Ba câu chuyện hoang đường

ttxvndoido-1506770684-47.jpg

Tây Ban Nha đang đối mặt với cuộc khủng hoảng hiến pháp tồi tệ nhất kể từ cuộc đảo chính thất bại năm 1981, được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân túy theo kiểu Brexit.

Việc nhìn nhận một cách lãng mạn các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài có liên quan tới quyền tự quyết là một cái bẫy thường thấy. Hình tượng “những kẻ áp bức” đối đầu với “các chiến binh vì tự do” có sức hấp dẫn và phải thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo của Catalunya đã thúc đẩy thành công nghị trình của họ ở nước ngoài chỉ bằng những thuật ngữ như vậy – đôi khi còn đi xa tới mức nhắc đến cuộc đấu tranh của Nelson Mandela chống lại chủ nghĩa Apartheid.

Kết hợp với sức hút quyền lực mềm của đô thị thế giới Barcelona, đã có nhiều sự nhầm lẫn ở nước ngoài về bản chất của cuộc khủng hoảng hiện nay tại Catalunya, và đầy rẫy những câu chuyện hoang đường và khuôn mẫu sáo rỗng – được giúp sức bởi những người như Assange và các nhân vật tương tự.

Bài viết này tìm cách kiểm tra một số câu chuyện hoang đường này để giải thích không chỉ tranh luận về cuộc trưng cầu ý dân tại Catalunya, mà còn cả những vấn đề rộng hơn đối với các nền dân chủ đa nguyên và pháp trị.

Động lực trong cuộc tranh luận tại Catalunya tương tự với động lực đang diễn ra tại các nước châu Âu khác trong thời đại chủ nghĩa dân túy, và vì vậy có tầm quan trọng cơ bản đối với tương lai của toàn bộ châu Âu.

Người dân tuần hành đòi độc lập bên ngoài Tòa án Hiến pháp ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 6/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân tuần hành đòi độc lập bên ngoài Tòa án Hiến pháp ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 6/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Câu chuyện hoang đường thứ nhất

Tiến trình trưng cầu ý dân hợp pháp và dân chủ bị nhà nước Tây Ban Nha kiềm chế một cách không công bằng

Câu chuyện hoang đường thứ nhất là cuộc trưng cầu ý dân theo kế hoạch sẽ là một tiến trình dân chủ hợp pháp, được Quốc hội Catalunya thông qua và bị nhà nước Tây Ban Nha cấm đoán một cách không công bằng.

Thế nhưng cách thức đạo luật ly khai (“đạo luật tách rời”) – một đạo luật cho phép tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập và một cuộc trưng cầu khác về “Thời kỳ chuyển tiếp pháp lý” (cung cấp các yếu tố cho một nước cộng hòa Catalunya độc lập) – được thông qua ngày 6/9 lại phi dân chủ đến kinh ngạc.

Khối ủng hộ độc lập, mà có được đa số rất mong manh, đã chà đạp lên các quy định trong Quốc hội Catalunya và quyền của các nghị sỹ phe đối lập.

Hai đạo luật đã được thúc đẩy thông qua trong một phiên họp vào buổi đêm, bất chấp những cảnh báo của các luật sư của Quốc hội Catalunya và phớt lờ yêu cầu của các nghị sỹ đối lập đòi phải có ý kiến của Ủy ban các đảm bảo theo luật pháp, mà có quyền đưa ra ý kiến về các đạo luật theo luật pháp Catalunya.

Khối ủng hộ độc lập, mà có được đa số rất mong manh, đã chà đạp lên các quy định trong Quốc hội Catalunya và quyền của các nghị sỹ phe đối lập.

Kết quả là phe đối lập (bao gồm đảng Xã hội chủ nghĩa Catalunya, đảng Ciudadanos theo đường lối tự do, đảng Nhân dân – PP và một số thành viên của liên minh cánh tả Catalunya Sí Que Es Pot) đã rời phiên họp để phản đối và không tham gia cuộc bỏ phiếu. Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã đình chỉ đạo luật này, nhưng các lực lượng cầm quyền tại Catalunya đã thề phớt lờ phán quyết của tòa án và tiếp tục thúc đẩy thông qua.

Quả thực, họ đã thông báo rằng sẽ tuyên bố độc lập cho dù Chính phủ Tây Ban Nha có cho phép tổ chức một cuộc bỏ phiếu như vậy hay không, trên thực tế khiến cuộc trưng cầu trở thành một cuộc bỏ phiếu trực tiếp của toàn dân về một quyết định đã được đa số cầm quyền đưa ra.

Tất cả những điều này tương đương với một sự vi phạm rõ ràng các quy định do Ủy ban Venice của Hội đồng châu Âu đặt ra, theo đó đòi hỏi, trong số các điều kiện khác, một tiến trình đem lại cơ hội công bằng, một chính quyền trung lập và pháp chế ít nhất theo luật định được thông qua ít nhất 1 năm trước khi cuộc trưng cầu diễn ra.

EU đầu tư hàng triệu euro vào việc củng cố nền dân chủ nghị viện tại các nước thành viên hoặc nước đối tác để tránh chính tình trạng lạm dụng quyền lực đã được chứng kiến tại Quốc hội Catalunya vào đầu tháng 9. Thế nhưng khối này lại viện tới việc nêu danh và rút viện trợ, khi những tiêu chuẩn này bị vi phạm một cách ngang nhiên tại chính châu Âu.

Cảnh sát Tây Ban Nha gác tại Barcelona,    kiên quyết ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp tại Catalunya. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Tây Ban Nha gác tại Barcelona, kiên quyết ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp tại Catalunya. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Câu chuyện hoang đường thứ 2

Tây Ban Nha “hậu Franco” đàn áp “Catalunya dân chủ”

Chính phủ bảo thủ của Madrid là một mục tiêu phổ biến và dễ dàng cho những nhà bình luận thể hiện đức hạnh, nhưng lại thiếu dũng khí công kích những Franco thực sự thời hiện đại như ở một số quốc gia. Nhưng Tây Ban Nha không phải là một người khổng lồ Goliath, và chính phủ Catalunya của Carles Puigdemont cũng không phải là một chàng David sùng đạo và không thể tự vệ.

Tây Ban Nha thời hiện đại là một nền dân chủ đa nguyên được xếp thứ hạng cao theo mọi tiêu chí được công nhận. Chính phủ thiểu số của Thủ tướng Rajoy phải chịu sự kiểm soát của nhiều cơ chế “kiểm soát và cân bằng,” và bản thân thủ tướng mới đây đã phải ra làm chứng trước cả tòa án lẫn quốc hội cho một vụ tham nhũng quy mô rất lớn đang bao trùm đảng của ông. Các thành phố chính của Tây Ban Nha, Madrid và Barcelona, được lãnh đạo bởi các liên minh cánh tả do đảng Podemos ủng hộ, và các dàn xếp chia sẻ quyền lực là quy tắc ở cấp khu vực.

Quả thực, Catalunya đã được hưởng các quyền tự trị rất rộng, vượt xa những khu vực khác có tư tưởng độc lập tương tự tại châu Âu, chính xác dựa trên nền tảng của hiến pháp và quy chế, được người dân Catalunya bỏ phiếu thông qua năm 2006, mà đa số nắm quyền vừa quyết định đơn phương bãi bỏ.

Một điều chắc chắn là, như các nền dân chủ phương Tây khác, hoạt động điều hành Tây Ban Nha phải chịu nhiều căng thẳng. Sự cần thiết phải có cải cách thể chế và đem lại sinh khí cho hoạt động này là một trong những động lực thúc đẩy giúp giải thích nền chính trị nhiều rắc rối của Tây Ban Nha. Nhưng lời khẳng định rằng chủ nghĩa Franco đội lốt đang diễn ra là điều lố bịch.

Thay vì là một cuộc chiến giữa David và Goliath, vấn đề Catalunya là một sự va chạm phức tạp giữa các tính hợp pháp dân chủ: đa số hiện nay trong Quốc hội Catalunya đối đầu với đa số trong Quốc hội Tây Ban Nha. Nhiều người Catalunya (cho dù không phải là đa số theo phần lớn các cuộc thăm dò) muốn có nền độc lập hoàn toàn, nhưng nhiều người Tây Ban Nha cũng muốn có tiếng nói về tương lai của đất nước họ.

Và trong khi cách tiếp cận gần như hoàn toàn tuân thủ pháp luật của Chính quyền Madrid đã vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ (đôi khi cũng chính đáng), nó dựa trên một luận điệu hoàn toàn mang tính dân chủ: Rajoy không có sự ủy nhiệm để cho phép tổ chức một cuộc bỏ phiếu về quyền tự quyết tại Catalunya mà trước tiên không có cải cách quan trọng trong Hiến pháp Tây Ban Nha – và việc này đòi hỏi sự ủng hộ của người dân nước này.

Vấn đề Catalunya là một sự va chạm phức tạp giữa các tính hợp pháp dân chủ: đa số hiện nay trong Quốc hội Catalunya đối đầu với đa số trong Quốc hội Tây Ban Nha

Tương tự, khối ủng hộ độc lập, đại diện cho khoảng 45% khối cử tri Catalunya, quả thực có thể thúc đẩy có được nền độc lập, nhưng các phương thức hiện nay của khối này thể hiện sự coi thường quan điểm và quyền của người dân Catalunya khác. Hình ảnh Quốc hội Catalunya vắng tới nửa số nghị sỹ là minh chứng cho thấy vấn đề này không chỉ là về góc độ “Madrid đối đầu với Catalunya”.

Về mặt này, một điều đáng buồn là một số khía cạnh của nền chính trị hiện đang bao trùm Catalunya lại bắt chước chủ nghĩa bè phái và sự chia rẽ trong quá khứ tồi tệ nhất của Tây Ban Nha. Che giấu ý đồ phi dân chủ dưới vỏ bọc dân chủ, lực lượng cầm quyền tại Catalunya giống với nền chính trị phi tự do và do đa số quyết định, với hiện thân là đảng Pháp luật và Công lý (PiS) của Ba Lan, hơn là cuộc đấu tranh chính nghĩa của các nước vùng Baltic giải phóng mình khỏi xiềng xích của Liên Xô (lối so sánh ưa thích của họ).

Điều này đi kèm với một đường lối mang tính phân biệt chủng tộc đối với những người Tây Ban Nha khác, đôi khi được ủng hộ ở các cấp cao hơn của quyền lực Catalunya, gợi nhớ tới đảng Lega Nord của Italy. Một nước cộng hòa có thành kiến như vậy sẽ không thể đáp ứng các ngưỡng do hiệp ước Quy chế của Hội đồng châu Âu đặt ra, mà đòi hỏi các nền dân chủ đa nguyên dựa trên pháp trị và các quyền bình đẳng.

Một trong những lực lượng thúc đẩy đằng sau các cuộc biểu tình trên đường phố và toàn bộ động cơ ủng hộ độc lập nhìn chung là đảng cánh tả Đoàn kết nhân dân (CUP) chống EU và NATO, đảng đã đốt cờ EU, Tây Ban Nha và Pháp trong các cuộc míttinh của mình và đứng sau một làn sóng đe dọa chống lại các thị trưởng và thành viên hội đồng thành phố tại Catalunya phản đối cuộc bỏ phiếu này.

Sự chuyển hướng đáng lo ngại này của các sự kiện đã được minh họa một cách sống động bằng bài diễn văn đầy xúc động mới đây của Joan Coscubiela, người phát ngôn của liên minh Catalunya Sí Que Es Pot và là thành viên của nghiệp đoàn dệt may. Coscubiela đã cảnh báo về “việc lạm dụng” quyền lực của đa số, việc họ “chà đạp” lên các quyền dân chủ và sự suy thoái của các thể chế tại Catalunya, trước khi ông rời khỏi cuộc họp.

Các nghị sỹ biểu quyết tại phiên họp của Cơ quan lập pháp vùng Catalunya ở Barcelona ngày 6/9, thông qua dự luật trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Tây Ban Nha. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các nghị sỹ biểu quyết tại phiên họp của Cơ quan lập pháp vùng Catalunya ở Barcelona ngày 6/9, thông qua dự luật trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Tây Ban Nha. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Câu chuyện hoang đường thứ 3

Sự so sánh giữa Serbia và Kosovo

Chính quyền Catalunya cũng đã lấy tiền lệ Kosovo làm mũi nhọn dẫn đầu để củng cố những tuyên bố của họ về tình trạng khủng bố. May mắn cho cả Catalunya (một vùng giàu có) lẫn phần còn lại của Tây Ban Nha là sự so sánh với Serbia và Nam Tư của Milosevic nói chung không có giá trị gì: Chưa từng có một chiến dịch thanh trừng sắc tộc dữ dội nào, sự phân biệt đối xử có tính hệ thống nào dẫn đến những dòng người tị nạn ồ ạt rời khỏi đất nước và sự chỉ trích nào trước đó của quốc tế về sự đối xử của Tây Ban Nha đối với người dân vùng Catalunya của họ.

Điều không may là ở một số khía cạnh, các thế lực cầm quyền ở Catalunya lại giống một số bộ tộc ở vùng Balkan. Chẳng hạn, hãy xem sự liều lĩnh của họ khi thúc đẩy các kế hoạch yêu thích của mình, việc họ lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những vấn đề về cấu trúc và sự trỗi dậy của những tham vọng lãnh thổ đối với các vùng lân cận thuộc Tây Ban Nha dựa vào ngôn ngữ và các mối quan hệ thân tộc.

Thủ hiến vùng Catalunya  Carles Puigdemont trong bài phát biểu chi tiết về cuộc trưng cầu ý dân  tại một hội nghị ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 4/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ hiến vùng Catalunya Carles Puigdemont trong bài phát biểu chi tiết về cuộc trưng cầu ý dân tại một hội nghị ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 4/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những sự chia rẽ cạnh tranh nhau xung quanh Catalunya

Tây Ban Nha phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hiến pháp tồi tệ nhất của mình kể từ cuộc đảo chính thất bại năm 1981. Điều này được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân túy kiểu Brexit, thể hiện rõ ràng ở sự lặp lại những khẩu hiệu sáo rỗng mà mạnh mẽ (“Hãy để người dân Catalunya được bỏ phiếu” lặp lại khẩu hiệu “Giành lại quyền kiểm soát” của Brexit).

Trong bối cảnh của các biện pháp khắc khổ tàn khốc (do Chính quyền Catalunya khi đó gồm các nhà dân tộc chủ nghĩa ôn hòa áp đặt) và sự bất mãn với việc Tòa án hiến pháp cắt xén các phần của Quy chế (theo yêu cầu hợp hiến của đảng của Rajoy, khi đó là phe đối lập), “Tây Ban Nha” đã trở thành “vật tế thần” thích hợp, làm gia tăng mong muốn độc lập dù thế nào cũng chỉ được thiểu số ủng hộ.

Chính trị kiểu Brexit cũng hiện diện trong việc bêu xấu các “kẻ thù của nhân dân,” trong đó có các vị thẩm phán – những người bất đồng quan điểm với đường lối này hay những người đơn giản là tuân thủ các nghĩa vụ chung của họ.

Tây Ban Nha phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hiến pháp tồi tệ nhất của mình kể từ cuộc đảo chính thất bại năm 1981

Chiến dịch hậu sự thật theo kiểu Trump, phủ nhận thực tế và bóp méo sự thật, bao gồm cả việc xuyên tạc phát ngôn từ các thể chế của Liên minh châu Âu (EU) và các bộ ngoại giao, cũng hiển hiện rõ ràng. Những thế lực này đã kết hợp lại để đánh bại những người Catalunya theo chủ nghĩa dân tộc ôn hòa – những người giữ vai trò then chốt trong việc điều hành Tây Ban Nha, bị ảnh hưởng bởi các vụ tham nhũng nghiêm trọng.

Cuộc khủng hoảng bên trong và xung quanh Catalunya có lẽ đang dẫn đến một sự chia rẽ mới rộng lớn hơn ở Tây Ban Nha. Một bên là những người đề xướng “nền dân chủ đại chúng” (hiện bao gồm khối ủng hộ độc lập, đảng Podemos và các thế lực khác) – những người chú trọng chính trị đường phố kiểu nổi loạn và “ý chí của người dân”; và bên kia là những người bảo vệ sự cai trị của nền dân chủ dựa trên pháp luật (sự kết hợp của PP, Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha – PSOE, đảng Ciudadanos và nhiều người Catalunya ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp) – những người nhấn mạnh trật tự hợp hiến và các thể chế.

Phía những người đề xướng “nền dân chủ đại chúng” gán cho những biện pháp của Chính quyền Rajoy và các hành động của tòa án là sự trấn áp. Phía những người bảo vệ sự cai trị của nền dân chủ dựa trên pháp luật lên án chủ nghĩa độc tài ở Catalunya và thậm chí còn đề cập đến một cuộc đảo chính tại Quốc hội Catalunya. Sự chia rẽ này có thể sẽ xác định rõ đời sống chính trị của nước này trong những năm tới.

Hàng nghìn người biểu tình phản đối Catalunya tách khỏi Tây Ban Nha hồi tháng 1/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hàng nghìn người biểu tình phản đối Catalunya tách khỏi Tây Ban Nha hồi tháng 1/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một sự lựa chọn kiểu Scotland?

Một số người đề xuất một thỏa thuận theo kiểu Quebec hay Scotland cho một cuộc trưng cầu ý dân về quyền tự quyết được thông qua, với những sự đảm bảo thích đáng. Điều này sẽ đòi hỏi một cuộc cải cách cơ bản về Hiến pháp Tây Ban Nha năm 1978, vốn không nhận được sự đồng thuận chính trị.

Theo Hiến pháp Tây Ban Nha, chủ quyền tùy thuộc vào toàn bộ người dân Tây Ban Nha. Người ta có thể thích hoặc không thích điều này, nhưng nó không phải là không dân chủ và nó phù hợp với những điều khoản tương tự ở hầu hết các nền dân chủ phương Tây. Dĩ nhiên, bản dự thảo Hiến pháp Catalunya không mang lại quyền tự quyết trong phạm vi biên giới vùng này.

Lý tưởng thì một cuộc cải cách đáng kể về Hiến pháp Tây Ban Nha, trong đó có việc tăng cường hơn nữa quyền tự trị của Catalunya, bao gồm cả việc công nhận rõ ràng đặc điểm của họ là một quốc gia, có thể được xem xét. Nó sẽ đòi hỏi các cuộc bầu cử, đa số phiếu đủ điều kiện và một cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc, sau đó có lẽ là một cuộc trưng cầu ý dân cụ thể ở Catalunya.

Sự lựa chọn kịch bản tình huống tốt nhất này có thể đang hình thành trong trung hạn và giúp đưa một số “nhà độc lập chiến thuật” (những người ủng hộ nền độc lập để có được nhiều sự nhượng bộ hơn từ Madrid) trở lại hệ thống hiến pháp và ngăn chặn động lực thúc đẩy nền độc lập, chính xác là điều mà phong trào hiện tại ở Catalunya lo sợ. Cả Chính phủ Tây Ban Nha lẫn đảng PSOE đều tuyên bố trong những dịp khác nhau về quyền cai trị nhiều hơn ở trong nước – với điều kiện Chính quyền Catalunya trở lại theo trật tự hiến pháp.

Nhưng khoảng 30% người dân Catalunya đã cảm thấy bị mất kết nối với Tây Ban Nha, và việc xây dựng các cầu nối với bộ phận này sẽ là thách thức cực lớn, nếu không phải là không thể. Hơn nữa, trong khi nhiều người Tây Ban Nha ủng hộ các hình thức thỏa thuận khác nhau với Catalunya, có lẽ bao gồm cả một cuộc trưng cầu ý dân hợp pháp, tâm trạng mệt mỏi với việc Tây Ban Nha trở thành kẻ “giơ đầu chịu báng” và với sự tập trung thường xuyên vào những ưu tiên của một bộ phận cử tri Catalunya so với những vấn đề khác cấp bách hơn đối  với đất nước nói chung cũng ngày một gia tăng.

Đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Chính phủ Tây Ban Nha: Họ không thể phản ứng quá mạnh mẽ vì điều đó sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ hơn nữa ở Catalunya, nhưng họ cũng không thể đứng ì một chỗ vì trật tự dân chủ theo hiến pháp ở Catalunya gặp nguy hiểm.

Các nhà lãnh đạo của Tây Ban Nha đã tỏ ra không có khả năng tìm ra cách thoát khỏi thế bế tắc hiện tại, không giống như ở những giai đoạn then chốt khác trong lịch sử lập hiến của nước này

Những cuộc bắt bớ gần đây đối với các quan chức cấp 2 của Chính quyền Catalunya, theo lệnh của một thẩm phán thuộc Tòa án công lý tối cao tại Catalunya, vì những cáo buộc xúi giục các hành vi trái pháp luật, đã kích động hơn nữa các nhà độc lập, những người kiểm soát các đường phố, và các khu vực khác nữa. Mọi việc có thể sẽ trở nên xấu đi, làm tăng cường hội chứng tử vì đạo mà họ dựa vào đó để phát triển mạnh mẽ.

Nhưng người ta chỉ có thể tự hỏi nước Pháp sẽ phản ứng thế nào nếu Chính quyền đảo Corse bắt đầu đơn phương ly khai và tuyên bố chiếm hữu các tài sản của Pháp, hay nếu Chính quyền Bayern ở Đức hủy bỏ Hiến pháp Đức và không phục tùng thẩm quyền của Tòa án hiến pháp Liên bang Đức vì những tuyên bố rằng họ thất vọng khi phải “chu cấp” cho các bang ở Đông Đức.

Nghĩa là, cuộc khủng hoảng này là một thất bại to lớn của chính thể dân chủ Tây Ban Nha nói chung. Các nhà lãnh đạo của Tây Ban Nha (bao gồm cả các đảng mới) đã tỏ ra không có khả năng tìm ra cách thoát khỏi thế bế tắc hiện tại, không giống như ở những giai đoạn then chốt khác trong lịch sử lập hiến của nước này mà có sự hiện diện của nghệ thuật quản lý nhà nước.

Lớn lên ở xứ Basque trong những năm của cuộc nổi loạn đầy chết chóc của tổ chức Quê hương Basque tự do (ETA), tác giả nhìn thấy một số điểm tương đồng đáng lo ngại trong lời nói đầy hận thù, việc bêu xấu sự bất đồng quan điểm, và sự hình thành các khối chính trị bị phân cực ở Catalunya hiện nay, làm phân cực nền chính trị mà hiện đe dọa lan rộng đến phần còn lại của đất nước.

Vì vậy, các nhà chức trách ở Madrid đã sai lầm khi coi cuộc khủng hoảng này là một vấn đề nội bộ. Nó vượt ra ngoài vấn đề của Catalunya và liên quan đến châu Âu rộng lớn hơn. Vì thế, việc chấm dứt những câu chuyện hoang đường xưa cũ và nắm được ý nghĩa thực sự của điều này nằm trong lợi ích của châu Âu./.

Người dân vùng Catalonia tuần hành ủng hộ việc tách khỏi Tây Ban Nha ở Barcelona ngày 22/11/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân vùng Catalonia tuần hành ủng hộ việc tách khỏi Tây Ban Nha ở Barcelona ngày 22/11/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)