Hành trình mang trái cây Việt lên những chuyến bay

Là điểm chạm văn hóa đầu tiên khi các du khách quốc tế đến với Việt Nam, ẩm thực hàng không đang ngày càng được đề cao. Chỉ tính riêng tại Vietnam Airlines, trong khoảng thời gian 3 năm thực hiện chiến lược nâng tầm chất lượng sản phẩm, dịch vụ (2016-2018), Hãng hàng không Quốc gia liên tục có những thay đổi trong từng yếu tố cấu thành một khay thức ăn tại bàn. “Miếng ngon nhớ lâu,” ẩm thực luôn được xem là cầu nối văn hóa hữu hiệu nhất.

Với ẩm thực hàng không, có thể kể đến Phở – món ăn được xem là truyền thống nhất của nền ẩm thực Việt trở thành hương vị đặc biệt đặt dấu ấn trong lòng các hành khách Vietnam Airlines từ năm 2016. Món ăn quen thuộc trên những con phố cổ nhỏ hẹp của Hà Nội xưa cho đến nay, hương vị đặc trưng đã theo chân người Việt đến khắp nẻo thế giới nay lại được cất cánh bay lên.

Đầu năm 2018, bếp trưởng người Australia gốc Việt Luke Nguyễn trở thành Đại sứ Ẩm thực Toàn cầu của hãng hàng không này. “Phù thủy ẩm thực” với kinh nghiệm xây dựng các chuỗi nhà hàng Việt nay lại kể một câu chuyện ẩm thực Việt với rất nhiều những chi tiết đầy màu sắc truyền thống cho hành khách.

Khẳng định nghệ thuật ẩm thực truyền thống chính là thứ kết nối anh với quê hương trong hành trình trở về, Luke Nguyễn cũng lựa chọn sáng tạo thêm 8 món ăn đặc trưng theo từng vùng miền của Việt Nam (miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Huế) trên các thực đơn ẩm thực hàng không. Những món ăn đặc trưng văn hóa mỗi miền, những món ăn tưởng như đã quá quen thuộc trong mâm bát người Việt nay có cơ hội được tôn vinh theo cách hoàn toàn mới.

Một chiến lược thay đổi toàn diện và bài bản để đưa ẩm thực Việt vươn cao đã và đang được thành hình. Trong đó, đáng chú ý nhất là câu chuyện của năm 2018 – Hành trình đưa trái cây Việt lên các chuyến bay.

Lần lượt trong các tháng 6 và 8, hai trái cây đặc sản là vải thiều Bắc Giang và nhãn lồng Hưng Yên lần lượt được phục vụ như một món tráng miệng trên các chuyến bay nội địa và quốc tế của Vietnam Airlines.

Đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hàng không, trường hợp của vải thiều và nhãn lồng mở ra cơ hội để hệ sinh thái nông nghiệp sạch, sản phẩm dinh dưỡng sạch của Việt Nam bước lên tầm cao mới trong hành trình vươn ra tầm thế giới.

Nói đến ẩm thực hàng không là nói đến cả một câu chuyện không nhỏ về sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, giữa quan điểm phục vụ khách hàng và những quy chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt.

Hành trình đưa trái cây Việt lên máy bay có thể xem là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc đảm bảo những quy trình chuẩn mực của an toàn vệ sinh thực phẩm hàng không.

Tháng 8/2018, nhãn lồng Hương Chi của mảnh đất Hưng Yên vốn đã rất nổi danh ở thị trường trong nước sẽ bắt đầu được triển khai phục vụ bữa ăn cho các hành khách trên các chuyến bay của hàng không Việt. Việc mở rộng những vùng trồng đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là cơ hội để nông sản Việt tiến xa hơn.

Chủ động trong việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, đại diện của hãng hàng không và đại diện của vùng trồng đã phải thực hiện rất nhiều cuộc khảo sát và các cam kết về chất lượng. Hiện nay, tại Hưng Yên, diện tích trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được tăng lên là 1.900 ha; 2 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ là xã Hồng Nam (Thành phố Hưng Yên) và xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu). Theo tiêu chuẩn VietGAP, nhãn lồng Hưng Yên phải được trồng ở vùng đăng ký, không có mầm bệnh, không chứa thuốc bảo vệ thực vật cấm, được chiếu xạ chống ký sinh trùng, có chứng chỉ về an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền…

Cụ thể hơn, nhãn lồng Hưng Yên để đạt được độ tươi, ngon nhất phải được hái từ buổi sáng sớm. Ngay khi ngắt khỏi cây nhãn sẽ được sơ chế (bỏ cành, loại bỏ quả sâu), phân loại và đóng ngay vào thùng xốp để vận chuyển đến Công ty suất ăn hàng không Nội Bài (NCS).

Tại đây, nhãn lồng vẫn còn tươi nguyên, giữ được màu sắc, mùi vị đặc trưng sẽ được tiến hành lọc loại 1 lần nữa, ngâm khử trùng và giữ lạnh, cấp lên chuyến bay.

Đây sẽ là quy trình xử lý quan trọng để đưa đến những quả nhãn không chỉ ngon, mát về chất lượng mà còn sạch, tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm – tiêu chí hàng đầu khi đưa bữa ăn tới bàn cho hành khách trên các chuyến bay.

Theo dự kiến, trong khoảng thời gian 1 tháng phục vụ nhãn lồng trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, lượng nhãn được sử dụng dự kiến sẽ là 3 tấn. Đáng chú ý, theo đại diện của Hãng, ngay khi được đưa lên phục vụ, món tráng miệng nhãn lồng đã tạo được ấn tượng rất tốt và cả sự hài lòng của các hành khách trong nước và quốc tế.

Mỗi loại trái cây Việt là niềm tự hào của mỗi một vùng, miền Việt Nam. Những hương vị đặc trưng mang theo nhiều tâm tư, công sức của người nông dân Việt. Việc trái cây Việt đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe, làm hài lòng người tiêu dùng ở những thị trường cao cấp cũng như phản ánh những chuyển biến đáng kể trong quy trình chăm sóc, trồng hái đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhưng quan trọng hơn cả là sự chung tay của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ người nông dân tìm đầu ra ổn định cho nông sản.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc đặc sản địa phương đi thẳng lên các chuyến bay được xem là đầu ra ý nghĩa cho nông đặc sản Việt Nam.

“Hình thức quảng bá và tiêu thụ nông sản, đặc sản trên phương tiện hàng không có ưu điểm là nhanh chóng tiếp cận được một số lượng tương đối các khách hàng. Cách làm này đã được áp dụng ở các hãng hàng không khác trên thế giới, ví dụ như quảng bá cá hồi, hạt mac-ca, quả kiwi, quả chà là…

“Trước hết, đây là một hành động thiết thực giúp quảng bá một sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ra với thế giới, với bạn bè năm châu. Việc một thương hiệu lớn chấp nhận đưa quả nhãn lồng Hưng Yên lên các chuyến bay của mình có tác dụng như một sự bảo chứng cho sự hấp dẫn và chất lượng của loại trái cây này. Bên cạnh đó, hành động đưa trái cây Việt lên các chuyến bay là sự hưởng ứng rất thiết thực phong trào ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

“Tại Việt Nam, đây có lẽ là hoạt động quảng bá một cách bài bản các loại nông sản, đặc sản trên những chuyến bay đầu tiên. Tôi hy vọng sắp tới ngành hàng không sẽ phối hợp với các ngành nông nghiệp, công thương để thực hiện những chương trình giúp tiếp thị cho hàng hóa Việt Nam như hoạt động lần này,” ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Ẩm thực hàng không là thành tố quan trọng làm nên chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các hãng hàng không. Hành trình mang trái cây Việt lên những chuyến bay thực sự là dấu ấn đậm nét của những thay đổi quan trọng của hàng không Việt trong năm 2018.

Ẩm thực hàng không thêm một lần gắn kết với các giá trị văn hóa truyền thống, đưa các đặc sản Việt trở thành hương vị “lưu giữ tấm lòng du khách” và mở ra cơ hội rộng mở cho một hệ sinh thái nông sản sạch của người Việt trong hành trình vươn xa của các hãng hàng không./.