U23 Việt Nam

Trong hàng vạn tấm băng-rôn do các cổ động viên tự chế trong ngày mà dường như cả Hà Nội đổ ra đường đón đội tuyển U23 Việt Nam trở về từ Thường Châu, có một hình ảnh không khỏi khiến nhiều người bật cười là …hình nộm của huấn luyện viên trưởng Park Hang Seo.

Nó ngộ nghĩnh như cái vẻ bề ngoài dí dỏm của ông, hợp với cái biệt danh “ngủ gật” từ trước khi có cả đoạn clip ông thầy người Hàn Quốc gục vào vai học trò để ngủ khi chờ chuyến bay từ Trung Quốc về Hà Nội.

Từ niềm tin vào ông thầy ngủ gật

Trong buổi bình luận mừng chiến tích kỳ vĩ của đội U23 Việt Nam, ông Nguyễn Sĩ Hiển, chủ tịch Hội đồng huấn luyện viên quốc gia cũng nhắc lại biệt danh “ngủ gật” của ông Park Hang Seo.

Nhiều người nói đùa, chắc là vì mí mắt nhỏ của người Hàn, lại ẩn sau đôi kính trắng khiến người ta nghĩ đến cái biệt danh như vậy.

Nhưng còn một lý do khác khiến người ta nhấn mạnh vào chi tiết ấy, xuất phát từ nghi ngờ năng lực chuyên môn của vị huấn luyện viên từng là trợ lý của chiến lược gia huyền thoại Guus Hiddink.

Hình nộm huấn luyện viên Park Hang Seo trong lễ đón ở sân bay Nội Bài (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Hình nộm huấn luyện viên Park Hang Seo trong lễ đón ở sân bay Nội Bài (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Dù được tiếng là làm trợ lý cho “người Hà Lan bay” lập nên kỳ tích còn vô tiền khoáng hậu hơn là đưa đội tuyển xứ Kim chi vào tới bán kết World Cup 2002, song ngay trước khi lên đường sang Việt Nam nhậm chức, đội bóng gần nhất mà ông Park Hang Seo dẫn dắt còn ngụp lặn ở cuối bảng xếp hạng giải hạng Ba Hàn Quốc.

Vì vậy, chính ông thầy người Hàn trở thành mũi dùi để nhóm đối lập với ban lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) công kích những người đã ký hợp đồng với ông Park. Thử search cụm từ khóa “ai phải chịu trách nhiệm vì đã thuê ông Park” trên Google, người đọc vẫn có thể tìm thấy vô vàn bài báo dạng này đăng trên nhiều trang mạng lớn.

Chính vì thế, đội tuyển U23 Việt Nam đã tới Thường Châu trong sự thờ ơ của phần lớn người hâm mộ và một bộ phận giới chuyên môn. Thậm chí, một số trang thể thao hàng đầu còn không cử phóng viên theo chân đội tuyển vì không tin rằng thầy trò ông Park Hang Seo sẽ làm nên chuyện.

Một số trang thể thao hàng đầu còn không cử phóng viên theo chân đội tuyển vì không tin rằng thầy trò ông Park Hang Seo sẽ làm nên chuyện. 

Bởi cũng với dàn cầu thủ ấy, vài tháng trước U23 Việt Nam còn thua “sấp mặt” ở SEA Games, giờ dưới tay một vị huấn luyện viên “mơ ngủ,” thật khó tin rằng họ sẽ làm nên chuyện.

Mà không chỉ giới chuyên môn nghi ngờ, cả người hâm mộ tới các quan chức chính phủ cũng mất niềm tin vào bóng đá nội. Chỉ ít ngày sau khi V-League 2017 kết thúc, một cuộc họp bàn kế sách “chấn hưng” bóng đá Việt Nam đã được tổ chức, trong đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ thẳng vào những tồn tại, bất cập suốt bao năm qua của làng túc cầu…

Khoảnh khắc hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió khiến nhiều người tự hào xúc động (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Khoảnh khắc hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió khiến nhiều người tự hào xúc động (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Thế nhưng, khi niềm tin càng xuống thấp thì cảm xúc dâng trào lại càng bùng nổ. Giành 1 điểm ở giải vô địch U23 châu Á đã là thành công, vậy mà đội U23 Việt Nam đã vượt qua vòng bảng sau chiến thắng trước Australia.

Thua nhẹ Iraq ở tứ kết đã là chấp nhận được, vậy mà Tiến Dũng và các đồng đội lại vượt qua đối thủ hàng đầu châu lục trong một thế trận ngang ngửa ở thời gian thi đấu chính thức, và điềm tĩnh hơn hẳn ở loạt sút luân lưu 11m.

,

Ông Park Hang Seo động viên các cầu thủ sau trận chung kết. (Nguồn: Zing.vn)

Dừng bước trước Qatar, với lứa cầu thủ được chăm bẵm cho World Cup 2022, cũng đã đủ khiến người hâm mộ hài lòng. Thế nhưng Văn Thanh lại khiến 90 triệu con tim bùng cháy với “dáng đứng Việt Nam” ngạo nghễ ở màn thi sút penalty.

Và trận chiến trong mưa tuyết tại Thường Châu không chỉ đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam mà còn của cả bóng đá châu Á, khiến cả châu lục ngưỡng mộ không chỉ vì khả năng chuyên môn, mà còn phải ngả mũ trước lòng quả cảm của đội bóng áo đỏ.

Lịch sử, lịch sử, lịch sử. Hàng loạt giới hạn bị vượt qua. Và chiến công ấy vượt tầm khỏi một giải bóng đá thông thường.

Một độc giả nhận xét trên Facebook rằng từ ngày tham gia mạng xã hội tới giờ, chị đã quá mệt mỏi với bao cuộc cãi vã, chia sẽ của cộng đồng mạng Việt Nam. Nhưng lần này thì 60 triệu Facebooker Việt Nam lại hòa làm một.

Cảnh hàng vạn người đổ ra đường vẫy cờ ăn mừng chiến công của đội U23 Việt Nam mang ý nghĩa còn lớn hơn thế rất nhiều. Nó là lòng tự tôn dân tộc, là niềm kiêu hãnh của một đất nước đang chuyển mình trong giai đoạn hội nhập và ngày càng chứng tỏ bản sắc, là chất xúc tác kết nối 90 triệu con tim ở mọi miền đất nước, cũng như ở khắp 5 châu.

Một độc giả nhận xét trên Facebook rằng từ ngày tham gia mạng xã hội tới giờ, chị đã quá mệt mỏi với bao cuộc cãi vã, chia rẽ của cộng đồng mạng Việt Nam. Nhưng lần này thì 60 triệu Facebooker ấy lại hòa làm một. Cảnh bà lão gõ mâm ngoài đường phố, em nhỏ đạp xe vẫy cờ, người người nhà nhà đổ ra đường, ai nấy đều hồ hởi là minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Không còn tiếng chửi rủa vì tắc đường, la ó vì bị giành đường. Không còn lời than vãn về ý thức tham gia giao thông. Cứ nhìn thấy nhau vẽ cờ, buộc băng-rôn cờ đỏ sao vàng trên đầu là nở nụ cười. Điều kỳ diệu ấy, có lẽ vào thời điểm này chỉ có đội U23 Việt Nam mới mang lại, và nó sẽ được nhân rộng ra, truyền cảm hứng cho cả xã hội.

Thần kỳ. Diệu kỳ, Kỳ tích. Cổ tích. Những từ này chẳng còn xa xỉ nữa. Chúng ta cũng chẳng hề ngượng mồm khi nói ra những lời đó. Vì chiến tích của đội U23 Việt Nam xứng đáng với những mỹ từ ấy.

Và thế là, từ chỗ niềm tin của giới chuyên môn bị cạn kiệt, giờ lại được đong đầy. Từ chỗ niềm tin của người hâm mộ bị thử thách, giờ nó lại được vun đắp ngập tràn. Cao hơn nữa, từ chỗ những cá nhân bị chia rẽ, giờ tất cả kết lại thành một khối.

Bóng đá Việt có cần “chấn hưng”?

Nhưng vẫn còn điều quan trọng hơn, chỉ nói riêng trong bóng đá, là làm thế nào để biến chiến thắng ngày hôm nay thành bàn đạp để bóng đá Việt Nam thực sự có được vị thế xứng đáng với tiềm năng, cũng như kỳ vọng của người hâm mộ.

Chỉ cần có niềm tin từ người hâm mộ, các cầu thủ cũng có thể làm nên chuyện (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Chỉ cần có niềm tin từ người hâm mộ, các cầu thủ cũng có thể làm nên chuyện (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Liệu những Quang Hải, Xuân Trường, Bùi Tiến Dũng, Phan Văn Đức… có thực sự trưởng thành khi bước qua tuổi U23 để khẳng định bản thân trong giai đoạn chín của sự nghiệp. Liệu những người có trách nhiệm đã xây dựng được một chiến lược mang tính dài hạn làm bệ phóng cho sự phát triển của bóng đá nước nhà? Liệu đã đến lúc cất câu nhận xét “để đời” của huấn luyện viên Alfred Rield, rằng “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc,” vào ngăn kéo tủ?

Ở đầu bài, chúng ta đã nhắc qua đến nhóm đối lập với ban lãnh đạo hiện tại của VFF, tạm gọi là nhóm “chấn hưng bóng đá Việt”. Đúng là sau lễ diễu hành linh đình nhưng vỡ kịch bản hôm qua, chúng ta còn thấy quá nhiều bất cập, như hình ảnh một vị quan chức nhảy lên “cướp sóng” trên chiếc xe bus 2 tầng diễu qua phố Hà Nội.

Nhưng nếu nhìn tổng thể, có thể thấy bóng đá Việt Nam đang được phát triển theo đúng định hướng “xã hội hóa” sâu rộng như những nền bóng đá phát triển khác, cũng như theo đúng định hướng của các cấp cao hơn.

Nhiều người nói, hình như chúng ta quên chưa cảm ơn các ông bầu, từ “bầu Đức”, “bầu Hiển”, “bầu Viettel”, “bầu PVF”… Bởi chính nhờ tâm huyết, đi kèm theo thứ không thể thiếu là những khoản đầu tư dài hạn của họ mà chúng ta đã có những người hùng ngày hôm nay. 

Nhiều người nói, hình như chúng ta quên chưa cảm ơn các ông bầu, từ “bầu Đức”, “bầu Hiển”, “bầu Viettel”, “bầu PVF”… Bởi chính nhờ tâm huyết, đi kèm theo thứ không thể thiếu là những khoản đầu tư dài hạn của họ mà chúng ta đã có những người hùng ngày hôm nay.

Đó là một Xuân Trường sắc sảo trên sân bóng, rồi trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài bằng một thứ tiếng Anh đầy tự tin. Đó là một Quang Hải tỏa sáng trên sân cỏ và rạng ngời trong nhân cách với pha ăn mừng tri ân người cha đỡ đầu đã khuất. Đó là một Duy Mạnh khiến nhiều người bật khóc khi nán lại cắm lá cờ đỏ sao vàng trên đụn tuyết ở sân Thường Châu sau trận chung kết trước khi cúi chào…

Nhìn lại hành trình của đội U23 Việt Nam ở giải châu Á

Những ứng xử ấy của thế hệ cầu thủ ngày hôm nay có gì đó chững chạc hơn hẳn thế hệ trước đây. Có chuyên gia bóng đá từng nhận xét, các cầu thủ bóng đá đa phần thiệt thòi, vì đã dành cả tuổi xuân ăn ngủ cùng trái bóng, do đó họ không được hưởng nền tảng giáo dục căn bản như những đứa trẻ cùng lứa khác.

Đó là nguyên nhân khiến nhiều cầu thủ dễ dàng sa ngã khi nắm trong tay những bản hợp đồng bạc tỷ, dễ ngả nghiêng trong dòng đời nhiều cạm bẫy.

Nhưng có thể, những lò Hoàng Anh Gia Lai JMG, lò “Hoàng Anh Gia…Lâm” (chỉ trung tâm bóng đá trẻ Hà Nội ở Long Biên) rồi lò Viettel, lò PVF… sẽ trang bị cho các cầu thủ từ thế hệ này tới thế hệ tiếp nối đủ những kiến thức, vốn sống cơ bản để họ tránh được vết xe đổ của những người đàn anh. Và hơn hết là đưa con tàu bóng đá Việt Nam đi đúng đường ray phát triển của bóng đá hiện đại.

Em sẽ là thế hệ kế tiếp của Xuân Trường, Quang Hải? (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Em sẽ là thế hệ kế tiếp của Xuân Trường, Quang Hải? (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Thế nên, người ta hy vọng chiến công ngày hôm nay sẽ là cú hích để sẽ còn nhiều ông bầu khác mạnh dạn đầu tư vào trái bóng tròn. Để các bậc phụ huynh yên tâm cho con em mình theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số nhiều rủi ro, để không phải hối hận, không phải đem theo nỗi lo khi chấm dứt cuộc đời cầu thủ ngắn ngủ, nhiều vinh quang song cũng không ít bạc bẽo.

Tất cả chỉ có được nếu như có những con người tâm huyết, đi kèm những quyết sách đúng đắn, và minh bạch của những người có trách nhiệm.

Mà người có trách nhiệm thì luôn lui lại ở phía sau. Tuyến đầu là các cầu thủ. Lời cảm ơn thì sẽ dành cho tất cả, ai cũng có phần.

Nhưng quan trọng là phải có niềm tin. Bởi, “niềm tin chiến thắng, sẽ đưa ta đến bến bờ vui.”

Mai này ai nhắc lại Thường Châu Bữa ấy tuyết rơi bạc mái đầu Mười mấy dũng sĩ lao ngược gió Để đời kính phục mãi về sau

* thơ Hà Quang Minh

Những đoản khúc U23 Việt Nam

“Bố ơi, sao các chú lại khóc?”

Những chiếc áo đỏ U23 Việt Nam đổ gục xuống sân, dưới cơn mưa tuyết rơi rất nặng, và tôi không cầm được nước mắt khi đứa con gái gần 3 tuổi hỏi, “bố ơi, sao các chú lại khóc?”.

1. Chỉ một vài giây nữa thôi, hiệp phụ sẽ kết thúc. U23 Việt Nam gục ngã ngay trước ngưỡng cửa thiên đường, khiến cho những người hùng áo đỏ không cầm được nước mắt.

“Bố ơi, cô cũng khóc kìa”, con gái nhìn tôi với cặp mắt ngây thơ của một đứa trẻ chưa hiểu chuyện, khi ống kính truyền hình quay hình ảnh một nữ cổ động viên với lá cờ tổ quốc đang khóc trên khán đài. Ánh mắt ấy khiến tôi không thể cầm được nước mắt.

Con bé khóc theo. Đúng một tuần nữa, nó sẽ tròn 3 tuổi, và đã luôn được theo dõi các trận đấu của U23 Việt Nam, ở giải U23 châu Á.

“Việt Nam, cố lên!”, con bé nhìn màn hình TV và liên tục hét liên. Con gái tôi quá nhỏ để có thể hiểu, trận chung kết đã kết thúc, và điều kỳ diệu đã không đến một lần nữa.

Mấy hôm nay, thỉnh thoảng con bé lại đến bên tôi, thủ thỉ: “Bố ơi, Việt Nam vô địch! Bố cho con đi Việt Nam vô địch nha!”. Hôm U23 Việt Nam thắng U23 Qatar ở bán kết, con bé được ông bà dẫn đi siêu thị. Nhìn dòng người đi bão, nó bảo “đi Việt Nam vô địch”. Nghe ông bà kể lại, từ siêu thị ra đường, nó mãi hét “Việt Nam vô địch”.

2. Tôi chưa thể giải thích cho con bé hiểu, dù thất bại nhưng U23 Việt Nam đã cống hiến những điều to lớn như thế nào.

U23 Việt Nam đã đánh thức niềm tự hào dân tộc trong 95 triệu người Việt Nam.

U23 Việt Nam đến vòng chung kết U23 châu Á trong bối cảnh chỉ bị xem là kẻ lót đường. Nhưng các chàng trai của huấn luyện viên Park Hang Seo đã tạo nên những cơn địa chấn, khiến truyền thông châu lục choáng váng. Nhiều nền bóng đá còn xem U23 Việt Nam như một tấm gương để học hỏi – ít nhất là về mặt tinh thần.

Vượt qua vòng bảng là một thành công vượt bậc. Đánh bại U23 Iraq ở tứ kết là điều kỳ diệu. Hạ U23 Qatar ở bán kết là chuyện thần thoại.

Các chàng trai U23 Việt Nam đã không thể kéo dài câu chuyện thần thoại của mình, khi thua U23 Uzbekistan. Nhưng đó là một trận thua mà các học trò huấn luyện viên Park Hang Seo xứng đáng được khen ngợi về lòng quả cảm.

(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)

Cầu thủ U23 Việt Nam vốn xa lạ với tuyết. Vậy mà họ phải chiến đấu dưới cơn mưa tuyết dày đặc, và mặt sân gần như đóng băng.

Đã vậy, U23 Việt Nam còn chịu bất lợi lớn từ phía ban tổ chức: quả bóng chưa đủ màu tối để đá trên tuyết (phải là bóng đỏ). Mang những đôi giày lạ lẫm, đá dưới mưa tuyết trước đối thủ vốn sinh ra đã quen với cái lạnh dưới 0 độ C, U23 Việt Nam bất lợi đủ đường. Chưa kể, cả hiệp 1 đối thủ như những kẻ tàng hình, khi mặc trang phục trắng.

Thêm nữa, trong một tuần, các chàng trai U23 Việt Nam phải đá 3 trận 120 phút, trước các đối thủ vượt trội về thể trạng và thể lực.

U23 Việt Nam vượt qua được giới hạn về tinh thần chiến đấu, nhưng cơ thể người thì có ngưỡng thể lực. Chính cái ngưỡng này khiến các chàng trai áo đỏ sụp đổ vào những giây cuối hiệp phụ thứ hai.

3. “Việt Nam vô địch!”, con gái nhỏ của tôi vừa đi vừa hát.

Phải, “Việt Nam vô địch!”, tôi nói với con gái. Trong mắt tôi, và hàng triệu người Việt Nam khác, đội tuyển U23 là những người hùng, những nhà vô địch thực sự. Sau này, tôi sẽ nói với con gái: “Con từng chứng kiến một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của bóng đá Việt Nam, và tinh thần Việt Nam”.

Hãy vững tin vào thế hệ trẻ, niềm vui sẽ đến. (Ảnh: Lê Minh Sơn)
Hãy vững tin vào thế hệ trẻ, niềm vui sẽ đến. (Ảnh: Lê Minh Sơn)

“Để trở thành một nhà vô địch, bạn không đơn thuần là phải giành cho được chiếc Cúp”, tôi từng đọc ở đâu đó như vậy. Nhà vô địch thực sự là những người mà tinh thần chiến đấu làm lay động trái tim của cả đất nước, làm khơi dậy niềm tự hào, lòng yêu nước của cả dân tộc.

Trong hơn 20 năm theo dõi bóng đá, tôi chưa bao giờ chứng kiến một sự kiện như lần này, khi cả đất nước như dừng hẳn mọi việc riêng lại, để được trải qua những giờ phút nghẹt thở cùng các cầu thủ thân yêu, và thể hiện tinh thần yêu nước.

Cảm ơn U23 Việt Nam! Cảm ơn các chàng người hùng! Cảm ơn huấn luyện viên Park Hang Seo! Và, cảm ơn khi tôi được làm người Việt Nam!

Bài học từ U23

1. Làm hết sức mình và không đổ lỗi hoàn cảnh. Chưa giải nào lắm nghịch cảnh như năm nay. Nào trọng tài. Nào thời tiết.

Nhưng hãy nhìn thái độ của anh em trên sân. Penalty oan uổng, trình bày không được. OK. Đá mà không biểu lộ bất cứ sự ấm ức nào. Phối hợp chắc chắn bình tĩnh, dứt điểm lạnh lùng. Rồi thắng bắt tay trọng tài đàng hoàng.

2. Chắt chiu từ những việc nhỏ nhất. Đó là đôi tay Văn Thanh, Xuân Trường dọn tuyết để tạo điều kiện tốt nhất cho Quang Hải lập công. Là hành động chạy vào lấy áo cho anh em chuẩn bị đá pen của Xuân Trường.

Đồng đội dọn tuyết để Quang Hải ghi bàn

Chưa bao giờ, xem bóng đá Việt Nam mà cảm giác đó là một đội gắn kết và mạnh mẽ, nhân văn mà nhiều cảm xúc đến thế. Nó xây thành từ những việc tưởng chừng nhỏ bé như trên.

3. “Không việc gì phải cúi đầu khi mình đã cố gắng hết sức”. Ông Park đã nhắc đi nhắc lại câu này dặn cầu thủ đang buồn. Và hôm nay, khán giả cũng đã tưởng thưởng anh em với màn chào đón đội vừa thua chung kết trở về lớn hơn cả đội thắng. Bởi kết quả một phần, phần lớn, người hâm mộ biết đội tuyển đã nỗ lực như nào.

4. Hoàn cảnh khó không bao giờ là lý do để từ bỏ. Đôi tay Bùi Tiến Dũng đã từng bắt những viên gạch khi anh làm phu hồ. Đôi tay ấy đã lau nước mắt mẹ khi trung tâm tập luyện bị giải thể, hai anh em bị bơ vơ. Và đôi bàn tay ấy đã làm nên lịch sử!

(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)