Chat với Mozart II

1. Sau 7 năm hoạt động thiên về biểu diễn, ngồi “ghế nóng” gameshow và rẽ hướng đào tạo, Mỹ Linh vừa cho ra mắt album “Chat với Mozart II” – sản phẩm phòng thu thứ 6 trong sự nghiệp, cũng chính là dự án tiếp nối 13 năm sau “Chat với Mozart” (2005).

Chỉ tính về năm, hẳn đây là đĩa nhạc được thai nghén trong thời gian lâu nhất của lịch sử nhạc nhẹ Việt Nam đương thời; chưa kể, cùng một concept phổ lời Việt các bản nhạc cổ điển trên nền hòa âm mới, nhưng lần này người viết chính lại là Mỹ Linh chứ không phải nhạc sỹ Dương Thụ, khiến một bộ phận công chúng vẫn luôn chờ mong đĩa nhạc suốt 13 năm qua tỏ ra nghi ngại hơn là kỳ vọng.

Để thấy, tư duy ca khúc của khán giả ngày hôm nay vẫn chú trọng về ca từ hơn là giá trị thanh nhạc trong một sản phẩm. Bên cạnh đó, còn minh chứng đầy thuyết phục thành công của công trình âm nhạc thử nghiệm đầy sáng tạo mới mẻ của 13 năm về trước- “Chat với Mozart” là tổng hòa mười phân vẹn mười từ phần hòa âm đậm chất hiện đại, đến giọng hát và ca từ.

Phải đến khi được nghe trọn vẹn đĩa “Chat với Mozart II” tại phòng thu của nhạc sỹ Anh Quân tại tư gia, ngay trước họp báo ra mắt chính thức album vài ngày, người viết mới trút bỏ được nỗi lo canh cánh. Và liên tiếp ở những lần nghe sau đó, “Chat với Mozart II” thực sự gây bất ngờ và hứng khởi bởi không khí tươi mới từ cách hát đến phối khí.

“Chat với Mozart II” giống như “bài ca tự do” rơi khỏi vòng khuôn khổ cổ điển với nỗ lực tiệm cận mà đĩa nhạc một đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tiên phong của nó 13 năm về trước.

Màu jazz blues dẫn dụ và đưa đẩy người nghe vào miền hoài niệm và những niềm riêng, đặc biệt là dấu ấn cá nhân luôn cầu toàn và kỹ tính của nhạc sỹ Anh Quân thể hiện một cách đậm đặc trong phần hòa âm và kỹ thuật phòng thu khiến âm nhạc của đĩa trở nên đồ sộ và sống động. Xét riêng về chất lượng âm thanh, “Chat với Mozart II” có lẽ là một trong không nhiều đĩa nhạc Việt đương đại sau “Tóc ngắn Acoustic – Một ngày” làm thỏa mãn những đôi tai sành nhạc, đặc biệt là giới chơi âm thanh (audiophile).

Giọng hát như sương mai của Mỹ Anh long lanh bừng sáng trong “Nắng sớm” bên cạnh Mỹ Linh cùng sự góp sức của các cộng sự trong ban nhạc Anh Em như nhạc sỹ Huy Tuấn; Quốc Bình (drum); Thanh Bình (bass, cũng là người phối khí “Đợi những ngày Xuân,” “Khúc nhạc buồn”) và người đồng nghiệp mới – con gái Anna trong việc biên chế và thu live dàn kèn từ Mỹ, đặc biệt là ở ca khúc “Em vẫn thương anh” khiến người viết như thấy lại không khí thanh xuân thời “Tóc ngắn” bởi tinh thần tự do và ngẫu hứng. Cảm tưởng, “Chat với Mozart II” giống như “bài ca tự do” rơi khỏi vòng khuôn khổ cổ điển với nỗ lực tiệm cận mà đĩa nhạc một đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tiên phong của nó 13 năm về trước.

Nói cách khác, thay vì phải “Chat với Mozart” thì ở đĩa nhạc này cặp đôi nghệ sỹ Anh Quân-Mỹ Linh cùng êkíp của họ đang “Chat với… chính mình” – và người nghe như đang được thưởng thức một thứ nhạc cổ điển khác.

Mỹ Linh. (Ảnh: Linh Phạm)
Mỹ Linh. (Ảnh: Linh Phạm)

2. Điều tưởng không mới duy nhất ở đĩa này, như đã nói, chính là phần ca từ do Mỹ Linh viết chính. Từ “Tóc ngắn Acoustic – Một ngày,” khán giả đã được khám phá Mỹ Linh ở vai trò người viết lời ca khúc, với bảy trong số mười bài hát từ chính cảm hứng cuộc sống thường ngày của người vợ, người mẹ chứa chan tình yêu thương dành cho chồng và những đứa con mà nữ ca sỹ này trải qua. Đến “Chat với Mozart II” giọng hát “Tóc ngắn” tiếp tục phổ lời Việt bảy trong số chín ca khúc. Lý giải cho sự mạnh dạn này không gì thuyết phục hơn ngoài chính bởi nhu cầu tự thân Mỹ Linh muốn thổ lộ, tự tin nói lời yêu của người đàn bà đến ngưỡng “chín” về trải nghiệm sống và muốn sống cuộc sống của mình.

Người viết nhiều lần tự hỏi: chẳng lẽ thế giới quan của Mỹ Linh chỉ bấy nhiêu đó, có anh, các con và Đông qua Xuân tới? Nhưng đến “Chat với Mozart II” chợt nhận ra nhân sinh quan của Mỹ Linh đã có bước chuyển từ cảm hứng cái tôi đến cái ta; từ cảm hứng người vợ, người mẹ sang người quan sát và ngợi ca giá trị nhân bản của gia đình và cuộc sống tươi đẹp. Tâm tư gửi “anh” và “những đứa con” chiếm trọn ở “Một ngày” nay còn có “lũ trẻ thơ,” “cô em mới cưới,” “nơi xa,” “mỗi nếp nhà,” có “người thương nghỉ phép,” “người cha già”… Và từ sau những suy tư, lo toan ngược xuôi cho những người yêu thương thì “giờ em biết người đời cần có những tiếng cười,” để “thiết tha hơn, lắng sâu thêm,” để “vẫn mộng chờ đêm xuống hát bài hát của riêng mình.”

Tất nhiên đặt cạnh hai bài hát được nhạc sỹ Dương Thụ phổ lời Việt, khoảng cách của bảy ca khúc còn lại khá xa. Hẳn nhiều người nếu đã quá ấn tượng dấu ấn ca từ trong đĩa một sẽ thầm tiếc. Một số đôi tai khó tính khác cũng sẽ khó lòng thấy thỏa mãn. Nhưng âm nhạc mà chẳng phải để người nghệ sỹ chia sẻ tâm tư và thổ lộ nỗi lòng hay sao, ngay cả khi nó là sở đoản? Sau 13 năm thai nghén và chờ đợi, việc Mỹ Linh muốn hát bằng cách “Chat với chính mình” những bộc bạch, giãi bày cho cuốn nhật ký riêng nghĩ cho cùng cũng không hẳn là ích kỷ.

Teaser ‘Chat với Mozart II’

Cũng chính vì lẽ đó, nghe thật kỹ, điều mà người viết đánh giá cao vẫn là sự mộc mạc, chân thành, bản thiện của Mỹ Linh trong những lời bộc bạch, cùng cách hát thoải mái như hát cho mình thay vì chinh phục những đôi tai đã chờ đợi 13 năm.

Vẫn là những suy tư, thổ lộ thầm kín của người phụ nữ nhưng bớt nôm na, vụn vặt mà trở nên quyết liệt, tích cực và lãng mạn hơn. Mỹ Linh không chỉ hát như kể về tình yêu trong “một thoáng, một giây” hay trong “tiềm thức hay từ nơi nào” mà hát như một người đã và đang yêu “từ muôn ngàn kiếp” bởi “con tạo xoay vần” từ “duyên nợ và phận số” để rồi nhận ra “lúc đôi bàn chân muốn tìm chốn nghỉ ngơi… không còn âu lo chẳng còn mang nhiều những ước muốn” chỉ cần “lặng yên lắng nghe mình,” “tìm trong chính mình” để “tận cùng hết những buồn đau sẽ thấy sớm mai yên bình” khiến người nghe đồng cảm với cô.

Đặc biệt, cùng kỹ thuật phòng thu, nâng giọng và hiểu giọng của Anh Quân thì hai ca khúc do Mỹ Linh đặt lời là “Ngay phút giây này” “Sau đôi mắt anh” đã giúp neo lại cho công chúng nghe nhạc hôm nay âm sắc soprano mẫu mực, tuyệt đẹp vào hàng hiếm có của tân nhạc Việt Nam khi vừa khoe những quãng phiêu, mềm mượt “đặc sản” của giọng hát Mỹ Linh vừa “đãi” thêm những nốt trầm êm ái đến tận cùng.

  • dscf5642-1516435188-42.jpg
  • dsc6246cop-1516435266-49.jpg
  • dsc6295cop-1516435306-59.jpg
  • dscf6562-1516435351-32.jpg
  • dscf4788-1516435379-59.jpg
  • copyofdsc-1516435404-82.jpg
  • dscf7629-1516435418-54.jpg
  • dscf6847-1516435431-2.jpg
  • dscf7771-1516435440-25.jpg

3. Những năm gần đây công chúng chứng kiến phong độ của Mỹ Linh “xuống dốc” với tốc độ đáng lo ngại nhất trong bốn diva. Từ những biểu hiện suy suyển về giọng, hát to, trưng trổ, thường xuyên quên lời do thiếu tập trung, đến những trang phục đại khái, kém sang trên nhiều sân khấu biểu diễn.

Vậy điều gì làm nên đẳng cấp của Mỹ Linh suốt 20 năm qua? Câu trả lời chính là bởi Mỹ Linh đã xây dựng thành công cho mình và duy trì suốt 20 năm hình mẫu nghệ sỹ “ba trong một” khi cân bằng được giữa ca sỹ-gia đình–business.

Hình ảnh nữ nghệ sỹ luôn cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, thức thời nhưng cũng truyền thống khiến Mỹ Linh luôn là lựa chọn hàng đầu không chỉ trong các đêm nhạc chất lượng cao mà còn là thương hiệu hút quảng cáo của các nhãn hàng định hướng cho phụ nữ hiện đại chăm lo mái ấm hạnh phúc và là hình ảnh truyền cảm hứng cho các hoạt động cộng đồng.

Vậy điều gì làm nên đẳng cấp của Mỹ Linh suốt 20 năm qua? Câu trả lời chính là bởi Mỹ Linh đã xây dựng thành công cho mình và duy trì suốt 20 năm hình mẫu nghệ sỹ “ba trong một” khi cân bằng được giữa ca sỹ-gia đình–và business.

Ở góc độ ca sỹ, ngoài dấu ấn về giọng, thành công của Mỹ Linh bền và khác nghệ sỹ khác cùng thời còn bởi cô vẫn là nữ ca sỹ duy nhất ở Việt Nam tiên phong trong việc xây dựng một “công nghệ dây chuyền sản xuất” chuyên nghiệp ở Việt Nam khi có riêng một êkíp âm nhạc “trọn gói” bài bản và đặc biệt trung thành từ ban nhạc, phòng thu, đến nhạc sỹ sáng tác (Huy Tuấn và Anh Quân) kiêm nhà sản xuất…

Với sự hậu thuẫn của ban nhạc Anh Em mà linh hồn chính là người bạn đời – nhạc sỹ Anh Quân đã tạo nên bước chuyển đổi quan trọng trong đời sống riêng và trong phong cách riêng của Mỹ Linh. 20 năm hoạt động âm nhạc, cặp đôi này đã lần lượt thực hiện nhiều “phép thử” đặt nền móng cho nhạc nhẹ và làm nên những bước ngoặt trong sự nghiệp: từ tiên phong trong dòng nhạc RnB đến khai phá những chuẩn mực mới như kỹ thuật thu live, phát hành đĩa than, tour 06 cho đến nỗ lực xuất khẩu âm nhạc (Nhật Bản, dù không mấy thành công) đã giúp Mỹ Linh từng bước vươn lên đỉnh diva theo nghĩa người tiên phong, dẫn đường và có tầm ảnh hưởng đến giới làm nghề.

Mỹ Linh. (Ảnh: Linh Phạm)
Mỹ Linh. (Ảnh: Linh Phạm)

Nhìn lại một vệt các sản phẩm phòng thu “Tóc ngắn” (1998), “Made in Vietnam” (2003), “Chat với Mozart” (2005), “Tóc ngắn Acoustic – Một ngày” (2011) và “Chat với Mozart II” còn để thấy dấu ấn sáng tạo và thử nghiệm bền bỉ của Anh Quân trong 20 năm làm nghề. Anh Quân không phải là cái tên làm nên nhiều bất ngờ đột phá với vai trò giám đốc âm nhạc của các live concert. Ngược lại, ở vị trí kỹ sư âm thanh trong phòng thu, Anh Quân luôn là một trong ít lựa chọn hàng đầu đảm bảo về chất lượng cho các concept album Việt Nam hiện nay.

Đâu đó từng nhận định Anh Quân bảo thủ và không có “tính nghệ.” Tôi lại nghĩ trong trường hợp của Anh Quân, bảo thủ chính là điều kiện cần để duy trì được sự nghiêm túc, cầu toàn để sau 20 năm người nhạc sỹ này vẫn kiên định, không bị nao núng và xổi trước những trồi sụt của thị trường. “Tính nghệ” của Anh Quân nằm ở sự say nghề và làm nghề có lý tưởng; ở sự khắc kỷ trong phòng thu; ở thái độ vị kỷ trong quá trình thai nghén từng sản phẩm âm nhạc. Viết đến những dòng này, với đôi chút thần tượng hóa, người viết nhìn thấy Anh Quân đâu đó trong nhân vật kiến trúc sư Howard Roark người luôn giữ niềm đam mê, tinh thần tích cực, luôn tin tưởng mãnh liệt vào tính cá nhân mà anh tôn thờ trong cuốn tiểu thuyết “Suối nguồn” của nữ tác giả người Mỹ Ayn Rand.

Nếu Mỹ Linh dự báo về sự kết thúc, khi nói “Chat với Mozart II” sẽ là sản phẩm phòng thu cuối cùng trong sự nghiệp… thì Anh Quân lại lấp lánh hy vọng về một sự khởi đầu. 

Cùng thai nghén một đĩa nhạc nhưng sau 13 năm, Anh Quân và Mỹ Linh hiện tại lại có hai tâm thế khác nhau. Nếu Mỹ Linh dự báo về sự kết thúc, khi nói “Chat với Mozart II” sẽ là sản phẩm phòng thu cuối cùng trong sự nghiệp… thì Anh Quân lại lấp lánh hy vọng về một sự khởi đầu. “Sở dĩ đĩa nhạc được thai nghén 13 năm bởi tôi phải đợi một sự chín muồi về kỹ thuật phòng thu, nhân lực và năng lực sản xuất, hòa âm phối khí… để cho ra đời một sản phẩm đạt chuẩn.” Mong rằng, từ khởi đầu này, Anh Quân sẽ “bắt tay” với nhiều cái tên khác, sau Mỹ Linh, để nhạc Việt lại tiếp tục được thai nghén những sản phẩm phòng thu chất lượng, mang tính cá nhân và cấp tiến.

Về Mỹ Linh, tôi cũng không mấy tin lời chị nói, rằng “Chat với Mozart II” sẽ là dự án phòng thu cuối cùng. Như nữ ca sỹ này bộc bạch: “Tôi tuổi mèo, cung sư tử, mệnh thủy ở con nước lớn nên số mệnh của tôi là luôn phải vận động chứ không chịu ngồi yên để người khác lo cho mình.”

Hay nói như nhạc sỹ Dương Thụ, một người nhiều năng lượng, nhiều khát vọng, luôn lao động chăm chỉ và giàu bản thiện như Mỹ Linh, thì những đóng góp của cô trong tương lai sẽ không còn giới hạn ở việc hát của một ca sỹ.

Dù ở đỉnh cao nào chăng nữa thì ai cũng sẽ có thời của mình. Anh Quân hay Mỹ Linh cũng vậy. Rất có thể, tới đây, thay vì chinh phục đại chúng, Mỹ Linh nên tập trung vào khán giả trung thành. Và từ dấu ấn cá nhân, Mỹ Linh và Anh Quân, cùng các đồng sự nên chú tâm vào lĩnh vực đào tạo các tài năng âm nhạc trẻ và sản xuất những sản phẩm đạt chuẩn. Đó mới chính là tương lai của nền âm nhạc./.

Bìa album 'Chat với Mozzart II.' (Ảnh: Linh Phạm)
Bìa album ‘Chat với Mozzart II.’ (Ảnh: Linh Phạm)