Thể thao Việt Nam khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế

Thể thao Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi từ những đấu trường châu lục và thế giới. Có được thành công này là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng sự vào cuộc của các cấp ngành liên quan đã nỗ lực trong việc phát triển tổng thể thể dục thể thao nước nhà.

Hiệu quả mang tầm chiến lược

Những năm gần đây, thể thao Việt Nam ghi dấu ấn với thành tích ấn tượng trên đấu trường quốc tế. Đặc biệt, năm 2017, các vận động viên thi đấu tại các giải đấu lớn đều đạt được kết quả ngoài mong đợi.

Sự thành công của thể thao Việt Nam là thành quả từ các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, hỗ trợ cho thể thao Việt Nam nhiều năm qua, đặc biệt là Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 3/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020.” Đây được coi là một “làn gió” mới giúp thể thao nước nhà ngày càng vững bước trên các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới.

Vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành huy chương vàng tại Olympic Rio 2016. (Nguồn: AFP)
Vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành huy chương vàng tại Olympic Rio 2016. (Nguồn: AFP)

”Trái ngọt” từ đầu tư đúng hướng

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng khẳng định hướng tới mục tiêu là các đấu trường lớn trên thế giới nên ngay từ năm 2011, ngành thể thao quyết tâm tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao trọng điểm có trong chương trình thi đấu tại các kỳ Olympic hay ASIAD.

Các vận động viên được đào tạo, tập huấn bài bản ở trong nước, quốc tế nhằm phục vụ cho những mục tiêu cao hơn, xa hơn trên đấu trường quốc tế như: điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, taekwondo, cầu lông, bóng bàn, karatedo, bóng đá, bóng chuyền, xe đạp, cờ vua…

Từ chiến lược đó, thể thao Việt Nam bước đầu đã thu được những tín hiệu khả quan, tạo đà vững chắc cho sự phát triển ở những năm tiếp theo.

Đầu tiên phải kể đến SEA Games 28 diễn ra tại Singapore trong năm 2015, đoàn thể thao Việt Nam vẫn giành được vị trí tốp 3 các nước tham dự. Thành tích này được đánh giá cao hơn các kỳ SEA Games trước đó khi có đến hơn 85% trong tổng số 73 huy chương vàng mà đoàn giành được thuộc về các môn Olympic. Trong đó, riêng 3 môn trọng điểm luôn có tên trong các kỳ Olympic đó là: Điền kinh đã giành được 11 huy chương Vàng; bơi lội giành được 10 huy chương Vàng; thể dục dụng cụ được 9 huy chương vàng. Các môn còn lại như đua thuyền (9 vàng), đấu kiếm (8 vàng), taekwondo (5 vàng) và bắn súng (4 vàng) cũng là thành công rực rỡ, đóng góp vào thành tích chung cho đoàn thể thao Việt Nam.

“Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020” được coi là một “làn gió” mới giúp thể thao nước nhà ngày càng vững bước trên các đấu trường.

Sang năm 2016, thể thao nước nhà đón hàng loạt tin vui khi có tới 23 suất đạt chuẩn tham dự Olympic Rio 2016. Tại sân chơi đẳng cấp thế giới này, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lần đầu tiên bước lên bục vinh quang của thể thao thế giới khi giành huy chương vàng ở môn bắn súng. Đây là tấm huy chương cao quý đã làm nên lịch sử cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic, nức lòng người hâm mộ.

Năm 2017, đội tuyển điền kinh Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử thi đấu đã vượt qua đội tuyển điền kinh Thái Lan tại kỳ SEA Games 29, vươn lên đứng đầu bộ môn điền kinh với 17 huy chương vàng.

Đặc biệt, đầu năm 2018, ngay trước thềm Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Đội tuyển U23 Việt Nam đã làm hàng triệu người hâm mộ trên khắp đất nước hình chữ S hân hoan đến cuồng nhiệt trước thành tích lần đầu tiên lọt vào trận chung kết, giành ngôi á quân Giải vô địch bóng đá U23 châu Á diễn ra tháng 1/2018 tại Trung Quốc.

Dù chỉ giành ngôi á quân song U23 Việt Nam dũng cảm thi đấu bằng cả trái tim nhiệt huyết, vì màu cờ sắc áo mang về chiến công lịch sử đầu tiên cho bóng đá nước nhà ở đấu trường châu lục…

Vươn lên từ gian khó

Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao Vương Bích Thắng nêu rõ trước khi có “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020,” ngành thể dục thể thao còn ảnh hưởng bởi cơ chế bao cấp, chưa bắt kịp tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Toàn ngành còn thiếu chính sách thu hút nhân tài thể thao, thiếu hụt nguồn vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài… Bên cạnh đó, quy chế tuyển dụng vận động viên nước ngoài đối với các đội tuyển thể thao chưa phù hợp với thực tiễn phát triển thể thao chuyên nghiệp.

Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức trong thi đấu, thưởng thức thể dục thể thao chưa được quan tâm đúng mức, còn để xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, nhất là trong thi đấu bóng đá; còn có hiện tượng, trường hợp sử dụng doping.

Các vận động viên môn Wushu luyện tập. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Các vận động viên môn Wushu luyện tập. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ngoài ra, ngành còn chưa có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho thể dục thể thao, thiếu chính sách và các quy định về đào tạo nguồn nhân lực cho thể dục thể thao, nhất là đối với thể thao thành tích cao. Tỷ trọng ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển ngành thể dục thể thao nói chung còn thấp…

Từ năm 2000, ngành thể thao có sự kết hợp quản lý giữa cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cùng đầu tư cho thể thao. Toàn ngành đã đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận; thống nhất quản lý phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp theo hướng tiên tiến, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất và trình độ phát triển kinh tế-xã hội của nước ta và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân; tăng cường hội nhập quốc tế, tích cực thực hiện chủ trương, đường lối ngoại giao nhân dân của Đảng và Nhà nước.

Từ năm 2000, ngành thể thao có sự kết hợp quản lý giữa cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cùng đầu tư cho thể thao.

Tuy nhiên, thể thao Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn trong “ao làng” SEA Games, thành tích trong nhiều kỳ đại hội liên tiếp vẫn chỉ đứng ở tốp 3 Đông Nam Á; không có nổi một tấm huy chương vàng tại Thế vận hội (Olympic). Nguyên nhân chính được ngành thể dục thể thao đưa ra là đầu tư dàn trải ở tất cả các môn thể thao, gây lãng phí, mà không mang lại hiệu quả thi đấu cao.

Năm 2010, “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020” ra đời, góp phần điều chỉnh thu hẹp số môn thể thao chủ đạo, số lượng vận động viên thể thao có tiềm năng giành huy chương để đầu tư có trọng điểm, hướng tới mục tiêu huy chương vàng Olympic; ưu tiên môn thể thao nhiều lần giành huy chương vàng Olympic. Chiến lược cũng góp phần thay đổi quan niệm trong huấn luyện thể thao, tối ưu hóa phương thức huấn luyện, nâng cao trình độ thi đấu của vận động viên trong thời gian ngắn…

Trải qua 6 năm thực hiện chiến lược, thể thao nước nhà dần khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế thông qua những thành tích của các môn thể thao trọng điểm đã mang lại. Điều đáng nói là thành công của những người làm nên lịch sử tại SEA Games 28 đều ở những môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. Đây cũng là tín hiệu vui về sự đầu tư và chuyển hướng đúng đắn cho các môn thể thao thành tích cao hướng đến đấu trường châu lục và thế giới…

Từ SEA Games bước ra thế giới

Các vận động viên Việt Nam giành thành tích tại các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) đến huy chương vàng tại Olympic là kết quả của quá trình thực hiện “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020” của ngành thể dục thể thao.

Nhờ đầu tư đúng hướng mà Việt Nam dần gặt hái được huy chương Vàng ở các môn thể thao Olympic tại các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Đặc biệt, thể thao Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực trong đánh giá và hoạch định chiến lược mang tầm quốc tế, lấy đấu trường SEA Games làm bàn đạp để nâng tầm thành tích cho các vận động viên, hướng tới  ASIAD, Olympic…

Từ SEA Games…

“Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020” đặt ra mục tiêu nâng cao thành tích thi đấu, giữ vững vị trí tốp 3 quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á, tiến tới thu hẹp khoảng cách trình độ đối với thể thao châu Á và thế giới.

Do đó, những năm gần đây, ngành thể dục thể thao Việt Nam tập trung đầu tư cho các vận động viên ở những môn thể thao của ASIAD, Olympic, hoặc những gương mặt có khả năng giành huy chương tại các kỳ đại hội lớn.

Đây là định hướng đúng, góp phần khẳng định vị thế, sự phát triển của thể thao Việt Nam. Tấm huy chương vàng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio năm 2016 là kết quả nổi bật nhất, cho thấy chủ trương đầu tư này là đúng đắn.

Đội tuyển điền kinh nữ Việt Nam giành huy chương vàng tại SEA Games 29 ở nội dung chạy tiếp sức 4x100m, phá kỷ lục SEA Games, lần đầu tiên vượt qua Thái Lan. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Đội tuyển điền kinh nữ Việt Nam giành huy chương vàng tại SEA Games 29 ở nội dung chạy tiếp sức 4x100m, phá kỷ lục SEA Games, lần đầu tiên vượt qua Thái Lan. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao Vương Bích Thắng nêu rõ, qua theo dõi danh sách đầu tư trọng điểm năm 2017 với 56 vận động viên thuộc nhóm Olympic cho thấy hầu hết các vận động viên đều giành huy chương vàng tại SEA Games 29 vừa diễn ra trên đất Malaysia.

Điển hình là vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Huyền đã giành huy chương vàng tại nội dung chạy 400m rào; Lê Tú Chinh huy chương vàng ở nội dung 100m nữ và 200m nữ; Nguyễn Thị Oanh huy chương vàng ở nội dung 1.500m nữ; Dương Văn Thái huy chương vàng ở nội dung chạy 800m nam; Bùi Thị Thu Thảo huy chương vàng ở nội dung nhảy xa. Đặc biệt, kình ngư của làng bơi lội nước nhà Nguyễn Thị Ánh Viên xuất sắc giành 7 huy chương vàng; xạ thủ Hà Minh Thành giành huy chương vàng ở nội dung 25m súng ngắn; tay kiếm Vũ Thành An giành huy chương vàng ở nội dung kiếm chém…

Thành tích của các vận động viên cho thấy, đấu trường SEA Games vẫn là sân chơi hiệu quả, là bàn đạp để thể thao Việt Nam hướng tới các đấu trường cao hơn. Ngoài ra, mỗi tấm huy chương ở đấu trường khu vực cũng góp phần tạo động lực, niềm tin chiến thắng, cảm hứng để các vận động viên hướng tới mục tiêu xa hơn.

Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao Vương Bích Thắng nhấn mạnh các môn như điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng… vẫn tiếp tục là mũi nhọn, góp phần quan trọng làm vẻ vang thêm thành tích của thể thao nước nhà.

… hướng tới mục tiêu xa hơn

Ông Vương Bích Thắng cũng, thành tích thi đấu của vận động viên dự thi các môn thể thao có trong chương trình Olympic tại SEA Games 29 sẽ là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ thành công của đoàn thể thao Việt Nam trong việc thực hiện “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020.”

Từ đấu trường SEA Games, các vận động viên Việt Nam tiếp tục phát huy thành tích thi đấu, giành được huy chương ở các đấu trường châu lục cũng như thế giới.

Mới đây nhất, tại Giải vô địch điền kinh trong nhà châu Á năm 2018 diễn ra từ ngày 1-3/2 tại Iran, các vận động viên Việt Nam đã xuất sắc giành được 1 huy chương vàng và 3 huy chương đồng.

Đặc biệt, tại giải đấu tầm cỡ châu lục này, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam chỉ cử 3 vận động viên sang thi đấu, nhưng giành tới 4 huy chương các loại. Trong đó ấn tượng là chiếc huy chương vàng của vận động viên trọng điểm Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa…

Vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo. (Nguồn: AFP)
Vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo. (Nguồn: AFP)

Ngành thể dục thể thao cũng đang nỗ lực bắt tay vào thực hiện 2 mục tiêu quan trọng của năm 2018, đó chính là ASIAD 2018 diễn ra tại Indonesia và Olympic 2020 sắp diễn ra tại Nhật Bản.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao Trần Đức Phấn nêu rõ ngành đang rà soát, sàng lọc vận động viên để lập danh sách tập trung đầu tư trọng điểm, hướng mục tiêu trong năm 2018 sẽ có từ 90-100 vận động viên trọng điểm sẽ giành thành tích cao tại các kỳ đại hội trong khu vực, châu lục và thế giới.

Kết quả giành được tại các đấu trường khắc nghiệt này sẽ là thước đo đánh giá chuẩn xác nhất sự thành công của thể thao Việt Nam sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020…

Tự hào kỳ tích bóng đá Việt Nam

Sau bao năm chờ đợi và mong ngóng, cuối cùng người hâm mộ bóng đá nước nhà cũng thỏa lòng khát khao chiến thắng khi U23 Việt Nam giành thành tích ấn tượng tại Vòng chung kết U23 châu Á năm 2018 vừa diễn ra tại Trung Quốc.

Bị đánh giá yếu hơn các đối thủ cùng bảng nhưng các chàng trai vàng Việt Nam đã gây chấn động khi lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào trận chung kết, giành ngôi vị á quân trước sự ngỡ ngàng của người hâm mộ bóng đá trong nước và quốc tế.

Kỳ tích rạng rỡ đầu tiên

Tuy chỉ giành được ngôi á quân nhưng các cầu thủ U23 Việt Nam đã trở thành những chiến binh quả cảm trong mắt người hâm mộ nước nhà, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Với giới chuyên môn thì thành tích này được đánh giá là xuất sắc nhất từ trước tới nay của bóng đá Việt Nam trên đấu trường châu lục.

Đánh giá về thành tích này của U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 châu Á, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam Lê Hoài Anh khẳng định thành công của U23 Việt Nam cũng chính là thành công chung của toàn ngành trong thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.” Đặc biệt là những cố gắng vượt khó vươn lên đầy nghị lực, bản lĩnh của các cầu thủ, Ban huấn luyện đội tuyển đã giúp U23 Việt Nam làm nên chiến tích lịch sử trên đấu trường châu lục.

Hậu vệ Vũ Văn Thanh khoanh tay đứng hiên ngang sau khi thực hiện thành công cú sút 11m quyết định đưa U23 Việt Nam vào chung kết U23 châu Á. (Nguồn: AFC)
Hậu vệ Vũ Văn Thanh khoanh tay đứng hiên ngang sau khi thực hiện thành công cú sút 11m quyết định đưa U23 Việt Nam vào chung kết U23 châu Á. (Nguồn: AFC)

Hình ảnh hậu vệ Vũ Văn Thanh khoanh tay đứng hiên ngang sau khi thực hiện thành công cú sút 11m quyết định đưa U23 Việt Nam vào chung kết là hình ảnh lung linh nhất trong mắt người hâm mộ bóng đá nước nhà trước kỳ tích của bóng đá Việt Nam.

Hình ảnh đó của Văn Thanh tượng trưng cho sự tự tin, bản lĩnh, thể hiện một khát vọng vượt qua mọi khó khăn, rào cản của tuổi trẻ để hướng tới một thành công xứng đáng. Hàng triệu con tim Việt Nam đều khắc ghi hình ảnh đẹp này, coi đó là động lực thôi thúc bàn thân mỗi con người cần cố gắng thêm một chút để đóng góp vào thành công chung của đất nước.

Đón U23 Việt Nam từ Trung Quốc trở về chính là ngày hội lớn không chỉ của riêng ngành thể dục thể thao mà chính là ngày hội của toàn thể nhân dân nước nhà, tất cả đều tưng bừng trong “rừng” cờ đỏ sao vàng, tràn ngập niềm tự hào và hạnh phúc.

Chiến thắng hôm nay của U23 Việt Nam không phải là sự ăn may nhất thời nào đó, mà là sự bền bỉ liên tục trong suốt giải đấu… (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp đội tuyển U23 sau 5 giờ đồng hồ chờ đợi. Thủ tướng khẳng định Giải vô địch U23 châu Á là sự kiện thể thao lớn, tập trung những đội bóng mạnh nhất châu lục, những “tượng đài” bóng đá cao lớn mà nhiều thập niên qua chúng ta thấy mình còn nhỏ bé…

Đội tuyển U23 Việt Nam đã đoàn kết, khắc phục khó khăn về tố chất, thể hình, thể lực, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nỗ lực tập luyện, tinh thần đồng đội, lòng quả cảm, sự bình tĩnh, tự tin, thi đấu hơn cả sức mình, vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc Việt Nam thân yêu và thực sự đã làm nên điều kỳ diệu của bóng đá châu Á mà chiến thắng hôm nay không phải là sự ăn may nhất thời nào đó, mà là sự bền bỉ liên tục trong suốt giải đấu…

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ vị trí á quân mà U23 giành được cho thấy dân tộc Việt Nam có thể làm được nhiều điều to lớn trên các lĩnh vực. Thành công đó có giá trị thúc đẩy thế hệ trẻ Việt Nam tiếp tục rèn luyện, phấn đấu giành được những thành tựu lớn hơn nữa cho đất nước…

Thành tích của U23 Việt Nam được coi là khởi đầu thuận lợi cho bóng đá nước nhà trên con đường hướng tới thành tích cao hơn tại các giải đấu khác trong những năm tiếp theo.

Người hâm mộ với băngrôn, cờ và hoa chào đón Đội tuyển U23 Việt Nam vinh quang chiến thắng trở về. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Người hâm mộ với băngrôn, cờ và hoa chào đón Đội tuyển U23 Việt Nam vinh quang chiến thắng trở về. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Tiếp tục phấn đấu vì màu cờ sắc áo

Việc đội tuyển U23 Việt Nam lần đầu tiên làm nên chiến tích lịch sử tại Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018 chính là một kết quả quan trọng sau 5 năm thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.”

Sau chiến công chói lọi, U23 Việt Nam tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018. Trong đó chú trọng vào hai mục tiêu quan trọng là Đại hội thể thao châu Á năm 2018 (ASIAD 2018) và Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2018 (AFF Cup 2018).

Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Hoài Anh cho biết trong những năm tiếp theo, bóng đá Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.” Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường đầu tư cho các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia nam, nữ; bố trí huấn luyện viên giỏi, có trình độ chuyên môn cao cho các đội tuyển. Mặt khác, các đơn vị chức năng chuẩn bị lực lượng cho các đội tuyển bóng đá tham dự thi đấu vòng loại các kỳ World Cup, các giải bóng đá quốc tế quan trọng.

Pha ăn mừng bàn thắng gỡ hòa 1-1 đỉnh cao của U23 Việt Nam Nguyễn Quang Hải (phải) và Trần Đình Trọng trong trận đấu chung kết gặp U23 Uzbekistan. (Nguồn: THX/TTXVN)
Pha ăn mừng bàn thắng gỡ hòa 1-1 đỉnh cao của U23 Việt Nam Nguyễn Quang Hải (phải) và Trần Đình Trọng trong trận đấu chung kết gặp U23 Uzbekistan. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngoài ra, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng sẽ nỗ lực xây dựng, định hình hệ thống chiến thuật, lối thi đấu hiện đại cho các đội tuyển bóng đá phù hợp với đặc điểm thể lực của người Việt Nam. Cùng với đó là những nhiệm vụ trọng tâm như đảm bảo các điều kiện về học văn hóa và tăng cường giáo dục đạo đức đối với vận động viên các đội tuyển bóng đá, đặc biệt là vận động viên trẻ; có chính sách khuyến khích các tài năng bóng đá người Việt ở nước ngoài tham gia thi đấu cho đội tuyển quốc gia…

Một điều đáng lưu ý là công tác đầu tư đào tạo bóng đá trẻ đang được quan tâm nhằm bồi dưỡng bài bản những thế hệ trẻ, mới, kế cận cho bóng đá nước nhà.

Mới đây, Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) thuộc Tập đoàn Vingroup chính thức khánh thành Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ có quy mô hàng đầu Đông Nam Á tại Văn Giang, Hưng Yên. Tại đây, các cầu thủ sẽ được hướng dẫn trực tiếp từ đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên chuyên nghiệp với những bài tập bài bản, khoa học; khắc phục những điểm yếu về thể lực và thể hình của người Việt cũng như phục hồi chấn thương đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho các cầu thủ trẻ.