Phim lấy bối cảnh xưa

Dù chỉ là những đường nét “điểm xuyết” trong bức tranh toàn cảnh phim truyền hình Việt (với gam màu chủ đạo là các tác phẩm mua bản quyền nước ngoài hay khai thác đời sống đô thị hiện đại với giấc mơ nhà lầu, xe hơi…) thì những bộ phim khai thác bối cảnh xưa vẫn có sức hút riêng, tạo thành một dòng chảy khác biệt. [“Bối cảnh xưa” đề cập trong bài viết được giới hạn là khoảng thập niên 70, 80 của thế kỷ 20 trở về trước – PV].

Cũ nhưng không nhàm

Từ khoảng nửa cuối năm 2017 đến nay, những bộ phim như “Thương nhớ ở ai,” “Mộng phù hoa,” “Duyên định kim tiền” hay “Cô Thắm về làng” – phần ba”… thu hút được chú ý đặc biệt của khán giả.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm thuộc dòng phim khai thác bối cảnh xưa sẽ tiếp tục được “trình làng” trong thời gian tới. Đạo diễn Phương Điền (ở phía Nam) cho biết, bộ phim “Giông bão” (chuyển thể từ kịch bản nổi tiếng “Lôi vũ”) đang trong quá trình ghi hình. Mặc dù kịch bản gốc do tác giả Tào Ngu – người được ví là Shakespeare của Trung Quốc sáng tác nhưng “Giông bão” được đã Việt hóa, để chuyện phim trở thành câu chuyện của đời sống người Việt.

Phim lấy bối cảnh miền Tây những năm đầu thế kỷ 20. Gia đình một ông bà hội đồng có hai người con trai – cậu Hai và cậu Ba. Cậu Hai không có khả năng sinh cháu “nối dõi tông đường” nên đứng trước nguy cơ mất hết quyền lực, tài sản vào tay vợ chồng cậu Ba.

Mợ Hai vì sợ mất vị thế trong gia đình nên luôn tìm mọi cách để có con. Cao trào của câu chuyện là khi mợ Hai tìm cách khiến mợ Ba mất đứa con trong bụng; đồng thời ép một người giúp việc nam quan hệ với mình để có con nhằm qua mặt nhà chồng. Từ đây, bi kịch được đẩy lên đỉnh điểm.

Hai nhân vật Nương và Đột của “Thương nhớ ở ai.” (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)
Hai nhân vật Nương và Đột của “Thương nhớ ở ai.” (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)

Bên cạnh đó, đạo diễn Lưu Trọng Ninh (ở phía Bắc) cũng đang có một cuộc chơi táo bạo và có phần “liều lĩnh” khi đảm nhận vai trò tổng đạo diễn của cả hai dự án điện ảnh và truyền hình chuyển thể từ kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du khai thác bối xã hội cảnh thời phong kiến.

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, phim truyền hình Việt đang có xu hướng tìm về quá khứ hay dòng phim xưa đang “lên ngôi.” “Tôi cho rằng, thực tế không hẳn là như vậy bởi, không phải đến bây giờ, những bộ phim truyền hình khai thác bối cảnh xưa mới xuất hiện. Từ nhiều năm trước, những bộ phim kiểu này (như “Trò đời,” “Lều chõng,” “Đất và người” hay “Ma làng”…) đã nhận được phản hồi tích cực từ cả khán giả và giới chuyên môn,” đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình – Đài Truyền hình Việt Nam bày tỏ.

Từ đây, câu chuyện đặt ra là, điều gì đã làm nên sự khác biệt và tạo nên sức hút của những bộ phim này?

Sau cùng vẫn là những phận người

Có thể nói, những bộ phim xưa mang đến cho người xem những cảm xúc sâu lắng, lắng đọng nhiều suy ngẫm về cuộc sống, phận người (đặc biệt là thân phận người phụ nữ trong những bối cảnh xã hội khác nhau). Điều này thể hiện khá sắc nét qua hai bộ phim đang tạo được sức hút lớn trong thời gian gần đây: “Thương nhớ ở ai” và “Mộng phù hoa.”

Những bộ phim xưa mang đến cho người xem những cảm xúc sâu lắng và nhiều suy ngẫm về cuộc sống, phận người.

“Thương nhớ ở ai” lấy bối cảnh là một làng quê Bắc Bộ nghèo khó trong giai đoạn 1954-1975 với những người nông dân lam lũ, “một nắng hai sương.”

Trải qua hai cuộc chiến, làng Đông trở nên vắng bóng đàn ông. Ở đó chỉ còn những người đàn bà góa bụa ngày ngày tụ tập nơi bến nước đầu làng.

Không chỉ chịu nỗi đau mất người thân, những người phụ nữ ấy còn bị trói buộc, giam cầm bởi những định kiến lạc hậu, hủ tục hà khắc. Thông qua hình tượng những nhân vật nữ (như Nhân, Hơn, Hạnh…), êkíp làm phim khắc họa thân phận, cuộc sống chồng chất bi kịch của những người phụ nữ nông thôn Việt Nam giai đoạn này.

Cảnh phim “Thương nhớ ở ai.” (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)
Cảnh phim “Thương nhớ ở ai.” (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)

Những khát khao hạnh phúc cá nhân phải chôn chặt trong lòng, những ước vọng bị đè nén, những giọt nước mắt lặn sâu vào trong… Cuộc sống của họ là sự nối dài, xếp chồng những bi kịch.

Trong khi đó, “Mộng phù hoa” lấy bối cảnh Sài Gòn và các tỉnh miền Tây trong những năm 1930-1940. Từ câu chuyện về thân phận của những người phụ nữ xưa ở các đô thị miền Nam, “Mộng phù hoa” làm nổi bật sự đối lập giữa cuộc sống bần hàn, cơ cực của những người lao động với lối sống xa hoa, trụy lạc của giới công tử, điền chủ.

Nhân vật chính của “Mộng phù hoa” là Greta Trang (hay còn gọi là cô Ba Trang) – người phụ nữ có nhan sắc bậc nhất Sài Gòn xưa. Năm 10 tuổi, cô chứng kiến cái chết tức tưởi của cha vì nghi ngờ mẹ ngoại tình. Liền ngay sau đó, bà nội cô đột tử do quá sốc trước cái chết của con trai. Hai áo quan đưa ra nghĩa địa trong một ngày mưa tầm tã mở đầu cho chuỗi dài bi kịch trong cuộc đời nổi trôi, phiêu dạt của cô. Từ một cô gái trong trắng, chịu thương chịu khó, cô trở thành một kỹ nữ nổi tiếng bậc nhất Nam Kỳ.

Những câu thoại như “U đau đớn thế, sao không khóc cho thỏa lòng?”, “Chúng ta đã đói khổ hết kiếp này sang kiếp khác; vậy tại sao lại căm thù sự sung sướng, sự hạnh phúc của người khác?” “Có lúc tôi tự hỏi, tôi đã yêu bao giờ chưa?” hay “Làng Đông có mấy ai biết yêu, mấy ai được yêu?” (trong “Thương nhớ ở ai”) và “Chị em mình giống như là lục bình… Người ta xài như xài một cục xà bông, chà đến khi nào hết thì thôi” (ở “Mộng phù hoa”) tạo ra những khoảng lặng trong lòng khán giả.

Nữ diễn viên Kim Tuyến đảm nhận vai cô Ba Trang - người phụ nữ có nhan sắc bậc nhất Sài Gòn xưa. trong “Mộng phù hoa.” Các nhân vật được đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, trang phục. (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)
Nữ diễn viên Kim Tuyến đảm nhận vai cô Ba Trang – người phụ nữ có nhan sắc bậc nhất Sài Gòn xưa. trong “Mộng phù hoa.” Các nhân vật được đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, trang phục. (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)

Bên cạnh câu chuyện phim, yếu tố bối cảnh cũng góp phần không nhỏ làm nên thành công của những tác phẩm thuộc dòng phim này.

“Những hình ảnh trong phim ‘Thương nhớ ở ai’ (như áo nâu sồng, chiếc váy đụp hay chiếc cối đá, mái đình làng xưa…) mang đến cho tôi những hoài niệm, gợi lại những ký ức thuở ấu thơ, nhớ về một quãng thời gian dài ông bà, cha mẹ mình đã từng sống như vậy,” bác Nguyễn Văn Tuân (ngõ 464, đường Âu Cơ, Hà Nội) rưng rưng tâm sự.

Còn với những khán giả trẻ tuổi những bộ phim khai thác bối cảnh xưa như “Trò đời,” “Thương nhớ ở ai” hay “Mộng phù hoa” giúp họ hiểu hơn về quá khứ. “Có nhiều thứ tôi cảm thấy rất lạ lẫm. Người phụ nữ ngày xưa khổ quá! Nếu không xem phim, có lẽ, tôi khó có thể hình dung được cảnh cạo đầu, bôi vôi, thả bè trôi sông đối với phụ nữ xưa thế nào. Dẫu biết đó là quá khứ, là câu chuyện của thời cuộc nhưng tôi vẫn không khỏi tự dằn vặt: Tại sao lại có những thời kỳ mà người ta hà khắc, cay nghiệt với nhau đến vậy?,” chị Lê Phương Thảo, ngõ 1 đường Cầu Vồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Vấn đề đầu tiên vẫn là “tiền đâu?”

Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, dòng phim khai thác bối cảnh xưa tạo hiệu ứng tích cực như vậy nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số phim truyền hình sản xuất hàng năm; đồng thời, đôi khi nhiều “hạt sạn” còn hiện hữu khá rõ. “Khán giả yêu quý hơn thì cũng sẽ theo dõi và nhặt sạn kỹ hơn. Đó cũng là điều dễ hiểu. Đôi khi, đó là những hạt sạn nhỏ thôi nhưng cũng gây ảnh hưởng chung tới chất lượng cả bộ phim,” ông Hải nói.

Tuy dòng phim khai thác bối cảnh xưa tạo được hiệu ứng tích cực nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số phim truyền hình sản xuất hàng năm.

Ví dụ, theo dõi “Trò đời,” khán giả sẽ không khó để nhận ra, chiếc ôtô cổ màu đen được sử dụng lặp đi lặp lại trong rất nhiều cảnh phim. Nó được dùng chung để làm phương tiện cho nhiều quý ông, quý bà trong phim. Vừa ở phân cảnh này, chiếc xe được dùng để chở vợ chồng Văn Minh. Sau đó không lâu, vẫn chiếc xe ấy xuất hiện trong cảnh bà Phó Đoan di chuyển trên đường phố…

Bởi vậy, câu hỏi “làm sao để nâng cao cả chất lượng và số lượng những bộ phim thuộc dòng này” vẫn luôn làm đau đầu các nhà sản xuất, đạo diễn. Khúc mắc, khó khăn, vấn đề trở ngại đầu tiên vẫn là “tiền đâu?” (vấn đề kinh phí).

“Mộng phù hoa” lấy bối cảnh Sài Gòn và các tỉnh miền Tây trong những năm 1930-1940. (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)
“Mộng phù hoa” lấy bối cảnh Sài Gòn và các tỉnh miền Tây trong những năm 1930-1940. (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)

Bà Nguyễn Bích Loan – Giám đốc Hãng phim Khang Việt cho biết, mức đầu tư cho những bộ phim khai thác bối cảnh xưa cao hơn nhiều lần so với mức đầu tư cho những bộ phim có bối cảnh đương đại. Phần lớn số tiền được dùng vào việc phục dựng bối cảnh và may trang phục. Đơn cử, mức đầu tư để làm “Mộng phù hoa” cao gấp khoảng ba lần so với những phim khác có bối cảnh hiện đại.

“Với phim xưa thì không thể có cảnh xuất hiện dây diện chằng chịt hay đèn led sáng chói. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa, bêtông hóa bây giờ nhanh quá. Đi đâu cũng thấy đập vào mắt là nhà cao tầng, kể cả là về các vùng nông thôn,” đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết.

Bởi vậy, theo vị đạo diễn này, việc phục dựng bối cảnh rất tốn thời gian, tiền bạc và công sức. “Nếu phục dựng mà không ra được chất thì sẽ làm hỏng cả phim. Phim sẽ rất vô hồn,” đạo diễn của “Thương nhớ ở ai” nói.

Đoàn làm phim “Thương nhớ ở ai” đã phải tiến hành khảo sát, ghi hình ở khoảng 20 ngôi làng khác nhau. Êkíp làm phim đã mất khoảng hai năm để xử lý hậu kỳ, sử dụng kỹ xảo hình ảnh để cắt ghép, kết nối những cảnh quay lại với nhau; từ đó, tạo ra một không gian, bối cảnh hoàn chỉnh để khán giả có thể cảm nhận rõ nét và chân thực nhất không gian làng quê Bắc Bộ trong quá khứ (với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, kho bãi…).

Các đạo diễn cho rằng, việc tìm bối cảnh cho những bộ phim xưa không hề dễ dàng. (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)
Các đạo diễn cho rằng, việc tìm bối cảnh cho những bộ phim xưa không hề dễ dàng. (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp)

Hay như chia sẻ của đạo diễn Quế Ngọc, đoàn làm phim “Mộng phù hoa” đã phải tìm hiểu để phục dựng lại cả một khu phố Hoa ở Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20. Không chỉ có vậy, trang phục sử dụng trong phim cũng đòi hỏi mức đầu tư lớn. Thời kỳ này, cách ăn mặc của người Nam Kỳ có nhiều biến đổi. Âu phục tràn vào và bắt đầu phổ biến. Trong khi đó, một bộ phận người dân (đặc biệt là những người lao động) vẫn giữ phong cách ăn mặc truyền thống.

Nữ đạo diễn cho biết, toàn bộ trang phục của các nhân vật trong “Mộng phù hoa” được may mới hoàn toàn (khoảng 300 bộ). Trong đó, riêng nhân vật nữ chính (cô Ba Trang) có khoảng 50 bộ, kèm theo nhiều phụ kiện như (ô, kính mắt, găng tay, túi xách). Các nhân vật nam (những công tử xung quanh cô Ba Trang) cũng có khoảng 5-10 bộ kèm theo các phụ kiện (tẩu thuốc, gậy batoong…) để tránh sự trùng lặp, tái hiện lối sống xa hoa, trụy lạc của giới công tử, điền chủ xưa.

Trước câu hỏi “Khó khăn là thế, tại sao đạo diễn vẫn kiên trì theo đuổi dòng phim này?”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chỉ cười và bảo: “Đôi khi, nó thuộc về cái ‘tạng’ của mình rồi, không làm thấy bứt rứt không yên! Hơn nữa, nếu ai cũng sợ cái nọ, ngại cái kia thì ai sẽ làm những phần việc ấy đây? Phim ảnh cũng như cuộc đời, nếu cứ trơn tuột đi thì rất… vô vị! Đôi khi, càng khó mình lại càng hăng!”./.