Xã hội hóa thiết bị y tế

anh3-1511338405-78.jpg

Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, hiện 59 tỉnh, thành đã thực hiện lắp đặt 3.422 máy y tế “xã hội hóa.”

Các cơ sở khám chữa bệnh lắp đặt máy móc, thiết bị xã hội hóa dưới nhiều hình thức như theo Thông tư 15 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập.

Bên cạnh đó là hình thức máy do công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế cho mượn hay theo hình thức máy cho, tặng hoặc do cán bộ nhân viên góp vốn đầu tư… Nhiều ý kiến cho rằng, tiêu cực cũng phát sinh bởi những hình thức này. Chẳng hạn như người bệnh có nguy cơ bị chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp dù không cần thiết, để bệnh viện đạt chỉ tiêu.

Rất nhiều cơ sở y tế, các bệnh viện hiện nay tiến hành việc xã hội hóa thiết bị y tế dưới nhiều hình thức như: máy đặt mượn, máy cho, tặng mà không có quy định rõ ràng.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính riêng năm 2016, chi phí từ quỹ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ y tế thực hiện bằng máy móc, thiết bị xã hội hóa tại các cơ sở khám chữa bệnh lên tới 2.101 tỷ đồng. Trong đó, chi phí chưa đúng quy định 157,8 tỷ đồng …

Các chuyên gia cho rằng, điều đáng lo là khi lợi nhuận được xếp lên hàng đầu, nhiều cơ sở y tế lạm dụng chỉ định các máy móc, thiết bị xã hội hóa để “tận thu”, phân chia lợi nhuận với công ty lắp đặt máy.

Để hiểu rõ hơn về việc đầu tư máy móc do xã hội hóa y tế, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Dương Tuấn Đức – Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).

  • ttxvnhhh1-1515397973-37.jpg
  • ttxvntbyt-1515398004-0.jpg
  • ttxvnytec-1515398027-77.jpg

– Ông đánh giá như thế nào về công tác xã hội hóa trong ngành y tế hiện nay?

Ông Dương Tuấn Đức: Trước tiên, chúng ta đều thấy, về chủ trương, việc xã hội hóa trong ngành y tế là tốt đẹp, bởi nó giúp cho ngành y tế đầu tư và tăng chất lượng dịch vụ khi nhiều tỉnh không đủ ngân sách để đầu tư.

Việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác để có được hệ thống máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Bên cạnh đó, rất nhiều cơ sở y tế, các bệnh viện hiện nay tiến hành việc xã hội hóa thiết bị y tế dưới nhiều hình thức như: máy đặt mượn, máy cho, tặng mà không có quy định rõ ràng.

Chính phủ đã có nghị định về quản lý trang thiết bị y tế, Bộ Y tế có thông tư 15, tuy nhiên thông tư đó không điều chỉnh máy cho, máy đặt mượn mà hiện nay đang biến tướng hình thức từ xã hội hóa sang cho đặt mượn.

                    Ông Dương Tuấn Đức
                    Ông Dương Tuấn Đức

– Theo ông thì điều gì đang làm cản trở sự quản lý minh bạch các thiết bị xã hội hóa, dịch vụ xã hội hóa.

Ông Dương Tuấn Đức: Tôi rất thấm thía, một đồng chí lãnh đạo cấp cao đã nói, công tư phải phân minh, không nên biến bệnh viện công trở thành bệnh viện tư. Nếu bệnh viện nào đã cổ phần là cổ phần, hoạt động theo luật doanh nghiệp, nếu anh đã là bệnh viện công thì anh phải phục vụ cho nhân dân theo đúng nghĩa của bệnh viện công.

Hiện nay, chúng ta đang có sự lẫn lộn giữa công và tư. Các bạn cứ thử vào các bệnh viện lớn của Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y sẽ thấy có những khu 3 người một giường, thậm chí có những khoa 2 người nằm trên giường và ba người nằm dưới đất. Có những khoa chỉ 1-2 người nằm một phòng như khách sạn. Việc đó cho thấy, đất là đất công, điện nước được nhà nước đầu tư hỗ trợ nhưng anh đang dùng lợi ích công để phục vụ lợi ích tư.

– Ông có thể cho biết, hiện nay khu vực nào là điểm nóng để đầu tư xã hội hóa trang thiết bị y tế?

Ông Dương Tuấn Đức: Hiện nay, một số tỉnh đầu tư xã hội hóa y tế nhiều như: Hà Giang, Thái Bình, Sóc Trăng. Đó là những tỉnh khi đầu tư xã hội hóa tự nhiên chi phí vọt lên rất nhiều và ngày điều trị của người bệnh vẫn không giảm xuống.

Điều này cho thấy việc xã hội hóa làm động lực thúc đẩy để cho các cơ sở y tế, các nhân viên y tế, các bác sỹ chỉ định nhiều hơn để cố gắng thu được lợi, thu được nguồn vốn bỏ ra nhiều hơn.

Khi dùng máy móc xã hội hóa, các cơ sở y tế phải cam kết là anh phải mua của tôi, hóa chất gì, sử dụng của tôi bao test, kit trong vòng 1-2 năm, 1 tháng, 1 quý, số lượng phải tăng lên bao nhiêu % thì đơn vị đó mới được mượn máy đó hay được lợi nhuận như vậy. Chính điều này đã làm cho các bác sỹ dù không muốn vẫn phải chỉ định như vậy.

– Ông có thể dẫn chứng cụ thể hơn một vài nơi chỉ định xét nghiệm lạm dụng nhiều ở các máy xã hội hóa?

Ông Dương Tuấn Đức: Chúng tôi đã đi kiểm tra có thấy chứng từ cam kết sử dụng hóa chất. Năm ngoái chúng tôi đi kiểm tra thấy ở Thái Bình, trong hồ sơ hợp đồng hai bên có những cam kết anh phải sử dụng số lượng test, kit là bao nhiêu nghìn USD trong vòng một quý và quý sau phải tăng lên bao nhiêu.

Khi chúng tôi phát hiện ra có sự không minh bạch đó thì lại không có một công cụ để xử lý các vấn đề đó và khi đó Bộ Y tế có văn bản trả lời rằng điều này không được điều chỉnh bởi Thông tư 15, tức là chưa có một điều gì là quy định đối với trường hợp đó và không thể căn cứ vào đâu để xử lý được.

Bác sỹ thực hiện các kỹ thuật trong chẩn đoán sức khỏe người dân. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Bác sỹ thực hiện các kỹ thuật trong chẩn đoán sức khỏe người dân. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

– Vậy theo ông, những hình thức xã hội hóa biến tướng như vậy vì sao lại khó kiểm soát?

Ông Dương Tuấn Đức: Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, tồn tại vấn đề, đó là việc quản lý nhà nước, đó là tại sao chúng ta không đánh giá để đầu tư vùng. Chẳng hạn một vùng chỉ cần 1 máy CT, 1 máy MRI, tùy theo nhu cầu mô hình bệnh tật của khu vực đó. Chúng ta đang cho mô hình bệnh viện đầu tư, phòng khám đầu tư, thậm chí một số nơi tuyến huyện cũng có máy CT.

Bệnh viện tuyến tỉnh có máy CT cấu hình mạnh hơn sẽ chuyển máy thấp hơn cho tuyến huyện.

Có nơi, bác bỹ cho hay, với máy xã hội hóa đó, họ chụp dưới 30 trường hợp không có lãi nên họ phải chụp nhiều hơn để có lãi. Nguyên nhân là do cơ chế, do quản lý chúng ta cho phát triển một cách ồ ạt và không có một quy định nào, thực tế trang thiết bị ấy phải có quy hoạch, bởi sẽ có những vùng bệnh viện mọc chi chít các cơ sở y tế, có những vùng không có.

Vấn đề ở đây chúng ta phải đầu tư, phải quản lý từ trên, phải có tầm nhìn chiến lược để đầu tư vùng, để đầu tư các thiết bị, kể cả xã hội hóa và sau đó có cơ chế để quản lý.

– Hiện nay cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đối phó với việc này như thế nào?

Ông Dương Tuấn Đức: Tỷ lệ dịch vụ dùng ở máy xã hội hóa điều này bảo hiểm xã hội Việt Nam không thống kê được, chỉ có các bệnh viện mới xác định được. Khi các cơ sở y tế gửi hồ sơ thanh toán với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam họ nói rõ máy móc đó là máy nào, máy nhà nước đầu tư hay máy xã hội hóa. Nếu muốn kiểm tra các xét nghiệm hay chỉ định đó được thực hiện ở máy nào thì phải đến tận nơi và lật sổ sách ra để tra và tìm hiểu.

Cho đến bây giờ chúng ta vẫn không có cơ chế quản lý và không có cơ chế xử lý, kể cả xã hội hóa hay đặt mượn nếu không quản lý được sẽ làm cho người dân bị chỉ định nhiều dịch vụ hơn làm nhiều xét nghiệm hơn và những xét nghiệm đó thực sự không cần thiết.

Hiện nay Bộ Y tế mới có 1 văn bản yêu cầu các cơ sở y tế, sở y tế kiểm soát chặt chẽ hơn việc xã hội hóa đồng thời đang xây dựng thông tư khác để làm thế nào quản lý được vấn đề xã hội hóa, dịch vụ cung cấp từ máy xã hội hóa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!