Làm báo

Cái thời tôi còn nhỏ, mà không, có lẽ đến khi đã đi làm báo nhiều năm, tới tận thời điểm đầu thế kỷ 21 này, có những cụm từ cho thấy báo chí đồng nghĩa với sự chuẩn mực và chính xác. “Báo đăng tin rồi đó” – ai mà nói thế thì nhiều người hoặc là tin luôn, hoặc chạy đi mua báo. “Dám cãi đài hả” – đài nói rồi thì quá chuẩn, có thông tin đúng thì mới dám so sánh lời mình với chương trình trên đài phát thanh, truyền hình chứ. Tất nhiên không phải lúc nào thông tin trên báo đài cũng chính xác 100%, nhưng quan niệm chung thời đó là như thế.

Gần đây chúng ta thường nói nhiều đến chuyện báo chí cần phải giành lại niềm tin của công chúng. Chẳng cứ ở Việt Nam mà trong nhiều nghiên cứu trên thế giới, các chuyên gia luôn khẳng định rằng, giành lại niềm tin của công chúng chính là điều kiện tiên quyết giúp cho báo chí có thể tồn tại. Việc này còn khó hơn trong thế giới kỹ thuật số, khi mà sự trung thành của độc giả có thể dễ dàng trôi qua sau một cái nháy mắt.

Giành lại niềm tin của công chúng chính là điều kiện tiên quyết giúp cho báo chí có thể tồn tại

Tạp chí Forbes Magazine mới đây đăng tải một khảo sát năm 2018 của Gallup theo đó dân Mỹ tin tưởng các thủ thư, binh sỹ, giáo viên phổ thông và bác sỹ hơn là những người trong giới truyền thông. Tương tự, mức độ tin tưởng của công chúng Australia đối với các y tá, bác sỹ, giáo viên, chánh án và các nhà khoa học cao hơn rất nhiều so với các nhà báo. Tại Việt Nam, nhà báo còn nhiều lúc còn bị gắn với những từ không mấy thân thiện – tất nhiên vì nhiều lẽ, nhưng một nguyên nhân quan trọng là sự sa sút về chất lượng nội dung trên báo chí khiến độc giả phải lên tiếng bỉ bôi về chuyện “câu view” hoặc tin sai sự thật.

Ở không ít quốc gia, trên thang đánh giá về độ tin cậy, nhà báo xếp ở thứ hạng cực kỳ thấp, cùng ngang hàng với các nhân viên bán hàng, luật sư, người môi giới bất động sản, bán xe cũ và một số đối tượng vốn luôn bị coi là thiếu thành thật. Thực sự không rõ điều này có ý nghĩa gì? Không lẽ công chúng nghĩ rằng các nhà báo quả là những người không thành thực? Hay họ cho rằng các nhà báo có định kiến, không minh bạch trong quá trình tác nghiệp?

Ảnh minh họa. (Nguồn: Star-navigation.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Star-navigation.com)

Một số khảo sát chỉ ra rằng việc thiếu niềm tin liên quan đến bản chất thích giật gân của tin tức, vì thế công chúng cảm thấy thông tin bị thổi phồng quá đáng hoặc bị ít nhiều bóp méo để thu hút sự quan tâm. Cũng có những đánh giá gần đây về các nghề nghiệp được tin cậy, thì nhiều người quan niệm rằng báo chí thời nay không phấn đấu để phụng sự cộng đồng, cả các nhà báo lẫn cơ quan mà họ làm việc đang vì những lợi ích riêng. Còn cả tỷ thứ lý do khác, cộng thêm câu chuyện fake news và cái gọi là “hậu sự thực” trong thời gian qua, khiến công chúng thay đổi suy nghĩ với báo chí.

Giáo sư Jane Suiter, Giám đốc Viện Tương lai Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Dublin nhận định, niềm tin của công chúng đối với “các thể chế chính trị cũ” cũng như báo chí đang liên tục suy giảm, thậm chí tới mức nhiều người gần như không tin vào báo chí nữa. Môi trường mới, trong đó mọi người được khuyến khích tương tác và chia sẻ, đã không còn ưu tiên sự thật mà chú trọng vào những liên kết mang tính cảm xúc với nội dung. Vì thế, cơ sở của môi trường mới hậu sự thực là thứ hạng chứ không phải sự thật. “Công bằng và cân bằng đâu có giúp tăng thứ hạng,” ông nói. “Bây giờ sự thực chỉ đơn giản là một điều khẳng định.”

Việc thiếu niềm tin liên quan đến bản chất thích giật gân của tin tức, công chúng cảm thấy thông tin bị thổi phồng quá đáng hoặc bị ít nhiều bóp méo

Tại Diễn đàn Knight Media gần đây, có ý kiến rằng dường như có mối liên hệ giữa niềm tin và những nghề nghiệp thường được coi là “không vì bản thân”: mọi người tin tưởng vào những người làm những nghề nghiệp mà họ cho rằng chẳng thu được điều gì cho cá nhân họ, ví như các thủ thư, y tá và các binh sỹ chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Chẳng hạn các y tá, dù được trả lương khá thấp so với nhiều công việc khác, nhưng họ vẫn giúp đỡ những người bệnh đau yếu, làm việc suốt đêm ngày, chăm sóc và an ủi người khác, chỉ cho đi chứ chẳng nhận gì lại.

Các cơ quan báo chí và các nhà báo thì không dễ thuyết phục rằng nghề của họ là không vì bản thân, cho dù nghề báo cũng chẳng được lương bổng cao, đầy bấp bênh và thực sự là hầu hết các nhà báo luôn có tinh thần phục vụ cộng đồng, hướng tới một xã hội tốt đẹp. Nhiều lúc hoạt động của nhà báo bị cho là vì lợi ích của bản thân – chẳng hạn các phóng viên “om tin” để chỉ riêng họ có được bài phóng sự; không đưa tin tiêu cực về doanh nghiệp này hay lĩnh vực nọ vì sợ ảnh hưởng đến nguồn thu quảng cáo của báo; hoặc tạo quan hệ thân thiết với ai đó thì chẳng qua là để moi tin thường xuyên mà thôi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: NuAxis Innovations)
Ảnh minh họa. (Nguồn: NuAxis Innovations)

Theo báo cáo Edelman Trust Barometer năm 2018, có đến 66% những người được hỏi ý kiến cho rằng các cơ quan báo chí hiện nay tập trung thu hút số lượng lớn độc giả-khán thính giả hơn là việc đưa tin tức, và 65% nói báo chí sẵn sàng đánh đổi tính chính xác để chạy đua ra tin trước. Một nửa những người tham gia khảo sát cho hay họ tương tác với báo chí chính thống dưới một lần mỗi tuần và có đến 25% khẳng định không đọc báo nghe đài hay xem TV nữa vì quá thất vọng.

Trước đây, nhiều người có quan điểm là lên mạng xã hội thì tin gì cũng biết, họ nói không cần báo chí nữa. Oái oăm là mạng xã hội giờ đây tràn lan tin giả, và chính những người phụ thuộc các nền tảng đó để tìm kiếm thông tin thì dễ dính fake news nhất.

Cũng theo báo cáo kể trên của Edelman Trust Barometer, niềm tin đối với truyền thông xã hội trong năm 2018 tụt thê thảm còn 51% so với 53% của năm 2017 và 54% của năm 2016. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Reuters về bức tranh tin tức kỹ thuật số toàn cầu năm 2018, số người coi Facebook là nguồn tra cứu tin tức giảm ở gần như tất cả các quốc gia. Tiêu thụ tin tức qua Facebook giảm tới 9 điểm phần trăm ở Mỹ mà riêng ở các nhóm người trẻ thì tới 20 điểm. Tại vùng đô thị của Brazil mức giảm lên tới 52%, tương đương với giảm 17 điểm từ 2016. Chỉ vài nước có tỷ lệ này tăng lên như Malaysia và Cộng hòa Séc mà thôi.

Thật may là niềm tin đối với báo chí, tuy suy giảm nhưng theo các nghiên cứu thì đều cao hơn so với mạng xã hội

Thật may là niềm tin đối với báo chí, tuy suy giảm nhưng theo các nghiên cứu thì đều cao hơn so với mạng xã hội và thậm chí có chiều hướng tăng lên một chút. Báo cáo của Edelman cho thấy năm 2018, mức độ tin cậy với báo chí đã tăng lên 59% từ mức 54% của năm 2017. Đây là kết quả rất khả quan vì vào năm 2015, báo chí chính thống còn thua cả mạng xã hội về niềm tin của công chúng. Trong báo cáo của Reuters, mức tin tưởng vào báo chí là 44%, khá cao so với máy tìm kiếm (34%) và vượt trội so với mạng xã hội (23%).

Vậy ngoài sự trung thực, tính chân thực và đạo đức nghề nghiệp là thước đo về sự tin cậy đối với báo chí – điều mà các nhà báo luôn phải hướng tới, liệu còn có những cách nào khác để tạo dựng niềm tin trong lòng độc giả?

Chẳng hạn khi độc giả thích tương tác với một cơ quan báo chí bằng cách trao đổi với các phóng viên, nhiệt tình góp ý hoặc bình luận, thậm chí muốn ghé thăm tòa soạn thì chính là một hình thức bày tỏ sự tin cậy. Nên khả năng tiếp cận cơ quan báo chí là vô cùng ý nghĩa.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Shaw Academy)  
Ảnh minh họa. (Nguồn: Shaw Academy)  

Có một câu chuyện thú vị ở Australia, kể rằng công chúng rất tin tưởng các đài phát thanh địa phương vì họ cảm thấy các phát thanh viên và các nhà sản xuất chương trình “giống như những người bình thường chúng tôi vậy.” Thính giả nói giọng đọc của các phát thanh viên giống như ai đó trong gia đình, hoặc “nghe đài mà cứ như nghe người bạn mình đang trò chuyện.” Điều quan trọng ở đây là việc xóa nhòa ranh giới giữa thính giả và nhà báo, và chứng tỏ nhà báo nên kết nối chặt chẽ hơn với độc giả-khán thính giả của mình, hãy trở thành “một người trong cộng đồng” chứ không phải là nguồn thông tin xa cách và chỉ phục vụ lợi ích của tờ báo.

Và có lẽ, trong môi trường kỹ thuật số hiện nay, nơi đa phần thông tin là miễn phí, thì việc hỗ trợ tài chính cho báo chí (thông qua việc trả phí đọc nội dung, trở thành thành viên, hoặc thậm chí theo cách cổ điển là mua báo in) chính là một chỉ dấu về sự tin tưởng. Độc giả không đời nào trả tiền mua tin mà họ không cho là tin cậy, trung thực, có phải vậy không nhỉ? Và họ sẽ chẳng mất công móc hầu bao tìm kiếm sự thực nếu mọi thông tin miễn phí đều chính xác.

Để giành lại niềm tin thì báo chí không chỉ đơn giản hô khẩu hiệu “chúng tôi vì độc giả”

Thực ra việc tạo sự thân thiện với cộng đồng như kể trên là cách mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện: họ hỗ trợ những hoạt động của dân cư, tổ chức các chuyến thăm nhà máy, hỗ trợ đào tạo nghề, vv… Nhiều câu lạc bộ thể thao cũng gắn bó với địa phương bằng các phương thức tương tự, đến tận các trường tiểu học trong vùng để giao lưu với trẻ em, cấp các khoản học bổng hoặc có những giờ lao động công ích. Trong khi đó, các cơ quan báo chí lại đi từ nơi gần gũi ấm cúng mà độc giả gửi gắm niềm tin bằng những lá thư tay của một thời, sang một vị trí đầy xa cách. Đó là chưa kể những trường hợp (cũng không phải cá biệt) mà doanh nghiệp thấy khiếp sợ khi nhà báo gõ cửa gạ quảng cáo, hăm dọa bằng những bài viết với cái vỏ chống tiêu cực, người dân cũng mệt mỏi với những phóng viên soi mói từng chuyện làm sai để đổi lấy phong bì.

Rõ ràng, để giành lại niềm tin thì báo chí không chỉ đơn giản hô khẩu hiệu “chúng tôi vì độc giả.” Hãy thay đổi bản thân mình để cộng đồng thực sự thấy tin tưởng, hãy tôn trọng độc giả, khán thính giả chứ đừng có thái độ ban phát kiến thức. Hãy thể hiện trách nhiệm của báo chí bằng những bài viết chuyên nghiệp và chất lượng cao, thực sự góp phần giúp cho xã hội tốt đẹp hơn chứ không phải để tăng doanh thu quảng cáo cho tòa soạn./.

Ảnh minh họa. (Nguồn: USA Today)
Ảnh minh họa. (Nguồn: USA Today)