Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là nhiệm vụ quan trọng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần hiện thực hóa nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đóng góp thiết thực cho hòa bình và an ninh khu vực; đề cao luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Để góp phần làm rõ hơn những kết quả trong hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng như phương hướng triển khai, hợp tác thời gian tới, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện loạt 3 bài viết: “Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc – Dấu ấn và tương lai.”

Bài 1: Điểm sáng của đối ngoại quốc phòng Việt Nam

Là cơ chế đặc biệt trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ra đời từ năm 1948, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được thể hiện dưới hình thức các Phái bộ, triển khai tại các khu vực đã tạm dừng xung đột hoặc đã có thỏa thuận hòa bình để gìn giữ hòa bình tại khu vực này.

Đối với Việt Nam, ngay từ thập niên 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đã bắt đầu thể hiện trách nhiệm đối với nỗ lực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thông qua việc đóng góp tài chính cho các hoạt động này.

Đại diện các nước dự phiên họp chúc mừng Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc với số phiếu gần tuyệt đối. (Ảnh: TTXVN)
Đại diện các nước dự phiên họp chúc mừng Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc với số phiếu gần tuyệt đối. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 7/6/2019 đánh dấu một sự kiện quan trọng khi lần thứ hai Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn trở thành Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu cao kỷ lục 192 trong tổng số 193 nước thành viên.

Đây là sự ghi nhận quan trọng, sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và những đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Một trong những việc làm cụ thể của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là việc Quân đội nhân dân Việt Nam chủ động tham gia đóng góp tích cực vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Góp phần đề cao hình ảnh đất nước yêu chuộng hòa bình

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…”

Cán bộ chiến sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 báo công dâng Bác tại Bến Nhà Rồng. (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ chiến sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 báo công dâng Bác tại Bến Nhà Rồng. (Ảnh: TTXVN)

Chủ trương này cũng thể hiện trong Chiến lược Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo đường lối của Đảng, được nêu rõ trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “…giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.”

Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tăng cường lòng tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình…” và “Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.”

Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 trên máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 Globemaster III của Không quân hoàng gia Australia lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 trên máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 Globemaster III của Không quân hoàng gia Australia lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tháng 12/2013, Đề án Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngay sau đó, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã được thành lập ngày 27/5/2014.

Để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ công tác, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, ra mắt vào tháng 1/2018, song song với việc tổ chức chuyển giao Tổ công tác liên ngành về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng.

Từ khi thành lập đến nay, cơ quan này đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sỹ quan; triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các Phái bộ.

Sau 5 năm, Việt Nam đã triển khai hàng trăm quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó có 43 lượt sỹ quan đi làm nhiệm vụ trên cương vị cá nhân và 126 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc biên chế của của hai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quyết định của Chủ tịch nước cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quyết định của Chủ tịch nước cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là hình thức triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình cấp đơn vị đầu tiên của Việt Nam tại một Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 10/2018 tại Nam Sudan, sau hơn 12 tháng hoạt động, Bệnh viện đã thu dung, điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân; được đánh giá cao về kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Sau 5 năm, Việt Nam đã triển khai hàng trăm quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc,thuộc biên chế của của hai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình và Cố vấn Quân sự tại Sở Chỉ huy Liên hợp quốc tại New York gửi thư cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1.

Thực hiện Nghị quyết của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong 5 năm qua, Việt Nam đã cử 3 sỹ quan nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình theo hình thức cá nhân và 20 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2, cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do Liên hợp quốc đưa ra, được Liên hợp quốc hết sức ghi nhận.

Tại địa bàn Phái bộ, các sỹ quan Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong số hơn 30 lượt sỹ quan đã kết thúc nhiệm kỳ công tác, 7 sỹ quan đã hoàn thành ở mức xuất sắc, phát huy tốt phẩm chất và truyền thống của người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam – “Bộ đội Cụ Hồ”; góp phần đề cao hình ảnh đất nước, dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình và được Liên hợp quốc đánh giá cao và tặng thưởng Huân chương Vì sự nghiệp hòa bình.

Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN)

Đánh giá về hiệu quả công tác của sỹ quan Việt Nam tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo về việc Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khẳng định, Quân đội Việt Nam luôn rất chủ động, sẵn sàng, thích ứng tốt với nhiệm vụ giúp đỡ các nước khác củng cố hòa bình, tái thiết đất nước.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: “Điều này được thể hiện trong 5 năm vừa qua, các sĩ quan của Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ ở các cương vị khác nhau đều thực hiện xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, sỹ quan Việt Nam không vi phạm các quy định, kỷ luật của Liên hợp quốc. Điều này không dễ dàng đạt được khi hoạt động ở những môi trường phức tạp.”

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho rằng, hiếm có lực lượng quân sự nào lại có tác phong gần dân, biết tận dụng hậu cần tại chỗ, biết chia sẻ những khó khăn, nỗi đau của nhân dân như Quân đội Việt Nam.

Người đứng đầu Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định, những sự gần gũi nhỏ bé đó đã tạo nên một nét đặc trưng của sỹ quan Việt Nam, những người sỹ quan sống trong lòng dân, luôn luôn cố gắng tạo ra môi trường hòa hiếu, có cử chỉ nhân ái trong một hoạt động mang tính nhân đạo, nhân văn rất cao như hoạt động gìn giữ hòa bình.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam báo cáo thành tích của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam báo cáo thành tích của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Kinh nghiệm các sỹ quan Việt Nam đã tích lũy được qua quá trình công tác tại các Phái bộ là những kinh nghiệm rất mới, mang tính thực tế cao, gây được ấn tượng sâu sắc đối với lực lượng quân đội của các nước đối tác đang công tác cùng địa bàn, đồng thời để lại dấu ấn rất mạnh mẽ về hình ảnh của người lính Cụ Hồ trong lòng nhân dân Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Theo đúng tinh thần của Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Đề án Quân đội tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam vẫn đang tích cực chuẩn bị những bước đi cần thiết cho Đội Công binh để thời gian tới sẵn sàng triển khai tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc phù hợp.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong gìn giữ hòa bình

Trên cơ sở huấn luyện về gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam thời gian qua và qua kiểm tra thực tế, tháng 6/2018, Liên hợp quốc đã công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo chương trình Đối tác 3 bên (Việt Nam, Liên hợp quốc và một nước đối tác).

Việc Việt Nam được lựa chọn trở thành địa điểm huấn luyện các lực lượng gìn giữ hòa bình cho Liên hợp quốc tại Đông Nam Á một lần nữa cho thấy đánh giá cao của Liên hợp quốc đối với  kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.

Trong hai năm 2018, 2019, Việt Nam đồng chủ trì với Liên hợp quốc và Nhật Bản tổ chức hai khóa huấn luyện vận hành trang bị công binh hạng nặng cho các lực lượng của Việt Nam và các nước trong khu vực. Đặc biệt, Liên hợp quốc đã chọn Việt Nam là địa điểm đăng cai tổ chức nhiều khóa tập huấn.

Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN)

Việc Việt Nam được lựa chọn trở thành địa điểm huấn luyện các lực lượng gìn giữ hòa bình cho Liên hợp quốc tại Đông Nam Á một lần nữa cho thấy đánh giá cao của Liên hợp quốc đối với những cam kết và kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu-EU tháng 8/2018, EU chính thức mời Việt Nam cử cán bộ tham gia đội giảng viên huấn luyện cơ động tại một số Trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của EU tại Trung Phi, Somalia, Mali hoặc tại một số nước châu Âu.

Ngày 26/4/2019, tại Bang Kok (Thái Lan), Việt Nam đã nhận bàn giao cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm Gìn giữ hòa bình khu vực châu Á-Thái Bình Dương (AAPTC) năm 2020 từ nước chủ nhà Thái Lan trong khuôn khổ Hội thảo, Hội nghị thường niên AAPTC.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận cương vị này kể từ khi chính thức tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2014 và là một thành viên của AAPTC.

Thông qua hợp tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng được nâng cao, trở thành một trong những điểm sáng trong công tác đối ngoại quốc phòng.

Xác định sự hỗ trợ của quốc tế, bao gồm Liên hợp quốc và các nước đối tác là một nhân tố quan trọng, đóng góp vào công tác chuẩn bị lực lượng và triển khai thành công đến các Phái bộ, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký 9 Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với các nước đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, và một Bản ghi nhớ với Liên hợp quốc về triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại Nam Sudan; ký thành công Hiệp định khung Việt Nam và Liên minh châu Âu (FPA) liên quan đến các hoạt động quản lý khủng hoảng, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ trên các diễn đàn đa phương về việc đồng đăng cai các hội nghị quan trọng về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Hợp tác quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã hỗ trợ thu hút nguồn lực, nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.

Nhiều nước đối tác hỗ trợ Việt Nam về huấn luyện-đào tạo, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện, vận chuyển người và trang bị sang phái bộ…

Trong nhiệm kỳ Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng Việt Nam dự kiến sẽ tham gia hoặc đồng tổ chức một số hoạt động như Hội nghị trù bị cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng về gìn giữ hòa bình; Hội thảo quốc tế về đối tác công nghệ trong gìn giữ hòa bình lần thứ 6; phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức Hội nghị quốc tế “Phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”./.

Ngày 29/11/2019, 31 cán bộ, chiến sỹ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam về đến Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia công tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: Xuân Khu/TTVXN)
Ngày 29/11/2019, 31 cán bộ, chiến sỹ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam về đến Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia công tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: Xuân Khu/TTVXN)

Bài 2: Tết cổ truyền ở Trung Phi

của những người lính mũ nồi xanh Việt Nam

Sống tại những vùng đất còn bất ổn, khó khăn, làm việc trong môi trường đa quốc gia, phải đối mặt với nguy hiểm…, song trở thành sỹ quan gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc luôn là nhiệm vụ mang tới những trải nghiệm khó quên cho những người lính Việt Nam.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất, khắc phục hoàn cảnh để hoàn thành tốt công việc được giao.

Câu chuyện được chia sẻ từ những sĩ quan trở về từ Phái bộ gìn giữ hòa bình MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi) sẽ phần nào đem tới hình dung rõ hơn về cuộc sống của người lính mũ nồi xanh Việt Nam ở một đất nước xa xôi.

Tự hào khi được đóng góp cho hòa bình thế giới

Thiếu tá Đinh Đức Long là trợ lý huấn luyện của Phòng Huấn luyện tại Sở Chỉ huy Phái bộ gìn giữ hòa bình MINUSCA, Cộng hòa Trung Phi từ 6/2017-6/2018.

Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/ TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/ TTXVN)

Công việc cụ thể của Thiếu tá Long ở Phái bộ là phụ giúp cho Trưởng Phòng Huấn luyện tại Sở Chỉ huy, đảm nhiệm các công việc liên quan đến tổ chức các khóa huấn luyện tại Phái bộ, kiểm tra công tác huấn luyện của các đơn vị căn cứ theo yêu cầu của Phái bộ cũng như nhu cầu của đơn vị; phối hợp với các phòng ban liên quan trong phái bộ để tổ chức, giám sát, kiểm tra về huấn luyện tất cả các nhiệm vụ huấn luyện trên toàn Phái bộ.

Chia sẻ những câu chuyện thực tế trong quá trình đảm nhận nhiệm vụ, tương tác với cộng sự khi làm việc, Thiếu tá Long cho biết, đặc điểm của sỹ quan huấn luyện là phải tiếp xúc với rất nhiều người, do yêu cầu bắt buộc là tất cả sĩ quan khi bắt đầu tới Phái bộ đều phải trải qua cuộc kiểm tra về kiến thức, chuyên môn và ngoại ngữ tại phòng huấn luyện.

Sỹ quan huấn luyện là cầu nối trung gian để liên hệ giữa các bên trong việc tổ chức các lớp học tại Phái bộ. “Cán bộ, nhân viên và đồng nghiệp ở Phái bộ luôn có thiện cảm với sỹ quan Việt Nam, bởi sỹ quan của ta rất có trách nhiệm trong công việc, gần như mọi nhiệm vụ được giao phó đều hoàn thành một cách tốt nhất, lại luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Có người còn nói rằng: Cứ có việc gì khó thì đưa ra với sỹ quan Việt Nam, thế nào cũng giải quyết được,” anh Long nhớ lại.

Tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), các sỹ quan gìn giữ hòa bình đều ở nhà công vụ nằm trong doanh trại. Tuy nhiên, tại Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), do điều kiện thực tế, Thiếu tá Long và đồng nghiệp đều ở nhà thuê bên ngoài của người dân.

Các chiến sỹ “mũ nồi xanh” Việt Nam thực hành diễn tập mô phỏng trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: Nguyễn Xuân Khu/TTXVN)
Các chiến sỹ “mũ nồi xanh” Việt Nam thực hành diễn tập mô phỏng trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: Nguyễn Xuân Khu/TTXVN)

Một số khu vực sẽ được kiểm tra và thông báo an toàn để lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình có thể tới liên hệ thuê nhà. Sống cùng với người dân địa phương, Thiếu tá Long và các đồng nghiệp có nhiều điều kiện tiếp xúc gần gũi với họ.

Trong ấn tượng của anh, người dân nơi đây rất thân thiện, thường xuyên vẫy tay chào, hỏi thăm khi thấy bộ đội Việt Nam đi ngang qua.

Ngoài giờ làm việc hành chính, các sỹ quan gìn giữ hòa bình tận dụng khoảng thời gian được nghỉ để ra ngoài mua thực phẩm hay những vật dụng cần thiết. “Thời gian đầu đúng là phải giao tiếp bằng tay để mua đồ ăn thức uống vì người dân hầu hết đều nói tiếng địa phương, ví dụ chỉ con gà hỏi bao nhiêu, rồi giơ ngón tay chỉ 3 hay 4… Họ cũng có siêu thị nhưng hầu hết là hàng ngoại nhập nên giá cả thường rất đắt, trong khi chúng tôi phải cố gắng tiết kiệm,” – Thiếu tá Long chia sẻ.

Đặc biệt, những thời điểm khi xảy ra xung đột, các anh bắt buộc không được ra ngoài và lựa chọn “sáng giá” nhất khi đó là… mì gói.

“Trong quá trình một năm công tác, chúng tôi có khoảng hai lần phải ở trong nhà hoàn toàn như vậy, mỗi lần khoảng 3 – 4 ngày, nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài, phải có xe bọc thép hộ tống ”- anh Long cho biết.

Nữ quân nhân lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Nữ quân nhân lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bên cạnh những niềm vui, những câu chuyện thú vị, người sỹ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam nhớ mãi một kỷ niệm khiến anh day dứt. “Có lần, chúng tôi ra ngoài, đang đi trời mưa to. Chúng tôi thấy bên đường có em bé chỉ độ 3-4 tuổi, cứ đi một mình dưới mưa. Khi đó, ba anh em đều cảm thấy khó xử.

Quy định của Liên hợp quốc là không cho phép đưa người dân lên xe bởi trong điều kiện ở một đất nước an ninh thiếu ổn định, bất kỳ điều gì cũng có thể dẫn tới những nguy cơ. Song nhìn đứa trẻ còn quá nhỏ đi bộ dưới trời mưa tầm tã, mọi người đều không khỏi chạnh lòng. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chạy xe chậm theo đằng sau để thấy em bé về tới nhà an toàn rồi mới an tâm đi tiếp.”

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, Thiếu tá Long không khỏi tò mò, háo hức và mong muốn có được góc nhìn mới, trải nghiệm mới ở một đất nước xa xôi.

“Thế nhưng, khi tới Cộng hòa Trung Phi, một đất nước với tình trạng kinh tế đói nghèo, giao tranh, xung đột và bất ổn, mình thực sự cảm kích với những gì mình đã có được như ngày hôm nay. Ở Việt Nam, người dân có được sự an toàn, ổn định cuộc sống để làm ăn và phát triển kinh tế, cho con cái học hành.”

Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/ TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/ TTXVN)

Anh cảm thấy tự hào khi mình được góp phần đại diện cho Việt Nam làm việc và phục vụ cho hòa bình thế giới: “Có thể đóng góp của mình rất nhỏ bé thôi nhưng ít ra mình cũng đã góp phần giúp đỡ một đất nước trên con đường tiến tới hòa bình và tự do.”

Cũng như Thiếu tá Nguyễn Đức Long, công việc của Thiếu tá Bùi Xuân Dương là trợ lý cho Phòng Huấn luyện tại Phái bộ MINUSCA. Là một sỹ quan tham mưu cho công tác huấn luyện, hằng ngày, anh cùng đồng nghiệp lập kế hoạch, triển khai việc huấn luyện, kiểm tra huấn luyện đối với hai đối tượng là cá nhân và đơn vị.

Sự nghèo đói và khó khăn cũng là ấn tượng rõ ràng nhất của Thiếu tá Bùi Xuân Dương khi chứng kiến cuộc sống của người dân Cộng hòa Trung Phi. “Trụ sở của Phái bộ MINUSCA đặt ở thủ đô của đất nước. Cuộc sống cũng rất nghèo, đường sá đi lại chỉ là đường đất, song dù sao cũng có hình hài của tổ chức chính quyền nhà nước. Nhưng trong một lần đi kiểm tra công tác huấn luyện tại đơn vị, phải di chuyển bằng trực thăng tới nơi rất xa, tôi còn cảm thấy bất ngờ hơn. Vùng đất nơi chúng tôi đến, cuộc sống của người dân chỉ mang tính chất như những bộ lạc được thấy qua phim ảnh. Nhà cửa toàn bộ là nhà tranh vách đá, không có bất cứ sự kiên cố nào.”

  • ttxvn3112lh-1577772200-31.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772233-94.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772254-87.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772273-65.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772295-38.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772319-43.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772347-84.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772367-39.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772388-2.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772403-2.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772420-61.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772443-34.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772464-48.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772490-42.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772529-46.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772551-2.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772571-87.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772602-9.jpg
  • ttxvn3112lh-1577772617-95.jpg

Nhớ lại về kỷ niệm đó, Thiếu tá Dương trầm giọng: “Trước khi sang, tôi chưa từng tưởng tượng được những điều đó, một đất nước rất rộng, diện tích gấp khoảng 4-5 lần diện tích Việt Nam, nhưng dân số chỉ có 5 triệu người, bằng gần 1/20 của mình. Tối đến, khi đi tuần, cảnh tượng thường thấy là mỗi đại gia đình khoảng 20 người ngồi vây quanh đống lửa, chỉ có vài mảnh chăn mỏng. Căn nhà chỉ là túp lều khoảng 10m2 được dựng lên.”

Ở Trung Phi, lương thực chính của người dân là sắn. Do đặc thù đất nước đang nội chiến, họ không thể ổn định canh tác, nay đây mai đó để tránh xa khỏi vùng chiến sự. Liên hợp quốc có hỗ trợ lương thực cho người dân nhưng với những vùng xa xôi, không thể đủ giải quyết toàn bộ nhu cầu.

Làm việc tại một đất nước thường xuyên xảy ra giao tranh, nội chiến, chỉ khi người lính hoàn thành nhiệm vụ, trở về nước mới có thể xác định được mình đã tuyệt đối an toàn. Không ai có thể biết chắc chắn được điều gì sẽ xảy đến với mình ngày mai.

“Ai đi cũng không bao giờ mong muốn điều gì bất trắc xảy ra với mình, nhưng đã đi làm nhiệm vụ là phải xác định là mình có thể sẽ rơi vào tình huống giao tranh. Đó là điều phải chấp nhận. Quan trọng là chúng tôi phải chấp hành những nguyên tắc. Vùng an ninh của Phái bộ được đánh dấu mức độ kí hiệu qua màu sắc, vùng xanh là vùng an toàn, vùng vàng là có bất trắc và vùng đỏ là vùng nguy hiểm. Khi tới làm việc ở những khu vực được đánh dấu là vùng vàng và vùng đỏ, quy định là phải mặc áo giáp và đội mũ bảo hiểm. Mình luôn phải tự bảo vệ bản thân trước khi chờ đợi sự bảo vệ của lực lượng an ninh Liên hợp quốc,” anh Dương chia sẻ.

Tết xa quê của những người lính mũ nồi xanh Việt Nam

Tác phong gần dân là một trong những điểm dễ nhận thấy ở người lính Bộ đội cụ Hồ, điều này thể hiện rõ nét ở sự thân thiện của sĩ quan Việt Nam tại các Phái bộ.

Chiến sỹ tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan trở về trong vòng tay chào đón của người thân và gia đình. (Ảnh: Xuân Khu/TTVXN)
Chiến sỹ tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan trở về trong vòng tay chào đón của người thân và gia đình. (Ảnh: Xuân Khu/TTVXN)

Thiếu tá Đinh Đức Long nhớ lại: “Các đồng chí Việt Nam gần như ai cũng để lại ấn tượng tốt cho bạn bè quốc tế, không chỉ với người dân mà với tất cả cán bộ, nhân viên trong Phái bộ. Họ cũng rất yêu thích món ăn Việt Nam, gần như là ai cũng cũng có hiểu biết nhất định về một vấn đề nào đó về Việt Nam.”

Vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, anh cũng đã cùng với hai sĩ quan Việt Nam tìm tòi nguyên vật liệu để gói bánh chưng, rán nem và có mời đồng nghiệp trong Phái bộ cũng như người dân gần đó cùng thưởng thức.

“Vị Trưởng phòng Huấn luyện người Serbia rất thích những món ăn của Việt Nam, dù chúng tôi nấu nướng chưa được tròn vị lắm, nhưng được cái là lạ” – anh Long cười nói.

“À, cà phê của Việt Nam thì nổi tiếng luôn!” – Thiếu tá Long bắt đầu câu chuyện ẩm thực với dòng suy nghĩ mới về một kỷ niệm vui tại Phái bộ MINUSCA: “Đợt 22/12, chúng tôi có xin phép Phái bộ làm một lễ kỷ niệm nhỏ trong Phòng giao ban, cũng là để giới thiệu về Ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi nói chuyện, câu hỏi đầu tiên chúng tôi nhận được là: “Các anh sẽ mời càphê chứ?”, bởi người phương Tây thường rất thích uống càphê, và càphê Việt Nam thơm nức mũi, cho nên cứ pha càphê là biết ngay càphê Việt Nam.”

Tết cổ truyền Việt Nam ở Cộng hòa Trung Phi là một kỷ niệm khiến Thiếu tá Dương nhớ mãi: “Khi đón Tết xa nhà, chúng tôi không được nghỉ làm việc, vì chỉ là Tết của mình thôi, không phải ngày nghỉ ở đất nước họ. Tuy nhiên, anh em cũng cố gắng để đem tới một chút hơi ấm của quê hương ở đó.”

Một bàn thờ nhỏ với tượng Bác, ảnh Bác, cờ Tổ quốc và mâm ngũ quả đã được các anh cố gắng sắp xếp. “Mâm ngũ quả có chuối, cam, táo và hai loại quả địa phương mà mình cũng không biết tên, chỉ biết cố gắng đủ năm loại để gọi là ngũ quả. Ngoài ra, chúng tôi có nấu xôi và một con gà để cúng Giao thừa,” anh Dương kể.

Dịp Tết đó, nỗi nhớ nhà của Thiếu tá Dương cũng được vơi đi phần nào khi ở Việt Nam, Cục Gìn giữ hòa bình có tổ chức một sự kiện “cầu truyền hình” kết nối người thân và các sĩ quan gìn giữ hòa bình đang công tác ở các Phái bộ: “Khi đó, vô cùng xúc động, dù chênh lệch múi giờ, khi ở Việt Nam là đêm Giao thừa, ở bên này tầm 3 giờ sáng, nhưng được nói chuyện với gia đình qua một chương trình ý nghĩa, chúng tôi đều cảm thấy được động viên rất nhiều, dù bình thường vẫn duy trì được liên lạc, nhưng trong hoàn cảnh là Tết cổ truyền, lại phải xa nhà và nhìn thấy vợ con qua màn hình nhỏ vẫn tạo nên sự xúc động riêng.”./.

Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc của Chủ tịch Nước tặng cho Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc của Chủ tịch Nước tặng cho Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Bài 3: Tiếp tục mở rộng các hình thức

tham gia gìn giữ hòa bình

Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chính. Bối cảnh của thế kỷ XXI đặt ra những nhiệm vụ và yêu cầu ngày càng cao hơn, đòi hỏi trách nhiệm, sự cam kết tham gia của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình.

Do đó, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, đồng thời chuẩn bị tốt cho việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo lộ trình đã được xác định là đòi hỏi cần thiết, góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam; từ đó tạo thêm điều kiện, môi trường thuận lợi để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước, thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ xa.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam động viên cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 trước khi sang Phái bộ Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam động viên cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 trước khi sang Phái bộ Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Để làm rõ hơn hướng đi tiếp theo của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn với Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) về việc tiếp tục tham gia có hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần trực tiếp nâng cao vị thế quân đội, bảo vệ lợi ích quốc gia.

– Thưa Thiếu tướng, năm 2019 đã sắp kết thúc. Trên cương vị là lãnh đạo của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Thiếu tướng có thể điểm lại những thành tựu, kết quả nổi bật của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam năm qua?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Trong năm qua, lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Việt Nam đã ghi dấu ấn rất lớn khi lần đầu tiên triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1.

Đây là hình thức đơn vị đầu tiên sau 4 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trước đó, Việt Nam đã triển khai lực lượng là cá nhân là những điều phối viên, quan sát viên, sỹ quan liên lạc hoặc sỹ quan tham mưu, tuy nhiên mới chỉ mang tính hoạt động đơn lẻ.

Chiến sỹ lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam giới thiệu mô hình triển khai bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: Nguyễn Xuân Khu/TTXVN)
Chiến sỹ lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam giới thiệu mô hình triển khai bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: Nguyễn Xuân Khu/TTXVN)

Song song với hình thức đơn vị trong lĩnh vực đảm bảo y tế, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam phải đảm trách một lĩnh vực hoạt động riêng biệt và luôn phải chủ động để triển khai và triển khai tốt theo đòi hỏi của Liên hợp quốc.

Việc đảm bảo y tế cho các lực lượng tham gia ở Phái bộ, cán bộ, nhân viên Liên hợp quốc, các lực lượng trong đoàn ngoại giao hay cho quan chức của Chính phủ địa phương đều là những nhiệm vụ rất cụ thể, đòi hỏi phải thực sự có kỹ năng.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 phải độc lập hoạt động dưới yêu cầu và đánh giá khắt khe của Liên hợp quốc về năng lực, nhưng đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Kết quả đó đánh dấu sự trưởng thành của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, khẳng định là sỹ quan của Việt Nam không chỉ làm tốt trên cương vị là cá nhân ở các Phái bộ như trước đây mà khi triển khai dưới cấp độ đơn vị chúng ta cũng đã và đang làm tốt.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 vừa rồi đã hoàn thành nhiệm vụ, kết thúc một năm làm việc và đã được Liên hợp quốc trao tặng 63 Huy chương Vì sự nghiệp Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; 4 đồng chí được tặng Bằng khen do đã có những thành tích xuất sắc.

Cán bộ chiến sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 báo công dâng Bác tại Bến Nhà Rồng. (Ảnh: TTXVN)
Cán bộ chiến sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 báo công dâng Bác tại Bến Nhà Rồng. (Ảnh: TTXVN)

Tập thể Bệnh viện được Phái bộ của Liên hợp quốc tại Nam Sudan tặng Bằng khen về thành tích hoạt động, hai lần nhận thư khen của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Cố vấn của Tổng thư ký Liên hợp quốc về năng lực, trình độ.

Đặc biệt, điểm nhấn trong những thành tích của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam là đã thu dung và điều trị tới 2.022 bệnh nhân trong hơn một năm.

Từ trước đến nay ở Nam Sudan chưa có Bệnh viện cấp 2 nào tương đương thực hiện được kết quả đó như Bệnh viện của Việt Nam. Thông thường, con số này chỉ ở mức 200 bệnh nhân.

Phát biểu tại Lễ trao Huy chương tặng lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, ngài Chỉ huy của Phái bộ có nói rằng “Từ trước đến nay chưa có một bệnh viện nào đạt được kỷ lục này và không có bệnh viện dã chiến cấp 2 nào tốt hơn bệnh viện của Việt Nam ở Nam Sudan.”

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam báo cáo thành tích của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam báo cáo thành tích của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Đây là một niềm vinh dự rất lớn đối với Cục Gìn giữa hòa bình Việt Nam nói chung và đối với các lực lượng tham gia nói riêng.

Một kết quả quan trọng khác là việc mở rộng hình thức tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Việt Nam đã được Liên hợp quốc đề nghị mở rộng thêm việc triển khai trên các cương vị sĩ quan tham mưu, sỹ quan phân tích tình báo và các vị trí sĩ quan huấn luyện tại địa bàn.

Hiện lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình triển khai theo hình thức cá nhân của Việt Nam ở hai Phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi đã lên tới 11 đồng chí.

Được sự đồng ý của cấp trên, một số đồng chí đã có kinh nghiệm công tác ở Phái bộ đã ứng thi vào các tổ chức của Liên hợp quốc. Vừa qua, một đồng chí đã vượt qua cả ba kỳ thi của Liên hợp quốc và được Liên hợp quốc chọn trở thành sỹ quan đầu tiên của Việt Nam làm việc trong cơ quan của Liên hợp quốc.

Đây cũng là điều rất đáng mừng. Chúng tôi coi đây là một bước trưởng thành quan trọng của các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

– Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về nước và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã tiếp nối lên đường triển khai nhiệm vụ. Ông có mong mỏi cũng như kỳ vọng như thế nào về hoạt động của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Sau khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam thành công trở về, được Liên hợp quốc đánh giá cao, trên cương vị là Cơ quan quản lý, chỉ huy điều hành Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, mong muốn của chúng tôi là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sẽ đạt được kết quả tương đương hoặc nếu tốt hơn, sẽ là điều rất may mắn và đáng mừng. Chúng tôi tin tưởng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sẽ đạt được những kết quả mong đợi, bởi lực lượng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 được huấn luyện dài ngày hơn, có năng lực tiếng Anh rất tốt.

Các bác sỹ, y tá, nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 là những người đã được trải nghiệm qua thực tiễn ở các bệnh viện ở phía Bắc. Họ được đào tạo trong môi trường Học viện Quân y và rất nhiều người trong số đó đã được trải nghiệm công tác tại bệnh viện ở các cấp chiến dịch hay là bệnh viện dã chiến.

Với kinh nghiệm của họ kết hợp với kinh nghiệm thực tế được truyền đạt từ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, cùng với cơ sở vật chất mà Bệnh viện cấp 2 số 1 đã để lại, tôi cho rằng rất có nhiều cơ sở để Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong một năm theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng như yêu cầu của Liên hợp quốc.

– Thưa Thiếu tướng, trên đà phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ có định hướng và những bước đi như thế nào để tiếp tục gặt hái được thành quả mong đợi?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng các hình thức tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, có thể là ứng thi vào các vị trí dân sự ở các phái bộ.

Các chiến sỹ “mũ nồi xanh” Việt Nam diễn tập xử lý tình huống y tế trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: Nguyễn Xuân Khu/TTXVN)
Các chiến sỹ “mũ nồi xanh” Việt Nam diễn tập xử lý tình huống y tế trên bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: Nguyễn Xuân Khu/TTXVN)

Vừa qua, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã cử một lực lượng sang nghiên cứu ở địa bàn Mali về khả năng tham gia bằng hình thức cử máy bay trực thăng vận tải của Việt Nam sang tham gia ở Phái bộ này của Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nghiên cứu hình thức cử các sĩ quan làm nhiệm vụ bảo vệ, quân cảnh, đồng thời nghiên cứu đến phương án đưa thêm lực lượng cảnh sát, công an tham gia trong tương lai. Đây là những hoạt động được cho rằng sẽ cần mở rộng trong lĩnh vực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.

Trong môi trường đối ngoại quốc phòng, một trong những bước tiến bộ của Việt Nam là đã mở rộng hợp tác với Liên minh châu Âu (EU). Cộng đồng châu Âu với 28 quốc gia đều mong muốn Việt Nam có những hình thức hợp tác hiệu quả, phù hợp.

Vừa qua, Việt Nam đã ký một văn bản hợp tác với Liên minh châu Âu nhằm mục đích trao đổi chuyên gia. Đồng thời, Cục Gìn giữa hòa bình Việt Nam đã đón nhận một chuyên gia đại diện của EU sang Việt Nam làm việc tại Cục. Chúng tôi đang chuẩn bị từ 2-3 giáo viên dự kiến sẽ được cử sang huấn luyện – đào tạo cho các lực lượng của Phái bộ của EU tại châu Phi. Tôi cho rằng, đây là điều kiện tốt để chúng ta tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã được Liên hợp quốc lựa chọn là một trong bốn Trung tâm xuất sắc của châu Á để triển khai các khóa huấn luyện ba bên. Tháng 11/2018, khóa huấn luyện đầu tiên đã được chúng ta triển khai rất thành công.

Vừa qua, khóa huấn luyện thứ hai đã kết thúc tốt đẹp. Đoàn kiểm tra của Liên hợp quốc đánh giá năng lực của giáo viên, học viên và các trang bị của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu để triển khai các khóa quốc tế. Dự kiến đến tháng 2/2020, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đề nghị Việt Nam triển khai thêm khóa thứ ba về huấn luyện ba bên.

Tôi cho rằng, đây là những thành công rất đáng kể trong giai đoạn đầu 5 năm Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

– Trong năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch mạng lưới Trung tâm Gìn giữ hòa bình ASEAN. Vậy Việt Nam đã chuẩn bị những nền tảng cụ thể như thế nào để đảm nhận tốt vai trò này, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Năm 2020 là năm Việt Nam đảm nhận cương vị là Chủ tịch ASEAN, đồng thời cũng sẽ đảm nhận hai cương vị: Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm Gìn giữ hòa bình châu Á-Thái Bình Dương (AAPTC) và Chủ tịch Mạng lưới các trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN (APCN).

Đây là hai hội nghị vô cùng quan trọng của khu vực và của nội bộ ASEAN mà Việt Nam sẽ đảm nhiệm. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các nước và các cơ quan liên quan, nhất là Hội đồng thư ký của Hiệp hội các Trung tâm Gìn giữ hòa bình châu Á-Thái Bình Dương và Mạng lưới các trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN để làm tốt công tác chuẩn bị.

Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để đảm bảo triển khai tổ chức tốt hai hội nghị này, qua đó góp phần chứng minh Việt Nam không chỉ có đóng góp tốt trên thực địa mà còn đóng góp tích cực vào việc định hình các hoạt động trong khu vực và quốc tế trong tương lai.

– Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!./.

Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bô Quốc phòng chụp ảnh cùng nhóm nữ cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bô Quốc phòng chụp ảnh cùng nhóm nữ cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)