Lính cứu hỏa

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tới căn phòng nhỏ, bày biện giản dị nằm trên tầng hai tòa nhà Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ là bộ trang phục, mũ đặc chủng dành cho người lính cứu hỏa. Bên góc phải phía gần hành lang, chiếc bình cứu hỏa mini được đặt ngay ngắn…

Kiệm lời và khéo léo tránh những câu trả lời về mình, vị tướng cả đời gắn mình với công việc phòng cháy chữa cháy giãi bày về những trăn trở của ông với công tác nâng cao nhận thức cho người dân hay những đau đáu về trang thiết bị cho những người lính còn thiếu thốn khi giáp mặt với “giặc lửa.”

Rồi ông bảo, đã chọn làm lính cứu hỏa thì gian khó không sợ, hiểm nguy không từ. Nhưng điều họ mong muốn là được đặt đúng vị trí, được sự sẻ chia, thấu hiểu từ các cấp lãnh đạo và đặc biệt là người dân…

Nhân 56 năm “Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy” (4/10) phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) về những khó khăn mà lực lượng này gặp phải khi giáp mặt với “giặc lửa.”

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh dành cả đời mình cho công việc phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh dành cả đời mình cho công việc phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Xây ý thức bằng mô hình an toàn

– Thưa Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, trong những năm qua, hình ảnh người lính cứu hỏa đã trở nên gần gũi với rất nhiều người dân. Nhiều vụ cháy lớn đã được các chiến sỹ xả thân dập lửa, cứu người. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng khiến nhiệm vụ càng nặng nề. Xin ông điểm qua một số công việc chính trong năm nay của cơ quan Cục?

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Hiện nay, toàn bộ lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ vào khoảng hơn 20.000 cán bộ chiến sỹ, trong đó có khoảng 13.000 trong biên chế.

Năm 2017, về chức năng quản lý Nhà nước, cơ quan Cục đã tham mưu cho cơ quan Trung ương tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Vào ngày 18/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83, quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Đây là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tin tưởng giao phó và chúng tôi sẽ phấn đấu tiếp tục thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Có thể nói đến lúc này, điều phấn khởi là hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện khi chúng ta có Luật Phòng cháy và Chữa cháy, Chỉ thị của Ban Bí thư, của Chính phủ cũng như hàng loạt Nghị định, Thông tư hướng dẫn…

– Như ông nói, hành lang pháp lý đã đầy đủ nhưng việc thực hiện ra sao?

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Nhận thức là điều lúc nào chúng tôi cũng canh cánh. Mà nhận thức phải mang tính chất hệ thống từ các cấp chỉ đạo, chính quyền, người đứng đầu cơ sở, cơ quan, tổ chức tới chủ hộ gia đình và trách nhiệm cá nhân.

Rõ ràng, là người đứng đầu tổ chức, anh phải quan tâm lo lắng, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Trong những năm qua, dù nhận thức về phòng cháy đã được nâng lên nhưng vẫn còn hạn chế…

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh. (Clip: Minh Sơn/Vietnam+)

– Chúng ta đã tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng cháy chữa cháy như thế nào, thưa ông?

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Chúng tôi cũng đã triển khai rất nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, từ việc phối hợp cùng các cơ quan báo chí đến cử cán bộ địa bàn trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn tại cơ sở, khu dân cư. Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí cũng đã kịp thời phản ảnh các cơ sở chấp hành chưa tốt quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Thông qua việc này, các đơn vị làm chưa tốt sẽ phải hoàn thiện mình và những nơi làm tốt thì cần phấn đấu làm tốt hơn nữa.

Tại các địa phương, chúng tôi cũng xây dựng và duy trì hoạt động những mô hình hay như khu dân cư an toàn, cụm công nghiệp an toàn, giáo xứ an toàn, trường học an toàn… Thời gian tới, các mô hình này sẽ tiếp tục được phát triển.

Dập lửa trong vụ cháy kinh hoàng tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dập lửa trong vụ cháy kinh hoàng tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Điều tôi rất trăn trở là hiện nay chúng ta chưa có các trung tâm giáo dục cộng đồng ở các tỉnh, thành phố lớn. Tại các trung tâm này, sẽ có tất cả những điều kiện có thể nâng cao kiến thức cho trẻ nhỏ, thậm chí cả người lớn bằng các mô hình như dựng lại các vụ cháy, sự cố, hiểm họa cũng như hậu quả của nó gây ra.

Cũng tại trung tâm ấy, người dân được tiếp cận các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; được hướng dẫn cách chữa cháy ban đầu; nhận biết các biển báo khi vào tòa nhà để có thể thoát ra an toàn khi sự cố bất chợt xảy ra…

Tại Việt Nam, hiện tại chỉ có trường Đại học Phòng cháy chữa cháy có mô hình này.

Lo từng bước chân chiến sỹ

– Là một người luôn dõi theo các bước chân của chiến sỹ khi “ra trận” chiến đấu với “giặc lửa,” điều gì khiến ông lo nhất trong mỗi lần xuất quân?

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: An toàn! Muốn cứu được người, dập được lửa thì phải giữ được an toàn cho chính mình.

– Việc an toàn phụ thuộc khá nhiều vào trang thiết bị cho chiến sỹ, nhưng có vẻ như chúng ta chưa được trang bị đầy đủ…

Muốn cứu được người, dập được lửa thì phải giữ được an toàn cho chính mình.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Thời gian gần đầy, sự quan tâm của Nhà nước cho việc đảm bảo an toàn của người lính khi trực diện cứu chữa sự cố cháy nổ xảy ra đã được nâng lên. Tuy nhiên, số lượng trang thiết bị dành cho lực lượng chưa được đảm bảo. Thậm chí, tính theo tỷ lệ thì còn ở mức thấp.

Hiện nay, cái mà anh em thiếu nhất là thiết bị thở và trang thiết bị cứu hộ. Khi sự cố cháy nổ diễn ra, khói, khí độc và nhiệt độ sẽ tác động chính tới cơ thể con người.

Thông thường, nhiệt độ đám cháy thường trên 1.000 độ mà cơ thể chúng ta sẽ phản ứng không tốt trong môi trường 70 độ. Mà, để chữa cháy hiệu quả thì phải vào càng gần gốc lửa càng tốt, do đó phải có trang thiết bị là quần áo cách nhiệt, bình oxi… cho anh em.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung xem xét và xin trang bị, giúp các chiến sỹ an toàn hơn trong khi thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, các ngôi nhà đã cao mấy chục tầng chứ không chỉ còn dưới 10 tầng như ngày trước nên cần phải có các giải pháp, trang thiết bị hiện đại, công nghệ mới để xử lý các tình huống khi sự cố ở trên cao.

Ngoài phòng cháy chữa cháy, lực lượng cảnh sát còn đảm trách nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) 
Ngoài phòng cháy chữa cháy, lực lượng cảnh sát còn đảm trách nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) 

– Bên cạnh những hạn chế trên, một trong những hạn chế mà người dân thấy rõ là đường sá nhỏ trong khi xe cứu hỏa to khiến khó di chuyển tới địa bàn. Việc này sẽ được khắc phục thế nào?

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Để khắc phục điều này, chính quyền một số nơi đã thành công khi xây dựng các bể nước công cộng, có hệ thống đường ống, lăng vòi để chữa cháy. Khi sự cố xảy ra, các yếu tố tại chỗ bảo đảm sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác cứu chữa.

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cũng nghiên cứu để có phương án sử dụng môtô chữa cháy đối với địa bàn đô thị phố nhỏ, ngõ nhỏ.

– Rõ ràng, trong thời bình nhưng mỗi lần dập lửa được xem như một lần ra trận, thậm chí đã có chiến sỹ hi sinh khi làm nhiệm vụ. Vậy, chế độ của họ được quan tâm như nào, thưa ông?

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Về chế độ chính sách cho lực lượng Công annói chung, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ nói riêng phụ thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội. Và, thực tế là điều kiện, chế độ với họ đang còn khó khăn.

Tôi lấy ví dụ như anh em trong điều kiện tập luyện vất vả, đòi hỏi thể lực cao thì cần chế độ ăn uống phải đủ dinh dưỡng. Anh em chữa cháy phải thường xuyên tiếp xúc với khói, khí độc, nhiều người bị bệnh nghề nghiệp liên quan tới đường hô hấp, tim mạch… tất cả đều do điều kiện chiến đấu không đảm bảo.

Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần phải có chế độ tốt hơn, dành sự quan tâm hơn nữa tới lực lượng chiến đấu trực tiếp.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh (phải) trong một lần kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ. (Nguồn: Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ).
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh (phải) trong một lần kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ. (Nguồn: Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ).

Cần sự sẻ chia

– Là người dành cả đời cho công tác phòng cháy chữa cháy, xin Thiếu tướng cho biết, thứ mà anh em trong lực lượng cần nhất hiện nay là gì?

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: Chế độ thì ai cũng quý, nhưng cái cần nhất hiện nay, theo tôi, đó chính là sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu.

Khó khăn đến mấy anh em cũng không ngại khi đã dấn thân vào nghề này, nhưng khi khó khăn được chia sẻ, khích lệ từ những người có trách nhiệm, người dân… Có thấu hiểu thì sẽ chia sẻ, phối hợp và khi ấy, những người lính chúng tôi sẽ có thêm sức mạnh để tiếp tục hăng say chiến đấu.   

Tôi cho rằng, để lực lượng thực sự phát huy tốt vai trò của mình thì cần phải đặt lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ở vị trí xứng đáng.

Chế độ thì ai cũng quý, nhưng cái cần nhất hiện nay, theo tôi, đó chính là sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho lực lượng và công tác đào tạo được chúng tôi hết sức chú trọng. Tuy nhiên, điều kiện để tổ chức thực hiện các tình huống giả định còn gặp nhiều khó khăn.

Chúng tôi chưa có các trung tâm huấn luyện thực hành với các tình huống thực tế. Khi cán bộ chiến sỹ học trong trường ra, cần có các trung tâm này để xây dựng phương án, tính toán lực lượng, phương tiện, chiến thuật, kỹ thuật… để khi áp dụng vào thực tế được linh hoạt và chính xác. Đó cũng là bài toán mà chúng tôi cần tháo gỡ trong thời gian tới.

– Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi này!

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh sinh năm 1959 tại Ninh Bình. Ông có học vị là tiến sĩ phòng cháy chữa cháy. 

Trước khi trở thành Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh từng là giảng viên và giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.

Những vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra phần lớn là do ý thức của người dân chưa cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra phần lớn là do ý thức của người dân chưa cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)