Lính cứu hỏa đón Tết

img0038-1517993667-36.jpg

Tiếng còi cứu hỏa là tín hiệu báo Xuân sang, đón Giao thừa bên lăng phun nước chữa cháy để khi trở về nhà cũng là người xông đất đầu tiên… là chuyện không hiếm gặp của những người chọn nghiệp chữa cháy cứu người.

Với họ, gác lại những giây phút Giao thừa thiêng liêng bên mâm cơm đoàn viên cùng gia đình, cùng đồng đội sẵn sàng đương đầu với “bà hỏa” để bảo vệ người dân vừa là công việc, vừa là niềm tự hào khi đã khoác trên mình bộ áo lính cứu hỏa.

Đón Giao thừa bên… đám cháy

Những ngày cuối cùng của năm Đinh Dậu, khi trên khắp các ngả phố phường đã rộn rã với cờ hoa, những dòng người hối hả hòa cùng nhịp đập của mùa Xuân đang đến cận kề với việc sắm sửa mai vàng, đào thắm… thì vẫn có những người vẫn âm thầm với công việc của mình để bảo vệ sự bình yên của người dân, của Tổ quốc. Trong đó, những người lính cứu hỏa vẫn tất bật với công việc thường nhật, miệt mài kiểm tra các phương tiện cứu hộ, sẵn sàng tác chiến khi tiếng còi báo động vang lên.

Tôi về huyện Thường Tín (Hà Nội) trong cái lạnh tê người. Tiếp khách trong căn phòng nhỏ, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ huyện Thường Tín bảo rằng, đã là lính cứu hỏa, việc dập tắt đám cháy, cứu nạn cứu hộ luôn được đặt lên hàng đầu.

Gần ba mươi năm gắn mình với công việc cứu hỏa, là một trong những người lính và giờ là chỉ huy xuất sắc của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, việc đón Giao thừa cùng anh em đã là chuyện trở nên hết sức bình thường với Quyến.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến chỉnh sửa cây quất đón Tết Mậu Tuất. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Thượng tá Đỗ Anh Quyến chỉnh sửa cây quất đón Tết Mậu Tuất. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Nhớ lại năm đầu tiên của đời lính đón Giao thừa xa nhà (năm 1990), Quyến bảo ở Đội chữa cháy Từ Liêm khi ấy có khoảng gần 20 cán bộ, chiến sỹ. Trong ánh đèn tù mù bởi… tiết kiệm điện, tiếng pháo nổ giòn tan, lời của một bài hát được bật bởi chiếc cassette cũ đã khiến nhiều người ôm nhau khóc… Bởi lẽ, dù gia đình ở Hà Nội, nhưng Quyến và nhiều người lính trẻ đã đón phút Giao thừa xa nhà đầu tiên và những xúc động khó tả bằng lời đã trào ra trên khóe mắt.

Thế rồi lâu dần cũng quen. Có năm, khi đang ăn bữa cơm tất niên cùng đồng đội vào chiều 30 Tết, nghe thông báo có cháy ở Văn Điển (huyện Thanh Trì), Quyến và đồng đội buông đũa, lập tức lên xe tới hiện trường chữa cháy. Gạt những câu chúc tụng trong đầu, trên xe, các phương án tác chiến đã được vạch ra để đẩy lui giặc lửa. Hay chuyện vào năm 2015, vào ngày nghỉ Tết, một vụ tai nạn khiến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ tắc trên 2km và để tới hiện trường thực hiện công tác cứu hộ, những người lính cứu hỏa phải di chuyển bộ trên 2km cũng là chuyện bình thường.

Trong ánh đèn tù mù bởi… tiết kiệm điện, tiếng pháo nổ giòn tan, lời của một bài hát được bật bởi chiếc cassette cũ đã khiến nhiều lính cứu hỏa ôm nhau khóc… Bởi lẽ, dù gia đình ở Hà Nội, nhưng Quyến và nhiều người lính trẻ đã đón phút Giao thừa xa nhà đầu tiên

Trung tá Nguyễn Ngọc Tuấn thì kể rằng, vào ngành từ năm 1993, việc đón Giao thừa ở nhà với anh có lẽ đếm trên đầu… một bàn tay. Không chỉ năm đầu tiên khi cưới vợ, anh đã phải đón Giao thừa xa nhà, Tuấn nhớ như in vào thời điểm vợ anh sinh đứa con thứ hai được hơn 20 ngày thì Tết. Do mới sinh em bé, chị không thể xông xáo như mọi khi để chuẩn bị Tết trong khi anh phải trực ngày cuối cùng của năm. Quất đã mua, mà trong lòng anh rối bời vì chẳng biết có kịp về hay không thì bỗng dưng nhận được thông báo từ đội trưởng cho nghỉ trực sớm. Vội vàng chằng cây quất lên xe, Tuấn trở về nhà thì lúc đó đã là gần thời khắc Giao mùa…

Trong câu chuyện, anh Quyến, anh Tuấn kể rằng, việc chữa cháy trong dịp Tết dù không nhiều, nhưng không phải là không xảy ra khi người dân bất cẩn. Đã từng có lần đơn vị của các anh đã phải chi viện chữa cháy từ 20 giờ ngày 30 tới 4 giờ sáng ngày 1 Tết. Trong những lúc khói lửa mịt mùng chẳng còn ai nhớ được khoảnh khắc Giao thừa khi mà trước mặt chỉ có một mục tiêu duy nhất: Bằng mọi cách diệt “bà hỏa” càng sớm càng tốt để tránh gây thiệt hại về người và của.

Khi đám cháy được khống chế, trở về đơn vị khi trời đã dần sáng, mặt họ ai cũng lấm lem, bụi bẩn. Tắm rửa qua loa, thay vội xong bộ đồ, họ chỉ kịp gửi nhau những lời chúc Tết rồi vội vã về nhà (thậm chí có người phải phi xe máy vài chục km) để sum vầy cùng gia đình…

Một trong những chiến sỹ trẻ nhất của đội, Trung sỹ Đặng Bảo Quý (22 tuổi), bảo rằng anh đã có “hai cái Giao thừa xa nhà.” Lần nào cũng thế, mẹ anh thường gọi điện cho con để hỏi tình hình rồi nhắn nhủ phải đón Giao thừa thật vui cùng đồng đội, không được lơ là quên nhiệm vụ.

Tín hiệu mùa Xuân bằng… còi cứu hỏa

Mỗi người, mỗi nghề có một cách chào mừng mùa Xuân khác nhau. Với lính cứu hỏa, họ có một cách rất… độc đáo mà không phải ai cũng biết.

Trước thời điểm Giao thừa, bao giờ những chiếc xe cứu hỏa cũng được rửa thật sạch sẽ. Các dụng cụ ngoài việc làm sạch còn được kiểm tra tính sẵn sàng khi tác chiến. Tới thời khắc thiêng liêng của đất trời, đội của Quyến sẽ lên xe, nổ máy và kéo còi. Anh bảo, đây là “luật bất thành văn” anh học được từ những người đi trước.

Quyến “thủ” kể về chuẩn bị Tết của lính cứu hỏa.

Với Quyến, tiếng còi hú như báo hiệu mùa Xuân của lính cứu hỏa, nó cũng thể hiện cho việc họ luôn sẵn sàng chiến đấu, cho dù ở bất kỳ thời điểm nào, điều kiện gian khổ nào cũng gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng với đó, tiếng còi cũng giục giã anh em trong đơn vị đoàn kết, xua đi cảm giác thanh vắng, nhớ nhà, người thân…

Cũng theo lời Thượng tá Đỗ Anh Quyến, vào những ngày Tết cổ truyền, lính cứu hỏa thường tổ chức cái Tết đầm ấm cho anh em và mọi thứ chẳng khác nào ở nhà.

Chỉ tay về phía mấy chậu quất cảnh cao tới đầu người để ở ngoài sân, Đỗ Anh Quyến bảo rằng, do công việc bận bịu nên dù người bán quất đã chở cây đến nhưng anh em vẫn chưa kịp “đưa vào vị trí” để trưng bày đón khách. Và, vài hôm nữa sẽ có thêm đào thắm, mai vàng…

Thật ra, việc chuẩn bị đón Tết của người lính quanh năm làm bạn với… lăng phun nước chữa cháy được chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất lâu. Từ ngày 1/1 (dương lịch), Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ huyện Thường Tín đã tổ chức ăn Tết cho gia đình cán bộ chiến sỹ. Đây cũng là dịp để các gia đình ngồi lại với nhau, tăng cường Giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa các thành viên.

Tới gần Tết Nguyên đán, ngoài việc tự tay đi lựa chọn từng cành đào, cây quất tại các “vựa” đào, quất nổi tiếng trong huyện Thường Tín, những người lính cứu hỏa sẽ cùng nhau dọn dẹp từ chuyện tư trang tới bàn làm việc, lau mạng nhện, sàn nhà, quét tước ngoài sân sạch sẽ, trang trí đèn nháy, hoa văn… để đón Xuân.

Ở đơn vị, gần 100% là nam giới nên sẽ không có ai để “nhờ vả” việc bếp núc, đặc biệt vào ngày Tết, nên anh em thường bảo nhau rằng “đã vào lính thì việc nhà phải biết hết.” Thế là, người đi trước truyền lại cho người đi sau, từ việc dọn dẹp gọn gàng cho đến nấu cơm sao cho ngon, quét nhà sao cho sạch…

Những chậu quất được các chàng trai cứu hỏa lựa chọn kỹ lưỡng từ các vườn cây trong huyện Thường Tín. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Những chậu quất được các chàng trai cứu hỏa lựa chọn kỹ lưỡng từ các vườn cây trong huyện Thường Tín. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Theo lịch trực được phân công thì ngày 30 Tết, cả đơn vị sẽ phải có mặt bình thường song các ngày còn lại họ sẽ luân phiên nghỉ nhưng lúc nào cũng bảo đảm ít nhất 2/3 quân số. Bởi thế, 3-4 con lợn được “tăng gia” trong năm đã sẵn sàng được mổ để pha chế đủ món, từ giò lụa, giò xào, chả…

Trong ngày Tết, do “chị nuôi” không có mặt, các cán bộ, chiến sỹ sẽ cùng nhau xuống bếp, tự phân công việc để để cùng làm cơm đón Xuân. Vẫn theo “truyền thống,” những chiếc bánh chưng xanh sẽ được họ tự tay gói lấy. Trước đó, những tàu lá dong xanh mướt được chọn mua rồi rửa sạch, từng sợi lạt được chẻ, gạo và đỗ được vo. Sau khi lợn được “ngả” ra, những bàn tay vốn quen với việc nặng lại bắt đầu “trổ tài” làm đủ thứ món truyền thống, thậm chí cả… cuốn nem – việc mà không phải nam giới nào cũng làm thành thạo.

Trong khi đó, những món đồ khô như miến, măng, bóng bì… đã được các chiến sỹ nhờ mua trước Tết. Một số chiến sỹ thì mang những đặc sản của quê mình tới để chung vui khiến mâm cơm Tết của họ lúc nào cũng đầy đủ và ăm ắp tiếng cười.

Cùng với ẩm thực, các hoạt động vui chơi như Giao lưu văn nghệ cũng được tổ chức, giúp các cán bộ, chiến sỹ được đón Tết vui tươi, đầm ấm như ở nhà.

Nhưng, cho dù ngày Tết vui đến mấy thì người lính cứu hỏa lúc nào cũng tuân thủ nguyên tắc duy trì nghiêm trạng thái ứng trực, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an toàn cho người dân vui Xuân đón Tết.

Chia tay tôi, Thượng tá Đỗ Anh Quyến không quên mời về chung vui mâm cơm Tết Mậu Tuất cùng anh em lính cứu hỏa. Nhìn những gương mặt của những người lính trẻ, nhóm thì kiểm tra xe chữa cháy, nhóm thì đang hồ hởi chuẩn bị cho ngày Tết, khách thấy ấm áp lạ thường. Có lẽ, cái Tết đoàn viên không chỉ là bên gia đình, mà còn là ở bên những người đồng đội đã sát cánh, cùng nhau xông pha trong những trận chiến dẹp “giặc lửa” cứu người. Đó là một tình cảm thiêng liêng và đáng trân quý biết bao…/.

Trong những ngày nghỉ Tết, lính cứu hỏa sẵn sàng xung trận để bảo vệ bình yên cho người dân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong những ngày nghỉ Tết, lính cứu hỏa sẵn sàng xung trận để bảo vệ bình yên cho người dân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)