Người Kurd

Vào đêm trước cuộc trưng cầu ý dân về tương lai của khu vực người Kurd ở Iraq, các lực lượng vũ trang của Iran đã tiến hành một cuộc diễn tập quân sự lớn trên biên giới giữa Iran và Iraq giữa lúc Tehran cảnh báo người Kurd không được tiến hành cuộc trưng cầu ý dân. Trong khi đó, Hội đồng an ninh quốc gia tối cao của Iran – thực thể phụ trách việc xây dựng và phổ biến chiến lược an ninh của quốc gia này – thông báo rằng họ sẽ dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ các sân bay chủ yếu của khu vực Kurdistan là Sulaymaniyah và Erbil.

Theo Tehran, hội đồng này đã có bước đi đó sau khi Baghdad yêu cầu họ làm vậy. Toàn bộ hoạt động này hầu như không gây ngạc nhiên; trong một khu vực mà xung đột và chủ nghĩa khủng bố hoành hành, cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd có thể là thách thức lớn nhất của Iran từ trước tới nay.

Và giờ đây khi người Kurd đã bỏ phiếu ủng hộ nền độc lập bất chấp sự phản đối của khu vực và quốc tế, họ sẽ bắt đầu cái mà có khả năng sẽ trở thành một tiến trình đàm phán lâu dài, đa tầng lớp để được ly khai.

Trong một khu vực mà xung đột và chủ nghĩa khủng bố hoành hành, cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd có thể là thách thức lớn nhất của Iran từ trước tới nay. 

Iran có mối quan hệ lâu dài với người Kurd ở Iraq, và là quốc gia duy nhất trong khu vực với số lượng đáng kể người Kurd đã duy trì nhất quán các mối quan hệ tốt đẹp với họ. Sự hỗ trợ của Iran đối với người Kurd đã nhận được nhiều sự chú ý hơn kể từ năm 2014, khi Iran hậu thuẫn các nỗ lực nhất định của người Kurd chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng các mối quan hệ này đã có từ cách đây nhiều thập kỷ.

Ngay từ trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Vua Iran đã hỗ trợ người Kurd ở Iraq. Trong những năm đó, Iran, cùng với Israel và Mỹ, đã hỗ trợ một cuộc nổi dậy của người Kurd chống lại Chính phủ al-Bakr ở Iraq.

Vào thời điểm đó, sự hậu thuẫn của Tehran đối với người Kurd phục vụ 2 mục đích chính. Thứ nhất, Vua Iran có chung nỗi lo sợ với Mỹ về sự lan truyền của chủ nghĩa cộng sản ở Trung Đông, và Liên Xô đã hậu thuẫn chính phủ ở Baghdad. Thứ hai, nhà vua muốn cản trở Iraq, khi mà tuyên bố chủ quyền của nước này đối với các phần của con sông tiếp giáp 2 quốc gia – người Arập gọi là sông Shatt al-Arab, còn người Iran gọi là sông Arvand Rud – đã gây ra những căng thẳng lâu dài giữa thủ đô của 2 nước.

Người Kurd bỏ phiếu tham gia cuộc trưng cầu ý dân ở tỉnh Arbil, thủ phủ Khu tự trị người Kurd, miền bắc Iraq ngày 25/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người Kurd bỏ phiếu tham gia cuộc trưng cầu ý dân ở tỉnh Arbil, thủ phủ Khu tự trị người Kurd, miền bắc Iraq ngày 25/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc xung đột cuối cùng đã dẫn tới cuộc Chiến tranh Iran-Iraq vào ngày 22/9/1980. Trong cuộc chiến tranh đó, người Kurd đã đứng về phía Iran, và chế độ Saddam Hussein được cho là đã nhắm mục tiêu vào cả 2 bằng vũ khí hóa học. Nhiều thập kỷ sau, Iran và người Kurd một lần nữa nhận thấy họ ở cùng phe trong một cuộc chiến: lần này là cuộc chiến chống IS, mà trong đó lực lượng Peshmerga người Kurd đã sát cánh chiến đấu với Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran và nhóm dân quân người Shiite ở Iraq được Iran hậu thuẫn.

Nhưng nếu các mối đe dọa và lợi ích chung đã đưa Iran và người Kurd ở Iraq xích lại gần nhau trong nhiều thập kỷ, thì nhóm người Kurd ở chính Iran lại làm cho mối quan hệ này phức tạp hơn. Người Kurd ở Iran với dân số khoảng 7 triệu người tập trung ở các khu vực phía Tây và Tây Bắc của nước này – và nhóm người này bao gồm một số lượng đáng kể người Sunni.

Các khu vực có người Kurd sinh sống vẫn thuộc những vùng kém phát triển nhất của đất nước; chính phủ đã liên tục thất bại trong việc đầu tư vào nơi này và đầu tư tư nhân cũng chưa xuất hiện. Do đó, điều không đáng ngạc nhiên là ngay cả khi Peshmerga đang chiến đấu với IS ở Iraq, một số người Kurd ở Iran đã gia nhập nhóm khủng bố này. IS đã nhận thức được điều đó và nhắm mục tiêu tuyển mộ vào nhóm người Kurd ở Iran. Các đặc vụ của IS từng tiến hành vụ tấn công kép vào tháng 6/2017 ở Tehran chính là những người Kurd ở Iran.

Bất chấp tất cả những điều này, rất giống với nhiều nhóm dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số khác mà từ lâu đã len lỏi vào những gì còn sót lại của Đế quốc Ba Tư, người Iran coi người Kurd là một phần tự nhiên trong thành phần quốc gia họ.

Đối với Iran, một quốc gia đã chứng kiến lãnh thổ lịch sử của mình bị sứt mẻ trong nhiều thế kỷ, khu vực Kurdistan không chỉ là một triển vọng đáng lo ngại – nó là một mối đe dọa liên quan đến sự tồn tại.

Nhưng cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd lại làm phức tạp tình hình. Thay vì coi nó như một sự kiện đơn lẻ kiềm chế được, Tehran lại nhìn nhận nó như là mở ra cơ hội cho một nỗ lực toàn diện hơn nhằm tách rời các vùng lãnh thổ của người Kurd khỏi Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để tạo nên một quốc gia mới trong khu vực. Và ý tưởng đó không hề xa vời.

Các học giả và chính trị gia trong khu vực và ở nước ngoài từ lâu đã suy ngẫm về việc thực hiện chính điều đó như một giải pháp cho cái mà họ coi là cốt lõi của tình trạng bất an ở Trung Đông: các đường biên giới của khu vực – hầu hết do các cường quốc thuộc địa vạch ra. Một số người thậm chí đã lập luận rằng dù sao thì những đường biên giới được vẽ ra theo thỏa thuận Sykes-Picot cũng sắp đến ngày tận số.

Như nhà báo Jeffrey Goldberg đã nói nhằm ủng hộ nền độc lập của người Kurd vào năm 2014: “Không có chất keo nào có thể kết dính nơi ấy lại với nhau”. Đối với Iran, một quốc gia đã chứng kiến lãnh thổ lịch sử của mình bị sứt mẻ trong nhiều thế kỷ, khu vực Kurdistan không chỉ là một triển vọng đáng lo ngại – nó là một mối đe dọa liên quan đến sự tồn tại.

Và đó là một mối đe dọa Iran từng chứng kiến. Năm 1946, người Iran và người Kurd ở Iraq đã thành lập một quốc gia độc lập tồn tại ngắn ngủi gọi là Cộng hòa Mahabad. Cộng hòa Mahabad được thành lập ở Iran và bao gồm cả người Kurd của Iraq, đáng chú ý là nhà lãnh đạo nổi bật nhất của người Kurd trong lịch sử đương đại, Mustafa Barzani. Nước cộng hòa này được Liên Xô hậu thuẫn, nhưng nó đã sụp đổ trong vòng chưa đầy 1 năm. Và Barzani và Vua Iran sẽ tiếp tục có một mối quan hệ đầy biến động, quan hệ đối tác dựa trên nền tảng là sự nghi ngờ.

Quan hệ đối tác và sự nghi ngờ kéo dài cho đến ngày nay. Trong thời gian trước cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd, lãnh đạo Lực lượng Quds của Iran là Qasem Soleimani đã gặp Masoud Barzani – con trai của Mustafa Barzani, lãnh đạo chính quyền Khu vực người Kurd và kiến trúc sư của cuộc trưng cầu ý dân, ngay cả khi các lực lượng Iran đang gia tăng sức ép đối với người Kurd.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại cuộc họp báo ở New York, Mỹ ngày 20/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại cuộc họp báo ở New York, Mỹ ngày 20/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nếu người Kurd ở Iraq thành công trong việc thành lập và duy trì một nhà nước hoạt động đúng chức năng, thì Iran chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc. Thứ nhất, một phong trào độc lập thành công ở Iraq gần như chắc chắn sẽ tái sinh các nỗ lực tương tự của người Kurd ở Iran. Và điều đó đến lượt nó có thể khiến các nhóm thiểu số khác cố gắng giành độc lập. Thứ 2, khu vực người Kurd nằm ở vùng giáp ranh giữa Iran và Iraq từ lâu đã là một khu vực dễ vượt qua – một đặc điểm mà cả những kẻ buôn lậu lẫn những người bất đồng ý kiến đều hiểu rõ.

Trên thực tế, vào giai đoạn đỉnh điểm của các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Iran, thành phố Mahabad là trung tâm cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ khu vực Kurdistan của Iraq sang khu vực người Kurd của Iran trước khi chuyển chúng đến các vùng khác của đất nước. Sự dễ dàng di chuyển, ngôn ngữ chung và các phương tiện truyền thông chung giữa người Kurd ở Iraq và người Kurd ở Iran sẽ khiến tác động chính trị dễ lan truyền. Thứ 3, ở Mỹ người Kurd được biết đến như là các lực lượng điều tiết.

Xét cho cùng, đặc trưng của họ là về phe với Mỹ để chống lại những kẻ chuyên chế và khủng bố, bao gồm cả Saddam và IS. Nhưng họ cũng có nhiều nhóm đáng ngờ hơn trong hàng ngũ của mình. Các khu vực người Kurd ở Iran là quê hương của một số nhóm Salafi, trong đó có một số nhóm có quan hệ với al-Qaeda và tổ chức Anh em Hồi giáo. Và các nỗ lực chiêu mộ của IS trong khu vực đã “đổ thêm dầu vào lửa.”

Cuộc trưng cầu ý dân có thể gia tăng sức mạnh cho những nhóm này, điều mà theo Mỹ là lý do giải thích vì sao nó đã làm tổn hại những nỗ lực chống IS.

Nếu người Kurd ở Iraq thành công trong việc thành lập và duy trì một nhà nước hoạt động đúng chức năng, thì Iran chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc.

Cuộc trưng cầu ý dân cũng có thể tác động đến các mối quan hệ của Iran với phần còn lại của khu vực. Trên thực tế, đây có thể là bước phát triển đầu tiên trong một thời gian dài để đưa các bên tham gia chủ chốt xích lại với nhau. Barzani và các nhà lãnh đạo người Kurd khác vẫn khẳng định rằng mục tiêu của cuộc trưng cầu ý dân không phải để bắt đầu vẽ lại biên giới vào lúc này. Thay vào đó, nó nhằm khởi động các cuộc đàm phán giữa người Kurd và Baghdad.

Nhưng đối với Iran (và các nước khác trong khu vực), cuộc trưng cầu ý dân sẽ bắt đầu, và sẽ khó mà ngăn chặn được nó trước khi nó vượt qua các biên giới đã được thiết lập khác. Kết quả là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã hứa hẹn có các biện pháp ngăn chặn các nỗ lực giành độc lập của người Kurd ở Iraq.

Trong đó, họ sẽ hợp tác với Iraq, một trong các đối tác chiến lược chủ chốt của Iran trong khu vực. Trên thực tế, cuộc trưng cầu ý dân dường như sẽ củng cố quan hệ giữa Iran và Iraq. Về phần mình, Saudi Arabia ở phe đối lập với Iran trên hầu hết các chiến trường khu vực, từ Afghanistan đến Syria rồi Yemen.

Nhưng người Saudi đã tham gia nhóm các nhà lãnh đạo khu vực kêu gọi người Kurd hoãn lại cuộc trưng cầu ý dân. Mỹ cũng tuyên bố rằng nước này có thể giảm bớt sự ủng hộ và viện trợ cho người Kurd nếu họ tiến tới độc lập. Và hiện nay, Mỹ tiếp tục duy trì lập trường chính thức của mình rằng sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất dân tộc của Iraq là những ưu tiên hàng đầu của họ.

Điều này đã loại trừ một bên tham gia khu vực chủ chốt – Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, với mối bận tâm chính về chính sách đối ngoại là kiềm chế Iran, có lẽ là nhà lãnh đạo quan trọng duy nhất trong khu vực đã ủng hộ việc thành lập một quốc gia người Kurd, vốn được ông xem như là bức tường thành tiềm tàng chống lại sự bành trướng và xâm lược của Iran.

Cuộc trưng cầu ý dân đã thu hút được lượng người tham gia đáng kể. Nhưng không mang lại một câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi của người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân chỉ là sự khởi đầu của một quá trình lâu dài. Và quá trình đó sẽ bắt đầu khi các nhà lãnh đạo khu vực sẵn sàng ngăn chặn sự độc lập của người Kurd. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang của nước ông đã sẵn sàng ở biên giới.

Về phần mình, Iran đã thể hiện sức mạnh của mình trong một cuộc tập trận quy mô lớn ở gần biên giới và đã triển khai lực lượng vệ binh và quân đội thông thường cũng như toàn bộ một loạt hệ thống vũ khí, bao gồm tên lửa và máy bay không người lái. Họ cũng đã nỗ lực thực hiện một số chính sách ngoại giao “kênh sau.”

Quả thực, Iran có thể đang phải đối mặt với thách thức khu vực lớn nhất của mình kể từ cuộc Chiến tranh Iran-Iraq, một diễn tiến mà Iran tin rằng sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình an ninh vốn đã khốc liệt trong khu vực./.

Một khu chợ tại Arbil, thủ phủ Khu tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq ngày 26/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một khu chợ tại Arbil, thủ phủ Khu tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq ngày 26/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)