Nhà báo điều tra Liên Liên:

“Hồi đó mới vào nghề báo được khoảng 2-3 năm. Có những thời điểm tôi bị nhiều đối tượng đe dọa, gây sức ép quá dẫn đến mất ngủ, phải uống thuốc an thần cả tuần.”

Có những lúc, trước mặt là những chồng tài liệu xếp tầng tầng lớp lớp, nghiên cứu tài liệu có khi mất cả tuần, thậm chí là hàng tháng trời.

Có khi, để hiểu một vấn đề và đi sâu vào nó, chị phải nghiền ngẫm cả chồng tài liệu hàng tháng trời, mày mò nghiên cứu xem sai ở đâu, bản chất của sự việc thực chất là gì để thông tin một cách đầy đủ và khách quan nhất.

Nhà báo Liên Liên – Ban Thời sự,  Đài truyền hình Việt Nam (VTV) chia sẻ những tâm sự về hơn 11 năm gắn bó với nghề báo, cũng là ngần ấy thời gian chị gắn bó, sống cùng và thực hiện với niềm đam mê là các tác phẩm báo chí điều tra.

Kỷ niệm về cơn lũ “khủng khiếp”

Một nữ nhà báo nhỏ nhắn, luôn nở nụ cười và với một chất giọng khan khàn, đanh thép rất riêng. Chỉ nghe giọng của chị trên sóng truyền hình thôi là có thể nhận ra được Liên Liên, nhận ra đó là một nữ phóng viên xông xáo của Ban Thời sự trên mọi “mặt trận.”

Đến thời điểm này, nhà báo Liên Liên đã công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam được hơn 11 năm, lĩnh vực chính mà chị theo dõi vẫn là những vấn đề điều tra, thời sự nóng; bên cạnh đó chị cũng đồng hành đưa thêm các thông tin về thiên tai bão lũ trong khoảng 6-7 năm nay.

Năm 2017 với nhà báo Liên Liên lại là một năm đáng nhớ khi chị và những người đồng nghiệp đã có mặt tại xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La để ghi nhận hiện trường sau cơn lũ quét kinh hoàng xảy ra vào những ngày đầu tháng 8/2017.

Vào thời điểm đó, chị cùng với 3 người đồng nghiệp khác đã có 3 ngày tác nghiệp dọc theo con suối Nậm Păm, nơi được coi là “rốn lũ” tại Sơn La. Xã Nậm Păm có địa hình phức tạp, người dân sống rải rác, cộng thêm với mưa lớn nên ê-kíp gặp không ít khó khăn để tiếp cận.

Nhà báo Liên Liên trong một lần tác nghiệp về mưa lũ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhà báo Liên Liên trong một lần tác nghiệp về mưa lũ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đó là một chuyến đi tác nghiệp rất đáng nhớ trong thời kỳ làm báo đến thời điểm này của tôi. Sau cơn lũ, hiện trường để lại rất tan hoang. Lúc đó tôi và các đồng nghiệp đã có cơ hội được chứng kiến những hình ảnh mà cho tới thời điểm này khi nhớ lại, chỉ có thể dùng hai từ ‘khủng khiếp’ để hình dung,” nữ nhà báo nhớ lại.

Phóng viên Liên Liên cho biết, toàn xã Nậm Păm có 11 bản nhưng có tới 8 bản bị quét sạch. Để tới được những khu vực này, cách duy nhất là đi bộ, chị và những người đồng nghiệp, cùng các lực lượng chức năng đi bộ từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều vào vũng lũ để đưa tin về.

Điều sợ hãi, ám ảnh nhất trong chuyến đi ấy với Liên Liên là chị đã bị nước lũ cuốn đi vài mét.

Ngay khi người phía sau vừa thả tay ra, thì nước lũ mạnh đã hất văng người tôi ra giữa dòng và xiết tôi theo.

“Sự cố xảy ra trong con suối suối Nậm Păm, khi vào đến gần tới bản xa nhất, lúc đó nước lũ vẫn còn, khi qua suối tôi cũng thấy khá an tâm. Đoàn có 3-4 người giúp đỡ lại có cả lực lượng bộ đội chuyên nghiệp, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ không an toàn, song khi người phía sau vừa thả tay ra, thì bên kia nước lũ mạnh hất người tôi văng ra và ngã xuống, dòng nước xiết đã cuốn tôi đi. Lúc đó, tôi cũng giật mình, hoảng hốt và cả các thành viên trong đoàn đều bất ngờ vì tình huống đó. Có thể là do cơ thể phụ nữ nhẹ, đàn ông nặng thì bị xô đi, phụ nữ nhẹ khi thả ra thì bị hắt đi luôn và bị ngã,” Liên Liên kể lại kỷ niệm nguy hiểm nhất trong chuyến tác nghiệp.

Liên Liên cho hay, sự cố đó xảy ra trên chặng đi, lúc về, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, lực lượng bộ đội đã mở đường khác, hơi dốc và nguy hiểm vì còn mưa. Lúc đi thì trời oi nóng, lúc về mưa tầm tã. Ban đầu đi dốc từ trên cao xuống hun hút¸ về sau dòng nước giảm, đoàn phải gọi cứu trợ từ phía dưới lên. Đến 4 giờ chiều đoàn cũng đã về được tới nơi.

“Với tôi, đe dọa thì nhiều lắm”

Nhắc tới Liên Liên, tên tuổi của chị đã gắn liền và được nhớ tới các phóng sự điều tra như: tác phẩm thâm nhập điểm đen pha chế xăng dầu trái phép,  đường dây mua bán văn bằng đại học giả, tín dụng đen, chênh lệch giá thuốc bảo hiểm, loạt bài về nhũng nhiễu thủ tục hành chính người dân… Các tác phẩm của chị có sức ảnh hưởng và lan tỏa lớn. Nhiều tác phẩm đã đạt giải vàng trong Liên hoan Truyền hình Toàn quốc.

Để có được một Liên Liên vững vàng, đanh thép như ngày hôm nay, chị đã phải nỗ lực cố gắng, “tôi luyện” qua nhiều thử thách và thực tiễn khác nhau. Chị nhớ lại, những ngày đầu chập chững bước vào nghề báo, chương trình Chính sách kinh tế và cuộc sống là nơi gắn bó với chị đầu tiên.

Hiện trường sau lũ tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La năm 2017. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Hiện trường sau lũ tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La năm 2017. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

“Đây là chương trình bắt nguồn từ những câu chuyện của cuộc sống, những vướng mắc từ cuộc sống của người dân, phản biện chính sách từ thực tiễn cuộc sống để cơ quan nhà nước và các cơ quan nghiên cứu có thể thấy được thực trạng và đưa ra những giải pháp tốt hơn. Chính vì những câu chuyện của người dân như vậy, nên khi làm về bất cứ vấn đề gì tôi rất hay đặt ra các câu hỏi và tận cùng phải lý giải được những câu hỏi,” nhà báo Liên Liên nhớ lại.

Với nhà báo Liên Liên, các đề tài về điều tra không chuyên về lĩnh vực nào. Vì vậy, trước mỗi một sự việc, một sự phản ánh do bạn đọc cung cấp hay tự mình phát hiện ra, chị đều phải đọc, nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, nghiên cứu hồ sơ, để làm sao mỗi tác phẩm đều có tính pháp lý vững.

Làm về những vấn đề nóng, tôi bị đe dọa nhiều lắm. Hết dọa giết tôi, họ lại dọa giết tới người thân. Tôi cứ làm đề tài gì động chạm là lại bị đe dọa.

Chị Liên Liên cho biết: “Làm về những vấn đề nóng, tôi bị đe dọa nhiều lắm. Hết dọa giết tôi, họ lại dọa giết tới người thân. Tôi cứ làm đề tài gì động chạm là lại bị đe dọa. Thời gian đầu mới vào nghề được 2-3 năm, tôi chưa có va vấp nhiều, khi bị dọa nạt, gây sức ép, áp lực, tôi rất căng thẳng. Có những thời điểm tôi bị nhiều đối tượng gây sức ép nên bị mất ngủ, phải uống thuốc an thần cả tuần.”

Nhà báo Liên Liên chia sẻ, một trong những tiêu chí, yêu cầu đặt ra khi chị đi làm phóng sự điều tra là việc luôn luôn tính toán tính pháp lý đầy đủ, chặt chẽ. Mỗi một câu chữ chị viết ra đều phải đáp ứng được các câu hỏi: “Có bằng chứng không? Ai sẽ kiện mình?” Vì vậy, chị luôn phải cân nhắc từng câu chữ một để an toàn và tác phẩm của chị luôn đảm bảo tính pháp lý.

Những đêm thức trắng

Nhà báo Liên Liên chia sẻ, với nghề báo đôi lúc gặp nhiều rủi ro, thử thách sự kiên trì rất nhiều. Chị kể khi thực hiện phóng sự về sang chiết gas trái phép ở Bình Dương. Đó là một cơ sở sang chiết gas lậu đã 4 lần bị cơ quan chức năng xử lý, hết làm ngày họ lại chuyển sang làm đêm.

Đó là một kỷ niệm rất đáng nhớ, khi đoàn của chị đã phải thức trắng hai đêm. Khi đi vào khoảng 9 -10 giờ đêm thì mọi người đều hào hứng, tràn đầy sinh lực. Tuy nhiên, ngồi chờ từ đó đến 3, 4 giờ sáng mới thử độ kiên nhẫn của cả đoàn. Bởi chờ 5-6 giờ đồng hồ buổi đêm ai cũng buồn ngủ, thậm chí ngủ gật. Khi đó, cả đoàn chỉ biết nhắc nhau người này ngủ lát rồi đổi sang người kia theo dõi tiếp mà vẫn không yên tâm.

“Đêm đầu tiên đợi đến 2 giờ sáng nhưng họ không làm, tới 3 giờ họ cũng không làm. Lúc đó, mình nghĩ chắc bị lộ thông tin rồi. Nhưng kiên trì chờ đến gần 4 giờ sáng họ mới làm,” nhà báo Liên Liên nhớ lại.

Nhà báo Liên Liên trong khi tác nghiệp đưa tin tại Hòa Bình. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Nhà báo Liên Liên trong khi tác nghiệp đưa tin tại Hòa Bình. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Khi đó, cả đoàn mới bắt đầu quay, quay xong về kiểm tra thì không có hình nào cả, tối mù mịt, sự phối hợp của cả êkíp dường như chưa được chặt chẽ, kíp hôm đó có 3 người, nhờ thêm một số người quen hỗ trợ cùng là khỏang là 6-7 người. Hôm đó, công sức bỏ ra lớn nhưng không thu lại được gì, mọi người chỉ biết an ủi nhau tối hôm sau lại tiếp tục.

Đêm thứ hai, đoàn đợi đến 3 giờ sáng họ mới làm. Do không yên tâm nên hôm đó tôi đích thân quay hình, chế thêm các phương tiện kỹ thuật đảm bảo để làm sao mình tác nghiệp tốt hơn, quay được, ghi hình chuẩn. Vì đối tượng rất tinh vi, nên mọi người đều phải leo trèo, chia nhiều vị trí khác nhau.”

Sau khi chương trình phát sóng, mọi nỗ lực của cả đoàn dường như đã được đền đáp khi tỉnh xử lý quyết liệt, xóa hẳn điểm sang chiết gas trái phép trên.

Làm báo điều tra là lĩnh vực khó nhất và luôn đồng hành với nhiều nguy hiểm. Nhà báo Liên Liên tâm niệm: Để làm lĩnh vực điều tra sẽ mất rất nhiều thời gian, áp lực; chưa nói là có những khó khăn mặc dù có cơ quan hay người thân chia sẻ ủng hộ nhưng họ không hẳn có thể là điểm tựa giúp mình có thể làm mãi được nếu như không phải là đam mê của chính mình.

Nhà báo Liên Liên tâm niệm: Phóng viên làm trong lĩnh vực điều tra sẽ mất rất nhiều thời gian, gặp nhiều áp lực và khó khăn. Mặc dù luôn có cơ quan hay người thân chia sẻ, ủng hộ nhưng nếu không có đam mê sẽ không theo đuổi đến cùng được.

Với chị, khi thực hiện những tác phẩm báo chí điều tra nếu không có niềm đam mê thì chắc chắn không thể làm được tới tận cùng của sự việc, còn khi làm nếu có động cơ thì chắc chắn không ai chấp nhận, ủng hộ.

Nghề báo và những tác phẩm báo chí điều tra đến với nữ nhà báo Liên Liên như một cơ duyên để chị gắn bó và đồng hành trong quá khứ, ở hiện tại. Mỗi tác phẩm điều tra của chị khi hoàn thành và lên sóng vì mục đích cho sự công bằng, tốt đẹp của xã hội tiếp tục là động lực để chị đồng hành, sống và tồn tại với nghề báo./.