Trung Quốc

Trung Quốc hiện là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới; giá trị của những công ty sáng tạo Trung Quốc hiện cao hơn nhiều lần so với các đồng nghiệp phương Tây. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đưa ra những chỉ đạo cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo, với mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo AI vào năm 2030.

Tất cả những điều đó cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã có những kế hoạch to lớn cho tương lai của đất nước với tư cách là một cường quốc số thế giới.

Kai-Fu Lee, đồng sáng lập và là CEO của Sinovation Ventures, công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu ở Trung Quốc và Bắc Mỹ cùng với Jonathan Woetzel – đại cổ đông đóng ở Thượng Hải của công ty McKinsey & Company kiêm giám đốc Viện Toàn cầu McKinsey, đã có những nhận định về vai trò dẫn đầu của Trung Quốc trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Bản dịch bài viết của hai chuyên gia này được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Trung Quốc đã xác lập vững chắc vai trò của mình là lãnh đạo toàn cầu về công nghệ số hướng tới người tiêu dùng. Trung Quốc hiện là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% các giao dịch toàn cầu, và đứng trong 3 nước đứng đầu về đầu tư mạo hiểm vào các lĩnh vực xe tự lái, in 3D, người máy, máy bay không người lái, và trí tuệ nhân tạo (AI).

Cứ ba công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 triệu USD thì có một là của Trung Quốc, và các công ty cung cấp dịch vụ đám mây của nước này hiện nắm kỷ lục thế giới về tính hiệu suất của hệ thống máy tính. Trong khi Trung Quốc đang bị thâm hụt về thương mại trong các ngành dịch vụ nói chung, thì nước này mới đây đã đạt được mức thặng dư trong dịch vụ số lên tới 15 tỷ USD mỗi năm.

Cứ ba công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 triệu USD thì có một là của Trung Quốc

Hỗ trợ cho tiến bộ gây ấn tượng của Trung Quốc trong nền kinh tế số là các công ty Internet khổng lồ như Alibaba, Baidu, và Tencent, những công ty đang thương mại hóa các dịch vụ của họ trên một quy mô lớn, và đưa ra các mô hình kinh doanh mới với thế giới. Gộp chung lại, 3 công ty này hàng tháng có từ 500 đến 900 triệu user trong từng lĩnh vực riêng của họ.

CEO của Baidu Lý Ngạn Hoành ký tặng người hâm mộ khi đến dự Hội nghị Chính hiệp Trung Quốc ở Đại lễ đường Nhân dân hồi đầu năm nay (Nguồn: AFP)
CEO của Baidu Lý Ngạn Hoành ký tặng người hâm mộ khi đến dự Hội nghị Chính hiệp Trung Quốc ở Đại lễ đường Nhân dân hồi đầu năm nay (Nguồn: AFP)

Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty này đã được hỗ trợ bởi những quy định rất thoáng, hay có lẽ nói một cách chính xác hơn, là những quy định muộn mằn. Ví dụ, các nhà quản lý công ty chỉ đưa ra giới hạn đối việc chuyển tiền online đúng 11 năm sau khi Alipay cung cấp dịch vụ này.

Hiện tại, các công ty Internet này đang sử dụng vị trí của họ để đầu tư vào hệ sinh thái số – và vào đội ngũ ngày càng tăng các nhà khởi nghiệp ngoan cường đang làm công việc xác định hệ sinh thái số này. Alibaba, Baidu, và Tencent cùng nhau hiện tài trợ cho 30% những start-up hàng đầu của Trung Quốc, như Didi Chuxing (có doanh số 50 tỷ USD), Meituan-Dianping (30 tỷ USD), và JD.com (56 tỷ USD).

Với thị trường nội địa lớn nhất thế giới và nhận được những đầu tư lớn, các doanh nghiệp chuyên “sao chép” trước đây của Trung Quốc giờ đây đã biến thành những nhà máy điện sáng tạo.

Các doanh nghiệp này chiến đấu như những đấu sỹ trên thị trường cạnh tranh nhất thế giới, học cách phát triển những mô hình kinh doanh tinh vi (như mô hình freemium của công ty Taobao – một mô hình kinh doanh hoạt động dựa trên nguyên lý miễn phí các dịch vụ cơ bản để có được nhiều khách hàng, sau đó sẽ thu phí đối với các tính năng cao cấp), và xây các đường hào vững chắc không thể đột nhập để bảo vệ công việc kinh doanh của họ (ví dụ như Công ty Meituan-Dianping đã tạo ra một ứng dụng cung cấp thực phẩm từ khâu đầu đến khâu cuối, kể cả khâu giao hàng).

Tỷ phú công nghệ Jack Ma là nhà tiên phong trong lĩnh vực internet tại Trung Quốc (Nguồn: TTXVN)
Tỷ phú công nghệ Jack Ma là nhà tiên phong trong lĩnh vực internet tại Trung Quốc (Nguồn: TTXVN)

Kết quả là giá trị của những công ty sáng tạo Trung Quốc hiện cao hơn nhiều lần so với các đồng nghiệp phương Tây của họ. Ngoài ra, Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới trong một số lĩnh vực, từ truyền hình trực tiếp (một ví dụ là Musical.ly, một ứng dụng hát nhép và chia sẻ video) tới dịch vụ xe đạp công cộng (Mobike và Ofo hiện có hơn 50 triệu khách hàng mỗi ngày ở Trung Quốc, và hiện đang mở rộng công việc kinh doanh ra nước ngoài).

Điều quan trọng nhất là Trung Quốc hiện đang đi đầu trong lĩnh vực thanh toán di động, với hơn 600 triệu người Trung Quốc sử dụng thanh toán di động có thể thực hiện các giao dịch ngang hàng với gần như không mất phí. Cơ sở hạ tầng thanh toán di động của Trung Quốc – hiện đã xử lý nhiều giao dịch hơn thị trường thanh toán di động bên thứ ba của Mỹ – sẽ trở thành một nền tảng cho nhiều sáng tạo khác.

Các doanh nghiệp chuyên “sao chép” trước đây của Trung Quốc giờ đây đã biến thành những nhà máy điện sáng tạo

Với việc các công ty Trung Quốc ngày càng có khả năng về kỹ thuật, lợi thế về thị trường của nước này đang chuyển hóa thành một lợi thế về dữ liệu – điều có ý nghĩa then chốt cho việc hỗ trợ việc phát triển AI (trí tuệ nhân tạo).

Ứng dụng Vỗ tay hưởng ứng bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Trung Quốc mới đây (Nguồn: AFP)
Ứng dụng Vỗ tay hưởng ứng bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Trung Quốc mới đây (Nguồn: AFP)

Công ty Trung Quốc Face++ mới đây đã huy động được 460 triệu USD, số tiền lớn nhất cho một công ty trong lĩnh vực AI. DJI (công ty sản xuất máy bay không người lái phục vụ tiêu dùng trị giá 14 tỷ USD), và Hikvision (công ty chuyên về do thám bằng video trị giá 50 tỷ USD) hiện là những công ty có giá trị nhất trên thế giới trong các lĩnh vực riêng của họ.

Một xu hướng đang phát triển quan trọng khác là Trung Quốc hiện đang trong xu hướng “sáp nhập online với offline” (OMO) – một xu hướng mà công ty Sinovation Ventures hiện đang đặt cọc vào cùng với AI. Thế giới vật chất đang trở thành số hóa, với việc các công ty phát hiện vị trí, việc di chuyển, và nhận dạng của từng cá nhân, và tiếp đó chuyển tải những dữ liệu để nó có thể giúp định hình những kinh nghiệm online.

Ví dụ, các kho dữ liệu OMO sẽ được trang bị các thiết bị cảm ứng mà nó có thể nhận dạng khách hàng và nhận biết hành vi có khả năng của họ một cách liên tục giống như các website thương mại điện tử đang làm hiện nay.

Tương tự như vậy, việc học ngôn ngữ OMO sẽ kết hợp các giáo viên bản xứ giảng dạy từ xa, các trợ lý địa phương giúp duy trì cho không khí học tập luôn vui nhộn, các phần mềm tự động chỉnh sửa cách phát âm, và phần cứng tự động chấm điểm bài làm ở nhà và bài thi. Với việc Trung Quốc hiện đang tiến hành xây dựng lại cơ sở hạ tầng offline của mình, nước này có thể sẽ đảm bảo một vị trí dẫn đầu về OMO.

(Nguồn: CGTN)
(Nguồn: CGTN)

Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc dẫn đầu trong việc số hóa các ngành công nghiệp phục vụ tiêu dùng, việc áp dụng công nghệ số trong các ngành kinh doanh vẫn bị tụt hậu. Điều này có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới đây. Nghiên cứu mới đây của Viện Toàn cầu McKinsey nhận thấy rằng 3 sức mạnh số hóa quan trọng – xóa bỏ trung gian (loại bỏ người trung gian), tách rời thành các phần (chia các quá trình thành các thành phần cấu thành), và phi vật chất hóa (chuyển từ hình thức vật chất sang điện tử) – có thể chiếm (hay tạo ra) 10 đến 45% toàn bộ thu nhập của ngành công nghiệp vào năm 2030.

Những ai tận dụng thành công sự chuyển đổi này có khả năng sẽ có đủ sức mạnh để gây ảnh hưởng đến bức tranh số toàn cầu, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp số bên ngoài biên giới của Trung Quốc. Giá trị sẽ chuyển từ những ai di chuyển chậm chạp sang những người nhanh nhẹn đi vào kỹ thuật số, được vũ trang bằng những mô hình kinh doanh mới, và chuyển đổi từ một phần của chuỗi giá trị sang một phần khác. Sự hủy diệt mang tính sáng tạo trên quy mô lớn sẽ làm mất đi tính thiếu hiệu quả và sẽ đưa Trung Quốc lên một bậc thang cạnh tranh toàn cầu mới.

Chính phủ Trung Quốc hiện có những kế hoạch to lớn cho tương lai của đất nước với tư cách là một cường quốc số thế giới. Chương trình Khởi nghiệp và Sáng tạo Đại chúng của chính phủ Trung Quốc đã dẫn đến kết quả là sự ra đời của hơn 8.000 công ty làm công việc như những chiếc lồng ấp và máy gia tốc.

Ứng dụng đặt xe Didi Chuxing của Trung Quốc còn đánh bại cả gã khổng lồ Uber tại Đại lục (Nguồn: AFP)
Ứng dụng đặt xe Didi Chuxing của Trung Quốc còn đánh bại cả gã khổng lồ Uber tại Đại lục (Nguồn: AFP)

Chương trình Quỹ Chỉ đạo của chính phủ đã tài trợ tổng cộng 27,4 tỷ USD cho các công ty đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân – một khoản đầu tư thụ động, nhưng kèm theo là những biện pháp thu hồi vốn đặc biệt.

Nhà cầm quyền hiện đang huy động vốn để đầu tư 180 tỷ USD vào việc xây dựng mạng lưới di động 5G của Trung Quốc trong vòng 7 năm tới, và đang hỗ trợ việc phát triển công nghệ lượng tử.

Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra những chỉ đạo cho việc phát triển công nghệ AI, với mục tiêu biến Trung Quốc trở thành trung tâm sáng tạo AI vào năm 2030. Hùng An, hiện đang được xây dựng, có thể là “thành phố thông minh” đầu tiên được thiết kế dành riêng cho các phương tiện tự lái. Còn tại tỉnh Quảng Đông, chính quyền đã đặt mục tiêu tham vọng là sẽ tự động hóa 80% vào năm 2020.

Với quá trình tự động hóa diễn ra nhanh chóng, khoảng 82 đến 102 triệu người lao động Trung Quốc sẽ cần phải thay đổi công việc của mình

Những kế hoạch đầy tham vọng đó không thể tránh khỏi sẽ tác động xấu đến thị trường lao động, bắt đầu là những lao động cổ cồn trắng thông thường (dịch vụ chăm sóc khách hàng và tiếp thị qua điện thoại), tiếp theo là những công việc cổ cồn xanh thông thường (như công việc lắp ráp dây truyền), và cuối cùng sẽ tác động đến những công việc không thông thông thường (như lái xe hay thậm chí X-quang).

Nghiên cứu gần đây của MGI nhận thấy rằng theo một kịch bản quá trình tự động hóa diễn ra nhanh chóng, khoảng 82 đến 102 triệu người lao động Trung Quốc sẽ cần phải thay đổi công việc của mình.

Việc tiến hành đào tạo lại sẽ là một thách thức lớn đối với chính phủ Trung Quốc, tương tự như việc ngăn không để các công ty số hàng đầu thực hiện độc quyền bóp chết sáng tạo. Nhưng việc Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng theo đuổi kỷ nguyên kỹ thuật số, thực hiện những chính sách hỗ trợ và tránh đưa ra những quy định cực đoan, đã đặt đất nước này vào một vị trí đầy lợi thế./.

Một khách trò chuyện với robot của Baidu tại Hội nghị Thế giới Baidu 2015 tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2015.(Nguồn: Reuters)
Một khách trò chuyện với robot của Baidu tại Hội nghị Thế giới Baidu 2015 tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2015.(Nguồn: Reuters)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập