Việt Nam-New Zealand

Sau 43 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975 và xác lập mối quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2009, mối quan hệ giữa Việt Nam-New Zealand đã ngày càng được củng cố và tăng cường với việc thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao trên cả bình diện song phương và đa phương cũng như sự hợp tác giữa các bô, ngành và địa phương hai nước.

Chính vì vậy, chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ là nguồn động lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, tạo đà mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong tương lai.

New Zealand – quốc đảo thiên nhiên tươi đẹp

New Zealand, còn có tên khác là Aotearoa (có nghĩa là “miền đất mây trắng”), nơi mà thổ dân Maori sinh sống đầu tiên vào khoảng năm 800 sau công nguyên. Tên gọi này đã toát lên vẻ đẹp của đất nước này cùng với lòng tự hào của những người dân nơi đây.

New Zealand nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương, gồm 2 đảo lớn thuộc đất núi lửa còn trẻ hợp thành một lãnh thổ rộng hơn 270.000 km2. Đảo phía Bắc, còn gọi là “đảo sôi sục”; đảo phía Nam, còn gọi là đảo Ngọc (vì ở đó có nhiều ngọc) – đó còn là vương quốc của cừu và núi non.

New Zealand là một trong những vùng đất có phong cảnh thiên nhiên đẹp nhất thế giới

Được mệnh danh là Đất nước của thiên nhiên trinh nguyên, New Zealand là một trong những vùng đất có phong cảnh thiên nhiên đẹp nhất thế giới. New Zealand có ít thành phố, ít đường sá nên trung bình 1 km2 chỉ có 12 cư dân sinh sống. Có lẽ, thật ít có vùng đất nào mà con người được sống hòa mình với thiên nhiên đến vậy.

Là đất nước không giàu tài nguyên, chỉ có một số khoáng sản như khí đốt thiên nhiên, gỗ, than, song New Zealand lại có nhiều đồi, núi, sông, hồ, đồng bằng thấp nên rất thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển. New Zealand có cơ sở kinh tế nông-công nghiệp phát triển, trong đó kinh tế nông nghiệp của New Zealand có nhiều thành tựu để các nước khác tham khảo.

Công viên Quốc gia Abel Tasman ở New Zealand. (Nguồn: doc.govt.nz)
Công viên Quốc gia Abel Tasman ở New Zealand. (Nguồn: doc.govt.nz)

Là nước có nền kinh tế thị trường phát triển, thu nhập bình quân đầu người thuộc loại cao (41.107 USD – năm 2017), nhưng khác với nhiều quốc gia thuộc nhóm nước nói trên, New Zealand có tỷ trọng nông nghiệp rất lớn, chiếm 57% trong cơ cấu GDP và 3/4 sản phẩm nông nghiệp dùng để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Điều này phản ánh tầm quan trọng của kinh tế nông nghiệp cũng như trình độ phát triển khá cao của ngành này.

New Zealand cũng là một quốc gia phát triển được xếp hạng cao trong các bảng đánh giá quốc tế về nhiều mặt. Với dân số khoảng 4,5 triệu người, New Zealand có chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 7 thế giới, đứng đầu thế giới về chỉ số phát triển xã hội (SPI) với các đánh giá về sức khỏe, vệ sinh, chỗ ở, an toàn cá nhân, tiếp cận thông tin, tính ổn định, khoan dung, hòa nhập và tiếp cận với giáo dục. Những chỉ số này cao hơn hẳn so với các quốc gia phát triển khác trên thế giới.

Những năm gần đây, New Zealand đạt nhịp độ tăng trưởng cao, thuộc loại hàng đầu trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) (năm 2016 tăng 3,6%, năm 2017 tăng 3,5%), được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng cao về khả năng cạnh tranh, có môi trường kinh doanh vào loại tốt nhất thế giới.

Đặc biệt, New Zealand đầu tư cho giáo dục, văn hóa và phúc lợi của người dân ở mức trên 25% GDP, một con số rất cao so với nhiều nền kinh tế phát triển khác. Cũng nhờ sự cố gắng không ngừng của chính phủ, các công ty, tập đoàn và doanh nghiệp, New Zealand ngày một tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững hơn trên trường quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, ngày 10/11/2017 tại Đà Nẵng trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. (Nguồn: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, ngày 10/11/2017 tại Đà Nẵng trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam-New Zealand: Đối tác toàn diện

Cách xa nhau về địa lý nhưng Việt Nam và New Zealand đã có quan hệ ngoại giao từ rất sớm. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/6/1975, nhưng từ giữa thập niên 1990 mối quan hệ này mới thật sự được quan tâm thúc đẩy và nhanh chóng phát triển vượt bậc về mọi mặt trong những năm gần đây. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện từ tháng 9/2009.

Việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện mở ra trong quan hệ hai nước, tạo xung lực mới cho sự hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trong những năm gần đây quan hệ hai nước phát triển nhanh, mạnh, thể hiện mức độ gắn kết ngày càng gia tăng thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, trao đổi đoàn cũng như giao lưu nhân dân.

New Zealand luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính phủ và nhân dân New Zealand luôn ủng hộ và đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là việc Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị quan trọng với vai trò nước chủ nhà APEC 2017.

Nhân dịp Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng (vào tháng 11/2017), hai nước đã ký Chương trình Hành động Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2017-2020 nhằm đưa quan hệ song phương phát triển vững chắc, ổn định và sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới. Chương trình Hành động trong đó đề ra định hướng cho quan hệ hai nước trong 4 năm tới, tập trung vào các lĩnh vực trụ cột như: quan hệ chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại, hỗ trợ phát triển và giao lưu nhân dân.

Quang cảnh cuộc Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam-New Zealand năm 2017. (Nguồn: TTXVN)
Quang cảnh cuộc Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam-New Zealand năm 2017. (Nguồn: TTXVN)

Theo Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Việt Dũng, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới New Zealand khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè, trong đó có New Zealand.

Đại sứ nhấn mạnh đây sẽ là nguồn động lực để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, được xác lập năm 2009, ngày càng đi vào thực chất, tạo đà để mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong tương lai, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên có nhu cầu và thế mạnh. Đây cũng là dịp để hai bên thúc đẩy, tăng cường hơn nữa sự tin cậy về chính trị, tạo nền tảng vững chắc để đưa quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi đi vào chiều sâu theo các định hướng được đề ra trong Chương trình Hành động Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2017-2020.

Đại sứ Nguyễn Việt Dũng cho biết trong 43 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975 và xác lập mối quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2009, mối quan hệ giữa Việt Nam-New Zealand đã ngày càng được củng cố và tăng cường với việc thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao trên cả bình diện song phương và đa phương cũng như sự hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước.

Trong thời gian 5 năm gần đây, tần suất trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước thật sự đáng ghi nhận: Toàn quyền New Zealand đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam tháng 9/2013; Thủ tướng Việt Nam và New Zealand tiến hành các chuyến thăm chính thức lẫn nhau nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước lần lượt vào tháng 3 và tháng 11 năm 2015; tân Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng vào cuối tháng 10/2017 đã nhận lời và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters ký kết Chương trình hành động Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2017-2020. (Nguồn: TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters ký kết Chương trình hành động Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2017-2020. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ khẳng định mối quan hệ Việt Nam-New Zealand, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước trân trọng và dày công vun đắp, cùng với tiềm năng của mỗi nước, sẽ vươn lên tầm cao mới – quan hệ đối tác chiến lược – trong tương lai không xa, nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2009-2019) và kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2020), vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 12/2017, New Zealand có 29 dự án còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 102,4 triệu USD, đứng thứ 45/125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. New Zealand tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và New Zealand có lợi thế như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng… Đồng thời, New Zealand cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực và công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường thế giới.

Quan hệ Việt Nam-New Zealand cùng với tiềm năng của mỗi nước, sẽ vươn lên tầm cao mới – quan hệ đối tác chiến lược – trong tương lai không xa

Về viện trợ phát triển (ODA), Chính phủ New Zealand luôn dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm, tập trung vào các lĩnh vực an sinh xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển nguồn nhân lực; quản lý và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu… Trong giai đoạn từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2018, New Zealand cam kết cung cấp cho Việt Nam 26,66 triệu NZ$ (tương đương 18,6 triệu USD).

Hợp tác về văn hóa-giáo dục tiếp tục là nền móng vững chắc cho mối quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand với việc ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn New Zealand làm điểm đến du học để tiếp thu nền giáo dục hàng đầu thế giới. Năm 2017, cũng là năm nở rộ các mối quan hệ hợp tác mới giữa các cơ sở giáo dục của New Zealand với các đối tác Việt Nam, góp phần làm phong phú mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Một lễ ký kết trong khuôn khổ Diễn đàn Giáo dục Việt Nam–New Zealand năm 2015. (Nguồn: TTXVN)
Một lễ ký kết trong khuôn khổ Diễn đàn Giáo dục Việt Nam–New Zealand năm 2015. (Nguồn: TTXVN)

Thông qua hợp tác giáo dục và đào tạo, New Zealand sẽ mở rộng và củng cố các mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia, trong đó Việt Nam là đối tác quan trọng của New Zealand ở Đông Nam Á. Hiện có khoảng 2.500 sinh viên Việt Nam đang học tại New Zealand bằng học bổng hoặc tự túc.

Ngoài ra, trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên luôn duy trì, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau, đặc biệt là trong khuôn khổ các cơ chế của ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), APEC và Liên hợp quốc. Việt Nam đánh giá cao lập trường của New Zealand trong vấn đề Biển Đông trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế; mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của New Zealand đối với lập trường, quan điểm của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề này.

Năm 2018 sẽ mang lại nhiều điểm nhấn hơn cho quan hệ song phương Việt Nam-New Zealand (Đại sứ Wendy Matthews)

Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh để tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai nước, việc đầu tiên và có tầm quan trọng hàng đầu là phải triển khai hiệu quả sự hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên đã đề ra trong Kế hoạch hành động 2017-2020.

Trong mỗi lĩnh vực, hai bên cần khai thác những dư địa mới và tạo ra những đột phá mới, dấu mốc mới trong từng lĩnh vực như: thương mại-đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, kết nối hàng không và du lịch…

Cùng với đó, Việt Nam và New Zealand tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, hợp tác làm ăn tại thị trường của nhau để khai thác triệt để tiềm năng do các Hiệp định tự do thương mại (FTA) mang lại, tận dụng các FTA để đưa hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận thị trường sở tại, đồng thời đẩy mạnh thông tin thị trường, đổi mới việc xúc tiến thương mại, xây dựng mục tiêu cho từng nhóm hàng hóa, sản phẩm cụ thể.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern dự và phát biểu tại Đối thoại 'Sử dụng hiệu quả tài nguyên và tăng trưởng bền vững' trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern dự và phát biểu tại Đối thoại ‘Sử dụng hiệu quả tài nguyên và tăng trưởng bền vững’ trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017. (Ảnh: TTXVN)

Đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1,7 tỷ USD

Trong hợp tác kinh tế-thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng đều qua các năm với tốc độ tăng trung bình khoảng 20%/năm. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 707 triệu USD, năm 2017 đạt 907,5 triệu USD. Hai nước đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1,7 tỷ USD vào năm 2020, đưa hợp tác kinh tế trở thành lĩnh vực trụ cột của quan hệ song phương.

Nông nghiệp là lĩnh vực sôi động và có đóng góp quan trọng trong hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia. Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang New Zealand bao gồm: trái cây nhiệt đới, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, hải sản.

Xuất khẩu nông sản của New Zealand sang Việt Nam chiếm khoảng hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam, bao gồm: sản phẩm sữa, nguyên liệu ngành dệt may, hoa quả, gỗ nguyên liệu và khoáng sản. Sự hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả giữa các cơ quan nông nghiệp hai nước trong thời gian gần đây về kiểm dịch đã cho phép một số mặt hàng nông sản được xâm nhập thị trường của nhau như: cá tra, xoài cát Hòa Lộc, thanh long của Việt Nam…

Việt Nam và New Zealand hợp tác trồng thanh long. (Nguồn: Vietnam+)
Việt Nam và New Zealand hợp tác trồng thanh long. (Nguồn: Vietnam+)

Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 31 của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác lớn thứ 17 của New Zealand. Đây là thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của Việt Nam cho các mặt hàng như nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng…

Bên cạnh đó, Hiệp định AANZFTA (ký ngày 27/2/2009, hiệu lực từ ngày 1/1/2010) có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và New Zealand.

Các lợi thế có được từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), có hiệu lực từ tháng 1/2010, việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký tại Chile ngày 8/3 vừa qua, sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước và các nước liên quan thông qua việc mở cửa thương mại hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy dòng vốn đầu tư và những mối liên kết gần gũi hơn thông qua giải quyết một loạt vấn đề.

Đặc biệt, Việt Nam và New Zealand cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) cùng với 9 nước ASEAN và 5 nước đối tác khác của ASEAN gồm Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Đây sẽ là Hiệp định lớn nhất thế giới và giúp tạo ra một thị trường chung rộng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của cả Việt Nam và New Zealand từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân hai nước.

Giới phân tích cho rằng với đà tăng trưởng gần đây cùng với thuận lợi là nền kinh tế Việt Nam và New Zealand có tính chất bổ sung cho nhau trên nhiều phương diện và những đóng góp quan trọng trong thương mại dịch vụ trên các lĩnh vực giáo dục, hàng không, du lịch, dịch vụ tư vấn… khả năng đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước lên mức 2,5 tỷ NZD (tương đương 1,7 tỷ USD) vào năm 2020 như mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Đánh giá về quan hệ hợp tác Việt Nam-New Zealand trong thời gian tới, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Matthews nhấn mạnh: “Mối liên kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam và New Zealand đang ngày một phát triển và năm 2018 sẽ mang lại nhiều điểm nhấn hơn cho quan hệ song phương”./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)