EU-Nhật Bản

Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) với Nhật Bản vừa được ký kết tại thủ đô Tokyo có thể coi là lời khẳng định quyết tâm của hai bên trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu, chống lại chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ hiện đang được xem như “đại diện điển hình.”

Quan trọng hơn, thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất mà hai bên đạt được cũng là một thông điệp mạnh mẽ về một trật tự thương mại đa phương quốc tế dựa trên các quy tắc.

Mặc dù Nhật Bản và EU bắt đầu đàm phán thỏa thuận tự do thương mại từ năm 2013, song việc hai bên đạt được EPA vào thời điểm này được đánh giá là mang tính biểu tượng cao.

Việc EU-Nhật Bản đạt được EPA vào thời điểm này được đánh giá là mang tính biểu tượng cao

Cả Nhật Bản và EU đều là những đồng minh và đối tác chủ chốt của Mỹ, cùng đang chịu ảnh hưởng của những chính sách thuế mới mà Washington thực thi. Mối quan hệ đồng minh chiến lược của EU với Mỹ và Nhật Bản với Mỹ cũng đều đang trong tình trạng “bấp bênh” do việc tăng mạnh thuế nhập khẩu nhôm và thép mà chính quyền Tổng thống Donald Trump mới ban hành nhằm “hiện thực hóa” cam kết tranh cử “Nước Mỹ trước tiên.”

Thỏa thuận thương mại mới được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể kim ngạch thương mại giữa hai bên, hiện đạt khoảng 152 tỷ USD trong năm 2017. Sau khi đi vào hoạt động, thỏa thuận này cũng sẽ tạo ra một trong những khu vực kinh tế tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu với khoảng 600 triệu dân, tạo cơ hội cho cả hai bên cũng như có thể kết nối với các nền kinh tế khác.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (phải), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shindo Abe (giữa) sau lễ ký ở Tokyo. (Nguồn: AFP)
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (phải), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shindo Abe (giữa) sau lễ ký ở Tokyo. (Nguồn: AFP)

Trước mắt, EPA Nhật Bản-EU sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai bên. Các chuyên gia Nhật Bản ước tính thỏa thuận mới sẽ giúp tăng GDP của Nhật Bản thêm 1% (tương đương khoảng 45 tỷ USD), và tạo thêm 290.000 việc làm mới trên toàn quốc.

Đối với châu Âu, ngành thực phẩm được xem là hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận. Mặc dù Nhật Bản được đánh giá là nền kinh tế có quy mô lớn thứ tư thế giới (sau EU, Mỹ và Trung Quốc) song chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ bảy của EU. Chính vì vậy EPA ước tính sẽ giúp EU tăng cường xuất khẩu thực phẩm sang Nhật Bản, thị trường có nhu cầu lớn về các thực phẩm chất lượng cao của EU, như phomát, chocolate, thịt và mỳ ống.

Tập đoàn ôtô Mazda của Nhật Bản đã gọi EPA Nhật Bản-EU là “thành tựu lớn” 

Đối với Nhật Bản, ngành ôtô và sản xuất phụ tùng ôtô được dự kiến sẽ thu lợi lớn nhờ vào việc EPA sẽ giúp tăng doanh số bán ra tại châu Âu, thị trường mà các doanh nghiệp ôtô Nhật Bản vẫn đang bị tụt hậu so với các đối thủ châu Âu. Tập đoàn ôtô Mazda của Nhật Bản đã gọi EPA Nhật Bản-EU là “thành tựu lớn.” Hiện tại thị phần ôtô của Nhật Bản tại châu Âu chỉ vào khoảng 10%, thấp hơn so với thị phần tại Mỹ và châu Á.

Mặt khác, với việc đạt được thỏa thuận này, vai trò của Nhật Bản và EU với tư cách là hai đối tác kinh tế chủ chốt và có trách nhiệm trong nền kinh tế toàn cầu cũng được khẳng định. Đặc biệt đối với Tokyo, thông qua việc hoàn tất ký kết EPA với EU, chính sách Abenomics với chủ trương sử dụng xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục được chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thực thi một cách quyết liệt.

Sau thành công của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Nhật Bản đóng vai trò là thành viên đi đầu, EPA Nhật Bản-EU được giới chuyên gia đánh giá là thành công tiêu biểu thứ hai của chính phủ Thủ tướng Abe trên lĩnh vực kinh tế và trong nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker (phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) tại cuộc gặp ở thủ đô Tokyo ngày 17/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker (phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) tại cuộc gặp ở thủ đô Tokyo ngày 17/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

EPA Nhật Bản-EU còn là động thái mở đầu cho sự dịch chuyển trong mối quan hệ thương mại toàn cầu, đồng thời báo hiệu cho sự xuất hiện của nhiều thỏa thuận tự do thương mại khác trên thế giới. Xu thế này sẽ khiến Mỹ mất lợi thế trong thương mại toàn cầu. Thay vì tập trung vào Mỹ, vốn được coi là thị trường xuất khẩu hấp dẫn nhất thế giới, cả Nhật Bản và EU giờ đây đang chọn lựa việc xích lại gần nhau để tạo ra một trật tự thương mại thế giới mới.

Rõ ràng, EPA Nhật Bản-EU sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và tăng lợi thế cho cả hai bên khi đối mặt với những yêu cầu thương mại từ Mỹ. Điều này đã được minh chứng trong thực tế, như thỏa thuận tự do thương mại Nhật Bản-Chile đã giúp quốc gia Nam Mỹ này tăng gấp 5 lần xuất khẩu rượu vang vào Nhật Bản.

Trong khi đó, ảnh hưởng từ thỏa thuận này, xuất khẩu rượu vang của California (Mỹ) sang Nhật Bản đã giảm tới 30%. Những thỏa thuận thương mại tự do như vậy thể hiện sự thắng thế của tự do thương mại trước chủ nghĩa bảo hộ, giúp duy trì một trật tự thương mại đa phương dựa trên luật định.

EPA Nhật Bản-EU cũng sẽ làm lộ rõ tác động tiêu cực của chính sách bảo hộ đơn phương mà Mỹ đang triển khai

Thành công của EPA Nhật Bản-EU cũng sẽ làm lộ rõ tác động tiêu cực của chính sách bảo hộ đơn phương mà Mỹ đang triển khai đối với nền kinh tế và người lao động Mỹ. Đơn cử như việc nông sản EU được tạo cơ hội để tiếp cận thị trường Nhật Bản, sẽ là “đòn mạnh” giáng vào nông dân Mỹ, vốn đang hy vọng Nhật Bản sẽ phải nhượng bộ trước sức ép của Nhà Trắng trong việc mở cửa thị trường cho nông sản Mỹ. Như vậy, thay vì tạo thuận lợi, việc thực thi các biện pháp bảo hộ sẽ hạn chế các cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh thương mại của chính các sản phẩm Mỹ.

Việc Nhật Bản-EU “kề vai sát cánh” để thúc đẩy EPA đã khẳng định dù không có sự hợp tác của Mỹ, tự do thương mại và mở cửa thị trường tiếp tục là xu thế chủ đạo của đa số nền kinh tế trên thế giới. Đặc biệt, tại châu Á-Thái Bình Dương, nơi có nhiều thỏa thuận tự do thương mại đã được hoàn tất hoặc đang trong quá trình đàm phán, tự do thương mại sẽ tiếp tục là công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển của mỗi nền kinh tế thành viên cũng như của khu vực./.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker (phải) tại một cuộc đàm phán. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker (phải) tại một cuộc đàm phán. (Nguồn: AFP/TTXVN)