Có một Triều Tiên

12-1550976550-33.jpg

Từ đầu năm 1950, Việt Nam đã chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Trải qua gần 70 năm, mối quan hệ khăng khít giữa hai quốc gia ngày càng trở nên bền chặt.

Là nhóm phóng viên hiếm hoi có may mắn được đặt chân tới đất nước Triều Tiên trong những năm 1988-2002, những tay máy lão thành của TTXVN đã có những chia sẻ thú vị về một quốc gia bình yên nhưng cũng không kém phần bí ẩn của khu vực Đông Á nói riêng và châu Á nói chung.

Ý thức quốc phòng nghiêm ngặt

Tháng 9/1988, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã có chuyến công du và mang Huân chương Sao vàng sang tặng Cố Chủ tịch nước Triều Tiên Kim Nhật Thành. Vào thời điểm này, tay máy kỳ cựu Minh Điền của TTXVN được vinh dự tháp tùng lãnh đạo trong suốt chuyến đi lịch sử. Trong ấn tượng của ông, ý thức về an ninh quốc phòng của đất nước Triều Tiên khi ấy luôn được đặt lên rất cao.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tham quan tháp Juche bên bờ sông Đại Đồng ở thủ đô Bình Nhưỡng, trong chuyến thăm và tham dự Lễ kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập nước CHDCND Triều Tiên, tháng 9/1988. Ảnh: Minh Điền – TTXVN
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tham quan tháp Juche bên bờ sông Đại Đồng ở thủ đô Bình Nhưỡng, trong chuyến thăm và tham dự Lễ kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập nước CHDCND Triều Tiên, tháng 9/1988. Ảnh: Minh Điền – TTXVN

Khẽ nheo mày, ông bắt đầu kể:“Khi sang đó, tôi thấy người dân Triều Tiên rất nghiêm túc. Đi đến đâu họ cũng giữ kỷ luật, không hề chen lấn ngay cả khi gặp người nước ngoài. Thấy khách quốc tế, người dân đều dừng lại chào, kể cả những cô bác nông dân đang lội ruộng cũng bỏ việc, đứng nghiêm vẫy tay.”

Bên cạnh tính kỷ luật, một trong những điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với đoàn khách từ Việt Nam ngày ấy là ý thức quốc phòng nghiêm ngặt.

Con đường này giống như vỹ tuyến 17 của Việt Nam ngày trước.

Nhấp một ngụm trà, tay máy lão thành của TTXVN nhớ lại: “Đi chuyến đó tôi có cảm nhận, ý thức quốc phòng của Triều Tiên rất nghiêm. Chúng tôi đi từ Bàn Môn Điếm về đến thành phố khoảng 40km đều thấy cây cổ thụ hai bên đường bị cắt một bên theo hướng để khi cần thiết, xảy ra chuyện là có thể cho đổ vào giữa đường làm chướng ngại vật. Con đường này giống như vỹ tuyến 17 của Việt Nam ngày trước.

Sang Triều Tiên, cả đoàn luôn được phía bạn đón tiếp rất nồng nhiệt. Ông Kim Nhật Thành có gặp gỡ cố Chủ tịch Võ Chí Công và đoàn chính thức của Việt Nam khoảng 3-4 lần, bao gồm đón tiếp, hội đàm và buổi lễ trao huân chương Sao Vàng.

Là phóng viên ảnh, trong mỗi cuộc gặp gỡ, tiếp xúc đó chúng tôi chỉ có khoảng vài phút đầu tiên được vào trong tác nghiệp, nhưng cũng cảm nhận được một không khí cởi mở, hòa thuận, vui vẻ. Lúc nào ông Kim Nhật Thành cũng cười rất tươi và thoải mái. Riêng đội lễ tân và đoàn cán bộ đón tiếp của phía bạn rất nhiệt tình.”

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công với thiếu nhi Triều Tiên trong chuyến thăm Triều Tiên và trao Huân chương Sao vàng cho Chủ tịch Kim Nhật Thành, tháng 9/1988. Ảnh: Minh Điền – TTXVN
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công với thiếu nhi Triều Tiên trong chuyến thăm Triều Tiên và trao Huân chương Sao vàng cho Chủ tịch Kim Nhật Thành, tháng 9/1988. Ảnh: Minh Điền – TTXVN

Đất nước bí ẩn nhưng thanh bình

Sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công năm 1988, tháng 5/2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có chuyến thăm chính thức Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Là một trong những phóng viên đi cùng đoàn, nhà báo Trọng Nghiệp (TTXVN) đã có 4 ngày sống và làm việc tại thủ đô Bình Nhưỡng. Mặc dù ngắn ngủi, nhưng quãng thời gian trên đất bạn đã để lại cho ông nhiều ấn tượng, trong đó nổi bật nhất là sự bí ẩn nhưng không kém phần thanh bình, gần gũi.

“Trước khi sang Triều Tiên, tôi đã cố gắng tìm hiểu những tư liệu có sẵn. Nhưng vào thời điểm đầu những năm 2000, nguồn tham khảo hết sức ít ỏi,” ông nhớ lại.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương hội đàm với Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam, ngày 3/5/2002, tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Bình Nhưỡng, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức CHDCND Triều Tiên từ ngày 2/5 - 5/5/2002. Ảnh: Trọng Nghiệp – TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đức Lương hội đàm với Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam, ngày 3/5/2002, tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Bình Nhưỡng, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức CHDCND Triều Tiên từ ngày 2/5 – 5/5/2002. Ảnh: Trọng Nghiệp – TTXVN

Ngay cả khi đã đặt chân xuống sân bay quốc tế Sunan, sự bỡ ngỡ vẫn chưa dừng lại. Sau nghi lễ đón tiếp ngoại giao, cả đoàn bắt đầu di chuyển về phía Bình Nhưỡng – một Thủ đô “bí ẩn” như cách gọi của riêng ông.

“Đó là một thành phố hết sức lạ lùng khi ngay cả buổi sáng cũng có rất ít người đi lại. Đường phố vắng teo, xe cộ cũng thưa thớt. Ôtô thì chỉ chủ yếu là các xe loại cũ của Liên Xô. Buổi tối cũng không có cửa hàng, cửa hiệu càphê gì cả. Đến ngay khách sạn Đoàn Việt Nam lưu trú cũng chỉ có một quầy bán rượu và kẹo sâm chứ tuyệt nhiên không có các sản phẩm nước ngoài,” nhà báo Trọng Nghiệp hồi tưởng.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam chứng kiến Lễ ký Hiệp định hợp tác giữa hai nước, ngày 3/5/2002, tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Bình Nhưỡng, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức CHDCND Triều Tiên từ ngày 2/5 - 5/5/2002. Ảnh: Trọng Nghiệp – TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam chứng kiến Lễ ký Hiệp định hợp tác giữa hai nước, ngày 3/5/2002, tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Bình Nhưỡng, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức CHDCND Triều Tiên từ ngày 2/5 – 5/5/2002. Ảnh: Trọng Nghiệp – TTXVN

Đặc biệt, việc giao tiếp với người dân bản địa vào thời điểm năm 2002 là vô cùng khó khăn. Theo nhà báo Trọng Nghiệp, các nhân viên phục vụ tại khách sạn không hề tiếp xúc với người ngoại quốc. Thậm chí, khi được hỏi bằng Tiếng Anh, họ cũng chỉ… lắc đầu quầy quậy.

Ngay cả những con đường của Triều Tiên 17 năm về trước cũng hết sức… lạ kỳ.

“Khi di chuyển từ Bĩnh Nhưỡng về khu tưởng niệm Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, chúng tôi nhận thấy hệ thống giao thông của nước bạn rất tốt, cả con đường dài khoảng 100km đều được trải nhựa phẳng lì. Nhưng đường đẹp là thế mà suốt dọc hành trình, chúng tôi chỉ gặp 1,2 chiếc xe tải chạy ngược chiều và lác đác những nhóm người đeo balo, dắt xe đạp thảnh thơi đi bộ,” ông nói.

Việc tác nghiệp trên đất nước Triều Tiên cũng hết sức đặc thù và khá “ngặt nghèo.”

Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Cung thiếu nhi tại thủ đô Bình Nhưỡng và tặng hoa các thiếu nhi Triều Tiên biểu diễn nghệ thuật chào mừng, ngày 3/5/2002, trong chuyến thăm chính thức CHDCND Triều Tiên từ ngày 2/5 - 5/5/2002. Ảnh: Trọng Nghiệp – TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Cung thiếu nhi tại thủ đô Bình Nhưỡng và tặng hoa các thiếu nhi Triều Tiên biểu diễn nghệ thuật chào mừng, ngày 3/5/2002, trong chuyến thăm chính thức CHDCND Triều Tiên từ ngày 2/5 – 5/5/2002. Ảnh: Trọng Nghiệp – TTXVN

Ngừng lại một chút, nhà báo Trọng Nghiệp kể: “Khác với các lần hội đàm tại các quốc gia khác, phóng viên ảnh chúng tôi không được vào gần. Có một nhóm bảo vệ luôn giữ khoảng cách giữa phóng viên và cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo hai nước. Chúng tôi chỉ có thể đứng ngoài chụp. Tất cả thông tin sau này đều được lấy qua Vụ đối ngoại của Văn phòng Chủ tịch nước và Bộ Ngoại giao.”

Nhìn quang cảnh ấy, trong phút chốc, ông như được sống lại với không gian của làng quê Bắc Việt những năm 1970 ngày nào…

Nhưng đất nước Triều Tiên 17 năm về trước không chỉ có sự bí ẩn. Đối với những người khách từ Việt Nam, đất nước ấy còn bất ngờ gần gũi và thân quen một cách giản đơn và bình dị. Đó là khi, qua ô cửa kính ôtô, ông nhận ra những nông trang nhỏ nằm trải dọc từ trên đỉnh đồi san sát xuống tận phía dưới chân; những căn nhà hình hộp nối nhau với cửa sổ luôn rộng mở. Phía bên trong, thấp thoáng bóng những cụ già đang ngồi sưởi nắng. Ông bảo, nhìn quang cảnh ấy, trong phút chốc, ông như được sống lại với không gian của làng quê Bắc Việt những năm 1970 ngày nào…

Một Triều Tiên đã và đang hiện đại từng ngày

5 năm sau ngày nhà báo Trọng Nghiệp có mặt tại Bình Nhưỡng, một tay máy khác của TTXVN tiếp tục nhận nhiệm vụ lên đường. Tháng 10/2007, nhà báo Xuân Tuân đã tháp tùng Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và đoàn đại biểu cấp cao của nước ta tới thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên theo lời mời của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong Il.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tiến trình hòa hợp ở bán đảo Triều Tiên vừa đạt được bước tiến quan trọng qua kết quả tích cực tại vòng đàm phán sáu bên. Kết quả hội đàm cấp cao liên Triều lần thứ hai vừa diễn ra cũng đạt kết quả khả quan.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-il tại Lễ đón ở sân bay quốc tế Sunan (Bình Nhưỡng), ngày 16/10/2007, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Triều Tiên từ ngày 16-18/10/2007. Ảnh: Đinh Xuân Tuân – TTXVN
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-il tại Lễ đón ở sân bay quốc tế Sunan (Bình Nhưỡng), ngày 16/10/2007, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Triều Tiên từ ngày 16-18/10/2007. Ảnh: Đinh Xuân Tuân – TTXVN

Chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước, một lần nữa khẳng định, Việt Nam trước sau như một, luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với Đảng, Chính phủ và nhân dân Triều Tiên, góp phần đưa quan hệ hai nước lên một bước phát triển mới.

Ngay khi đặt chân tới Bình Nhưỡng, ông đã bị choáng ngợp bởi khung cảnh nơi này. Một Triều Tiên đã và đang hiện đại từng ngày hiển hiện ra trước mắt…

Cũng giống như những đồng nghiệp “tiền bối,” trước ngày sang Triều Tiên, nhà báo Xuân Tuân vẫn mường tượng đất nước bạn đang gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng, ngay khi đặt chân tới Bình Nhưỡng, ông đã bị choáng ngợp bởi khung cảnh nơi này. Một Triều Tiên đã và đang hiện đại từng ngày hiển hiện ra trước mắt ông.

“Người dân Bình Nhưỡng mặc trang phục dân tộc đứng ở sân bay và suốt dọc hai bên đường từ sân bay về nhà khách Chính phủ, hân hoan vẫy hoa và cờ hai nước, chào đón Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Tôi có cảm giác cả Thủ đô Bình Nhưỡng hân hoan ào ra chào đón, vui tươi như đón những người khách, người bạn thân thiết. Từ lúc đón ở sân bay, tiếp và tiễn ở sân bay, phía Triều Tiên đều tỏ thái độ trọng thị. Đích thân Chủ tịch Kim Jong Il cũng có mặt,” ông nhớ lại.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-il. Ảnh: Đinh Xuân Tuân – TTXVN
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-il. Ảnh: Đinh Xuân Tuân – TTXVN

Vào thời điểm này, theo nhà báo Xuân Tuân, cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống giao thông tại Bình Nhưỡng đã được quy hoạch rất khoa học. Các làn đường được bố trí rõ, có làn dành riêng cho người đi bộ. Mạng lưới giao thông công cộng cũng rất tốt.

“Dù thiết bị có hơi cũ nhưng ý thức người dân rất tốt và cách thức quản lý, vận hành nghiêm túc nên mọi thứ rất quy củ,” ông nhấn mạnh.

Bình Nhưỡng nói riêng và Triều Tiên nói chung khi ấy hiện ra không phải với cảnh tiêu điều như ông vẫn nghĩ. Thay vào đó là một không gian hiện đại của phố thị và sự  thanh bình, yên ả nơi những miền quê. Cho tới tận bây giờ, ông vẫn không thể quên được quanh cảnh của một ngôi làng truyền thống mà cả đoàn đã được tới thăm. Những ngôi nhà, khoảng sân nối liền nhau. Không tường rào. Không sự ngăn cách. Ngay cả nông sản khi thu hoạch xong cũng được để ngoài đồng mà không hề lo trộm cắp.

“Người dân sống với nhau rất chất phác và giản dị. Nếp sống ấy khiến chúng tôi có một cách nhìn khác về đất nước và con người Triều Tiên,” nhà báo Xuân Tuân nói.

Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Triều Tiên từ ngày 16-18/10/2007, ngày 17/10, tại Thủ đô Bình Nhưỡng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-il. Ảnh: Đinh Xuân Tuân – TTXVN
Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Triều Tiên từ ngày 16-18/10/2007, ngày 17/10, tại Thủ đô Bình Nhưỡng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-il. Ảnh: Đinh Xuân Tuân – TTXVN