Giáo sư Nhật Bản Iwatsuki Junichi

Cuộc gặp gỡ giữa tôi với giáo sư Iwatsuki Junichi diễn ra rất tình cờ. Tại một bữa tiệc tất niên do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức để cám ơn những người bạn Nhật Bản đã hỗ trợ cho sự phát triển của quan hệ Việt-Nhật, trong lúc thực hiện nghi thức trao danh thiếp, tôi bất chợt nhận ra người vừa trao danh thiếp cho mình là giáo sư Iwatsuki Junichi của Trường Đại học Tokyo, một người Nhật Bản dành nhiều tâm huyết cho đất nước và con người Việt Nam.

Khi còn là một học sinh tiểu học, cậu bé Iwatsuki đã có sở thích tìm hiểu nhóm các quốc gia Hán ngữ ở Đông Á, trong đó có Việt Nam. Lúc đó, cậu dành sự quan tâm cho Triều Tiên và Trung Quốc, hai quốc gia mà Nhật Bản có nhiều tư liệu và dễ tiếp cận.

Trong khi đó, tài liệu duy nhất về Việt Nam mà cậu học sinh tiểu học Iwatsuki được tiếp cận là một quyển sách truyện về lịch sử Việt Nam. Dù chỉ là một quyển sách truyện đơn giản, song nó cũng đủ để khơi dậy sự thôi thúc tìm hiểu về quốc gia chữ Hán duy nhất ở vùng Đông Nam Á.

Việt Nam “bí ẩn”

Đỗ Đại học Tokyo, trường đại học luôn đứng vị trí số một Nhật Bản, chàng thanh niên Iwatsuki chọn nhóm ngành khoa học Xã hội và Nhân văn, nhóm ngành mà cậu tin tưởng sẽ mở cho cậu những cánh cửa đến với niềm đam mê nghiên cứu của mình.

Giáo sư Iwatsuki Junichi là một người Nhật Bản dành nhiều tâm huyết cho đất nước và con người Việt Nam

Cơ hội đầu tiên đến vào năm 1987, khi giáo sư Furuta Motoo, nguyên Phó Giám đốc Đại học Tokyo, chuyên gia sử học, mở lớp dạy tiếng Việt cho tất cả sinh viên đang theo học tại trường. Cảm nhận đây là cơ hội đầu tiên để tìm hiểu Việt Nam, chàng sinh viên năm thứ nhất Iwatsuki đã đăng ký theo học.

Giáo sư Iwatsuki không khỏi xúc động khi nhớ lại lớp tiếng Việt ngày đó, với bao khó khăn, không có giáo trình chính thức, không có cơ hội tập luyện phát âm người bản ngữ…

Lợi thế duy nhất và mang tính quyết định chính là giáo viên giảng dạy, giáo sư Furuta Motoo, cây đại thụ về lĩnh vực Việt Nam học tại Nhật Bản, vốn có quá trình nhiều năm dạy tiếng Nhật tại Đại học Ngoại thương ở Hà Nội.

Chàng sinh viên Iwatsuki năm 1997 trong một chuyến về huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh  theo lời mời của một người bạn Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Chàng sinh viên Iwatsuki năm 1997 trong một chuyến về huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh theo lời mời của một người bạn Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Giáo sư Iwatsuki kể lại rằng thầy Furuta đã tự soạn giáo trình học tiếng Việt, tự làm các băng luyện nghe tiếng Việt để dạy cho sinh viên. Lớp học ban đầu có khoảng 10 sinh viên và sau bốn năm, lớp chỉ còn khoảng bốn đến năm sinh viên, trong số đó đã có những người ngày nay là những nhà nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam học tại Nhật Bản.

Khi trở thành sinh viên của Đại học Tokyo, Iwatsuki tiếp tục theo đuổi tìm hiểu về nhóm nước chữ Hán. Trong khi việc thu thập kiến thức liên quan đến Triều Tiên và Trung Quốc khá dễ dàng vì tài liệu rất đầy đủ thì việc thu thập kiến thức liên quan đến Việt Nam là thử thách. Việc nâng cao trình độ nghe nói tiếng Việt cũng rất khó khăn vì thời điểm đó tại Nhật Bản không có nhiều người Việt và cơ hội đi Việt Nam cũng không dễ dàng.

Tuy nhiên, những khó khăn không làm chàng sinh viên Nhật Bản nản chí mà ngược lại càng thôi thúc, càng khiến anh tò mò hơn về một đất nước lúc đó đối với anh còn đầy bí ẩn.

Mục tiêu của chàng sinh viên Iwatsuki là tìm hiểu về Triều Tiên, sau đó sẽ tìm hiểu và so sánh với Việt Nam, nhằm rút ra được quan điểm của mỗi nước về chữ Hán và chính sách phát triển loại ký tự này.

Vì những lợi thế về tài liệu nghiên cứu, sinh viên Iwatsuki đã hoàn thành đề tài nghiên cứu về chữ Hán tại Triều Tiên trong luận văn tốt nghiệp đại học của mình.

Phần tìm hiểu về Việt Nam, lúc đó, Iwatsuki đã quyết định đưa vào luận văn thạc sỹ với sự hướng dẫn của giáo sư Furuta Motoo. Với đề tài “Tranh luận trên Tạp chí Nam Phong-Lấy vị trí chữ Hán làm trung tâm,” Iwatsuki tập trung vào giai đoạn từ lúc tạp chí Nam Phong ra số đầu tiên vào năm 1917 đến năm 1934, cũng là giai đoạn chuyển giao giữa chữ Hán với chữ quốc ngữ.

Chàng sinh viên Nhật Bản nghiên cứu những bài tranh luận đăng trên Nam Phong về vấn đề này, so sánh các ý kiến để rút ra nhận định về quan điểm của người Việt Nam trong giai đoạn đó đối với chữ Hán.

Giáo sư Iwatsuki dự đám cưới một người bạn Việt Nam năm 1996. (Nguồn: Vietnam+)  
Giáo sư Iwatsuki dự đám cưới một người bạn Việt Nam năm 1996. (Nguồn: Vietnam+)  

Một Việt Nam ấm áp tình người

Năm 1996, lần đầu tiên giáo sư Iwatsuki đến Hà Nội du học với tư cách là nghiên cứu sinh. Chuyến đi đầu tiên này đã đem đến cho ông nhiều điều ngỡ ngàng và thú vị.

Dù từng học tiếng Việt trong một thời gian dài tại Đại học Tokyo, giáo sư Iwatsuki bối rối khi lần đầu tiên một mình bước vào một quán cơm bình dân gần nơi trọ học. Ông ngỡ ngàng khi phát hiện ra mình không thể nghe và giao tiếp tốt như mình tưởng. Tuy nhiên, điều đó càng khiến ông quyết tâm tận dụng cơ hội du học tại Việt Nam để trau dồi vốn tiếng Việt của mình.

Dù cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả song điều mà giáo sư Iwatsuki  nhận thấy là sự cởi mở, thân thiện và tốt bụng của những người bạn Việt Nam. Từ những đứa trẻ hồn nhiên, sẵn sàng trở thành giáo viên luyện nói tiếng Việt đến những giảng viên, giáo sư tại các trường đại học, tất cả đều nhiệt tình giúp đỡ mỗi khi giáo sư gặp khó khăn. Ông nói rằng chính những sự hỗ trợ đó của những người bạn Việt Nam đã góp phần không nhỏ giúp ông hoàn thành nghiên cứu đề tài của mình.

Giáo sư Iwatsuki háo hức trong một lần về thăm quê bạn ở Hà Tĩnh, năm 1996. (Nguồn: Vietnam+)
Giáo sư Iwatsuki háo hức trong một lần về thăm quê bạn ở Hà Tĩnh, năm 1996. (Nguồn: Vietnam+)

Chân tình gửi đến Việt Nam

Kết thúc thời gian nghiên cứu sinh tại Việt Nam, giáo sư quay trở lại Nhật Bản với công việc là một giảng viên tiếng Trung tại Đại học Hitotsubashi và sau đó là Đại học Tokyo. Thế nhưng điều đó không cản trở ông tiếp tục chọn Việt Nam là chuyên ngành nghiên cứu chính của mình. Giáo sư đảm nhận dạy lớp tiếng Việt trình độ trung cấp tại Đại học Tokyo và tiếp tục theo đuổi đề tài nghiên cứu về quá trình chuyển đổi từ chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ tại Việt Nam.

Sau lần du học đầu tiên, việc trở lại Việt Nam của giáo sư để tìm hiểu tài liệu đã trở nên thường xuyên hơn. Nhiều thư viện ở Việt Nam như Thư viện Hán Nôm tại Viện Hán Nôm, Thư viện thông tin khoa học xã hội của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội đã trở nên quen thuộc với hình ảnh một giáo sư Nhật Bản cần mẫn.

Thường xuyên đến Việt Nam để tra cứu tư liệu, ông nhận ra chất liệu giấy của các tài liệu gốc không bền, nguy cơ những trang tài liệu bị hư hỏng sẽ càng lớn hơn vì khí hậu Việt Nam có độ ẩm cao. Điều này đã thôi thúc ông tìm cách hỗ trợ công tác bảo quản tài liệu tại các thư viện Việt Nam.

Giáo sư Iwatsuki quyết định tham gia vào nhóm nghiên cứu kỹ thuật bảo quản tài liệu, trong khuôn khổ dự án do Đại học Kyoto làm chủ quản. Là người đã trực tiếp tra cứu các văn bản tài liệu tại các thư viện Việt Nam, giáo sư hiểu rõ hiện trạng bảo quản, lưu trữ văn bản của các thư viện Việt Nam. Vì vậy, giáo sư cung cấp thông tin này cho nhóm nghiên cứu kỹ thuật, căn cứ vào đó, nhóm kỹ thuật sẽ đề xuất và tiến hành các kỹ thuật lưu trữ, bảo quản phù hợp. Dự án của Đại học Kyoto với sự tham gia của giáo sư Iwatsuki đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ nhiều văn bản cổ quý giá của Việt Nam.

Đại học Việt Nhật được thành lập tại Hà Nội. Giáo sư Furuta Motoo, người thầy đầu tiên dìu dắt giáo sư Iwatsuki vào lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam học, đảm nhận vị trí Hiệu trưởng. Đối với giáo sư Iwatsuki, đây là một cơ hội mới để ông tiếp tục hỗ trợ Việt Nam. Song song với công việc là giảng viên tại Đại học Tokyo, giáo sư tham gia giảng dạy chương trình Thạc sĩ Khu vực học tại Đại học Việt Nhật.

Giáo sư Iwatsuki còn đóng vai trò là người điều hành các chương trình thực tập tại Nhật Bản dành cho các học viên trong chương trình Thạc sĩ Khu vực học.

Bên cạnh đó, ông còn đảm nhận vai trò là Tổng thư ký Hội nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản, có 140 thành viên, là những nhà nghiên cứu Việt Nam học hàng đầu của Nhật Bản. Hội được thành lập vào năm 1987 với mục tiêu tạo diễn đàn công bố nghiên cứu và trao đổi các thông tin về Việt Nam học giữa các nhà nghiên cứu Nhật Bản.

Bận rộn với nhiều công việc nhưng giáo sư vẫn đều đặn công bố kết quả nghiên cứu của mình trên các tạp chí khoa học của Nhật Bản về quá trình chuyển đổi chữ viết của Việt Nam qua từng giai đoạn. Đối với ông, đây là đề tài nghiên cứu suốt cuộc đời.

Càng đi sâu nghiên cứu về Việt Nam, sự gắn kết giữa giáo sư Iwatsuki với đất nước và con người Việt Nam càng được thắt chặt. So với những năm ông sang du học lần đầu tiên, Việt Nam giờ đây đã phát triển hơn rất nhiều. Điều ông bất ngờ nhất là sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Càng đi sâu nghiên cứu về Việt Nam, sự gắn kết giữa giáo sư Iwatsuki với đất nước và con người Việt Nam càng được thắt chặt

Giáo sư Iwatsuki kể rằng khi còn làm nghiên cứu sinh tại Việt Nam, ông từng nhìn thấy những chiếc xe buýt vẫn còn in nguyên địa danh Nhật Bản lưu thông trên đường phố Hà Nội. Những hình ảnh đó đã tạo cho ông một cảm giác thân thuộc và mong ước về một mối quan hệ song phương Việt-Nhật thân thiện.

Nhiều năm sau, mong ước của ông đã thành sự thật. Thậm chí, quan hệ hai nước còn phát triển đến mức mà chàng thanh niên nghiên cứu sinh năm đó chưa thể ngờ tới.

Quan hệ Việt-Nhật phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực kéo theo sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Số người Việt Nam học tập và làm việc sang Nhật Bản làm việc tăng mạnh, lên tới khoảng 250.000 người. Giáo sư Iwatsuki rất vui mừng trước xu thế phát triển này và mong muốn mối quan hệ tốt đẹp được duy trì bền vững.

Ông nghĩ rằng với tư cách là một nhà nghiên cứu, ông có trách nhiệm cung cấp những thông tin chính xác về đất nước, con người Việt Nam cho người dân và các doanh nghiệp Nhật Bản với mong muốn những thông tin đó sẽ giúp người dân Nhật Bản có một sự nhìn nhận đúng đắn về Việt Nam. Ông tin rằng điều này sẽ giúp thắt chặt thêm sự gắn kết giữa nhân dân hai nước, tạo ra môi trường tích cực hơn nữa cho những người Việt Nam đến học tập và làm việc tại Nhật Bản.

Mối lương duyên của giáo sư Iwatsuki với Việt Nam đã bắt đầu từ khi ông còn là một học sinh tiểu học. Mối lương duyên này sẽ còn tiếp tục phát triển vì giáo sư Iwatsuki vẫn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, cũng như hỗ trợ cho quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp hơn nữa.

Trải qua nhiều năm gắn bó với Việt Nam, trở thành một trong những nhà nghiên cứu Việt Nam học hàng đầu tại Nhật Bản, với giáo sư Iwatsuki, Việt Nam, một đất nước đầy tính nhân văn, giờ đây đã trở nên vô cùng thân thuộc./.

Giáo sư Iwatsuki trò chuyện với phóng viên TTXVN. (Nguồn: Vietnam+)
Giáo sư Iwatsuki trò chuyện với phóng viên TTXVN. (Nguồn: Vietnam+)