CPTPP

ngilao-1548662331-61.jpg

Dệt may là một trong những ngành hàng nằm trong tốp đầu xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 khi đem về hơn 36 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2017.  

Trong cuộc trò chuyện đầu năm Kỷ Hợi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu và vị thế trên thị trường. Năm 2018, dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngành dệt may đã về đích vượt mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm 2018. Theo ông, đâu là điểm nổi bật của ngành trong năm vừa qua ?

Từ quý III/2018 khi những tin tức về chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc bắt đầu nhen nhóm đã ảnh hưởng tới tình hình kinh tế toàn cầu nói chung và dệt may nói riêng. Nhưng nhìn chung cả năm 2018 tình hình nhập khẩu dệt may các thị trường lớn khá khả quan. Đơn cử nhập khẩu Mỹ ước đạt 118,9 tỷ USD, tăng 4,2 % so với 2017, nhập khẩu EU đạt 283,2 tỷ USD, ước tăng 8,02%, nhập khẩu Nhật Bản đạt 38,16 tỷ USD, tăng 8,9%, Hàn Quốc ước đạt 15,51 tỷ, tăng 7,16%.

Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2018 cũng có xu hướng tốt, đặc biệt kinh tế Mỹ khởi sắc nhờ các chính sách quyết liệt của Tổng thống Mỹ.

Thị trường việc làm Mỹ được cải thiện khiến chi tiêu các hộ gia đình gia tăng, vì thế nhìn chung nhập khẩu dệt may cũng được cải thiện theo. Tương tự kinh tế EU và Nhật Bản cũng khởi sắc trong 9 tháng đầu năm nhờ những biện pháp can thiệp thị trường và thúc đẩy chi tiêu Chính phủ.

Năng suất lao động ngành may mặc được nâng cao nhờ áp dụng công nghệ hiện đại. (Nguồn: TTXVN)
Năng suất lao động ngành may mặc được nâng cao nhờ áp dụng công nghệ hiện đại. (Nguồn: TTXVN)

Một trong những điều doanh nghiệp quan tâm chính là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi. Điều này sẽ có tác động như thế nào đối với ngành dệt may Việt Nam, thưa ông?

Những lợi ích mà CPTPP có thể mang lại đầu tiên là việc mở cửa thị trường, tiếp cận sâu hơn các thị trường dệt may phi truyền thống với Việt Nam như Canada, Australia.

Ví dụ năm 2017 kim ngạch nhập khẩu dệt may Canada đạt 13,86 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam đạt 814 triệu USD, chiếm 5,9% thị phần. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu dệt may của Australia đạt 9,01 tỷ USD trong khi nhập khẩu từ Việt Nam có 256 triệu USD, chiếm 2,8% thị phần. Nói như vậy để thấy dệt may Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để mở rộng xuất khẩu đến các thị trường này.

Một điểm nữa là hiệp định này sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhờ cắt giảm thuế quan. Ví dụ với Canada thuế MFN trung bình từ 17-18%, khi có CPTPP thì tất cả các dòng thuế thuộc các chương từ HS50-60 (xơ, sợi, vải) và một số dòng thuộc HS 61,62 sẽ về 0%.

Một số dòng thuế Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Canada như áo khoác ngoài, các loại áo gió, bộ quần áo trượt tuyết… hầu hết được triệt tiêu thuế về 0% từ năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Chúng ta cũng thấy một điểm nổi bật là hiệp định CPTPP sẽ thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, hình thành ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may. Do cơ hội từ CPTPP, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn nếu tính đến các nhân tố như cơ hội thị trường, chiến lược nguồn cung thay thế lẫn chi phí sản xuất.

Họ sẽ xem xét đến việc dịch chuyển sản xuất, chuyển giao công nghệ, đầu tư chuỗi cung hoàn thiện nhằm thúc đẩy xuất khẩu tận dụng các cơ hội từ Hiệp định mang lại. Việc này giúp sản xuất nguyên phụ liệu và chuỗi cung dệt may của Việt Nam hoàn thiện hơn, không còn phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Với quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, CPTPP là một trong những hiệp định “rắn” nhất với ngành dệt may hiện nay. Theo ông, khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước hiện ra sao?

Để được hưởng lợi ích về thuế quan mang lại, dệt may Việt Nam phải chứng minh được xuất xứ từ khâu sợi trở đi. Trong khi với các đơn hàng may của chúng ta chủ yếu may gia công, nguồn vải chủ yếu nhập khẩu và do khách hàng chỉ định thì việc đáp ứng yêu cầu trên là câu chuyện không dễ dàng.

Mặc dù CPTPP có một số ngoại lệ như quy tắc nguồn cung thiếu hụt hay một số quy tắc quy định cho cả set, bộ quần áo… cho phép không cần đáp ứng theo quy tắc về xuất xứ và vẫn có thể hưởng ưu đãi về thuế nhưng khả năng khai thác các ngoại lệ này khá hạn chế. Điều này là bởi các loại sợi, vải quy định trong danh sách nguồn cung thiếu hụt khá đặc biệt, đầy tính kỹ thuật, ít dùng cho sản xuất các loại quần áo đại trà.

Trong CPTPP chỉ có 3 nhóm hàng được áp dụng quy tắc cắt may, không bắt buộc phải có nguyên liệu là vải hay sợi ở nước sở tại gồm: vali, túi xách; áo ngực phụ nữ và quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp. Mà những mặt hàng này lại không phải mặt hàng thế mạnh của dệt may Việt Nam.

Do vậy về ngắn hạn tôi nghĩ tạm thời chúng ta chưa khai thác triệt để được lợi ích của Hiệp định. Nhưng nếu chúng ta nhìn về tương lai của ngành trong 3-5 năm tới, khi các nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận được Việt Nam có nhiều tiềm năng hơn, khi giá thành sản xuất ở những quốc gia khác càng ngày càng đắt đỏ hơn, họ sẽ đầu tư vào ngành nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam. Lúc đó chắc chắn chúng ta sẽ đáp ứng được dần dần yêu cầu xuất xứ của CPTPP.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Ngoài quy tắc xuất xứ, đâu là những trở ngại của ngành khi CPTPP chính thức đi vào thực thi?

Từ trước tới nay, những thị trường xuất khẩu lớn và chính của dệt may Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong khi với CPTPP những thị trường tiềm năng với dệt may Việt Nam mới hạn chế ở Canada và Australia.

Bên cạnh đó, thị trường Canada và Australia không phải lớn với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm cả hai thị trường vào khoảng 23 tỷ USD, chưa bằng tổng nhập khẩu dệt may của thị trường Nhật Bản. Hiện, thị phần của dệt may Việt Nam với hai thị trường này thấp (dưới 5%), bản thân doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được quan hệ khách hàng thân thiết trên hai thị trường này, do đó cần thời gian tiếp cận.

Ngoài ra, để được hưởng ưu đãi về thuế doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo các yêu cầu về tuân thủ. Ví dụ như nghĩa vụ chứng minh xuất xứ, nghĩa vụ khai báo doanh nghiệp, nghĩa vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ rất nghiêm ngặt… Những việc lưu trữ hồ sơ thế này từ trước tới nay doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa làm, do đó để xây dựng hệ thống lưu trữ hồ sơ sao cho khoa học đáp ứng nhu cầu đặt ra cũng là vấn đề cần lưu tâm.

Cuối cùng, động thái của đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia đang và sẽ đưa ra các động thái hỗ trợ doanh nghiệp của họ. Ví dụ nhiều nước có các chính sách hỗ trợ rất cụ thể như Ấn Độ có các quỹ hộ trợ xuất khẩu, quỹ giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu máy móc, giảm thuế doanh nghiệp… hay việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu.

Trước những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, về phía ngành dệt may đã có những giải pháp nào để vượt qua rào cản, thưa ông?

Về tổng thế, để khai thác các thị trường dệt may trong CPTPP, phía Vinatex khá chú trọng tới công tác xúc tiến thương mại, làm việc trực tiếp với khách hàng.

Nếu trước kia các doanh nghiệp may hay xuất khẩu thông qua trung gian tại Trung Quốc và Hongkong thì giờ đây xu hướng làm việc trực tiếp với khách hàng trở nên phổ biến hơn, tránh các chi phí trung gian không cần thiết.

Để làm được điều này, trong vòng một năm qua, Vinatex đã tổ chức nhiều đoàn làm việc trực tiếp với khách hàng trước hết tại thị trường Canada và tiếp theo là Australia. Bước đầu đã thu được các kết quả rất khả quan. Một số doanh nghiệp đã có đơn hàng trực tiếp.

Vinatex xác định khâu tối quan trọng cần cải thiện là khả năng tự chủ về nguồn nguyên phụ liệu nên thời gian qua tập đoàn chủ trương đầu tư vào các dự án sợi dệt. Ví dụ như Sợi Phú Hưng, Sợi Nam Định… Cho tới năm nay các dự án của Vinatex đã có lãi trước so với kế hoạch đề ra.

Còn với các doanh nghiệp thành viên, tập đoàn khuyến khích các giải pháp doanh nghiệp làm việc trực tiếp với khách hàng cùng đầu tư, sản xuất, chuyển giao công nghệ hay hướng tới sản xuất các mặt hàng tận dụng được các quy định về ngoại lệ với quy tắc xuất xứ trong CPTPP để được hưởng các lợi ích về thuế.

Với thị trường trong nước, theo ông CPTPP sẽ tạo ra áp lực như thế nào với ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam?

Năm 2015, khi quá trình đàm phán FTA Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc, làn sóng FDI vào dệt may rất mạnh mẽ. Theo đó, ngành dệt may thu hút khoảng 100 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD. Đây là khoản vốn đầu tư cao kỷ lục từ trước tới nay.

Còn hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực cuối dự kiến sẽ mang đến làn sóng FDI mới vào Việt Nam, đồng nghĩa với áp lực với doanh nghiệp nội sẽ gia tăng.

Với ngành thời trang trong nước, từ trước tới nay miếng bánh thị trường dệt may nội địa bị chia năm xẻ bẩy với nhiều nguồn hàng, đơn cử hàng sản xuất doanh nghiệp may nội địa, hàng nhập khẩu lậu qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc, hàng xách tay, hàng gia công của những cơ sở nhỏ lẻ, hàng dệt may nhập khẩu của các hãng thời trang nước ngoài như Zara, H&M, Mango, Pull & Bear…

Chúng ta mở cửa thị trường dệt may trong nước cho các thành viên CPTPP. Tuy nhiên trong cơ cấu các thành viên CPTPP chỉ có Mexico là nước mạnh về sản xuất dệt may cho xuất khẩu, mà thị trường chính của Mexico lại là Mỹ do lợi thế về khoảng cách địa lý. Do vậy áp lực của CPTPP tới thị trường nội địa của chúng ta tôi nghĩ là không nhiều.

(Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
(Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ông có thể nói cụ thể hơn về định hướng sắp tới của Vinatex trong việc phát triển thị trường nội địa?

Không phải từ khi có CPTPP mà từ trước tới nay các doanh nghiệp trong tập đoàn rất cố gắng duy trì và mở rộng thị trường nội địa. Một số doanh nghiệp dần dần tạo ra giá trị và khẳng định vị trí độc tôn trên thị trường nội địa, như nhắc đến Việt Tiến người ta nhắc đến áo sơ mi, May 10 hay Nhà Bè là veston, Dệt kim Đông Xuân là hàng áo dệt kim…

Tuy nhiên, câu chuyện thị trường nội địa còn khá dài vì miếng bánh có nhiều thành phần tham gia, trong đó cạnh tranh gay gắt nhất đến từ hàng tiểu ngạch nhập lậu từ Trung Quốc.

Để thích ứng, mỗi doanh nghiệp thuộc tập đoàn có chiến lược cụ thể đánh vào các thị trường ngách và dần dần cạnh tranh được, xây dựng được hệ thống khách hàng cho riêng mình.

Ví dụ Đức Giang đã xây dựng được thương hiệu Spearl hay Hera DG chuyên hàng công sở, quần áo cho phụ nữ với kiểu dáng bắt mắt, thay đổi nhanh theo các xu hướng thời trang. Hay trong 2 năm trở lại đây chúng tôi đã kiến tạo thành kênh phân phối chỉ riêng thời trang Việt Nam tại Trung tâm thời trang 25 Bà Triệu và doanh số thu về cũng rất khả quan.

Về định hướng thị trường nội địa trong những năm tới chúng tôi tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành mở rộng hơn nữa các kênh phân phối nội địa, xây dựng các thương hiệu đúng nghĩa “Made in Vietnam” để từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Xin cảm ơn ông./.

May hàng xuất khẩu tại nhà máy của Tổng công ty May 10. (Ảnh: Trần Việt - TTXVN)
May hàng xuất khẩu tại nhà máy của Tổng công ty May 10. (Ảnh: Trần Việt – TTXVN)