Đội tuyển Việt Nam

90 phút thần kỳ trước Nhật Bản vẫn chưa phải là câu trả lời thực sự vững chắc cho băn khoăn rằng thành công trong bóng đá đến từ đâu, nhưng nó là chỉ dấu cho thấy rằng bóng đá Việt Nam vẫn đáng đầu tư như thế nào và có thể tạo ra nguồn cảm hứng lớn đến thế nào.

Bởi vì đấy là 90 phút mà các cầu thủ đã chơi một thứ bóng đá có đẳng cấp cao thực sự chứ không chỉ là lấy tinh thần nâng đỡ trình độ, và đáng ngạc nhiên hơn là trước một đội tuyển có nền tảng dày dặn và là hình mẫu của thành công có bài bản, chiến lược.

Bởi vì đội tuyển Việt Nam đã chơi một trận vượt quá tầm vóc của nền bóng đá này. Vượt tầm của giải V League đang cố thoát ra khỏi thời kỳ bán chuyên nghiệp. Vượt tầm của các sân bãi xù xì và khán đài trống vắng. Vượt tầm của số đông các cổ động viên vốn không có văn hóa cổ vũ và chỉ khi vui mới vỗ tay vào.

Và 90 phút ‘nhảy cóc’ qua những giới hạn của nền bóng đá của lứa cầu thủ này đã chứng minh rằng chỉ cần có ý thức trồng cây thôi thì quả ngọt sẽ có.

Một bức hình đồ họa hiển thị 11 vị trí của đội tuyển Nhật Bản kèm CLB họ đang thi đấu đã lan truyền trên mạng xã hội vài ngày qua: Tất cả đều đang đá ở châu Âu. Nhiều người trong số đó đã trở về từ World Cup 2018, nơi Nhật Bản thua ngược sau khi dẫn trước đội tuyển Bỉ đến hai bàn ở vòng 1/8.

Trung vệ đội trưởng Maya Yoshida đã chơi 138 trận tại giải Ngoại hạng Anh trong màu áo Southampton, tiền vệ Gaku Shibasaki từng ghi được bàn vào lưới Barcelona cho Getafe, còn Takahashi Inui đã có 4 mùa giải chơi ở Liga, là trụ cột của Eibar và Real Betis.

Đấy là một bước tiến dài: Hơn 20 năm trước, đội Nhật vẫn dự World Cup đầu tiên trong lịch sử với 100% thành viên chơi bóng trong nước. Bây giờ, họ đã có cả một thế hệ cầu thủ đủ tự tin chơi bóng ở đẳng cấp thế giới, hòa nhập với các nền văn hóa ở bất cứ đâu.

Chúng ta thì mới chỉ có Văn Lâm vừa ký hợp đồng với Muang Thong (Thái Lan). Còn lại, đa số là những cầu thủ trẻ chơi bóng trong nước và chỉ mới thực sự cọ xát nhiều ở trình độ quốc tế trong một năm qua.

Trong một ngày đẹp trời, đội tuyển Việt Nam đã đã ‘va đập’ với khối khổng lồ kinh nghiệm và đẳng cấp ấy mà vẫn không cảm thấy choáng váng, thậm chí còn chơi sòng phẳng và khiến Nhật Bản luống cuống đặc biệt trong 15 phút cuối hiệp một và cuối hiệp hai.

Nhưng sự ngang ngửa trên sân cỏ trong 90 phút chưa đủ để nói lên rằng hai nền bóng đá là bình đẳng.

Takumi Minamino, tiền đạo gây khó khăn rất nhiều cho Văn Lâm đêm qua, là một trong những người nổi bật trưởng thành từ giải vô địch U18 Nhật. Giải đấu này được thành lập năm 2011, cho đến nay đã quy tụ được 20 đội tham gia, có thể là đội trẻ của các CLB chuyên nghiệp hoặc các đội trẻ trường trung học.

Hệ thống cạnh tranh rất hấp dẫn này đã đảm bảo việc chọn lọc công bằng những cầu thủ trẻ có thể tiến lên chơi chuyên nghiệp. Kể từ những năm 1990, phong trào bóng đá học đường của Nhật Bản đã phát triển rất mạnh mẽ. Để dìu dắt các cầu thủ nhí, Nhật chia công tác đào tạo trẻ từ 8-14 tuổi ra làm 5 cấp độ với các giáo án thống nhất, với mức cuối cùng là nấc thang tiến vào thế giới chuyên nghiệp.

Nghĩa là sự có mặt của các cầu thủ Nhật Bản trên sân đêm qua là kết quả của một quá trình sàng lọc bài bản lâu dài và có kế thừa một cách liên tục hai thập kỷ qua.

Ở chiều ngược lại, đội tuyển Việt Nam đêm qua đã chơi trận tốt nhất từng có với rất nhiều cầu thủ chỉ mới là lứa đầu tiên của mô hình lò đào tạo tư nhân được khởi động trong hơn 10 năm trở lại (HA.GL JMG, HN T&T…), thắng thế mô hình cục bộ địa phương từ thời bóng đá bao cấp.

Nhưng như một phép màu, những sản phẩm sơ khai ấy vừa có màn trình diễn đầy thách thức trước một đội tuyển là tập hợp của mô hình phát triển bóng đá tốt bậc nhất châu Á, nếu không muốn nói là số một.

Nguyễn Quang Hải, ngôi sao lớn nhất của đội tuyển hiện tại, 9 tuổi đã gia nhập lò đào tạo Hà Nội T&T, nơi anh sát cánh cùng Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng và sau đó là Đoàn Văn Hậu, cho đến bây giờ.

Nguyễn Công Phượng, người liên tục đi bóng khoan thẳng vào hàng thủ Nhật Bản một cách không sợ hãi, là sản phẩm của học viện HA.GL JMG, cùng với Nguyễn Văn Toàn và Lương Xuân Trường. Bùi Tiến Dũng, trung vệ chơi rất xuất sắc ở giải U23 châu Á lẫn Asian Cup lần này, trưởng thành từ lò Thể Công (sau này là Viettel).

Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng và Phan Văn Đức là ba người vẫn còn duy trì được truyền thống “quân Sông Lam” trên đội tuyển quốc gia, nhưng theo xu hướng “gạn đục khơi trong”: Hải và Hoàng đã hạn chế rất tốt lối chơi chém đinh chặt sắt một vốn được coi là đặc trưng của lò Sông Lam Nghệ An, để phù hợp với tập thể hơn.

Và hình ảnh khác biệt của đội tuyển so với các thế hệ trước đây dường như cũng đến từ những ý niệm mới mẻ từ các lò đào tạo được đầu tư bởi bầu sữa tư nhân:

(Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)
(Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

– Tư duy chủ động. Các thế hệ tuyển thủ trước đây đã phải mất hơn 20 năm chỉ để chuyển từ hệ thống 5-3-2 siêu phòng ngự sang 4-4-2 hiện đại, để có thể bắt đầu tấn công hoặc chí ít là chơi phòng ngự phản công một cách dễ dàng hơn. Nhưng đội tuyển hiện tại thì thậm chí dám và đủ khả năng cầm bóng, tổ chức tấn công mạch lạc trước các đối thủ sừng sỏ.

Đấy không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn đòi hỏi tư duy chủ động thực sự. Học viện JMG HA.GL, nơi các cầu thủ tiếp xúc với quả bóng ban đầu là bằng đôi chân trần, chính là điểm khởi đầu của tư duy ấy: Khi các cầu thủ được định hướng chơi cầm bóng, thì bản thân họ cũng đã nuôi dưỡng dần được sự tự tin vào bản thân.

Tối qua, chúng ta chứng kiến đội tuyển chơi thực sự chủ động trong hầu hết các khoảng thời gian then chốt của trận đấu.Viêt Nam thậm chí khiến các cầu thủ Nhật luống cuống trong 15 phút cuối của hiệp một lẫn cuối hiệp hai, bằng cách pressing ngay từ 1/3 sân đối phương và áp dụng các đường chuyền trực tiếp để uy hiếp khung thành.

– Đa năng. Đoàn Văn Hậu bắt đầu tập ở lò HN T&T với xuất phát điểm là vị trí tiền vệ trung tâm, sau đó được kéo về chơi trung vệ lệch trái, và sau cùng là hậu vệ trái.

(Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)
(Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Đấy là một trong những triết lý đào tạo đặc trưng của lò Hà Nội: Sự đa năng. Đức Huy có thể đá ở cánh trái lẫn tiền vệ trung tâm. Quang Hải có thể đá hầu hết mọi vị trí trên hàng công và thậm chí chơi tốt khi bị kéo về ‘chia bài’ ở trung tâm hoặc kiến tạo lùi sâu.

Đình Trọng và Duy Mạnh vốn là những tiền vệ trung tâm được kéo về đá trung vệ, điều khiến họ có thể thoải mái phát triển bóng từ hàng phòng ngự. Mẫu trung vệ biết cầm bóng (Ball playing defender) chứ không phải mắm môi mắm lợi phá lên như thế là điều không thể thiếu trong một lối chơi chủ động.

– Bóng ngắn. Tư duy này đã bén rễ âm thầm từ các lò đào tạo sang một số CLB ở V League mà tiêu biểu chính là đội ĐKVĐ Hà Nội, và giờ là đội tuyển quốc gia. Các lò HN T&T và HA.GL đều chủ trương đá bóng ngắn, chuyền nhiều, chơi ít chạm, chuyển hướng đột ngột trước khi dứt điểm trận đấu.

Tất cả đều là những ý niệm hết sức mới mẻ với bóng đá Việt Nam. Chúng ta có thể không lý giải được vì sao đội tuyển tiến bộ trong một thời gian thần tốc đến như thế, nhưng hoàn toàn có thể chỉ ra được cái cây đã lớn lên từ đâu.

Điều này làm dấy lên nhiều hy vọng: Bóng đá Việt Nam vẫn là một mảnh đất màu mỡ. Chỉ cần có người chịu trồng cây, và tưới nước thôi, là có thể cho ra quả ngọt. Dù ngọt đến thế này thì vượt xa tưởng tượng của chúng ta: Những gì đội tuyển quốc gia làm được một năm qua đã đi quá tầm vóc thực sự của nền bóng đá này. Thành công này là không thể cắt nghĩa và đủ mạch lạc để vạch ra một lối đi rõ ràng từ nguyên nhân đến hệ quả.

Và thành công bất chợt ấy cũng làm nảy lên sự băn khoăn: Nếu như một thế hệ không cần phải trải qua quá nhiều sự đầu tư bài bản lớp lang vẫn có tiềm năng tạo ra những cơn địa chấn, vậy thì chúng ta có cần phải quá khắt khe với những người làm bóng đá, vì bản chất cuối cùng của thể thao vẫn chỉ là một trò chơi?

Tôi không biết nghiêng vào bên nào trong những cuộc tranh luận kiểu này: Bóng đá đúng là một trò chơi, nhưng biểu hiện của nó lúc nào cũng cho thấy nhiều hơn thế. Trong một đêm mà các cầu thủ đã chơi xuất sắc dù nền bóng đá này không cho thấy nhiều cơ sở xứng đáng với màn trình diễn ấy, chúng ta không chỉ nói về chất lượng của thứ bóng đá họ đã chơi, mà còn nói về lòng quả cảm, sự nỗ lực, và hy vọng. Chúng ta khen ngợi các cầu thủ này, không chỉ với tư cách những vận động viên giỏi, mà còn là những con người đang hiện thực hóa những ước muốn chung nhất, về những thứ sẽ tốt đẹp hơn, và tử tế hơn, theo thời gian.

Dù kết quả của một trận đấu, thường là vô nghĩa. Ta đã thắng Nhật Bản 1-0 ở ASIAD 2018, nhưng không thể nhiều cảm xúc bằng trận thua 0-1 đêm qua. Ta có thể thắng họ đêm qua, nhưng khoảng cách của hai nền bóng đá không thay đổi. Nếu gặp nhau 10 lần, Nhật có thể thắng ta 9 lần.

Nhưng bóng đá hấp dẫn chính vì nó thú vị, và… rỗng tuếch như thế. Rỗng tuếch, nên bất cứ ai cũng có thể gửi gắm hy vọng vào nó. Như là lúc này chẳng hạn. Bạn hẳn là muốn V League, các nhân vật điều hành bóng đá Việt, các sân bãi thi đấu, các cổ động viên…hoặc bất kỳ điều gì xoay quanh bản thân tốt lên một chút, sau khi chứng kiến những điều khó tin chúng ta đã làm được, trong một trò chơi.

Đôi khi chỉ để xứng đáng với chất lượng của một trò chơi 90 phút, thì tất cả phải cùng tốt lên.

(Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)
(Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Bài: Phạm An

Thiết kế: Thanh Trà