Hà Nội

Những ngày tháng 10 lịch sử

Đây Đông ĐôĐây Thăng LongĐây Hà NộiHà Nội mến yêu…Hà Nội cháy, khói lửa ngập trờiHà Nội hồng ầm ầm rung…

Cứ vào độ tháng Mười, người Hà Nội, dẫu ở trên mảnh đất ngàn năm văn hiến kinh kỳ hay tha hương đất khách, mỗi lần nghe câu hát hào hùng ấy lại lặng đi, rưng rưng nhớ về đất và người Kẻ Chợ. Hơn một vòng hoa giáp từ ngày Bác Hồ và các chiến sỹ cách mạng tiến về giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Hà Nội đã đi qua một chặng đường nhiều mất mát, đau thương nhưng cũng không ít vinh quang, kiêu hãnh.

Tháng Mười sang mang theo cả sự ngưỡng vọng về những giá trị thiêng liêng của những ngày Hà Nội cùng cả nước trường kỳ kháng chiến, một miền ký ức không thể lãng quên, đánh đổi bằng tuổi trẻ, máu xương và hạnh phúc của bao thế hệ cha anh vừa chứa đựng cả ước vọng về sự đổi thay, vươn mình theo thế “rồng bay” cùng cả dân tộc.

Mốc son không thể lãng quên

“Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/Cờ ngày nào tung bay trên phố/Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/Cả cuộc đời tươi vui về đây”. (Tiến về Hà Nội – Văn Cao)

Cho tới tận bây giờ, lớp người có may mắn được sống với giây phút Thủ đô giải phóng mùa Thu 63 năm về trước vẫn còn giữ vẹn nguyên những cảm xúc run run như vừa mới hôm qua.

Lật giở từng bức ảnh cũ kỹ đã xỉn màu năm tháng, nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh vẫn không sao giữ nổi cho bàn tay mình thôi run rẩy. “Ngày 10/10 năm ấy, khi các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô đi đến đâu, tiếng hò reo nổi lên như sóng dậy đến đó. Đường phố rực rỡ cờ hoa. Những nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt, những cái siết tay thật chặt, ánh mắt rạng rỡ của người dân Thủ đô đón chào đoàn quân giải phóng,” người nghệ sỹ già nhớ lại.

Những kỷ niệm, ký ức của một thời tuổi trẻ hòa mình cùng khí thế sục sôi của cả dân tộc như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người nghệ sỹ già.

Hà Nội năm 1954

Người chiến sỹ ôm bom ba càng sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Người chiến sỹ ôm bom ba càng sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thế cục cuộc chiến đã có những bước xoay chuyển từ đầu những năm 1950. Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, thực dân Pháp đã dần thể hiện sự yếu nhược. Đặc biệt, chiến thắng Điện Biên Phủ như một đòn giáng nặng nề vào tham vọng của Pháp, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Geneve (21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Thế và thời đã tới.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội), Hiệp định tháng 7 năm đó như chìa khoá, mở toang cánh cửa vào Thủ đô cho quân và dân ta.

Tuy nhiên, cũng theo Hiệp định này, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Đề phòng âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam, Hà Nội khẩn trương chuẩn bị cho việc tiếp quản. Công việc này đòi hỏi phải chuẩn bị chu đáo, đề phòng, cảnh giác về quân sự, sự phối hợp giữa các lực lượng chính trị và vũ trang, giữa lực lượng kháng chiến ở ngoài và lực lượng kháng chiến trong thành phố, giữa Thủ đô với cả nước.

Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng cử đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 17/9/1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để tiếp thu và quản lý thành phố.

63 năm đã qua đi, nhưng những ký ức oai hùng ngày ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm thức của hàng triệu người Hà Nội. 

Hội đồng Chính phủ công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng; Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị bộ đội về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.

Ngày 30/9/1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2/10, ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Theo đó, nguyên tắc chuyển giao là đảm bảo trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống thành phố.

Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2 đến 5/10/1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố, chuẩn bị tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng. 422 cán bộ, nhân viên đội hành chính và 158 công an có vũ trang của đội trật tự đã kiểm kê và giải quyết các công việc chuẩn bị nhận bàn giao từ phía Pháp và chính quyền cũ, lập xong các biên bản để bàn giao vào ngày 7/10/1954.

Đến 16 giờ ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.

Sau này, hồi tưởng lại giờ phút đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản Thủ đô, Trung tướng Trần Quang Khánh, nguyên Chánh Văn phòng Đảng ủy Quân sự Trung ương từng viết: “Niềm vui của chúng tôi khi được trở về Thủ đô là không thể diễn tả được. Quang cảnh khi đó, Hà Nội không có một tiếng súng, mọi thứ đều yên ả và bình dị…”

Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng.

Niềm vui lúc này như vỡ òa. Cả Hà Nội như vào ngày hội lớn của non sông, đất nước yên bình.

Quân đội nhân dân Việt Nam vào tiếp quản Hà Nội (10-10-1954). (Tư liệu: Đài Truyền hình Việt Nam)

Hà Nội cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp thu tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch ở Hà Nội: sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Đồn Thủy, khu Thành (Citadel), những vị trí có tầm quan trọng đặc biệt. Ta tiếp thu 129 công sở, công trình lợi ích công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học…, trong đó có phủ Toàn quyền cũ, phủ Thủ hiến Bắc Việt (Bắc Bộ phủ cũ), Sở Mật thám Liên bang Đông Dương, những cơ quan đầu não, trọng yếu của Pháp.

15 giờ ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Trong thư gửi đồng bào Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.

Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng phấn khởi, cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về sự kiện lịch sử đó.

Ngày 10/10/1954, ngày Hà Nội sạch bóng quân thù. Ngày này cũng trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở raời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa.”

63 năm đã qua đi, nhưng những ký ức oai hùng ngày ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm thức của hàng triệu người Hà Nội.

Cứ đến những ngày này, đường phố Thủ đô như được khoác thêm màu áo mới. Phố phường rực rỡ cờ hoa. Không gian như bừng sáng. Khách lạ lên Thủ đô, có lẽ, cũng không khỏi bất ngờ bởi không khí rộn ràng của phố và người Hà Nội những ngày này. Nhiều sự kiện, chương trình nghệ thuật gợi nhắc cho các thế hệ sau về một Tháng Mười lịch sử được tổ chức trên quy mô toàn thành phố.

  • anhtulieu-1507526192-66.jpg
  • anhtulieu-1507526204-92.jpg
  • anhtulieu-1507526215-26.jpg

Theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các chương trình biểu diễn văn hóa-nghệ thuật, thể thao được long trọng diễn ra vào tối các ngày 9,10/10 tại vườn hoa Lý Thái Tổ, trước cửa sân Vận động Quốc gia Mỹ Đình.

Chương trình trình diễn thời trang nghệ thuật, ca múa nhạc “Hương sắc tháng 10” vào ngày 10/10 tại cầu Thê Húc, cổng đền Ngọc Sơn cũng là một điểm nhấn để gợi nhắc tình yêu Hà Nội với mỗi công dân Thủ đô. Bên cạnh đó, hang loạt các sự kiện văn hoá, nghệ thuật khác cũng đã rậm rịch khai màn.

Thủ đô Hà Nội đã và đang bước vào tháng Mười năm 2017 bằng cả hành trang của lịch sử, sức mạnh của hiện tại và niềm tin vào tương lai như thế.

Vững bước tới tương lai

Hà Nội bước vào dịp lễ kỷ niệm lần thứ 63 giải phóng Thủ đô năm nay bằng một niềm tin phơi phới, với nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao…

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2017, bằng các chương trình, kế hoạch với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, đổi mới trong phương thức chỉ đạo, tình hình kinh tế xã hội đã có những bước tiến rõ rệt. Tính riêng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đã tăng 10,2%; tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,6%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 8,7%; kim ngạch nhập khẩu tăng 22,6%.

Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các nhu cầu đầu tư khác cũng như đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Kinh tế Thủ đô cũng tiếp tục phát triển mạnh trên các lĩnh vực cơ bản như sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải và sản xuất nông nghiệp.

Tính đến hết tháng 9/2017, chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố Trái tim cả nước đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mức tăng mạnh nhất thuộc về ngành khai khoáng với 21,8%, công nghiệp chế biến-chế tạo tăng 7,4%, sản xuất và phân phối điện-khí đốt tăng 4,8%…Đặc biệt, một số ngành có tốc độ tăng chỉ số sản xuất cao hơn so với tốc độ tăng chung của toàn ngành như: Sản xuất đồ uống tăng 9%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 21,3%; Sản xuất điện tử, máy vi tính tăng 26,3%…

Hà Nội, một Thủ đô năng động và phát triển. (Video: Minh Sơn/Vietnam+)

Về vốn đầu tư phát triển, trong 9 tháng đầu năm qua, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 198.413 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn Nhà nước trên địa bàn tăng 2,1%; vốn ngoài Nhà nước tăng 18,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 6,1% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá chung của Cục Thống kê Hà Nội, nhìn chung các chủ đầu tư, ban quản lý, đơn vị thi công các công trình trọng điểm của thành phố được triển khai đảm bảo theo yêu cầu. Ước tính, khu vực vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 23.603 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ và đã đạt 72,9% kế hoạch cả năm.

Thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong khi thực hiện. Chính nhờ chính sách cởi mở này, Hà Nội đã tiếp nhận thêm 125 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách với số vốn đăng ký hơn 84.000 tỷ đồng; 398 dự án FDI vốn đăng ký cả cấp mới và tăng vốn là 2,16 tỷ USD; 22 dự án PPP với vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng; cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho hơn 18.5000 đơn vị, tăng 10% so với cùng kỳ với số vốn đăng ký hơn 144.000 tỷ đồng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt mức 8.593 triệu USD, tăng 8,7 so với cùng kỳ 2016 với sự đóng góp tích cực của một loạt mặt hàng chiến lược như điện tử, xăng dầu, máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải…

Một Hà Nội đang chuyển mình ngày càng mạnh mẽ, bền vững còn được thể hiện trên sự ổn định về văn hoá, xã hội, đời sống con người.

Không chỉ khởi sắc trên lĩnh vực kinh tế, Hà Nội trong năm kỷ niệm lần thứ 63 ngày Giải Phóng cũng ngày càng đón được nhiều du khách trong và ngoài nước hơn.

Chỉ tính riêng tháng Chín, khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội đã đạt mốc 321 nghìn lượt, tăng tới gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 2.649 nghìn lượt, tăng 27,6% so với cùng kỳ 2016. Số khách nội địa trong 9 tháng cũng đạt mức tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ doanh thu dịch vụ thu được với mức doanh thu lũy kế đạt hơn 45.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Một Hà Nội đang chuyển mình ngày càng mạnh mẽ, bền vững còn được thể hiện trên sự ổn định về văn hoá, xã hội, đời sống con người. Tiền lương bình quân của cán bộ nhân viên trong thành phố dao động từ 3,5 triệu đồng/tháng đến 5 triệu đồng/tháng.

Ở khu vực nông thôn, mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhờ chính sách kinh tế đúng đắn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi hiệu quả nên tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã không còn hộ thiếu đói.

Tính đến trước tháng 10, toàn thành phố đã giải quyết được 127.000 việc làm, xét duyệt 390 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 850 tỷ đồng.

Hà Nội đã và đang ngày càng đáp ứng kỳ vọng của đất nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hà Nội đã và đang ngày càng đáp ứng kỳ vọng của đất nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trung tâm dịch vụ việc làm của Hà Nội cũng đã tổ chức 155 phiên giao dịch việc làm với hơn 4.000 doanh nghiệp, đơn vị tham gia; hơn 58.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Qua công tác này, hàng nghìn lao động đã được tuyển dụng cũng như hỗ trợ tham gia học nghề.

Tất nhiên, bức tranh kinh tế, xã hội của Hà Nội ngay trước thềm 63 năm Giải phóng Thủ đô không chỉ đơn thuần bao gồm thống kê khô khan từ ngành Thuế như đã trích lược ở trên. Một loạt những con số vượt mức chỉ tiêu, vượt “hạn” so với cùng kỳ của chính Hà Nội các năm trước đó một lần nữa đã khẳng định vị trí trung tâm của Thủ đô với nền kinh tế đất nước nói chung.

Hà Nội – Hội nhập và phát triển

Hà Nội đang chuyển mình từng ngày. Lịch sử của mảnh đất ấy hội tụ đủ cả những vinh quang và khổ đau và dòng chảy thời gian mang theo những câu chuyện của hai thế giới Á-Âu.

Với những người con sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời mình với Hà thành, trong niềm vui đô thị thay áo mới còn có những trăn trở, ưu tư về tương lai.

  • 27-1507526711-49.jpg
  • 3-1507526716-32.jpg
  • 12-1507526732-3.jpg
  • vnpcaotoc-1507526747-59.jpg
  • 21-1507527401-68.jpg

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà văn Chu Lai là một người lính đặc công hoạt động ở vùng ven Sài Gòn. Trong ký ức của ông, Hà Nội ở thời điểm ông khoác balô lên vai, tạm xếp lại phía sau những hoài bão của tuổi trẻ để bước chân vào chiến trường vẫn còn là một vùng đất nghèo, chìm trong những đám bùn, sự hiu hắt.

“Thời điểm ấy, có nằm mơ, tôi cũng không hình dung được lại có ngày Hà Nội tấp nập, rộn rã như bây giờ: những tòa nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi thay thế cho từng khu tập thể chật chội, ẩm thấp. Tiếng tàu điện leng keng, hình ảnh những chiếc đèn dầu leo lét, heo hắt hay những ngày xếp hàng dài đợi mua thực phẩm… chắc chỉ còn trong miền ký ức những lão già như tôi,” nhà văn cười vui.

Lặng đi chừng vài phút, ông bảo, mỗi lần ngồi trong xe ôtô, băng trên những cung đường như đại lộ Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân…, mọi thứ vút nhanh qua khung cửa kính, ông lại nghẹn lại một niềm xúc động, mừng mừng tủi tủi. “Đây là một trong những minh chứng sáng rõ nhất cho sự đổi thay, vươn mình của Thủ đô. Dấu vết của sự lam lũ, nhọc nhằn đã mờ dần. Xương máu của thế hệ trước đổ xuống đã không uổng!”

“Thời điểm ấy, có nằm mơ, tôi cũng không hình dung được lại có ngày Hà Nội tấp nập, rộn rã như bây giờ: những tòa nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi thay thế cho từng khu tập thể chật chội, ẩm thấp.” (Nhà văn Chu Lai)

Ở góc độ khác, nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng cho rằng, bộ mặt văn hóa Thủ đô là một trong những vấn đề cần đặc biệt chú trọng trong quá trình xây dựng và phát triển hiện nay.

Năm 1010, sau thời kỳ dài dưới chế độ Bắc thuộc, Thăng Long vươn mình theo thế “rồng bay.” Qua những triều đại phong kiến nối tiếp nhau sau đó, nơi này đã trở thành một kinh đô phát triển, khắc sâu ấn tượng trong tâm thức những lữ khách Tây phương.

Đầu thế kỷ 20, địa danh Hà Nội gắn với 36 phố phường và cũng đã từng có thời kỳ, đây là thủ phủ của toàn cõi Đông Dương. Hiện nay, Hà Nội cũng là điểm dừng chân của nhiều nghệ sỹ, đoàn nghệ thuật nước ngoài, các hội chợ-triển lãm sách quốc tế (như Hội sách Hà Nội tổ chức tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam tổ chức tại Công viên Thống Nhất…) thường xuyên thu hút trên 20 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách quốc tế uy tín trong khu vực và trên thế giới (như Magellan – Đức, Crimon – Anh, Willey – Singapore, Kyowon – Hàn Quốc…) tham dự…

Điều đó cho thấy, bên cạnh việc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, dòng chảy văn hóa Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục tiếp thu, hòa nhập cùng những giá trị văn hóa thế giới; để trở thành một bức tranh đa dạng, nhiều màu sắc./.

Một góc phố đi bộ, một điểm nhấn văn hóa của Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) 
Một góc phố đi bộ, một điểm nhấn văn hóa của Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) 

Một Hà Nội thân quen 

Truyền thống và hiện đại đan xen…

Nếu Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt, Huế tĩnh lặng với nhiều nét cổ kính, Đà Nẵng đầy vẻ tiện nghi, hiện đại thì Hà Nội gói trọn trong mình những đặc điểm ấy.

Du khách đến đây, trải nghiệm một tour du lịch vòng quanh những địa danh mang hồn cốt Hà thành sẽ thấy rõ sự đa dạng của Hà Nội – nơi Đông-Tây hội ngộ, truyền thống và hiện đại đan xen…

Lịch sử Hà thành hội đủ cả những vinh quang và mất mát, khổ đau. Dòng chảy ấy mang theo những câu chuyện của hai “thế giới” Á-Âu. Năm 1010, sau thời kỳ dài dưới chế độ Bắc thuộc, Thăng Long vươn mình theo thế “rồng bay.” Ở những thế kỷ sau đó, qua những triều đại phong kiến nối tiếp nhau, nơi này đã trở thành một kinh đô phát triển, khắc sâu ấn tượng trong tâm thức những lữ khách Tây phương bỏ neo bên bờ sông Hồng (thế kỷ 17).

Thế rồi, địa danh Hà Nội gắn với 36 phố phường. Đã từng có thời kỳ, đây là thủ phủ của toàn cõi Đông Dương. Giai đoạn này mang đến và để lại cho Hà Nội những công trình kiến trúc độc đáo. Giờ đây, bên cạnh những đền chùa, làng xã truyền thống hay Văn Miếu-Quốc Tử Giám tôn nghiêm, những công trình ấy (Nhà hát Lớn, Đại học Tổng Hợp…) đã trở thành di sản của một Thủ đô vì hòa bình.

Tháp nước Hàng Đậu tọa lạc tại ngã sáu Hàng Than-Hàng Lược-Hàng Giấy-Hàng Đậu-Quán Thánh và Phan Đình Phùng. Công trình được xây từ đá phá thành Hà Nội năm 1894, mới nhìn qua giống một pháo đài hình trụ tròn. Bởi vậy, không ít người dân vẫn quen gọi đây là “bốt Hàng Đậu.”

Đây là một trong những công trình đầu tiên ghi dấu sự thay đổi của bộ mặt đô thị Hà Nội, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong đời sống sinh hoạt thị dân. Bởi trước đó, người dân Hà Nội vẫn sử dụng nước giếng đào hoặc nước từ hệ thống ao, hồ cho làm nước sinh hoạt.

Giữa phố phường tấp nập, tháp nước ấy hiện hữu – sừng sững, im lìm như một chứng nhân của lịch sử, gói trong mình câu chuyện về quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa phương Tây của người Hà Nội.

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hà Nội có những con đường mang dấu ấn của nhiều thời kỳ lịch sử như đường Điện Phủ: một bên là Bảo tàng Lịch sử Quân sự (nơi gợi nhắc về những chiến công oai hùng của cha ông), cạnh đó là Cột cờ Hà Nội (một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể khu di tích thành cổ, được xây dựng từ thời vua Gia Long); một bên là những biệt thự thời Pháp ẩn mình dưới những hàng cây xanh…

Từ đây, du khách có thể đến thẳng Quảng trường Ba Đình lịch sử. Tại đây,vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập,” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng tháng Tám.

Hiện nay, quảng trường Ba Đình nằm trên đường Hùng Vương, trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nếu Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt, Huế tĩnh lặng với nhiều nét cổ kính, Đà Nẵng đầy vẻ tiện nghi, hiện đại thì Hà Nội gói trọn trong mình những đặc điểm ấy.

Chùa Một Cột (hay còn gọi Diên Hựu Tự hay Liên Hoa Đài) nằm cách đó không xa. Vào tháng 10/2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập Kỷ lục Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á cho ngôi chùa này.

Công trình này được coi là một trong những biểu tượng của Thủ đô với kiến trúc độc đáo, được tạo hình như một bông hoa sen cách điệu. Việc tạo tác ngôi chùa này khởi nguồn từ giấc mộng của vua Lý Thái Tông. Trong giấc mơ, nhà vua thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên đài sen. Sau đó, vua cho dựng cột đá giữa hồ, xây đài hoa sen có tượng Phật Bà Quan Âm ở trên đúng như hình ảnh vua thấy trong giấc mơ.

Khi thả lỏng cơ thể để bước ra hít hà bầu không khí thoáng đãng của khu vực đê sông Hồng, du khách sẽ gặp con đường gốm sứ. Đó là bức tranh gốm độc đáo chạy dài từ khu vực cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp.

Con đường gốm sứ là câu chuyện về những di sản nghệ thuật độc đáo của dân tộc từ thời kỳ Đông Sơn cho đến ngày nay và hành trình vươn mình, kết nối với các địa phương khác trong cả nước và hội nhập thế giới của Thủ đô Hà Nội.

Ở đó không chỉ có dấu ấn của các nghệ nhân, thợ thủ công, nghệ sỹ đương đại Việt Nam mà còn có sự chung tay góp sức của nhiều họa sỹ nước ngoài (Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Italy, Argentina…).

Mời các bạn cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh thân quen của Hà Nội.

Nhà hát Lớn Hà Nội. 
Nhà hát Lớn Hà Nội. 
Trường Đại học Tổng hợp. 
Trường Đại học Tổng hợp. 
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). 
Chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). 
Di tích Hoàng thành Thăng Long. 
Di tích Hoàng thành Thăng Long. 
Tháp nước Hàng Đậu. 
Tháp nước Hàng Đậu. 
Con đường Gốm sứ. 
Con đường Gốm sứ. 
Cột cờ Hà Nội. 
Cột cờ Hà Nội.