Xung trận giữa thời bình

img0303-1507087028-100.jpg

Những ngọn lửa dần tắt, chỉ còn vệt khói nhỏ len lỏi qua những chấn song sắt của một ngôi nhà bị cháy tại Hà Nội. Vài chiếc xe cứu hỏa dần rút trước mắt những người dân hiếu kỳ. Mặt mũi lấm lem khói bụi, người lính cứu hỏa ngồi bệt xuống vỉa hè. Dù đã rất mệt, nhưng trên ánh mắt của anh ánh lên niềm vui thắng trận. “May quá, bọn em đến kịp thời nên thiệt hại không quá lớn,” anh cười nói.

Hình ảnh ấy có lẽ đã quá quen thuộc với người dân trên khắp dải đất hình chữ S. Bởi, họ là những người lính sẵn sàng xông pha chiến đấu với “giặc lửa,” giảm thiệt hại cho người dân…

Quá khứ hào hùng

Kể với phóng viên VietnamPlus về truyền thống của ngành mình, Thượng tá Đỗ Thanh Hải (Trưởng Phòng Tuyên truyền và xây dựng phong trào Toàn dân Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ) nói rằng, tiền thân của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã có từ lâu đời.

Ấy là những câu chuyện từ thời điểm đầu năm 1945, Sở Chữa lửa Sài Gòn có nhiều cuộc diễn thuyết nói về áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, tổ chức thanh niên làm nòng cốt tham gia giành chính quyền. Tới tháng 9/1945, binh sỹ cứu hỏa nhận được lệnh đấu tranh giải phóng cho người và xe chữa cháy, tản cư về Bến Lức tỉnh Long An để tham gia kháng chiến chống Pháp ở Sài Gòn – Chợ Lớn…

Cận cảnh một vụ dập tắt đám cháy. (Nguồn: Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ)

Tại Hà Nội, sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, địch có ý đồ rút phương tiện máy móc chữa cháy vào Nam. Đội cứu hỏa Hà Nội đã tích cực đấu tranh và giữ lại được toàn bộ phương tiện máy móc cho đến ngày giải phóng Thủ đô. Ngày 11/10/1954, Sở Liêm Phóng Hà Nội tiếp quản Đội cứu hỏa và đến tháng 12/1954 thành lập Đại đội cứu hỏa gồm 60 cán bộ, chiến sỹ.

Ở các địa phương, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lần lượt được thành lập lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy được ra đời. Năm 1958, Bộ Công an Quyết định thành lập phòng Phòng hỏa, cứu hỏa trực thuộc Vụ Trị an dân cảnh. Đây là tổ chức tiền thân của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ bây giờ.

Tổ chức cứu hộ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tổ chức cứu hộ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong thời chiến, cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã thắp lên những ngọn lửa hào hùng. Ấy là câu chuyện về chiến sỹ Hạnh Bum đã hy sinh khi bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng trong buổi diễu hành cùng hàng vạn người giữa Sài Gòn vào 28/8/1945; ngày 8/6/1965, máy bay Mỹ phá trận địa tên lửa và pháo phòng không tại Ninh Bình, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã cắt được luồng lửa đang cháy xung quanh quả tên lửa rồi di chuyển đến địa điểm an toàn; chữa cháy 4 xà lan lớn chở xăng dầu trên Vịnh Hạ Long (1967); chữa cháy Tổng kho xăng dầu Đức Giang (kho dự trữ xăng dầu lớn nhất phục vụ phát triển miền Bắc, chi viện miền Nam) và hàng trăm vụ cháy lớn phức tạp khác xảy ra trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội…

Trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã nghiên cứu, chế tạo trên 5.000 bom cháy và vũ khí gây cháy phục vụ việc đánh phá kho tàng, hậu cứ của địch. Trong cuộc tổng tiến công giải phòng miền Nam năm 1975, lực lượng đã theo sát quân chủ lực tiếp quản những đô thị mới được giải phóng và triển khai kịp thời lực lượng, phương tiện và các biện pháp phòng cháy chữa cháy, góp phần giữ gìn và ổn định an ninh trật tự cho nhân dân.

Hiểu rõ tầm quan trọng của lực lượng, ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 53/LCT ban hành Pháp lệnh việc quy định Quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy. Tới tháng 5/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 175/TTg, trong đó quy định lấy ngày 04/10 hằng năm là “Ngày truyền thống toàn dân phòng cháy chữa cháy.” Luật Phòng cháy chữa cháy có hiệu lực thi hành từ 4/10/2001 quy định lấy ngày 4/10 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy.”

Niềm vui khi cứu thành công một chú chó nhỏ trong đám cháy của chiến sỹ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Niềm vui khi cứu thành công một chú chó nhỏ trong đám cháy của chiến sỹ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Xung trận” giữa thời bình

Không chỉ trong chiến trận, giữa thời bình, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy cũng xác định “xung trận” bất cứ khi nào có “giặc lửa.”

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ kể rằng, khi đất nước bước vào thời kỳ khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh, lực lượng này vừa củng cố, xây dựng tại các tỉnh phía Nam vừa thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng cháy chữa cháy.

Trong lúc đất nước gặp khó khăn về nhiên liệu, lại liên tiếp xảy ra cháy hầm lò khai thác than, việc cứu chữa rất khó vì thiếu phương tiện, thiết bị đặc chủng. Thế nhưng, với sự sáng tạo trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã ngăn chặn và dập tắt nhiều vụ như cháy mỏ than Ngọc Kinh (Đà Nẵng), mỏ than Vàng Danh (Quảng Ninh) với sáng tạo dùng khói bom Napan để dập tắt đám cháy…

Những năm qua, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã chủ động xây dựng mới, chỉnh lý bổ sung các bài chiến thuật chữa cháy; các phương pháp, biện pháp chữa cháy đối với các cơ sở, dây chuyền công nghệ mới như: chiến thuật chữa cháy đối với các cơ sở chế biến, chuyền tải dầu mỏ, khí đốt; chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, và các cơ sở sản xuất kho tàng có quy mô lớn; nhà cao tầng, nhiều tầng…

Dù đã được đầu tư nhiều hơn, song có một thực tế là lính cứu hỏa vẫn còn thiếu về số lượng và trang thiết bị khi “giáp lá cà” với giặc lửa.

Những người lính cứu hỏa  sẵn sàng lao vào lửa để cứu người... (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những người lính cứu hỏa  sẵn sàng lao vào lửa để cứu người… (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cái khó ló cái khôn, trong bối cảnh đó, lực lượng đã tìm nhiều biện pháp khắc phục với việc tổ chức khoa học, hợp lý công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu.

Hằng năm lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã phối hợp với cơ sở dân phòng… kịp thời cứu chữa nhiều vụ cháy lớn, nguy hiểm, hạn chế được thiệt hại mang lại hiệu quả tốt như: Chữa cháy các kho đạn ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Nam, Đà Nẵng; chữa cháy tàu trên sông Cửu (Quảng Ninh); các vụ chữa cháy chợ Vinh (Nghệ An), chợ Sắt (Hải Phòng); chữa cháy bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) bảo vệ an toàn khu nhà bệnh nhân; cháy tại chung cư JSC 34, đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội), cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội)…

“Chỉ tính riêng hiệu quả công tác chữa cháy, hằng năm lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã cứu được lượng tài sản khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng, trực tiếp cứu và tổ chức thoát nạn cho hàng trăm người,” Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh cho biết.

Bên cạnh nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng này.

9 tháng đầu năm 2017: Đã thực hiện 1.956 vụ cứu nạn cứu hộ, hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người, trực tiếp cứu 283 người, tìm được 203 thi thể nạn nhân. 

Qua bốn năm triển khai, lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ đối với 1.558 sự cố, tai nạn. Trong đó, có 465 vụ cháy, nổ (chiếm 29,85%), 646 vụ dưới nước (chiếm 41,46%), 113 vụ tai nạn giao thông (chiếm 7,25%), 47 vụ sập đổ công trình (chiếm 3,02%), 79 vụ trên cao, trong hang hầm, giếng sâu (chiếm 5,07%), 208 sự cố, tai nạn khác (chiếm 13,35%); tổ chức hướng dẫn thoát nạn hàng chục nghìn người; cứu được 1.410 người; tìm kiếm được 580 xác nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý…

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2017, lực lượng đã thực hiện 1.956 vụ cứu nạn cứu hộ, tổ chức hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người, trực tiếp cứu 283 người, tìm được 203 thi thể nạn nhân.

Tới ngày 18/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Nhiệm vụ lại càng nặng nề, song những người chiến sỹ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ luôn ý thức được trọng trách mang trên vai, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ.

Và, đâu đó trên phố phường, bất kể ngày hay đêm, mỗi lần còi hú vang lên, những chiếc xe màu đỏ bon bon trên đường là lại một lần những người lính cứu hỏa ra trận. Khoác trên vai màu xanh áo lính, với họ, sẽ không có giấc ngủ ngon khi “giặc lửa” luôn rình rập, những sự cố, tai nạn vẫn reo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân…/.

Với những mốc son đã đạt được, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã nhận được hững phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như Huân chương Quân công hạng Nhất (năm 1981); Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1996); Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2001). 

Riêng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy nhận được Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2006); Huân chương Chiến công Hạng ba (năm 2007); Huân chương Quân công Hạng ba (năm 2011).

Ngoài ra, có 15 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong toàn lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy.  

Dập tắt đám cháy xưởng nhựa tại Trung Văn, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dập tắt đám cháy xưởng nhựa tại Trung Văn, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)