hợp đồng BT đối với các dự án trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, trong năm 2020, Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất theo Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội.

Dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu có nguồn gốc đất công được chuyển đổi cho doanh nghiệp tư nhân, hiện đang bỏ hoang. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Dự án 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu có nguồn gốc đất công được chuyển đổi cho doanh nghiệp tư nhân, hiện đang bỏ hoang. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Trọng tâm là việc thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất… tại 4 dự án lớn ở Hà Nội, 4 dự án lớn ở Bình Thuận, 1 dự án ở Lâm Đồng và 1 dự án ở Hòa Bình.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 3 dự án “rơi vào tầm ngắm” của Tổng cục Quản lý đất đai gồm dự án khu nhà ở Vạn Gia Phúc (quận 6) do Công ty trách nhiệm hữu hạn Quản lý bất động sản Hoàng Phúc làm chủ đầu tư; dự án khu nhà ở 1 Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) do Công ty trách nhiệm hữu hạn Bến Thành Sao Thủy làm chủ đầu tư và dự án Khu dân cư, du lịch văn hóa phường An Phú (quận 2) do Công ty trách nhiệm hữu hạn quốc tế Thế Kỷ 21 làm chủ đầu tư.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hy vọng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được quản lý, sử dụng chặt chẽ, đúng quy định, tránh gây thất thoát tài sản, nhưng cũng tạo nguồn ngân sách để nhà nước thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội./.

Trụ sở SAGRI, nơi xảy ra những sai phạm trong việc cho thuê đất công sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Trụ sở SAGRI, nơi xảy ra những sai phạm trong việc cho thuê đất công sai quy định. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)