Nhìn từ thập kỷ ‘nước mắt cá sấu’ của Coca Cola, Pepsi và Metro

cver1-1532402849-7.jpg

Ví chuyển giá như mê cung thực sự vẫn có gì đó hơi thiếu… công bằng. Bởi khi giới chuyên gia trong nước đã bàn hết lý hết lẽ về căn bệnh này, không ít chiêu phù phép của doanh nghiệp nhằm tối đa hóa lợi nhuận cũng dần lộ ra ánh sáng.

Tức là, trong trăm ngàn chiêu trò của doanh nghiệp, không phải là cơ quan chức năng “mù tịt,” ít nhiều, vẫn có những điểm sáng.

Về lý là như vậy, nhưng đôi khi, tìm được lời giải với một bài toán khó chỉ với vài gợi ý là không đủ.

Khoan bàn tới khái niệm chuyển giá một cách lý thuyết. Thử nhìn lại một vài vụ việc trong quá khứ để thấy doanh nghiệp ở Việt Nam đang có những biểu hiện kỳ lạ thế nào.

Trong tài liệu gửi tới một hội thảo về chuyển giá gần đây, tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã nhớ lại câu chuyện về Coca-Cola Việt Nam và Pepsi Việt Nam, tình huống mà theo ông là “kê khai lỗ điển hình.”

Với Coca-Cola, theo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 1992, công ty này liên tục báo lỗ cho đến tận cuối năm 2012, tức là gần chục năm. Việc thua lỗ của Coca-Cola Việt Nam không phải do tăng trưởng doanh thu yếu mà ngược lại, sản lượng của công ty vẫn tăng trưởng tới 25% mỗi năm.

Tới thời điểm tháng 12/2012, Coca-Cola Việt Nam đã có số lỗ lũy kế lên tới hơn 3.700 tỷ đồng. Như vậy, về mặt kỹ thuật, Coca-Cola có lẽ đã phải phá sản. Thế nhưng, thay vì đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động, đại gia nước giải khát có quyết định ngược đời là mở rộng kinh doanh bằng cách đầu tư thêm hơn 200 triệu USD.

Việc “nuốt nước mắt” để mở rộng kinh doanh ấy đã khiến nhiều người đặt ra nghi án chuyển giá của công ty này. Sau nhiều nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, tới năm 2013, Coca-Cola đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp thuộc hàng ông lớn vào Việt Nam, liên tục báo lỗ nhưng vẫn trường kỳ mở rộng kinh doanh. (Ảnh: TTXVN) 
Nhiều doanh nghiệp thuộc hàng ông lớn vào Việt Nam, liên tục báo lỗ nhưng vẫn trường kỳ mở rộng kinh doanh. (Ảnh: TTXVN) 

Tương tự là với trường hợp của Pepsi Việt Nam. “Gã khổng lồ” này vào Việt Nam còn sớm hơn đối thủ Coca-Cola (năm 1991) nhưng trong khoảng 20 năm hoạt động, Pepsi Việt Nam liên tục kê khai lỗ và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy vậy, do… mức tăng trưởng tiềm năng quá lớn của thị trường Việt Nam, Pepsi vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhiều nhà máy mới ở các tỉnh, thành trong cả nước. Việc tìm ra bằng chứng chứng minh Pepsi Việt Nam chuyển giá theo chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, là khó không kém Coca-Cola Việt Nam.

Vụ việc đáng nhớ khác là Metro Việt Nam. Công ty này bắt đầu kinh doanh ở nước ta năm 2002 vơi số vốn ban đầu 120 triệu USD. Sau khoảng 12 năm hoạt động, 2002-2013, Metro Việt Nam đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư tại Metro Việt Nam lên hơn 300 triệu USD. Điều trái ngang là trong thời gian trên, Metro Việt Nam luôn kê khai lỗ với số tiền lên tới 1.657 tỷ đồng, chỉ có duy nhất 1 năm lãi 173 tỷ đồng.

Lỗ đậm như vậy nhưng công ty nọ vẫn mở thêm 10 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Từ đó, cơ quan thanh tra thuế đã vào cuộc và xác định hành vi chuyển giá, yêu cầu Metro Việt Nam điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế hàng trăm tỷ đồng.

Quá trình thanh tra đã phát hiện tình trạng “chi phí trả cho các công ty liên kết ở Đức từ năm 2001-2013 là khá lớn.”

Theo thống kê, chi phí nhượng quyền thương mại với công ty ở Đức là 731 tỷ đồng; chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Carry GmbH tại Đức cũng lên tới 699 tỷ đồng…

Ngoài những khoản chi trên, cơ quan thuế cũng chỉ ra một loạt chi phí khác phải điều chỉnh như: chi phí không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho, chi phí trích lập dự phòng, nợ phải thu khó đòi chưa đảm bảo các điều kiện, thủ tục.

Một loạt ví dụ trên chỉ là biểu hiện của nghi vấn chuyển giá. Tổng kết lại, Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính giải thích một cách ngắn gọn, chuyển giá là hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện bằng cách thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết.

Điều này nhằm tối thiểu hóa tổng số thuế phải nộp của các đối tác liên kết. Các đối tác ở đây có thể hiểu là các công ty thành viên trong một công ty đa quốc gia hoặc các công ty, đơn vị thành viên trong cùng một tổng công ty,..

Ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 12 lấy ví dụ về một trong những cách phù phép của doanh nghiệp là chuyển giá thông qua tăng chi phí đầu vào.

Đây là hoạt động theo ông thường được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện qua các giao dịch với các công ty mẹ ở nước ngoài như mua thiết bị máy móc, vật tư với giá cao hơn giá bình thường. Hoặc, cách làm là đẩy giá các tài sản sở hữu trí tuệ dưới dạng nhãn hiệu thương mại, nhượng quyền giấy phép sản xuất, phí bản quyền, chi trả lãi vay vốn quá trình sản xuất kinh doanh.

Một trong những chiêu chuyển giá là công ty mẹ đẩy hợp đồng cho các công ty con, vốn đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do mới thành lập. (Ảnh: TTXVN) 
Một trong những chiêu chuyển giá là công ty mẹ đẩy hợp đồng cho các công ty con, vốn đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do mới thành lập. (Ảnh: TTXVN) 

Một chiêu biến hóa không kém của doanh nghiệp là công ty mẹ sau khi trúng thầu, ký hợp đồng có giá trị cao, giao lại phần lớn hợp đồng cho các công ty con đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do mới thành lập hoặc đang hoạt động địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn. Điều này đẩy lợi nhuận về các công ty và chỉ phải chịu mức thuế thấp.

Giải thích trường hợp tương tự, ông Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính ví dụ về công ty B và C đều là công ty con của tập đoàn A. Công ty B hoạt động ở địa bàn có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Công ty C kinh doanh ở địa bàn kinh tế, xã hội khó khăn nên được áp dụng mức thuế chỉ là 10%.

Bởi vậy, khi B cung cấp vật liệu cho C với giá thấp hơn giá thị trường sẽ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp B giảm đi. Ngược lại, lợi nhuận của doanh nghiệp C sẽ được tăng lên.

Phần lợi nhuận tăng lên ở công ty C chỉ phải chịu mức thuế suất 10%. Trong khi ấy, nếu bán đúng giá thị trường thì phần lợi nhuận này phải nằm ở công ty B và phải chịu mức thuế cao gấp đôi, 20%.

“Như vậy, nếu xét riêng biệt thì công ty B thiệt, còn công ty C được lợi. Tuy nhiên, nếu tính tổng thể, cả hai công ty cùng được lợi về thuế,” ông Trường nói.

Từ ví dụ của mình, ông Lê Xuân Trường nêu lên vấn đề ưu đãi thuế của Việt Nam quá rộng. Sự ưu đãi này rộng tới mức ông phải cảm thán “rộng quá, không ai nhớ nổi, tra cứu không hết, vì nằm ở nhiều văn bản.”

Thực tế theo ông là nhiều rủi ro. Ông khẳng định, ưu đãi thuế có 2 mặt, một là thu hút đầu tư nhưng ngược lại, nếu ưu đãi quá nhiều, quá “lắt nhắt” sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp chuyển giá.

“Ưu đãi thuế, nhưng những gì ta thu lại có đủ bù đắp,” vị chuyên gia này lên tiếng cảnh báo.

Cái khó khác được ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam nêu lên là thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu. Theo ông, các thông tin mà cơ quan thuế Việt Nam sử dụng chủ yếu do chính doanh nghiệp tự kê khai và báo cáo. Trong khi ấy, khả năng tìm kiếm các thông tin độc lập bên ngoài hoặc từ bên thứ ba là cực kỳ khó khăn.

Vị chuyên gia này cho rằng, so với nhiều nước phát triển, hệ thống tổ chức thông tin dữ liệu thuế của Việt Nam vẫn còn thiếu khoa học, không thống nhất và rất không đồng bộ.

Đáng nói là, thông tin để có thể xác định được hành vi chuyển giá không phải chỉ là thông tin trong nước mà còn là thông tin ở nước ngoài. Trong nhiều trường hợp, để có thông tin, cơ quan chức năng trong nước cần phải sự hợp tác và cung cấp số liệu từ công ty mẹ. Thế nhưng, lẽ đương nhiên, để điều tra các công ty con của tập đoàn đa quốc gia là điều rất khó.

Ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 12 “bóc” những chiêu phù phép chuyển giá của doanh nghiệp. (Nguồn: Vietnam+)

Thực tế, cơ quan thuế Việt Nam cũng có thể đề nghị cơ quan thuế ở nước sở tại nơi công ty mẹ có trụ sở để nhờ hỗ trợ cung cấp các thông tin. Tuy vậy, theo ông Tuấn, ngoài những lý do bảo mật thông tin theo cam kết, cơ quan thuế ở các nước cũng ít có động cơ chia sẻ và hợp tác cung cấp thông tin báo cáo tài chính, dữ liệu thuế. Điều này theo ông bởi đây là vấn đề liên quan đến lợi ích của nhà đầu tư, của quốc gia.

Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn nêu thực tế, các doanh nghiệp lớn thường có một đội ngũ chuyên gia cực kỳ am hiểu về kế toán, tài chính, thuế và luật để có thể tạo ra vô vàn các giao dịch liên kết phức tạp.

Ngược lại, khi đối mặt với các doanh nghiệp lớn, ông Tuấn cho rằng, có nơi còn có thái độ “nhún nhường”.

“Có tư tưởng dễ nắm, khó buông, tức là cái nào dễ quản lý thì ta nắm, cái nào khó ta bỏ qua hoặc để từ từ,” ông Đỗ Thiên Anh Tuấn lên tiếng.

Với những lý lẽ ấy, điều ông Tuấn muốn nói là không thu hút FDI bằng mọi giá. Theo ông, bên cạnh việc đặt ra các tiêu chuẩn cao trong thu hút đầu tư, Việt Nam cũng cần đặt ra các điều kiện sòng phẳng với doanh nghiệp FDI liên quan đến các nghĩa vụ thuế khi hoạt động ở Việt Nam.

“Thay vì o bế quá mức, nhượng bộ và dành quá nhiều ưu đãi thuế, đã đến lúc Việt Nam cần phải khẳng định lại vị thế của mình, không chấp nhận thu hút FDI bằng mọi giá,” vị này nói.

Cũng theo ông, Việt Nam không nên ưu đãi thuế một cách đại trà. Vấn đề là hầu hết các chính sách thuế của Việt Nam đưa ra quá nhiều ưu đãi thuế dành cho nhà đầu tư nhưng thiếu các ràng buộc hay tiêu chí phù hợp để được nhận các ưu đãi đó.

Mặc dù lỗ nhưng Pepsi vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhiều nhà máy mới ở các tỉnh, thành trong cả nước với lý do… tiềm năng thị trường lớn. (Ảnh minh họa: Getty Images)
Mặc dù lỗ nhưng Pepsi vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhiều nhà máy mới ở các tỉnh, thành trong cả nước với lý do… tiềm năng thị trường lớn. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Do cấp phát quá nhiều ưu đãi đại trà khiến cho cơ sở thuế bị xói mòn nghiêm trọng. Ông nêu thực tế, nhiều địa phương kém phát triển thu hút đầu tư nhưng do ưu đãi thuế đã không thu được đồng thuế nào. Thậm chí, giữa các địa phương có cuộc đua về thuế và chính điều này lại tạo điều kiênh cho chuyển giá.

Ông Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính cũng có quan điểm này. Ông góp ý thêm, cần thu hẹp các ưu đãi thuế. Hiển nhiên, vì những mục tiêu nhất định, cần phải thực hiện ưu đãi thuế, song ông cho rằng, cần cân nhắc các cách thức khác để điều tiết các vấn đề kinh tế, chẳng hạn như trợ cấp, trợ giá, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng,…

“Nên hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế,” ông Trường nói.

Ở hướng khác, ông Lê Xuân Trường, cũng nêu đề xuất, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về kiểm soát chuyển giá. Theo ông, trước mắt cần bổ sung một điều luật về kiểm soát chuyển giá vào Luật Quản lý thuế và về lâu dài nên ban hành Luật Kiểm soát chuyển giá.

Đặc biệt, ông kiến nghị nên nghiên cứu giao quyền điều tra cho cơ quan thuế. Việc giao quyền điều tra theo ông không chỉ giúp cơ quan thuế có điều kiện làm tốt công tác kiểm soát chuyển giá mà còn tạo điều kiện làm tốt hiệu quả quản lý thuế nói chung.

“Trước mắt, có thể chỉ giao quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp Tổng cục. Về lâu dài, khi lực lượng công chức thuế đã được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng đòi hỏi của chức năng điều tra thì có thể mở rộng quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp tỉnh,” ông Trường nêu ý kiến./.

Để chống chuyển giá, có ý kiến cho rằng, trước mắt cần bổ sung một điều luật về kiểm soát chuyển giá vào Luật Quản lý thuế và sau đó là có Luật kiểm soát chuyển giá. (Nguồn: TTXVN)
Để chống chuyển giá, có ý kiến cho rằng, trước mắt cần bổ sung một điều luật về kiểm soát chuyển giá vào Luật Quản lý thuế và sau đó là có Luật kiểm soát chuyển giá. (Nguồn: TTXVN)