Trốn đóng bảo hiểm xã hội

bhxh2-1550654497-98.jpg

Khoản đóng bảo hiểm xã hội chiếm 20-30% quỹ lương hàng tháng của doanh nghiệp, đây là một con số không hề nhỏ. Do đó, một số doanh nghiệp thường tận dụng giữ lại khoản tiền này để tiếp tục phát triển kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục nghìn người lao động. Để hạn chế tình trạng này, hàng loạt chế tài, quy định mới đã được ban hành và quá trình thực hiện đang đem lại hiệu quả tích cực.

Nợ giảm xuống dưới 3%

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, ngành bảo hiểm xã hội được giao và triển khai chức năng thanh tra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Bắt đầu từ năm 2017, ngành đã bắt đầu tiến hành thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành và kiểm tra đóng các loại bảo hiểm tại hàng nghìn đơn vị sử dụng lao động.

Trước đây khi cơ quan bảo hiểm xã hội chưa có chức năng thanh tra chuyên ngành đóng thì tổng số nợ thường xuyên ở mức 5%, nhưng đến nay tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 3%.

Việc thanh tra chuyên ngành đã tạo nên những chuyển biến tích cực giúp làm giảm rõ rệt tỷ lệ nợ đọng bảo hiểm xã hội. Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trước đây khi cơ quan bảo hiểm xã hội chưa có chức năng thanh tra chuyên ngành đóng thì tổng số nợ thường xuyên ở mức 5% nhưng đến năm 2017 và bảy tháng đầu năm 2018 tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 3%.

Tiếp nhận hồ sơ đóng bảo hiểm xã hội.
Tiếp nhận hồ sơ đóng bảo hiểm xã hội.

Trong bảy tháng đầu năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thanh tra, kiểm tra hơn 8.000 đơn vị phát hiện hàng loạt các sai phạm trong việc đóng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và thu hồi hàng trăm tỷ đồng.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Phó chánh Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, trước khi thanh tra, kiểm tra số tiền doanh nghiệp nợ các loại bảo hiểm là hơn 1.146 tỷ đồng. Thế nhưng ngay khi bị thanh tra “sờ gáy”, trong quá trình thanh tra, kiểm tra và trước khi có kết luận, các doanh nghiệp đã nộp lại hơn 661 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm. Số tiền nợ nộp lại ngay thi thanh tra thường chiếm hơn 50%.

Thanh tra còn phát hiện có tới hơn 17.700 người lao động chưa được đóng, đóng thiếu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, số tiền truy đóng thiếu lên tới hơn 40 tỷ đồng.

Công tác thanh tra đã góp phần giảm tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội 

Những kết quả có được từ công tác thanh tra đã góp phần giảm tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Khởi tố một doanh nghiệp

Doanh nghiệp có hàng trăm lý do khác nhau để không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tuy nhiên trong đó không ít doanh nghiệp cố tình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội để chiếm dụng tiền của người lao động. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, luật quy định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bị xử lý hình sự.

Giải quyết các chính sách, ché độ bảo hiểm xã hội.
Giải quyết các chính sách, ché độ bảo hiểm xã hội.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, tính đến ngày 17/7, Hà Nội có 5.819 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên 6 tháng với số tiền lên tới hơn 1.439 tỷ đồng. Việc nợ bảo hiểm này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của 36.359 lao động.

Đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, danh sách những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội sẽ được đăng tải công khai.

Danh sách những doanh nghiệp chây ỳ, chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ được đăng tải công khai.

Đối với những doanh nghiệp nợ dây dưa, kéo dài, ngoài biện pháp công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đang chủ động phân loại, xác định nguyên nhân nợ để yêu cầu cán bộ chuyên quản bám sát để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cũng sẽ gửi thông báo kế hoạch kiểm tra, thanh tra để doanh nghiệp chủ động giải quyết nợ trước khi ban hành quyết định kiểm tra, thanh tra…

Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chiếm dụng quỹ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích chính đáng của người lao động, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Công an Thành phố tập hợp hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Việc vi phạm hành vi đóng và hưởng bảo hiểm xã hội đã được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự tại Điều 214, 215, 216. Điều này thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Mức hình phạt tù cao nhất cho hành vi này là bảy năm và mức phạt tiền cao nhất lên đến một tỷ đồng.

Theo ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), kể từ cuối năm 2017 đến hết 6 tháng đầu năm 2018, với việc Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực và bổ sung các tội danh liên quan đến chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội thì ý thức nộp tiền bảo hiểm xã hội của các đơn vị sử dụng lao động chuyển biến tích cực. Đối với những doanh nghiệp chây ỳ, cố tình chậm đóng, Bảo hiểm xã hội đã phối với với cơ quan điều tra để xử lý các trường hợp nợ bảo hiểm xã hội có dấu hiệu hình sự.

Doanh nghiệp chiếm dụng quỹ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ bị đề nghị khởi tố hình sự

“Đây là giải pháp quyết liệt và có hiệu quả cao, tuy nhiên, không phải cứ nợ đọng bảo hiểm xã hội là đưa ra cơ quan điều tra khởi tố vì nếu chủ sử dụng đi tù thì người lao động cũng mất việc làm. Chúng tôi sẽ đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính và yêu cầu nộp số tiền nợ đọng. Đến nay, chỉ có duy nhất trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Nam nợ 28 tỷ đồng, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố,” ông Mai Đức Thắng nói.

Bên cạnh các biện pháp xử phạt, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng tiến hành công khai danh sách các doanh nghiệp chây ỳ, chậm đóng bảo hiểm xã hội. Những doanh nghiệp này có thời gian nợ bảo hiểm lên tới hơn hơn 20 tháng với số tiền hàng tỷ đồng. Biện pháp công khai danh sách đã có tác động lớn đến ý thức của doanh nghiệp.

“Việc công khai sẽ ảnh hưởng đến uy tín, cơ hội được xem xét, công nhận các danh hiệu của doanh doanh nghiệp về thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp làm về xuất khẩu đi các thị trường Châu âu, Châu Mỹ nếu nợ bảo hiểm xã hội sẽ bị đình trệ các đơn hàng,” ông Mai Đức Thắng nhấn mạnh.

Ông Mai Đức Thắng ví von rằng, những giải pháp, quy định mới được áp dụng đồng bộ như là “cây gậy” giúp bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể thu hồi được nợ bảo hiểm xã hội tốt hơn./.

Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đẩy mạnh thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội.
Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đẩy mạnh thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội.