Trên đỉnh Simacai

Lời tòa soạn

Từ gần một năm trở lại đây, Giàng Thị Liễu, 14 tuổi, đã bỏ học ở nhà. Trước khi vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, cha mẹ Liễu, Lý và Mo, đã nằng nặc bắt em phải thay họ gánh vác cả gia đình gồm 5 miệng ăn sát lòng hồ Cán Cấu, giờ chỉ toàn người già và trẻ nhỏ.

Sinh ra trên “miền ngược” đã là một thiệt thòi lớn so với những bạn đồng lứa ở “dưới xuôi.” Nhưng với Liễu thì những trắc trở mà em phải gánh chịu còn gập ghềnh hơn cả con đường núi chông chênh dẫn từ “thế giới văn minh” đến với những thôn bản nằm ở những địa điểm cách trở nhất của huyện Simacai, tỉnh Lào Cai.

Thế nên, chúng tôi gọi những đứa trẻ như Liễu là những “anh hùng nhí,” và câu chuyện của em không chỉ còn là cá biệt, mà đã trở thành một vấn đề mang tính vĩ mô hơn rất nhiều.

Theo thống kê từ chính quyền địa phương, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, riêng xã Cán Cấu đã có tới hơn 100 người thường xuyên vượt biên trái phép sang Trung Quốc để mưu sinh. Con số này tại xã lân cận là Sán Chải thậm chí còn cao hơn khi có tới từ 400-450 người đã… lén vượt sông sang đất bạn.

Những cuộc di dân bất hợp pháp đã khiến cho nhiều bản làng trở thành bản vắng mẹ. Và, thay vì đến trường… nhặt chữ để đổi đời, rất nhiều đứa trẻ như Liễu đang phải gồng mình mang gánh nặng mưu sinh trên các triền ngô dốc đứng, cỗi già.

Giàng Thị Liễu, Giàng Seo Dơ, Giàng Seo Phừ – những đứa trẻ được nhắc tới trong loạt bài viết này đã, đang và sẽ bước qua tuổi thơ, tự biến mình thành những trụ cột chính trong những gia đình vắng bóng người lớn. Cuộc mưu sinh của cha mẹ các em đã vô tình đẩy thế hệ thứ hai, thứ ba vào một vòng luẩn quẩn không hồi kết.

Liễu biết bố mẹ mình lại sắp sang Trung Quốc kiếm việc làm. Từ vài năm nay, với cô bé người Mông xã Cán Cấu ấy, những chuyến đi xa của người lớn trong nhà vẫn luôn được bắt đầu một cách giống nhau như thế.

Nhưng lần này, Liễu lại cảm thấy khác. Bởi trước khi đi, A Lý bảo: Giờ con không phải đi học nữa, chỉ cần ở nhà chăn bò, chăm bà với các em…

Cô bé 14 tuổi đang học dang dở lớp 9 ngay lập tức đồng tình một cách… hồn nhiên nhất. Và cũng từ đây, đường tới trường của em đã được thay bằng đường lên núi, lên nương.

Đánh rơi con chữ trên nương

Từ ngày vợ chồng A Lý sang Trung Quốc tìm việc làm hồi đầu năm, căn nhà trình tường đất liêu xiêu nằm ngay gần lòng hồ Cán Cấu chỉ còn lại 5 người, trong đó lớn tuổi nhất là bà Sùng Thị Sử, năm nay đã hơn 90. Thấy có khách lạ, bà khẽ ngẩng đầu, nheo nheo nhìn lên rồi lại cúi xuống, bàn tay gầy rộc, nứt nẻ nếp nhăn lấy bẫy tẽ tiếp mấy bắp ngô răng ngựa cỗi già.

Kể về chuyện A Lý vượt biên, bà tỏ ra khá thờ ơ và kiệm lời: “Chúng nó đi suốt mấy năm rồi. Cứ sau Tết là lại sang. Không đi thì lấy cái gì mà ăn.”

Gia đình A Lý nghèo vào dạng nhất nhì của toàn xã Cán Cấu. Không ruộng bậc thang, nương ngô cũng nằm xa tít tắp. Những năm trước, cả hai vợ chồng mướt mải mãi cũng chỉ thu được về chừng chục bao lúa. Bởi vậy, khi có người rủ sang nước bạn kiếm tiền, cả hai ngay lập tức gật đầu đồng ý. Họ bỏ lại nương ngô, bỏ lại cả 4 đứa trẻ cùng mẹ già để lao vào cuộc mưu sinh đầy rủi ro nơi đất khách.

Sau vài năm lăn lộn như thế, A Lý tậu về được một con trâu với giá hơn 10 triệu đồng. Nó trở thành thứ tài sản lớn nhất trong căn nhà xác xơ và tuềnh toàng của Lý.

Nhưng ăn Tết xong thì tiền cũng cạn. Lý và vợ lại phải lên đường. Lúc này, bà Sùng Thị Sử đã quá già, không thể làm được việc nặng, lại đau ốm liên miên. A Lý quyết định đã đến lúc Liễu phải ngừng đi học.

Người Mông Tây Bắc luôn có những cái lý rất riêng của mình. Nếu phải lựa chọn giữ con chữ và bữa cơm hàng ngày, họ sẽ không ngại ngần hy sinh vế đầu. Thế mới có chuyện, mặc dù Chủ tịch xã Cán Cấu Hạng A Tủa liên tục lắc đầu ngao ngán khi biết Giàng Thị Liễu – cô bé học khá, chăm ngoan sẽ bỏ lớp, thì em lại… vui như Tết.

“Đến trường thì bà và các em không có ai trông. Trâu cũng không có người chăn. Không đi học nữa, thi thoảng em còn được đi cấy thuê kiếm tiền,” Liễu vừa gạt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt đỏ bừng vừa nói.

Ngày ngày, thay vì đến lớp, Liễu lại lùa bò ra bãi cạn hồ Cán Cấu, cắt cỏ, mót rau rừng hoặc lên những nương ngô cheo leo vách núi. Cái chữ, theo từng nhịp bước đi cũng cứ thế dần dần rơi rụng.

Trong tâm lý cố hữu của cộng đồng các dân tộc thiểu số dọc biên giới vùng Tây Bắc, đói nghèo đã trở thành thứ xiềng xích rất hữu hình trói buộc, khiến ngay cả người trưởng thành cũng không có quyền lựa chọn. Họ buộc phải tha hương, bỏ lại nhà cửa, ruộng nương, con cái vì miếng ăn hàng ngày.

Họ bỏ lại nương ngô, bỏ lại cả 4 đứa trẻ cùng mẹ già để lao vào cuộc mưu sinh đầy rủi ro nơi đất khách...(Ảnh: Xuân Bách)
Họ bỏ lại nương ngô, bỏ lại cả 4 đứa trẻ cùng mẹ già để lao vào cuộc mưu sinh đầy rủi ro nơi đất khách…(Ảnh: Xuân Bách)

Theo số liệu mà Chủ tịch xã Hạng A Tủa cung cấp, chỉ tính trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, toàn xã Cán Cấu đã có tới hơn 100 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc để tìm việc. Hầu hết họ đều ở trong lứa tuổi từ 20-35. Đằng sau bước chân lạc trên đất khách của những gã du mục người Mông ấy là rất nhiều đứa trẻ đang bị bỏ lại, phải tự xoay xở tìm cách lớn lên giữa núi rừng. Thậm chí, không ít trường hợp, các em còn theo cha mẹ sang tận bên kia biên giới ngay từ khi còn rất bé.

Anh em Giàng Seo Phừ có lẽ là những người Mông phải “xuất ngoại” sớm nhất của cả huyện Simacai nói riêng và cả nước nói chung. Mới 13 tuổi, nhưng Seo Phừ đã kịp bỏ học, bỏ cả bản Sín Tẩn (xã Sán Chải) để sang một đồn điền trồng chuối thuộc huyện Mã Quang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đi cùng Seo Phừ, ngoài bố mẹ còn có đứa em út chưa đầy năm còn đang phải ẵm ngửa. Ngày ngày, khi cha mẹ đi vào đồn điền, Phừ ở lại lán trông em.

Cuộc “di cư” bất đắc dĩ nặng miếng cơm manh áo ấy đã tách một gia đình nhỏ ở Sín Tẩn làm hai. 4 người Seo Phừ ở Vân Nam. 4 đứa trẻ khác phải tự nuôi nhau ở Sín Tẩn. Đau lòng là tất cả đều đã và đang thất học.

Ông Nguyễn Hữu Hưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Sán Chải không giấu nổi nỗi cám cảnh khi nói về trường hợp của Giàng Seo Phừ. Ông Hưởng cho biết thêm: Đến nay, xã Sán Chải đã có hơn 100 trường hợp đi cả vợ chồng, gửi lại con cái cho người thân chăm sóc.

Hiện, tỷ lệ chuyên cần học sinh của Trường Trung học Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở tại địa phương thấp so với mọi năm. Toàn trường có 355 học sinh, có những ngày số lượng học sinh đến lớp vắng tới 20%.

Con chữ ở vùng cao, cứ thế, đầy vơi theo cái no, cơn đói của đồng bào…

Từ ngày vợ chồng A Lý sang Trung Quốc tìm việc làm hồi đầu năm, căn nhà trình tường đất liêu xiêu nằm ngay gần lòng hồ Cán Cấu chỉ còn lại 5 người, trong đó lớn tuổi nhất là bà Sùng Thị Sử, năm nay đã hơn 90. (Ảnh: Xuân Bách)
Từ ngày vợ chồng A Lý sang Trung Quốc tìm việc làm hồi đầu năm, căn nhà trình tường đất liêu xiêu nằm ngay gần lòng hồ Cán Cấu chỉ còn lại 5 người, trong đó lớn tuổi nhất là bà Sùng Thị Sử, năm nay đã hơn 90. (Ảnh: Xuân Bách)

“Cõng” đại gia đình trên đôi vai 14

5 giờ, Liễu đã lật đật trở mình dậy. Ngoài sân, ánh sáng bắt đầu loang lổ, nhưng sương trắng vẫn cuốn đầy trên cây đào dại còi cọc. Hơi lạnh đầu ngày làm em khẽ rùng mình. Bữa nay, Liễu được người ta thuê xuống Lẩu Thí Ngài cấy lúa.

Khép cánh cửa gỗ xiêu vẹo, cô bé tấp tểnh leo lên dốc, men theo đường mòn để xuống quốc lộ 4. Trong nhà, mấy đứa em cùng bà nội Giàng Thị Sử vẫn thiêm thiếp ngủ say.

Từ ngày A Lý vượt biên sang Trung Quốc, con đường tới trường của Liễu chính thức khép lại, nhưng con đường mưu sinh lại mở ra. Đứa trẻ ấy lại bỗng chốc trở thành trụ cột chính cho 4 người khác dựa vào.

Mới 14 tuổi, nhưng Giàng Thị Liễu trông già dặn hơn các bạn đồng trang lứa rất nhiều. Cô bé có đôi mắt to nhưng đượm buồn. Bàn tay em chằng chịt vết xước vì bị cỏ cứa, những ngón tay nứt nẻ, cứng đơ vì chai sần. Dáng người tất tả, lúc nào cũng chúi về phía trước khiến cô bé trông như một nét xiên chéo, liêu xiêu trên con đường đang dần dựng đứng.

Mặt đỏ gay, vừa hổn hển, Liễu vừa hồn nhiên khoe: “Nay em đi làm được trả công, mai về là có tiền mua thêm mỡ ăn rồi.”

Liễu kể tiếp: Bà em cả tháng trước bỗng dưng bị ốm. Bụng chướng lên rất to, hai chân phù nề, nứt nẻ. Cả ngày, bà chỉ nằm một chỗ, ngay cả việc tự đi vệ sinh cũng không thể tự làm được. Nhìn bà, Liễu lo lắm. Nhưng khoản 2.000 tệ (tương đương với 6,8 triệu Việt Nam Đồng) bố mẹ gửi về đã gần hết. Liễu chỉ biết xuống trạm y tế xã xin thuốc giảm đau rồi… đợi.

Vật vã mấy tuần thì bà Sử cũng khỏi. Nhưng trận ốm không rõ nguyên nhân khiến cho bà kiệt sức. Ngày ngày, khi lũ trẻ đi học, đi làm, bà lão chỉ còn biết ngồi thu lu trên mô đất trước sân nhà, mắt đục ngầu nhìn về hướng đường mòn tít tắp chạy lên vùng biên giới Việt Trung…

Cuộc “di cư” bất đắc dĩ nặng miếng cơm manh áo ấy đã tách một gia đình nhỏ ở Sín Tẩn làm hai. 4 người Seo Phừ ở Vân Nam. 4 đứa trẻ khác phải tự nuôi nhau ở Sín Tẩn. Vả đau lòng là tất cả đều đã và đang thất học. (Ảnh: Xuân Bách)
Cuộc “di cư” bất đắc dĩ nặng miếng cơm manh áo ấy đã tách một gia đình nhỏ ở Sín Tẩn làm hai. 4 người Seo Phừ ở Vân Nam. 4 đứa trẻ khác phải tự nuôi nhau ở Sín Tẩn. Vả đau lòng là tất cả đều đã và đang thất học. (Ảnh: Xuân Bách)

Cũng không phải khi nào Liễu cũng may mắn được người ta thuê mướn như hôm nay. Hàng ngày, khi không có việc, Liễu sẽ lùa trâu ra bãi bồi ven hồ Cán Cấu rồi tranh thủ cắt cỏ về dự trữ, phòng những ngày mưa. Bao giờ trâu ăn no em mới được về. Xong xuôi, Liễu lại cùng lũ em lên rừng, mót rau dại, quả cây để làm bữa tối.

– “Cháu có biết lúc nào bố mẹ sẽ lại gửi tiền về không?”, chúng tôi hỏi.

– “Không, mẹ vẫn gọi điện nhưng chỉ bảo Tết mới về mua quần áo và xe đạp thôi,” Liễu đáp.

– Vậy đến lúc hết tiền không còn gì ăn thì cháu làm gì?

– Cháu chỉ muốn ngày nào cũng là vụ mùa để được đi thuê cấy…

Đối thoại đến đây chợt rơi vào im lặng. Không còn ai nói với ai câu gì. Cô bé trước mặt chúng tôi cũng bần thần, đôi mắt trở nên buồn rười rượi…

Phải bỏ học giữa chừng. Phải tự biến mình thành lao động chính để nuôi bà, chăm em. Kế sinh nhai không có. Chừng ấy thứ như một thứ gánh nặng đè lên đôi vai gầy 14 tuổi bé con. Chuyện của Liễu buồn và quẩn quanh như những cung đường tay áo của miền Tây Bắc.

Ngày mai, em sẽ lại vào núi, mót rau, cắt cỏ… gồng gánh cuộc mưu sinh của riêng mình…

Chuyện của Liễu buồn và quẩn quanh như những cung đường tay áo của miền Tây Bắc. (Ảnh: Xuân Bách)
Chuyện của Liễu buồn và quẩn quanh như những cung đường tay áo của miền Tây Bắc. (Ảnh: Xuân Bách)

Ở đất nước Hà Lan xa xôi, nơi mà phần lớn diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cậu bé không ngại đêm tối, giá lạnh, sự cô đơn và hiểm nguy để đút ngón tay nhỏ bé của mình vào lỗ thủng ở thân đê, cứu cho cả vùng khỏi trận đại hồng thủy. Đó chính là niềm cảm hứng để xứ sở kia làm nên những điều kỳ diệu, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Những tấm gương như cậu bé ấy thật ra có ở khắp nơi, nhưng để lan tỏa nó lại là một câu chuyện khác.

Với ý nghĩa đó, Báo điện tử VietnamPlus cùng sữa Cô gái Hà Lan đã đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương.”

Giàng Seo Páo, năm nay 11 tuổi nhưng đã phải vào vai “ông bố nhí” một cách bất đắc dĩ nhất. “Con” của Páo là 3 đứa em thích cởi truồng, nghịch đất cát trên dốc đá cheo leo trước nhà.Páo cũng mới chỉ…. vừa “lên chức” vài tháng trước đây khi cả cha, mẹ lẫn anh trai Giàng Seo Phừ vượt sông để sang Vân Nam, Trung Quốc kiếm tiền về dựng lại căn nhà cũ.

DÒNG SÔNG XẺ NỬA GIA ĐÌNH

Nhà của Páo nằm tận sâu trong thôn Sín Tẩn, xã Sán Chải (Simacai, Lào Cai.) Từ đây, để sang Trung Quốc, người Mông bản xứ chỉ việc đi bộ tới sát đường biên tự nhiên rồi bắt đò băng qua sông Chảy. Phía bên kia bờ đã là đất bạn.

Nhìn trên địa đồ hành chính, dòng sông bắt nguồn từ sườn Tây Nam đỉnh Tây Côn Lĩnh của cao nguyên đá Hà Giang chảy quanh co như một dải lụa mảnh. Chạm tới đất Simacai, sông bất ngờ đổi hướng, ôm trọn một khúc vùng biên kéo dài 5km qua các xã Simacai, Lùng Chải, Lùng Sui, Nàn Xán và Sán Chải.

Páo không biết được thông tin này. Thậm chí, cậu cũng không rõ tên của dòng sông ấy phải viết, đọc và phát âm thế nào. Một phần vì Páo không quan tâm. Phần khác nữa là do Páo đã bỏ học được vài tháng trời, đến tên mình thằng bé còn đánh vần bập bẹ.

Ngày ngày, thay vì đến lớp, Páo dắt lũ em nheo nhóc lên đồi mót rau dại, bắt chuột, bắt chim. (Ảnh: Xuân Bách)
Ngày ngày, thay vì đến lớp, Páo dắt lũ em nheo nhóc lên đồi mót rau dại, bắt chuột, bắt chim. (Ảnh: Xuân Bách)

Nhưng anh em Páo lại biết rất rõ: Chính con sông ấy đã xẻ đôi gia đình mình.

Giàng Seo Trá, bố của Páo vốn có “thâm niên” hàng chục lần vượt sông sang đất khách làm mướn. Những năm trước, Trá chỉ đem theo vợ đi, để toàn bộ anh em Páo ở lại Sín Tẩn. Thế nhưng, sang đến tận Vân Nam mà vợ Trá, Lý Thị Dớ lại… trở dạ, sinh con. Đứa bé đỏ hỏn suốt ngày ngằn ngặt khóc đã buộc họ phải quay trở về, tính toán lại kế mưu sinh.

Sớm hôm ấy, Phừ đang ngủ say thì bị lay dậy. Thằng bé mắt nhắm mắt mở chỉ kịp vơ vội cái túi đựng vỏn vẹn vài bộ quần áo rồi mải mốt, bỡ ngỡ chạy theo chân cha đi về phía biên giới.

Cho đến đầu năm nay, khi đứa trẻ đã cứng cáp hơn, và cũng là khi thóc, gạo trong nhà vơi cạn, Trá lại giục vợ lên đường. Lần này, Trá đem cả con cả Giàng Seo Phừ vừa sang tuổi 13 sang Vân Nam cùng để làm nhiệm vụ… trông em.

Sớm hôm ấy, Phừ đang ngủ say thì bị lay dậy. Thằng bé mắt nhắm mắt mở chỉ kịp vơ vội cái túi đựng vỏn vẹn vài bộ quần áo rồi mải mốt, bỡ ngỡ chạy theo chân cha đi về phía biên giới. Lý Thị Dớ, lưng địu đứa con thiêm thiếp ngủ say, xấp ngửa ngoái lại nhìn ngôi nhà xập xệ đang khuất dần. Sương trắng vẫn còn luẩn quẩn trên mái nhà đã phủ kín rêu xanh… Phừ bỏ nhà, bỏ bản, bỏ các em, bỏ bầy chó vừa mới mở mắt, một cách giản đơn đến lạ lùng như thế.

Phải đến tận trưa hôm đó, 4 đứa trẻ ở Sín Tẩn mới biết từ nay gia đình mình đã chính thức tạm chia đôi qua 2 bờ sông Chảy.

(Vietnam+)

Người kể lại cho chúng tôi nghe về “cuộc chia ly” không thể tin được ấy là Giàng Seo Hồ, một “cựu đồng nghiệp” của Trá bên Trung Quốc. Seo Hồ đang tạm nghỉ ở Việt Nam trước khi tiếp tục vượt biên, xuất ngoại và được Trá nhờ thi thoảng chạy xuống ngó giúp lũ trẻ nhỏ.

“Vợ chồng Trá chúng nó đi tầm 1-2 tháng lại về một lần thôi. Sang đấy đào hồ với trồng chuối. Một ngày làm bằng cả tháng ở nhà đấy,” Seo Hồ kể.

Đoạn, gã trai người Mông vê một điếu thuốc lào, nhả khói nghi ngút rồi cười hềnh hệch: “Phải cho thằng Phừ đi chứ. Không lấy ai trông Seo Sính [con út của Trá và Dớ-PV]. Trước, tôi cũng đi, để con trai ở nhà một mình có sao đâu.”

Người kể lại cho chúng tôi nghe về “cuộc chia ly” không thể tin được ấy là Giàng Seo Hồ, một “cựu đồng nghiệp” của Trá bên Trung Quốc. (Ảnh: Xuân Bách)
Người kể lại cho chúng tôi nghe về “cuộc chia ly” không thể tin được ấy là Giàng Seo Hồ, một “cựu đồng nghiệp” của Trá bên Trung Quốc. (Ảnh: Xuân Bách)

NHỮNG “ÔNG BỐ” NHÍ BẤT ĐẮC DĨ

Sau buổi sáng chia đôi gia đình ấy, Páo chính thức được lên chức “ông bố nhí” chịu trách nhiệm chăm sóc cho 3 đứa em dưới mình. Và việc đầu tiên thằng bé làm ở trên cương vị mới đó là: Nghỉ học.

Ngày ngày, thay vì đến lớp, Páo dắt lũ em nheo nhóc lên đồi mót rau dại, bắt chuột, bắt chim. Tối tối, đám trẻ lại líu ríu, co ro với nhau trong căn nhà trống huếch hoác được quây tạm bằng những tấm bạt xanh đỏ đã cũ sờn.

Sau buổi sáng chia đôi gia đình ấy, Páo chính thức được lên chức “ông bố nhí” chịu trách nhiệm chăm sóc cho 3 đứa em dưới mình. Và việc đầu tiên thằng bé làm ở trên cương vị mới đó là: Nghỉ học.

Trước ngày vượt biên, Trá cùng vợ đã mua cho anh em Páo một bao gạo đầy đồng thời đưa “ông bố nhí” một khoản tiền nho nhỏ. Páo sẽ có nhiệm vụ dùng số tiền ấy mua cá khô về cho các em ăn.

Khi chúng tôi tới thăm 4 đứa trẻ sót lại của đại gia đình “xuất ngoại” bản Sín Tẩn, Páo đang ở trên nương xa. Lúc này, cậu bé lớn nhất là Giàng Seo Dơ mới 7 tuổi đã đứng ra nhận trách nhiệm “đón khách” một cách rất… chững chạc. Dơ lũn chũn chạy đi gọi hai đứa em đang nghịch cát gần đó về… nhận quà.

Khác với 2 anh trai mình, Dơ may mắn hơn vì hiện vẫn còn đang theo học lớp 2 trường tiểu học Sán Chải. Cậu bé cũng có thể tự viết tên mình và tên em gái vào cuốn sổ của chúng tôi bằng nét chữ nguệch ngoạc.

Bé nhất trong lũ trẻ là Giàng Seo Vư, năm nay mới 4 tuổi, luôn cởi truồng để lộ ra nước da xám ngắt. (Ảnh: Xuân Bách)
Bé nhất trong lũ trẻ là Giàng Seo Vư, năm nay mới 4 tuổi, luôn cởi truồng để lộ ra nước da xám ngắt. (Ảnh: Xuân Bách)

Bé nhất trong lũ trẻ là Giàng Seo Vư, năm nay mới 4 tuổi, luôn cởi truồng để lộ ra nước da xám ngắt. Do bị dị tật từ nhỏ nên toàn bộ phần ngón tay, ngón chân của bé bám dính vào nhau như chiếc càng cua khiến cho việc cầm nắm, thậm chí đi lại đều hết sức khó khăn. Chị gái Vư là Giàng Thị Mảo cũng không may mắn hơn khi bị mắc chứng hở hàm ếch môi trên. Cả ba đứa trẻ đều gầy quắt, chân tay cong queo như cành củi khô, chi chít những vết sứt sẹo và loang lổ gân xanh.

Không ai dạy lũ trẻ việc phải đi đâu, gặp ai để xin thuốc khi đau ốm. Và bố mẹ chúng cũng không để lại bất cứ một khoản tiền riêng nào chi cho việc này. Nghe tiếng ho lúc bật, lúc tắc khọt khẹt từ cổ họng của Vư, chúng tôi bỗng thấy nghẹn ngào.

Ngay sau khi một nửa gia đình “xuất ngoại” được vài ngày, Seo Vư lăn ra ốm. Cho đến tận lúc chúng tôi vào bản, Vư vẫn nước mũi chảy dài và ho không thôi. Không ai dạy lũ trẻ việc phải đi đâu, gặp ai để xin thuốc khi đau ốm. Và bố mẹ chúng cũng không để lại bất cứ một khoản tiền riêng nào chi cho việc này. Nghe tiếng ho lúc bật, lúc tắc khọt khẹt từ cổ họng của Vư, chúng tôi bỗng thấy nghẹn ngào.

Chiều dần về chiều. Ánh nắng gay gắt chiếu qua các khe nứt toang hoác trên bức tường đất, hắt thành những vệt dài vào bên trong căn nhà xập xệ làm bốc lên mùi ẩm mốc đặc trưng khó chịu. Đợi mãi không thấy “ông bố nhí” về, Dơ quyết định tự mình nấu cơm.

Trong làn khói mù mịt, oi nồng, thằng bé nhỏ quắt vừa tất bật chẻ củi, nhóm bếp, canh cơm sôi vừa hớn hở khoe: “Hôm qua anh Páo mua cá khô. Tối nay bọn cháu sẽ được ăn cơm với cá.”

Nói đoạn, Dơ bật cười. Tiếng cười con trẻ hồn nhiên không hiểu sao lại khiến chúng tôi canh cánh nỗi buồn…

Tiếng cười con trẻ hồn nhiên không hiểu sao lại khiến chúng tôi canh cánh nỗi buồn…
Tiếng cười con trẻ hồn nhiên không hiểu sao lại khiến chúng tôi canh cánh nỗi buồn…

Ở đất nước Hà Lan xa xôi, nơi mà phần lớn diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cậu bé không ngại đêm tối, giá lạnh, sự cô đơn và hiểm nguy để đút ngón tay nhỏ bé của mình vào lỗ thủng ở thân đê, cứu cho cả vùng khỏi trận đại hồng thủy. Đó chính là niềm cảm hứng để xứ sở kia làm nên những điều kỳ diệu, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Những tấm gương như cậu bé ấy thật ra có ở khắp nơi, nhưng để lan tỏa nó lại là một câu chuyện khác.

Với ý nghĩa đó, Báo điện tử VietnamPlus cùng sữa Cô gái Hà Lan đã đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương.”