Châu Á càng phát triển

Từ Trung Quốc tới Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của các nước châu Á đã giúp kéo hàng trăm triệu người dân ra khỏi tình trạng nghèo đói trong những thập niên gần đây. Tuy nhiên, vấn đề phân chia thu nhập gần đây lại trở nên xấu đi, với tình trạng bất bình đẳng ở châu Á giờ đây có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn so với các nền kinh tế phát triển của phương Tây.

Lee Jong-Wha, Giáo sư Kinh tế, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á-Đại học Hàn Quốc đưa ra nhận định như vậy trong bài viết về tình trạng bất bình đẳng tại châu Á.

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Từ Trung Quốc tới Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của các nước châu Á đã giúp kéo hàng trăm triệu người dân ra khỏi tình trạng nghèo đói trong những thập niên gần đây. Tuy nhiên, vấn đề phân chia thu nhập gần đây lại trở nên xấu đi, với tình trạng bất bình đẳng ở châu Á giờ đây có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn so với các nền kinh tế phát triển của phương Tây.

Tính từ 1990 đến 2012, hệ số Gini thực – thước đo chung về tình trạng bất bình đẳng thu nhập – đã tăng lên mạnh mẽ ở Trung Quốc, từ mức 0,37 lên 0,51 (số 0 chỉ sự bình đẳng tuyệt đối còn số 1 chỉ tình trạng bất bình đẳng tuyệt đối). Hệ số này cũng tăng lên ở Ấn Độ, từ 0,43 lên 0,48.

Thậm chí bốn “con hổ châu Á” – Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, và Đài Loan -những nền kinh tế trước đây đạt được sự tăng trưởng “với sự bình đẳng,” gần đây cũng bắt đầu phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng tăng lên. Chẳng hạn, ở Hàn Quốc phần thu nhập do 10% số người giàu nhất nắm đã tăng từ 29% trong năm 1995 lên 45% vào năm 2013.

Xu hướng này được thúc đẩy chủ yếu bởi chính những lực lượng đã tiếp nhiên liệu cho tăng trưởng kinh tế của châu Á trong những thập kỷ gần đây: quá trình toàn cầu hóa không bị kiểm soát và tiến bộ về công nghệ. Các đường biên giới ngày càng mở rộng đã giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tìm những địa điểm có chi phí rẻ nhất cho các hoạt động của họ. Đặc biệt, việc Trung Quốc tham gia các thị trường toàn cầu đã làm giảm mạnh sức ép đối với lương bổng của công nhân có tay nghề thấp ở những nơi khác.

Công nhân trong một giờ nghỉ trưa tại một công trình xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AP/TTXVN)
Công nhân trong một giờ nghỉ trưa tại một công trình xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AP/TTXVN)

Đồng thời, những công nghệ mới đã làm tăng nhu cầu đối với công nhân lành nghề, trong khi làm giảm nhu cầu đối với công nhân không có kỹ năng – một xu hướng tiếp thêm nhiên liệu cho việc mở rộng hố ngăn cách về lương bổng giữa công nhân có chuyên môn và không có chuyên môn. Những người sở hữu vốn cũng gặt hái những khoản thu nhập lớn từ tiến bộ về công nghệ.

Nói tóm lại, như nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Angus Deaton thừa nhận, bằng việc tạo ra những cơ hội mới cho một nhóm nhỏ gồm vài triệu người trong khi đẩy một số lớn người khác vào tình trạng trì trệ, thất nghiệp, và bấp bênh về kinh tế, thì toàn cầu hóa và đổi mới về công nghệ cũng đồng thời đã mở rộng hố ngăn cách giữa người có và người không có tài sản.

Làm trầm trọng hơn nữa xu hướng này, tình trạng bất bình đẳng về thu nhập thường đi kèm theo tình trạng bất bình đẳng về cơ hội. Với những triển vọng giáo dục và kinh tế bị hạn chế, những thanh niên trẻ tài năng xuất phát từ những tầng lớp thấp luôn ở vào hoàn cảnh bị thiệt thòi.

Do tình trạng bất bình đẳng đang ngày càng trở thành một xu hướng không không thể đảo ngược, điều này có thể làm xói mòn sự đồng thuận đối với các chính sách kinh tế thiên về tăng trưởng, gây phương hại cho sự cố kết xã hội, và có khả năng khuấy động tình trạng bất ổn về chính trị.

Tình trạng bất bình đẳng về thu nhập thường đi kèm theo tình trạng bất bình đẳng về cơ hội

Để tránh một tương lai như vậy, các quốc gia châu Á cần phải thay đổi các luật lệ của trò chơi, đem lại cơ hội cho lớp trẻ, cho dù họ xuất phát từ thành phần nào đi chăng nữa để họ có thể thăng tiến trên bức thang thu nhập. Các cơ chế thị trường là không đủ để thành đạt điều này. Các chính phủ phải hành động, bổ sung cho những chính sách thiên về tăng trưởng bằng những chính sách nhằm vào việc đảm bảo rằng những lợi ích thu được sẽ được chia sẻ một cách bình đẳng đẳng và bền vững hơn.

Một điều chắc chắn là một số quốc gia châu Á hiện đang nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng này bằng những những chính sách phân phối lại thu nhập một cách tiến bộ. Chẳng hạn, Chính phủ Hàn Quốc gần đây loan báo trong năm tới sẽ thực hiện tăng mức lương tối thiểu thêm 16,4%, lên 7.530 won (6,70 USD) một giờ công, và sẽ tăng 55% so với mức hiện nay vào năm 2020. Chính phủ cũng sẽ tăng mức thuế đối với những người và công ty có thu nhập cao nhất.

Tuy nhiên, trong khi những biện pháp như vậy nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ thì chúng có thể lại gây thiệt hại cho nền kinh tế, bằng việc làm giảm đầu tư của doanh nghiệp chẳng hạn, và cản trở việc tạo công ăn việc làm. Trên thực tế, kinh nghiệm đầu tiên được rút ra trong việc chống lại tình trạng bất bình đẳng hiện nay nên là những chính sách theo chủ nghĩa bình quân đơn thuần không phải là một giải pháp vĩnh viễn – và trên thực tế có thể sẽ có những hậu quả bất lợi lâu dài.

Một người đứng trong lều gần một khu chung cư cao cấp ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 2/4/2015. (Nguồn: Reuters)
Một người đứng trong lều gần một khu chung cư cao cấp ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 2/4/2015. (Nguồn: Reuters)

Hãy xem xét quyết định của Chính phủ Venezuela, vào cuối những năm 1990, thực hiện những chính sách tái phân phối thu nhập theo xu hướng dân túy trong khi không giải quyết việc nền kinh tế nước này dựa quá nhiều vào ngành công nghiệp dầu lửa và thiếu tính cạnh tranh. Sự lựa chọn này đã đẩy đất nước tới bờ vực của tình trạng vỡ nợ, đồng thời đổ thêm dầu vào tình trạng hỗn loạn xã hội và chính trị trên quy mô lớn. Thảm họa quốc gia của Venezuela nên được coi là một lời cảnh báo cho tất cả mọi người.

Cách tốt nhất để tăng cường cả tình trạng bình đẳng lẫn tăng trưởng là phát triển một cách có hiệu quả nguồn vốn con người, là cái không chỉ hỗ trợ để có mức thu nhập cao hơn hiện tại mà còn giúp đảm bảo sự dịch chuyển cơ động giữa các thế hệ trong tương lai. Điều này đòi hỏi phải có các mạng lưới an sinh xã hội và các chương trình tái phân phối thu nhập chặt chẽ, cũng như quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng đối với tất cả mọi người.

Tin tức tốt lành là nhiều nền kinh tế Đông Á hiện đã đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực giáo dục nhằm mở rộng cơ hội cho tất cả các nhóm dân chúng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nhiều nền kinh tế Đông Á đã đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực giáo dục nhằm mở rộng cơ hội cho tất cả các nhóm dân chúng

Châu Á cũng cần phải cải thiện hơn nữa chất lượng đào tạo đại học, cải tiến các chương trình giảng dạy nhằm đảm bảo lớp trẻ sẽ thu nhận được những kiến thức và chuyên môn mà họ cần đến để chuẩn bị cho việc tham gia thị trường lao động. Đồng thời, thị trường lao động nên được xây dựng một cách hiệu quả hơn và linh hoạt hơn, sao cho người dân có thể dễ dàng tìm được những công việc phù hợp và được hưởng những thành quả xứng đáng. Do công nghệ tiếp tục biến đổi nền kinh tế, cần phải thực hiện công việc đào tạo và huấn luyện suốt đời để người lao động không bị tụt hậu.

Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động giáo dục và kinh tế là điều cũng có tầm quan trọng. Ngoài ra, các chính phủ cũng nên tạo ra một môi trường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ khởi sự công việc kinh doanh của họ. Và, dĩ nhiên, các chính phủ nên duy trì các chính sách tăng trưởng hỗ trợ việc tạo công ăn việc làm và giảm thất nghiệp, đồng thời loại bỏ những hàng rào ngăn cản đối với thương mại và đổi mới.

Trong môi trường chính trị mạnh mẽ ngày nay, hiện có một xu hướng ngày càng tăng bác bỏ toàn cầu hóa và theo đuổi những chính sách phân phối lại theo đường lối dân túy và điều này có thể dẫn đến những kết cục tai hại hơn là tốt đẹp. Các nhà lãnh đạo châu Á phải làm tốt hơn nếu họ nhận thức được triển vọng thực sự của việc “tăng trưởng bình đẳng”./.

Một công nhân ở Ấn Độ. (Nguồn: Asia News)
Một công nhân ở Ấn Độ. (Nguồn: Asia News)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập