qua góc nhìn của nhà báo Nguyễn Lưu

Năm 1960, Giáo sư Nguyên Xiển, một nhà khoa học, một chính khách nổi tiếng của Việt Nam đã được cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kik Il-sung, ông nội của Chủ tịch Kim Jong-un) tặng hộp sâm đặc biệt – được xem là “quốc bảo” của đất nước này, nhân dịp nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng phái đoàn sang thăm Việt Nam, gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cảm động trước sự quan tâm của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, từ đó đến nay, nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Lưu (con trai cụ Nguyễn Xiển) đã dành trọn tình yêu với đất nước Triều Tiên. Rất nhiều kỷ niệm tươi đẹp về quan hệ thể thao, nghệ thuật giữa hai đất nước đã được dịp tái hiện trong cuộc trò chuyện của ông với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus.

Vào một buổi sáng đầu Xuân, ngồi trong quán cafe trên phố Thanh Nhàn, nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Lưu bồi hồi nhớ lại những câu chuyện rất “đậm tình” trong suốt hơn 60 năm gắn bó nền văn hóa nghệ thuật và thể thao“rất lạ” Triều Tiên.

Nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Lưu là con thứ 7 trong gia đình 9 anh chị em. Cha ông là cụ Nguyễn Xiển, một nhà khoa học, chính khách nổi tiếng Việt Nam, mà tên ông đã được đặt cho một con đường phía Tây Nam Hà Nội và ở nhiều tỉnh, thành.

Ngày 28/11/1958, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Kim Nhật Thành, dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Triều Tiên sang thăm hữu nghị Việt Nam từ ngày 27/11 đến 3/12/1958. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 28/11/1958, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Kim Nhật Thành, dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Triều Tiên sang thăm hữu nghị Việt Nam từ ngày 27/11 đến 3/12/1958. (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ cơ duyên “đưa” trái tim ông đến với đất nước Triều Tiên, nhà báo Nguyễn Lưu bảo mình có một kỷ niệm rất đặc biệt mà chỉ mới nghĩ thôi cũng đã thấy tự hào.

Đó là vào năm 1960, khi nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành qua thăm Việt Nam và gặp Hồ Chủ tịch, nhân dịp Đại hội Đảng lao động Việt Nam lần thứ 3. Trong dịp này, cha của ông Lưu (cụ Nguyễn Xiển) đã vinh dự được nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành tặng một hộp sâm Triều Tiên.

“Thời điểm đó tôi đang học lớp 9. Nghe các chú kể lại câu chuyện, tôi vô cùng bất ngờ và xúc động. Từ đó đã thôi thúc tôi yêu mến và tìm hiểu nhiều hơn về đất nước này như một sự trân trọng đặc biệt, nhất là về nền văn hóa nghệ thuật và thể thao,” ông Lưu chia sẻ.

Có thể trong suy nghĩ của nhiều người, Triều Tiên là một đất nước nhỏ bé, nhưng sự thực họ làm được rất nhiều việc mà cả thế giới đều phải thán phục.

Sở dĩ ông Lưu quan tâm về văn hóa nghệ thuật và thể thao của đất nước Triều Tiên, là bởi trước đó vào năm 1959, ông vốn là một vận động viên thể thao được may mắn theo đoàn sang tập huấn tại đất nước Triều Tiên. Ông cũng là người yêu mến văn hóa nghệ thuật, và sau này đã trở thành nhà báo, nhà nghệ thuật đa tài.

Nhấp ngụm cafe sữa đá, thứ đồ uống quen thuộc vào mỗi sáng, ông Lưu bảo, có thể trong suy nghĩ của nhiều người, Triều Tiên là một đất nước nhỏ bé, nhưng sự thực họ làm được rất nhiều việc mà cả thế giới đều phải thán phục.

“Riêng với cá nhân tôi, Triều Tiên là một đất nước kiêu hùng, nhưng cũng đầy vẻ yên bình, lãng mạn, tình cảm. Đây cũng là đất nước có mối quan hệ gần gũi với Việt Nam và là một trong ba nước sớm nhất công nhận Việt Nam là quốc gia độc lập vào ngày 31/1/1950,” ông Lưu chia sẻ.

Ngày 29/11/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành tham dự Lễ mit tinh trọng thể của nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng chuyến thăm hữu nghị Việt Nam của Thủ tướng Kim Nhật Thành từ 27/11 đến 3/12/1958. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 29/11/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Triều Tiên Kim Nhật Thành tham dự Lễ mit tinh trọng thể của nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng chuyến thăm hữu nghị Việt Nam của Thủ tướng Kim Nhật Thành từ 27/11 đến 3/12/1958. (Ảnh: TTXVN)

Không những thế, cả Triều Tiên và Việt Nam đều có hoàn cảnh tương đối giống nhau là đều bị chia cắt bởi chiến tranh, dù còn thiếu thốn những luôn sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” trong sự nghiệp bảo vệ độc lập chủ quyền.

Ông Lưu kể, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của Việt Nam thì Triều Tiên cũng đang trong tình trang chiến tranh (1950-1953). Thời điểm này, ở Việt Nam có một người rất nổi tiếng đã sang góp sức, sát cánh cùng Chí nguyện quân Trung Quốc giúp đỡ quân đội Triều Tiên. Đó là Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn.

Những năm sau, khi cuộc kháng chiến của Việt Nam thành công, quan hệ của Việt Nam và Triều Tiên càng trở nên rất tốt đẹp, thân thiết. Năm 1957, Bác Hồ đã đi sang thăm Triều Tiên và đến năm 1960, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành cũng đã qua thăm Việt Nam.

Đến thời kỳ chống Mỹ, Triều Tiên cũng đã giúp cho Việt Nam rất nhiều, từ lương thực, thuốc men cho tới quân tư trang.

Nhà báo Nguyễn Lưu chụp ảnh cùng vận động viên bóng chuyền Jong Jin Sim. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhà báo Nguyễn Lưu chụp ảnh cùng vận động viên bóng chuyền Jong Jin Sim. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Trong thời gian được đi tập huấn ở nước bạn, các vận động viên Việt Nam đều sử dụng trang phục của bạn, khi ở trường sỹ quan Pháo binh Việt Nam C400 chúng tôi cũng mặc quân phục do Triều Tiên viện trợ và tôi biết có chắc chắn 200 người bộ đội Triều Tiên vào loại tinh nhuệ nhất đã sang giúp quân đội Việt Nam đánh Mỹ, ông Lưu bồi hồi kể.

Với tình cảm như vậy, trong những ngày này, nghe tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp tới thăm Việt Nam và dự Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội, cá nhân ông Lưu lại háo hức, tự hào: “Nhân dịp này, tôi muốn gửi gắm tới người dân Việt Nam rằng, Triều Tiên là đất nước vĩ đại lắm, và họ có quan hệ rất mật thiết với nước ta. Có rất nhiều điều, chúng ta cần học từ họ.”

“Tại sao hai nhà lãnh đạo nhiều sức hút nhất thế giới lại chọn Việt Nam là nơi gặp gỡ, trao đổi những vấn đề mà cả thế giới quan tâm. Điều này cho thấy, Việt Nam tươi đẹp thế nào, an ninh tốt thế nào khiến cho hai con người ‘ghê gớm’ nhất thế giới yên tâm lựa chọn. Đó là niềm tự hào cho chúng ta,” ông Lưu chia sẻ thêm.

Quay lại câu chuyện với Triều Tiên, ông Lưu chia sẻ: “Mặc dù nước bạn cũng không giàu có gì, nhưng họ đã giúp đỡ nước ta rất nhiều, không chỉ bằng hàng trăm con người đánh Mỹ, quần áo cho quân đội, mà còn giúp Việt Nam có nền bóng bàn, bóng chuyền lớn mạnh, theo phong cách rất lạ từ Triều Tiên.

Chúng ta đều biết, Triều Tiên có nhiều nhà vô địch thế giới, luôn nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng huy chương Olympic. Ở môn bóng đá nam, trước khi dự World Cup 2010 (chỉ thua sát nút Brazil 1-2) thì họ đã gây chấn động khi đánh bại Italy của Giacinto Facchetti, Gianni Rivera và Sandro Mazzola với bàn thắng duy nhất của Pak Doo Ik ở World Cup 1966 để vào tới tứ kết. Tại Goodison Park, họ đã dẫn trước Bồ Đào Nha 3-0 sau 25 phút, nhưng sau đó phải nhận thất bại vì sự xuất sắc của huyền thoại Eusebio.

Lễ khai mạc giải bóng đá Việt Nam, Triều Tiên, Trung Quốc, Mông Cổ năm 1957 trên sân Bình Nhưỡng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Lễ khai mạc giải bóng đá Việt Nam, Triều Tiên, Trung Quốc, Mông Cổ năm 1957 trên sân Bình Nhưỡng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từ những năm 1966, Triều Tiên đã xây dựng sân vận động thể thao lớn nhất thế giới. “Tôi đã ngắm kĩ sân vận động thể thao này, và thực sự nể phục,” ông Lưu chia sẻ.

Nói về mối quan hệ bóng đá giữa hai nước, ông Lưu nhận định, Việt Nam học hỏi được rất nhiều từ nền bóng đá Triều Tiên. Đặc biệt là, họ luôn thi đấu với một ý chí rất cao, luôn nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo của đất nước.

Ông kể, năm 1957, Việt Nam, Triều Tiên cùng với Trung Quốc, Mông Cổ đã tổ chức giải bóng đá 4 nước Việt-Trung-Triều-Mông. Và Việt Nam đã thua Triều Tiên 1-3. Qua trận đấu, chúng ta thấy sự chiến đấu quật cường của các cầu thủ Triều Tiên. Năm 1960 giải được tổ chức ở Mông Cổ và Việt Nam xếp thứ 3 trong 4 nước. Sang năm 1961, tổ chức ở Việt Nam và chúng ta lại thua Triều Tiên.

Múa Arirang bên trong sân vận động Công nhân ở Bình Nhưỡng (Nguồn: DM)
Múa Arirang bên trong sân vận động Công nhân ở Bình Nhưỡng (Nguồn: DM)

Từ những năm 1966, Triều Tiên đã xây dựng sân vận động thể thao lớn nhất thế giới. 

Triều Tiên đã giúp chúng ta đào tạo những cán bộ thể thao của môn judo, thể dục và điền kinh nhưng nổi bật nhất là bóng bàn.

Theo ông Lưu, Triều Tiên là đất nước có nền bóng bàn rất hiện đại. Bạn đã đào tạo, giúp cho Việt Nam rất nhiều huấn luyện viên nổi tiếng nhất về bóng bàn. Nổi bật là các ông Tạ Đình Khoa, Nguyễn Trọng Trúc… ông Khoa là thầy của hai danh thủ nổi tiếng trong quân đội đã “thống trị” bóng bàn nước ta một thời gian, đó là Vũ Thị Noel và Nguyễn Thị Tuyết.

Đặc biệt, ông Nguyễn Danh Thái, cựu Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao đã từng học bóng bàn tại Triều Tiên và là huấn luyện viên rất giỏi. Sau đó, cùng với sự giúp đỡ của một số chuyên gia khác, bóng bàn quân đội đã trở thành một trung tâm lớn của bóng bàn Việt Nam, với nhiều vận động viên nổi tiếng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem triển lãm thành tựu kinh tế của Triều Tiên tại thủ đô Bình Nhưỡng, ngày 9/7/1957, trong chuyến thăm hữu nghị CHDCND Triều Tiên từ ngày 8-12/7/1957. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem triển lãm thành tựu kinh tế của Triều Tiên tại thủ đô Bình Nhưỡng, ngày 9/7/1957, trong chuyến thăm hữu nghị CHDCND Triều Tiên từ ngày 8-12/7/1957. (Ảnh: TTXVN)

Không chỉ nổi về bóng đá, bóng bàn, mà bóng chuyền cũng là môn thể thao nổi tiếng với những “quả phát bóng vệ tinh,” hay còn được gọi là “quả bóng Triều Tiên,” qua đó giúp Việt Nam học được rất nhiều kỹ năng trong môn bóng chuyền.

“Còn nhớ thời kỳ những năm 1960, đánh bóng chuyền ngoài trời, chưa có cung thể thao như bây giờ và thi đấu ngoài trời nên họ thường phát bóng rất cao để gây khó khăn cho đối phương. Đây là kinh nghiệm phát bóng rất đặc biệt mà chúng ta đã học từ Triều Tiên,” ông Lưu chia sẻ.

Không chỉ học hỏi được nhiều điều từ nền thể thao Triều Tiên, mà chính con người, cầu thủ của họ cũng mang đến cho nhà báo Nguyễn Lưu những tình cảm đặc biệt. Nhiều vận động viên của Triều Tiên tuy nhỏ người nhưng đã khiến cả thế giới kinh ngạc.

Tại các kỳ Olympic, Asian Games gần đây, huy chương vàng cử tạ hạng 56kg đều rơi vào tay các vận động viên Triều Tiên. Và Triều Tiên cũng vươn lên trở thành cường quốc số 1 thế giới ở môn này. “Vì sao người ta có thể làm được như vậy? Đó là ý chí chiến đậu và sự nỗ lực rèn luyện hết sức nghiêm túc,” ông Lưu đặt câu hỏi và tự đúc kết.

Nhà vô địch Olympic và thế giới cử tạ hạng cân 56kg Om Yunchol (Nguồn: Getty)
Nhà vô địch Olympic và thế giới cử tạ hạng cân 56kg Om Yunchol (Nguồn: Getty)

Về nghệ thuật, theo nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Lưu, Triều Tiên là nước có trình độ nghệ thuật rất cao. Họ là một trong những nước cảm thụ opera sớm. Không phải vô cớ mà ngành văn hóa nước ta đã sớm gửi những nhạc sỹ sang Triều Tiên để học hỏi kinh nghiệm. Và, người đầu tiên sang học tập chính là nhạc sỹ Thanh Tùng, tác giả nhiều bài tình ca nổi tiếng được ưa thích.

Đặc biệt, Triều Tiên có phong cách biểu diễn nghệ thuật “hết sức lạ.” Họ là nước có nghệ thuật xếp hình biểu diễn đẹp nhất thế giới, bằng những vận động viên thể thao rất nổi tiếng, được tập luyện công phu, nghiêm túc.

Nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Lưu từng có mặt ở nhiều sự kiện thể thao lớn của khu vực (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Lưu từng có mặt ở nhiều sự kiện thể thao lớn của khu vực (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Triều Tiên cũng là nước đầu tiên và duy nhất có hẳn một đoàn nghệ thuật đi sang Việt Nam và biểu diễn bài hát Việt rất đặc biệt, đó là bài “Hò kéo pháo” được tốp ca nam trình bày với cả nội tâm, tình cảm sâu sắc và một phong cách hết sức lạ.

“Đó là năm 1960, nhân dịp Đại hội Đảng lao động Việt Nam lần thứ 3, một đoàn nghệ thuật Triều Tiên đi cùng nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành sang thăm nước ta đã hát và biểu diễn ca khúc “Hò kéo pháo” của nhạc sỹ Hoàng Vân tại Phủ Chủ tịch, được Bác Hồ lắng nghe và khen ngợi.

Không chỉ vậy, đoàn nghệ thuật của Triều Tiên còn sang và biểu diễn cả những vở opera, những bài hát rất hay, làm rung động lòng người như “Cô gái quay tơ,” “Ca ngợi Kim Nhật Thành,”…

Ngay như cầu thủ Jong Jin Sim, chủ công xuất sắc của đội bóng chuyền Triều Tiên vừa qua Việt Nam tham dự Giải bóng chuyền VTV Cup cũng đã gây ấn tượng mạnh cho người xem về trình độ chuyên môn, đặc biệt là khi hát say sưa nhưng bài hát Việt Nam bằng tiếng Việt mà cô yêu mến.

Tại nhà thi đấu Bắc Ninh, ngay sau lễ khai mạc Giải bóng chuyền Cúp Liên Việt 2019, Jong Jin Sim đã nói lời ghi nhận tình cảm hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Triều Tiên rất gần gũi, sâu sắc.

Ngày 28/11/1958, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Kim Nhật Thành, dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Triều Tiên sang thăm hữu nghị Việt Nam từ ngày 27/11 đến 3/12/1958. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 28/11/1958, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Kim Nhật Thành, dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Triều Tiên sang thăm hữu nghị Việt Nam từ ngày 27/11 đến 3/12/1958. (Ảnh: TTXVN)