Xả súng ở New Zealand

Vụ tấn công vào hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand hôm 15/3 đã cướp đi sinh mạng của 50 người và khiến hàng chục người bị thương. Brenton Harrison Tarrant – kẻ theo chủ nghĩa bài Hồi giáo đã thực hiện và phát trực tiếp vụ thảm sát trên mạng xã hội.

Giờ phút kinh hoàng

Farid Ahmed đã mất đi người vợ của mình là Husna Ahmed, 45 tuổi, trong vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo Al Noor. Khi vụ tấn công xảy ra, hai người họ đã tách nhau ra để đi vệ sinh.

Tay súng đã phát trực tiếp vụ thảm sát trên mạng Internet, và sau đó, Ahmed đã thấy một đoạn video ghi lại cảnh vợ anh bị bắn. Một sỹ quan cảnh sát xác nhận rằng chị đã chết.

Bất chấp nỗi kinh hoàng này, Ahmed – quê gốc ở Bangladesh – vẫn cho rằng New Zealand là một đất nước tuyệt vời. “Tôi cho rằng một số người, một cách cố ý, họ đang tìm cách phá vỡ sự hài hòa mà chúng tôi có được ở New Zealand cùng với sự đa dạng ở đây,” anh nói. “Nhưng họ sẽ không chiến thắng. Họ sẽ không chiến thắng. Chúng tôi vẫn sẽ hòa hợp với nhau.”

Nghi phạm vụ xả súng tại Christchurch, New Zealand. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nghi phạm vụ xả súng tại Christchurch, New Zealand. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một nạn nhân khác, Syed Areeb Ahmed, 26 tuổi, mới chuyển nhà từ Karachi, Pakistan sang New Zealand để làm việc, giúp đỡ cho gia đình của anh ở quê nhà. Cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Pakistan đã thông báo với gia đình anh rằng Ahmed là một trong những người thiệt mạng trong vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo.

Một trong những người chú của anh, ông Muhammad Muzaffar Khan, kể lại rằng anh là một người rất mộ đạo, cầu nguyện 5 lần mỗi ngày. Nhưng giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu đối với anh, ông Khan cho biết.

Ahmed là con trai duy nhất trong gia đình và đã đến New Zealand để làm việc. “Giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu đối với nó,” ông Khan nói. “Gần đây, thằng bé đã tới New Zealand, nơi nó vừa có được một công việc. Thằng bé mới chỉ bắt đầu sự nghiệp của mình, nhưng kẻ thù đã cướp đi mạng sống của nó.”

Các thành viên gia đình, người thân và bạn bè của Ahmed đã tập trung tại nhà của anh để bày tỏ lòng tiếc thương. Di hài của anh dự kiến sẽ được chuyển về gia đình trong những ngày tới.

Farhak Ahsan, 30 tuổi, một kỹ sư phần mềm, đã chuyển đến New Zealand sinh sống cách đây 6 năm từ thành phố Hyderabad, Ấn Độ, nơi cha mẹ anh đang sống. Ahsan đã kết hôn và có một con gái 3 tuổi và một cậu con trai mới sinh.

“Chúng tôi đã nhận được hung tin,” cha của Ahsan, ông Mohammed Sayeeduddin, nói. Bạn bè và gia đình đã cố gắng liên lạc với Ahsan sau cuộc tấn công.

Người dân gần khu vực xảy ra vụ xả súng kinh hoàng. (Nguồn: Reuters)
Người dân gần khu vực xảy ra vụ xả súng kinh hoàng. (Nguồn: Reuters)

Một trường hợp khác, bốn trong số năm người con của Adan Ibrahin Dirie đã thoát khỏi cuộc tấn công, nhưng cậu con út, cậu bé Abdullahi Dirie, 4 tuổi, đã thiệt mạng, tờ New Zealand Herald dẫn lời chú của cậu bé, ông Abdulrahman Hashi, 60 tuổi, một nhà truyền giáo tại nhà thờ Hồi giáo Dar Al Hijrah ở Minneapolis.

Dirie cũng bị trúng đạn và phải nằm viện. Gia đình ông đã rời Somalia vào giữa những năm 1990 với tư cách người tị nạn và đã tái định cư ở New Zealand.

“Anh không thể tưởng tượng được tôi cảm thấy ra sao đâu,” ông Hashi nói.

Cậu bé Mucaad Ibrahim đã bị lạc trong cảnh hỗn loạn khi vụ nổ súng bắt đầu ở nhà thờ Hồi giáo Al Noor, khi anh trai Abdi của cậu chạy trốn và cha cậu giả vờ chết sau khi bị bắn.

Tờ New Zealand Herald cho biết gia đình đã tìm kiếm cậu bé một cách vô vọng ở bệnh viện Christchurch và sau đó đã đăng một bức ảnh của Mucaad, đang mỉm cười cùng với Abdi, với dòng chú thích: “Chúng ta thuộc về Chúa và sẽ trở về với Ngài. Sẽ rất nhớ em, em trai yêu quý.”

Abdi mô tả em trai mình là “đầy năng lượng, thích chơi đùa và rất thích cười,” thú nhận rằng cậu không cảm thấy điều gì khác ngoài “lòng căm thù” đối với kẻ đã giết em trai mình.

Mohammed Elyan, một người Jordan ở độ tuổi 60, người đồng sáng lập một trong những nhà thờ Hồi giáo vào năm 1993, là một trong số những người bị thương. Con trai Atta của ông, đang ở độ tuổi 30, cũng vậy.

Hình ảnh trích trong video do nghi phạm liên quan đến hai vụ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand, tự phát lên mạng xã hội Facebook ngày 15/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hình ảnh trích trong video do nghi phạm liên quan đến hai vụ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand, tự phát lên mạng xã hội Facebook ngày 15/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Muath Elyan, em trai của Mohammed, người nói rằng ông đã nói chuyện với vợ của Mohammed sau vụ nổ súng, cho biết anh trai ông đã giúp thành lập nhà thờ Hồi giáo 1 năm sau khi đến New Zealand, nơi Mohammed giảng dạy ngành kỹ sư tại một trường đại học và điều hành một công ty tư vấn. Ông cho biết lần gần đây nhất anh trai ông về thăm Jordan là 2 năm về trước.

“Anh ấy từng nói với chúng tôi rằng cuộc sống ở New Zealand rất tốt và người dân ở đây tốt bụng và thân thiện. Anh ấy thích tự do ở đây và chưa bao giờ phàn nàn về bất cứ điều gì,” Muath kể.

“Tôi chắc chắn tội ác đẫm máu này không nói lên điều gì về người dân New Zealand,” Muath nói.

Trong khi đó, Nasir và con trai ông chỉ cách nhà thờ Hồi giáo Al Noor khoảng 200 mét khi mọi chuyện trở nên tồi tệ. Họ không hề biết rằng một kẻ theo quan điểm da trắng thượng đẳng vừa tàn sát ít nhất 41 người bên trong nhà thờ. Một chiếc ôtô đang đi qua đột nhiên dừng lại, và một người đàn ông nghiêng người qua cửa sổ đã chĩa súng vào họ. Họ đã chạy ngay khi những viên đạn bắt đầu bay. Nhưng ở tuổi 67, Nasir không thể theo kịp cậu con trai 35 tuổi. Ông đã tụt lại phía sau vài ba bước định mệnh.

Tay súng lái xe đi. Một vũng máu tuôn ra từ cơ thể của Nasir. Nasir, hiện sống ở Pakistan, thường xuyên đến thăm con trai ở New Zealand. Chuyến thăm của ông đã kéo dài đến tuần thứ ba thì ông bị bắn. Ông vẫn đang trong tình trạng hôn mê với những vết thương nghiêm trọng.

Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng. (Nguồn: THX/TTXVN)
Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hồi chuông báo động về quy định kiểm soát súng đạn

Sau vụ xả súng đẫm máu chưa từng có, mức cảnh báo đe dọa ở New Zealand được nâng lên mức cao lần đầu tiên trong lịch sử. Theo Thủ tướng Ardern, thủ phạm là một công dân Australia, “thỉnh thoảng tới New Zealand và ở lại trong nhiều quãng thời gian.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton cho biết đối tượng này chỉ lưu lại Australia tổng cộng 45 ngày trong 3 năm trở lại đây. Đối tượng không nằm trong danh sách giám sát của cả New Zealand và Australia.

Theo giới chức Hy Lạp, Brenton Harrison Tarrant cũng đã từng tới đảo Crete và Santorini của Hy Lạp trong hồi tháng 3/2016 và lưu lại đây ít ngày. Điểm xuất phát khi đó của y là thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tương tự, các cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria thông báo tiến hành điều tra riêng rẽ về các chuyến đi tới khu vực Balkans của Tarrant, qua một loạt các nước Serbia, Croatia, Montenegro và Bosnia Herzegovina trong khoảng thời gian từ 28-30/12/2016. Bà ngoại của y cho biết tên này đã “thay đổi hoàn toàn” sau các chuyến ra nước ngoài.

Brenton Harrison Tarrant sẽ phải đối mặt với bản án nghiêm khắc cho tội danh giết người. Tên này không nộp đơn xin tại ngoại hoặc yêu cầu được giấu tên. Đối tượng sẽ bị tạm giam cho đến ngày 5/4, trong khi chờ thêm nhiều cáo buộc khác.

Chuyển nạn nhân bị thương trong vụ xả súng tại đền thờ Hồi giáo ở Christchurch tới bệnh viện, ngày 15/3/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Chuyển nạn nhân bị thương trong vụ xả súng tại đền thờ Hồi giáo ở Christchurch tới bệnh viện, ngày 15/3/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Thủ tướng New Zealand cũng thông báo trong vòng 10 ngày kể từ sau vụ xả súng đẫm máu tại đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch hồi cuối tuần trước, tức là ngày 25/3 tới, bà sẽ công bố những biện pháp cải cách mà bà tin rằng sẽ giúp cộng đồng trở nên an toàn hơn. Nội các New Zealand cũng đã nhóm họp để thảo luận về luật kiểm soát súng đạn.

Đây là vụ xả súng giết người hàng loạt chưa từng có tại New Zealand trong gần 30 năm qua và đặt nước này vào tình trạng báo động ở mức cao lần đầu tiên trong lịch sử. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông báo động về quy định kiểm soát súng đạn được cho là còn lỏng lẻo ở New Zealand. Luật pháp New Zealand quy định bất cứ ai trên 16 tuổi đều có thể xin giấy phép sử dụng súng có hiệu lực 10 năm và không bắt buộc tất cả các loại súng phải được đăng ký sử dụng.

Theo ước tính của cảnh sát, tính đến năm 2014, New Zealand có khoảng 1,2 triệu khẩu súng được sở hữu hợp pháp, tức cứ 4 người dân có một người sở hữu súng – tỷ lệ cao gấp hai lần so với quốc gia láng giềng Australia. Tuy nhiên, những nỗ lực trước đây kêu gọi cải cách luật sở hữu súng đạn đều đang bị “treo” ở Quốc hội nước này./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)