Bộ trưởng Y tế

“Ngành y tế có giai đoạn tôi cảm giác như một mớ bòng bong. Đó là việc như thiết lập đường dây nóng, thay đổi giá dịch vụ y tế, tự chủ bệnh viện đến vạch chỉ kẻ dẫn bệnh nhân hay việc kỷ luật cán bộ, loa gọi người bệnh…

Nhiệm vụ nhiều, mong muốn cao, thời gian ngắn, nguồn lực có hạn, sức con người hạn chế là vấn đề tôi luôn lo lắng…”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trải lòng về những tâm tư mà bà trăn trở trong 8 năm nắm giữ cương vị tư lệnh ngành.

Đụng chạm nhiều vấn đề “nóng”

Ngành y tế vốn được coi là lĩnh vực “nóng,” bởi nó tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của mọi người dân. Vì vậy, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhận được nhiều lời phàn nàn nhất về chất lượng dịch vụ mà đáng chú ý là tình trạng bệnh viện quá tải, chất lượng khám chữa bệnh chưa tốt, cơ sở hạ tầng xuống cấp…

Nhiều người sẽ biết tới nữ bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ qua những phát ngôn “ấn tượng,” song có thể ít biết bà là một trong những tư lệnh ngành chăm đi thị sát thực tế, từ những điểm nóng quá tải bệnh viện tại các thành phố hay những vùng xa xôi hẻo lánh.

Trong chuyến đi kiểm tra đột xuất tại nhiều bệnh viện, chứng kiến cảnh tượng bệnh nhân giữa thủ đô đi khám bệnh không có quạt, điều hòa trong tiết trời 36, 37 độ C dưới mái tôn nắng nóng, bà Tiến đã phải thốt lên: “Người bệnh khi đi khám bệnh đã bệnh, thêm nắng nóng không quạt điều hòa thì càng mệt hơn. Vì vậy, các bệnh viện phải bố trí thêm quạt, điều hòa ở các khu vực ngồi chờ cho bệnh nhân.”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trải nghiệm xếp số, làm thủ tục khi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trải nghiệm xếp số, làm thủ tục khi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn, quyết liệt phê phán: “Hiện nay bộ mặt khoa khám bệnh của một vài bệnh viện Trung ương hay một số bệnh viện tỉnh trông không bằng bệnh viện huyện. Có nhiều khoa khám bệnh hiện nay tồi tàn, để bệnh nhân phải chen chúc. Trong phòng bệnh nhìn thấy một hai người nằm ghép đã khổ rồi. Nhìn ra phòng khám bên ngoài thấy nhếch nhác, trên thì mái tôn, chen nhau chỗ vào, nóng bức chật chội chờ đến lượt. Những người già gặp cảnh ngộ trên rất tội nghiệp!”

Bà Tiến từng chia sẻ: “Bệnh nhân đông, việc lấy số cho các bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Có lần tôi đến một bệnh viện chứng kiến mọi người lấy số chờ khám tôi mới bất ngờ là có người được đánh số tới tận vài nghìn. Nếu thế bao giờ mới tới lượt khám? Đấy là bất cập. Chúng ta cần phải khắc phục ngay, không thể để tình trạng này kéo dài như thế được.”

“Có lần tôi đến một bệnh viện chứng kiến mọi người lấy số chờ khám tôi mới bất ngờ là có người được đánh số tới tận vài nghìn. Nếu thế bao giờ mới tới lượt khám? Đấy là bất cập. Chúng ta cần phải khắc phục ngay, không thể để tình trạng này kéo dài như thế được.”

Cũng có chuyến công tác lên các vùng cao như Chương trình khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho hơn 600 người dân tại huyện đặc biệt khó khăn của tình Điện Biên, đích thân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã vượt quãng đường hơn 600 km đường núi lên Trung tâm y tế huyện Mường Nhé để chỉ đạo thực hiện. Bộ trưởng cũng yêu cầu công tác y tế tại địa phương cần tập trung thêm đơn vị hồi sức sơ sinh, tăng cường hoạt động cô đỡ thôn bản, thường xuyên cử bác sỹ về hỗ trợ tại các trạm y tế ở xa, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường sống, phòng bệnh…

Chính những lần đi thực tế đó, với những gì chứng kiến và còn tồn tại ở các cơ sở y tế khiến bộ trưởng Tiến trăn trở phải có những hành động quyết liệt để tháo gỡ những nút thắt này.

Tư lệnh ngành y tế khảo sát sự hài lòng của người dân trong một lần đi thực tế cơ sở. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Tư lệnh ngành y tế khảo sát sự hài lòng của người dân trong một lần đi thực tế cơ sở. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Việc yêu cầu các bệnh viện phải đổi mới toàn diện bộ mặt bệnh viện đầu tiên là khoa khám bệnh, là thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sỹ và nhân viên y tế để nâng cao chất lượng khám bệnh chính là xuất phát từ thực tế này.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh ở các khoa khám bệnh thì yêu cầu tất cả các bệnh viện phải có bảng niêm yết giá các dịch vụ y tế, công khai giá dịch vụ và thay đổi chất lượng để giảm tình trạng nằm ghép giường bệnh. Chính vì vậy, Bộ quyết tâm đổi mới tình trạng nhếch nhác ở các bệnh viện, nhất là tại các khoa khám bệnh để người dân giảm bớt sự chờ đợi và chen chúc.

Có thể nhắc đến phát ngôn rất “trực diện” của Bộ trưởng Y tế khi đó: “Nhà vệ sinh bẩn tức là giám đốc (bệnh viện) bẩn, trưởng khoa bẩn!”. Vì vậy, các giám đốc bệnh viện cần nhanh chóng có một sự thay đổi, để người dân không còn “hãi hùng” khi vào nhà vệ sinh bệnh viện.

Khu vực nhà vệ sinh phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Nam Cu Ba Đồng Hới. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Khu vực nhà vệ sinh phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Nam Cu Ba Đồng Hới. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Cái được nhất là thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân”

Được và chưa được thì cần phải có quá trình nhìn nhận và tổng kết, song có một thực tế là trong 8 năm bà Tiến giữ vai trò Bộ trưởng, ngành y tế đã có sự thay đổi đáng ghi nhận. Bộ mặt các bệnh viện được thay đổi với những biển báo chỉ dẫn khoa phòng, có đường dây nóng phản ánh thông tin, thái độ phục vụ của nhân viên y tế thay đổi, tỷ lệ bệnh nhân nằm ghép giảm.

Các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế đều có sự đổi mới căn bản, nhất là về tổ chức hệ thống, tài chính y tế, khoa học công nghệ và thông tin y tế cũng như các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển.

Chính vì vậy, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế.

Bộ mặt các bệnh viện được thay đổi với những biển báo chỉ dẫn khoa phòng, có đường dây nóng phản ánh thông tin, thái độ phục vụ của nhân viên y tế thay đổi, tỷ lệ bệnh nhân nằm ghép giảm.

Chia sẻ về điều hài lòng nhất trong thời gian là tư lệnh ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay sau gần 2 nhiệm kỳ giữ chức vụ Bộ trưởng điều bà cảm thấy “được” nhất đó là việc thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân. Ngày 4/6/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định số 2151/QĐ-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh.

Nhân viên y tế chăm sóc,khám tận tình cho bệnh nhân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Nhân viên y tế chăm sóc,khám tận tình cho bệnh nhân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Sau một thời gian triển khai, nhân viên y tế được học kỹ năng giao tiếp, ứng xử các tình huống khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đồng thời quán triệt tư tưởng, thay đổi từ thái độ “ban ơn” sang thái độ “khách hàng là thượng đế”, chào đón bệnh nhân bằng nụ cười, đến chào hỏi, về cảm ơn.

Bên cạnh đó, ngành y tế đã và đang triển khai hàng loạt hoạt động để đổi mới đào tạo và quản trị nhân lực bệnh viện, xây dựng bệnh viện xanh – sạch – đẹp, bộ mặt bệnh viện rõ ràng là có những thay đổi đáng kể.

Kết quả đánh giá cho thấy bảo hiểm y tế đã lo cho cả người nghèo, người khó khăn thể hiện chính sách mua 100% mệnh giá bảo hiểm y tế cho người nghèo và 70% cho người cận nghèo.

Kết quả đánh giá cho thấy bảo hiểm y tế đã lo cho cả người nghèo, người khó khăn thể hiện chính sách mua 100% mệnh giá bảo hiểm y tế cho người nghèo và 70% cho người cận nghèo.

Cũng trong thời gian bà Nguyễn Thị Kim Tiến đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng ký Đề án giảm tải bệnh viện vào năm 2013. Trong 5 năm qua, cả nước đã có 23 bệnh viện hạt nhân và và 138 bệnh viện vệ tinh (tuyến tỉnh, huyện). Đã có 2.000 kỹ thuật được chuyển giao cho bệnh viện vệ tinh tuyến dưới với 10 chuyên khoa (ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc). Nhờ chuyển giao kỹ thuật thành công, 85% bệnh viện vệ tinh có xu hướng chuyển tuyến giảm. Nhiều chuyên khoa chỉ còn 1-2% chuyển tuyến.

Đổi mới hệ thống y tế cơ sở là một mục tiêu lớn ngành y tế đang triển khai. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Đổi mới hệ thống y tế cơ sở là một mục tiêu lớn ngành y tế đang triển khai. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Áy náy vì tạo áp lực cho anh em nhiều quá”

Khi được hỏi vì sao Bộ trưởng quyết tâm thực hiện những thay đổi trong công tác khám chữa bệnh? Bộ trưởng Tiến tâm sự: “Bất kỳ một công việc nào khi bắt đầu thay đổi cũng gặp nhiều chướng ngại, vất vả. Tuy nhiên, khi mình muốn có động lực làm việc thì phải đặt mình vào vị trí của người đó, mình mới thấy thấu khổ của dịch vụ mình chưa đạt được, để người bệnh bớt khổ. Tôi cũng xác định, nếu mình quyết tâm thì mình phải cố gắng.”

“Tôi nghĩ điều để lại nhất mình phải làm được cái gì, ít ra phải có sản phẩm gì để cho người dân và cho xã hội. Muốn vậy phải siêng nhặt chặt bị, như các bác sỹ, nhân viên y tế lấy cần cù bù thông minh. Hơn hết là trước một sự thay đổi cần phải có thời gian, luôn đặt niềm tin và nỗ lực hết sức, nhưng mà cũng phải có một chiến lược bài bản.”

“Để có được kết quả như ngày hôm nay, khi mới thay đổi, anh em toàn ngành bị áp lực công việc  rất kinh khủng. Nhiều lúc tôi rất áy náy vì tạo áp lực cho anh em nhiều quá, bởi phải thay đổi nhiều quá.”

Để làm được những điều đó, bà đã áp dụng khoa học quản lý để có hệ thống cấu trúc từng bước giải quyết sực việc nào trước, sự việc nào sau, học tập kinh nghiệm của nước ngoài để rút ngắn con đường. Bởi, bà muốn phải có những sản phẩm dù bé nhỏ nhưng có ích, không buông trôi.

Nữ Bộ trưởng cũng trải lòng: “Khi mới thay đổi, anh em toàn ngành từ các bệnh viện đến sở y tế và trạm y tế, bị áp lực công việc rất kinh khủng. Nhiều lúc tôi cũng thấy áy náy vì tạo áp lực cho anh em nhiều quá, bởi phải thay đổi nhiều quá. Nhưng đến lúc có kết quả thì giám đốc sở hay giám đốc các bệnh viện tỉnh, huyện đầu rất phấn khởi”.

Bác sỹ khám bệnh cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bác sỹ khám bệnh cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Trong năm 2019, Tạp chí Forbes Việt Nam chính thức công bố Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là 1 trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế lọt top 9 nữ chính trị gia có ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam 2019.

Vẫn còn trăn trở “không để ai lại phía sau”

Tạm gác lại những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết điều bà vẫn day dứt, trăn trở nhất khi rời vai trò tư lệnh ngành đó là làm sao đẩy mạnh y tế cơ sở để chăm sóc cho người khỏe có thể làm tốt hơn. Do vậy, ngành y tế đang tập trung làm tốt hơn y tế cơ sở và chăm sóc cho người dân: “Chính phủ quan điểm không để lại ai phía sau, người nghèo cũng được chữa bệnh”.

Theo Bộ trưởng Tiến, số người bị bệnh chỉ chiếm 5-10% dân số, còn lại chúng ta cần chăm sóc, dự phòng, phát hiện bệnh sớm và lối sống phòng bệnh, nhất là các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thu, cái đó phải gắn với y tế cơ sở, tiến tới y tế toàn dân – là mơ ước của Liên hợp quốc và y tế thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết điều bà vẫn day dứt, trăn trở nhất khi rời vai trò tư lệnh ngành đó là làm sao đẩy mạnh y tế cơ sở để chăm sóc cho người khỏe có thể làm tốt hơn.

Nhìn nhận về những kết quả mà Bộ trưởng Y tế đã làm được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Có thể nói, trong hơn 4 năm vừa qua, tư lệnh ngành y tế đã có sự thay đổi về chỉ đạo chuyên môn đưa lại được những kết quả quan trọng. Vẫn còn có những tồn tại, tuy nhiên thành tựu là cơ bản.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tập trung thay đổi nhận thức và y đức của ngành y tế, với quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm để phục vụ.

Bên cạnh đó, vị tư lệnh ngành cũng chú trọng phát triển chăm sóc sức khỏe ban đầu, tập trung chỉ đạo tuyến y tế cơ sở, y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cấp xã, huyện, từ đó giảm tải được tuyến y tế trung ương, tuyến trên đưa về tuyến dưới.

“Với 4 thành tựu như vậy, chúng ta thấy rằng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đem lại được sự hài lòng của người dân đối với bộ trưởng, ít có tiếng kêu ca phàn nàn,” ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Về nguồn nhân lực, Bộ trưởng Tiến đã triển khai đưa bác sỹ trẻ xuống cơ sở, đào tạo chuyển công nghệ từ tuyến huyện về tuyến xã, chăm lo phát triển nguồn nhân lực sâu sát với ngành.

“Với 4 thành tựu như vậy, chúng ta thấy rằng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đem lại được sự hài lòng của người dân đối với bộ trưởng, ít có tiếng kêu ca phàn nàn, còn nhưng ít và có thể nói, các đại biểu quốc hội không chỉ mình tôi mà nhiều đại biểu quốc hội người dân đánh giá Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những đóng góp hết sức mình cho nhiệm kỳ quốc hội khoá 14 – nhiệm kỳ của Chính phủ,” ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Nhìn lại toàn bộ gần 2 nhiệm kỳ giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế – một ngành luôn được coi là nóng khi liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã từng phải đón nhận không ít “búa rìu” từ dư luận. Trên cương vị người đứng đầu ngành y tế, bà đã nỗ lực không ngừng đổi mới để biến những “ác cảm” của bệnh nhân về xếp hàng khám chữa bệnh, về nhà vệ sinh bệnh viện… trong công tác khám chữa bệnh thành thiện cảm. Đó cũng là một dấu ấn rất riêng trong nhiệm kỳ làm tư lệnh ngành y tế của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến./.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sinh ngày: 01/8/1959

– Quê quán: Xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh

– Học hàm, học vị: Phó Giáo sư, Tiến sỹ Y khoa

– Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Khóa X, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XI

– Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII

01/2002 – 01/2007: Phó giáo sư (năm 2002); Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên ban chấp hành Đảng ủy Viện, Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ khối cơ sở Bộ Y tế…

4/2006 – 02/2011: Ủy viên dự khuyết ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X.

02/2007 – 8/2011: Thứ trưởng Bộ Y tế, Đại biểu quốc hội khóa XII.

Từ 5/2010 – nay: Bí thư Đảng ủy Cơ quan Bộ y tế.

01/2011 – 01/2016: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI.

5/2011 – 5/2016: Đại biểu quốc hội khóa XIII.

Từ 8/2011: Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đầu tháng 7/2019, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhận Quyết định của Bộ Chính trị bổ nhiệm làm Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương./.

Trong những chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thường dành một tình cảm đặc biệt với các bệnh nhân nhi. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong những chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thường dành một tình cảm đặc biệt với các bệnh nhân nhi. (Ảnh: PV/Vietnam+)