‘Không ít đơn vị chống đối, không hợp tác với Kiểm toán Nhà nước’

2-1553069094-33.jpg

Kiểm toán Nhà nước không đề xuất mở rộng đơn vị được kiểm toán nhưng đề nghị quy định cụ thể các đơn vị này bao gồm nộp thuế, tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản,…

Điều này, theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xuất phát từ thực tế không ít trường hợp đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu, gây khó khăn cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời xuất phát từ yêu cầu công tác phòng chống tham nhũng đặt ra.

Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này với Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đang được Kiểm toán Nhà nước công bố lấy ý kiến trong đó có đề xuất quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán. Chi tiết nội dung này là gì, thưa ông?

Ông Đặng Thế Vinh: Trong Dự án, Kiểm toán Nhà nước nêu lên 2 phương án. Phương án 1 là bổ sung đơn vị được kiểm toán vào khoản 13 điều 55 là: “Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” đồng thời quy định “Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán đối với các đối tượng quy định tại Khoản này.”

Với quy định này, đối với người nộp thuế là các tổ chức, doanh nghiệp (không bao gồm hộ gia đình, cá nhân), việc kiểm toán các tổ chức đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế chỉ thực hiện theo mẫu rủi ro khi kiểm toán công tác thu ngân sách của cơ quan thuế nhằm xác định, đánh giá cơ quan thuế có bỏ lọt nguồn thu, có thu đúng, thu đủ không, đồng thời chống thất thoát ngân sách Nhà nước. Tổng Kiểm toán Nhà nước cụ thể hoá phạm vi, giới hạn, không kiểm toán toàn bộ hoạt động của các đơn vị này mà tập trung vào việc thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh khẳng định, Kiểm toán Nhà nước không đề xuất mở rộng đơn vị được kiểm toán nhưng đề nghị quy định cụ thể các đơn vị này. (Ảnh: CTV/Vietnam+) 
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh khẳng định, Kiểm toán Nhà nước không đề xuất mở rộng đơn vị được kiểm toán nhưng đề nghị quy định cụ thể các đơn vị này. (Ảnh: CTV/Vietnam+) 

Phương án 2 là sửa đổi khoản 1, khoản 2 điều 68: Cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán Nhà nước, bao gồm: a) Người nộp thuế; b) Tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; c) Tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định trên có các trách nhiệm: a) Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp; b) Thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời gửi báo cáo kết quả cho Kiểm toán Nhà nước.

Về cơ sở pháp lý, đề nghị quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán để bảo đảm bao quát và phù hợp với đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước theo Hiến pháp. Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước theo Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 là “việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.”

Căn cứ Điều 55 của Hiến pháp thì: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản,… do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Ngoài ra, khoản 14 Điều 14 của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định: Ngân sách Nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước.

Do vậy, việc xác định kiểm toán tài sản công (đất đai, khoáng sản…), kiểm toán nhiệm vụ thu của cơ quan thuế (trong đó kiểm tra hồ sơ xác định nghĩa vụ của người nộp thuế khi kiểm toán cơ quan thuế) là nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước.

Trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thực tiễn trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã gặp khó khăn gì dẫn tới việc đề xuất sửa đổi đơn vị được kiểm toán như trên?

Ông Đặng Thế Vinh: Thời gian qua khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu các đơn vị, tổ chức có liên quan (bên thứ 3), Kiểm toán Nhà nước phải tác nghiệp thông qua cơ quan thuế, cơ quan quản lý Nhà nước (Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường). Có nghĩa là cơ quan thuế, cơ quan quản lý Nhà nước mời, yêu cầu đơn vị cung cấp hồ sơ và làm việc chứ Kiểm toán Nhà nước không làm việc trực tiếp.

Vì do nhận thức và áp dụng pháp luật của một bộ phận chưa thống nhất nên quan niệm khi không là đơn vị được kiểm toán thì không chịu sự kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước. Do đó, chúng tôi đã gặp không ít các trường hợp đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu, gây khó khăn cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Thực tế, qua đối chiếu thuế trong một số năm vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước với số tiền thuế truy thu khá lớn. Đến thời điểm 31/12/2018, kết quả kiểm toán đối với 248/276 báo cáo kiểm toán phát hành, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, gồm các khoản tăng thu ngân sách Nhà nước 20.518 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 18.447 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 45.134 tỷ đồng. Qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, Kiểm toán Nhà nước xác định nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 1.684,6 tỷ đồng, số kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỷ đồng.

Quá trình kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai cũng đã phát hiện nhiều sai phạm của cơ quan quản lý và chủ đầu tư, truy thu hàng nghìn tỷ đồng về cho ngân sách nhà nước. Qua kiểm toán, đối chiếu 329 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 3.856 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý 3.911 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán liên quan đến tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014-2016, Kiểm toán Nhà nước đã xác định truy thu thuế tài nguyên tăng thêm 560,6 tỷ đồng và kiến nghị địa phương xử lý khai thác ngoài ranh giới mỏ làm thất thu ngân sách khoảng 1.177,9 tỷ đồng,…

Ở hướng ngược lại, một số ý kiến trước đó đã đặt ra vấn đề cần có quyền khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Ông nghĩ gì về nội dung này?

Ông Đặng Thế Vinh: Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 quy định Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Báo cáo kiểm toán là căn cứ để đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại. Tuy nhiên, đối chiếu với Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính hiện hành thì chỉ quy định khiếu nại, quy định hành chính và hành vi hành chính. Có nghĩa là báo cáo Kiểm toán Nhà nước không thuộc phạm vi khiếu nại.

Mặt khác, các đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán không chỉ tác động đến đơn vị được kiểm toán mà cả đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động quản lý tài chính, tài sản công.

Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc rà soát, kiểm tra và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. (Ảnh: TTXVN) 
Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc rà soát, kiểm tra và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. (Ảnh: TTXVN) 

Đúng là Luật chưa quy định đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động quản lý tài chính, tài sản công (bên thứ 3) được thực hiện quyền khiếu nại với Kiểm toán Nhà nước.

Do vậy, cần sửa đổi lại Điều 7, Điều 14 và Điều 69 theo hướng: bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại và giải quyết kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công. Đồng thời, theo tôi, cần quy định rõ trong luật là được khiếu nại, khởi kiện báo cáo Kiểm toán Nhà nước, thông báo Kiểm toán Nhà nước.

Điều này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân (là đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức có liên quan) đều có quyền khiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán.

Dư luận thời gian trước nói nhiều về tình trạng trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động Kiểm toán Nhà nước. Theo ông, dự án luật cần thêm quy định gì để hạn chế tình trạng trên?

Ông Đặng Thế Vinh: Trên thực tế, đã có xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp về niên độ, nội dung, phạm vi và đối tượng. Chính điều này phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra và đơn vị được kiểm toán.

Thực tiễn hơn 3 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã ký và thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ; đã khắc phục tình trạng chống chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Tuy vậy, việc giải quyết chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán giữa cơ quan Thanh tra, cơ quan Kiểm toán vẫn chủ yếu được giải quyết trên cơ sở quy chế phối hợp, các văn bản cá biệt. Thực tế chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc rà soát, kiểm tra và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Để khắc phục sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán, cần làm rõ 2 vấn đề theo hướng: Thứ nhất, trong khâu lập kế hoạch kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan Thanh tra, kiểm tra rà soát, xử lý việc chồng chéo; Thứ hai, trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra xử lý chồng chéo.

Cảm ơn ông!

Kiểm toán Nhà nước đề xuất bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại và giải quyết kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan. (Ảnh: CTV/Vietnam+) 
Kiểm toán Nhà nước đề xuất bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại và giải quyết kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan. (Ảnh: CTV/Vietnam+)