Bộ trưởng Trần Hồng Hà

ttxvnonhie-1518410878-76.jpg

Một trong những điểm nhấn nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2017 là tập trung triển khai nhiều giải pháp cho phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là những ưu tiên trọng tâm của ngành trong năm 2018.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, rào cản để ngành tài nguyên và môi trường thực sự phát huy sức mạnh tập thể, thực hiện các mục tiêu của Chính phủ, để góp phần chuyển biến môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả.

Nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã dành thời gian chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của mình trước những vấn đề còn tồn tại, cũng như lộ trình quản lý phát triển ngành trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định năm 2018 sẽ tập trung Khắc phục tình trạng quản lý môi trường “trên nóng dưới lạnh.” (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định năm 2018 sẽ tập trung Khắc phục tình trạng quản lý môi trường “trên nóng dưới lạnh.” (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chuyển hóa thách thức thành cơ hội

– Thưa Bộ trưởng, trong năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dành nhiều ưu tiên trọng tâm cho vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, xin ông cho biết những kết quả đã đạt được trong năm qua?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Với những mục tiêu ngay từ đầu đã xác định, 2017 là một năm chúng tôi dành trọng tâm cho công việc kiểm soát và quản lý các vấn đề môi trường trên cả nước đồng thời chủ động triển khai các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý sử dụng hợp lý tài nguyên.

Năm 2017 cũng là một năm ngành tập trung thực hiện các mục tiêu của Chính phủ đặt ra, đó là tăng cường kỷ cương, đổi mới sáng tạo và hướng về các địa phương, cơ sở. Trong đó đã tập trung vào nhiệm vụ cải cách các thủ tục hành chính, đặc biệt là lĩnh vực đất đai (đã cải cách đến 40-50% về thời gian thực hiện các thủ tục).

‘2017 là một năm chúng tôi dành trọng tâm cho công việc kiểm soát và quản lý các vấn đề môi trường trên cả nước’

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chủ động rà soát, báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Quyết tâm đặt mục tiêu cắt giảm trên 50% các điều kiện kinh doanh đó thông qua việc điều chỉnh các cơ chế chính sách, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong năm qua, chúng ta cũng đã chứng kiến các hoạt động hết sức quan trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến công tác ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long, với sự tham gia của đông đảo người dân, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đối tác trong nước và quốc tế.

Kết quả Hội nghị đã mở ra một định hướng mới, đó là ban hành Nghị quyết 120, trong đó xác định được các quản điểm, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể để chuyển hóa thách thức thành cơ hội, chuyển hóa đồng bằng từ thách thức rất lớn trước biến đổi khí hậu thành một đồng bằng có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, ngành tài nguyên và môi trường cũng đã tập trung vào việc giải quyết các vấn đề môi trường tồn tại từ trước. Ngành đã thực hiện khá thành công khi đưa các doanh nghiệp từ có nguy cơ gây ra sự cố môi trường cao để khắc phục các tồn tại, đầu tư các công nghệ bảo vệ môi trương, đi vào sản xuất mang lại hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội như Formosa, Lee & Man…

Ngoài ra, Bộ cũng đã tổ chức sơ kết, tổng kết 3 Nghị quyết quan trọng liên quan đến vấn đề kinh tế biển, chính sách pháp luật đất đai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Bộ đã trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi và bổ sung hai bộ luật đó là luật về đất đai và luật về bảo vệ môi trường…

‘Kết quả Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đã mở ra một định hướng mới, đó là ban hành Nghị quyết 120’

– Như Bộ trưởng vừa nói là, trong năm 2017, chúng ta đã ban hành được Nghị quyết 120 về thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, để triển khai được nghị quyết này cần nguồn lực tài chính và kỹ thuật rất lớn, về việc này Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ huy động nguồn lực như thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Có lẽ điều hết sức quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là chúng ta cần có một cách tiếp cận mới trên cơ sở Nghị quyết 120. Đặc biệt là phải rà soát điều chỉnh lại toàn bộ các quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực này.

Nội dung thứ hai là làm thế nào để quy hoạch đi vào thực tế. Việc đổi mới toàn bộ cơ cấu kinh tế sản xuất của vùng phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu theo quy hoạch thì nó sẽ có nguồn vào từ nhà nước, đầu tư từ xã hội, và từ doanh nghiệp.

Người dân làm muối ở tỉnh Bạc Liêu lao đao vì hạn hán
Người dân làm muối ở tỉnh Bạc Liêu lao đao vì hạn hán

Bên cạnh đó, có một số vấn đề mang tính chất thiết yếu mà có thể nói nhà nước phải chịu trách nhiệm như đầu tư liên quan đến hạ tầng thủy lợi, một số hệ thống để đảm bảo phòng chống thiên tai. Hiện nhà nước đang huy động một số nguồn từ quốc tế như Ngân hàng Thế giới… Tuy nhiên, nguồn lực này có thể nói là còn rất hạn chế.

Trong thời gian tới, khi các quy hoạch đã rõ ràng thì các vấn đề về thích ứng với biến đổi khí hậu cần phải đi đôi với nhiệm vụ phát triển sản xuất, tạo ra cơ chế thu hút các khối doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Cùng với đó, trong Nghị quyết 120, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục xem xét dựa trên khả năng cân đối của trần nợ công để ưu tiên huy động các nguồn tài chính cần thiết để đầu tư những hạ tầng thiết yếu, đảm bảo chuyển đổi một cách đồng bộ hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.

‘Các vấn đề về thích ứng với biến đổi khí hậu cần phải đi đôi với nhiệm vụ phát triển sản xuất’

– Như vậy để triển khai Nghị quyết 120, chúng ta đã thay đổi cả tư duy, trước đây là ứng phó với biến đổi khí khậu và giờ là thích ứng, tận dụng cơ hội để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đúng vậy. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng chịu ảnh hưởng hết sức nhạy cảm trước biến đổi khí hậu không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Nếu chúng ta đã tìm ra được hướng đi, hay mô hình thích ứng, hay nói cách khác là trước đây ta chống thì nay chủ động sống chung với nước, với hạn, biến thách thức thành cơ hội để tập trung khai thác các tiềm năng từ nước ngọt, nước mặn trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ.

Căn bản là chúng ta xác định sống chung để đảm bảo tính bền vững lâu dài trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, tránh những ảnh hưởng kép, ảnh hưởng tới tính bền vững của vùng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, tình hình chung về môi trường trong năm 2017 chưa có nhiều chuyển biến, nhưng cách quản lý đã có chuyển biến. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, tình hình chung về môi trường trong năm 2017 chưa có nhiều chuyển biến, nhưng cách quản lý đã có chuyển biến. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Khắc phục quản lý môi trường “trên nóng dưới lạnh”

– Đánh giá về “bức tranh môi trường” trong năm qua, nhiều người cho rằng 2017 là một năm có nhiều chuyển biến về môi trường, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về ý kiến này. Và, thực tế năm 2017 môi trường đã chuyển biến như thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thực ra còn rất chủ quan nếu nói năm 2017 có chuyển biến về môi trường. Tình hình chung về môi trường thì chưa có nhiều chuyển biến, nhưng cách xử lý, quản lý môi trường đã có chuyển biến. Đó là chúng ta đã chuyển biến từ còn hết sức lúng túng và bị động sang chủ động hơn.

Hiện tại chúng ta đang chuẩn bị nền tảng hết sức quan trọng, đó là chuẩn bị chuyển biến mang tính đột phá trong cơ chế chính sách để bảo vệ môi trường dựa trên nguyên tắc lấy phòng ngừa, ngăn chặn làm chính. Đó là quản lý môi trường phải ngay từ đầu đường ống, chứ không phải ở cuối đường ống.

– Chính phủ đã xác định là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, trong năm 2017 cũng đã có nhiều giải pháp, quyết sách được triển khai hiệu quả, tuy nhiên cũng phải thừa nhận là có một bộ phận cán bộ quản lý giám sát về môi trường đặc biệt là ở địa phương còn vô cảm trước các vấn đề môi trường mà chúng ta vẫn hay gọi là “trên nóng, dưới lạnh.” Vậy ngành tài nguyên và môi trường sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đúng là ngành tài nguyên và môi trường còn đang tồn tại tình trạng đó. Một phần được lý giải là do nhận thức, một phần lý do khách quan là do năng lực, nhưng nguyên nhân chủ quan là do thiếu trách nhiệm.

‘Đúng là ngành tài nguyên và môi trường vẫn đang tồn tại tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’

Để giải quyết thực trạng trên, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản, luật, trong đó làm rõ hơn trách nhiệm của từng cấp từng ngành đồng thời chúng tôi cũng sẽ làm rõ các công cụ quản lý, như vấn đề đánh giá môi trường nó phải chặt chẽ hơn, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ có ô nhiễm cao.

Hiện tại, chúng tôi cũng đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xây dựng một bộ tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện môi trường của từng địa phương, từng cơ quan đơn vị. Như ở ngành tài nguyên và môi trường, sắp tới chúng tôi sẽ có môi quan hệ điều hành chặt chẽ hơn để giải quyết các vấn đề môi trường.

Một dòng sông bị ô nhiễm ở tỉnh Hà Nam. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Một dòng sông bị ô nhiễm ở tỉnh Hà Nam. (Nguồn ảnh: TTXVN)

– Có thể nói công tác phòng ngừa, kiểm soát vấn đề ô nhiễm trong thời gian qua đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm, nhất là các sự cố như Formosa, Lee & Man. Từ những bài học này, xin Bộ trưởng cho biết, trong năm 2018, Bộ sẽ tiếp tục có các giải pháp gì cho việc kiểm soát, phòng ngừa các sự cố môi trường?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Vấn đề này tôi cũng đã nhắc lại rất nhiều lần, đó là bước sang một giai đoạn cần phải đổi mới trong mô hình phát triển, đổi mới nhận thức về bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự phát triển và mối quan hệ hài hòa thì môi trường cần phải tiếp cận theo một quan điểm mới.

Đó là tiếp cận theo tinh thần xây dựng một nền kinh tế xanh. Có nghĩa là, môi trường cũng phải bắt đầu từ chủ trương, chương trình. Đã phải đầu tư thì phải tính đến đầu tư công nghệ sản xuất, công nghệ giám sát bảo vệ môi trường. Hay nói cách khác là phải lấy phòng ngừa, ngăn chặn làm chính. Tức là phải quản lý môi trường ngay từ đầu khi dự án bước vào sản xuất, kiểm soát ngay từ đầu đường ống.

‘Bảo vệ môi trường phải lấy phòng ngừa, ngăn chặn làm chính. Tức là phải quản lý môi trường ngay từ đầu khi dự án bước vào sản xuất, kiểm soát ngay từ đầu đường ống’

Nhiệm vụ trước mắt là phải phân loại các loại hình sản xuất có nguy cơ ô nhiễm, có công nghệ lạc hậu thì phải đưa vào danh sách để kiểm soát đặc biệt bằng cả biện pháp hành chính, biện pháp kinh tế, kỹ thuật. Và tốt nhất là với các loại hình công nghiệp ô nhiễm thì không đầu tư.

Đồng thời, chúng ta cũng cần phải tạo điều kiện, khuyến khích để các ngành công nghiệp thân thiện môi trường sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái tạo sử dụng tài nguyên…

Kinh tế hóa ngành tài nguyên phải đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên. (Video: Hùng Võ/Vietnam+)

– Quan trắc tự động là một giải pháp hết sức quan trọng, Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu là năm 2017 cơ bản hoàn thành, tuy nhiên hiện nay một số địa phương vẫn triển khai khá chậm chạp. Vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đôn đốc các địa phương thế nào, để chuyển hóa chủ trương này thành hành động?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bên cạnh biện pháp kỹ thuật, tức là tăng cường việc giám sát môi trường đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao, hay là công nghệ lạc hậu thì cần phải tiến hành đồng bộ rất nhiều giải pháp. Trong đó có biện pháp thiết bị để quan trắc tự động, giám sát môi trường trực tiếp.

Giải pháp quan trắc tự động này nên tập trung vào các khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp có lượng nước thải và khí thải lớn. Hiện nay, theo lộ trình thì Trung ương cũng như địa phương đang tiến hành thanh-kiểm tra, để tập trung vào các khu công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Tôi tin là, trong lộ trình từ năm 2018-2019, hệ thống quan trắc tự động đối với các khu vực có nguy cơ như vậy sẽ được xác lập.

Cải cách hành chính, đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên

Có thể nói, cải cách hành chính là một dấu ấn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2017, vậy tới đây trong năm 2018, Bộ trưởng sẽ tiếp tục chỉ đạo cải cách thế nào để đảm bảo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực khoáng sản và đất đai?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Như tôi đã chia sẻ ở trên, cải cách hành chính là vấn đề trọng tâm trong tất cả các lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2018. Trong 2 lĩnh vực đất đai và khoáng sản, thì lĩnh vực đất đai trong năm 2017 đã tạo được một số kết quả bước đầu trong việc ban hành Nghị định 01 của Chính phủ.

‘Cải cách hành chính là vấn đề trọng tâm trong tất cả các lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2018’

Năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các điều kiện kinh doanh không cần thiết để tiến hành cắt giảm ngay trong quá trình hoàn thiện Luật Đất đai. Đồng thời tập trung xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng năng lực của các cơ quan cung cấp thủ tục hành chính cho người dân.

Đối với lĩnh vực khoáng sản, chúng tôi cho rằng việc tổ chức để điều tra, thăm giò sự tham gia của tư nhân ngay từ đầu và tiến hành các quy trình thủ tục một cách rõ ràng. Đồng thời đấu giá khoáng sản để lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực.

Kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường. (Nguồn ảnh: TTXVN)

– Một vấn đề khác là kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường đã từng là một chủ trương lớn, tuy nhiên khi thực hiện cũng có một số bất cập. Được biết, trong năm 2017, ngành đã kinh tế hóa tài nguyên nước và đạt được một số kết quả. Vậy trong năm 2018, những nguồn tài nguyên khác sẽ được thực hiện kinh tế hóa ra sao?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thực tế là các lĩnh vực mà ngành tài nguyên và môi trường đang quản lý như đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước…là nguồn lực rất lớn cho nhà nước. Vì thế, khái niệm kinh tế hóa ngành trên thực tế triển khai các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, luật hiện hành thì chúng ta đang thực hiện rất tốt.

‘Chúng ta không chỉ khai thác, kinh tế hóa, mà phải đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên để đi đôi với khai thác là bảo vệ phát triển’

Nguồn lực đóng góp từ kinh tế đất đai, tài nguyên trong thời gian qua là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, khái niệm kinh tế hóa không phải là tận thu cạn kiệt các nguồn lực đó, mà chúng ta cần phải có quy hoạch để nâng cao hiệu quả, phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Ngoài ra, quá trình kinh tế hóa tài nguyên phải dựa trên lợi ích của các bên liên quan, đồng thời phải cân đối được rằng nguồn lực tài nguyên đó không chỉ cho thế hệ hôm nay mà phải đảm bảo cho các thế hệ phát triển trong tương lai. Chúng ta không chỉ khai thác, kinh tế hóa mà phải đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên để đi đôi với khai thác là bảo vệ phát triển./.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!